Chính quyền Donald Trump chi tiền để nhân viên liên bang xin nghỉ việc Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất kế hoạch chi tiền cho các nhân viên liên bang khoảng 8 tháng lương nếu họ chọn nghỉ việc vào tuần tới. Chính quyền Trump ngày 28/1 tuyên bố sẽ bắt đầu áp dụng “tiêu chuẩn nâng cao về năng lực và hành vi” đối với tất cả nhân viên liên bang, đồng thời cung cấp khoản tiền bồi thường cho những người chọn nghỉ việc vào tuần tới. Đây được cho là một động thái chưa từng có nhằm thu hẹp quy mô chính phủ Mỹ với tốc độ chóng mặt.
<!>
Theo bản ghi nhớ từ Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) của chính phủ được gửi qua email cho các nhân viên liên bang, những người tự nguyện rời khỏi vị trí đang đảm nhiệm sẽ nhận được khoảng 8 tháng lương. Tuy nhiên, họ phải đưa ra quyết định trước ngày 6/2.
Email cho biết trong khi quân đội và một số cơ quan có khả năng tăng quy mô lực lượng lao động, phần lớn các cơ quan khác sẽ bị cắt giảm nhân sự thông qua tái cấu trúc và sa thải.
“Hiện tại, chúng tôi không thể đảm bảo chắc chắn về vị trí hay cơ quan bạn làm việc, nhưng nếu vị trí của bạn bị xóa bỏ, bạn sẽ được đối xử một cách tôn trọng”, trích nội dung email. “Nỗ lực cải cách lực lượng lao động liên bang sẽ rất đáng kể”.
Email còn chứa hướng dẫn về cách chấp nhận, nêu rõ: “Nếu bạn muốn từ chức: Chọn ‘Trả lời’ email này. Bạn phải trả lời từ tài khoản mail công việc. Nhập ‘Từ chức’ vào nội dung email và nhấn ‘gửi'”.
Chủ tịch Liên đoàn Công nhân viên Chính phủ Mỹ Everett Kelley nhận định động thái trên giống như gây sức ép buộc những nhân viên không được coi là trung thành với chính quyền mới phải từ bỏ công việc.
“Việc thanh trừng những nhân viên liên bang tận tụy sẽ gây ra hậu quả to lớn, không mong muốn, gây ra hỗn loạn cho người dân Mỹ”, Kelley cho hay. “Giữa hàng loạt các sắc lệnh và chính sách chống lại người lao động, rõ ràng mục tiêu của chính quyền Trump là biến chính phủ liên bang thành một môi trường độc hại, nơi người lao động không thể ở lại ngay cả khi họ muốn”.
Trong bản ghi nhớ nêu chi tiết kế hoạch, OPM liệt kê 4 chỉ thị mà họ cho biết Tổng thống Trump sẽ yêu cầu lực lượng lao động liên bang thực hiện, trong đó có việc hầu hết nhân viên phải quay lại văn phòng làm việc toàn thời gian.
“Phần lớn nhân viên liên bang đã làm việc từ xa kể từ khi COVID-19 bùng phát sẽ được yêu cầu quay trở lại văn phòng 5 ngày một tuần”, theo nội dung bản ghi nhớ, tương tự điều Tổng thống Trump nói hồi cuối tuần trước: “Bạn phải đến văn phòng và làm việc. Nếu không, bạn sẽ không có việc làm”.
Bản ghi nhớ cũng nhấn mạnh “lực lượng lao động liên bang phải tập hợp những nhân viên đáng tin cậy, trung thành, uy tín và luôn phấn đấu đạt xuất sắc trong công việc hàng ngày”.
“Nhân viên sẽ phải tuân theo các tiêu chuẩn nâng cao về mức độ phù hợp và hành vi khi chúng tôi tiến lên phía trước”, trích nội dung bản ghi nhớ viết. “Nhân viên có hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi sai trái khác sẽ bị điều tra và kỷ luật thích hợp, trong đó có cả việc chấm dứt hợp đồng”.
Tổng thống Trump từng tuyên bố chính quyền mới của ông sẽ làm rung chuyển sâu rộng hơn các chuẩn mực chính trị truyền thống so với nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, hệ quả từ việc nhiều nhân viên chính phủ bị mời nghỉ việc cùng lúc là rất khó tính toán.
Chính phủ liên bang sử dụng hơn ba triệu nhân viên, khiến họ là lực lượng lao động lớn thứ 15 của nước Mỹ. Thời gian làm việc trung bình của một nhân viên liên bang là gần 12 năm, theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Pew dựa trên dữ liệu từ OPM.
Tổng thống Trump đóng băng toàn diện các khoản tài trợ và cho vay liên bang
Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump vừa ban hành lệnh ngừng tất cả các khoản tài trợ và cho vay liên bang bắt đầu từ ngày thứ Ba (28/1). Quyết định mang tính toàn diện này có thể làm gián đoạn hàng loạt các chương trình giáo dục, y tế, hỗ trợ nhà ở, cứu trợ thiên tai và hàng loạt sáng kiến khác phụ thuộc vào nguồn tài trợ hàng tỷ USD từ chính phủ liên bang.
Trong bản thông báo nội bộ vào ngày thứ Hai (27/1), quyền Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB), cơ quan giám sát ngân sách liên bang, cho biết các khoản ngân sách này sẽ được tạm ngưng trong khi chính quyền Trump xem xét lại các khoản tài trợ và cho vay để bảo đảm chúng phù hợp với các ưu tiên của vị tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa, bao gồm cả việc thực thi các sắc lệnh hành pháp được ký vào tuần trước nhằm chấm dứt các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).
Bản thông tin nội bộ của OMB nêu rõ việc đóng băng viện trợ từ ngày thứ Ba (28/1) sẽ bao gồm cả các khoản tiền dành cho “viện trợ nước ngoài” và cho “các tổ chức phi chính phủ“, cùng nhiều danh mục khác.
Nhà Trắng nói rằng quyết định tạm ngừng viện trợ sẽ không ảnh hưởng đến các khoản thanh toán An sinh Xã hội hoặc Medicare, hoặc “các khoản trợ cấp được cung cấp trực tiếp cho cá nhân“. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản hỗ trợ dành cho người khuyết tật và chương trình thực phẩm SNAP cho người nghèo có thể vẫn được bảo toàn, nhưng vẫn chưa rõ liệu các chương trình y tế dành cho cựu chiến binh và người thu nhập thấp có bị tác động hay không.
Chỉ trong vài ngày sau khi nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, Tổng thống Trump đã ra lệnh tạm ngừng gần như tất cả các khoản viện trợ trong và ngoài nước. Được biết, Hoa Kỳ là nhà tài trợ viện trợ lớn nhất thế giới, với tổng số tiền viện trợ lên tới 72 tỷ USD vào năm 2023.
Là một phần trong việc tạm dừng viện trợ nước ngoài, từ ngày thứ Ba (28/1) chính quyền Trump đã bắt đầu đình chỉ việc cung cấp thuốc cứu sinh dành cho các bệnh HIV, sốt rét và lao phổi, cũng như vật tư y tế dành cho trẻ sơ sinh tại các quốc gia nhận hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Bản thông tin của OMB là chỉ thị mới nhất trong chiến dịch của chính quyền Trump nhằm tái cấu trúc mạnh mẽ chính phủ liên bang, nhà tuyển dụng lớn nhất của Hoa Kỳ.
Thông qua một loạt các sắc lệnh hành pháp, vị tổng thống mới đã đóng cửa tất cả các chương trình đa dạng (diversity programs), áp đặt lệnh đóng băng tuyển dụng nhân sự, yêu cầu các quan chức an ninh quốc gia về nước và tìm cách loại bỏ các quyền bảo vệ công việc của hàng ngàn viên chức dân sự.
Lệnh đóng băng ngân sách do OMB ban hành sẽ có hiệu lực từ 5 giờ chiều thứ Ba(28/1), giờ miền Đông Hoa Kỳ (22:00 giờ GMT). Các cơ quan liên bang có thời hạn đến ngày 10 tháng 2 để nộp thông tin chi tiết về bất kỳ chương trình nào thuộc diện bị đình chỉ.
Hải quân Mỹ ra lệnh cấm nhân viên sử dụng DeepSeek của Trung Quốc
Một bức thư điện tử của Hải quân Mỹ cho biết rằng Hải quân nước này đã ra lệnh cấm quân nhân tải xuống, cài đặt và sử dụng chatbot trí tuệ nhân tạo DeepSeek của Trung Quốc.
Được biết, Hải quân Mỹ đã gửi email này vào ngày 24/1, bốn ngày sau khi DeepSeek ra mắt phiên bản trợ lý R1 mới. Bức thư nêu rõ quân nhân trong lực lượng này không được sử dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek “dưới bất kỳ hình thức nào” do “những lo ngại tiềm ẩn về bảo mật và vấn đề đạo đức liên quan đến nguồn gốc và việc sử dụng ứng dụng này”.
DeepSeek đã trở nên phổ biến sau khi ra mắt bản cập nhật mới vào đầu tháng 1 năm nay. Trợ lý trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc này hiện là ứng dụng hàng đầu tại Mỹ, Vương quốc Anh, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Hàn Quốc và Trung Quốc, vượt qua ChatGPT của công ty công nghệ OpenAI của Mỹ.
Được xây dựng với chi phí thấp nhưng tính năng không thua kém các mô hình hàng đầu từ phương Tây là hai trong những lý do khiến AI Trung Quốc DeepSeek tạo bất ngờ. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng sự trỗi dậy đột ngột của các mô hình DeepSeek là “lời cảnh tỉnh” cho các hãng công nghệ Mỹ.
Theo tờ Business Today, việc DeepSeek công bố V3 và R1 được coi là “khoảnh khắc Sputnik” ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo – ám chỉ vụ phóng vệ tinh đầu tiên của Liên Xô ngày 4/10/1957, gây chấn động thế giới và châm ngòi cho cuộc chạy đua không gian.
Cổ phiếu công nghệ Mỹ phục hồi sau đợt bán tháo hôm 27/1
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (28/1) với mức tăng khi Nvidia và các cổ phiếu công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) phục hồi từ đợt giảm mạnh vào ngày hôm trước, nhờ các nhà đầu tư tranh thủ mua vào ở mức giá thấp.
Nasdaq tăng 2% và Nvidia, công ty dẫn đầu về chip AI, tăng 8,9%, một ngày sau khi giảm 17% làm bốc hơi khoảng 593 tỷ USD vốn hóa thị trường – mức giảm lớn nhất trong một phiên giao dịch của bất kỳ công ty nào.
Chỉ số công nghệ S&P 500 tăng 3,6%, ghi nhận mức tăng phần trăm trong ngày lớn nhất kể từ ngày 31 tháng 7, trong khi chỉ số cổ phiếu bán dẫn tăng 1,1%.
Cổ phiếu Apple tăng 3,7%. Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý của Apple, Microsoft và các công ty khác vào cuối tuần này.
Đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ diễn ra sau khi công ty khởi nghiệp Trung Quốc DeepSeek ra mắt các mô hình AI được cho là ngang bằng hoặc vượt trội so với các đối thủ hàng đầu của Mỹ với chi phí thấp hơn nhiều.
“Chúng ta đang chứng kiến một đợt phục hồi điển hình sau khi có tin tức không cụ thể và mang tính tiềm năng thay đổi trong tương lai” Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments, một công ty đầu tư gia đình ở New Vernon, New Jersey, nhận xét.
“Một phần thị trường công nghệ, đặc biệt là liên quan đến AI, đã sẵn sàng cho một đợt bán tháo, và tin tức [về DeepSeek) đã tạo ra lý do cho điều đó. Hôm nay, người ta đang thấy những người săn giá hời quay trở lại, cùng với những người không coi trọng tin tức về DeepSeek vì chúng ta thực sự chưa biết nhiều về nó”, ông Meckler nói.
Chỉ số Dow Jones tăng 136,77 điểm, tương đương 0,31%, lên 44.850,35 điểm; S&P 500 tăng 55,42 điểm, tương đương 0,92%, lên 6.067,70 điểm; và Nasdaq tăng 391,75 điểm, tương đương 2,03%, lên 19.733,59 điểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét