Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tuần 15-5-17 - TS Nguyễn Nam Sơn

Nhạc:
1.  Em Về Miệt Thứ: Hà Phương - Hương Lan

<!>
2.  Chuyện Tình Lá Diêu Bông: Nguyễn Tiến - Hoàng Cầm - Ái Vân
3. Anh Rất Là Buồn:  thơ Hoàng Lộc - Thái Tuệ phổ nhạc & hát
4.  Giấc Ngủ Cô Đơn: Anh Bằng - Lê Dinh - Như Quỳnh

5.  Mộng Ban Đầu: Hoàng Trọng - Hồ Đình Phương - Ngọc Hạ
Tình thân, 
NNS
.............................. .............................. .............................. ...........


I. Chuyện Thời sự & Xã hội trong nước
1.  Thanh Tú: Mỗi chúng ta là một người tù dự khuyết

Tôi có may mắn được gặp Bạch Hồng Quyền tại Sài Gòn trong một lần xuôi Nam. Tối đó là sinh nhật của một người bạn mà cả tôi và Quyền cùng quen biết. Dù biết Quyền đã lâu, nhưng tôi chỉ có thể bày tỏ sự ngưỡng mộ bằng những câu hỏi đãi bôi. Vì tự trong lòng tôi biết rằng, tất cả những lo lắng của tôi dành cho cậu ấy đều vô nghĩa. Quyền thừa biết, tất cả những công dân sống trong cái nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam này đều là những người tù dự khuyết.
Quyền là mẫu người trẻ dấn thân. Cậu ấy là thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam, một phong trào được khởi xướng từ những người hiểu biết, bận lòng với tổ quốc, như: anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh Lê Công Định, anh Lê Thăng Long…Thông qua những việc Quyền làm, những điều Quyền nói, tôi biết Quyền muốn đem những giá trị phổ quát của nhân loại đến từng người dân. Đau đớn thay, những giá trị phổ quát của nhân loại, như: Quyền con người, quyền biểu tình, tự do ngôn luận, tự do lập hội…mà Quyền muốn mọi người dân Việt đều được thừa hưởng, thì đó lại là khắc tinh, kẻ thù của chế độ. Vì vậy, Quyền bị chính quyền CSVN thù ghét, tìm mọi cách để bắt bỏ tù. Việc làm này là nhằm hạn chế cho người dân Việt Nam tiếp xúc với những giá trị của nhân loại.
Khoảng đầu tháng 4/2017, tại “chảo lửa” Hà Tĩnh, nơi người dân đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề nhất từ việc Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa xả thải, liên tiếp xảy ra những vụ biểu tình, yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản phải khởi tố Formosa, đưa những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” ra trước vành móng ngựa. Đó, dường như là việc làm đi ngược lại ý muốn của nhà cầm quyền.
Trước đó, liên tiếp những cuộc tuần hành, biểu tình của người dân để đi kiện Formosa đều bị nhà cầm quyền dùng vũ lực dập tắt. Những chiến dịch bôi nhọ các lãnh đạo tinh thần được Ban Tuyên giáo phát động rầm rộ. Bạch Hồng Quyền đã xuất hiện ngay tại chảo lửa vào những thời điểm căng thẳng nhất. Sự xuất hiện của anh khiến cho nhà cầm quyền khó chịu.
Tối ngày 2/4/2017, Bạch Hồng Quyền cùng một số bạn ngồi cafe, tên Nguyễn Văn Giáp - Trưởng Công an xã Thạch Bằng xách theo súng và dẫn theo một đám mật vụ huyện Lộc Hà xuất hiện. Chúng xông vào đòi đánh đập Bạch Hồng Quyền và Hoàng Đức Bình. Nhờ sự trợ giúp của bà con giáo dân tại đó, anh và Hoàng Đức Bình đã nhanh chân bỏ chạy. Thấy “con mồi” đã xổng, tên Giáp liền tức tối dùng súng bắn theo 5 phát. Rất may, trong đêm tối, 5 phát súng ấy đã không lấy đi tính mạng của Bạch Hồng Quyền và Hoàng Đức Bình. Chưa dừng ở đó, tên Nguyễn Văn Giáp và đám mật vụ vẫn chưa buông tha, chúng kéo đến nhà thờ để gây sự. Nhà thờ đã phải rung chuông báo động. Bà con giáo dân gần đó kéo đến. Sự hung hăng vốn là căn tính của công an, chúng liền rút dao chém bà con, rất nhiều người đã đổ máu phải đi bịnh viện băng bó. Ngược lại, phía công an cũng bị đánh cho vêu đầu.Tên Nguyễn Văn Giáp, dù là người sống trong làng nhưng thân là “thanh kiếm” lại chỉ biết “còn đảng còn mình” nên đem tấm thân chó ngựa để bảo vệ sự tồn vong của đảng bằng cách chống lại cả những hàng xóm, bà con thân thuộc. Đó là thứ giá áo túi cơm.
Ngày hôm sau, bà con đã kéo đến trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà để yêu cầu chính quyền phải làm rõ hành vi rút mã tấu chém người, dùng súng truy sát của tên Nguyễn Văn Giáp và đám mật vụ. Cuộc biểu tình được sự ủng hộ đông đảo của bà con lên đến 8,000 người.Thói lưu manh như là căn tính, chính quyền cho mật vụ trà trộn, lợi dụng lúc hỗn loạn liền ném đá để kiếm cớ trấn áp. Xui xẻo thay, tên mật vụ liền bị bà con phát hiện và cái giá của nó là phải nằm giả chết.Trước sự chứng kiến của đông đảo người dân, lãnh đạo huyện đã hứa sẽ xử lý nghiêm vụ hành hung, nổ súng truy sát của tên Giáp và đám mật vụ. Song, như cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn vào những gì Cộng sản làm”, những lời nói của lãnh đạo chính quyền huyện Lộc Hà đã theo gió bay mất, như xưa nay vẫn thế. Và Bạch Hồng Quyền là tâm điểm để nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh trả thù, vì công an chẳng những đánh đập được anh, truy sát nhưng anh không chết, đã vậy chính vì anh mà người dân hai xã Thạch Bằng, Thạch Kim nổi dậy chống chính quyền.
Ngày 19/4/2017, công an tỉnh Hà Tĩnh phát lệnh khởi tố đối với Bạch Hồng Quyền. Việc khởi tố chẳng nằm ngoài mục đích trả thù. Lý ra đường đường chính chính thì đằng này, công an Hà Tĩnh lại sử dụng những “mưu hèn kế bẩn”, về đến nhà Quyền để khủng bố tinh thần ông nội (đã 90 tuổi), tiếp đó khủng bố vợ con của Quyền. Những chiêu trò này vốn là nghiệp vụ mà an ninh được học từ KGB bên Liên Xô.
Trong lần may mắn được gặp Quyền, tôi có hỏi: “Quyền chuẩn bị vô tù chưa?”. Câu trả lời mà tôi nhận được là: “Lúc nào em cũng chuẩn bị tâm thế để vô tù”. Dù cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra phút chốc, nhưng từ con người ấy đã toát ra sự quả cảm. Ngục tù nào có thể khuất phục được?
Những người Cộng sản chắc chắn thù ghét đất nước, dân tộc Việt Nam lắm. Vì kể từ khi họ cướp được chính quyền, ngoài việc vơ vét hết của cải, khoáng sản đem bán, họ còn tước đoạt hết các quyền hiến định. Cộng sản không cho người dân quyền được nói, được tự do ngôn luận, họ còn cấm cả việc tự do đi lại. Nói chung, những giá trị phổ quát trên thế giới là kẻ thù của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Và những người như Bạch Hồng Quyền là cái gai, còn hơn là kè thù đối với thể chế này.
Nhà thơ Đinh Linh trong tác phẩm “Luân Hồi” từng viết rằng:
“Kiếp trước mày ở ác / Kiếp này mày công dân Việt Nam”.
Chúng ta không thể chọn nơi chúng ta sinh ra, cũng như việc trở thành công dân Việt Nam là điều bất hạnh. Một khi là công dân Việt Nam, mỗi chúng ta là một người tù dự khuyết. Và việc của chính quyền là bắt bỏ tù khi nào cũng được. (Đồng Lác, 5/2017)
2.  Ts Nguyễn Thị Từ Huy: Đỏ-Vàng, những lá cờ và chúng ta

Sau bài "Quá khứ hay tương lai ?", các phản ứng chỉ trích giành cho tôi (mà tôi đón nhận trong tinh thần hoàn toàn tôn trọng) không có gì khác hơn so với những gì tôi đã hình dung từ trước. Thậm chí tôi còn hình dung những phê phán nặng nề hơn như thế rất nhiều. Và tôi rất hiểu vì sao tôi bị phê phán.
Đằng nào thì cũng đã bị chỉ trích, nên tôi tiếp tục nói vài lời về chủ đề lá cờ, chủ đề gây tranh cãi từ lâu và chưa hề được giải quyết, và chưa biết bao giờ mới được giải quyết, nếu không có một nỗ lực đủ lớn từ tất cả các phía, mà nỗ lực đầu tiên là vượt qua các tổn thương cá nhân để hiểu người khác, và vượt qua tình cảm cá nhân để hướng tới mục đích chung của cả dân tộc.
Nếu mọi người quan sát hai lá cờ đang là biểu tượng cho sự chia cắt và mâu thuẫn của Việt Nam, cờ đỏ sao vàng và cờ vàng ba sọc đỏ, thì sẽ thấy cả hai lá cờ đều có một điểm chung :
Cả hai lá cờ đều chỉ có hai màu : Vàng và Đỏ.
Không có màu nào khác ngoài Đỏ và Vàng.
Điểm chung đó là điểm chung của chính người Việt chúng ta, những người da vàng máu đỏ. Cho dù chúng ta đứng dưới lá cờ nào thì chúng ta cũng là những người máu đỏ da vàng, cùng một giòng giống, cùng một nguồn gốc.
Điều đau xót là ở chỗ : những gì gắn kết chúng ta lại cũng chính là những gì chia cắt chúng ta.
Điều đau xót là ở chỗ : hai mươi năm trong chiến tranh người Việt giết lẫn nhau dưới hai lá cờ, bốn mươi hai năm sau chiến tranh vẫn có những người Việt phải chết vì lý do lá cờ, như trường hợp gần đây nhất của phật tử Nguyễn Hữu Tấn, chết dưới lá cờ đỏ trong đồn công an vì lý do tàng trữ lá cờ vàng.
Bài viết này như một lời ai điếu cho người phật tử mà tôi không quen. Cái chết của anh liệu có làm lay động những lá cờ ? (Paris, 8/5/2017)
3. Nhà văn Đào Hiếu: Những đứa trẻ của ngày 30-4-1975

Ngày 30/4/1975 tôi có 3 đứa con: năm tuổi, bốn tuổi và một tuổi. Bây giờ chúng đã là những viên chức, có chỗ đứng tốt trong xã hội. Chúng có học vấn, có cuộc sống ổn định. Chúng sống bình lặng, khiêm nhường và lương thiện như mọi công dân Việt Nam khác.
Nhưng không phải ai cũng sống bình thường như vậy.
Bởi vì cũng có những đứa trẻ của ngày 30/4/75 đang sống khá đặc biệt. Đó là những người hiện nay thuộc lứa tuổi trên dưới 50 (tức là ở thời điểm 30/4/75 các vị ấy chỉ vừa mới cất tiếng khóc chào đời cho đến 12, 13 tuổi), chẳng những không hề tham gia cách mạng mà thậm chí không biết cách mạng là gì, chiến tranh là gì, nhưng hiện nay họ là những ông bà quan lớn cách mạng, giàu có và đầy quyền lực.
Họ coi chính quyền này là của riêng họ, làm như thể chính họ đẻ ra cái chính quyền này, họ là bố mẹ của dân, là ông chủ của dân.
Trong hàng ngũ các bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc, chủ tịch tỉnh, chủ tịch quận, chủ tịch phường, xã… không ít những người thuộc thế hệ ấy (có những vị bộ trưởng chỉ mới 48 tuổi, có vị chỉ 45 tuổi, bí thư tỉnh Hà Giang 45 tuổi, phó chủ tịch Đà Nẵng 35 tuổi (con trai một ủy viên BCT), còn ở cấp quận, huyện, phường, xã… thì người trẻ vô số).
Nói theo kiểu dân gian: họ là những người “tân gia ba” tức là mới tham gia cách mạng sau ngày ba mươi tháng Tư, nhưng họ vẫn hùng hồn tuyên bố: “Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành lấy chính quyền này thì không thể nào chúng ta có thể để chính quyền lọt vào tay kẻ khác”.
Rõ ràng là họ coi chính quyền này như một chiến lợi phẩm mà – tiếc thay – họ chỉ là kẻ thừa hưởng chứ không hề tự tay mình giành lấy, đừng nói tới chuyện “đổ xương máu”.
Họ có thể biện bạch rằng: tuy chúng tôi không đổ xương máu nhưng đó chính là xương máu của cha anh chúng tôi.
Thật vậy sao?
Vậy mà người ta cứ nghĩ rằng đó là xương máu những người thân của đám dân đen đang chui rúc trong xóm lao động kia, là con, là chồng, là cha của những người nông dân đang đổ mồ hôi và nước mắt trên những luống cày tại những làng quê nghèo khó.
Tôi không có ý chê bai những người mới tham gia vào guồng máy chính quyền hiện nay sau ngày 30/4/75, bởi vì điều đó thật vô lý. Tôi cũng không có ý coi thường những cán bộ trẻ, bởi vì họ đang đầy sức sống và năng lực, nhưng quả thật là hiện nay đang có những nhà lãnh đạo trẻ, cứ tiếp tục cái điệp khúc: “chúng ta đã hy sinh xương máu… nên không thể để chính quyền lọt vào tay người khác”… đã trở nên quá nhàm chán.
Tôi nghĩ, thay vì cứ tự hào về cái quá khứ mà họ không hề tham dự, họ nên hành động, nên suy nghĩ độc lập, biết đột phá, biết tìm con đường mới, biết mở cánh cửa tự do dân chủ, tránh vết xe đổ của lớp đàn anh vừa đi qua thì phúc cho dân tộc này biết chừng nào....
Những người từng đổ xương máu cho chính quyền này là hàng triệu chiến sĩ đã chết ngoài mặt trận, chết nơi ngục tù. Những người ấy giờ chỉ còn là cát bụi, không tài sản, không địa vị, không quyền lực và hiện nay thân nhân của họ đang sống rất nghèo khổ.
Họ là những người duy nhất có quyền được tuyên bố rằng mình đã đổ xương máu cho chính quyền này, nhưng không bao giờ những mộ bia quạnh hiu nơi nghĩa trang liệt sĩ, những nấm đất vô danh nơi rừng sâu núi thẳm kia có thể thốt nên lời!
Số còn lại thì đã già, đã về hưu, chỉ còn một số ít vẫn đang nắm quyền nhưng rồi chẳng bao lâu họ cũng sẽ xuôi tay nhắm mắt mà không biết rằng mình sẽ để lại cho đời sau những tiếng thơm hay những lời nguyền rủa.
Đổ xương máu hay không đổ xương máu thì cũng chỉ còn (để) lại một nước Việt buồn.

II.Chuyện Thời sự & Xã hội ngoài nước
1.  BBC: Phải bỏ Đảng để tiến bước và hy vọng

Thắng lợi tranh cử của Emmanuel Macron tại Pháp tạm thời ngăn được bước tiến của phe cực hữu nhưng cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của Đảng Xã hội Pháp và phe tả châu Âu.
Từng làm bộ trưởng trong chính phủ Francois Hollande, ông Macron đã phải vứt bỏ nhãn hiệu Đảng Xã hội để lập ra lực lượng riêng mới có thể thắng lợi. Đảng của một Macron trẻ trung chỉ có cái tên là 'En Marche' - Tiến Bước, và hứa trao cho quần chúng niềm Hy Vọng mà không cần nền tảng tư tưởng gì hết.
Sụt phiếu khắp nơi
Ngược lại, ứng viên kiểu cổ điển của của Đảng Xã hội, Benot Hamon, chỉ giành được có 6% phiếu trong vòng một bầu cử tổng thống, bằng một nửa số 12% phiếu bỏ cho Lionel Jospin hồi 2002. Đây là một bước tụt lùi nghiêm trọng cho đảng lớn ở Pháp từng lấy cảm hứng từ phong trào Marxist.
Cũng tuần qua, tại cuộc bầu cử địa phương ở Anh, Đảng Lao động (Labour) thua thảm hại, mất 550 ghế trong các hội đồng địa phương về tay Đảng Bảo thủ. Nhiều báo nói phe Lao động thua là vì cách điều hành của ông Jeremy Corbyn, người hồi trẻ từng viết bài cho tạp chí cộng sản Anh và cũng đã có lúc gọi Hamas và Hezbollah là "những người bạn".
Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, sau thời kỳ hoàng kim Clinton - Blair, phe tả dần mất dân, mất ghế.Từ Mỹ, Niall Ferguson, giáo sư chính trị người Scotland hiện giảng tại Đại học Stanford nói rằng nhìn lại cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ta cũng không nên chỉ đổ lỗi cho bà Hillary Clinton. Ông viết trên trang Sunday Times 08/05: "Một chương trong lịch sử cánh tả đã khép lại. Vấn đề không phải là Clinton hay Corbyn mà phái dân chủ xã hội (social democracy) thực ra đã chết."
Từ Pháp, nhà phân tích chính trị Pascal Perrineau đồng ý: "Một lực lượng chính trị có từ lâu như đang chết trước mắt chúng ta."
Nhưng sự đi xuống của các đảng cánh tả châu Âu đã xảy ra không phải từ bây giờ.
Giã từ ý thức hệ
Brian Wheeler viết trên BBC News rằng phe tả châu Âu, một thời ủng hộ Liên Xô, đã mất đi nhiều sự ủng hộ cùng lúc khối cộng sản Đông Âu tan rã đầu thập niên 1990.
"Ý thức hệ Marxist khi đó không còn là thời thượng trong các trường đại học, và ngay cả trong các đảng cánh tả vẫn còn có cảm hứng muốn giành quyền tại Phương Tây, như đảng Lao động ở Anh."
Trước khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, một cây đa cây đề của phe tả châu Âu, Tổng thống thuộc Đảng Xã hội Pháp, Francois Mitterand, đã ký vào Luật 'Single Market Act' ở châu Âu, chấp nhận kinh tế thị trường.
Khi đã bỏ tư duy xã hội chủ nghĩa, 'bình quân cào bằng' kiểu cũ và chung sống với thị trường, phe tả muốn tăng thuế để điều tiết lại lợi tức xã hội, đảm bảo mạng lưới an sinh cho người lao động. Nhưng với chủ nghĩa tư bản sang thế kỷ 21 trở thành dạng toàn cầu hóa, kiểm soát thuế và giữ việc làm trong khuôn khổ một quốc gia ngày càng khó. Mặt khác, muốn có tiền để chi tiêu công cao thì nhà nước phải 'chung sống với doanh nghiệp', ra đường lối 'pro-business'.
Tony Blair ở Anh đã thấy sự mâu thuẫn này và đề ra Con đường Thứ Ba (Third Way), không phải tư bản, cũng chẳng theo chủ nghĩa xã hội.
Thắng cử của ông Blair chủ yếu nhờ uy tín cá nhân đã giúp Đảng Lao động Anh cầm quyền hơn hai nhiệm kỳ.
Nhưng mâu thuẫn nội bộ khiến phái 'thân doanh nghiệp' của Tony Blair và Gordon Brown thua trước phái cổ điển cứng rắn của Jeremy Corbyn và John McDonnell.
Xa rời quần chúng
Các phong trào xã hội dân chủ hình thành nhờ mối liên hệ truyền thống giữa tầng lớp lao động (working class), và đại diện của họ là các nhóm trí thức đô thị thiên tả. Nhưng nay, mối liên hệ này đã không còn. Giới trí thức thiên tả (ở Mỹ gọi là 'tự do' - liberal) ham đấu tranh vì quyền đồng giới, vì các nhóm nhập cư, và tự do thảo luận cao siêu hơn là bảo vệ người lao động bản địa. Vì thoái lui trước làn sóng tự do kinh tế, khái niệm tự do dần dần được một số người thuộc phái tả hiểu là quyền bảo vệ các khoái cảm cá nhân.
Chẳng hạn, hợp pháp hóa cần sa là một khẩu hiệu của Benoit Hamon của Đảng Xã hội Pháp ra tranh cử tổng thống. Quyền hút cần sa có thể làm hài lòng một số nhỏ văn nghệ sỹ và giới trẻ đô thị nhưng không phải là quan tâm hàng đầu của hàng triệu người thất nghiệp, nhất là người ở nông thôn, thành phố nhỏ. Mặt khác, các đòi hỏi bảo vệ quyền của người tỵ nạn, hoặc di dân nhập cư là đúng đắn về mặt nhân đạo nhưng thiếu câu trả lời lấy đâu ra tiền nuôi họ nếu con số lên hàng trăm nghìn.
Có bảo vệ được việc làm?
Khủng hoảng tài chính thế giới 2008 đáng ra đã tạo cơ hội cho phe tả nhấn mạnh vào mặt trái của chủ nghĩa tư bản toàn cầu và đề xuất giải pháp. Nhưng họ đã không làm được điều đó trong khi phe cực hữu, bài ngoại, mị dân lại giành tiếng nói.
Nhưng phe tả từ khi chấp nhận kinh tế thị trường đã không giành lại việc làm bị chuyển sang các nước Thế giới thứ ba.
Theo Niall Ferguson thì trong 28 nước hiện thuộc EU, các đảng phái tả vẫn có mặt trong 20 liên minh cầm quyền, nhưng chỉ là đối tác phụ và chỉ còn 8 thủ tướng thuộc Liên minh các đảng xã hội châu Âu (PES). Các đảng trung tả tại những nước đông dân trong EU như Đức, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Anh... đều thất cử những năm qua. Chỗ đứng của cánh tả châu Âu vẫn còn, nhưng họ phải trở lại với dân chúng, bắt đầu lại từ công việc cấp cơ sở.
Thibaut Rioufreyt, nhà phân tích từ Lyon nhận định rằng Đảng Xã hội Pháp đang biến thành một liên minh của các chính trị gia cấp vùng. Họ sẽ tiếp tục tồn tại nhưng phải thay đổi quan điểm, ông viết trên báo La Croix.
2.  Nguyễn Gia Kiểng: Trật tự thế giới nào đang bị đe dọa ?

Nước Pháp vừa có một tổng thống mới. Cuộc bầu cử vòng đầu ngày 23/4 đã chọn hai ứng cử viên cho vòng chung kết. Ngày chủ nhật 7/5 vừa qua cử tri Pháp được chọn giữa Marine Le Pen và Emmanuel Macron. Họ đã chọn Macron với đa số áp đảo 66% - 34%.
Macron là một thanh niên 39 tuổi, đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi, trưởng thành trong giới ngân hàng, chưa từng giữ một chức vụ dân cử nào, dù đã từng là bộ trưởng kinh tế trong hai năm với một thành tích mà chính ông cũng không muốn nhắc lại. Vì không có đảng - trước đây có ghi tên vào Đảng Xã Hội trong ba năm nhưng rồi không tham gia nữa - Macron đã cấp tốc thành lập một "phong trào" có tên là "Đi tới !" (En marche !) để hy vọng giành được đa số trong quốc hội sau khi đắc cử tổng thống. Hy vọng này khá mong manh và Macron có thể sẽ phải làm việc với một quốc hội mà ông không kiểm soát được. Cộng thêm với kinh nghiệm ít ỏi của ông, sự thiếu phối hợp giữa chính phủ và quốc hội sẽ đặt nước Pháp trước một tương lai khó khăn đầy bất trắc.
Tuy vậy đa số người Pháp đã thấy phải ủng hộ Macron bởi vì nếu Marine Le Pen đắc cử thì sẽ là một tai họa lớn cho cả nước Pháp lẫn Châu Âu. Bà Le Pen đứng đầu đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (Front National) do cha bà, ông Jean-Marie Le Pen, xây dựng lên. Tổ chức này rập khuôn một cách công khai theo Phong Trào Xã Hội Ý (Movimente Sociale Italiano - MSI), một tổ chức tiếp nối Đảng Quốc Gia Phát Xít (Partito Nazionale Fascista) do Moussolini lập ra và vị cấm sau Thế Chiến II.
Mặt Trận Quốc Gia của Le Pen không có dự án chính trị, nó chỉ có những chủ trương dân túy, kỳ thị và phản dân chủ như dành ưu tiên công việc làm cho người Pháp, không tiếp nhận di dân, chỉ săn sóc sức khỏe miễn phí cho người Pháp, mạnh tay hơn với Hồi Giáo, bắt tay với chế độ mafia của Putin tại Nga và chế độ hung bạo Al Assad tại Syria, nhất là ra khỏi khối tiền tệ chung Euro và Liên Hiệp Châu Âu v.v. Nói chung là một chủ trương tệ hại và nguy hiểm cho hòa bình, kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và đạo đức.
Cuộc tranh luận giữa Le Pen và Macron hôm 3/5 đã hạ cấp ngoài mọi dự đoán. Nó giống như một cuộc cãi lộn giữa chợ trời. Macron đã thắng cử nhưng Le Pen cũng đã được 34% số phiếu và đó sẽ là một vết nhơ trên mặt nước Pháp. Quốc gia thường tự hào là quê hương của dân chủ và nhân quyền, là đất dung thân, terre d'asile, của những nạn nhân của áp bức giờ đây có trên một phần ba dân số ủng hộ một đảng phát xít.
Đảo ngược các giá trị ?
Pháp không phải là một trường hợp đặc biệt. Tại Áo vài tháng trước đây ứng cử viên của đảng cực hữu FPO suýt nữa đắc cử tổng thống, chỉ thua suýt soát ứng cử viên Đảng Xanh. Cũng như tại Pháp hai đảng truyền thống thay nhau cầm quyền từ sau Thế Chiến II đều bị loại với nguy cơ sẽ bị xóa bỏ luôn. Hai tháng trước đây tại Hà Lan, nước được coi như một mẫu mực của dân chủ và bao dung, đảng cực hữu "Tự Do" PVV cũng đã về hạng nhì trong cuộc bầu cử quốc hội (Tự do ở đây phải được hiểu là bất chấp đạo đức chính trị). Tại Đức Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU/CSU đang cầm quyền dù rất thành công về kinh tế và xã hội cũng đang bị nao núng ; Đảng 'Giải Pháp Thay Đổi Cho Nước Đức" (Alternative fur Deutschland AfD) vừa mới thành lập được bốn năm với chủ trương dân túy có thể sẽ giành được 12% số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới theo nhiều thăm dò dư luận. Taị Anh phe bảo thủ chống hội nhập với Âu Lục đã giành được thắng lợi, giáng cho Liên Hiệp Châu Âu một đòn choáng váng với biến cố BreXít. Tại Ý khuynh hướng dân túy cực hữu xuất phát từ MSI rối loạn không phải vì bị mất quần chúng mà vì chia rẽ. Ngoạn mục nhất vẫn là tại Mỹ, tổng hành dinh của nền dân chủ thế giới. Donald Trump, một nhân vật lỗ mãng với văn hóa chính trị sơ đẳng, hoàn toàn không có một ưu tư nhân bản nào đã đắc cử tổng thống với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" (America first !).
Nói chung khuynh hướng dân túy cực hữu đã phát triển mạnh mẽ tại các nước tiên tiến - Mỹ và Tây Âu - cho tới nay vẫn được coi là thành trì của các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền.
Tất cả các lực lượng này, ở những mức độ khác nhau đều có chung một số đặc tính là triệt thoái về bên trong biên giới quốc gia và khai thác tinh thần dân tộc hẹp hòi, chống lại phong trào toàn cầu hóa, chống lại các khối hợp tác quốc tế, không tiếp nhận những người di dân dù là để tránh bạo lực và chiến tranh, không quan tâm đến các vi phạm nhân quyền trên thế giới và nhìn quan hệ giữa các quốc gia trước hết như một tương quan lực lượng. Tất cả cũng hầu như không quan tâm đến môi trường. Dầu vậy chúng đã lôi kéo được cả những người có học vị và kiến thức cao : Đảng Giải Pháp Thay Thế tại Đức qui tụ nhiều giáo sư đại học, Mặt Trận Quốc Gia tại Pháp cũng thu hút được nhiều người tốt nghiệp những trường danh tiếng. Những gì đang diễn ra tại Mỹ và Châu Âu có tầm vóc của một khuynh hướng đảo ngược các giá trị.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ rất nhiều người đã lạc quan cho rằng các giá trị dân chủ và văn minh từ nay đã trở thành phổ cập, nhiều người nói tới một "bổn phận phải can thiệp" khi an ninh và phẩm giá con người bị đe dọa, mặc nhiên coi biên giới quốc gia không thể là tường thành qui định một vùng lộng hành an toàn cho các tập đoàn độc tài hung bạo. Có người còn cho là lịch sử đã chấm dứt bởi vì từ nay, khi dân chủ đã toàn thắng không còn gì quan trọng nữa. Nhưng rồi người ta đã chứng kiến cuộc phản công dữ dội của các khuynh hướng tưởng đâu đã thuộc hẳn về quá khứ. Điều đáng ngạc nhiên là các lực lượng cực hữu này tuy cùng chủ trương chống lại các kết hợp quốc tế nhưng lại hỗ trợ nhau – Trump, Le Pen, Putin - trong một thứ "quốc tế chống hợp tác". Trật tự thế giới đang bị đe dọa. Một thân hữu hỏi tôi : "phải chăng làn sóng dân chủ thứ tư mà các anh nói tới trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đang bị đảo ngược ?" .
Trật tự thế giới nào ?
Nhưng nếu chúng ta nhìn lại một cách bình tĩnh thì sự thực không phải như vậy.
Trước hết, trật tự thế giới nào đang bị đe dọa ? Có thể là chúng ta đã vừa lạc quan vừa thiếu cảnh giác. Dưới mắt đại bộ phận những người có thiện chí trật tự thế giới hiện nay là trật tự dân chủ đặt nền tảng trên các giá trị hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp trị, đối thoại, hợp tác và liên đới. Nhưng đó là một dự đoán lạc quan, dù rất có cơ sở, về hướng đi tất yếu của thế giới chứ chưa hẳn là sự thực.
Sự thực là cái trật tự lý tưởng đó đã bị vi phạm từ lâu rồi. Khi Bill Clinton đắc cử tổng thống Mỹ với khẩu hiệu "chỉ làm kinh tế" (economy, stupid !) ông đã bày tỏ sự ràng buộc nào với trật tự dân chủ ? Mấy ai đã ngạc nhiên và lo lắng vì sự hạ thấp chính trị để đồng hóa nó với kinh tế ? Phần lớn các trí thức cánh tả còn hoan nghênh và gần đây còn ủng hộ Hillary Clinton dù quan điểm chính trị của bà không khác gì chồng. Barack Obama có coi dân chủ và nhân quyền là các giá trị phổ cập không khi trong bài diễn văn nhậm chức, rồi tại Cairo, ông long trọng tuyên bố sẵn sàng bắt tay với các chế độ độc tài vì không một quốc gia nào có quyền quyết định thế nào là một chế độ chính trị tốt cho một quốc gia khác ? Tôi đã phản ứng bằng một bài cảnh giác đối với Obama nhưng chưa hề thấy một ai, Việt Nam hay người nước ngoài, chia sẻ sự lo âu này. Sau đó ít lâu Obama được giải Nobel Hòa Bình ! Cũng đừng quên là tổng thống Pháp Jacques Chirac trước và trong khi cầm quyền đã nhiều lần tuyên bố rằng dân chủ là một xa xỉ phẩm đối với các nước chưa phát triển.
Sự xuống cấp của tư tưởng chính trị tại Hoa Kỳ và Châu Âu đã diễn ra từ lâu rồi và nó ngày càng khuyến khích sự hình thành của một trật tự thế giới mới : trật tự tài chính, nghĩa sự thống trị của đồng tiền. Chính trong bối cảnh này là những người giầu có và được sự ủng hộ của giới tài phiệt như Donald Trump và Emmanuel Macron đã giành được thắng lợi. Các đảng quốc gia dân túy cực hữu không hẳn là sự phản bác trật tự dân chủ, chúng chỉ là hậu quả tự nhiên của sự lơ là vốn đã có nhưng không được cảnh giác từ gần ba thập niên qua với đạo đức chính trị và các giá trị dân chủ
Một cuộc khủng hoảng ngắn và giới hạn trong không gian
Câu hỏi kế tiếp là tình trạng này nghiêm trọng tới mức nào và có thể đảo ngược làn sóng dân chủ thứ tư vừa xuất hiện từ Mùa Xuân Ả Rập không ?
Câu trả lời dứt khoát là không. Thực ra hiện tượng trỗi dậy của các lực lượng cực hữu với tinh thần dân tộc hẹp hòi chỉ xuất hiện ở Hoa Kỳ và Tây Âu, nghĩa là những nước dân chủ giầu mạnh, vì một lý do mà chúng ta sẽ thảo luận trong phần sau. Trong phần còn lại của thế giới, nghĩa là gần chín phần mười thế giới, cuộc đấu tranh vì dân chủ vẫn tiếp tục mạnh lên. Venezuela, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc, Việt Nam là những thí dụ điển hình. Điều thực sự đã thay đổi và cần được nhận diện là tự do không còn là ngọn đuốc do Mỹ và các nước Châu Âu đem đến để soi sáng thế giới nữa mà đã trở thành ngọn đuốc chung của cả nhân loại. Điều này cũng không mới. Từ nhiều năm nay các nước dân chủ tiên tiến đã chỉ bày tỏ một quan tâm tối thiểu đối với những vi phạm nhân quyền. Việc chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp hung bạo những người dân chủ đã không hề ngăn cản Obama đến thăm Việt Nam, thân thiện bắt tay Nguyễn Phú Trọng và Trần Đại Quang, rồi tươi cười đi ăn bún chả và uống bia, không khác Bill Clinton và George W. Bush trước đó. Không có lý gì để hốt hoảng.
Cuộc trỗi dậy này, nếu nhìn một cách bình tĩnh, cũng chỉ là ngọn lửa rơm không thể tiếp tục lâu. Thắng lợi của Trump tại Mỹ cũng như sự thành công tương đối của Marine Le Pen tại Pháp và các đảng dân túy khác tại Châu Âu là do một sự gặp gỡ rất ô hợp của những thành phần rất khác nhau, với những động cơ khác nhau, nhiều khi mâu thuẫn với nhau. Có những người phẫn nộ trước một thế giới do giới tài phiệt thao túng, có những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề một thế giới thay đổi quá nhanh, có những người đòi xét lại một phong trào toàn cầu hóa quá xô bồ và những kết hợp khu vực mà họ không hiểu rõ lý do, có người gắn bó với căn cước dân tộc và chưa thể thích nghi với một khái niệm quốc gia mới, có những người chưa hiểu vì sao phải quá lo âu cho môi trường đến nỗi phải hy sinh một số hoạt động công nghiệp khiến một số người lâm vào cảnh thất nghiệp. Sau cùng cũng có những người quá thất vọng với một giai cấp chính trị đã mất phẩm chất và không ngang tầm với đòi hỏi của tình huống mới. Một tập hợp như vậy không thể kéo dài. Nó chỉ thể hiện một cuộc khủng hoảng tinh thần nhất thời tại Mỹ và Tây Âu.
Khi thực tại thay đổi nhanh hơn tư tưởng
Sau cùng đâu là lý do của cuộc khủng hoảng niềm tin và định hướng này ?
Một điều rất không bình thường từ gần ba mươi năm nay là sự thiếu hụt tư tưởng trong một thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Cho tới nay, trong lịch sử thế giới, mọi cuộc cách mạng lớn đều đã được một phong trào tư tưởng đi trước, báo trước, soi đường và hướng dẫn để con người có thể hiểu và chuẩn bị chờ đợi những gì sắp đến, để đừng bỡ ngỡ, hốt hoảng. Từ ba thập niên qua, không những bức tường Berlin và chủ nghĩa cộng sản sụp đổ mà, quan trọng hơn, còn diễn ra cuộc cách mạng tri thức và truyền thông khiến thế giới nhỏ lại như một ngôi làng nhỏ, mỗi người đều có thể biết tức khắc những gì vừa xẩy ra trên khắp trái đất. Thay đổi quá lớn và quá nhanh nhưng chúng ta đã không có một phong trào tư tưởng tương xứng. Hành động đã đi trước tư tưởng.
Các công dân của các quốc gia không được giải thích để chấp nhận những gì sẽ xẩy ra và chuẩn bị cho tương lai. Một thí dụ là câu hỏi khái niệm quốc gia sẽ phải được hiểu như thế nào sau khi nó không còn có thể được hiểu như trước đây, nghĩa là một lãnh thổ, một biên giới, một ngôn ngữ, một văn hóa, một chính quyền và một chủ quyền riêng biệt ? Nhân dân các nước tiên tiến - thỏa mãn và tự hào với quốc gia của họ - không được chuẩn bị tinh thần để chấp nhận rằng từ nay phải hiểu quốc gia theo một nghĩa mới, nghĩa là như một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung (3). Không ngạc nhiên nếu họ lo âu và phẫn nộ.
Một thí dụ khác là phong trào toàn cầu hóa và những hợp tác khu vực dĩ nhiên phải giúp các dân tộc nghèo và chậm tiến dân dần bắt kịp các dân tộc giầu mạnh và tiên tiến. Các nước chưa phát triển dĩ nhiên phải tăng trưởng kinh tế nhanh hơn các nước đã phát triển nếu chúng ta tin, như mọi người đều đồng ý, rằng chỉ có một giống người với những khả năng bẩm sinh ngang nhau và tất cả nhân loại phải là anh em trong một thế giới thân thiện. Nhưng nhân dân các nước tiên tiến đã không được giải thích để hiểu rằng đó là điều đáng mong ước dù chắc chắn phải tạo ra một vài đảo lộn, và nhiều người cảm thấy bị thiệt thòi.
Một thí dụ cụ thể và hùng hơn nữa là Liên Hiệp Châu Âu. Đây là công trình lớn nhất và đẹp nhất trong lịch sử thế giới. Một thực thể văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật lớn nhất thế giới đã hình thành mà không cần một tiếng súng. Trong một thời gian kỷ lục Liên Hiệp Châu Âu đã qui tụ 28 quốc gia, trong đó một khu vực không biên giới với một đồng tiền chung đã được thành lập và ngày càng mở rộng thêm. Tuy vậy, thế giới và người Châu Âu vẫn chưa biết dứt khoát là Liên Hiệp Châu Âu sẽ là một liên bang hay một kết hợp của các quốc gia tự chủ. Đã thế Liên Hiệp Châu Âu còn là cái lưng tiện lợi để các chính quyền trút lên những yếu kém của chính mình, cái gì không làm được là do những bó buộc của Liên Hiệp Châu Âu. Cuối cùng Liên Hiệp Châu Âu trở thành đáng ghét dưới mắt nhiều người và trở thành một chủ đề để các tổ chức dân túy cực hữu khai thác.
Không phải là tư tưởng chính trị đã xuống cấp, những ý kiến soi đường vẫn được nêu ra tại Mỹ cũng như tại Tây Âu và trên khắp thế giới, nhưng chúng không còn gây được sự chú ý trong một thế giới do giới tài chính và ngân hàng thao túng. Còn các chính trị gia ? Họ né tránh những câu hỏi nhức nhối và nấp sau một ngôn ngữ "chính trị phải đạo", politically correct. Kết quả là người dân các nước giầu mạnh cảm thấy bị thua thiệt, nhất là nếu bị mất việc làm vì nhiều hoạt động công nghiệp sản xuất được di chuyển qua những nước đang phát triển. Phong trào toàn cầu hóa và cuộc cách mạng dân chủ cần được giải thích, nhưng sự giải thích đã không có. Các đảng truyền thống và các chính trị gia của hệ thống đang trả giá xứng đáng cho sự từ nhiệm hổ nhục của họ. Như vậy, nếu nhìn môt cách tự tin thì sự trỗi dậy của các lực lượng dân túy cực hữu tại Mỹ và Tây Âu là một cảnh giác cần thiết.
Hiểu để không hốt hoảng
Sau 100 ngày cầm quyền, Donald Trump đã thú nhận là làm tổng thống Mỹ khó hơn ông tưởng. Sau một năm ông sẽ thấy nó còn khó hơn rất nhiều, và rồi cả người Mỹ lẫn ông sẽ đều đồng ý rằng ông không xứng đáng để làm tổng thống Mỹ. Sau một thời gian tranh cãi, và lần này tranh cãi thẳng thắn, các nước Châu Âu cũng sẽ nhận ra rằng Liên Hiệp Châu Âu là cần thiết cho hòa bình và phồn vinh của chính họ. Thế giới cũng sẽ nhận ra rằng trật tự dân chủ là cần thiết và phải được tôn trọng. Cơn bão dân túy và cực đoan đã đạt tới cao điểm của nó và từ nay chỉ có thể dịu dần.
Làn sóng dân chủ thứ tư vẫn tràn tới và sẽ còn mạnh hơn sau thử thách này. (Paris -10/05/2017)

III. Chuyện Văn học & Nghệ thuật


1.  Đinh Từ Thức: 42 năm - hai thế hệ - hai lối sống của người Việt lưu vong
Tôi may mắn được đọc hai tác phẩm của hai cây bút trẻ gốc Việt cùng sống tại Mỹ, một nam một nữ, trước khi sách xuất bản vào mùa Xuân này, đúng dịp kỷ niệm 42 năm hàng triệu người Việt bắt đầu bỏ nước ra đi. Qua đó, được biết qua hai thế hệ, người Việt lưu vong đã chọn hai lối sống hoàn toàn khác nhau.
Tác phẩm đầu tiên là The Best We Could Do (Điều tốt nhất chúng tôi có thể làm) của Thi Bùi, một hồi ký bằng tranh (Illustrated memoir), do Abrams Comicarts, New York, xuất bản vào tháng Ba 2017, dầy hơn 300 trang.
Truyện bằng tranh, xưa nay vốn là món giải trí dành cho nhi đồng, là loại truyện vui giả tưởng. Thường không được coi là những công trình nghiêm túc chứa đựng những sự kiện lịch sử đáng tin cậy. Khác với thường tình, The Best We Could Do, tuy mang hình thức truyện tranh nhi đồng, nhưng có nội dung nghiêm chỉnh, đứng đắn hơn cả nhiều sách sử được viết cho người lớn.
Trong khoảng nửa thế kỷ qua, nhiều người quan tâm thường băn khoăn về một tình trạng thiếu những cuốn sách có nội dung đầy đủ, được viết một cách trung thực bởi những ngòi bút hoàn toàn vô tư về Việt Nam, để giúp giới trẻ có một nhận thức rõ rệt về quá khứ, về những gì đã thực sự xảy ra tại đất nước mình, hay quê hương cũ của mình (đối với giới trẻ gốc Việt tại hải ngoại). Từ trước tới nay, sách viết về Việt Nam đã có khá nhiều về lượng, nhưng quá ít những cuốn sách có nội dung đáng tin cậy.
Về phía các tác giả ngoại quốc, nói chung, sách của họ được viết thận trọng, công phu, nhưng không tránh được những khuyết điểm đáng tiếc. Với các tác giả thuộc giới truyền thông từng hành nghề ở Việt Nam, vì từng gặp khó khăn từ phía các viên chức nhà nước, trong khi được trọng vọng từ phía đối lập, và thiếu cơ hội tiếp xúc với quần chúng, cái nhìn của họ thường có thiên kiến rõ rệt: Ghét bỏ chính quyền và coi thường người dân. Với các tác giả trẻ sinh ra sau chiến tranh VN, chỉ biết tới VN qua sách vở và các tài liệu giải mật, quan điểm của họ vô tư hơn. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm sống của những người trong cuộc, công trình của họ nhiều khi thiếu sót những nhận định sát thực tế. Ngoài ra, quan trọng hơn là hầu hết sách giáo khoa tại các nước, kể cả những nước có nhiều liên hệ với Việt Nam từ trước, như Mỹ, Anh, Pháp, Úc… cũng có nội dung thiếu vô tư và trung thực, ở phần nói về Việt Nam qua những biến cố lịch sử vào hậu bán thế kỷ 20. Lý do vì các tác giả là người nước ngoài, thiếu kinh nghiệm sống và tài liệu xác thực, cùng với ảnh hưởng của phong trào phản chiến thời gian họ trưởng thành. Điều này, đáng lẽ cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản nên coi là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực góp phần chỉnh sửa, nhưng thay vào đó, chỉ chú tâm tới những việc nặng về hình thức như treo cờ, phủ cờ.
Gạt ra ngoài loại sách liên hệ tới lịch sử xuất bản trong nước không thể tin được, vì được soạn thảo theo đường lối và trong vòng kiểm duyệt của nhà nước cộng sản. Một số tác phẩm của người trong nước xuất bàn ở nước ngoài gần đây, tuy thoát vòng kiểm duyệt nhưng thiếu bao quát. Những tác giả gốc Việt lớn tuổi hiện sống ở ngoài nước, từng sống trong bầu không khí bị ô nhiễm bởi các khuynh hướng chính trị trái ngược, sách của họ thường chỉ để tự bào chữa, hay đả kích người khác, hoặc viết theo kểu “múa gậy vườn hoang”, không cần dựa vào bằng chứng rõ ràng. Hiếm hoi lắm mới có được một tác phẩm như cuốn A Story of Vietnam của Trương Bửu Lâm, giáo sư hưu trí về môn sử tại Unisersity of Hawaii, xuất bản năm 2011. Tác giả không gọi là “A History of Vietnam” (Lịch sử Việt Nam), có vẻ nặng nề, khô khan, mà chỉ gọi là “Một Câu Truyện Việt Nam,” dễ đọc, nhưng đầy đủ, trung thực, không phải truyện giả tưởng. Rút cục, giới trẻ gốc Việt ở nước ngoài, hay những ai muốn có một khái niệm tổng quát về Việt Nam từ hồi Đệ Nhị Thế Chiến tới nay, thiếu những tài liệu tham khảo căn bản không quá nặng nề, giản dị nhưng trung thực.
The Best We Could Do là một trong những công trình hấp dẫn, như một món ăn tinh thần bổ dưỡng chọn lọc có thể đáp ứng cơn đói này. Tác giả là một nữ nghệ sĩ, không viết hồi ký bằng văn xuôi, mà mô tả bằng hình vẽ. Hàng ngàn hình vẽ sắc sảo với lời chú thích ngắn gọn đã làm cho khán/độc giả dễ bị cuốn hút vào nội dung câu truyện của một gia đình trải qua nhiều sóng gió từ khi còn ở Việt Nam, cũng như khi đã định cư ở Mỹ. Câu truyện gia đình được trình bầy trên cái nền (background) là tình cảnh VN trong thời kỳ xáo trộn kéo dài cả nửa thế kỷ, khiến người xem/đọc có được cái nhìn khái quát từ thời Pháp thuộc, tới khi đất nước bị chia đôi, cuộc di cư 1954, cuộc chiến Quốc Cộng, gia đình ly tán, cuộc bỏ nước ra đi từ năm 1975… cho đến những khó khăn của cuộc sống nơi đất mới. Tác giả mô tả lại những gì mình trải qua khi còn nhỏ, thấy và nhớ những gì đã sẩy ra, nhưng không hiểu rõ căn nguyên. Đến khi khôn lớn mới tìm hiểu trong hàng chục năm, qua những câu hỏi đặt ra cho bố mẹ, họ hàng, kể cả cất công về Việt Nam, đi khắp nước để tìm câu trả lời cho thắc mắc của mình. Tất nhiên, người xem/đọc không thể kiểm chứng được những chi tiết liên hệ tới gia đình tác giả, nhưng những người ở lớp tuổi bảy tám chục trở lên có thể thấy tình hình xã hội và các biến cố quan trọng đã được trình bầy một cách khá đầy đủ và trung thực.
Xin mở một dấu ngoặc ở đây để nói thêm rằng, vào thời gian đọc The Best We Could Do của Thi Bùi, tôi cũng được đọc một tác phẩm khác cùng loại, là cuốn Such a Lovely Little War: Saigon 1961-63 (Một cuộc chiến nhỏ thật dễ thương) của Marcelino Truong (dịch bởi David Homel từ tiếng Pháp Une Si Jolie Petite Guerre, xuất bản ở Pháp năm 2012) do Arsenal Pulp Press, Canada, phát hành năm 2016. Marcelino Truong, chẳng phải ai xa lạ, chính là cháu giáo sư Trương Bửu Lâm.
Cũng với hình thức truyện tranh cho nhi đồng, diễn tả cuộc sống của một gia đình trên nền chính trị và xã hội tại Sàigòn vào thời cuối của Đệ Nhất Cộng Hoà (Chế độ Ngô Đình Diệm). Cũng với lối vẽ dí dỏm của tác giả, và ghi lại đầy đủ những sự kiện quan trọng khá trung thực, nhưng thời gian chỉ giới hạn trong hai năm, từ 1961 đến 1963. Nếu The Best We Could Do là món chính thì Such a Lovely Little War là món phụ không nên thiếu trong bữa ăn cần thiết cho giới trẻ đói thông tin trung thực về lịch sử cận đại Việt Nam.
Trở lại đề tài chính về cuộc sống của người Việt lưu vong tại Hoa Kỳ, tôi muốn nói tới cuốn The Refugees (Những người tị nạn) của Việt Thanh Nguyễn. Đây là một tác giả trẻ gốc Việt nổi tiếng, từng đoạt giải Pulitzer năm 2016 qua cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên). Viết trước The Sympathizer, nhưng The Refugees được Grove Press xuất bản sau, vào ngày 07 tháng Hai năm 2017, dầy 224 trang. Đây là một tuyển tập, gồm chín truyện ngắn, viết cho mọi người tị nạn, ở mọi nơi (dedicated to "all refugees, everywhere." Một trong những truyện hay nhất, có lẽ là truyện Fatherland (Tổ Quốc) ở cuối cùng. Tác giả tuy rời Việt Nam khi còn rất nhỏ, rồi lớn lên và trưởng thành ở nước ngoài, đã lột tả được cái “căn tính” của nhiều người Việt, dù còn trong nước hay ở ngoài nước. Người trong nước phải giả dối để sống còn, ngoài nước chẳng ai chết đói, cũng cố “tạo mẽ” vì lý do sĩ diện. Ở đây, tôi chỉ đề cập tới nội dung của truyện thứ ba, War Years (Những năm chiến tranh), không phải là truyện hay nhất, nhưng nó mô tả rõ nhất một lối sống của người Việt tị nạn trên đất Mỹ.
Với Thi Bùi, sau khi cố công tìm hiểu những gì bản thân và gia đình mình đã trải qua trong vài ba đời, ở tuổi bốn mươi, tác giả nhìn con trai mười tuổi của mình, thấy nó chẳng còn dính dáng gì tới quê cũ, hay chuyện được thua trong quá khứ. Không phải chỉ có dòng nước thay đổi liên tục, đất cũng thay đổi không ngừng, và đã thay đổi quá nhiều, chỉ mong con có một tương lai hoàn toàn tự do cho chính nó. Hình ảnh cuối cùng, nhin con trai vẫy vùng trong nước, vươn mình về phía trước, như con cá kình được phóng sinh vào đại dương, người mẹ chỉ còn thấy tương lai.
Câu truyện của Việt Thanh Nguyễn ghi lại một cuộc sống khác hẳn của người Việt tị nạn. Khi vai “Tôi” trong truyện mới mười ba tuổi, ngoài giờ đi học phải giúp đỡ cha mẹ cực nhọc kiếm sống nhờ một cửa hàng thực phẩm nhỏ. Bán một hộp súp lời 5 xu, một cân (pound) thịt heo lời 10 xu, 10 cân gạo lời 25 xu. Nhưng thỉnh thoảng đến hẹn, có bà tên Hoà tới thu tiền đóng góp cho quỹ chống Cộng (I’m collecting funds for the fight against Communists). Bà đòi 500 đô.
Khi bà mẹ từ chối nộp tiền, bà Hoà lớn tiếng nói với mọi người có mặt trong tiệm: “Các ông các bà có nghe bà ấy nói gì không? Bà ấy không ủng hộ chính nghĩa. Nếu bà ấy không phải là Cộng Sản, bà ấy cũng như Cộng Sản. Nếu quý vị tới mua hàng ở đây, là quý vị đang giúp Cộng Sản”. Bà Hoà tức giận bỏ đi, bà Mẹ vẫn cương quyết nói với chồng con: “Chiến tranh đã qua rồi. Không còn đánh đấm gì nữa”. Ông Bố có vẻ thực tế hơn; “Chiến tranh có thể đã qua rồi, nhưng trả một chút tiền bịt miệng (hush money) có thể làm cho cuộc sống của mình dễ chịu hơn” (tr. 53). Cuối cùng, bà Mẹ đành tìm đến nhà bà Hoà vào buổi tối, xin nộp 200 đô.
***
Khởi đầu từ tháng Tư năm 1975, có hàng triệu người Việt đã bỏ nước ra đi. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi ngưởi một ước mơ, với mục đích chung ra đi tìm tự do. Bốn mươi hai năm sau, mỗi người chọn tự do một cách khác nhau. Có người chọn tự do thoát khỏi sự ràng buộc của quá khứ. Có người cố gắng lo cho người ở quê cũ khỏi tù đầy và được tự do ngôn luận, trong khi từ xa vạn dặm, vẫn gây dựng nhà tù vô hình cho chính mình, và tự mình làm viên chức kiểm duyệt; đôi khi, tự đảm nhiệm luôn cả vai trò quan toà. Dù lối sống nào, vẫn là tự do lựa chọn.

2.  Ns Tuấn Khanh: Nhân Phật Đản, đọc bài Quốc Tộ

Mừng Đức Phật đản sanh, Phật lịch 2561.
Nhân dịp, chép lại bài thơ Quốc Tộ của thiền sư Pháp Thuận (914-990), bài thơ được coi là một trong những áng thơ đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, mang tư tưởng chính trị.
Khi được vua Lê Đại Hành (941-1005) hỏi về vận nước (quốc tộ), thiền sư Pháp Thuận đã đề xuống mấy dòng:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lí thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
Bản dịch: Vận nước như dây mây leo quấn quýt,
              Ở cõi trời Nam [mở ra] cảnh thái bình.
              Vô vi ở nơi cung điện,
              [Thì] khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.
Chép lại Quốc Tộ, giữa lúc đất nước thời bình trong mùa Phật Đản, mà nghe đâu đây như vẫn vọng âm đao binh hỗn loạn, chúng sanh oán thán.
Cao kiến của người xưa, nay chắc gì đã thấu được tâm kẻ phàm phu, hơn nữa lại là những kẻ cầm quyền thói thường kiêu ngạo.
1. Câu thứ nhất: Quốc tộ như đằng lạc.
Quốc tộ là khái niệm chỉ vận mệnh đất nước do vua nắm quyền và chi phối toàn bộ cuộc sống con người. Cho nên, người ta cũng gọi là quốc tộ là quốc vận nước nhà, là ngôi vua. Lại nữa, các vua anh minh thường vời những bậc tiên tri làm cố vấn và thường hỏi họ Quốc tộ như thế nào? Nghĩa là, vua rất muốn biết, đất nước này, ngôi vị này tốt hay xấu, có biến cố hay không có biến cố, thế tạm thời hay cố định, nước vận suy hay thịnh, yên hay nguy,…? Một lần, vua Lê Đại Hành hỏi Pháp sư: quốc tộ trường đoản. Pháp sư trả lời: Quốc tộ như đằng lạc! Vậy, như đằng lạc có ý nghĩa gì?
Trước hết, nói về cây đằng lạc. cây này do thiên nhiên sinh ra và từ lâu vẫn được gọi là đằng lạc hoặc như dằng lạc. Về hình thức, chúng bám vào cây cao và to, vươn tới 20 mét, thậm chí còn bào trùm toàn bộ một cây cổ thụ lớn. Đặc biệt, lá và ngọn đằng lạc vươn lên như ở thế đang xông thẳng trời. Vì thế, người xưa lấy cây đằng lạc làm biểu tượng văn chương và thư pháp. Nhiều sách cổ đã miêu tả cầy đằng lạc tung hoành, vươn cao và bò xa, tựa như con người đang ở thế thịnh vượng bao trùm. Bởi thế, quốc tộ sẽ kéo dài mãi mãi. Nhưng thú vị hơn, đằng lạc lại là cây thuộc y dược quan trọng mà người xưa đã phát hiện ra tính chất đặc quý của chúng. Y dược viết rằng, các loại thuốc công hiệu đặc biệt, như tử hà xa, hai cẩu thận, có “ ích khí bổ tinh”; loại có hình dây dài giống loại đằng lạc, như nhẫn đụng đằng, kể huyết đằng có thể thông mạch kinh lạc. Nếu dùng tử hà xa, hải cẩu thận cùng với các đăng lạc như nhẫn đồng đằng, kê huyết đằng… sẽ làm mạch máu chuyển lưu, khiến thân thể tráng kiện, da đẹp, tóc đen và đặc biệt thọ trường, vạn bệnh hồi xuân, cho nên câu trả lời Quốc tộ như đằng lạc của Pháp sư vừa chỉ ra sự thực vận mệnh đất nước ta, ngôi vị vua ta, đồng thời cũng là câu chúc tụng Hoàng đế Lê Đại Hành: thượng thọ vĩnh hằng.
Đúng vậy! Ta hãy xem, Ngô Vương Quyền khi lên ngôi đã ở 42 tuổi, làm vua chỉ có 6 năm và mất vào tuổi 47; vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi đã 45 tuổi, nằm quyền 12 năm và mất 56 tuổi. Nhưng, nếu so 2 vị vua trên với Lê Đại Hành thì sẽ hiểu được câu Quốc tộ như đằng lạc. Đó là vì, nằm 980, khi vua Lê Đại Hành mới 36 tuổi tráng kiện mà đã lên ngoi và lúc Pháp sư nói Quốc tộ như đằng lạc thì vua Lê Đại Hành vẫn ở tuổi 43! Có lẽ Lê Văn Hưu đánh giá rất đúng: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, bắt Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà cõi bờ yên tĩnh, cái công đánh lấy tuy nhà Hán, Đường cũng không hơn được(…). Về mặt dẹp gian bên trong, đánh giặc bên ngoài để làm mạnh nước Việt ta và ra uy với người Tống thì Lý Thái tổ công không bằng…”(Toàn thư, tr.167). Đó là chưa kể đến công lao của Lê Đại Hành khai thác đất nước, đào song, vét kênh, mở rộng ngoại giao với Trung Hoa và đưa đất nước ta bùng lên nền văn học.
2. Câu thứ hai: Nam Thiên lí thái bình
Nam Thiên là Trời Nam, chỉ Thiên tử nước Nam. Đúng như Nguyễn Giác đã viết: Thiên ngoại hữu Thiên. Nếu câu đầu, chủ ngữ là Quốc tộ thì câu 2 có chủ ngữ là Nam Thiên và có động từ lí, thuộc bộ y, bao quát toàn bộ đất nước; nghĩa là đất nước ta hoàn toàn thái bình. Ta cứ xem, bắt đầu lên ngôi năm 980, Lê Đại Hành đã dẹp yên nội nạn( giết Đỗ Thích ở Hoa Lư, chém Đinh Điền tại Ái Châu, bắt Nguyễn Bặc đem chém, bắt sống Phạm Hạp tại Bắc Giang, Ngô Nhật Khánh bị chết chìm ở cửa biển,…). Rồi cùng một lúc, Ngài đánh Tống 2 năm( Canh Thìn 980 – Tân Tị 981), dẹp tan Chiêm Thành năm Quý Mùi 983. Quả đúng như Ngô Sĩ Liên nhận xét: vua Đại Hành “đẩy lùi ngoại khấu để an dân, trong nước thì yên vui, Bắc Nam vô sự”[8].
3. Câu thứ ba: Vô vi cư điện các
Trước hết là điện các. Đây là cơ quan Chính phủ, nơi vua và triều đình điều hành đất nước. Còn động từ cư chỉ hành xử, cư xử của bậc Hoàng đế; Nghĩa là, vua Lê Đại Hành điều hành đất nước ta: Cư điện các. Riêng vô vi thuộc khái niệm triết học. Vả chăng,đã là thuật ngữ khoa học thì chúng chỉ có một nghĩa, không thể có nghĩa đen và nghĩa bóng như soạn giả ngữ văn 10 tập một đã viết trong phần Tiểu dẫn[9]. Về cơ bản, ở Việt Nam thời trung đại có ba học thuyết Nho, Phật, Lão và chúng đều có thuật ngữ vô vi. Song mỗi học thuyết đều dùng nghĩa vô vi khác nhau. Nhưng, rõ rang Pháp sư nói với vua Lê Đại Hành rất đàng hoàng: Vô vi cư điện các. Điện các là cơ quan hành pháp. Cho nên, đây không phải là khái niệm vô vi của nhà Phật, cũng không phải thuộc vô vi của Đạo gia. Nho gia chủ trương chọn người hiền, giao chức tước cho người tài đức. Bởi vậy, vô vi của nhà nho lấy đức để giáo hóa con người. Việc lấy đức để giáo hóa con người, chọn và giáo chức tước cho người tài đức sẽ đưa đất nước tới đích;
Quốc tộ như đằng lạc
Nam Thiên lí thái bình.
4. Câu cuối cùng: Xứ xứ tức đao binh
Đây cũng là điều pháp sư mong mỏi khắp nơi sẽ chấm dứt việc đao binh, cũng có nghĩa là, toàn quốc thái bình. Toàn quốc thái bình thì “quốc tộ” sẽ “như đằng lạc” mãi mãi dài lâu.
Lời nói của Đỗ Pháp sư dung dị như những lời nói thường ngày, ý tứ rõ ràng, hình ảnh dễ hiểu và dễ nhớ. Đấy cũng là đặc điểm của văn học chức năng hành chính được dưới hình thức thơ ngũ ngôn.

3. Thơ tình Hoàng Lộc: (i) Cùng thăm Hòa thượng

anh với em vào chùa thăm Hoà thượng
buổi sáng em đẹp ngất trời, anh cũng hiền khô
em cắm hoa tươi cúng dường tam bảo
Hoà thượng mỉm cười, pha trà mời Thơ
     anh uống ké chung trà, nghe lời ngài (lời Phật)
     về những điều như thể sắc không?
     Hoà thượng gọi anh bằng anh, và em bằng cháu
     hình như ngài đang chút chấp trong lòng?
ngài nói về chuyện đời chuyện đạo
về hạnh phúc vợ chồng, hạnh phúc nhân duyên
anh hỏi ngài về tình yêu, về tình nhân một kiếp
em rạng rỡ mắt nhìn, biết anh hỏi về em.
     Hoà thượng gật đầu, bất ngờ không nói nữa
     có lẽ ngài có gì phân vân?
     anh với em cũng ngồi im, không nói nữa
     nghe hai trái tim trao gửi ân cần
ôi hai đứa ta dường đang rất Phật
yêu nhau tận cùng - Thơ của chánh tâm?...(Phước Lâm tự, 3-2017)
(ii) Ít nói thương nhiều

em đi chợ Huyện không về
trời xưa Hà Nhuận câu thề gió bay
để còn ngó xuống chiều nay
(Hội An anh cũng bao ngày ngó lên)
     đường xưa làm nổi cầu Chìm*
     thì trăng Nam Phước vì em cũng rằm
     ta ngồi hỏi lại trăm năm
     với nhau còn được bao lần tiễn đưa?
qua sông đã hết gọi đò**
tìm ai mà lạnh chợ Gò Mỏ Neo?
xe em về đậu cuối chiều
để em nói ít thương nhiều Hội An. (5-2017)
______________________________ __________
* Cầu Chìm đã nâng cấp, cao hơn mặt đường, khác xưa.
** Những cây cầu đã bắt từ Hội An qua Kim Bồng, Bàn Thạch... Không còn đi đò ngang nữa.
.............................. .............................. .............................. ............

Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: