Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

MỘT NGÀY CŨNG KHÔNG - Khúc An

MỘT NGÀY  CŨNG KHÔNG

Ngày 10 tháng Sáu vừa qua, những người Việt Nam trong cũng như ngoài nước còn chút tình với quê hương đều sôi sục tham gia những cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, nhân dịp Quốc Hội bù nhìn ở Hà Nội biểu quyết hai đạo luật về ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và đạo luật về An Ninh Mạng. Xin kể cho bạn nghe vài câu chuyện bên lề.
<!>
Câu chuyện thứ nhất:
Người đàn ông dừng lại bên hai người phụ nữ. Hai người phụ nữ một trẻ một già, dáng chừng là hai mẹ con. Mỗi người đeo một tấm bảng nhỏ trước ngực. Trời chiều vàng nắng. Đám đông tụ họp quanh tượng đài Chiến Sĩ Trận Vong. Tiếng hô hào vang dội một góc phố. Hai người phụ nữ như tan hẳn vào đám đông. Giờ này ở Việt Nam, những người cùng màu da với họ đang phải đương đầu với những thử thách lớn lao. Một Thiên An Môn Việt Nam có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hai người phụ nữ hô to những khẩu hiệu phản đối. Tiếng họ lẫn vào tiếng của những người nói cùng ngôn ngữ, có chung một nỗi đau quê nhà. Chia sẻ. Cảm thông. Chờ cho tiếng hô ngưng đọng, người đàn ông ghé tai người đàn bà lớn tuổi, hỏi: “Có biết kế hoạch phát triển của tụi nó trong ba đặc khu sẽ như thế nào không?” Người đàn bà sựng lại. Người đàn ông gật gù với vẻ thích thú, lớn giọng: “Có biết không?” Người đàn bà khẽ lắc đầu. Người đàn ông cười gằn, “Không biết mà cũng cũng bày đặt chống đối. Để tui nói cho nghe nè. Chúng nó sẽ mở casino. Những casino hiện đang có thì không cho người Việt vào, còn casino trong đặc khu thì sẽ cho người Việt vào chơi thả dàn. Hiểu chưa?” Người đàn bà gượng gạo gật đầu. Người đàn ông bồi thêm: “Không biết gì hết mà cũng biểu tình phản đối là sao. Tui dám chắc trong hết tất cả những người này, số người hiểu đếm được trên đầu ngón tay.” Người đàn bà xoay hẳn người nhìn thẳng vào mắt người đàn ông: “Tui nói cho ông biết. Tui chẳng cần biết tụi nó sẽ làm gì trong đặc khu. Cứ lấy đất của ông cha tui để lại đem cho ngoại bang cầm là tui không chịu, nhất là cho Tàu thì tui dứt khoát phản đối. Ông hiểu chưa? Ông không muốn tham gia thì đi về nằm nhà coi ti vi đi. Rồi mai mốt về Việt Nam mà đi casino với tụi Tàu!”
Trước phản ứng của người đàn bà, người đàn ông ngập ngừng một lúc rồi quay lưng. Những tiếng hô khẩu hiệu đuổi theo ông ta đến tận góc đường: Một tấc đất cũng không! Một ngày cũng không!

Câu chuyện thứ hai:
Một người đàn ông Việt Nam, đi qua khu biểu tình, dừng lại nhìn như một kẻ bàng quan. Rồi ông ta lẩm bẩm. Nói nhỏ nhưng cũng cố tình cho vài người chung quanh nghe thấy: “Hải ngoại phản đối làm gì? Người trong nước tay không một tấc sắt, xúi người ta phản đối để cho chúng nó có cơ hội đàn áp có phải là dại không?”
Giữa những tiếng hò reo của đám đông, câu nói của người đàn ông lọt vào tai người đàn bà đứng cạnh. Chị quay lại nhìn người đàn ông. Người đàn ông nhìn chị. Trong vài giây đồng hồ, con mắt chị mở lớn, ngạc nhiên. Rồi chị khẽ lắc đầu, quay đi. Người đàn ông ấy không xa lạ gì với chị. Một khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng. Một ông đã từng là giáo sư ở Việt Nam ngày trước. Một người trí thức.

Câu chuyện thứ ba:
Trong lúc đoàn biểu tình đang hô những khẩu hiệu tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Khách qua đường đứng lại vài giây để nhìn rồi tiếp tục bước đi. Những tiếng hô: “Out! Out! Out!’ rộn ràng sau câu gào khản cổ của người điều động buổi biểu tình: “China!”. Cứ thế: “China: Out! Out! Out!”
Một cặp thanh niên nam nữ người Hoa đi qua, trố mắt nhìn. Một người trong đoàn biểu tình, ôm chắc tấm bảng nhỏ – có ghi khẩu hiệu – trên tay tiến đến bên họ, gật đầu chào và hỏi: “You want to know what’s going on?” Người thiếu nữ nhanh nhảu trả lời: “No, we don’t want to know.”
Cả người hỏi lẫn người trả lời đều là công dân Canada, chỉ khác cái gốc: Việt với Tàu.

Câu chuyện thứ tư:
Ngày 10 tháng Sáu trôi qua. Bao nhiêu hình ảnh từ Việt Nam tràn ngập những trang Facebook. Những cảnh từng đoàn người sôi nổi tràn ra khắp các ngả đường. Những tấm bảng nhỏ trong tay. Những câu phản đối việc làm khuất tất của chế độ được ghi bằng chữ lớn. Hình ảnh về cuộc đụng độ giữa người dân Bình Thuận với lực lượng công an Cộng Sản. Bức hình người công an trẻ đứng một mình, xuôi tay, nụ cười tội nghiệp trên môi. Bức hình lan truyền nhanh trên không gian mạng. Chị nhà báo họ Phạm (kiêm nhà văn nhà thơ gì đó) vắt vẻo sống ở Việt Nam – ngày thường toàn dán hình để quảng cáo cậu con trai thông minh, giỏi giang hết sức mình – hôm nay phổ biến tấm hình người công an và lên giọng khuyến cáo người dân rằng công an cũng là con cháu mình, đừng cư xử với họ bằng bạo lực. Chuyện đâu còn có đó, chớ có hung hăng với “các em, các cháu”. Cái post của chị nhà báo này được khá nhiều “friends” (trên 300 mạng) share trên Facebook.

Câu chuyện thứ năm:
Khi nghe nói nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam điều động quân đội tới Bình Thuận, nhiều người lo lắng sẽ xảy ra một Thiên An Môn Việt Nam, nhưng một chị nhà văn (lại nhà văn) trong nước lên tiếng trấn an bạn bè trên Facebook rằng chớ có lo, quân đội được gửi đến là điều tốt. Bởi quân đội này là Quân Đội Nhân Dân. Mà Quân Đội Nhân Dân thì bảo vệ nhân dân chứ còn bảo vệ ai vào đây nữa, vì vậy đồng bào cả nước cứ yên tâm. Chị còn lên tiếng nhắn nhủ “khúc ruột ngàn dặm” rằng ở nước ngoài cứ ham đi biểu tình mai mốt không được về Việt Nam thăm thân nhân (nói trắng ra là đi ăn chơi) đâu đó!
Bạn thân mến.
Đó là những chuyện vặt mà tôi được thấy, được nghe ngày 10 tháng Sáu vừa qua. Những tháng ngày này là thời gian xáo trộn nhất ở Việt Nam. Bọn cầm quyền thì chân trong chân ngoài, còn thứ bán được thì thẳng tay bán nốt trước khi lên máy bay ra nước ngoài định cư.
Người dân Việt Nam không khác gì người thiếu phụ bị cưỡng bức kết hôn với một tên trộm cắp. Cái đảng ăn cướp kia chính là tên chồng trộm cướp ấy. Tên chồng tiêu xài hoang phí (mạng người) cho cuộc chiến tranh (giải phóng tài sản của miền Nam). Đã vậy nó lại là đứa cờ gian bạc lận (đổi tiền, tịch thu tài sản, đuổi người dân đi kinh tế mới). Nó cờ bạc, nó đi casino. Nó nợ (khối xã hội chủ nghĩa) ngập đầu, rồi nó bán nhà, bán đất, và cuối cùng bán vợ, đợ con trước khi chuồn thẳng. Thằng chồng khốn nạn ấy là cái đảng cướp kia. Khi vợ con phát hiện ra thì gia sản đã không còn gì. Vợ con lên tiếng phản đối thì nó đem dao búa (quân đội, công an và lũ côn đồ) ra đe dọa. Khi toàn bộ gia sản cũng như vợ con được bàn giao cho chủ mới thì thằng chồng khốn kiếp ấy lên máy bay qua Mỹ, qua Canada, qua Úc, qua Âu Châu tiếp tục cuộc chơi. Thằng chủ mới (Trung quốc) có toàn quyền sinh sát với vợ con (người dân thấp cổ bé miệng) của thằng cờ bạc kia. Và chắc chắn vợ con nó sẽ trở thành những người nô lệ trong chính căn nhà của ông cha mình để lại.
Bạn thân mến. Viễn ảnh ấy quá rõ ràng, nhưng thay vì lên tiếng báo nguy hoặc phản đối thì những tay như gã đàn ông trong hai câu chuyện đầu lại đem thứ lý sự nhảm ra gây khó khăn cho những kẻ có lòng với đất nước. Đúng là những tay chỉ giỏi bàn lùi. Mấy tay này chắc cũng đã từng hỏi những người chống cộng sản ở Việt Nam rằng ông (hay bà) có hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì không mà chống nó; ông (hay bà) đã đọc tập Tư Bản Luận của Karl Marx chưa, đã đọc bộ Kinh Tế Chính Trị Mác-Lênin chưa mà lên tiếng chống cộng. Đúng là lũ trí thức ăn hại!
Riêng cặp thanh niên nam nữ người Canada gốc Hoa đi ngang đám biểu tình, nghe người Việt reo hò: China: Out! Out! Out! chắc cũng hết hồn và tôi – đứng cạnh đó – cũng không biết nói sao, nhưng tôi tin những người tổ chức biểu tình nhận ra điều này. Với những người Canada không nói tiếng Việt, không hiểu chuyện Việt Nam thì việc làm của chúng ta – dưới mắt họ – chỉ là hình ảnh một nhóm người vung tay la hét bằng thức ngôn ngữ xa lạ với họ, dù thỉnh thoảng cũng có những câu tiếng Anh nhưng nghe rất khó vì là tiếng hét chứ không phải lời nói. Hải ngoại biểu tình để bày tỏ sự đồng lòng với người dân trong nước là điều cần thiết nhưng giúp cho những sắc tộc khác hiểu phần nào câu chuyện của quê nhà cũng là điều nên làm.
Với những kẻ như chị nhà báo họ Phạm lên giọng răn đe người biểu tình không được phản ứng mạnh tay với công an thì – thiệt tình! – có dịp tôi sẽ chỉ cần hỏi chị ta một câu rằng chị có biết chủ căn nhà ở Sài Gòn – mà sau khi rời Hà Nội vào Nam chị được nhà nước cướp lấy và cấp cho – chị có biết người chủ ấy đã đổ bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu năm trời mới gầy dựng lên căn nhà ngay trên khu phố chính của Sài Gòn, cái nhà nước của chị đã đuổi người ta đi khu kinh tế mới, tước đoạt căn nhà ấy, cấp cho chị đấy, và chị có biết số phận người chủ nhà ấy ra sao không? Để tôi nói cho chị nghe, người vợ đã bị rắn độc cắn chết ở khu Kinh Tế Mới có cái tên mỏng mềm: Tân Hòa, ở tận Đồng Xoài, chị có biết không. Vì vậy tôi hiểu vì sao chị khiển trách người dân Bình Thuận không cư xử thân tình với công an của chế độ. Cùng một thứ cướp đường cướp chợ với nhau nên bênh nhau là lẽ thường.
Xin chú thích thêm chị nhà báo họ Phạm này là người – mà khi dân chúng phát rồ, đổ ra đường, cởi áo quần, ăn mừng đội bóng đá Việt Nam vào chung kết U-23, bị thiên hạ phê bình – chị ta đã mắng lại những người phê phán rằng “lúc orgasm thì cũng phải cho người ta rên chứ!”
Còn cái nhà chị viết văn kia nữa. Chị chơi đùa với ngôn ngữ mà chị không biết giùm rằng chơi chữ là nghề của bọn Việt Cộng. Mấy chữ “Quân đội nhân dân” chỉ là cái danh xưng, một cái tên nghe cho kêu thôi. Muốn cho chắc ăn, làm ơn hỏi kỹ “Nhân dân nào?” Nhân dân ở Ba Đình, nhân dân ở Bắc Bộ Phủ, nhân dân ở trong những tư dinh “khủng”, nhân dân làm chủ những đất đai quá “chất”, những tài khoản “đỉnh”… hay là nhân dân bán vé số trên lề phố, nhân dân nhặt ve chai đầu con hẻm, nhân dân ngủ đầu đường xó chợ ở bến xe, bến đò?
Chị chỉ cần nghe các chú bộ đội nhà chị tụng cái câu “Quân đội nhân dân Việt Nam: trung với Đảng, hiếu với dân vân vân và vân vân” là hiểu ra ngay thôi. Và xin nhớ chữ “dân” trong câu này là dân ở Bắc Bộ Phủ chứ không phải dân lê lết gầm cầu Ông Lãnh đâu, bà chị.
Rõ chán các đấng trí thức. Hèn chi dạo trước Mao Trạch Đông phát ngôn: “Trí thức không bằng đống phân trâu!” Và cũng thật chán khi cứ vừa mở máy điện toán lên để dạo bàn phiếm, dò tin quê nhà là lại thấy ông nhà thơ nọ phơi thơ kèm theo hình chân dung (đứng thẳng, đứng nghiêng người, ngồi trên thềm, ngồi quán cà phê, nằm nghiêng trên cát, nằm ngửa trên sofa) trong chương trình mỗi ngày một bài thơ tình. Ông bà bác sĩ (giàu có) kia tạo dáng, khoe hình, nhởn nhơ ở khu resort cao cấp có khách sạn 5 sao. Chị (đẹp) nọ khoe ông xã vừa tặng hoa hồng và chị đáp lễ bằng mấy đĩa thức ăn “mời cả nhà thưởng thức” (bánh vẽ). Ông già (tốt phước) kia tụng ca cháu ngoại mới tốt nghiệp nhà trẻ với đầy hình ảnh lễ cấp bằng tốt nghiệp.
Nhưng mà thôi như vậy cũng đỡ hơn những câu phát biểu trên mạng rằng lên tiếng phản đối nhà nước Việt Cộng như vậy thì mai này đừng hòng về Việt Nam... Hoặc thở dài rằng muộn rồi, quốc hội Việt Cộng đã bỏ phiếu bịt miệng bịt tai người dân bằng cái gọi là luật An Ninh Mạng, còn kêu rêu làm chi nữa.
Để kết thúc, xin được cúi đầu ngưỡng mộ những người Việt lẻ loi trong cuộc chiến đấu bảo vệ những gì còn sót lại của quê hương; như cô gái nhỏ trên lề con phố đông đúc xe cộ trong bức hình mà tôi mượn từ không gian mạng. Những kẻ đi đường nhìn cô như nhìn một sinh vật đến từ hành tinh khác. Và xin mượn hai câu thơ của tác giả Yen Tran để kết thúc bài viết này:
“Thương em gái nhỏ đứng đơn côi
một lũ đi qua nhếch mép cười.”
Bạn tôi ơi mọi sự chỉ muộn màng khi chúng ta xuôi tay, bỏ cuộc.

Khúc An

Không có nhận xét nào: