Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI NGÀY 20/6/20 - Noa Tự Do

Điểm tin tối 20/6: Lính Trung Quốc dùng ‘gậy sắt hàn đinh’ tấn công binh sĩ Ấn Độ 'tay không tấc sắc'

Lính Trung Quốc dùng ‘gậy sắt hàn đinh’ tấn công binh sĩ Ấn Độ ‘tay không tấc sắt’Các cựu binh Ấn Độ đã chỉ trích Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) về “tính man rợ”, và vi phạm các quy tắc khi sử dụng vũ khí thô chống lại các binh lính Ấn Độ không vũ trang, sau khi 20 người bị sát hại tại khu vực tranh chấp biên giới hai nước đêm ngày 15/6.“Các binh sĩ của chúng tôi không mang theo gậy gộc hay bất kỳ loại vũ khí nào như vậy, nhưng binh lính Trung Quốc đã thủ sẵn những cây gậy sắt, hoặc gậy kim loại gắn đinh tua tủa, hoặc gậy gỗ bọc quanh bởi dây thép gai, và một số loại vũ khí khác – và họ đã tấn công sĩ quan chỉ huy và người dân của chúng tôi”, Trung tướng đã nghỉ hưu Rakesh Sharma, người trước đây từng phục vụ trong quân đội Ấn Độ tại cùng địa điểm, trao đổi với The Epoch Times qua điện thoại từ New Delhi.<!>

Hôm 18/6, Đại tá đã nghỉ hữu Ajai Shukla, một nhà phân tích quốc phòng và chiến lược gia, đã chia sẻ một bức ảnh trên Twitter (ảnh dưới) về các vũ khí được sử dụng.
“Những chiếc gậy gắn đinh – được lính Ấn Độ thu nhặt được tại hiện trường đụng độ ở thung lũng Galwan – đã được binh lính Trung Quốc dùng để tấn công một đội tuần tra của quân đội Ấn Độ và sát hại 20 binh lính Ấn”, ông viết trên dòng trạng thái Twitter. “Hành vi dã man như vậy phải bị lên án. Đây là côn đồ, không phải lính”. 
Trung tướng Gurmeet Singh, phó tham mưu trưởng quân đội đã nghỉ hưu, người từng phục vụ 40 năm trong quân đội và từng ghé thăm Trung Quốc 7 lần trên cương vị, nói với tờ The Epoch Times qua điện thoại rằng quân đội Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc quân sự mà họ đã ký kết với quân đội Ấn Độ và rằng cuộc tấn công cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của những binh lính đó.
“Đây có phải là hành vi của quân đội hay không? Đây có phải là hành vi của một người lính hay không? Nó cho thấy quân đội Trung Quốc thực ra không phải là một đội quân chính quy bình thường như ở các nước. Họ không biết tôn trọng cách thức vận hành tiêu chuẩn của nhà binh. Và đúng là như vậy, bởi vì quân đội Trung Quốc là đội quân của một đảng chính trị. 
Những ngọn nến bày tỏ lòng thành kính đến những binh sĩ Ấn Độ hy sinh trong cuộc đụng độ gần đây
Trước cuộc xung đột biên giới gây tổn hại sinh mạng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một bài phát biểu quốc gia hôm 17/6 đã nói rằng, “trong mọi trường hợp”, Ấn Độ sẽ bảo vệ cho “mỗi tấc đấc” của mình.
“Bảo vệ chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta là ưu tiên hàng đầu, và không ai có thể ngăn cản chúng ta làm điều đó. Không ai nên nghi ngờ hay ảo tưởng về điều này. Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng nếu bị khiêu khích, trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ có thể đáp trả một cách thỏa đáng”, ông nói.
Tuy rằng chính quyền Trung Quốc không công bố chính thức con số thương vong của phía Trung Quốc, nhưng tờ báo tiếng Hindi của Ấn Độ Navbharat Times ngày 17/6 cho rằng có 43 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong vụ việc. Cựu trung tướng Sharma cho biết, dựa trên hoạt động trực thăng ở phía Trung Quốc, Ấn Độ ước tính số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng là từ 30 đến 43.

Điều gì đã xảy ra ở thung lũng Galwan?

Các cựu binh Ấn Độ nói rằng điều quan trọng là phải hiểu được vùng địa hình và diễn biến sự việc xảy ra tại khu vực biên giới tranh chấp, còn gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc thì mới hiểu được vụ việc dẫn đến cái chết của rất nhiều binh sĩ.
Các binh sĩ của Lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ (BSF) bảo vệ một đường cao tốc dẫn tới Leh, giáp ranh Trung Quốc, ở Gagangir, Ấn Độ, vào ngày 17/6/2020 
Theo ông Sharma, vụ việc xảy ra cách 1-2 dặm từ nơi con sông Galwan, một nhánh của sông Ấn, giao cắt với sông Shyok. Khu vực trên dãy Himalaya, nằm cao hơn 5.000m so với mực nước biển và có mức nhiệt dưới 0 độ C này, là cực kỳ khắc nghiệt. Quân đội Ấn Độ đang xây dựng một con đường trong khu vực mà Trung Quốc không muốn.
Ông nói cả hai phía Ấn Độ và Trung Quốc đều không có con đường nào nối đến sông Galwan, và cho đến gần đây cả hai bên đều tuần tra trên bộ tại khu vực này.
“Trong vòng ba đến bốn năm trở lại đây, chúng tôi đã xây dựng một con đường huyết mạch chính dọc theo phía Tây của sông Shyok, và tạo ra một cây cầu trên sông Shyok”, ông Sharma nói.
Tình trạng căng thẳng gần đây nổ ra một vài tuần trước, sau khi Ấn Độ bắt đầu xây dựng một con đường trung chuyển đến Thung lũng Galwan. Ngày 15/6, quân đội Ấn Độ đã chứng kiến người Trung Quốc vượt sang địa phận Ấn Độ của Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) và “chiếm đóng các khu vực”, làm dấy lên cuộc đối đầu giữa quân đội hai bên.
Ảnh chụp vệ tinh Google Maps nơi giao cắt giữa sông Galwan và sông Suyok. Theo cựu Trung tướng Rakesh Sharma, cuộc xung đột đã dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ, cách nơi giao cắt 1-2 dặm.
Ông Sharma cho biết hai nước đã ký tổng cộng năm hiệp ước từ năm 1993 đến 2013, xác định các giao thức giải quyết xung đột đối với khu vực tranh chấp LAC mỗi khi mâu thuẫn hoặc tranh chấp xảy ra.
“Đáng lý ra hai bên cần thôi chiến đấu và trở về khu vực của mình, sau đó tổ chức các cuộc gặp riêng để giải quyết vấn đề, cách làm này đã được duy trì từ năm 1993. Tuy nhiên, trong năm đến sáu năm trở lại đây, quân đội Trung Quốc đã không tuân theo nguyên tắc truyền thống này”, ông Sharma nói.
Ngày 15/6, vị sĩ quan chỉ huy người Ấn Độ, một trong số 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, đã đến LAC và nhìn thấy lính Trung Quốc đang ở bên lãnh thổ của Ấn Độ. “Ông đã nhanh chóng yêu cầu những người đó rời đi và quay trở lại chỗ của họ … và đó là lúc quân Trung Quốc quyết định hạ thủ” và thực hiện cuộc tấn công, ông Sharma cho biết.
Cuộc giao tranh xảy ra trên “một gờ đá nhỏ … phía bên trên bờ sông”, và khi những người lính Ấn Độ không vũ trang bị tấn công, đó là vào ban đêm và nhiệt độ đang dưới mức rất lạnh. Nhiều binh sĩ đã rơi ra khỏi gờ đá và chết, theo Sharma.
Một cựu binh Ấn Độ khác, Thiếu tướng Amul Asthana, người cũng từng làm nhiệm vụ trong địa hình khắc nghiệt tương tự, nói với The Epoch Times qua điện thoại rằng Trung Quốc muốn chiếm lấy những vị trí cao trên LAC để giành được lợi thế quân sự chiến lược.
Nhiều vị trí thuận lợi như vậy hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ. Trong khi người Trung Quốc đã xây dựng các công trình giám sát trên LAC, Ấn Độ cho đến gần đây tại nhiều địa điểm vẫn chủ yếu là tuần tra trên bộ và gần đây mới bắt đầu xây dựng các công trình giám sát ở đó.
Ông Asthana cho biết địa hình ngày càng trở nên khó tiếp cận sau tháng 10 và việc tuần tra trên bộ đã trở nên bất khả thi khi tuyết ngập đến 6 m – Ấn Độ cũng có những “tiền đồn bỏ trống vào mùa đông” trong khu vực bởi nó không có đài giám sát và khả năng hậu cần đầy đủ để có thể hiện diện thường trực liên tục trong cả năm.
“Nếu tôi có thể tiếp cận khu vực [ngay trong mùa đông], tại sao chúng tôi lại phải bỏ trống [những tiền đồn] này”, ông nói, đồng thời cho biết thêm chính vì vậy nên bất cứ khi nào quân đội Ấn Độ cố gắng xây đài giám sát trên LAC, quân Trung Quốc đều sẽ ráng sức ngăn cản.
Sau vụ đụng độ, Ấn Độ đã khẩn cấp điều máy báy chiến đấu đến biên giới Trung Quốc. Ở trong nước, nhiều nơi đã bủng nổ làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Các hãng smartphone lớn vốn có thị phần tiêu thụ lớn tại Ấn Độ Vivo, Oppo cũng như đang lao đao trước tình cảnh này.
Úc hứng chịu tấn công mạng quy mô lớn, thủ phạm có thể là Trung Quốc
 Một loạt các tổ chức chính trị và ở khu vực tư nhân tại Úc đã bị tấn công mạng quy mô lớn bởi “chính phủ hải ngoại”, thủ tướng Úc Morrison và Bộ trưởng Quốc phòng Reynolds tiết lộ hôm thứ Sáu (19/6) trong một cuộc họp báo, theo The Guardian.
Chính phủ Úc không chỉ đích danh quốc gia chịu trách nhiệm cho việc này, ngoại trừ việc nói đó là “thủ phạm ở quy mô chính phủ, với thực lực rất lớn”.
Thủ tướng Morrison đã từ chối trả lời một câu hỏi cụ thể về việc liệu đây có phải là Trung Quốc hay không, sau nhiều tháng căng thẳng trong mối quan hệ song phương Trung-Úc, nhưng các chuyên gia an ninh sau đó cho biết họ tin rằng, Trung Quốc, Nga và Triều Tiên là những quốc gia duy nhất phù hợp với mô tả của ông Morrison.
Peter Jennings, người đứng đầu Viện Chính sách chiến lược Úc và là cựu quan chức quốc phòng cấp cao, cho rằng cần xét đến yếu tố động lực, mục đích và mục tiêu. Nhưng ông cho rằng chỉ có “một quốc gia có kỹ năng, chiều sâu về năng lực cũng như động lực thực sự để làm điều này và đó là Trung Quốc”.

Hội đàm Pompeo và Dương Kiết Trì thất bại: Mỹ nói tuyên bố của Trung Quốc ‘phiến diện’, ‘không thực tế’

Ông Mike Pompeo và ông Dương Khiết Trì
Sau cuộc họp, giới phân tích bình luận rằng mọi vấn đề trong quan hệ hai bên vẫn còn nguyên.
Ngày 17/6, Cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì được cả thế giới quan tâm đã diễn ra tại Hawaii, Hoa Kỳ. Quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ rằng Hoa Kỳ cảm thấy thất vọng với cuộc đàm phán lần này, phía Trung Quốc không có thiện chí giải quyết vấn đề. Ông cũng nói rằng, hy vọng Bắc Kinh sẽ hiểu được những gì họ đang làm bây giờ căn bản là bất lợi đối với họ. Theo phân tích của ngoại giới, kết quả của cuộc đàm phán này là “cả hai bên Mỹ-Trung đều ngả bài”.
Cuộc gặp gỡ diễn ra tại căn cứ không quân Mỹ ở Trân Châu Cảng, Hawaii, trong 7 giờ đồng hồ.
Theo trang The New York Times, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, David Stilwell, bày tỏ với truyền thông hôm thứ Năm (18/6)) rằng, Hoa Kỳ cảm thấy thất vọng với thái độ của phía Trung Quốc.
Ông Stilwell nói rằng, mặc dù Trung Quốc đã đưa ra “cam kết vô cùng rõ ràng” và sẽ thực hiện giai đoạn đầu của Hiệp định Thương mại, Hoa Kỳ nhận thấy bên phía Trung Quốc không có biểu hiện mong muốn giải quyết vấn đề. Ngoài các tuyên bố chính thức của hai nước ra, phía Mỹ nói hai bên không đạt được tiến triển trong các vấn đề gây tranh cãi khác, điều này khiến cho mối quan hệ hai bên “xuống mức thấp nhất”.
Ông cũng nói rằng, trong tất cả các đề tài thảo luận lần này, Trung Quốc không có sự chân thành trong giải quyết vấn đề. Ông luôn hoài nghi các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông gọi các tuyên bố đó là “rất phiến diện”, “khắt khe” và “không thực tế”.
Stilwell nói, ông Pompeo biểu thị rõ ràng với phía Trung Quốc, mối quan hệ Mỹ-Trung cần phải “càng cùng có lợi hơn”, và nói rằng, thế giới đang theo dõi sát sao động thái của Bắc Kinh trong vài tuần tới, để xem liệu họ có hiểu được vấn đề này không.
Ông nói, một trong những mục tiêu trong hội nghị lần này là “giúp Bắc Kinh hiểu rằng hành động của Bắc Kinh sẽ gây bất lợi cho chính họ. Họ cần đánh giá lại hướng đi của mình”.
Liên quan đến dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, ông Stilwell nói rằng ông Pompeo nhấn mạnh, Hoa Kỳ kiên quyết yêu cầu Trung Quốc công khai tất cả dữ liệu và thông tin bùng phát dịch bệnh.

Hai bên đều ngả bài, Bắc Kinh đẩy nhanh “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”

Nhân viên truyền thông cấp cao Phan Tiểu Đào phân tích trên Apple Daily của Hồng Kông rằng, “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” trước đó không được đưa vào chương trình nghị sự của Đại Hội đại biểu Nhân dân Trung Quốc kỳ này. Nhưng sau cuộc họp tại Hawaii, Tân Hoa Xã bất ngờ tuyên bố rằng Đại Hội đại biểu nhân dân đã xem xét “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” và quy định rõ bốn hành vi tội phạm và trách nhiệm hình sự. Điều này có nghĩa là cuộc đàm phán giữa Dương Kiết Trì và Pompeo đã thất bại.
Ông phân tích, trước đây, ĐCSTQ muốn sử dụng “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” như một con bài mặc cả. Nếu cuộc đàm phán diễn ra suôn sẻ, luật sẽ bị đình chỉ, nếu không, luật sẽ bị đẩy nhanh.
Từ nội dung của thông cáo báo chí do Tân Hoa Xã phát hành, chúng ta có thể thấy rằng các cuộc đàm phán giữa hai bên đã không tiến triển. Do đó, ĐCSTQ lại một lần nữa lôi “Luật An ninh Quốc gia” để xem xét.
Theo một phân tích của Đài phát thanh truyền hình Pháp, sau cuộc hội đàm của Pompeo và Dương Kiết Trì, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều đưa ra những tuyên bố riêng để giải thích về cuộc đàm phán. Về cơ bản, tuyên bố của hai nước có thể nói là “ai nói người ấy nghe”. Tuyên bố phía Hoa Kỳ nói rằng ông Pompeo và Dương Kiết Trì đã trao đổi quan điểm và Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin minh bạch về dịch bệnh. Tuyên bố không đề cập đến bất kỳ vấn đề đồng thuận nào mà hai bên đạt được, trong khi phía Trung Quốc nói rằng hai bên đã tiến thêm một bước “đối thoại có tính xây dựng”.
Báo cáo nhận định, cuộc đàm phán này là cuộc “ngả bài” 2 bên Trung – Mỹ, đồng thời báo cáo cũng trích dẫn lời của Lý Thành, Giám đốc Viện Brookings Trung Quốc, nói: “Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã suy giảm và xấu đi nhanh hơn mọi người tưởng tượng, Hai bên không tin tưởng lẫn nhau”. Do đó, ông không lạc quan về cuộc gặp này.
Về vấn đề Hồng Kông, Hoa Kỳ đã nói rõ rằng nếu Hồng Kông có Luật an ninh quốc gia, thì không có Trung tâm tài chính Quốc tế. Theo phân tích, Bắc Kinh đang đo lường rằng Hoa Kỳ cũng có nhiều lợi ích ở Hồng Kông. Hoa Kỳ có thực sự sẽ từ bỏ vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông hay không?
Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không thể hiện thái độ mềm mỏng trong các cuộc đàm phán. Do đó, sau cuộc hội đàm giữa Pompeo và Dương Kiết Trì, Bắc Kinh đã đẩy nhanh tiến trình lập pháp “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, tuyên bố đã đưa “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” vào chương trình nghị sự của Đại hội đại biểu Nhân dân khóa 13.

Triều Tiên chuẩn bị chiến dịch rải truyền đơn chống Hàn Quốc

Triều Tiên đang chuẩn bị rải truyền đơn chống Seoul vào Hàn Quốc, truyền thông nhà nước KCNA cho biết hôm thứ Bảy, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai miền. 
“Những người Triều Tiên giận dữ hiện đang chuẩn bị đẩy mạnh việc rải một số lượng lớn truyền đơn vào miền Nam”, hãng tin KCNA cho biết.
Bình Nhưỡng gần đây đã đưa ra một loạt những chỉ trích Seoul liên quan đến các tờ rơi chống Triều Tiên. Những người đào thoát sang Hàn Quốc thường xuyên gửi qua biên giới – thường được gắn vào bóng bay rồi cho bay sang Triều Tiên – các thông điệp phơi bày vấn nạn vi phạm nhân quyền của Kim Jong Un và tham vọng hạt nhân của nhà độc tài này.
Trước đó, Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc chung giữa hai miền và đe dọa tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới chung.

WHO nói thế giới đang trong ‘giai đoạn mới và nguy hiểm’ của COVID-19

Đại dịch coronavirus đã tiến vào một ‘giai đoạn mới và nguy hiểm’, khi số ca Covid-19 được ghi nhận hàng ngày đạt mức cao kỷ lục, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo hôm thứ Sáu, theo CNBC.
Số lượng các ca nhiễm mới trong một ngày được báo cáo hôm thứ Năm “là nhiều nhất từ trước đến nay”, ở mức 150.000 ca, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo.
Gần một nửa tổng số ca nhiễm mới được báo cáo từ châu Mỹ, ông Tedros nói, với một số lượng lớn đến từ Nam Á và Trung Đông.

Brazil vượt mốc 1 triệu ca nhiễm COVID-19

Bộ Y tế Brazil hôm thứ Sáu đã báo cáo 54.771 ca lây nhiễm Covid-19 mới, mức tăng kỷ lục theo ngày đã đưa tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên tới con số 1.032.913, theo CNN.
Đại dịch Covid-19 đang nhanh chóng lan rộng ở Brazil mà không có dấu hiệu chậm lại, khi các thành phố lớn dỡ bỏ các biện pháp gián cách xã hội và bắt đầu mở cửa lại các nhà hàng, cửa hàng và các doanh nghiệp không thiết yếu khác.
Nhiều chuyên gia tin rằng số ca lây nhiễm của Brazil có thể vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia bị virus tấn công nặng nhất.

Tokyo khôi phục hoàn toàn hoạt động kinh doanh

Nhật Bản hôm thứ Sáu (19/6) đã dỡ bỏ các khuyến cáo du lịch quốc nội do Covid-19 nhằm vực dậy nền kinh tế ảm đạm. Thủ đô Tokyo cũng đã dỡ bỏ yêu cầu đóng cửa tạm thời tại các sự kiện âm nhạc, các hộp đêm và các địa điểm giải trí khác trong thành phố, theo Strait Times.
“Chúng ta sẽ nâng cao mức độ các hoạt động kinh tế và xã hội hơn chút nữa”, Thủ tướng Shinzo Abe nói hôm thứ Năm (18/5), khi ông tuyên bố kế hoạch mở cửa biên giới đất nước cho khách du lịch kinh doanh.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng: “Nguy cơ lây nhiễm không thể giảm xuống mức 0, nhưng chúng ta có thể phấn đấu cho một lối sống mới cho phép chúng ta nâng cao mức độ hoạt động kinh tế xã hội trong khi vẫn có thể kiểm soát nguy cơ lây nhiễm”.

Ấn Độ điều khẩn cấp máy bay chiến đấu đến biên giới với Trung Quốc

Hãng thông tấn Ấn Độ ANI dẫn nguồn thạo tin hôm 19/6 cho biết, các máy bay được Không quân Ấn Độ triển khai đến khu vực biên giới với Trung Quốc gồm máy bay Sukhoi-30MKI, Mirage 2000 và phi đội máy bay chiến đấu Jaguar. Những máy bay này được đưa đến các căn cứ tiền phương để có thể triển khai nhanh chóng trong trường hợp cần thiết.
Các trực thăng tấn công Apache mà Ấn Độ mới mua lại từ Mỹ cũng được triển khai đến khu vực tranh chấp Ladakh để hỗ trợ quân đội Ấn Độ ứng phó khi cần thiết. Ngoài ra, các trực thăng vận tải Chinook cũng được triển khai trong và xung quanh căn cứ không quân Leh, nhằm hỗ trợ việc di chuyển binh sĩ nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp.
Nguồn tin của ANI cũng cho biết, Không quân Ấn Độ đang có kế hoạch đẩy nhanh thương vụ mua 33 máy bay chiến đấu từ Nga, gồm 21 máy bay MiG-29 và 12 máy bay Su-30MKI. Không quân Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn đề xuất thương vụ để trình tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng vào tuần tới. Thương vụ này đã được cân nhắc từ lâu, song có thể được đẩy nhanh trong bối cảnh căng thẳng Ấn – Trung leo thang. Ấn Độ đã đặt mua 36 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, 4 chiếc đầu tiên có thể được bàn giao vào cuối tháng 7.

Quan chức Mỹ: Trung Quốc ‘thiếu chân thành’ trong cuộc gặp ở Hawaii

image.png
Theo SCMP, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, ngày 18/6 cho biết, mặc dù Trung Quốc đã tái cam kết thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, song Washington vẫn phải chờ xem những gì sẽ xảy ra với mối quan hệ Mỹ – Trung trong vài tuần tới.
“Xét đến bối cảnh hiện tại của mối quan hệ này, phía Trung Quốc chưa được coi là thực sự chân thành”, ông Stiwell nói sau khi dự cuộc họp giữa Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Hawaii trong 2 ngày 16-17/6.
“Tôi sẽ không nêu chi tiết những gì đã thảo luận (trong cuộc họp), nhưng dù cho các vấn đề đó có hiệu quả hay không, tôi vẫn sẽ chờ xem những gì sẽ xảy ra trong vài tuần tới: Liệu chúng ta có thấy các hành vi hung hăng được giảm bớt hay không”, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Ông Stilwell cho biết mục đích của cuộc gặp lần này là để Trung Quốc hiểu rằng “các hành động của họ thực sự đang chống lại họ”, bao gồm vụ xung đột gần đây ở biên giới với Ấn Độ, căng thẳng trên Biển Đông và đề xuất dự luật an ninh mới với Hồng Kông.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: ‘Dân chủ không mong manh’ như Bắc Kinh tưởng tượng

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Sáu (19/6) nói rằng chính quyền Trung Quốc cần mở rộng tự do và dân chủ cho người dân, thay vì thúc đẩy mô hình độc đoán của mình ra thế giới.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố video và toàn văn bài phát biểu của ông Pompeo tại một cuộc hội thảo trực tuyến về dân chủ được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch.
Ông Pompeo nói: “Quân đội Trung Quốc đã leo thang những mối căng thẳng biên giới – như chúng ta thấy hiện nay ở Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới. Và chúng ta cũng thấy họ quân sự hóa Biển Đông, đưa ra yêu sách phi pháp đối với nhiều lãnh thổ hơn tại đó, đe dọa các tuyến đường biển quan trọng, một lần nữa lại vi phạm lời hứa mà họ đã đưa ra”.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết Bắc Kinh đang tìm cách khiến châu Âu phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thông qua việc “đẩy mạnh các chiến dịch bóp méo thông tin và các chiến dịch mạng độc hại”. Ông Pompeo nói “chính Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thúc ép lựa chọn đó”, mà lựa chọn đó không phải là lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, “đó là lựa chọn giữa tự do và chuyên chế”.
Ông Pompeo cho rằng ĐCSTQ “muốn các bạn vứt bỏ những tiến bộ chúng ta đã có trong thế giới tự do, thông qua NATO và các tổ chức khác – kể cả chính thức lẫn không chính thức – và áp dụng một bộ quy tắc và chuẩn mực mới phù hợp với Bắc Kinh”.
“Nhưng dân chủ không mong manh như ĐCSTQ tưởng tượng. Dân chủ là mạnh mẽ. Chúng ta đã đánh bại chủ nghĩa phát xít. Chúng ta đã chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
“Chính là chủ nghĩa độc đoán mới là mong manh. Các cán bộ tuyên truyền của ĐCSTQ phải làm việc cật lực để kiểm soát các luồng thông tin và ngôn luận nhằm duy trì quyền lực của họ. Họ sẽ không thỏa mãn, chừng nào bức tường lửa kiểm duyệt kỹ thuật số của họ được mở rộng tới cả các quốc gia chúng ta.”
Ông cho rằng, nếu ĐCSTQ muốn trỗi dậy, họ cần phải thực hiện theo một bộ quy tắc của phương Tây, ngụ ý rằng chính quyền Trung Quốc cần hướng tới dân chủ và mang lại cho người dân Trung Quốc quyền tự do, theo AP.
Ngoại trưởng Pompeo nói: “Nếu họ làm những điều đó, thì tôi nghĩ thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn, trong đó các quốc gia yêu tự do có thể được an toàn trong các quyền tự do của họ”.
Samsung chuyển dây chuyền sản xuất màn hình từ Trung Quốc sang Việt Nam
Theo VOA, Samsung Vina vừa chính thức công bố việc di dời phần lớn dây chuyền sản phầm màn hình máy tính thương hiệu Samsung từ Trung Quốc về nhà máy Samsung HCMC CE Complex (SEHC) tại Khu Công nghệ cao, Quận 9, TP.HCM, trong năm 2020.
Đại diện Samsung cho biết việc di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ giúp cho người tiêu dùng Việt Nam có được những sản phẩm màn hình máy tính mới nhất và nhanh nhất so với những thị trường khác.
Tổ hợp nhà máy sản xuất hàng điện tử tiêu dùng của Samsung tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM (SEHC) có khoảng 6.000 nhân viên, theo thông tin trên trang web của công ty Samsung. Tổ hợp SEHC được khởi công từ giữa năm 2015 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây là nhà máy sản xuất màn hình TV và các thiết bị điện tử gia dụng lớn thứ 2 thế giới của Samsung, sau nhà máy ở Mexico.

Châu Âu phải đứng lên chống lại Trung Quốc trước khi quá muộn

Tổng thống Agentina Mauricio Macri, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Trong một bài bình luận đăng trên Foreign Policy gần đây, ông Ian Bond, giám đốc chính sách đối ngoại của Trung tâm Cải cách châu Âu, kêu gọi châu Âu đứng lên để bảo vệ các giá trị của mình và chống lại mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước khi quá muộn.
Từng là thành viên của cơ quan ngoại giao Anh trong 28 năm, ông Bond cho rằng “Liên minh châu Âu (EU) phải bảo vệ các giá trị của mình thay vì nhượng bộ trước áp lực kinh tế từ Bắc Kinh”.
Theo ông Bond, sự thịnh vượng của châu Âu phụ thuộc vào một hệ thống có trật tự, đảm bảo dòng chảy toàn cầu về hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động, nhưng năm 2020 hóa ra là một năm rất tồi tệ đối với trật tự quốc tế dựa trên các qui tắc.
Ông Bond cho rằng châu Âu nên bắt đầu lập kế hoạch cho một thế giới, mà trong đó “Mỹ không còn là lực lượng bảo vệ chính cho trật tự quốc tế và an ninh châu Âu, trong khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự toàn cầu”.
“Cho đến nay, phản ứng của EU trước chủ nghĩa toàn trị độc đoán của Trung Quốc là quá yếu đuối”, ông Bond bình luận.
Tuy nhiên theo ông Bond, lập trường này của EU, trong một mức độ nào đó, là điều dễ hiểu.
“Xét cho cùng, thương mại với Trung Quốc rất quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu, và thật khó để 27 quốc gia cùng thống nhất về các chính sách đáng tin cậy được”, ông Bond giải thích.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng COVID-19, Trung Quốc đã lợi dụng các khoản đầu tư của mình vào một số quốc gia thành viên EU, để khiến họ ngăn chặn những chỉ trích của EU về hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.
“Trong đại dịch, Trung Quốc đã sử dụng cái gọi là ngoại giao khẩu trang, cung cấp các thiết bị bảo vệ và vật tư y tế cho Ý và các nước khác, để làm sao nhãng sự chú ý [của châu Âu] về trách nhiệm của Bắc Kinh đối với sự lây lan ban đầu của virus corona”, ông Bond chỉ rõ.
“Năm ngoái, EU mô tả Trung Quốc là một đối thủ mang tính hệ thống. Tuy nhiên, trong kế hoạch hành động 10 điểm, EU không đưa ra đề xuất nào về cách thức họ có thể chống lại thách thức mang tính hệ thống hoặc thúc đẩy các giá trị của chính mình để đáp trả”, ông Bond lưu ý và nhấn mạnh rằng “EU phải đưa ra” một đề xuất cụ thể.
Ông Bond cho rằng “dưới thời ông Tập, Trung Quốc đã trở nên thô bạo hơn bất cứ lúc nào kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, với ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, bị giam cầm trong các trại cải tạo”.
Luật an ninh Hồng Kông được công bố gần đây, cho thấy điều mà các nhà hoạt động dân chủ ở đó đã lo sợ từ lâu. Đó là “Trung Quốc có ý định làm xói mòn quyền tự trị được bảo đảm cho Hồng Kông trong Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1985”.
Ông Bond cho hay sau một cuộc thảo luận của các bộ trưởng ngoại giao các nước EU hôm 29/5, EU chỉ đưa ra được một tuyên bố “yếu ớt”, rằng các biện pháp của Trung Quốc là “không phù hợp với cam kết quốc tế của Bắc Kinh trong tuyên bố chung [Trung – Anh]”.
Nhưng ngay cả lời khiển trách nhẹ nhàng này cũng đã bị giảm nhẹ ý nghĩa bởi sự tiết lộ rằng chỉ có Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển đề nghị EU nên xem xét các biện pháp trừng phạt, và bởi thực tế là người đứng đầu chính sách đối ngoại EU, ông Josep Borrell, đã gọi Trung Quốc là “đồng minh” trong một cuộc họp báo sau khi tuyên bố trên được công bố.
Ông Bond cho rằng nếu Trung Quốc là đối thủ hệ thống, thì “EU cần ưu tiên đảm bảo các giá trị của mình, chứ không phải chủ nghĩa độc đoán của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Các quốc gia thành viên EU cần cung cấp nơi tị nạn cho các công dân Hồng Kông, những người có quyền lợi bị đe dọa.
“Như Vương quốc Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã đề xuất cho gần 3 triệu cư dân Hồng Kông quyền sống ở Anh và con đường trở thành công dân Anh hoàn toàn”, ông Bond đưa ra một thí dụ minh họa.
Theo ông Bond, các nước thành viên EU cũng cần sẵn sàng áp đặt các hạn chế thị thực như chính phủ Hoa Kỳ đã làm, để trừng phạt các quan chức Trung Quốc hoặc Hồng Kông tham gia bất kỳ cuộc đàn áp nào.
“Thích đáng hơn, các quốc gia thành viên cần thực hiện các biện pháp để chống lại các hoạt động ảnh hưởng của Trung Quốc, bao gồm cả trong các trường đại học, và để đảm bảo rằng sinh viên Trung Quốc học tập ở phương Tây không được tổ chức để làm đặc vụ cho Đảng [cộng sản Trung Quốc]”, ông Bond đề xuất.
Cũng theo ông Bond, EU cũng nên đẩy mạnh cam kết chính trị và an ninh với các nền dân chủ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là những nước chịu áp lực từ Trung Quốc, bao gồm Úc và Đài Loan. EU không nên mù quáng chấp nhận định nghĩa mở rộng của Trung Quốc về những lợi ích quốc gia cốt lõi của họ, theo đó, phần còn lại của thế giới chỉ đơn giản là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với Đài Loan, Biển Đông và các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
“EU cần làm rõ rằng họ bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và việc tạo ra các đảo được quân sự hóa ở đó, và các quốc gia thành viên có năng lực hải quân cần điều tàu chiến đến khu vực, để nhấn mạnh rằng đây là vùng biển quốc tế”, ông Bond ví dụ.
Tuy nhiên, ông Bond cũng lưu ý EU cần chuẩn bị trước việc Trung Quốc sẽ trả đũa. Thực tế cho thấy “Bắc Kinh đã không ngần ngại bắt nạt các quốc gia hoặc các định chế, chỉ trích các chính sách của mình. Trung Quốc đã áp đặt thuế quan hoặc cấm đối với một số hàng hóa từ Úc để trả đũa cho việc Canberra kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển đã đe dọa truyền thông Thụy Điển về việc họ đưa tin về vụ bắt cóc và bỏ tù [chủ hiệu sách ở Hồng Kông] Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), một công dân Thụy Điển gốc Hoa”.
Kết thúc bài bình luận, ông Bond cảnh báo: “Bản thân EU cũng đang trong ‘tầm ngắm’ [của Trung Quốc] vì cố gắng đảm bảo xem xét kỹ lưỡng hơn các khía cạnh an ninh đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu, và đã phơi bày sự dính líu của Trung Quốc trong các chiến dịch thông tin sai lệch liên quan đến virus corona”.

Tàu Trung Quốc liên tục áp sát nhóm đảo tranh chấp với Nhật

Theo SCMP, Nhật Bản hôm 17/6 gửi công hàm phản đối Trung Quốc triển khai 4 tàu hải cảnh hoạt động 65 ngày liên tục trên vùng biển gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần hoạt động dài nhất của tàu Trung Quốc gần nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản kể từ tháng 9/2012, thời điểm hai nước tranh cãi gay gắt về chủ quyền tại đây.
“Nhóm đảo Senkaku nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi và chắc chắn là lãnh thổ của chúng tôi, điều này mang tính lịch sử và tuân theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi cho rằng tình hình sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu hoạt động này vẫn tiếp diễn. Chúng tôi sẽ kiên quyết và bình tĩnh đáp trả Trung Quốc”, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong cuộc họp báo tại Tokyo.
Nhóm đảo không người Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông là tâm điểm tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo trong nhiều thập niên, dù quan hệ giữa hai bên đã dần cải thiện trong những năm gần đây.

Quan chức Mỹ muốn cử quan sát viên tới Trung Quốc

Theo AFP, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Đông Á đề xuất cử quan sát viên trung lập tới Trung Quốc nhằm tìm hiểu về ổ Covid-19 mới ở Bắc Kinh.
“Một khi uy tín đã mất, bạn sẽ phải tìm cách gây dựng lại nó. Tôi nghĩ cách duy nhất để thực hiện điều này là đưa các nhà quan sát trung lập tới đó để tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra”, David Stilwell, người tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Hawaii, cho biết hôm 18/6.
Stilwell tỏ ý hy vọng những con số và báo cáo của Trung Quốc về ổ dịch mới ở Bắc Kinh sẽ “chính xác hơn” so với Vũ Hán, nơi khởi phát đại dịch Covid-19. “Sẽ tốt hơn nếu có người có mặt tại đó để xác nhận các số liệu”, quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định, đồng thời đề cập những báo cáo trên các tạp chí khoa học dự đoán số ca nhiễm ở Bắc Kinh còn cao hơn ở Vũ Hán.
HOA TỰ DO
Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương

Không có nhận xét nào: