Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2025

50 Năm, Xuân Trên Đất Mới - Kim Loan

Kim Loan và học trò trường Việt Ngữ.
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023. Bài viết kỳ này ghi lại vài hình ảnh vả cảm xúc tản mạn về ngày tết ở Mỹ, Canada cũng như quê nhà Việt Nam thuở trước.
<!>
Hồi hè vừa rồi, chồng tôi thông báo:
- Năm 2025 anh sẽ đi Pharmacy Conference từ cuối tháng Một cho đến hết tuần đầu tháng Hai.
- Vậy có phải ở San Jose, hay New Orleans, hay San Francisco như những lần trước để em đi theo?
- Kỳ này là ở Toronto, Canada của chúng ta.

Tôi chợt nhớ ra:
- Khoan, để em xem lịch có trùng ngày Tết không nhe.
- Khỏi em ơi, anh đã xem rồi, đúng ngày mồng 2 Tết Ất Tỵ luôn đó. Nếu em vẫn muốn qua Mỹ ăn Tết với gia đình thì em cứ đi.
- Thôi, tụi mình đã ăn Tết bên đó nhiều lần rồi, từ California đến Texas. Vậy nên em ở nhà, sẽ nhận lời làm MC Hội Chợ Tết Cộng Đồng Người Việt Edmonton.
- Ủa, sao em biết họ sẽ mời em làm MC, em đã hết chức vụ trong Ban Quản Trị Hội Người Việt lâu rồi mà?
- Thì hồi tháng rồi, anh Hội Trưởng có nhắn em, nếu năm nay em không qua Mỹ ăn Tết thì giúp làm MC Hội Chợ Tết 2025 vì đây là dịp đặc biệt, là cột mốc kỷ niệm 50 năm tha hương, 50 mùa Xuân trên đất mới, 50 năm Quốc Hận!
- Ui chao, vậy là họ rà trúng “đài” của em rồi.
- Bởi mới nói, đó là …ý Chúa, chớ đâu phải tự dưng năm nay anh phải đi Conference tại Canada trúng mùa Tết để em khỏi có lý do bay qua Mỹ, và ở lại Canada làm MC?
- Coi như Tết này dù không qua Mỹ sum họp đại gia đình nhưng anh và em vẫn vui vẻ bận rộn công việc riêng của mỗi người.
- Dù sao, gia đình chúng ta cũng mới gặp nhau trong đám cưới của con gái mình rồi, cuối năm 2025 lại gặp nhau tại Texas trong đám cưới đứa cháu nữa, hẹn cái Tết khác thôi. Xuân đến Xuân đi rồi Xuân lại đến mà, lo chi.

Vợ chồng tôi đã có những cái Tết sum vầy bên Mỹ rất đông vui, nhiều kỷ niệm. Ở Nam California, mà người Việt mình gọi tóm tắt là khu Little SaiGon, Phố Bolsa, khi Tết đến Xuân sang đã thu hút hàng ngàn du khách đồng hương từ các tiểu bang khác trong nước Mỹ (và cả những đồng hương từ Canada, Châu Âu) tìm về vùng đất ấm áp để sống lại không khí Tết quê hương. Nơi đây, đúng là nơi “đất lành chim đậu”, với số lượng người Việt đông đảo nhất Bắc Mỹ, khí hậu lý tưởng, đã cho chúng ta cảm giác thân thương của mùa Xuân rạo rực.

Mỗi lần qua ăn Tết, chúng tôi đến trước vài tuần, vì thích niềm vui chộn rộn chuẩn bị sắm Tết, rồi đến ngày Tết là quay về Canada. Từ chợ đêm Phước Lộc Thọ, chợ Hoa Tết, Hội Chợ Tết, các chương trình Văn Nghệ, các khu thương mại chợ búa, khu văn phòng người Việt, đâu đâu cũng thấy “mùi của Tết”, “hương vị Tết”, nhất là ở các Chùa, Nhà Thờ đêm giao thừa, nghe tiếng pháo nổ mà lòng xôn xao.

Vì là “đất lành chim đậu” nên tôi có rất nhiều bạn bè người quen ở vùng Nam California. Ngoài gia đình ông anh và họ hàng ruột thịt, là những bạn cũ từng ở chung trại tỵ nạn, là những bạn bè, đồng nghiệp xưa khi còn ở Việt Nam, là những người hàng xóm cũ thân thương. Hầu như mỗi lần tôi qua đó, đều không thể gặp gỡ được hết mọi người, mà phải chia bớt ra theo nhóm, hẹn Xuân sau.

Riêng ở Arlington, Texas, tôi có nhiều anh chị em và gia đình chú ruột cùng các em họ ở đây, nên chúng tôi ăn Tết Texas nhiều hơn Tết Cali.

Tôi vẫn nhớ cái Tết đầu tiên năm 1994 khi tôi mới định cư Canada liền bay qua Texas đón Tết với đại gia đình. Lúc ấy Arlington còn thưa thớt người Việt, còn hiện nay thì người Việt “sinh sôi nảy nở” cũng như từ các nơi khác về đây lập nghiệp, mỗi lần Tết rất đông đúc rộn ràng, với các Hội Xuân liên tiếp nhau tại các khu chợ lớn nhứt là HongKong, Asia Times Square và Bến Thành Plaza.

Có năm, chúng tôi bay qua sớm, từ Arlington lái xe đến Houston, thưởng thức Kim Sơn Việt Nam buffet, ngắm phố Bellaire chuẩn bị Tết, các quán xá, tiệm giò chả bánh chưng nườm nượp người xếp hàng. Có thế mới thấy, người Việt chúng ta, dù xa quê hương, đang ở bất cứ nơi nào, cũng vẫn mang dòng máu Tiên Rồng, máu chảy về tim, mỗi mùa Xuân không thể quên văn hóa, cội nguồn dân tộc từ ngàn đời.

Năm nay, tôi sẽ làm MC Hội Chợ Tết Edmonton đúng dịp 50 năm tha hương của người Việt, bao nỗi buồn niềm vui biết nói sao hết cho vừa. Canada thường có tuyết rơi và thời tiết lạnh căm khi Tết đến, vậy mà người ta vẫn đến chật kín hội trường hàng năm. Cô bạn bên San Jose có lần hỏi tôi:

- Trời, nghe nói trời lạnh từ âm mười cho đến âm vài chục độ C, nếu tuyết rơi nữa, thì làm sao mà mọi người vẫn diện áo dài đến Hội Chợ Tết?

Ở đâu quen đó bạn ơi! Có người vẫn mặc đồ mùa đông rồi đến Hội Chợ sẽ vào phòng vệ sinh thay áo dài, thay giày thay guốc, vẫn đẹp lộng lẫy. Riêng tôi thuộc nhóm người…làm biếng, nên nhanh gọn hơn nhiều, tôi mặc sẵn áo dài từ nhà, nhưng hai ống quần dài sẽ được cột lại bằng dây thun, rồi mang đôi giày boots mùa đông, áo khoác dày mùa đông. Khi đến nơi, tôi chỉ việc tháo dây thun khỏi hai ống quần dài, thay đôi giày cao gót, thế là vẫn …thướt tha tà áo dài mùa Xuân.


Dù lạnh nhiều hay lạnh ít, mỗi mùa Hội Xuân đều có đông đủ người Việt và cả người ngoại quốc đến vui Xuân. Sau phần Chào Cờ, đốt pháo, múa Lân, phần Văn Nghệ luôn được chờ đón với những bài nhạc Xuân vời vợi nhớ thương: Anh Cho Em Mùa Xuân, Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa, Xuân Này Con Không Về, Câu Chuyện Đầu Năm, Mùa Xuân Lá Khô, Tôi Chưa Có Mùa Xuân...

Các tiết mục múa của các em sinh viên học sinh với các bài hát dân ca ai cũng thuộc lòng như Qua Cầu Gió Bay, Trống Cơm, Lý Ngựa Ô luôn nhận được những tràng pháo tay không dứt của khán giả, dù trong nhóm múa có nhiều em nói Tiếng Việt chưa rành, chưa hiểu hết ý nghĩa bài hát, và những điệu múa còn vụng về, thô cứng, nhưng rất đáng yêu.

Đặc biệt là các em bé, từ tuổi chập chững mới biết đi, cho đến các trẻ con tuổi mẫu giáo, tiểu học trong những bộ áo dài truyền thống để dự thi “trình diễn áo dài dân tộc”. Rồi các em chạy nhảy, tham gia các gian hàng trò chơi, hồn nhiên vô tư trong ánh mắt tự hào hạnh phúc của cha mẹ ông bà, khi ngắm nhìn thế hệ con, cháu đang nối tiếp truyền thống văn hóa quê hương.

Tôi nói với chồng:
- Tính ra thời gian tụi mình sống trên quê hương thứ hai đã dài hơn nhiều so với thời gian đã từng sinh sống tại Việt Nam, nên những mùa Xuân nơi đây cũng đã trở nên quen thuộc. Hễ Tết đến là trời phải…lạnh, là phải... có tuyết nhe, hổng có là em hổng chịu đâu á!

Chàng cười lớn, và phụ họa:
- Đồng ý! Đồng ý! Nay mai khi quê hương không còn Cộng Sản, chúng mình về quê ăn Tết, biết đâu lúc đó em lại…không quen, vì giữa nắng vàng Sài Gòn chiều Xuân em sẽ nhớ… tuyết trắng Canada.

Nói thì nói vậy, chớ tôi tin rằng, người Việt Nam chúng ta ở hải ngoại, từ nơi nắng ấm California, cho đến Texas, New York, Washington, qua Canada, Châu Âu, Châu Úc… dù hàng năm vẫn đón Xuân, vẫn ăn Tết, không thiếu món gì, nhưng từ tận đáy lòng, vẫn cảm thấy… thiếu một cái gì đó, có phải?

Có một đêm giao thừa ở Texas, sau khi ăn uống với đại gia đình cũng gần khuya, mấy chị em tôi đi dạo quanh khu phố để tìm cảm hứng phút giao mùa năm xưa. Những con đường vắng tênh, những ngôi nhà đóng cửa im lìm, tắt đèn tối thui, có thấy “Tết nhứt” gì đâu! Bà chị chép miệng:
- Thì Tết là của cộng đồng Việt Nam và Tàu thôi mà. Dân Mễ dân Mỹ còn đang say sưa giấc nồng để ngày mai còn đi làm sớm. Có ai quan tâm đêm nay là “giao thừa”!!

Thế đấy! Đó là cái “thiếu”, bởi chúng ta đâu chỉ “ăn Tết” bằng bánh chưng bánh tét, bằng mứt dừa mứt sen, bằng hoa mai hoa đào, mà chúng ta cũng cần “ăn” cái hồn Tết, cái hồn quê thắm đượm trong không gian đất trời, nhà cửa, phố xá, con người xung quanh... mà chỉ có nơi quê Cha đất Mẹ mới có được.

Dù chỉ được hưởng 9 cái Tết thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng trong ký ức của tôi vẫn còn in dấu hình ảnh mùa Xuân bình an hạnh phúc trong thời chiến.

Là những ngày Tết nắng rực vàng, tôi hớn hở mặc bộ quần áo mới toanh, sáng mồng Một dậy sớm, đứng khép nép nơi bàn Ba tôi đang uống trà ăn mứt với khách, đợi tiền lì xì, rồi sung sướng chạy xuống bếp tìm món thịt đông và chè kho của má, có khi còn giành nhau với các anh chị em trong nhà cái đùi gà còn nóng hổi, miếng xôi còn lại trong chõ xôi khi chờ khói nhang tàn trên bàn thờ ông bà tổ tiên. Chiều tối, êm đềm gia đình quây quần, nơi phòng khách chiếc tivi đang vang lên bài ca Xuân bất hủ của Phạm Đình Chương đầy hy vọng tin yêu: “Chúc người binh sĩ lên đàng, chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành, mừng người vì nước quên thân mình ...”

Giờ đây, ba má tôi đã không còn nữa, các anh chị em trong gia đình mỗi người một mái gia đình riêng, mùa Xuân tuổi thơ đã là dĩ vãng.

Chiều nay, đứng nơi cửa sổ sau nhà, ngắm nhìn bầu trời trắng xóa tuyết rơi, tôi ngẩn ngơ tìm đôi cánh én báo tin Xuân, và thả hồn lãng đãng, theo trái tim mộng mơ về những mùa Xuân đầm ấm trên quê hương, một thuở xa lắm…

MÙA XUÂN TUỔI THƠ

Tôi đã có một thời tuổi nhỏ
Đếm từng ngày khao khát đợi mùa Xuân
Tờ lịch trên tường dường như chậm quá
Sao chẳng rơi như chiếc lá ngoài sân?

Tôi thích ngắm mỗi lần trời nổi gió
Cây soan trước nhà lá rụng lan man
Để ao ước thời gian đi nhanh nữa
(Chưa biết buồn theo chiếc lá thời gian!)

Là mỗi độ Xuân về tôi vẫn biết
Lá sẽ khô theo cơn gió cuối năm
Chợ sẽ vui những sắc màu ngày Tết
Người rộn ràng mua sắm, phố thêm đông

Rồi mẹ sẽ may cho tôi áo mới
Nồi bánh chưng như cổ tích ngày xưa
Tôi hớn hở nhận đồng tiền mừng tuổi
Thảnh thơi ăn kẹo mứt, cắn hạt dưa

Tôi đã ước mình đừng bao giờ lớn
Để suốt đời tôi được đếm thời gian
Được tung tăng chạy vui đùa trong xóm
Với bạn bè khi thấy gió Xuân sang

Để tôi mãi có ông bà, cha mẹ
Anh chị em sum vầy, chẳng rời xa
Bên mâm cỗ, mùi khói nhang ngào ngạt
Đêm giao thừa nao nức chờ pháo hoa

Bao năm qua, bây giờ tôi đã lớn
Giấc mộng trẻ thơ như quả bóng bay
Những cái Tết không đợi chờ vẫn đến
(Tôi vô tình khi mộng khỏi tầm tay!)

Nhưng xóm nhỏ của tôi vẫn còn đó
Tôi đã đi phiêu bạt mấy phương trời
Lá vẫn rơi, lại có bao đứa trẻ
Ước ao và chờ đợi Tết như tôi??

Kim Loan
Edmonton, Xuân Ất Tỵ 2025

Không có nhận xét nào: