Mười năm sau loạt khủng bố ở Pháp, « tinh thần Charlie » còn lại gì ?Hôm nay 07/01/2025, đúng 10 năm sau đợt khủng bố Hồi giáo làm bàng hoàng cả nước Pháp và thế giới, sự kiện này chiếm trang nhất báo chí Paris và rất nhiều trang trong. Rừng người biểu tình tại quảng trường République, Paris ngày 11/01/2015 chống lại khủng bố Hồi giáo sau vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo. AP - Peter Dejong Thụy My Le Monde với hình vẽ nàng Marianne một tay phất lá cờ Pháp nhuốm máu, tay kia cầm tờ báo biếm họa, chạy tít « Charlie Hebdo, Hyper Cacher mười năm sau ». Le Figaro đăng bức họa tổng hợp chân dung các nạn nhân, nhấn mạnh « Sau mười năm, nước Pháp vẫn bị Hồi giáo đe dọa ».
<!>
Trên trang nhất La Croix đơn giản là những trang giấy, cây bút chì, cục gôm, với dòng tựa « Charlie Hebdo, 10 năm ». Libération, nhật báo đã đón tiếp toàn bộ ban biên tập Charlie Hebdo sống sót chuyển sang làm việc trong thời gian chờ tu bổ trụ sở, ra hẳn số đặc biệt với trang nhất mang hai màu đen đỏ và nét vẽ đặc thù của tuần báo biếm họa, khẳng định « Tự do, tự do, Charlie ! ».
Giết nhà báo vì vẽ tranh châm biếm : Sát hại tự do ngôn luận
Bài xã luận « Tự do, tự do đáng trân trọng » của Le Figaro nhắc lại ngày hôm đó, ông Michel Houellebecq xuất bản tiểu thuyết Soumission, được đưa lên trang nhất Charlie Hebdo. Ở tòa soạn, nhà báo Philippe Lançon chuẩn bị đi gặp nhà văn. Nhưng những kẻ vũ trang xuất hiện và nổ súng ; các họa sĩ Cabu, Charb, Honoré, Wolinski, Tignous gục ngã với cây bút chì trên tay ; nhà bình luận Elsa Cayat, Bernard Maris ; biên tập viên Mustapha Ourrad ; khách mời Michel Renaud ; và những người bảo vệ Fréderic Boisseau, Franck Brinsolaro, Ahmed Merabet cũng là nạn nhân.
Ông Lançon bị thương nặng được đưa vào bệnh viện, và nước Pháp rơi vào cơn ác mộng kéo dài hai ngày sau đó, thêm các nạn nhân Clarissa Jean-Philippe, Yohan Cohen, Philippe Braham, François-Michel Saada, Yoav Hattab ngã xuống dưới lằn đạn Hồi giáo. « Tôi là Charlie, tôi là người Do Thái, tôi là cảnh sát », vài ngày sau nhiều triệu người Pháp hô vang ở quảng trường République. Một thập niên sau, nước Pháp tiếp tục bị khủng bố Hồi giáo tấn công.
Vẫn với lời kêu gọi « Tự do, tự do, "Charlie" », Libération cổ vũ người đọc dành thời gian để viết ra tên các nạn nhân, để tưởng nhớ họ, đừng để thời gian xóa nhòa. Hãy tạm quên đi những kẻ khủng bố đã tước đi mạng sống của họ cách đây mười năm. Cú sốc năm ấy đã đẩy 4 triệu người xuống đường trên cả nước Pháp để bảo vệ tinh thần Charlie. Bọn khủng bố không thể chiến thắng, nhưng xu hướng tự kiểm duyệt là độc dược tác hại dần dà vào nguyên tắc thế tục. Mười năm sau, vẫn có thể nói « Tôi là Charlie » - chết vì những bức biếm họa là điều không thể chấp nhận được - nhưng đừng quên quyền tự do mong manh ấy, hơn bao giờ hết là một cuộc chiến đấu.
Tự hào trước cuộc biểu tình quy mô nhất lịch sử đất nước
« Tấn công vào truyền thông, vào quyền tự do được thông tin (và châm biếm), là từ chối một xã hội của tranh luận, đa phương, là tấn công vào nền tảng của dân chủ ». Tổng biên tập La Croix, Dominique Quinio, đã viết như trên ngay sau vụ tấn công Charlie Hebdo. Mười năm sau vẫn không thay đổi, không gì có thể hợp pháp hóa bạo lực, dù nhân danh tôn giáo – tự do tín ngưỡng cũng đi kèm với tự do ngôn luận. Dù có « là Charlie » hay không, vết thương vẫn còn rỉ máu. Hôm nay tưởng niệm các nạn nhân, cũng là tái khẳng định sức mạnh của nước cộng hòa, sự vững chắc của các định chế, nguyên tắc thế tục, giá trị khoan dung và tự do, để cùng đi trên con đường dân chủ.
Trong số báo đặc biệt, Libération dành nhiều trang để các nhà báo Charlie Hebdo nói về cuộc chiến đấu, niềm hy vọng và nỗi lo của họ. Các phóng viên, họa sĩ, luật sư, nhân viên an ninh của Libération nhắc lại những kỷ niệm khó quên trong những ngày sau vụ khủng bố và việc xuất bản « số báo của những người sống sót ». Chẳng hạn nhà in gọi đến 17 lần mà một họa sĩ thoát chết vẫn không hoàn tất được nét vẽ cuối cùng, rốt cuộc anh đổ sụp, bật khóc.
Hoặc cựu tổng thống François Hollande nhớ lại cuộc gọi của bác sĩ khoa cấp cứu Patrick Pelloux, lúc đó là bình luận viên của Charlie Hebdo « Họ đã chết hết ! ». Bất chấp khuyến cáo của bộ phận an ninh, ông vẫn đến tận nơi. Tại bệnh viện Hotel-Dieu, nơi thân nhân các nạn nhân tụ tập, câu nói của một phụ nữ gây ấn tượng cho ông đến nay « Bọn chúng (khủng bố Hồi giáo) đã thắng ! ». Hollande đáp lại - Không, bạo tàn không thể thắng cuộc. Ai chiến thắng ? Lời đáp chính là cuộc biểu tình khổng lồ bốn triệu người ngày 11/01, lớn nhất trong lịch sử nước Pháp. Cựu tổng thống khẳng định : « Đó là thời điểm mà tôi tự hào nhất về đất nước tôi ! »
Sự kiện ngày 11 tháng Chín của nước Pháp
Le Monde cho rằng làm sao không tiếc nuối khi « Tôi là Charlie » đã nhường chỗ cho việc tương đối hóa tự do ngôn luận ? Dịp kỷ niệm loạt khủng bố tháng Giêng 2015 là lúc để nhắc nhở sự mong manh của di sản kỷ nguyên Ánh Sáng.
Một thập niên đã trôi qua, nhưng nước Pháp không bao giờ còn như trước. Đợt tấn công thánh chiến trong ba ngày 7,8,9 tháng Giêng 2015 tại Paris và Montrouge là cú sốc bạo lực chưa từng thấy nơi « quê hương của nhân quyền », tương đương với các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín 2001 ở Hoa Kỳ. Tại Pháp, không phải là biểu tượng sức mạnh tài chánh bị nhắm đến, mà là di sản vô giá của tự do ngôn luận, và quyền của người Pháp gốc Do Thái được sống bình an.
Trong ba ngày khủng khiếp ấy, ba tên khủng bố Hồi giáo đều mang quốc tịch Pháp, muốn « báo thù cho nhà tiên tri Mohammed », đã dùng vũ khí chiến trường để sát hại 17 người. Tại tòa soạn Charlie Hebdo sáng 07/01/2015, trong số 12 nạn nhân thiệt mạng có 8 thành viên của tờ báo, với truyền thống Pháp châm biếm, tự do chỉ trích đủ loại tư tưởng kể cả tôn giáo. Hôm sau, một nữ cảnh sát bị bắn chết gần một trường học Do Thái, và hôm sau nữa, bốn khách hàng của siêu thị Hyper Cacher bị lạnh lùng hạ sát chỉ vì họ là người Do Thái.
Thánh chiến giúp cực hữu lên ngôi nơi quê hương của nhân quyền
Trận cuồng phong tháng Giêng 2015 lẽ ra ít gây bất ngờ hơn, nếu dấu hiệu đáng buồn hồi năm 2012 được chú ý đến, khi một kẻ khủng bố Hồi giáo khác tại Toulouse thảm sát ba quân nhân và bốn người Do Thái trong đó có ba trẻ em. Nhưng đây vẫn là « thời điểm then chốt về mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công khủng bố, cũng như về việc xuất khẩu thánh chiến sang châu Âu », theo lời cựu công tố viên Paris, François Molins.
Sau đó đến lượt nhà hát Bataclan ở Paris, sân vận động Stade de France, Nice, Magnanville, Saint-Etienne-du-Rouvray, Conflans-Sainte-Honorine, Arras, nước Pháp phải không ngừng đối phó với sự « man rợ tối đa », như nhận xét của chủ tịch hội đồng xét xử trong phiên tòa về vụ sát hại thầy giáo sử địa Samuel Paty năm 2020.
Các cuộc biểu tình chống khủng bố tháng Giêng 2015 với quy mô chưa từng thấy và tình đoàn kết cao độ, chừng như đã xa vời. Đành rằng nước Pháp tránh được việc áp đặt luật khẩn cấp và bạo lực giữa các cộng đồng, tư pháp đưa ra những bản án mẫu mực. Nhưng những tội ác liên tiếp của những kẻ cuồng tín giúp cực hữu thắng lợi trong bầu cử khi khai thác vấn đề nhập cư và Hồi giáo.
Từ tinh thần « Tôi là Charlie », nay tự do ngôn luận và quyền chế giễu tôn giáo đã bớt đi sự trân trọng, đặc biệt nơi giới trẻ. Những người Pháp gốc Do Thái cảm thấy cô đơn và lo ngại trước những hành động và lời nói bài Do Thái thường được bỏ qua với cớ chỉ trích Israel. Bên cạnh việc tưởng niệm các nạn nhân khủng bố 2015, cần nhớ rằng tự do ngôn luận, nguyên tắc thế tục, Nhà nước pháp trị chưa phải hoàn toàn thủ đắc. Những giá trị phổ quát này cần có sự cảnh giác hàng ngày và tất cả phải vào cuộc, theo Le Monde.
Thế giới chỉ còn khoảng 30 quốc gia tự do dân chủ
Trong những ngày đầu năm mới đồng thời là năm đầu tiên của phần tư thứ nhì của thế kỷ 21, các báo liên tục có những bài viết dự báo về địa chính trị. Les Echos nói về « Hòa bình vũ trang, tình trạng vô trật tự mới trên thế giới ».
Nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ ba với sự lạc quan về toàn cầu hóa, đa phương, dân chủ. Niềm tin này bắt đầu bị rạn vỡ từ vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín, rồi đến cuộc chiến Irak 2003, Nga xâm lăng Gruzia năm 2008, Ukraina 2014 và 2022, chôn vùi hệ thống an ninh tập thể của Liên Hiệp Quốc từ 1945. Thất vọng về ý tưởng dân chủ, một số nước trao quyền vào tay các nhà độc tài. Ngày nay chỉ còn lại khoảng 30 nền dân chủ tự do trên thế giới.
Thương mại toàn cầu hóa thay vì thúc đẩy dân chủ, lại giúp cho các chế độ toàn trị mạnh lên kể cả về quân sự như Nga và Trung Quốc. Châu Âu mở rộng thành 28 nước chịu đựng làn sóng dân túy-dân tộc chủ nghĩa, điển hình là Brexit, xu hướng dân chủ phi tự do như Hungary. Lợi dụng sự chia rẽ, Nga và Trung Quốc muốn « xét lại » một trật tự quốc tế « phương Tây » đang cản trở sự bành trướng của hai nước này. Những cơ cấu « đa phương » như BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, các hội nghị thượng đỉnh với châu Phi nằm trong mục đích trên. Riêng đối với Nga, còn nhằm tạo tính chính danh cho cuộc xâm lăng Ukraina, và mối đe dọa nguyên tử.
« Hòa bình vũ trang » và chiến tranh đa diện
Các hoạt động thù địch còn diễn ra một cách « đa diện » trên những mặt trận mới như không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội sẵn sàng tiếp tay cho việc bóp méo thông tin.Trong phần tư thứ nhì cua thế kỷ 21 sẽ là sự đối địch giữa các cường quốc mà không còn tuân thủ bất cứ quy định nào.
Mô thức mới là « hòa bình vũ trang », giữa các cường quốc nguyên tử, theo logic khu vực ảnh hưởng. Từ các Nhà nước khách hàng chư hầu, bảo hộ và lệ thuộc ; đến quan hệ hầu như liên minh, đa phương hoặc song phương ; liên minh cơ hội theo lợi ích từng thời điểm, và các nước muốn sở hữu vũ khí nguyên tử như một sự bảo đảm tối hậu cho an ninh của mình.
Vai trò châu Âu như thế nào trong trật tự bất thường này ? Với mối lo dân túy và tình trạng lão hóa dân số - tuổi trung bình là 48 vào năm 2050 – như đại diện ngoại giao châu Âu Josep Borrell ví von, châu lục cần chuẩn bị cho việc, « mảnh vườn » của mình bị đe dọa bởi một « khu rừng hoang » đầy thú dữ ăn thịt.
Trump II, nội các tỉ phú
Về nước Mỹ, Libération dành chủ đề thứ hai cho « Bye bye Biden ». Còn 15 ngày nữa Donald Trump nhậm chức, nguyên thủ sắp mãn nhiệm cố gắng lập ra những thành lũy cuối cùng để tránh những lạm dụng của người kế nhiệm, trong tâm trạng cay đắng của « tổng thống vịt què ». Trong khi đó Les Echos chú ý đến nội các của Trump II, với số lượng kỷ lục tỉ phú.
Hãng tin Bloomberg kể ra : Stephen Feinberg, thứ trưởng quốc phòng (8 tỉ đô la), Warren Stephens, đại sứ Mỹ tại Anh (5,1 tỉ), Howard Lutnick (2,2 tỉ), Jared Isaacman, giám đốc NASA (2,2 tỉ), Frank Bisignano phụ trách an ninh xã hội (1 tỉ). Nhưng có một người đè bẹp tất cả : Elon Musk, ông chủ của Tesla, SpaceX, xAI và nhiều công ty nữa. Gia tài của Musk nay lên đến 400 tỉ đô la nhờ giá trị cổ phiếu tăng. Sự va chạm giữa các nhà kỹ trị ở Washington và quyền lực công nghệ dường như khó thể tránh khỏi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét