Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Chùa Việt ở New York sản xuất tấm che mặt tặng các bệnh viện - VOA

Anh Đinh Trần Tuấn, hội trưởng Chùa Thanh Tịnh ở thành phố Rochester ở bang New York, tương tác với bác sĩ Gerry Gacioch khi anh trao tặng những tấm che mặt do anh và các Phật tử sản xuất.
Anh Đinh Trần Tuấn, hội trưởng Chùa Thanh Tịnh ở thành phố Rochester ở bang New York, tương tác với bác sĩ Gerry Gacioch khi anh trao tặng những tấm che mặt do anh và các Phật tử sản xuất.Sự thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ trong lúc các nhân viên y tế chật vật ứng phó với số lượng bệnh nhân nhiễm virus corona quá tải đã khơi lên một làn sóng ủng hộ từ công chúng Mỹ. Vô số tổ chức và cá nhân, trong đó có nhiều người Việt, đã tự may khẩu trang để cung cấp cho các bệnh viện địa phương. Nhưng anh Đinh Trần Tuấn, một cư dân gốc Việt ở thành phố Rochester của bang New York, lại nảy ra một ý tưởng khác. Anh muốn quyên tặng những tấm che mặt bằng plastic để các nhân viên y tế có thể đeo trên đầu khi họ tiếp xúc với bệnh nhân, công cụ mà anh nghĩ là cũng đang rất thiếu nhưng ít người đóng góp.
<!>
Bốn tuần sau đó, ý tưởng của anh trở thành hiện thực. Hàng ngàn tấm che mặt với kích cỡ khác nhau được đóng thùng và giao tới Bệnh viện Đa khoa Rochester và Bệnh viện Strong Memorial trong sự cảm kích của các bác sĩ đại diện tiếp nhận.
Đó là thành quả đáng kinh ngạc của một nỗ lực gần như không mệt mỏi của anh và một đội ngũ bao gồm các Phật tử tại Chùa Thanh Tịnh Rochester, nơi anh làm hội trưởng. Họ sản xuất những vật phẩm này bằng tay và từ sức lao động tập thể của khoảng 55 người tình nguyện.
"Khi mà bệnh viện nhận được thì họ có một sự thích thú và họ gửi thư cảm ơn rất là nhiều lần," anh Tuấn nói. "Đó là một động lực rất là mạnh để cho mọi người cảm thấy rằng mình góp được một bàn tay ngăn chặn cơn dịch, nhất là ở vùng New York."
Bác sĩ Gerry Gacioch đội tấm che mặt do nhóm người Việt ở Rochester thiết kế và sản xuất.
Bác sĩ Gerry Gacioch đội tấm che mặt do nhóm người Việt ở Rochester thiết kế và sản xuất.
Bác sĩ Gerry Gacioch, trưởng Khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Rochester, cho biết bệnh viện của ông đến nay đã nhận được 1840 tấm che mặt do cộng đồng người Việt ở đây quyên tặng. "Chúng tôi vô cùng cảm kích," ông viết trong một email gửi cho VOA.
"[Ông Tuấn] làm một nguyên mẫu rồi đưa cho tôi và nhân viên của tôi dùng thử. Nó thoải mái và dễ thở hơn rất nhiều so với các tấm che mặt tiêu chuẩn của chúng tôi. Điều này vô cùng quan trọng khi các bác sĩ và nhân viên y tế phải đeo hàng giờ đồng hồ cả ngày. Nghe cũng tốt và chúng tôi có thể dùng ống nghe mà không bị vướng."
Anh Tuấn, một kĩ sư hóa học làm việc tại công ty Xerox, cho biết anh tự thiết kế tấm che mặt này bằng cách tổng hợp các ý tưởng khác nhau đã được phổ biến rộng rãi trên Internet. Mục đích là tạo ra một sản phẩm vừa giản tiện vừa hữu hiệu, anh nói.
Quá trình sản xuất được chia thành nhiều công đoạn, bao gồm chuẩn bị nguyên vật liệu, cắt, dán và đóng gói. Công việc được phân công cho từng nhóm nhỏ phụ trách dựa trên trình tự các công đoạn và nơi ở của các thành viên để thuận tiện cho việc vận chuyển.
Tất cả mọi khâu trong dây chuyền sản xuất tự phát này đều tuân thủ nguyên tắc "giãn cách xã hội." Có người chuyên chở vật liệu đặt trước cửa nhà từng thành viên và sau khi làm xong, các thành viên chỉ cần gọi điện là có người tới lấy.
Anh Tuấn cho biết khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải là việc đặt mua nguyên vật liệu, cụ thể là những cuộn plastic cấp công nghiệp, vì anh phải "cạnh tranh" với các công ty khác cũng đang gia tăng sản xuất mặt hàng này.
Nhưng vị hội trưởng Chùa Thanh Tịnh cho biết với lòng hảo tâm đóng góp tài chính của các Phật tử, anh đã mua được nguyên vật liệu đủ để sản xuất 8000 tấm che mặt, một mục tiêu mà anh đặt ra cho anh và các hội viên đạt được trong những tuần sắp tới.
Tính đến thời điểm này, anh Tuấn nói khoảng 4000 tấm che mặt đã được giao cho Bệnh viện Đa khoa Rochester, Bệnh viện Strong Memorial và hai nhà dưỡng lão khác trong khu vực.
"Cho đến nay trong đội có ít nhất năm người tôi vẫn chưa giao được việc," anh Tuấn chia sẻ khi nói về sự nhiệt tình của các thành viên khi họ thực hiện phần việc mà họ được giao, bởi vì ai cũng ý thức được họ đang tiếp sức cho các nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Các Phật tử của Chùa Thanh Tinh chung tay làm tấm che mặt.
Các Phật tử của Chùa Thanh Tinh chung tay làm tấm che mặt.
Một số công đoạn được làm tại chùa trong khi một số khác được làm tại nhà.
Một số công đoạn được làm tại chùa trong khi một số khác được làm tại nhà.
Đối với những tình nguyện viên như bà Phan Thị Mỹ, sự chung tay góp sức này giống như việc làm công quả của một tín hữu Phật giáo thuần thành. Bà nói bà nhận lời ngay khi được hội trưởng kêu gọi góp sức làm tấm che mặt cho các y bác sĩ địa phương.
"Tôi coi trên mạng thấy bác sĩ, y tá thiếu thốn quá trời luôn thành ra nếu đóng góp được một chút xíu như vậy thì tôi mừng lắm," bà Mỹ chia sẻ. Bà nói thêm công việc này có ý nghĩa to lớn với bà trong lúc bà đang thất nghiệp vì tiệm làm móng nơi mà làm việc đóng cửa vì dịch bệnh.
Lòng nhân ái và tinh thần vị tha là động lực thôi thúc ông Trần Văn Hiệp tham gia nỗ lực sản xuất. Là người thường xuyên góp sức trong các công tác từ thiện ở chùa, ông Hiệp, 64 tuổi và đã về hưu, nói không chỉ riêng ông mà nhiều người khác đều sẵn sàng góp sức làm việc bất kể giờ giấc.
"Mình đâu biết trước ngày mai mình còn sống hay không," ông nói. "Ai cũng có số mạng hết. Cho dù mình ở trong nhà, một khi bệnh cũng chết là chết. Thành ra tôi không ngại [đến chùa giúp đỡ]. Bây giờ ai cần cái gì mình làm là cũng làm tới."
Anh Tuấn cho biết trong những tuần tới anh và đội ngũ của anh vẫn sẽ tiếp tục sản xuất các tấm che mặt để cung cấp cho các bệnh viện và nhà dưỡng lão địa phương. Nhưng anh cũng dự định sẽ liên lạc với các bệnh viện ở Thành phố New York, nơi đang là ổ dịch trầm trọng nhất ở Mỹ, để tìm hiểu xem có thể trợ giúp ra sao về mặt vật tư y tế.
"Việc này đòi hỏi nhiều hơn sự nhiệt tình của bà con cũng như một nguồn quỹ vững mạnh thì mới có thể làm được," anh nói.

Không có nhận xét nào: