Dịch virus bùng phát ở chợ đầu mối, Bắc Kinh phong tỏa 10 cụm dân cư
Bắc Kinh khẩn cấp phong tỏa 10 cụm dân cư, sau khi chính quyền địa phương báo cáo 36 ca nhiễm mới trong một ngày khi dịch virus corona bùng phát tại một chợ bán buôn thực phẩm. Quyết định theo sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan. Trong một cuộc họp Hội đồng Nhà nước hôm 14/6, bà Tôn Xuân Lan nói nguy cơ lây lan dịch mới là “rất cao” vì chợ rộng, người đi chợ đông, theo truyền thông Trung Quốc Tân Hoa Xã.
<!>
Các ca mắc mới đã nâng số người nhiễm Covid-19 ở Bắc Kinh trong đợt bùng phát mới lên 79 người, tất cả đều liên quan đến chợ thực phẩm Tân Phát Địa (Xinfadi), nằm ở Tây Nam Bắc Kinh. Chợ rộng 107 ha, là nguồn cung cấp thực phẩm cho các tỉnh phía bắc như Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc và Liêu Ninh.
Cảnh sát Philippine bắn chết 2 nghi phạm Trung Quốc
Cảnh sát thành phố Angeles, Philippines đã bắn hạ hai nghi phạm người Trung Quốc trong khi truy đuổi hôm 11/6, liên quan đến vụ 3 người Trung Quốc bắt cóc trẻ em.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 9 giờ sáng, Lực lượng Chống bắn cóc (AKG) thuộc Cảnh sát quốc gia Philippine phối hợp với Cảnh sát thành phố Angeles truy tìm chiếc xe tải Hyundai Starex nghi là chở những kẻ bắt cóc chạy trốn. PNA đưa tin, các nghi phạm đã nổ súng trước khi cảnh sát tiếp cận chiếc xe. Các cảnh sát đã bắn chết các nghi phạm. Một cảnh sát của AKG nhập viện vì trúng đạn từ nghi phạm.
Tình hình dịch bệnh ở Bắc Kinh leo thang và lan sang các tỉnh khác
Sau khi dịch Covid-19 tạm lắng tại Trung Quốc một thời gian, giờ đây nó lại xuất hiện trở lại ở Bắc Kinh. Hiện tại, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, công tác kiểm soát ở các quận trung tâm của Bắc Kinh đã được tăng cường, nhưng dịch bệnh đã lan sang các tỉnh và thành phố khác.
Ông Thái Kỳ (Cai Qi), Bí thư thành ủy Bắc Kinh, Trung Quốc trong buổi họp về công tác phòng chống dịch Covid-19 cho biết, Bắc Kinh mấy ngày gần đây liên tục có các ca mắc virus Vũ Hán và các trường hợp xét nghiệm axit nucleic đều cho kết quả dương tính. Tất cả đều liên quan đến chợ Tân Phát Địa (Xinfadi), chợ đầu mối nông sản Bắc Kinh.
“Bắc Kinh đã bước vào thời kỳ khác thường”, ông cho biết trong cuộc họp sáng ngày 13/6.
Tất cả các khu vực ở Bắc Kinh như quận Hải Điện, quận Thạch Cảnh Sơn, quận Tây Thành, quận Phong Đài đều đã ở mức cảnh báo cấp 2. Sau 2 cuộc họp, Bắc Kinh đã hạ mức cảnh báo xuống mức cấp 3 từ ngày 6/6.
Hầu hết 36 ca nhiễm mới ở Bắc Kinh vào ngày 13/6 là những người không có biểu hiện nhiễm bệnh trong vòng gần 14 ngày. Những trường hợp mới này hiện đang sống ở quận Phong Đài, quận Đại Hưng, quận Phòng Sơn, quận Tây Thành của thủ đô Bắc Kinh. Tờ Tân Kinh, tờ báo của Trung Quốc cho biết, hiện nay, tại Bắc Kinh, dịch bệnh đã xuất hiện ở 22 tiểu khu, 8 đơn vị, 10 cơ sở khám chữa bệnh.
Tại quận Phong Đài của Bắc Kinh, toàn bộ những người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 là 139 người, tất cả đều đã được cách ly.
Hiện nay, dịch bệnh ở Bắc Kinh đã lan sang các tỉnh khác. Ngày 12/6, tỉnh Liêu Ninh đã công bố các bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán không triệu chứng, tất cả đều có tiếp xúc gần với bệnh nhân ở Bắc Kinh. Các tỉnh thành như Hà Bắc, Thiên Tân, Liêu Ninh, Giang Tô, Sơn Tây… đều yêu cầu những người trước 30/5 đã từng đến chợ đầu mối nông sản Tân Phát Địa (Xinfadi) ở Bắc Kinh phải tự đi trình báo.
Quan chức quận Phong Đài bị cách chức
Chợ đầu mối Tân Phát Địa (Xinfadi) là nơi buôn bán rau củ quả lớn nhất Bắc Kinh, nơi đây cung cấp hơn 80% lượng rau quả cho toàn Bắc Kinh. Hiện tại, chợ đã bị chính quyền đóng cửa.
Mặc dù chính quyền tuyên bố “đảm bảo nguồn cung thị trường”, nhưng nhiều người dân Bắc Kinh đã đến các siêu thị khác nhau để tích trữ hàng hóa. Trong nhiều video được quay bởi người dân cho thấy, một số gian hàng rau trong siêu thị Bắc Kinh đã được “dọn sạch”.
Kể từ ngày 13/6, 9 trường học xung quanh chợ đầu mối Tân Phát Địa đã bị đóng cửa và 11 khu vực bị phong tỏa.
Vì phòng dịch yếu kém nên ông Chu Vũ Thanh – phó quận trưởng quận Phong Đài; ông Vương Hoa – Bí thư Đảng ủy hương Hoa, quận Phong Đài (hương là đơn vị hành chính dưới Quận và Huyện); ông Trương Nguyệt Lâm – tổng giám đốc chợ đầu mối Tân Phát Địa đã bị cách chức.
‘Tôi không muốn con tôi sống ở nơi không có tương lai’, nhiều người Hồng Kông quyết định không sinh con
“Mong muốn có con của tôi chắc chắn đã giảm xuống dưới không. Tôi không thể nhìn thấy một lối thoát cho Hồng Kông và tôi không muốn các con tôi sống ở một nơi không có tương lai”.
Đó là chia sẻ của cô Victoria Cheung, 29 tuổi, trợ lý giám đốc tiếp thị. Cô không muốn có con không phải vì cô muốn dành thời gian cho sự nghiệp, mà vì cô đã tận mắt chứng kiến Hồng Kông không còn như trước đây nữa.
Giờ đây, khi Trung Quốc bỏ qua quy trình lập pháp của Hồng Kông để thực thi luật an ninh quốc gia, luật cho phép Bắc Kinh bỏ tù bất cứ ai mà họ coi là mối đe dọa đối với an ninh của Trung Quốc, Cheung đã mất hết hy vọng về một tương lai tốt hơn. Chia sẻ với HKFP – trang tin có trụ sở tại Hồng Kông, Cheung nói rằng cô không muốn nhìn thấy những đứa con phải sống trong một xã hội như vậy.
“Mỗi ly đất ở Hồng Kông đang mất dần nét đặc trưng về văn hóa và con người của nó”, cô cho biết. “Bạn phản đối, bạn bị bắt, bạn bị đánh, và bạn bị giết, nhưng vẫn không có gì thay đổi”.
Với ngày càng nhiều người Trung Quốc đại lục chuyển đến Hồng Kông và ngày càng nhiều doanh nhân với lập trường ‘thân’ Bắc Kinh nắm giữ các vị trí quan trọng ở thành phố, Cheung lo lắng cho tương lai hệ thống giáo dục ở Hồng Kông, với những đứa trẻ được dạy theo kiểu nhồi nhét, không được phát triển tư duy tự do, không được dạy để suy nghĩ chín chắn – một trong những đặc điểm mà người Hồng Kông coi trọng nhất ở một người.
“Sự tự do và độc lập của Hồng Kông đang bị xói mòn nhanh chóng. Bất ổn xã hội và các cuộc biểu tình đã trở thành một điều cấm kỵ trong nhiều trường học, và sinh viên đang bị trừng phạt vì phản đối, bày tỏ ý kiến hoặc đình công”, Cheung cho biết. “Bọn trẻ có thể bị tẩy não và cuối cùng mất tinh thần đấu tranh của người Hồng Kông. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là kết thúc cho Hồng Kông”.
Billy Wong, một công chức 32 tuổi cho biết, có con sẽ không là một phần trong kế hoạch tương lai của anh.
“Tự do và dân chủ của chúng ta đã âm thầm xấu đi trong hơn hai thập niên và Hồng Kông đang dần biến thành Trung Quốc”, Wong cho biết. “Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều người như tôi, không muốn có con”.
“Hồng Kông đem đến tương lai rất không chắc chắn và thê lương cho những đứa trẻ ở đây. Tôi cảm thấy rất vô vọng về việc chúng tôi sẽ nhận được quyền bầu cử phổ thông và chúng tôi sẽ có được quyền tự do của mình. Đây không phải là một xã hội lành mạnh để một đứa trẻ lớn lên”, Wong nói.
Một cuộc khảo sát vào năm 2018 được thực hiện bởi nhóm Ý tưởng thanh niên, nhóm thuộc Liên đoàn Thanh niên Hồng Kông – tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất Hồng Kông cho thấy, cứ 10 người Hồng Kông trong độ tuổi từ 20 đến 39 thì có 2 người không muốn có con, với lý do về chi phí nuôi dạy con cái, trách nhiệm nuôi dạy và khả năng chi trả nhà ở.
Mặc dù cuộc khảo sát không thống kê lý do về môi trường chính trị ở Hồng Kông là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người Hồng Kông không muốn sinh con, nhưng đã lưu lại ý kiến của một người tham gia cuộc khảo sát: “Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ có con vì tương lai của Hồng Kông không sáng sủa, đặc biệt là khía cạnh về chính trị và xã hội. Tôi nghĩ rằng chính trị và tự do của chúng ta sẽ xấu đi, và nếu tôi có con, điều đó sẽ tương đương với sự tra tấn”.
Một nghiên cứu tương tự được thực hiện 5 năm một lần bởi Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Hồng Kông, gần đây nhất là vào năm 2017, cho thấy khoảng một phần tư số người được hỏi cho rằng môi trường xã hội tại thời điểm đó không phù hợp để nuôi dạy trẻ em. 72 phần trăm phụ nữ chưa có con được hỏi nói rằng, chất lượng giáo dục được nâng cao sẽ khuyến khích họ sinh con trong tương lai.
Cặp vợ chồng, Ann Cheung và Ingram Leung, nói với HKFP rằng, họ đã di cư sang Úc vì họ lo lắng bốn đứa con của họ sẽ không nhận được một nền giáo dục tốt, một nền giáo dục không thiên vị ở Hồng Kông.
Ann, một cựu giáo viên cho biết: “Chúng tôi thực sự không muốn những đứa con của chúng tôi lớn lên dưới sự cai trị của Trung Quốc”.
“Ở Hồng Kông, những đứa con của tôi sẽ lớn lên trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng yêu Hồng Kông và có khát vọng muốn thay đổi nó tốt hơn. Tuy nhiên, chúng sẽ trưởng thành với cảm giác bất lực và không còn hy vọng”, Ann cho biết.
Đối với Victoria Cheung, nếu một ngày nào đó cô có đủ khả năng để cho con du học châu Âu hoặc Hồng Kông trở nên tự do và yên bình, cô sẽ xem xét lại quyết định sinh con của mình. Khi được hỏi về việc liệu Hồng Kông trong tương lai có trở nên tự do và yên bình hay không, Cheung trả lời rằng, đó là khi chính quyền ở Bắc Kinh sụp đổ.
Venezuela yêu cầu phóng thích doanh nhân kết nối với Maduro
Venezuela đã yêu cầu thả Alex Saab, một doanh nhân có kết nối với chính quyền tổng thống Nicolas Maduro. Alex Saab bị giam giữ tại Cape Verde với cáo buộc tham nhũng từ phía Mỹ đưa ra. Ông này bị bắt hôm 12/6 khi trên đường tới Iran. Vụ việc là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Maduro.
Nhà báo nổi tiếng Philippines đối mặt án tù vì cáo buộc ‘phỉ báng trên mạng’
Maria Ressa, một trong những nhà báo nổi tiếng nhất của Philippines đang phải đối mặt với án tù 6 năm sau khi cô bị kết tội “phỉ báng trên mạng” vào thứ Hai (15/6). Đây là một bản án bị lên án là đặt ra một tiền lệ “gây thiệt hại nghiêm trọng” cho các quyền tự do báo chí trong khu vực, theo The Guardian ngày 14/6.
Phán quyết được Thẩm phán Rainelda Estacio-Montesa ở tòa án Manila đưa ra. Phiên tòa xét xử hạn chế số người tham dự với lý do chống virus corona lây lan.
Rappler, một trong những trang tin tức có ảnh hưởng lớn nhất nước Philippines và Ressa, tổng biên tập của trang, và nhà nghiên cứu kiêm cây viết Reynaldo Santos Jr bị buộc tội “phỉ báng trên mạng” vào năm 2017.
‘Vua thỏa thuận’ Nhật Bản chuẩn bị các thương vụ thâu tóm
Giám đốc điều hành Minebea Mitsumi Inc., ông Yoshihisa Kainuma đang chuẩn bị các hồ sơ mua lại sau khi đại dịch virus corona đã qua. Cựu luật sư mua bán và sáp nhập (M&A) được biết đến ở Nhật Bản với biệt danh “vua thỏa thuận” nói với Bloomberg News rằng ông chờ đợi thị trường thoát khỏi sự hỗn loạn hiện tại trước khi tái khởi động bộ máy thâu tóm và nhắm vào các công ty gặp khó khăn do đại dịch.
Ông Kainuma, người xây dựng sự nghiệp từ một loạt các thỏa thuận đúng lúc, đã giúp đẩy Minebea lên nấc thang công nghệ. Công ty đã phát triển qua nhiều thập niên từ một nhà sản xuất ổ bi nhỏ ở ngoại ô thủ đô Nhật Bản trở thành một công ty chủ chốt trong trung tâm của chuỗi sản xuất công nghệ toàn cầu, cung cấp cho các hãng lớn như Nintendo Co. và LG Electronics Inc.
Cộng hòa Czech là điểm đến đầu tư lớn thứ tư của Đài Loan tại châu Âu
Theo thống kê của Bộ Kinh tế Đài Loan được CNA báo cáo, Cộng hòa Czech đứng thứ 4 về đầu tư của Đài Loan vào châu Âu, sau Đức, Hà Lan và Anh. Năm ngoái, thương mại giữa Czech và Đài Loan đạt gần 820 triệu USD, trong đó Đài Loan xuất khẩu 454 triệu USD hàng hóa và nhập khẩu 365 triệu USD hàng hóa từ Czech.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Ngoại trưởng Mỹ dự định gặp quan chức Trung Quốc
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có kế hoạch gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại Hawaii vào đầu tuần này, hai quan chức Mỹ và một nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ thông tin với CNN vào Chủ nhật.
Một quan chức Mỹ cho hay, ông Pompeo dự kiến sẽ thảo luận nhiều vấn đề với quan chức Trung Quốc tại căn cứ không quân Hickam. Nguồn tin này nói rằng ngoại trưởng Mỹ sẽ ở Hawaii trong khoảng 24 giờ.
Cuộc hội đàm giữa ông Pompeo và đại diện của chính quyền Trung Quốc diễn ra khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang trong nhiều tháng qua do những mâu thuẫn liên quan tới đại dịch viêm phổi Vũ Hán, vấn đề về Hồng Kông, Đài Loan và cái chết của người da màu George Floyd.
Tổng thống Pháp muốn EU giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Reuters đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm Chủ nhật nói rằng ông sẽ làm việc để xây dựng một châu Âu ít phụ thuộc vào Trung Quốc.
Reuters đánh giá, cuộc khủng hoảng do virus Vũ Hán gây ra đã bộc lộ sự phụ thuộc của Pháp và phần còn lại của châu Âu vào chuỗi cung ứng có liên quan tới Trung Quốc.
“Thử thách này đã bộc lộ những sai sót và sự yếu kém: để có được hàng hóa chúng ta phải phụ thuộc vào các lục địa khác”, ông Macron nói trên truyền hình quốc gia. “Tôi muốn chúng ta rút ra tất cả những bài học từ những gì đã trải qua”.
Thổ Nhĩ Kỳ: Nới lỏng cách ly, số ca nhiễm mới nCoV tăng
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca hôm Chủ nhật cảnh báo đất nước đang “lệch khỏi mục tiêu chống dịch” khi số ca nhiễm mới virus Vũ Hán hàng ngày tăng lên trên 1.500 sau lệnh nới lỏng các hạn chế của chính phủ, theo AP.
Ông Koca thông báo trên Twitter rằng vào Chủ nhật Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận thêm 1.562 trường hợp dương tính với nCoV sau 24 giờ, đây là con số cao nhất kể từ ngày 3/6. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang là vùng dịch Covid-19 lớn thứ 11 thế giới với 178.239 ca nhiễm bệnh và 4.807 bệnh nhân tử vong.
Vào đầu tháng Sáu, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các quán cà phê, nhà hàng, phòng tập thể dục, công viên, bãi biển và bảo tàng mở cửa trở lại, đồng thời giảm bớt các hạn chế đi lại đối với người cao tuổi và trẻ em sau nhiều tuần bị cách ly.
Đức sắp ra mắt ứng dụng phát hiện người nhiễm Covid
Ứng dụng trên điện thoại thông minh của Đức dùng để phát hiện người nhiễm Covid-19 đã sẵn sàng ra mắt trong tuần này, Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn, cho biết thông tin hôm Chủ nhật, theo Reuters.
Sau khi trì hoãn ra mắt ứng dụng để đảm bảo công nghệ bluetooth hoạt động chính xác trong một khoảng cách, chính phủ Đức cho biết sản phẩm công nghệ này sẽ là một công cụ quan trọng để giúp tránh làn sóng nhiễm nCoV thứ hai.
“Nó sẽ ra mắt vào tuần này”, ông Spahn nói với đài truyền hình ARD, nhưng từ chối xác nhận thông tin rằng ứng dụng sẽ được giới thiệu tới công chúng vào thứ Ba.
Ý: Người biểu tình bôi bẩn tượng nhà báo nổi tiếng
Một bức tượng nhà báo nổi tiếng ở thành phố Milan, Ý, đã bị người biểu tình phun sơn đỏ và gán dòng chữ “phân biệt chủng tộc, hiếp dâm”. Đây là bức tương đầu tiên ở Ý bị người biểu tình nhắm tới trong làn sóng phá hủy tượng những người nổi tiếng ở châu Âu, theo AFP.
Bức tượng nhà báo Indro Montanelli, được đặt trong một khu vườn cùng tên ở thành phố Milan, bị người biểu tình tấn công vào đêm thứ Bảy. Nhà báo Montanelli qua đời năm 2001 ở tuổi 92, ông được xem là một trong những nhà báo người Ý có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.
Những người chống phân biệt chủng tộc nổi lên sau cái chết của Floyd, một tội phạm ma túy người da màu ở Mỹ bị ngộ sát, cho rằng tượng của ông Montanelli đáng bị quật đổ vì ông từng mua và cưới một cô gái người da đen ở Ethiopia.
Thượng nghị sĩ Mỹ giới thiệu Đạo luật Quốc phòng Đài Loan
Thượng nghị sĩ Mỹ Josh Hawley hôm thứ Năm (11/6) đã giới thiệu Đạo luật Quốc phòng Đài Loan (TDA).
Ông Hawley cho biết dự luật nhằm cho phép Hoa Kỳ thực hiện nghĩa vụ của mình như được nêu trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan trong bối cảnh quân đội Trung Quốc ngày càng hung hăng và hùng mạnh. Đạo luật đề xuất sẽ yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo Đài Loan có đủ năng lực ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc, theo Taiwan News.
Khi công bố dự luật, ông Hawley mô tả Đài Loan là “trụ cột của một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ông nói thêm rằng “Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được phép giành quyền kiểm soát Đài Loan, họ sẽ sẵn sàng thống trị khu vực. Điều này sẽ gây ra mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với cuộc sống và sinh kế không chỉ của các đồng minh và đối tác châu Á của chúng tôi mà cả những người Mỹ [ở bờ biên kia Thái Bình Dương]. Chúng ta không được để điều đó xảy ra”.
Tập đoàn dược phẩm Anh sẽ cung cấp 400 triệu liều vắc-xin miễn phí cho châu Âu vào cuối năm
Tập đoàn dược phẩm sinh học AstraZeneca đã đạt được thỏa thuận cung cấp lên tới 400 triệu liều vắc-xin Covid-19 vào cuối năm 2020 cho bốn quốc gia thuộc Liên minh châu Âu gồm Đức, Pháp, Ý và Hà Lan “mà không lấy lãi”, theo thông cáo báo chí của hãng.
Các loại vắc-xin này hiện đang được Đại học Oxford thử nghiệm giai đoạn hai và giai đoạn ba trên khoảng 10.000 tình nguyện viên.
Nhà tư bản chủ chốt trong chính quyền Maduro bị bắt giữ
Giới chức nước Cape Verde của châu Phi đã bắt giữ một doanh nhân người Colombia bị truy nã ở Mỹ về tội rửa tiền. Đây là một đòn giáng mạnh xuống chính quyền độc tài của Maduro ở Venezuela, bởi người này là một tay chốt thương vụ quan trọng, theo Wall Street Journal.
Alex Saab Morán, đang đi trên máy bay riêng đến Iran, đã bị bắt giữ trong khi dừng tiếp nhiên liệu ở quốc đảo Tây Phi. Các quan chức Mỹ tin rằng người đàn ông 48 tuổi này đang kết thúc một thương vụ trao đổi vàng Venezuela lấy xăng của Iran và các sản phẩm hóa dầu khác, theo một người trong cuộc.
Người này mô tả ông Saab là một trong những mục tiêu hàng đầu của Washington khi Mỹ tăng cường chiến dịch gây áp lực nhằm cắt đứt nguồn tài chính của nhà lãnh đạo độc tài Nicolás Maduro và buộc ông này từ chức. Tuy không có hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Cape Verde, nhưng ông Saab vẫn có thể bị quốc đảo này trục xuất, cho phép cơ quan thực thi pháp luật Mỹ bắt giam ông này, người trong cuộc này cho hay.
Trung Quốc lợi dụng Twitter tuyên truyền ‘đổi trắng thay đen’ về Hồng Kông, Covid-19 và bạo loạn sắc tộc
Một báo cáo mới tiết lộ chính quyền Trung Quốc đang lợi dụng Twitter để “định hình, quản lý và kiểm soát ngôn luận” xoay quanh Covid-19, biểu tình Hồng Kông, Đài Loan và tỷ phú Trung Quốc bất đồng chính kiến Quách Văn Quý, theo The Epoch Times.
Báo cáo, có tiêu đề “Tweet lại thông qua Vạn lý Tường lửa (Retweeting through the Great Firewall)” của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI), cho biết chiến dịch tập trung vào người dùng tiếng Trung bên ngoài đại lục, nối tiếp chiến lược dài hạn tận dụng mạng xã hội phương Tây vì lợi ích của ĐCSTQ.
Các chiến dịch về cơ bản là “các làn sóng phát tán tin giả” gắn liền với các “chiến dịch gây ảnh hưởng” và “lan truyền thông điệp ngoại giao”-tất cả phối hợp nhuần nhuyễn nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của quốc tế đối với chính quyền độc tài này.
Lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai khi Trung Quốc báo cáo thêm nhiều ca nhiễm mới
Trung Quốc đã báo cáo số ca mắc virus corona mới hàng ngày cao nhất trong nhiều tháng hôm Chủ nhật, chủ yếu tập trung tại thủ đô Bắc Kinh, theo AFP.
Trong số 57 ca nhiễm mới được chính quyền Trung Quốc ghi nhận, có 36 ca lây nhiễm tại Bắc Kinh. Chính quyền đã cho đóng cửa một khu chợ thực phẩm lớn ở tâm dịch và phong tỏa các khu nhà ở gần đó.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận tổng cộng 83.132 ca nhiễm nCoV, trong đó 4.634 người đã chết. Tuy nhiên với chiến dịch bưng bít thông tin của nước này ngay từ đầu mùa dịch, rất khó để xác định số ca lây nhiễm và tử vong thực sự, cũng như tình hình thực tế tại hiện trường nếu làn sóng dịch kế tiếp bùng nổ.
HOA TỰ DO
Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét