Hôm Nay, Sáng Mồng 2 Tết, Hàng Trăm Khách Không Nhà (Homeless) Tưng Bừng Ăn Tết Ất Tỵ 2025, Với Nhóm Mõ Nhân Ái! -Liên tiếp trong 4 tuần lễ, từ Tết Tây, cho đến Tết Ta, khách không nhà, tuần nào cũng có sinh hoạt mừng Tết, được tặng phong bao lì xì hàng tuần! chính vì thế, sáng mồng 2 Tết, kéo nhau đến đông, hơn cả trăm khách ăn mừng Tết! -Sau khi được phục vụ bữa cơm ngon nóng hổi! có bàn ghế ngồi ăn, có ban nhạc, trên cả chục nhạc công giúp vui. Sau đó còn được tặng phong bao lì xì, chưa kể một bao quà cáp, thực phẩm khô, dùng cho cả tuần lễ!
<!>
Tưng bừng ăn Tết, vì mùa Xuân này đánh dấu 50 năm (1975-2025) cái Tết xa xứ, chưa kể đánh dấu, trên 30 năm “thực đơn thân ái”, phục vụ những mảnh đời khốn khổ! Chính vì thế, có nhiều vị khách khen: “Chưa bao giờ thấy, nhóm Mõ Nhân Ái ăn Tết với Homeless lớn như thế!” Sau đây là một vài hình ảnh Sáng Mồng 2 Tết:
Tin Buồn Đầu Năm: Toàn bộ 64 Người Trên Phi Cơ Rơi Xuống Sông Potomac Đều Thiệt Mạng! Cùng nhau nguyện cầu, hương linh những nạn nhân, chóng được siêu thoát!
-Giới chức có thầm quyền ở Hoa Thịnh Đốn xác nhận toàn bộ 64 người trên phi cơ chở khách của hãng American Eagle đã thiệt mạng sau vụ va chạm trên không với trực thăng quân sự Black Hawk gần thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào tối ngày 29/1.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 30/1, ông John Donnelly, lãnh đạo Sở Cứu hỏa và Dịch vụ khẩn cấp Washington D.C., xác nhận rằng không còn ai sống sót trong vụ tai nạn thảm khốc này.
“Chúng tôi không tìm thấy dấu hiệu nào của sự sống. Lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt đêm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, với gió lớn và mặt nước đóng băng,” ông Donnelly nói.
Theo thông tin từ cơ quan cứu hộ, đến sáng ngày 30/1, đội tìm kiếm đã vớt được 27 thi thể từ phi cơ chở khách và một thi thể từ trực thăng quân sự. Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục nỗ lực để thu hồi toàn bộ thi thể nạn nhân.
Vụ việc xảy ra khi chiếc phi cơ phản lực của American Eagle – một công ty con của American Airlines – đang trên đường hạ cánh xuống phi trường Quốc gia Ronald Reagan. Phi cơ bất ngờ va chạm với một trực thăng quân sự Black Hawk của Lục quân Mỹ đang bay huấn luyện dọc theo sông Potomac.
Bộ trưởng Giao thông Sean Duffy cho biết cả hai phi cơ đều hoạt động trong mô hình bay tiêu chuẩn vào thời điểm xảy ra tai nạn.
“Nếu bạn sống ở khu vực Washington D.C., bạn sẽ quen với việc trực thăng quân sự bay dọc sông Potomac và phi cơ thương mại hạ cánh xuống sân bay Ronald Reagan. Đây là hoạt động thường nhật, không có gì bất thường,” ông Duffy giải thích.
Theo CEO Robert Eisen của American Airlines, hiện vẫn chưa rõ vì sao trực thăng quân sự lại đi vào đường bay của phi cơ chở khách. Ông Eisen nhấn mạnh rằng vụ tai nạn là một thảm kịch lớn và hãng hàng không “vô cùng đau buồn trước mất mát to lớn này.”
Ngay sau vụ tai nạn, Tổng thống Donald Trump đã được báo cáo chi tiết về tình hình và cam kết “không ngừng nghỉ cho đến khi tìm ra câu trả lời cho gia đình nạn nhân và hành khách hàng không.”
Bộ trưởng Giao thông Duffy cũng khẳng định: “Chúng tôi có không phận an toàn nhất thế giới và sẽ điều tra kỹ lưỡng để đảm bảo không có sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.”
Thị trưởng Washington D.C., bà Muriel Bowser, bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc đối với các nạn nhân và khẳng định rằng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) sẽ dẫn đầu cuộc điều tra, phối hợp cùng Cục Hàng không Liên bang (FAA) và quân đội Mỹ.
Giới chức hàng không cho biết phi trường Ronald Reagan đã mở cửa trở lại vào lúc 11 giờ sáng ngày 30/1. Hiện, công tác trục vớt các mảnh vỡ và thi thể nạn nhân vẫn đang diễn ra trên sông Potomac, trong điều kiện thời tiết giá lạnh.
Theo The Guardian, đây là vụ tai nạn hàng không thương mại nghiêm trọng nhất tại Mỹ kể từ năm 2009. Những diễn biến mới nhất về cuộc điều tra sẽ tiếp tục được cập nhật trong những ngày tới.
Bộ hiệu quả chính phủ của ông Trump tuyên bố kỷ lục! đã tiết kiệm một tỉ đô la mỗi ngày!
(Phạm Duy)
(Ảnh trên mạng xã hội X về DOGE của ông Trump và ông Musk.)
-Bộ Hiệu quả Chính phủ Hoa Kỳ (DOGE), được thành lập bởi Tổng thống Donald Trump và do giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, Elon Musk, lãnh đạo, tuyên bố họ đã cắt giảm chi tiêu liên bang khoảng một tỷ đô la mỗi ngày.
DOGE công bố con số trên vào thứ Tư (29/1) thông qua tài khoản chính thức của mình trên nền tảng X, đồng thời cho biết mục tiêu của họ là giảm chi phí hơn ba tỷ đô la mỗi ngày.
DOGE lần đầu tiên được đề xuất thành lập trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump vào mùa hè năm ngoái và sau đó được chính thức hóa dưới dạng một ủy ban cố vấn tổng thống. Mặc dù tên gọi của nó như vậy, nhưng đây không phải là một bộ liên bang chính thức, mà chỉ là một tổ chức tạm thời, tập trung vào việc giảm chi tiêu chính phủ. DOGE đặt mục tiêu cắt giảm tới 2 nghìn tỷ đô la chi tiêu liên bang vào tháng 7 năm 2026.
“DOGE đang giúp Chính phủ Liên bang tiết kiệm khoảng 1 tỷ đô la/ngày, chủ yếu bằng cách ngừng tuyển dụng vào các vị trí không cần thiết, loại bỏ các sáng kiến về Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DEI), và chấm dứt các khoản thanh toán không hợp lý cho các tổ chức nước ngoài, tất cả đều phù hợp với các Sắc lệnh Hành pháp của Tổng thống“, cơ quan này tuyên bố mà không cung cấp thêm chi tiết.
Việc đề cập đến “các khoản thanh toán không hợp lý cho các tổ chức nước ngoài“ dường như liên quan đến quyết định tạm dừng gần như tất cả các chương trình viện trợ nước ngoài trong 90 ngày của chính quyền Trump gần đây để tiến hành rà soát.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, chính quyền Trump đã mạnh mẽ xóa bỏ các sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) trong toàn bộ chính phủ liên bang.
Hôm thứ Ba (28/1), tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm “tư tưởng giới tính cực đoan“ trong quân đội Mỹ, nhấn mạnh rằng các quân nhân phải đáp ứng các tiêu chuẩn thể chất và tinh thần để thực hiện nhiệm vụ.
“Chính sách này không phù hợp với các hạn chế về y tế, phẫu thuật và sức khỏe tâm thần đối với những người mắc chứng rối loạn giới tính“, sắc lệnh nêu rõ. “Chính sách này cũng không phù hợp với việc thay đổi cách sử dụng đại từ hoặc sử dụng các đại từ không phản ánh chính xác giới tính sinh học của một cá nhân.“
DeepSeek, bị OpenAI và Tòa Bạch Ốc cáo buộc “đánh cắp” công nghệ AI!
-Ngày 28/1, OpenAI tuyên bố có bằng chứng cho thấy DeepSeek, một công ty AI từ Trung Quốc, đã sử dụng trái phép công nghệ của họ để huấn luyện các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) cạnh tranh, theo Financial Times.
DeepSeek bị nghi “học lóm” ChatGPT
OpenAI cáo buộc DeepSeek đã sử dụng một thủ thuật có tên gọi “chiết xuất” (distillation), tức là sử dụng kết quả từ một mô hình AI có sẵn để huấn luyện một mô hình khác với chi phí và thời gian thấp hơn đáng kể.
Trong ngành AI, chiết xuất không phải là điều hiếm gặp, nhưng nếu được sử dụng để phát triển một mô hình cạnh tranh trực tiếp thì lại bị xem là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều khoản người dùng của OpenAI quy định rõ ràng rằng không ai được phép sao chép dịch vụ của họ hoặc sử dụng kết quả từ ChatGPT để phát triển mô hình AI đối thủ.
Cố vấn AI của Nhà Trắng, ông David Sacks, cũng lên tiếng cáo buộc DeepSeek. Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, ông tuyên bố: “Có nhiều bằng chứng cho thấy DeepSeek đã chiết xuất kiến thức từ các mô hình của OpenAI, và tôi không nghĩ rằng OpenAI vui với điều đó.”
Tuy nhiên, cả OpenAI và ông Sacks đều không đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh cáo buộc này.
Ngành AI bị ảnh hưởng bởi hành vi sao chép công nghệ
Theo các chuyên gia AI, việc các công ty AI nhỏ hơn “học lỏm” từ những mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT để huấn luyện sản phẩm của họ là một hiện tượng phổ biến, dù về mặt pháp lý, đây là hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ.
Ông Ritwik Gupta, nhà nghiên cứu AI tại Đại học UC Berkeley, nhận định:
“Các start-up thường sử dụng kết quả từ các mô hình thương mại để thu thập phản hồi từ con người mà không mất phí. Tôi không ngạc nhiên nếu DeepSeek thực sự đã làm điều đó.”
Trong tuyên bố mới đây, OpenAI khẳng định: “Chúng tôi biết rằng nhiều công ty tại Trung Quốc và nhiều nơi khác liên tục chiết xuất dữ liệu từ các mô hình của những công ty AI hàng đầu ở Mỹ. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Mỹ để bảo vệ sở hữu trí tuệ và ngăn chặn các đối thủ nước ngoài đánh cắp công nghệ tiên tiến của Mỹ.”
Hiện tại, DeepSeek vẫn chưa phản hồi trước các cáo buộc.
Cuối cùng, thì Colombia phải nhượng bộ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump!
(Hải Đăng)
-Colombia đã khuất phục trước áp lực từ Washington, và buộc phải đảo ngược quyết định cấm các chuyến bay chở di dân bất hợp pháp bị trục xuất từ Hoa Kỳ hạ cánh tại quốc gia Nam Mỹ này.
Vào Chủ Nhật (26/1), Tổng thống Colombia Gustavo Petro tuyên bố rằng ông sẽ từ chối các máy bay quân sự Mỹ chở đầy người bị trục xuất nếu Hoa Kỳ không thiết lập “một giao thức đối xử tôn trọng với di dân“. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhanh chóng phản ứng bằng cách áp thuế đối với hàng hóa Colombia và hạn chế thị thực đối với các quan chức Colombia.
Trước đó, các quan chức Hoa Kỳ đã gửi hai chuyến bay chở những người nhập cư bất hợp pháp Colombia trở về quê nhà, một phần của chương trình trục xuất đang diễn ra của Tổng thống Trump. Tổng thống Petro đã ra lệnh không cho các chuyến bay đó hạ cánh xuống Colombia, tuyên bố rằng Hoa Kỳ không thể “đối xử với di dân Colombia như tội phạm“.
“Tôi phủ nhận việc máy bay Mỹ chở người di cư Colombia vào lãnh thổ của chúng tôi. Hoa Kỳ phải thiết lập một giao thức đối xử tôn trọng với những người di cư trước khi chúng tôi tiếp nhận họ“, ông Petro nói.
Đáp lại, Tổng thống Trump đã tung ra một loạt các hình phạt, bao gồm lệnh áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Colombia.
“Tôi vừa được thông báo rằng hai chuyến bay hồi hương từ Hoa Kỳ, chở theo một số lượng lớn Tội phạm bất hợp pháp, không được phép hạ cánh xuống Colombia. Lệnh này được đưa ra bởi Tổng thống Xã hội chủ nghĩa của Colombia, Gustavo Petro, người vốn đã rất không được lòng dân“, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
“Việc [ông] Petro từ chối các chuyến bay này đã gây nguy hiểm cho An ninh Quốc gia và An toàn Công cộng của Hoa Kỳ, vì vậy tôi đã chỉ đạo Chính quyền của mình thực hiện ngay các biện pháp trả đũa khẩn cấp và quyết liệt sau đây“, ông Trump cho biết thêm.
Thuế quan sẽ tăng lên 50% sau một tuần, ông Trump cho biết. Tổng thống Hoa Kỳ cũng ra lệnh cấm đi lại và thu hồi thị thực đối với tất cả các quan chức chính phủ Colombia, cùng với “các đồng minh và người ủng hộ“.
“Những biện pháp này chỉ là khởi đầu. Chúng tôi sẽ không cho phép Chính phủ Colombia vi phạm các nghĩa vụ pháp lý của mình liên quan đến việc chấp nhận và trả lại những tên tội phạm mà họ đã ép buộc vào Hoa Kỳ!” ông Trump cảnh báo.
Sau đó vào Chủ Nhật, ông Petro đã đưa ra lời đe dọa tương tự đối với ông Trump, tuyên bố rằng ông đã ra lệnh cho bộ trưởng thương mại nước ngoài của mình “tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ lên 25%“.
“Bộ này nên giúp định hướng xuất khẩu của chúng ta sang toàn thế giới ngoài Hoa Kỳ. Xuất khẩu của chúng ta nên được mở rộng“, ông Petro tuyên bố.
Nhưng không lâu sau đó trong cùng ngày Chủ Nhật (26/1), ông Petro đã phải nhượng bộ. Giới chức Bogota tuyên bố rằng máy bay của Tổng thống Petro sẽ được điều đến để đón những công dân Colombia sắp bị trục xuất.
“Chính phủ Colombia, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Gustavo Petro, đã sắp xếp để máy bay của tổng thống tạo điều kiện cho việc hồi hương một cách tôn trọng của những công dân Colombia sẽ đến nước này vào sáng nay, sau khi trở về từ các chuyến bay trục xuất“, văn phòng của Tổng thống Petro cho biết trong một tuyên bố.
“Người Colombia, với tư cách là những người yêu nước và là công dân hợp pháp, không và sẽ không bị trục xuất khỏi lãnh thổ Colombia”, tuyên bố cho biết thêm.
Trong một bài đăng dài trên mạng xã hội X vào thứ Hai (27/1), Tổng thống Petro lên án sự ép buộc từ Washington. “Các người có thể sử dụng sức mạnh kinh tế và sự kiêu ngạo của mình để cố gắng dàn dựng một cuộc đảo chính, giống như các người đã làm với Allende”, ông Petro viết, ám chỉ đến cuộc đảo chính quân sự năm 1973 ở Chile, kết thúc bằng cái chết của Tổng thống được bầu cử dân chủ Salvador Allende.
“Nhưng tôi sẽ chết vì các nguyên tắc của mình. Tôi đã chịu đựng sự tra tấn, và tôi sẽ chịu đựng các người. Các người sẽ không bao giờ thống trị được chúng tôi”, ông Petro cảnh báo. Ông hứa sẽ áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ để đáp trả các hạn chế kinh tế từ Washington.
Tổng thống Trump từ khi tranh cử lần thứ ba năm 2024 đã đưa cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp trở thành một trong những vấn đề chính trong các cuộc vận động. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới và triển khai thêm binh lính đang tại ngũ để hỗ trợ các nhân viên biên giới. Ông cũng hứa sẽ tăng cường trục xuất.
Doanh Số Bán Vũ Khí Của Mỹ Tăng Mạnh Chưa Bao Giờ Thấy! Do Tình Hình Bất Ổn Toàn Cầu!
-Theo báo cáo được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 24/1, doanh số bán vũ khí của Mỹ trong năm tài chính 2024 đã tăng đáng kể, đạt tổng giá trị 318,7 tỷ USD, so với 238,4 tỷ USD trong năm 2023. Nguyên nhân chính đến từ việc bổ sung kho dự trữ vũ khí và nhu cầu phòng vệ trước các cuộc xung đột tiềm tàng.
Hai Nguyên Nhân Chính Dẫn Đến Tăng Doanh Số
Bổ sung kho vũ khí sau viện trợ Ukraine:
Nhiều quốc gia, đặc biệt là các đồng minh NATO, đã cung cấp viện trợ quân sự lớn cho Ukraine, dẫn đến việc họ cần tái trang bị kho vũ khí của mình.
Lo ngại bất ổn toàn cầu:
Các nước tăng cường mua sắm vũ khí để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ xung đột khu vực, đặc biệt tại châu Âu và châu Á.
Các Giao Dịch Vũ Khí Lớn Năm 2024
Thổ Nhĩ Kỳ: Hợp đồng trị giá 23 tỷ USD để mua máy bay chiến đấu F-16 và nâng cấp hệ thống hiện có.
Israel: Chi 18,8 tỷ USD cho máy bay chiến đấu F-15.
Romania: Đặt hàng xe tăng M1A2 Abrams với tổng giá trị 2,5 tỷ USD.
Các quốc gia có thể mua vũ khí Mỹ qua hai cách:
Đàm phán trực tiếp với các công ty sản xuất vũ khí, như Lockheed Martin hay Northrop Grumman.
Liên hệ thông qua Chính phủ Mỹ, thường thông qua các đại diện Bộ Quốc phòng tại địa phương.
Cả hai phương thức đều cần sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ trước khi giao dịch được thực hiện.
Doanh số bán quân sự trực tiếp: Tăng từ 157,5 tỷ USD năm 2023 lên 200,8 tỷ USD năm 2024.
Doanh số bán thông qua chính phủ Mỹ: Tăng từ 80,9 tỷ USD lên 117,9 tỷ USD trong cùng giai đoạn.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhấn mạnh rằng các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các quốc gia NATO, cần chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Ông đề xuất mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO tăng từ 2% GDP hiện tại lên ít nhất 5% GDP, một con số chưa từng có quốc gia thành viên NATO nào đạt được.
Những nhà sản xuất vũ khí lớn của Mỹ như Lockheed Martin, General Dynamics, và Northrop Grumman dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự gia tăng nhu cầu quốc phòng toàn cầu. Giá cổ phiếu của các công ty này đã tăng đáng kể trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều bất ổn địa chính trị.
Việc gia tăng doanh số bán vũ khí của Mỹ không chỉ là phản ứng trước các xung đột hiện tại, mà còn phản ánh chiến lược dài hạn của Washington trong việc củng cố vai trò nhà cung cấp vũ khí toàn cầu. Tuy nhiên, sự gia tăng này cũng đặt ra câu hỏi về tác động lâu dài đối với an ninh khu vực và toàn cầu, khi ngày càng nhiều quốc gia tăng cường chạy đua vũ trang để đối phó với bất ổn.
Khảo sát: Số công ty Mỹ muốn di dời ra khỏi Trung Cộng, lên cao kỷ lục!
-Báo cáo khảo sát được công bố 2 ngày sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai và đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết căng thẳng địa chính trị, sự không chắc chắn về chính sách, và tranh chấp thương mại Mỹ – Trung là quan tâm chính của các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Chủ tịch Alvin Liu của Hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc nói: “Quan hệ ổn định và mang tính xây dựng dựa trên quan hệ kinh tế và thương mại là rất quan trọng, không chỉ cho thịnh vượng của hai nước mà còn cho ổn định của nền kinh tế toàn cầu”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ cùng ngày (23/1), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trả lời câu hỏi về kết quả khảo sát nêu trên, cho biết: “Tôi nghĩ điều này cho thấy tầm quan trọng của sự phát triển ổn định và lành mạnh của quan hệ Trung – Mỹ”. Bà nói thêm, “Hy vọng Mỹ sẽ hòa hợp với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trở lại đúng hướng phát triển lành mạnh và ổn định”.
Cuộc khảo sát với 368 công ty thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc được hoàn thành từ tháng 10 – 11 năm ngoái, một phần thời gian đó là sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11. Nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông được đánh dấu bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và sự xấu đi trong quan hệ giữa hai nước, nhưng tình hình đó không được cải thiện mấy trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Biden.
Hôm 21/1, ông Trump cho biết ông đang thảo luận về việc từ ngày 1/2 áp thuế trừng phạt 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vì vấn nạn chất gây nghiện fentanyl độc hại chuyển từ Trung Quốc vào Mỹ thông qua Mexico và Canada.
Được biết, gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát vẫn xếp Trung Quốc vào top 3 đầu tư toàn cầu, không thay đổi so với năm ngoái. Nhưng tỷ lệ doanh nghiệp không còn xếp Trung Quốc là điểm đến đầu tư hàng đầu đã tăng 3 điểm phần trăm so với khảo sát năm ngoái (lên 21%), cao hơn gấp đôi so với mức trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Khoảng 1/3 số doanh nghiệp cho biết họ bị đối xử bất công ở Trung Quốc so với các công ty địa phương, đặc biệt là về tiếp cận thị trường và mua sắm của chính phủ Trung Quốc – tỷ lệ này về cơ bản giống năm ngoái.
Khảo sát cũng cho thấy số công ty Mỹ ở Trung Quốc đang cân nhắc chuyển một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc hoặc đang trong quá trình chuyển ra ngoài đã đạt mức cao kỷ lục. 30% công ty được khảo sát vào năm ngoái đã thúc đẩy tìm kiếm các nguồn hàng hóa khác hoặc đã chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tăng gấp đôi so với năm 2020. Nói với Financial Times về vấn đề này, Chủ tịch Michael Hart của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết rằng mặc dù hầu hết các công ty Mỹ ở Trung Quốc không di dời, nhưng xu hướng di dời là rõ ràng. Các công ty ở cả hai nước đang chuẩn bị cho hậu quả của các kế hoạch bảo hộ thương mại của ông Trump.
“Tôi không thấy có lý do gì để nghĩ rằng đầu tư song phương sẽ tăng trong những năm tới. Các công ty đang chuyển sang đầu tư ở nơi khác để củng cố chuỗi cung ứng của họ”, ông Hart nói và nói thêm, “Tất nhiên… tôi sẽ lo lắng nếu tôi chịu trách nhiệm về chính sách đầu tư của Trung Quốc”.
Cuộc khảo sát cho thấy 44% số công ty đang xem xét di dời đã cho biết nguyên nhân do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Một lý do quan trọng khác là “quản lý rủi ro”, theo đó nhiều công ty tìm cách tăng cường chuỗi cung ứng và điều này được thúc đẩy từ sau đại dịch COVID-19.
Ông Hart nói: “Tôi không nghĩ xu hướng này sẽ chậm lại”.
Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc chỉ ra các nước đang phát triển châu Á là điểm đến chính của các công ty được khảo sát, với 38% trong số họ chuyển đến đó. Các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng trở nên hấp dẫn hơn. Tính theo ngành nghề, các công ty công nghệ và nghiên cứu và phát triển là những ngành mà khả năng di dời cao nhất, với 41% công ty được khảo sát đã di dời hoặc đang xem xét di dời khỏi Trung Quốc.
Vài năm qua nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc đột kích vào các công ty tư vấn và kiểm toán, đồng thời đưa ra nhiều quy định mơ hồ về luồng dữ liệu xuyên biên giới, vì vậy tâm lý của các công ty và nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ. Nhưng bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng, vẫn có 1/3 số công ty Mỹ được khảo sát cho biết “chất lượng” môi trường đầu tư của Trung Quốc đã được cải thiện, tăng 5 điểm phần trăm so với năm trước.
Ông Hart nói: “Trung Quốc vẫn là một thị trường rất quan trọng”. Ông cũng lưu ý rằng đây là thông điệp mà phòng cố gắng truyền đạt cho “mọi người ở Washington
Lại Thêm Một Người Đàn Ông Mỹ Nữa Bị Bắt, Vì Đe Dọa Ám Sát, Muốn Giết Tổng Thống Donald Trump Trên TikTok!
-Ngày 24/1, Douglas Thrams, 23 tuổi, cư dân bang Indiana, Mỹ, đã bị bắt với cáo buộc đăng tải các video trên TikTok chứa nội dung đe dọa bạo lực và kêu gọi ám sát Tổng thống Donald Trump, theo đơn khiếu nại hình sự mà AFP trích dẫn.
Thrams bắt đầu đăng nhiều video trên TikTok vào ngày 20/1, ngay khi ông Trump nhậm chức tổng thống thứ 47 của Mỹ. Trong một video, Thrams nói:
“Mọi tòa nhà chính phủ Mỹ cần phải bị đánh bom ngay lập tức.”
Anh ta tiếp tục nhắm đến Tổng thống Trump, tuyên bố:
“Ông ta cần phải bị ám sát và lần này, đừng… trượt.”
Thrams thậm chí còn xuất hiện trong một video khác cầm súng trường và gõ vào khẩu súng, hành động mà FBI cho rằng nhằm đe dọa chính quyền.
Douglas Thrams bị cáo buộc “có lời đe dọa gây thương tích” và bị bắt giữ hôm 24/1. Đây là một hành động quyết liệt của chính quyền nhằm xử lý các mối đe dọa an ninh đối với Tổng thống và chính phủ liên bang.
Hiện chưa có phản ứng chính thức từ Tổng thống Trump về vụ việc.
Sự việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp vào ngày 20/1, tạm hoãn 75 ngày việc thực thi lệnh cấm TikTok tại Mỹ. TikTok, ứng dụng bị chính quyền trước đây coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, đã bị cấm hoạt động tại Mỹ từ ngày 18/1. Tuy nhiên, sắc lệnh của ông Trump đã cho phép nền tảng này tiếp tục hoạt động, tạo thời gian để thương thảo các thỏa thuận liên quan.
Quyết định này giúp hàng triệu người dùng TikTok tại Mỹ, bao gồm cả Thrams, tiếp tục sử dụng ứng dụng này, nhưng cũng dẫn đến những tình huống nhạy cảm như vụ việc đe dọa nói trên.
Vụ bắt giữ Thrams diễn ra trong bối cảnh các cơ quan an ninh Mỹ đang tăng cường giám sát và xử lý những mối đe dọa đối với các lãnh đạo quốc gia. Trong năm qua, ông Trump đã hai lần là mục tiêu của các vụ ám sát, bao gồm một vụ xảy ra tại cuộc mít tinh ở Pennsylvania, khiến ông bị thương nhẹ ở tai.
Việc sử dụng mạng xã hội để truyền tải các thông điệp đe dọa và bạo lực đang trở thành một thách thức lớn đối với chính quyền Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng như TikTok ngày càng phổ biến.
Nếu bị kết án, Thrams có thể đối mặt với án phạt nghiêm khắc theo luật liên bang Mỹ về các hành vi đe dọa bạo lực và sử dụng vũ khí. Vụ việc này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp quản lý và giám sát nội dung trực tuyến nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.
CIA tiết lộ bí mật: Giờ nói COVID-19 ‘có phần chắc chắn’ xuất phát từ phòng thí nghiệm!
Lực lượng an ninh canh gác bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán trong chuyến thăm của nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của bệnh do virus corona, tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 3 tháng 2 năm 2021.
-Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) thẩm định rằng đại dịch COVID-19 "có phần chắc" xuất phát từ phòng thí nghiệm hơn là từ thiên nhiên, một phát ngôn viên của cơ quan này nói vào ngày thứ Bảy.
Từ những năm qua, cơ quan này đã nói rằng họ không thể kết luận liệu COVID-19 có phải là kết quả của sự cố phòng thí nghiệm hay bắt nguồn từ thiên nhiên. Nhưng trong những tuần cuối cùng của chính quyền Biden, cựu Giám đốc CIA William Burns đã yêu cầu các nhà phân tích và nhà khoa học của CIA đưa ra xác định rõ ràng, nhấn mạnh tầm quan trọng lịch sử của đại dịch, theo một quan chức cao cấp của Mỹ.
CIA nói họ có độ "tin tưởng thấp" về nhận định của mình rằng "nguồn gốc liên quan đến nghiên cứu của đại dịch COVID-19 có nhiều phần chắc hơn" và lưu ý trong phát biểu của mình rằng cả hai trạng huống - nguồn gốc phòng thí nghiệm và nguồn gốc tự nhiên - vẫn khả dĩ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Không rõ cơ quan này đã thu thập được thông tin tình báo nào mới về nguồn gốc của COVID-19 và liệu bằng chứng mới đó có được sử dụng để hình thành thẩm định mới nhất hay không.
Chính phủ Trung Quốc nói họ ủng hộ và đã tham gia vào nghiên cứu để xác định nguồn gốc của COVID-19 và cáo buộc Washington chính trị hóa vấn đề này, đặc biệt là vì các nỗ lực điều tra của các cơ quan tình báo Mỹ.
Bắc Kinh đã nói những tuyên bố nói rằng một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm có phần chắc đã gây ra đại dịch là không có cơ sở.
Trong một cuộc phỏng vấn với Breitbart sau khi được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận vào ngày thứ Sáu, Giám đốc CIA John Ratcliffe nói một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là yêu cầu cơ quan này công khai thẩm định về nguồn gốc của đại dịch.
"Đó là việc tôi sẽ làm trong ngày đầu tiên," ông nói. "Tôi từng công khai nói rằng tôi nghĩ nền tình báo, khoa học và sự suy lý thường tình của chúng ta đều thực sự chỉ ra rằng nguồn gốc của COVID là một vụ rò rỉ tại Viện Virus học Vũ Hán."
Vì sao "phương pháp" lối hành xử thô bạo! của Trump, lại thuyết phục được nhiều người!
(Trọng Thành)
-Tân tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi nhậm chức đã đưa ra hàng loạt quyết định gây chấn động, như trả tự do cho hơn một nghìn tội phạm tham gia vụ tấn công nhà Quốc Hội Mỹ, bác bỏ quyền có quốc tịch với người sinh tại Mỹ, được Hiến Pháp bảo vệ từ hơn 150 năm nay. Hôm qua, 26/01/2025, Hoa Kỳ và Colombia rơi vào khủng hoảng ngoại giao, sau khi Washington đưa máy bay quân sự Mỹ chở dân nhập cư không giấy tờ trở về nước.
Hành xử đơn phương, thô bạo của Trump dường như đáp ứng đòi hỏi của nhiều người. Tại sao ? Và đâu là những giới hạn của phương pháp hành xử nói trên của tổng thống Mỹ ? Về mặt hình thức, Donald Trump thể hiện phong cách dùng lời nói để khẳng định quyền lực : Nói đồng nghĩa với làm, như tiêu đề một tác phẩm nổi tiếng trong giới ngôn ngữ học trong thập niên 1960, « How to Do Things with Words », của nhà triết học ngôn ngữJohn Langshaw Austin, người Anh.
Miệng nhà quan có gang có thép. Kể từ khi nhậm chức, Trump đã ký hàng chục sắc lệnh đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, và tạo không gian để các quyết định nói trên gây tiếng vang với những người ủng hộ, cũng như gây ấn tượng với công chúng nói chung, như dàn dựng việc ký ngay trên sân vận động, tỏ rõ thế thượng phong của một vận động viên chiến thắng.
Trump sẽ chiếm được kênh đào Panama, giành được đảo Groenland của Đan Mạch như tuyên bố hay không ? Bao nhiêu điều trong số các tuyên bố của Trump rút cục sẽ được thực thi ? Đối với giới chuyên gia, hiện còn quá sớm để nói về điều này, nhưng trước mắt rõ ràng lối hành xử của Trump đã mang lại một số hiệu quả, gây choáng váng, và giúp ông đạt được một số kết quả cụ thể trên thực địa và trong công luận.
Vụ việc mang lại kết quả rõ rệt nhất là chính quyền Colombia của tổng thống Gustavo Petro, sau ít giờ phẫn nộ, không tiếp nhận những chuyến máy bay ô nhục đưa di dân như tội phạm về nước và tuyên bố trả đũa, cuối cùng đã buộc phải nhượng bộ, và chấp nhận các điều kiện của Trump. Theo ghi nhận của báo Pháp Le Monde, vụ trục xuất thô bạo di dân về Colombia nói trên dường như là « dấu hiệu mở đầu cho một giai đoạn mới », khi tân tổng thống Mỹ tỏ ra kiên quyết có các hành động đơn phương, thô bạo, nhằm thực thi các cam kết với cử tri.
Lối hành xử dường như là sự tiếp nối điều đã được coi là bản sắc của chính trị gia đảng Cộng Hòa ngay từ nhiều năm trước : Nói là làm, nói đi đôi với làm và đã hứa là làm, nhưng là « làm » với những kẻ yếu hơn.
Tác động của phương pháp nói trên của Trump đối với cử tri Pháp là khá rõ. Theo một thăm dò dư luận của hãng Odoxa, cho Le Figaro, trong kỳ nghỉ tuần qua. 64% số người trả lời thăm dò có ấn tượng tổng thống Mỹ là một người « năng động ». 48% cho ông Trump là một người « hiệu quả ». Cách nay bốn năm, chỉ có 16% người Pháp thừa nhận Trump « hiệu quả ».
Về kinh tế, về vấn đề giới hay về khí hậu và di dân, 8/10 người Pháp cho rằng Trump giữ lời. Theo giới quan sát, tỉ lệ lớn người thừa nhận ông Trump giữ lời là điều đáng chú ý, bởi không biết giữ lời vốn là một điều chủ yếu mà cử tri thường phê phán giới chính trị.
Phương pháp hành xử Trump được thể hiện rất rõ, sẵn sàng hành động thô bạo, độc đoán, miễn là bảo đảm được tính hiệu quả, tức thực hiện được các cam kết tranh cử. Theo Radio France, với phương pháp của Trump, thô bạo thể hiện rõ như là một « cái ác cần thiết », bởi không có phương pháp thô bạo này thì mục tiêu được coi khó lòng đạt được. Phương pháp này thật ra không phải chỉ của Trump, mà đã có từ khi loài người biết đến chính trị.
Tại Pháp, nhiều chính trị gia cánh hữu và cực hữu hưởng ứng ra mặt, chính trị gia cánh hữu Eric Ciotti bày tỏ sự « ngưỡng mộ ». Chủ tịch vùng Ille-de-France Valérie Pécresse đã nhiệt liệt hoan nghênh việc Trump bổ nhiệm Elon Musk điều hành bộ Hiệu quả Chính phủ, cho phép « tiêu diệt thói quan liêu » trong chính quyền.
Liệu Trump có duy trì được lối hành xử này lâu dài hay không, và đâu là những giới hạn của phương pháp dùng mục tiêu để biện minh cho hành xử thô bạo này ? Nhiều nhà quan sát ghi nhận, nếu như Trump có thể sẵn sàng gây áp lực tối đa trong thời gian ngắn, và đè bẹp các nước nhỏ, yếu, bất tuân, như Colombia, thì nguyên thủ Mỹ cũng tỏ ra hành xử có chọn lọc. Với Liên Âu, Trump gia tăng áp lực từ từ, gây phân hóa nội bộ khối 27 nước.
Mềm nắn rắn buông. Trên thực tế, với Bắc Kinh, đối thủ số một của Washington, Trump tỏ ra dè dặt. Quyết định tăng thêm 10% thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc kể từ ngày 01/02 rút cục được đình lại. Đây là điều hoàn toàn ngược với cam kết của Trump. Trong chiến dịch vận động tranh cử, Trump từng dọa tăng mức thuế này lên đến 60%. Giới quan sát cũng chú ý đến việc chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen, ngay sau khi Trump nhậm chức, lần đầu tiên từ nhiều năm nay, chìa tay với Trung Quốc. Một số báo, như trang mạng chính trị Pháp L’Opinion, coi « đây là một bước ngoặt thực sự » trong thái độ của Bruxelles với Bắc Kinh.
Thực hư ra sao ? Việc Liên Âu tỏ ra muốn xích gần lại Trung Quốc phải chăng khiến chính quyền Trump trở nên mềm mỏng hơn với Bắc Kinh ?
Một số nhà quan sát cũng chú ý đến nhận định của triết gia nổi tiếng về chính trị hiện đại Hannah Arendt, theo đó, thái độ « thô bạo » tưởng như đồng nghĩa với « sức mạnh thực sự », « sức mạnh hiệu quả », trên thực tế lại thể hiện cho « sự bất lực » của chính đương sự, vốn không hướng đến một mục tiêu nào có « giá trị bền vững », có « ý nghĩa để đời ». Dù thừa nhận tính « hiệu quả » trong hành động của Trump, đa số dân Pháp, theo thăm dò dư luận nói trên, không ủng hộ các tư tưởng của Trump, và coi hành xử của tổng thống Mỹ là « hung hãn », « nguy hiểm ». Không thu phục được lòng người xét về lâu, về dài, phải chăng đấy là hạn chế của chủ yếu của lối hành xử của chủ nhân Tòa Bạch Ốc ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét