Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Không Để Ai Bị Khốn Khó - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Ngày đầu tiên vào trại Trại Pendleton, mỗi gia đình phải ghi tên với một trong 13 cơ quan thiện nguyện (voluntary agency, hay VolAgcó nhiệm vụ giúp tìm bảo trợ, tức là người hay hội đoàn tình nguyện hướng dẫn và giúp đỡ người tỵ nạn hội nhập xã hội Hoa kỳ.  Tôi chọn cơ quan mang số 13 nằm cuối danh sách sau này mới biết là một VolAg địa phương chỉ có thể giúp định cư quanh vùng California.  Gần hai tháng qua tôi chẳng thấy cơ quan đó rục rịch gì cả, trong lúc Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ (USCC) đại diện cho giáo hội Công giáo và Cơ quan Di trú và Tỵ nạn Lutheran (LIRS hay “Lutheran”) đại diện hội thánh Tin lành Lutheran mỗi ngày đưa hàng chục gia đình đông con mà chủ gia đình dường như không có nghề nghiệp thực dụng ra ngoài cho nhà thờ Công giáo hay Tin lành bảo trợ.
<!>
Những người ra sớm thường siêng năng viết thư cho bạn bè còn ở lại; thư được chuyền tay đọc và nghiền ngẫm, và mỗi chi tiết trong thư đều được bàn luận và suy diễn tận tình.  Một ông được nhà thờ Công giáo USCC bảo trợ ra thành phố Fullerton ở nam California kể lại lúc ra tới nơi, gia đình ông được họ đạo đón chào như thượng khách và đưa về ngôi nhà lớn khang trang có đủ phòng cho hai vợ chồng và năm đứa con, và chiếc tủ lạnh khổng lồ trong nhà bếp chất đầy thức ăn ngon lành.  Sau đó, người họ đạo chia nhau đưa đón con đi học, vợ chồng đi chợ mua đồ ăn, và cả gia đinh đi nhà thờ.  Áo quần giày dép và các vật dụng trong nhà thì hàng ngày người ta mang đến cho ngập ngụa, không sao dùng hết.  Ông kể chuyện đi ra đường,
Thành phố sạch sẽ, đường sá ngay ngắn và ngăn nắp, và ít người đi bộ ngoài đường.  Khi gặp tôi, ai nấy đều niềm nở chào và nói ‘Hay’ [‘Hi’ là tiếng chào thân mật của người Mỹ].”
Thư không nói, nhưng chúng tôi đoán biết ngôi nhà do họ đạo thuê và trả tiền hàng tháng, và gia đình ông sống đầy đủ nhờ welfare là tiền trợ cấp dành cho “gia đình Mỹ có con phải nuôi” và food stamps là phiếu thực phẩm cấp cho gia đình nghèo.  Welfare là chi phiếu hàng tháng gửi đến nhà, người thụ nhận thường đủ điều kiện hưởng thêm trợ cấp y tế và một số trợ cấp khác.  Food stamps là các tấm phiếu cỡ bằng tờ giấy bạc ghi trị giá 1, 5, 10, 20, và 50 đô-la và có thể dùng thay tiền mua thức ăn tại các chợ.  Bánh mì, sữa, thịt, cá, rau cải, trái cây, v.v. đều có thể mua bằng food stamps, kể cả những món xa xí như tôm càng, cua Alaska loại lớn, và tôm hùm mà người Mỹ trung lưu ít dám rớ tới.
Thỉnh thoảng tôi tìm gặp Tuyển là bạn học ở trường kỹ sư và cùng Tuyển vẽ vời tương lai, mơ ước trở lại nghề chuyên môn của mình ở Hoa kỳ.  Tuyển là kỹ sư công chánh làm việc ở nha Đồ án của Tổng nha Kiều lộ thuộc bộ Công chánh, còn độc thân, và ra đi bằng tàu Hải quân với hai người em ruột và một người em họ.  Người em kế Tuyển là trung sĩ truyền tin chuyên bảo trì dụng cụ truyền tin quân sự.  Người em ruột kia và người em họ là sinh viên trường Luật.  Tuyển tự tin về tài năng của mình,
            “Moa là đệ tử ruột của thầy Đình.  Thầy tốt nghiệp trường Cầu Cống nổi tiếng của Pháp và là chuyên gia cầu cống số một của Việt nam.  Năm 1961, khi nhà thầu RMK-BRJ xây cất xa lộ Sài gòn - Biên Hòa, thầy chỉ đến xem qua một lần mà chỉ ra những chỗ sẽ nứt trên cầu xa lộ ‘Một Ngàn Thước’ (gọi như thế vì cầu dài gần 1,000 mét).  Thầy nói trúng chóc khiến bọn kỹ sư Mỹ chấp tay bái phục.”  “Moa” là cách đọc tiếng Pháp “moi” (là tao hay tôi).
Tuyển ghi tên với Hiệp hội Trợ giúp Di dân Hebrew (HIAS, hay “Hội Do thái”) và hăng hái xuất trại khi Hội Do thái tìm được người bảo trợ ở Oakland ở bắc California.  Hai tuần sau khi đến nơi, Tuyển viết thư cho tôi,
Lúc rời khỏi trại, tụi moi [đọc là “moa”] mỗi đứa nhận được 100 đô-la làm lộ phí.  Người bảo trợ là một anh Do thái khoảng trên ba mươi tuổi.  Anh ta đưa tụi moi về căn apartment hai phòng ngủ và cho biết Hội Do thái đã trả tiền nhà tháng đầu tiên.  Anh ta chỉ dẫn cách đọc bản đồ tìm địa chỉ, đi chợ mua đồ ăn, đi xe buýt, đi tới sở tìm việc, v.v.  Tuần lễ sau, anh ta đến thăm chừng đôi ba lần và cuối cùng giao cho tụi moi mỗi đứa 400 đô-la, nói là tiền của chính phủ.  Sau đó anh ta biến mất . . .
Số tiền 500 đô-la ($500) mỗi anh em Tuyển nhận được, ở trong trại chúng tôi đã nghe phong thanh và bàn lui tán tới nát nước, nhưng không ai biết rõ ràng.  Thực ra, hợp đồng của chính phủ và các VolAg quy định rằng, cứ mỗi người VolAg đưa đi định cư, chính phủ sẽ hoàn lại $500 để trang trải chi phí, và VolAg tự do sử dụng số tiền đó theo ý mình.  Trong trường hợp Hội Do tháiVolAg giao hẳn số tiền cho anh em Tuyển rồi “phủi tay” từ giã.  Ngược lại, Lutheran chỉ phát cho mỗi người $10 để dùng đi đường và bắt người bảo trợ phải gánh chịu phí tổn định cư người tỵ nạn (thường không gồm khoản trợ giúp tài chánh vì đã có welfare và food stamps của chính phủ).  Vài người chắc mẩm $500 đó là số tiền chính phủ cấp cho mình và khi không thấy giao tiền, đùng đùng nổi giận không nói không rằng mang gia đình qua tiểu bang khác ở với bạn bè vì “bảo trợ lưu manh ăn chận.”  Người bảo trợ chưng hửng không biết vì sao họ bỏ đi.
Ban đầu anh em Tuyển chịu vất vả mọi bề.  Khởi sự là “nghề” rửa chén nhà hàng ai cũng làm được sau dăm ba phút học việc.  Sau đó “lên” busboy là phụ tá hầu bàn có nhiệm vụ dọn dẹp khi khách ăn xong và đặt lại dao muỗng nỉa khăn ăn mới, nhưng không được đụng tới tiền puốc-boa (tiếng Pháp “pourboire”) dành cho hầu bàn.  Ít người đủ điều kiện làm hầu bàn vì phải giỏi tiếng Anh và biết rõ các món ăn trong thực đơn để giải thích với khách và lấy đơn đặt món ăn.  Bốn anh em nhẫn nhục làm đủ thứ công việc để kiếm tiền – ở xứ này không có nghề gì xấu cả, dành dụm từng đồng, và cật lực học hỏi.  Sau một năm, mọi việc dần dần trở nên khả quan:  Hai người em trẻ nhất ban đêm đi làm, ban ngày tiếp tục học đại học; người em kế làm trong một xưởng sửa chữa điện tử nhỏ; và Tuyển xin được một chân họa viên trong hãng cố vấn kỹ thuật chuyên thiết kế cầu.
Công việc họa viên quá dễ dàng nên thì giờ thừa thãi, Tuyển tha hồ xem xét họa đồ cầu và tối về nhà lấy sách vở nghiên cứu thêm để trau giồi kiến thức kỹ thuật.  Một hôm, Tuyển tìm thấy một khuyết điểm tai hại trong một họa đồ thiết kế cầu:  Cây cầu có thể sụp đổ nếu trọng tải lớn trong điều kiện thời tiết khắt khe.  Tính đi tính lại dăm ba lần và chắc chắn là mình không thể sai, Tuyển đưa vấn đề trình lên ban giám đốc.  Cả công ty mừng rỡ xôn xao, lỗi lầm này nếu không khám phá kịp thời có thể đưa tới hậu quả khôn lường.  Anh họa viên người Việt được thăng ngay lên chức kỹ sư thiết kế, lương cao hơn nhưng không được ban thưởng gì khác.  Tuyển vờ khiêm nhường,
“Tôi chỉ gặp may thôi.  Ngày tôi học trường kỹ sư, thiết tính cầu là bài tập hàng tuần.”
* * *
Đầu tháng Tám, Phụng và thằng Tú ra thành phố Fairfield ở bắc California; người bảo trợ là chị Loan chị của Phụng và chồng chị là Dennis.  Ngày trước ở Việt nam, chị bán câu lạc bộ Mỹ trong căn cứ Không quân Biên Hòa và gặp Dennis là hạ sĩ quan cơ khí Không quân Hoa kỳ.  Hai người yêu nhau, làm đám cưới, và đến năm 1973 cùng nhau về Mỹ.  Dennis tiếp tục phục vụ quân đội và làm việc trong căn cứ Không quân Travis ở Fairfield.
Thằng Tú ghi tên với Lutheran.  Nó đã biết vợ chồng chị Loan nghèo và không đủ phương tiện giúp đỡ vợ chồng nó, nhưng sau gần ba tháng chờ đợi vô vọng, Phụng nóng lòng muốn ra khỏi trại và thúc giục anh chị làm giấy tờ bảo trợ.  Chị Loan gửi thư cho Phụng,
Anh chị ở apartment nhỏ, nhưng rán thu xếp cũng có chỗ ngủ cho vợ chồng em.  Ra đây, ban đầu em sẽ phải dùng áo quần chung với chị.  Fairfield là thành phố nhỏ, việc vàn hiếm hoi, nhưng Tú có thể xin làm trong nhà hàng, và chị sẽ xin cho em một chân phụ bán hàng với chị trong PX [gian hàng Quân Tiếp vụ] của căn cứ Travis.
Những ngày ở Fairfield của thằng Tú thật gian nan.  Sáng sớm trời lạnh, hai vợ chồng co ro dắt nhau ra trạm xe buýt đón xe đi làm:  Phụng vào căn cứ, và thằng Tú đi rửa chén nhà hàng, mỗi ngày tám tiếng đồng hồ.  Lực bất tòng tâm (sức không tùy lòng), thằng Tú ý chí có thừa, nhưng cái chân cụt quá đầu gối gắn chân giả không chịu nghe lời.  Mỗi tối về nhà, nó “ăn” cả chục viên aspirin cho đỡ đau và để chuẩn bị hôm sau “đi cày” tiếp.  Sau một tháng, nó sụm bà chè phải nằm nhà.  Nó gọi cho văn phòng Lutheran xin vào trại trở lại để chờ bảo trợ khác; gọi điện thoại viễn liên qua lại, nó mất béng đi hơn một ngày tiền công rửa chén.
May sao văn phòng Lutheran vừa nhận được thư của sở Học chánh thành phố Rockford xin bảo trợ một thầy giáo giỏi tiếng Anh.  Thuộc tiểu bang Illinois và cách Chicago 150 cây số về phía tây bắc, Rockford có nhiều học sinh người Việt, và sở Học chánh mở chương trình ESL (“English as a Second Language” là chương trình dạy tiếng Anh cho người ngoại quốc) và cần một phối hợp viên, công việc lý tưởng cho chàng thương phế binh đậu bằng Cử nhân Giáo khoa Anh văn tại Đại học Văn khoa Sài gòn.  Vài ngày sau, Lutheran dàn xếp cho vợ chồng thằng Tú đáp máy bay từ Fairfield đến Rockford.  Trong mấy năm tiếp theo, thằng Tú ban ngày dạy học, buổi tối đi học lớp đêm, lần lượt đỗ Cao học và Tiến sĩ Giáo dục, và cuối cùng làm Trưởng ban ESL tại đại học cộng đồng địa phương.  Phụng học nghề uốn tóc và sau vài năm làm thợ, mở tiệm có đông khách hàng.
Bạn tôi đi Illinois, tôi tấp về North Dakota.  Mỗi lần đi họp ở Chicago, tôi ghé thăm vợ chồng thằng Tú, và như thế mỗi năm gặp nó đôi ba lần.  Một hôm vào đầu thập niên 1980, khi nhắc lại những ngày chân ướt chân ráo ra khỏi trại, nó tình cờ đề cập tới những “gia đình welfare” năm 1975,
            “Theo phúc trình chính thức, cuối năm 1976, hơn một năm sau khi mọi người định cư yên ổn, có tất cả 44 ngàn (hay 30 phần trăm tổng số) dân tỵ nạn ăn welfare.  Theo Đạo luật Di trú và Quốc tịch 1965, nếu một ngoại kiều tạm dung (như chúng mình bấy giờ) là ‘gánh nặng của công chúng,’ người đó sẽ không được nhận vào ngoại kiều thường trú và dĩ nhiên sẽ không thể trở thành công dân Hoa kỳ.  Nhưng tháng Hai năm 1977, chính phủ gửi tới Quốc hội dự luật cho phép người tỵ nạn Đông dương được miễn trừ khỏi tuân theo điều luật đó, và ‘dân welfare’ đủ điều kiện trở thành thường trú.”
            “Tao nhớ rồi, hồi đó sống đủ hai năm ở Mỹ là ai nấy đều thơ thới hân hoan nộp đơn xin vào thường trú, không biết rằng chính phủ đã phải san bằng một khúc mắt của luật di trú.  Bây giờ những ‘gánh nặng của công chúng’ đó ra sao?” tôi gật gù.
“Hầu hết không có nghề nghiệp rõ ràng và không rành Anh ngữ.  Càng thất nghiệp lâu, họ càng thiếu động cơ thúc đẩy học hỏi hay tìm việc.  Một số rất ít công việc họ làm được thì trả lương thấp hơn xa trợ cấp của chính phủ, không ai dại gì đi làm.  Họ tiếp tục ‘lãnh lương Reagan’ và yên phận dồn nỗ lực nuôi dạy thế hệ thứ hai.  Lớp trẻ nói chung rất thành công trong việc học hành, đứng đầu sổ ở các trường trung và đại học, và làm cho thầy cô người Mỹ nể vì,” thằng Tú hãnh diện kể; “Reagan” là tên vị tổng thống Hoa kỳ đương nhiệm.
           
Đất nước này đã cưu mang đám dân tỵ nạn và không để ai bị khốn khó, nhất là những kẻ ít có khả năng tự túc nhất, và ai nấy đều thụ hưởng đời sống vật chất thoải mái.  Điều này chẳng phải là tại số, tức là vận mạng con người trong đời, như người Việt hay nói,
Số sống vất bờ tre cũng sống,
Việc chờ hay hỏng, việc ngóng hay trôi..
Khó, giàu muôn sự tại trời,
Nhân sinh ai cũng kiếp người mà thôi.
            (Ca dao)
Mà là do lòng nhân đạo và hào hiệp của dân chúng Hoa kỳ.  Tôi hãnh diện làm công dân quốc gia này.
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                    Ngày 22 tháng Mười Hai, 2019

Không có nhận xét nào: