Các quốc gia bắt đầu chào đón Năm mới 2025 bằng pháo hoa và lễ hội
Các quốc gia trên khắp Nam Thái Bình Dương đã có hoặc bắt đầu lễ kỷ niệm Năm mới 2025. Trong khi, các quốc gia khác trên toàn thế giới sẽ là những quốc gia tiếp theo chào đón năm mới bằng các lễ hội độc đáo cho ngày lễ quốc tế này
Dưới đây là không khí Năm mới 2025 tại một số quốc gia, khu vực:
Pháo hoa tại Nam Thái Bình Dương chào đón Năm 2025
Người dân ở Sydney, Úc, đã được xem pháo hoa bắn ra từ Cầu Cảng Sydney từ bên kia vịnh. Hơn một triệu người đã đổ về khu vực Cảng Sydney để chào mừng năm 2025. Lễ hội năm mới tại đây có sự góp mặt trình diễn của ngôi sao nhạc pop người Anh Robbie Williams.
Lễ hội cũng bao gồm các nghi lễ và buổi biểu diễn của người bản địa để tôn vinh những người đầu tiên sống ở Úc.
Ở châu Á, nhiều quốc gia đang chuẩn bị cho Năm Ất Tỵ (Năm Rắn) sắp tới theo Âm lịch, dự đoán về một chu kỳ tái sinh được biểu thị bằng việc loài bò sát này lột da. Tại Nhật Bản, một số khu vực của đất nước đã đóng cửa trước kỳ nghỉ năm mới vì nhiều ngôi đền và nhà cửa đã được dọn dẹp. Nhiều cửa hàng trong nước cũng đang bán các sản phẩm theo chủ đề rắn cho ngày lễ lớn nhất của Nhật Bản. Nhật Bản hiện nay đón Năm mới theo Dương lịch, công nhận sự bắt đầu của chu kỳ hoàng đạo vào ngày 1 tháng 1, từ bỏ phong tục Tết Nguyên Đán theo Âm lịch như Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác. Các quốc gia này sẽ đón năm Ất Tỵ vào Tết Nguyên đán, tức vào ngày 29 tháng 1 năm 2025.
Tuy nhiên, các lễ chào mừng Năm mới đã bị thu hẹp quy mô hoặc hủy bỏ ở Hàn Quốc vì đất nước này đang trong thời gian quốc tang sau vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air vào hôm Chủ Nhật (28/12), khiến 179 người thiệt mạng.
Nhiều trung tâm mua sắm ở Bangkok, Thái Lan đã thu hút đám đông bằng các tiết mục âm nhạc trực tiếp và màn bắn pháo hoa. Ca sĩ nhạc rap nổi tiếng Lisa, thành viên người Thái của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Blackpink, đã biểu diễn ngay trước thời khắc giao thừa.
Jakarta, Indonesia đã chào đón năm mới bằng màn trình diễn pháo hoa có sự tham gia của 800 máy bay không người lái.
Samoa thuộc Mỹ sẽ là một trong những quốc gia cuối cùng đón năm mới, với múi giờ của quốc gia này chậm hơn 24 giờ so với múi giờ của New Zealand.
Lễ chào mừng Năm mới tại Trung Đông, châu Âu
Lễ chào mừng Năm mới 2025 của Israel đã bị cắt giảm trong năm nay do cuộc chiến đang diễn ra với Hamas và các con tin vẫn bị giam cầm sau các cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào niềm nam Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023.
Một số khu vực của Liban vẫn bị tàn phá sau khi chiến tranh nổ ra giữa Israel và Hezbollah, gần đây đã kết thúc bằng lệnh ngừng bắn. Tại Syria, nhiều người bày tỏ cả hy vọng và sự bất ổn sau sự sụp đổ của chế độ Bashar Assad.
Hàng nghìn người dân tụ tập tại Dubai, UAE để xem màn bắn pháo hoa tại tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, Burj Khalifa.
Tại Rome, Ý chào đón năm 2025 cũng trùng với lễ kỷ niệm một phần tư thế kỷ một lần, mở đầu Năm Thánh của Đức Giáo hoàng Francis. Lễ hội này dự kiến sẽ thu hút khoảng 32 triệu người đến thành phố vào năm 2025. Đức Giáo hoàng Francis sẽ cử hành lễ cầu nguyện buổi chiều tại Vương cung thánh đường Thánh Peter vào thứ Ba (31/12). Đức Giáo hoàng dự kiến sẽ đưa ra lời kêu gọi hòa bình trong bối cảnh chiến tranh ở Trung Đông và Ukraine trong Thánh lễ vào thứ Tư (1/1). Ngày đầu tiên của năm mới cũng là ngày lễ bắt buộc đối với người Công giáo, đánh dấu Lễ trọng kính Đức Mẹ Maria.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã sử dụng kỳ lễ này chào Năm mới 2025 để kêu gọi sự đoàn kết trong nước giữa bối cảnh kinh tế khó khăn và sau vụ tấn công chợ Giáng sinh chết người.
“Chúng ta là một đất nước đoàn kết. Và chúng ta có thể lấy sức mạnh từ điều này, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn như thế này”, ông Scholz phát biểu trong bài phát biểu được ghi âm trước.
Paris, Pháp, nơi tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè 2024, đã chào đón Năm mới 2025 bằng màn đếm ngược và bắn pháo hoa truyền thống trên Đại lộ Champs-Elysées.
Về phía bắc của Vương quốc Anh, người Anh đang bắt đầu Năm mới 2025 với những cơn bão mùa đông khắc nghiệt, một số lễ hội, bao gồm tiệc Hogmanay Street và chương trình bắn pháo hoa lâu đài ở Edinburgh, Scotland đã phải huỷ bỏ. Tuy nhiên, London vẫn sẽ tổ chức một chương trình bắn pháo hoa trên Sông Thames với một cuộc diễu hành qua trung tâm thành phố vào ngày 1 tháng 1 với sự tham gia của khoảng 10.000 người biểu diễn.
Tại Thụy Sĩ, người dân đã chào đón thời tiết lạnh giá bằng cách cởi đồ và lao xuống làn nước đóng băng để chào đón Năm mới 2025.
Châu Mỹ chào đón năm 2025
Bên kia Đại Tây Dương tại Brazil, Rio de Janeiro đang tổ chức lễ chào mừng Năm mới 2025 tại Bãi biển Copacabana. Các phà ngoài khơi bắn pháo hoa liên tục trong 12 phút cho hàng nghìn du khách trên tàu du lịch được tận mắt chứng kiến màn trình diễn ánh sáng hoành tráng này.
Cùng với các buổi hòa nhạc của các nhạc sĩ người Brazil Anitta và Caetano Veloso, lễ hội Năm mới tại Bãi biển Copacabana dự kiến sẽ thu hút hơn 2 triệu người.
Tại Hoa Kỳ, Thành phố New York sẽ tiếp tục truyền thống thả quả cầu pha lê tại Quảng trường Thời đại. Truyền thống này bắt đầu từ năm 1907. Các lễ hội âm nhạc tại Thành phố New York sẽ có sự tham gia của TLC, Jonas Brothers, Rita Ora và Sophie Ellis-Bextor.
Las Vegas dự kiến sẽ thu hút khoảng 340.000 người đến xem màn trình diễn pháo hoa dọc theo Strip, với pháo hoa được bắn các nóc nhà của các sòng bạc. Địa điểm Sphere rộng lớn của thành phố cũng sẽ hiển thị đếm ngược đến nửa đêm ở các múi giờ khác nhau.
Khán giả của Rose Parade đã cắm trại từ ngày 31/12 tại Pasadena, California, với hy vọng giành được những vị trí đắc địa cho lễ hội chào mừng Năm mới 2025 của thành phố.
Tại Nashville, Tennessee, dự kiến sẽ có khoảng 200.000 người tham dự một bữa tiệc có sự góp mặt của một số ngôi sao lớn nhất trong làng nhạc đồng quê Hoa Kỳ.
Mỹ gửi đoàn xe quân sự lớn nhất tới Syria từ khi chính quyền Assad sụp đổ
Khoảng 60 xe tải quân sự của Mỹ đã tiến vào Syria từ biên giới Iraq để bổ sung vũ khí cho các căn cứ của Washington tại quốc gia thuộc vùng Tây Á.
Người dân đứng trên đỉnh xe tăng ăn mừng tại Quảng trường Umayyad ở thủ đô Damascus, Syria vào ngày 8 tháng 12 năm 2024. Phiến quân nổi dậy tuyên bố rằng họ đã chiếm được Damascus trong một cuộc tấn công chớp nhoáng vào ngày 8 tháng 12, buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải chạy trốn và chấm dứt năm thập kỷ cai trị của đảng Baath ở Syria. (Ảnh: LOUAI BESHARA/AFP via Getty Images)
Cụ thể, hôm 31/12 vừa qua, các hãng truyền thông Ả Rập như Al-Arabiya và Al-Hadath đã thông báo về việc một đoàn xe quân sự lớn của Mỹ đang tiến vào Syria từ biên giới Iraq.
Đoàn xe gồm khoảng 60 xe tải quân sự, chở theo một lượng lớn vũ khí để bổ sung cho các căn cứ của Mỹ tại 2 tỉnh Al-Hasakah và Deir ez-Zor. Hãng tin Al-Arabiya cho hay rằng đây là đoàn xe quân sự lớn nhất mà Washington gửi tới Syria kể từ khi chính quyền Assad bị lật đổ.
Trong thời gian vừa qua, lực lượng Mỹ ở Syria đã bắt đầu tăng cường hoạt động quân sự, bao gồm việc triển khai xe bọc thép xung quanh các thành phố ở Deir ez-Zor, Raqqa và Kobani.
Theo truyền thông Ả Rập, kể từ khi lực lượng đối lập HTS giành quyền kiểm soát Syria, đã có tổng cộng 6 đoàn xe quân sự tiến vào quốc gia này. Vào đầu tháng 12/2024, Lầu Năm Góc thông báo rằng số lượng binh lính Mỹ ở Syria hiện là 2.000 người, hơn gấp đôi con số công bố trước đó là 900 người.
Động thái của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ chôn vùi các lực lượng người Kurd. Tổng thống Recep Erdogan cũng kêu gọi Mỹ lựa chọn giữa việc ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc tiếp tục hỗ trợ các nhóm vũ trang người Kurd như YPG.
“Lực lượng Mỹ được triển khai nhằm tăng cường cho nhiệm vụ đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và có mặt ở đó trước khi chính quyền của Tổng thống Bashar Assad sụp đổ”, theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc..
Hoa Kỳ không kích vào các cơ sở của Houthi ở thủ đô Yemen
Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào thủ đô Sana’a của Yemen, đánh vào những gì Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mô tả là các cơ sở quân sự của Houthi. Hoa Kỳ và Anh đã tăng cường các cuộc không kích vào Yemen kể từ khi nhóm chiến binh Houthi tấn công Israel bằng một tên lửa đạn đạo vào đầu tháng này.
Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM), đơn vị giám sát các hoạt động quân sự của Lầu Năm Góc tại Trung Đông, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (31/12) rằng các cuộc không kích diễn ra hôm thứ Hai (30/12) và thứ Ba, có sự tham gia của tàu chiến và máy bay Mỹ.
Các mục tiêu bao gồm một cơ sở chỉ huy và kiểm soát của Houthi, các nhà máy sản xuất vũ khí và kho đạn dược, CENTCOM tuyên bố. Các cuộc tấn công bổ sung nhắm vào một địa điểm radar ven biển và bảy tên lửa hành trình của Houthi trên Biển Đỏ, tuyên bố cho biết thêm.
Đoạn video do kênh truyền hình Press TV của Iran chia sẻ cho thấy khói bốc lên từ một số địa điểm xảy ra vụ nổ ở thủ đô Sana’a của Yemen.
Lực lượng Mỹ và Anh đã khởi động các cuộc tấn công rải rác vào các cơ sở của Houthi kể từ tháng 10/2023, khi các chiến binh Hồi giáo tại Yemen bắt đầu tấn công các tàu vận chuyển có liên hệ với Israel ở Biển Đỏ để đáp trả cuộc chiến của Nhà nước Do Thái với Hamas ở Gaza. Các cuộc tấn công này đã gia tăng về quy mô và tần suất kể từ khi Houthi tấn công Tel Aviv bằng một tên lửa đạn đạo hồi đầu tháng Mười Hai này.
Tuần trước, Houthis đã bắn một tên lửa đạn đạo khác vào Tel Aviv, nhắm vào sân bay Ben Gurion. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố rằng tên lửa đã bị đánh chặn trước khi có thể đến được mục tiêu.
Sau cuộc tấn công đầu tiên của Houthi vào Tel Aviv, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông đã chỉ thị cho IDF “phá hủy cơ sở hạ tầng của Houthi” bằng “toàn lực”. Mặc dù IDF đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào Yemen, một phát ngôn viên của nhóm này cho biết tuần trước rằng họ sẽ “tăng cường nhắm mục tiêu quân sự vào Israel… cho đến khi tội ác diệt chủng và cuộc bao vây Gaza chấm dứt”.
Được biết đến chính thức với tên gọi là phong trào Ansar Allah, Houthi hiện đang kiểm soát khoảng một phần ba Yemen, tương ứng với phần lãnh thổ của Cộng hòa Ả Rập Yemen 1962-1990, bao gồm cả Sana’a và hầu hết bờ biển phía tây của quốc gia Ả rập này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét