Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Donald Trump và chủ nghĩa dân tộc Mỹ mới - Lê Mạnh Hùng

Có những lúc theo dõi cuộc vận động tranh cử tổng thống tại Mỹ năm nay, người ta có cảm tưởng bị kéo lại một thời xa xưa. Một trong những điều gợi lại đó là khi tại Missisipi, Florida và nhiều nơi khác, ứng cử viên tổng thống Donald Trump của đảng Cộng Hòa kêu gọi các ứng cử viên của ông hãy giơ cánh tay phải lên và tuyên thệ trung thành của họ đối với ông. Hàng chục ngàn người đã giơ cánh tay phải lên và lập lại lời tuyên thệ cam kết ủng hộ Donald Trump làm tổng thống. Một cảnh hầu như lấy trực tiếp từ cuốn phim “March of the Will” của thời Hitler.Phải chăng đất nước dân chủ hùng mạnh nhất thế giới đang có nguy cơ rơi vào tay một lãnh tụ độc tài chuyên chế chủ trương một tinh thần dân tộc cực đoan?
<!>
Sự nổi lên của ông Trump là hậu quả của một cuộc khủng hoảng vốn đã kéo dài từ hai thập niên nay tại Hoa Kỳ – một cuộc khủng hoảng mà giới lãnh đạo Mỹ đã không để ý đến. Họ không có câu trả lời cho những người Mỹ sống tại những nơi như Kentucky hay West Virginia mà càng ngày càng bị bỏ quên trong thời đại mới. Chiến dịch bầu cử lần này nay đã mang cuộc khủng hoảng đó ra trước ánh sáng. Điều đó ta có thể thấy một cách hiển nhiên qua những chiến thắng của ông Trump cũng như trong sự ủng hộ nồng nhiệt của nhiều người Dân chủ đối với đối thủ của bà Hillary Clinton, ông Bernie Sanders, người mà đã làm cho danh từ “xã hội chủ nghĩa” một lần nữa được chấp nhận tại Hoa Kỳ.
Người từ bên ngòai đến nước Mỹ và sống một thời gian bỗng cảm thấy như sống trong một nền dân chủ đã kiệt sức mặc dầu thoạt nhìn đất Mỹ về kinh tế đã khá hơn nhiều năm trước. Đất Mỹ đã phục hồi sau cuộc “Đại Suy Thoái” dười nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama. Tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 5%. Nhưng sự giầu có này phần lớn chỉ được chia cho một nhóm nhỏ trong xã hội mà đời sống càng ngày càng tách rời ra khỏi phần còn lại của xã hội. Kể từ năm 1999, thu nhập của một gia đình Mỹ trung bình đã giảm đi $5,000 một năm trong lúc tài sản của họ bị giảm một phần ba. Hai phần ba số gia đình Mỹ không có tài sản ròng mà còn mắc nợ, nhiều khi số nợ còn rất cao. Sự phân hóa thành một đất nước với một ít “kẻ thắng” (winners) và rất nhiều người thua (losers) đã ảnh hưởng đến cả chiều hướng tinh thần của xã hội.
Theo một cuộc khảo sát của nhật báo New York Times thì con số người Mỹ còn tin vào “Giấc Mơ Hoa Kỳ” đã xuống tới mức thấp nhất từ 20 năm nay. Trên một nửa những người Mỹ dưới 25 tuổi nay không còn tin tưởng rằng chế độ tư bản là chế độ kinh tế tốt nhất có thể có. Tinh thần phấn đấu để trở thành giầu có và thăng tiến xã hội mà Alexis de Tocqueville mô tả như là cái keo gắn liền xã hội Mỹ, chuyển biến những đám di dân khác nhau trở thành một thể thống nhất nay không còn đủ mạnh để giữ cho xã hội không bị vỡ tan ra vì những lực ly tâm. Giữa nhóm đa số da trắng ngày một giảm dần và các nhóm thiểu số đặc biệt là đen và Hispanic nay càng ngày càng có một cuộc cạnh tranh để dành giật một số công việc tốt càng ngày càng ít.
“Chưa bao giờ lại có một sự bi quan về tương lai nước Mỹ như hiện nay” đó là nhận xét của bình luận gia bảo thủ Dennis Pager trên nhật báo New York Times. Và nhà báo Andrew Sullivan viết trên tạp chí New York rằng “tư bản hậu kỳ” Mỹ đã tạo ra “một sự giận dữ chính đáng mà các chế độ dân chủ già nua không có bao nhiêư khả năng làm dịu hoặc kiềm chế.” Chính trị Mỹ bắt đầu có những triệu chứng của chính trị Châu Âu thời 1930.
Ông Trump vôn ước muốn ra tranh cử tổng thống từ nhiều năm nay đã biết nắm lấy thời cơ. Ông theo đuổi những người ở bên “thua cuộc” trong tiến trình thay dổi xã hội, hay nói cho đúng hơn, những người còn chưa thua, nhưng e sợ sẽ thua. Trái với những điều người ta vẫn tin, nhưng người ủng hộ ông Trump không phải phần chính là những công nhân lao động “cổ xanh” (blue collar workers) và những người thất nghiệp. Các cuộc khảo sát cho thấy những người ủng hộ cho ông Trump có một thu nhập hàng năm trung bình là $72,000 cao hơn là thu nhập trung bình của những ủng hộ viên cho ông Sanders và bà Clinton. Sự ủng hộ cho ông Trump cho thấy rõ nỗi lo sợ của tầng lớp trung lưu Mỹ về sự suy thoái kinh tế xã hội của họ.
Trọng tâm của những chính sách của ông Trump là phản ứng với những lo sợ đó qua việc xây dựng một bản thể (identity) dựa trên việc cô lập và đối kháng. Điều đó có thể thấy rõ qua những hứa hẹn xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Mexico và cấm mgười Hồi giáo vào đất Mỹ. “Việc sử dụng những hình tượng chủng tộc và khai thác tinh thần bài ngoại có thể nói là lấy trực tiếp từ sách vở của đám Phát-xít” đó là nhận định của chuyên gia Robert Paxton về chủ nghĩa Phát-xít viết trên tạp chí mạng Slate. Theo Paxton, khẩu hiệu mà ông Trump đưa ra “Make America Great Again” nghe giống hệt như khẩu hiệu của Mussolini. Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Washington Post, Paxton nói thêm, “Một cảm nghĩ mình là nạn nhân là rất cần thiết cho sư nổi lên của chủ nghĩa phát-xít” và “tôi nghĩ rằng đó là cảm nghĩ hiện đang rất mạnh trong nước Mỹ” đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu da trắng Mỹ.
Ông Trump, giống như những nhóm cực hữu tại Châu Âu muốn dùng một tinh thần dân tộc cực đoan như là đáp án chống lại cảm giác nạn nhân đó cũng như chống lại cái gọi là toàn cầu hóa. Các ủng hộ viên của ông hò reo “Mexico” khi ông đặt câu hỏi “Ai sẽ chi trả cho việc xây bức tường” cũng như hò reo khi ông tuyên bố sẽ trục xuất – bằng vũ lực nếu cần thiết – số 11 triệu di dân bất hợp pháp hiện nay.
Lịch sử không phải lúc nào cũng lập lại. Không có dấu hiệu gì ông Trump sẽ là một Hitler hay một Mussolini mới. Nhưng một số những lời tuyên bố của ông có mầu sắc Phát-xít và ông đang chơi một trò chơi nguy hiểm với chủ nghĩa độc tài toàn trị.
Nhà báo Andrew Sullivan viết “Chưa bao giờ chế độ dân chủ của Mỹ có nguy cơ như hiện nay” và so sánh nước Mỹ bây giờ với Cộng Hòa Weimar của Đức. Có thể rằng Sullivan đã quá cường điệu, nhưng trong chính trị cũng như trong cuộc đời không bao giờ đương nhiên có “happy ending.” Muốn tồn tại chế độ dân chủ cần được bảo vệ.
Nước Mỹ cần có một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh về nguyên nhân của sự giận dữ, sự phân phối bất công thu nhập kinh tế quốc gia và những thái quá của chế độ tư bản Mỹ. Chính đảng Cộng Hòa thời xưa dưới Abraham Lincoln đã xóa bỏ chế độ nô lệ lập nền móng cho nước Mỹ hiện đại. Đảng Cộng Hòa hiện nay có thể nào kiềm chế được ông Trump không để ông phá vỡ chế độ dân chủ mà Lincoln đã mất công bảo vệ hay không?

Không có nhận xét nào: