Dân biểu Mike Johnson tái đắc cử Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson hôm thứ Sáu (3/1) đã tái đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu sít sao, chia rẽ đảng phái. Ông Johnson đã được bầu là Chủ tịch Hạ viện với 218 phiếu thuận với 215 phiếu chống. Dân biểu Đảng Cộng hòa Thomas Massie của Kentucky là thành viên duy nhất của đảng cánh hữu này bỏ phiếu chống lại ông Johnson. Trong khi đó, tất cả 215 dân biểu của Đảng Dân chủ đã bỏ phiếu cho Dân biểu New York Hakeem Jeffries.
<!>
Khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào đầu ngày thứ Sáu (3/1), Dân biểu Ralph Norman của Nam Carolina và Dân biểu Keith Self của Texas đã cùng với Dân biểu Thomas Massie của Kentucky phản đối tư cách đề cử cho chức Chủ tịch Hạ viện của ông Johnson.
Tuy nhiên, cả ông Norman và ông Self đều thay đổi quyết định sau khi nói chuyện với ông Johnson trong một thời gian nghỉ giải lao ngắn.
Sau cuộc bỏ phiếu, ông Johnson đã tuyên bố sẽ gia hạn các khoản cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump, dự kiến sẽ hết hạn vào năm nay và bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính.
“Chúng tôi sẽ cắt giảm mạnh mẽ quy mô và phạm vi của chính phủ“, Chủ tịch Hạ viện nói.
Những thách thức lớn khác với ông Johnson sẽ xuất hiện, kể cả việc giải quyết khoản nợ công hơn 36 nghìn tỷ USD mà Quốc hội sẽ cần phải hành động vào cuối năm nay.
Dân biểu Johnson thay thế Dân biểu California Kevin McCarthy làm chủ tịch Hạ viện vào tháng 10 năm 2023, sau khi một nhóm nhỏ đảng viên Cộng hòa cứng rắn lật đổ ông McCarthy. Mặc dù trước đây ông Johnson được coi là thành viên của phe cơ sở của Đảng Cộng hoà, nhưng ông đã dành phần lớn thời gian làm chủ tịch để thể hiện mình là đồng minh trung thành của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ông Trump đã ủng hộ mạnh mẽ ông Johnson. Ông Trump đã đăng trên mạng xã hội Truth Social chúc mừng ông Johnson. Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ viết: “Xin chúc mừng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã nhận được Phiếu tín nhiệm chưa từng có tại Quốc hội. Mike sẽ là Chủ tịch Hạ viện vĩ đại, và Đất nước chúng ta sẽ được hưởng lợi. Người dân Hoa Kỳ đã chờ đợi bốn năm để có được Lẽ thường, Sức mạnh và Lãnh đạo. Họ sẽ có được điều đó ngay bây giờ, và nước Mỹ sẽ vĩ đại hơn bao giờ hết!“
Ông Johnson đã khiến những người Cộng hòa cứng rắn tức giận vào năm ngoái khi ông thông qua một loạt dự luật viện trợ nước ngoài khổng lồ, bao gồm một dự luật tặng 65 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.
Nhà lập pháp Louisiana kể từ đó đã tuyên bố rằng ông không còn “thèm muốn nhận thêm tiền tài trợ cho Ukraine” nữa và đã ủng hộ những lời hứa liên tục của ông Trump về việc chấm dứt cuộc chiến tranh Nga-Ukraine ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.
Đa số 219-215 của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện có khả năng sẽ thu hẹp hơn nữa, ít nhất là tạm thời, nếu Thượng viện xác nhận hai nhà lập pháp Đảng Cộng hòa vào các vị trí trong chính quyền của Tổng thống Trump, bắt đầu từ ngày 20 tháng 1.
Ông Trump đã đề cử Dân biểu Elise Stefanik lcủa New York làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc và Dân biểu Mike Waltz làm cố vấn an ninh quốc gia. Một ghế khác vẫn còn bỏ trống, vì đảng viên Cộng hòa Matt Gaetz đã từ chức khỏi Quốc hội khi ông được đề cử làm Tổng chưởng lý của chính quyền Trump. Ông Gaetz cũng đã rút khỏi vị trí đề cử đó sau khi đối mặt với các cáo buộc về hành vi sai trái tình dục.
Cả ba ghế đại diện cho các khu vực của Đảng Cộng hòa đó sẽ được lấp đầy trong các cuộc bầu cử đặc biệt vào cuối năm nay.
Trong một diễn biến liên quan, Đảng Cộng hòa hôm thứ Sáu (3/1) cũng đã tuyên thệ nhậm chức với đa số 53-47 tại Thượng viện với Thượng nghị sĩ John Thune là lãnh đạo mới của phe đa số.
Ba Lan đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên EU, đặt trọng tâm vào an ninh
Hôm thứ Sáu (3/1), Ba Lan đã đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Hungary gia tăng, cho thấy sự chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc trên khắp châu Âu khi khu vực này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức toàn cầu lớn.
Gánh chịu nền kinh tế trì trệ, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng này với chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” và khả năng áp dụng thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng xuất khẩu từ châu Âu.
EU cũng phải đối mặt với mối quan hệ thương mại xấu đi với Trung Quốc và cuộc chiến tranh dai dẳng Nga-Ukraine, tất cả diễn ra trong thời điểm hai cường quốc hàng đầu của EU là Pháp và Đức đang bị phân tâm bởi tình hình biến động chính trị trong nước.
Trong bối cảnh ảm đạm này, Ba Lan đang tìm kiếm vai trò dẫn đầu trong việc định hình chính sách châu Âu, đặc biệt là về an ninh.
“Nếu châu Âu bất lực, châu Âu sẽ không thể tồn tại… Chúng ta hãy làm mọi thứ để châu Âu và Ba Lan không phải trả giá đắt nhất cho tự do, cho sức mạnh, cho chủ quyền. Chúng ta hãy làm mọi thứ để châu Âu mạnh mẽ trở lại”, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trình bày trong một buổi dạ tiệc ở thủ đô Vacsava.
Tham gia cùng ông Tusk còn có chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa. Phát biểu tại buổi dạ tiệc nêu trên, ông Costa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ cho Kiev.
“Năm nay, chúng ta phải tiếp tục sát cánh cùng Ukraine – nhiều nhất có thể, trong thời gian cần thiết, để giành được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục coi quốc phòng là ưu tiên chiến lược của Liên minh châu Âu”, ông Costa nói.
Tham vọng của Ba Lan
Ông Edit Zgut-Przybylska, phó giáo sư tại Viện Triết học và Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, cho biết thủ tướng Tusk hy vọng “sẽ lãnh đạo cuộc cải tổ trong EU ở khía cạnh xây dựng một liên minh xung quanh việc ủng hộ Ukraine và nền hòa bình có ý nghĩa có lợi cho Kiev chứ không phải Moskva”.
Ông Tusk, cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu và trước đây cũng từng là người đứng đầu Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu, là một nhân vật có nhiều mối quan hệ trên chính trường EU.
Nhưng khi các quốc gia thành viên EU phải đối mặt với những quyết định khó khăn về các vấn đề như làm thế nào để tăng cường và tài trợ cho chi tiêu quốc phòng, các nhà phân tích cho rằng Vacsava khó có thể tự mình dẫn đầu.
Ông Piotr Buras, chuyên gia đứng đầu văn phòng Vacsava của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, cho biết những thách thức mà EU phải đối mặt vượt quá khả năng và thời gian của bất kỳ nhiệm kỳ chủ tịch kéo dài sáu tháng nào.
Ông Buras cho biết: “Đây là thời điểm quan trọng đối với châu Âu, trước hết là do sự xuất hiện của ông Trump và tình hình ở Ukraine, nhưng cũng là những vấn đề liên quan đến nền kinh tế nói chung, khả năng cạnh tranh và có thể là cuộc chiến thương mại đồng thời cùng với sự yếu kém về mặt lãnh đạo và thời điểm chuyển giao trong chính EU”.
Liên quan đến vấn đề an ninh tập thể và sự ủng hộ của châu Âu dành cho Kiev, một số nhà phân tích cho biết Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể đảm nhận vai trò lớn hơn sau cuộc bầu cử toàn quốc ngày 23/2, mà phe bảo thủ hiện đang được cho là sẽ giành chiến thắng.“Hy vọng duy nhất là giới lãnh đạo mới của Đức sẽ quyết định có lập trường tích cực và quyết đoán hơn nhiều”, ông Peter Bator, cựu đại sứ Slovakia tại NATO, hiện là trưởng nhóm phân tích của đảng đối lập Progressive Slovakia, cho biết.
Căng thẳng về ngoại giao
Chính phủ Ba Lan cho biết đại sứ của Hungary không được chào đón tại buổi lễ đánh dấu việc Vacsava đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên sáu tháng của EU, một sự lạnh nhạt công khai sau nhiều tháng đấu khẩu chính trị giữa các nhà lãnh đạo của hai nước.
Hồi tháng trước, Hungary đã khiến Ba Lan giận dữ khi cấp quy chế tị nạn chính trị cho một cựu thứ trưởng tư pháp Ba Lan đang bị điều tra tại quê nhà vì cáo buộc sử dụng sai mục đích tiền công quỹ, điều mà ông đã phủ nhận. Vacsava gọi hành động này là “hành động thù địch” trái với các nguyên tắc của EU và triệu hồi đại sứ của mình tại Budapest.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto mô tả sự lạnh nhạt hôm thứ Sáu (3/1) là “như trẻ con”, trang web tin tức HVG.hu đưa tin. Hành động của Ba Lan chỉ làm tăng thêm các dấu hiệu bất hòa của châu Âu.
Slovakia, cùng với Hungary đã tìm cách duy trì một số mối quan hệ với Nga,hôm thứ Năm (2/1) đã đe dọa sẽ trả đũa Ukraine sau khi nước này dừng dòng khí đốt quá cảnh của Nga, trong khi các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ mới tại Áo đã gặp phải một đòn giáng hôm thứ Sáu (3/1) khi một đảng chủ chốt rút khỏi các cuộc đàm phán.
Đức nhập khẩu uranium từ Nga tăng gần 70%
Nhập khẩu uranium từ Nga sang Đức vào năm 2024 đã tăng gần 70% so với năm trước, lên tới 68,6 tấn.
Trích dẫn dữ liệu từ Bộ Các vấn đề môi trường và khí hậu, Spiegel cho biết: “Bất chấp chiến tranh ở Ukraine, ít nhất 68,6 tấn uranium đã được nhập khẩu từ Nga sang Đức vào năm 2024, cao hơn gần 70% so với năm 2023.
Uranium được cung cấp bởi 2 công ty con của Rosatom. Vật liệu dành cho sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân được cung cấp cho nhà máy pin nhiên liệu của nhiên liệu hạt nhân tiên tiến (ANF) ở Lingen, Lower Saxony. ANF là một công ty con của Framatome, công ty này thuộc sở hữu của EDF của Pháp.
Ấn phẩm lưu ý rằng, công ty hiện đang tìm cách thành lập một liên doanh với Rosatom để bắt đầu sản xuất các bộ phận nhiên liệu của riêng mình tại Lingen vào năm 2030 cho các lò phản ứng kiểu VVER (lò phản ứng nước áp lực) của Nga, được vận hành ở Bulgaria, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Hungary, và Slovakia.
Hiện tại, các biện pháp trừng phạt chống Nga không bao gồm lệnh cấm cung cấp các linh kiện từ ngành năng lượng hạt nhân.
Tại Đức, vào năm 2011, chính phủ đã quyết định từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân vào năm 2022. Nguyên nhân cuối cùng cho quyết định này là vụ tai nạn tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. Đến năm 2022, chỉ có 3 nhà máy điện hạt nhân hoạt động. Do Đức từ chối mua khí đốt của Nga, nên hoạt động của 3 nhà máy này đã được kéo dài cho đến giữa tháng 4/2023.
Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc liên quan nhóm tin tặc Flax Typhoon
Trang web của Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Sáu (3/1) thông báo Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt an ninh mạng mới đối với Tập đoàn Công nghệ Integrity (Integrity Technology Group, Incorporated) của Trung Quốc – một hãng công nghệ an ninh mạng.
Giới chức phương Tây trước đó cáo buộc công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đứng sau một nhóm tin tặc lớn của Trung Quốc có biệt danh là Flax Typhoon.
Năm ngoái, Giám đốc FBI Christopher Wray phát biểu tại một hội nghị an ninh mạng rằng Tập đoàn Công nghệ Integrity Bắc Kinh (sau đây gọi là Integrity) mang vỏ bọc là công ty IT nhưng đồng thời “thu thập thông tin tình báo và trinh sát cho các cơ quan an ninh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Khi đó giới chức Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và các đồng minh là vu khống Trung Quốc.
Integrity trợ giúp nhóm Flax Typhoon
Trong một thông cáo báo chí được công bố hôm thứ Sáu (3/1), Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố rằng Integrity đã đóng vai trò trong nhiều vụ xâm nhập máy tính ở Mỹ.
Thông cáo chỉ ra nhóm Flax Typhoon là một tổ chức mạng độc hại của Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, hoạt động ít nhất từ năm 2021. Nhóm này lợi dụng lỗ hổng công khai để ban đầu truy cập vào máy tính của nạn nhân, sau đó sử dụng phần mềm truy cập từ xa hợp pháp để liên tục kiểm soát mạng của họ.
Thông cáo nêu dẫn chứng trường hợp mà Integrity cung cấp hỗ trợ cho nhóm Flax Typhoon như: khoảng thời gian từ mùa hè năm 2022 đến mùa thu năm 2023, các tác nhân của nhóm Flax Typhoon đã sử dụng cơ sở hạ tầng liên quan Integrity trong các cuộc tấn công mạng máy tính…, định kỳ gửi thông tin đến cơ sở hạ tầng của Integrity và nhận thông tin phản hồi.
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã xác định rằng Integrity [tại Mỹ] “trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hỗ trợ các hoạt động mạng do những người ở bên ngoài nước Mỹ khởi xướng hoặc chỉ đạo – toàn bộ hoặc hầu hết hoạt động được thực hiện bên ngoài nước Mỹ”, các hoạt động này “có khả năng hoặc thực sự gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, sức khỏe kinh tế hoặc ổn định tài chính của Mỹ; mục đích làm tổn hại hoặc cản trở nghiêm trọng việc cung cấp dịch vụ mạng máy tính liên quan cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ”.
Nội dung trừng phạt
Thông cáo báo chí viết, “Tất cả tài sản và lợi ích tài sản của thực thể được chỉ định nói trên (tức là Integrity) ở Mỹ hoặc do người Mỹ sở hữu hoặc kiểm soát đều bị đóng băng, và phải báo cáo cho OFAC.
Ngoài ra, bất kỳ thực thể nào khác của đối tượng bị đóng băng tài sản liên quan Integrity mà đối tượng bị đóng băng nắm quyền sở hữu thực thể đó từ 50% trở lên (sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp dưới hình thức cá nhân hoặc chung) cũng bị đóng băng. Trừ khi được ủy quyền hoặc miễn trừ theo giấy phép chung hoặc cụ thể do OFAC cấp, các quy định của OFAC thường cấm người Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch nào trong lãnh thổ Mỹ (hoặc quá cảnh) liên quan đến tài sản hoặc lợi ích tài sản của đối tượng bị chỉ định hoặc bị hạn chế.
Ngoài ra, các tổ chức tài chính và những người thực hiện một số giao dịch hoặc hoạt động nhất định với các thực thể và cá nhân bị trừng phạt có thể bị xử phạt hoặc phải đối mặt với hành động thực thi cưỡng chế. Lệnh cấm bao gồm cấm cung cấp bất kỳ khoản tiền, hàng hóa hoặc dịch vụ nào cho đối tượng bị cơ quan chức năng trừng phạt, và ngược lại là nhận bất kỳ khoản tiền, hàng hóa hoặc dịch vụ nào từ đối tượng bị cơ quan chức năng trừng phạt”.
Thông cáo cũng lưu ý rằng “Các tác nhân mạng độc hại của Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn là một trong những mối đe dọa tích cực và lâu dài nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Những tác nhân này không ngừng nhắm mục tiêu vào các hệ thống của Chính phủ Mỹ, bao gồm cả các cuộc tấn công gần đây vào cơ sở hạ tầng IT của Bộ Tài chính”.
Quyền Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách khủng bố và tình báo tài chính, ông Bradley T. Smith, cho biết: “Bộ Tài chính sẽ không ngần ngại buộc các tác nhân mạng độc hại và những người ủng hộ họ phải chịu trách nhiệm. Mỹ sẽ sử dụng tất cả các công cụ để loại bỏ các mối đe dọa này, đồng thời tiếp tục hợp tác để tăng cường phòng thủ mạng trong cả khu vực công và tư”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét