Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (ảnh chụp màn hình từ https://www.youtube.com/watch?v=DF382XuFwxc).
Nhà bình luận chính trị nổi tiếng David Hutt cho rằng âm mưu “ngoại giao khẩu trang” của Bắc Kinh hiện đã khiến châu Âu chia rẽ. Là nhà báo chuyên viết cho mục “Đông Nam Á” của The Diplomat và thường xuyên viết cho Asia Times, ông Hutt cho rằng việc Trung Quốc thể hiện sự “hào phóng” của họ đối với các nước thành viên EU đang bị virus tấn công, có tác dụng ngược. Theo ông Hutt, Liên minh châu Âu (EU) đang từ chối “những lời tán tỉnh” trợ giúp của Trung Quốc, khi Bắc Kinh tăng cường các chiến dịch tuyên truyền và quyền lực mềm, trong đó mô tả họ là đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống Covid-19. Đây là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chống lại tuyên bố của một số chính khách trên thế giới, yêu cầu Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm chính cho đại dịch toàn cầu.<!>
Ông Josep Borrell, Cao ủy EU về Đối ngoại và An ninh, gần đây đã đả kích cái được gọi là “chính trị hào phóng” Covid-19, như là một mưu toan của Bắc Kinh, gieo rắc sự chia rẽ ở châu Âu, khi các nước này đang phải vật lộn với sự lây lan gây chết người.
Trong một tuyên bố gần đây, ông Borrell nêu rõ: “Có một cuộc chiến trên toàn cầu đang diễn ra, trong đó thời gian đóng vai trò tối quan trọng. Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh thông điệp rằng, không giống như Mỹ, họ là đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy”.
Ông Borrell cảnh báo có những âm mưu nhằm hạ thấp uy tín của EU, và trong một số trường hợp, người dân châu Âu bị kỳ thị như thể tất cả đều mang theo virus.
Theo ông Hutt, Ủy ban Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS), cơ quan về chính sách đối ngoại của EU, công bố các bản cập nhật thường xuyên về các chiến dịch “tin tức giả” trên toàn thế giới, đặc biệt là các chiến dịch của các tổ chức có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc và Nga.
Ông Andrew Small, một thành viên tại Chương trình châu Á của Quỹ Marshall của Đức có trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Có rất nhiều sự hoài nghi ở Brussels đối với chính phủ Trung Quốc và chương trình nghị sự chính trị của [Đảng Cộng sản Trung Quốc]. Hành vi của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng đã củng cố rất nhiều sự hoài nghi này”.
Năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi đã đến lúc “chấm dứt sự ngây thơ” đối với lợi ích của Trung Quốc ở châu Âu. Trong khi Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, lần đầu tiên mô tả Trung Quốc là một “đối thủ của cả hệ thống”.
Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), hứa hẹn sẽ thành lập một “Ủy ban Địa chính trị”, vốn được nhiều nhà bình luận coi đó là một cơ chế để xây dựng một EU quyết đoán hơn trong các vấn đề toàn cầu, hành động một cách “trung dung” giữa sự ganh đua của các siêu cường Mỹ – Trung.
Về phần mình, bà Von der Leyen đã công khai cảm ơn Trung Quốc vì đã gửi đồ y tế cho các thành viên EU bị virus tấn công, bao gồm cả Ý và Tây Ban Nha. Bà Leyen được cho là đã phát biểu nồng nhiệt về những quan hệ song phương, sau khi điện thoại với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 18/3.
Chính xác thì cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung Quốc – EU trong tương lai như thế nào, và liệu EU có tham gia vào các khối ủng hộ hoặc chống Trung Quốc, hay không, vẫn là điều chưa thấy rõ.
Ông Hutt lưu ý về những trường hợp được công bố rộng rãi, trong đó Trung Quốc [tự cho là] đã đến “giải cứu” các thành viên EU. Chẳng hạn như:
- Vào giữa tháng 3/2020, Trung Quốc thông báo sẽ gửi các thiết bị và dụng cụ y tế rất cần thiết cũng như các bác sĩ có kinh nghiệm trong việc xử lý virus này, đến nước Ý, một quốc gia EU bị virus tấn công nặng nề nhất. Sự ‘hào phóng’ đó bao gồm các hợp đồng, cung cấp 10.000 máy thở phổi, 2 triệu khẩu trang và 20.000 bộ quần áo bảo hộ.
- Tây Ban Nha, nước có hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ, gần đây đã đạt được một thỏa thuận trị giá 46 triệu USD với Trung Quốc, cung cấp 550 triệu khẩu trang, 5,5 triệu bộ dụng cụ thử nhanh, 950 máy thở, và 11 triệu đôi găng tay để giải quyết tình trạng thiếu hụt. Thỏa thuận đạt được hôm 25/3 trong một cuộc điện thoại giữa Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, theo các báo cáo, một số vật tư y tế được Trung Quốc cung cấp cho các nước bao gồm Tây Ban Nha và Cộng hòa Séc là bị lỗi, không sử dụng được.
Đồng thời, theo ông Hutt, một số chính phủ châu Âu đang chống lại sự phụ thuộc của nước mình vào việc nhập khẩu hàng hóa y tế do Trung Quốc sản xuất mà họ cho rằng chúng đã gây ra rủi ro an ninh quốc gia.
“Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy chúng ta ở Rumani và châu Âu phụ thuộc [tồi tệ] như thế nào vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc”, Bộ trưởng Kinh tế Rumani Virgil Popescu nhận định vào tuần trước.
Ông Hutt cho rằng thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc, vốn được khoe nhiều và được cả hai bên hy vọng ký kết trong năm 2020, sẽ rất khó hoàn tất do cuộc khủng hoảng Covid-19. Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc dự kiến được tổ chức trong tháng 3 này đã bị hủy bỏ; một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt được lên kế hoạch vào tháng 9/2020 tại thành phố Leipzig của Đức, cũng có nguy cơ bị hủy.
Ông Lucrezia Poggetti, một nhà phân tích tại Viện Mercator ở Berlin, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, nhận định rằng sự bùng phát Covid-19 “đang khiến EU và chính phủ Trung Quốc bận rộn xử lý khủng hoảng y tế công cộng và hậu quả kinh tế sau đó, và làm chậm tiến độ đàm phán và hạn chế triển vọng đạt được việc ký kết thỏa thuận đầu tư song phương vào năm 2020”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét