Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Quốc Nam, Người Lính, Nhà Thơ & Chiến Sĩ Văn Hóa. - Vương Trùng Dương.

Nhà Báo Vương Trùng Dương
LGT.- Nhà văn/nhà báo Vương Trùng Dương là một tên tuổi quen thuộc trong sinh hoạt báo chí & văn học nghệ thuật hải ngoại từ gần 30 năm qua. Ông là Sĩ Quan QLVNCH xuất thân Khoá I Đại Học Chiến Tranh Chính Trị (Dalat).Từ dạo định cư ở California ông viết cho nhiều báo/đài, Vương Trùng Dương nguyên là Tổng Thư Ký Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại & Trưởng Khối Báo Chí của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California (1998-2008). Hiện cây bút sắc bén Vương Trùng Dương là Chủ Bút nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hoà.
<!>
Tác phẩm của Vương Trùng Dương:
- Đã xuất bản: Ngẫm truyện nhân sinh (2004) +Văn nhân & Tình Sử (2015).
- Sẽ xuất bản: Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ + Vó Ngựa Trường Chinh & Nỗi Nhục Thiên Triều (lịch sử & dã sử).
Nhà văn/Nhà báo Vương Trùng Dương trong Mùa Quốc Hận năm thứ 45 đã dành cho Chiến Sĩ Văn Hoá Quốc Nam bài viết thật văn nghệ, nguyên văn sau đây:

Quốc Nam chia sẻ trong cuộc phỏng vấn: “Thơ tôi và cuộc đời đã gắn bó với nhau trong năm thập niên qua. Nhưng có điều, những mảnh đời trong thơ tôi không hẳn là của riêng tôi, mà phần lớn là của nhiều người sống quanh tôi. Nhờ thế, trong thế giới thi ca, tôi đã yêu người và yêu đời, kể cả những bi kịch của cuộc sống. Có lẽ nhờ tâm hồn nhạy cảm với thi ca, tôi đã sống cho tha nhân nhiều hơn tôi sống cho chính mình và gia đình, ít nữa cũng kể từ ngày 30 tháng Tư đen năm 1975 đến nay. 
… Ngoài ra, thơ theo tôi, phải nói lên được điều gì đó cho quê hương dân tộc, cũng như cần đóng góp vào sự phúc lợi, an nguy của đồng bào trong và ngoài nước”. 
***
Quốc Nam tên thật là Nguyễn Quốc Nam, sinh tại xã Thủy Nhai, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam định, vào tháng 9 năm 1944. 
Năm 1954, Quốc Nam di cư vào Nam, học sinh của trường trung học Chu Văn An, Sài Gòn, Tú Tài II năm 1963, học đại học Luật Khoa Sài Gòn (1963-1965). Bắt đầu cầm bút mưu sinh từ năm 17 tuổi, nên thời gian học đại học là cơ hội thuận lợi trong nghiệp báo. Thư ký tòa soạn tuần báo Tinh Hoa (1964-1965) với nhà văn Nguyễn Thạch Kiên.
Cuối năm 1965, Quốc Nam tình nguyện theo học Khóa 22 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Tốt nghiệp Thiếu Úy hiện dịch năm 1967, được đưa về Sư Đoàn 25 BB và ra Tiểu Đoàn 4 của Trung Đoàn 46 căn cứ ở quận Cần Guộc tỉnh Long An. (SĐ 25 BB được thành lập năm 1962 tại Quảng Ngãi. Đầu năm 1964, SĐ được lệnh di chuyển vào miền Nam lãnh trách nhiệm bảo vệ an ninh tại 3 tỉnh: Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An trực thuộc Quân Đoàn III).
Trong dịp Tết Mậu Thân 1968, Quốc Nam chỉ huy 2 Trung Đội cùng Tiểu Đoàn 4/46 tấn công vào một làng do 1 Tiểu Đoàn VC chiếm giữ. Quốc Nam bị chúng bắn gẫy 2 xương tay phải, mất rất nhiều máu. Sau thời gian điều trị ở Tổng Y Viện Cộng Hoà & nghỉ dưỡng thương khoảng 8 tháng, Quốc Nam được gởi đi học về Quân Báo. 
Từ năm 1969, là Sĩ Quan Quân Báo cấp bậc Trung Uý, và khi hành quân vào vùng địch ở một xã cách xa quân lỵ Cần Giuộc, anh bị 1 trái mìn nổ gần nên bị nhiều mảnh đạn ngay lưng. Đầu năm 1970, được đưa ra Hội Đồng Giám Định Y Khoa sau 2 lần bị thương trận. Quốc Nam giải ngũ năm 1971 với cấp độ tàn phế 35%. 
Trong thời gian chờ đợi giấy tờ giải ngũ, năm 1970, ký giả Văn Chi & Quốc Nam thành lập Hãng Thông Tấn Tin Miền Nam, trụ sở ở lầu 2 Catina Hotel, ngay trên phòng trà Đêm Mầu Hồng. Quốc Nam đảm nhiệm vai trò Chủ Biên kiêm Phó Giám Đốc. Tuy là hãng thông tấn nhưng trong thời gian 1972-1975 Tin Miền Nam với nhiều bài phóng sự đột phá nẩy lửa, phanh phui tệ nạn tham nhũng với một số giới chức… Tính mệnh Quốc Nam bị đe dọa, nhưng với con người từng xông pha trên trận mạc nơi chiến trường thì sá gì nơi thị thành.
Sau khi giải ngũ, Quốc Nam vẫn mang trong tim “người lính hiện dịch”, vì vậy trong Đại Hội Thương Phế Binh toàn quốc năm 1971, anh được các đại biểu TPB thuộc 12 Tỉnh Thị Hội Thương Phế Binh Miền Đông VNCH bầu cử vào chức vụ Chủ Tịch Khu Hội Phế Binh Quân Khu 3 (1971-1973).
Là một đảng viên của Đại Việt Cách Mạng Đảng từ năm 1961, là người lính trận, Quốc Nam theo đuổi sự nghiệp cầm bút với hoài bão cho lý tưởng Quốc Gia, cho con đường đấu tranh chính nghĩa với quê hương, Tổ Quốc. Quốc Nam đã tích cực tranh đấu cho dân quyền, tự do và bất công xã hội từ thời trai trẻ trên quê hương và trong suốt những thập niên nơi hải ngoại.
Sau khi giải ngũ, Quốc Nam trở thành cán bộ trung ương trong Tổng Liên Đoàn Lao Công VN & Tổng Liên Đoàn Công Nhân VN và Phó Bí Thư Tỉnh Đảng Bộ Đại Việt Cách Mạng Hậu Nghiã.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, hãng thông tấn TMN cáo chung cùng với số phận Việt Nam Cộng Hòa. Quốc Nam nhảy xuống con tàu Trường Xuân, vượt biển tới Hương Cảng (Hongkong). 
Trại trưởng là một người Anh Charles Gately, trại Harcourt muốn ra tờ báo Việt ngữ để có thông tin liên lạc và làm nhịp cầu giữa những trại viên Hương Cảng với các nơi khác. Qua lời giới thiệu của Bác Sĩ Trần Đại Sỹ bút hiệu Yên Tử Cư Sĩ, quen thân nhau trong sinh hoạt ở Sài Gòn, Quốc Nam đã có kinh nghiệm về báo chí, nên được chọn làm chủ bút, quy tụ anh em thực hiện tờ Tre Xanh. Ngày 6 tháng 5 năm 1975, bán nguyệt san Tre Xanh ra đời. Đây là tờ báo Việt ngữ đầu tiên của người Việt tỵ nạn. Và, từ đó trong 45 năm trên đất nước lưu vong, Quốc Nam tiếp tục cuộc hành trình trong sự nghiệp cầm bút, truyền thông và văn nghệ. Vừa tỵ nạn tại Hoa Kỳ, Quốc Nam bắt tay vào nghề báo, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Hoài Hương vào tháng 8 năm 1976 ở Kansas City, sau này đổi tên là báo Đông Phương.

* Nhà Thơ.
Khi bước chân vào quân trường Võ Bị Đà Lạt, Sinh Viên Sĩ Quan mang Allpha đỏ, và đó cũng là nguồn cảm hứng cho thi phẩm Tình Ca Lính Alpha Đỏ, ấn hành năm 1968 khi phục vị ở đơn vị tác chiến. Năm 2012, thi tập thứ 6 với Bản Thánh Ca Alpha Đỏ in thêm thi phẩm đầu tay và tác phẩm thứ 21 của Quốc Nam. Năm 2019, quyển Quốc Nam, Chiến Sĩ Văn Hóa, dày 196 trang gồm 
các bài viết của nhiều tác giả.
Hình ảnh Alpha Đỏ với chàng SVSQ qua những dòng thơ:
“Ta bỏ lại đời sinh viên mộng mị
Nhìn đỉnh Lâm Viên nghiêng bóng Quân Trường
Alpha ơi! Màu Đỏ đẹp vô cùng
Chiều doanh trại nhớ về em bất tận”
(Tháng 12/1965)
“Tôi lên đây làm thân người lính trận
Mang Alpha màu đỏ đẹp vô cùng”
(Lính Alpha)
Khi lưu lạc xứ người, bài thơ Mẹ & Lính Alpha, Quốc Nam chia sẻ cùng Mẹ nghìn trùng xa cách khi năm người con của Mẹ trong lao tù ở đất Bắc.
“Giờ xa như cách vạn dặm thiên niên
Mộng vỡ nát thành cơn mê đau đớn”
Bài thơ Bản Thánh Ca Alpha Đỏ và cũng là tựa đề cho tập thơ
“Bỏ cao nguyên, ta vào miền gió cát
Lùng giặc thù trên những chiến trường xưa
… Bởi người lính Alpha không bỏ cuộc
Khi muôn dân cần ta góp máu xương
Ngăn Cộng quân lấn chiếm đất Nam phương
Alpha Đỏ kiêu hùng trong chiến sử”
Và, hình ảnh thuở quân trường đã in vào tâm khảm qua những thập niên:
“Yêu lắm Alpha màu đỏ thắm
Một đời ta vẫn thủy chung thôi”
(Một Đời Alpha, 4/2011)
Lãng mạn trong tình yêu cùng với nỗi đau và phẫn nộ khi quê hương bị cưỡng chiếm bởi quân thù:
“Alpha Đỏ! Ta, thuở nào khói lửa
Giữa hận thù thấp thoáng bóng hình em
… Rồi một ngày Tháng Tư Đen Quốc Hận
Cả giang sơn tràn ngập bóng quân thù
Ta đào ngũ thành tên lính ngu ngơ
Mộng danh tướng chợt bay theo gió lộng”
(Người Tình Alpha Đỏ)
“Dáng xưa nghiêng chếch ba miền,
Màu Alpha Đỏ trường thiên anh hùng.
Hẹn em dưới ánh Cờ Vàng,
Ta về dựng lại thiên đàng cao nguyên”.
(Gọi Em Lâm Viên)
Khi đặt chân nơi đất lạ quê người với “nỗi hờn vong quốc”, Quốc Nam dùng thi ca để nói lên cõi lòng của mình với quê hương, Tổ Quốc… với ước vọng của người lính đã một thời chiến đấu bảo vệ giang sơn. Các tập thơ Quê Hương Nước Mắt (1987), Người Tình Quê Hương (tập I năm 1999) và tập II (2009) ấn hành và ra mắt nhiều nơi. Trong thời gian qua, đã vài lần tái bản, nhiều bạn văn và các nhà biên khảo đã đề cập.
Hình ảnh chàng trai trẻ trong Quê Hương Nước Mắt:
“Đêm Hoa Kỳ rực sáng,
Sao lòng anh tối đen.
Nỗi buồn vong quốc nặng,
Như đá tảng oan khiên”.
(Tuổi Trẻ Lưu Vong)
Nhìn lại bản thân khi đánh mất quê hương với nỗi niềm:
“Tôi nhục nhã trong tôi
Kẻ bỏ nước ra đi
Bỏ anh em ở lại
Bỏ đồng đội gian nguy.
(Kẻ Đào Ngũ Của Quê Hương Khổ Đau)
Nỗi đau và hoài bảo của Quốc Nam cũng là tâm trạng chung của người Việt lưu vong:
“Đời lưu vong tàn tạ mảnh linh hồn,
Kinh sám hối ngân vang lời tiễn biệt.
Hãy giúp tôi về quê nhà diễm tuyệt,
Cắm ngọn Cờ Vàng trên đỉnh vinh quang.
Dân tộc tôi bừng sức sống đấu tranh,
Ngàn năm vẫn kiêu hùng vùng Đông Á”.
(Vành Khăn Tang Cho Quê Hương)
GS Vũ Ký, vị thầy dạy Việt Văn của thế hệ chúng tôi ở thập niên 50, 60 ghi nhận: “Thơ của Quốc Nam chất ngất cái hồn nước đau thương, thân phận hấp hối của người dân Việt mất nước, bị lưu đày bất đắc dĩ, các thống khổ nghìn trùng ấy là chất men âm ỉ cho một quyết tâm hào hùng truyền thống từ bậc tiền nhân… Quả thực, tôi cho rằng không có cái đau xót thiếu quê hương nào não nuột bằng của Quốc Nam”…
Nhà văn QUỐC NAM
Người bạn văn Võ Thạnh Văn chia sẻ: “Qua Quê Hương Nước Mắt, nhà thơ viết như tự nguyện để tang cho quê hương, bằng hữu (và một cách thiết tha bi tráng) tác giả để tang cho chính mình: Tôi để tang quê bao năm tủi hận. Tôi để tang đời nhục nhã lưu vong. Tôi để tang tôi nửa đời nắng hạn…”.
Với hình ảnh trong Quê Hương Người Tình, vừa lãng mạn lẫn xót xa, thương yêu và khổ lụy.
“Mơ trăng thuyền lạnh đôi bờ,
Người đi ly biệt hay chờ thiên thu.
Nhạc vàng bến ấy xa mù,
Em còn đứng đó phù du gọi mời.
Tôi con nước chảy về xuôi,
Tấm thân bách chiến rã rời sớm khuya.
Mài gươm nợ nước thù nhà,
Tôi về bến cũ khúc ca khải hoàn”
(Bến Cũ)
“Anh đã nỗi buồn, một kiếp mang
Chiều mây xám ngắt, lạc cung đàn
Em, cô phụ vẫn hồn phong kín
Trên dốc cao nguyên, bỗng địa đàng.
… Em là bóng dáng một quê hương.
Anh yêu Sông Hậu vang trùng sóng.
… Mốt mai, ta dựng xây tiên giới.
Trong trái tim nhau, vẹn ước nguyền.
(Người Tình Hậu Giang)
Cao Thế Dung chia sẻ cảm nghĩ: “Trong cơn thác lũ của thơ văn ca nhạc đấu tranh, thơ Quốc Nam là một trong những tình khúc viết bằng tâm hồn, viết bằng nước mắt, trái tim dâng trọn vẹn cho Quê Hương… Thơ Quốc Nam không phải để ngâm trong cuộc trà dư tửu hậu. Thơ Quốc-Nam ta ngâm trong vườn đá tảng, thơ thẩn một mình hướng về góc biển chân trời mà tìm ra Quê Hương ngàn trùng yêu dấu. Thơ Quốc Nam ta ngâm khi ngồi trên ghềnh thác, mà nghe cơn lũ cuốn nước về xuôi”.
Và, nhà thơ Cao Mỵ Nhân, phục vụ trong quân ngũ, bị lao tù CS, đọc thơ Quốc Nam cảm nhận: “Thế giới thi ca của Quốc Nam được đóng khung trong chủ đề Quê Hương. Bởi thế, chỉ với danh xưng Quê Hương Nước Mắt và Người Tình Quê Hương, nhà thơ Quốc Nam đã sáng tác liên tục nhiều thi phẩm cho mỗi đề tài.
Ở Quê Hương Nước Mắt là những xót xa, buồn tủi, dẫu cho hằng ngày nhìn ngắm đất trời hải ngoại, văn minh, tiên tiến, giàu sang; nhưng trong tâm tư tình cảm tác giả - thi sĩ Quốc Nam - toàn những riêng tư héo úa, buồn phiền, hối thúc tác giả cần phải làm một cái gì để trả ơn, trả nghĩa cho Quê Hương Nước Mắt và Người Tình Quê Hương”.
Với hàng trăm bài thơ đã được phổ biến, trích một số dòng và qua nhận xét của bạn văn tiêu biểu về nhà thơ Quốc Nam.
Hàng chục bài thơ của Quốc Nam đã được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ: Anh Việt, Anh Bằng, Vũ Đức Nghiêm, Vĩnh Điện, Trần Quảng Nam, Trung Nhật, Phạm Mạnh Đạt, Nguyên Hà, Linh Phương, Phạm Anh Dũng, Đào Nguyên, Nguyên Nhu, Ngọc Sơn, Trần Quan Long, Phạm Quang Ngọc, Nhật Hạnh, Lã Mộng Thường, Hoàng Mị, Liên Bình Định, Hoài Trang, Tuấn Trình v.v...
* Chiến Sĩ Văn Hóa.
Trong suốt thời gian cầm bút và sinh hoạt văn học nghệ thuật, Quốc Nam giao thiệp rộng, quen biết nhiều… vì thế, để lưu niệm, chọn lọc 13 nhân vật, trong đó có GS Vũ Ký, nhà văn Hà Bỉnh Trung, Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ, nữ sĩ Vi Khuê, nhà văn Cao Thế Dung, nhà thơ Cao Mỵ Nhân, các vị Linh Mục, Hòa Thượng, Mục Sư đã sinh hoạt trong văn học nghệ thuật… Quốc Nam, Chiến Sĩ Văn Hóa Việt Nam, ấn hành vào tháng 9/2019.
Qua những bài viết trong quyển sách nầy, các tác giả đề cập đến cuộc hành trình của Quốc Nam gần sáu thập niên qua.
Ngoài thơ văn, với ngành truyền thông, Quốc Nam đã dấn thân để phục vụ cộng đồng. Thời điểm đó hệ thống internet chưa được phổ biến rộng rãi, người Việt tỵ nạn ở Seattle chưa đông. Năm 1993, Quốc Nam tốt nghiệp văn bằng Cao Học Quản Trị Kinh Doanh (MBA) nếu bước vào thương trường để mưu sinh có lẽ cuộc sống khá giả, nhưng Quốc Nam thành lập đài phát thanh Saigon SRBS tại Seattle, Tây Bắc Hoa Kỳ từ ngày 10 tháng 10 năm 1993. Căn nhà của Quốc Nam cũng là Cơ Sở Văn Hóa Đông Phương và đài phát thanh. Đến năm 2009 đài này bắt đầu phát thanh trên làn sóng tân tiến HD (FM Digital), trở thành Global Saigon HD Radio (The first Vietnamese HD Radio in the world) và phát thanh phục vụ đồng bào khắp thế giới suốt ngày đêm (24/7). 
Hầu hết, chương trình (thường gọi là đài) phát thanh tiếng Việt ở Hoa Kỳ đều thuê ở tổng đài trên tần số AM, FM… để phát sóng. Saigon SRBS áp dụng phương thức khác, ban đầu tuy thu hẹp trong phạm vi ở địa phương nhưng càng ngày với kỹ thuật tân tiến qua hệ thống internet nên được phổ thông. Cũng nhờ Saigon SRBS được xem như nhịp cầu quảng bá nên Quốc Nam tổ chức hết đại hội này tới đại hội khác, hết cuộc thi này đến cuộc thi khác… Mục đích để phát huy sinh hoạt truyền thống văn hóa, xã hội Việt Nam trong tâm hồn những người Việt tha hương.
Với Quốc Nam thì thơ văn và phát thanh cũng là tiếng nói “mặt trận” quân sự lẫn văn hóa, trong công cuộc đấu tranh cho quê hương, bảo vệ lý tưởng Quốc Gia, Dân Tộc.
Theo Tiến sĩ Phạm Lễ, là chuyên viên phân tích tình báo của Bộ Tư Lệnh Đặc Nhiệm 116.9 Hoa Kỳ thuộc J2/MACV từ năm 1962 đến 1975, nhận định:
“Cho tới nay, trong chúng ta có rất nhiều người đã thay đổi nghề nghiệp vì hoàn cảnh, để thích nghi với cuộc sống lưu vong. Trái lại, thi sĩ Quốc Nam - Người chiến sĩ văn hóa của chúng ta - vẫn sống chết với nghiệp dĩ của mình, trong văn chương, thi ca và truyền thông báo chí…. Có quen biết và cùng sinh hoạt với thi sĩ Quốc Nam mới thấy được người chiến sĩ văn hóa này đã trường chinh, rong ruổi, trên mặt trận văn hóa một cách can trường. Ông đã “Tự Thắng” để “Chỉ Huy” chính mình trước một cuộc chiến đầy chông gai, trắc trở, và trong sự đơn độc… 
… Ông đã không khiếp nhược trước bạo lực, áp  bức, bôi lọ, không ươn hèn qui hàng các địch vận hiềm khích, hay bị xiêu lòng khi nhóm nào đó dùng tiền tài mua chuộc… Nếu danh xưng “Chiến Sĩ Văn Hóa Việt Nam” để gọi một người Việt Nam chỉ biết cầm súng và cầm bút mưu sinh trong suốt quãng đời, thì nhà thơ nhà báo Quốc Nam quả đúng là mẫu người mà chúng ta thương mến gọi tên ông một cách đúng nghĩa như vậy”.
Với nhiều tác phẩm đã ấn hành gồm nhiều thể loại, dự tính cho các tác phẩm kế tiếp, trong đó có “Quốc Nam, Một Đời Sống Chết Vì Văn Hóa” (quyển sách ghi nhận nét nhìn của gần 250 nhân vật & độc giả về tác giả, theo lời Quốc Nam).
Quốc Nam đã tham gia và hỗ trợ các hội đoàn, đoàn thể, sinh hoạt cộng đồng ở Hoa Kỳ trong những thập niên qua. Có thể dùng vài danh xưng để gọi Quốc Nam, nhưng có lẽ gọi nhà thơ cho thân mật vì trong email của anh quocnam.poet… và lời tâm sự “Thơ tôi và cuộc đời đã gắn bó với nhau”.
***
Trong thời gian qua, tôi đã viết loạt bài về anh em văn nghệ cùng khoác áo lính với các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ… cho Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa mà tôi đảm trách và dự trù cho quyển sách: Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ. Với thi sĩ Quốc Nam, đã quen biết từ lâu nhưng cuộc hành trình trong nghiệp dĩ của anh còn phía trước, nên phải đợi vào thời điểm nầy - 45 năm - viết về người lính trận dấn thân cả cuộc đời trong thời chiến và năm tháng lưu vong. Với anh cùng trong hoài bão: “Hãy cùng trở về nguồn, Quê hương ta dựng lại”.

Little Saigon, tháng 4/2020
Vương Trùng Dương

Không có nhận xét nào: