LTS: Anh Trần Kim Khôi, cựu hoc sinh trường trung học Trần Cao Vân, Tam kỳ, Quảng Tín, vừa mới thất lộc ngày 28-12-2024. Tưởng nhớ anh, chúng tôi xin đăng lại bài anh viết về trường trung học Trần Cao Vân, đăng trong Đặc San Trần Cao Vân 2013, để ghi lại một chút kỷ niệm.Trân trọng.
Tôi là một học trò nghèo, ở một địa phương có tên là Chợ Trạm, nằm trên QL I, cách 20km về phía nam Tam Kỳ. Niên khóa 1958-1959 học lớp nhất tại trường tiểu học Kỳ Khương. Vị thứ cuối năm chỉ thua Trần Thanh Tuyết đứng đầu lớp. Đây là năm đầu tiên được miễn thi tiểu học cho những học sinh đủ điểm trung bình, nên thi vào lớp đệ thất của trường trung học Trần Cao Vân vào mùa hè năm đó là khoa thi đầu tiên trong đời học sinh của tôi (và cũng là lần đầu tiên tôi được đi Tam Kỳ). Khi coi bảng thấy lớp nhất của trường tiểu học Kỳ Khương đậu được 4 trò: Trần Thanh Tuyết, tôi, Trần Văn Tảo và Lê Thị Cúc Huê (sau bị trường tự ý đổi tên là Cúc Huệ), vai Dì của tôi. Còn tôi Tuyết và Tảo đều là bà con, lại nhà ở gần nhau. Nhờ đậu được vào đệ Thất Trần Cao Vân nên cuộc đời tôi có được hướng tiến thân tương đối hanh thông hơn những bạn bè cùng lớp và cùng hoàn cảnh.
Niên khóa nầy trường Trần Cao Vân lấy 3 lớp đệ thất, hai lớp Pháp văn và một lớp Anh văn (HS chọn sinh ngữ 1 là Pháp hay Anh). Đa số HS nhà quê đều chọn Pháp văn, vì Anh văn còn quá mới, ở thôn quê không mấy ai biết. Riêng tôi có cha hồi trước từng là nhà giáo, biết tiếng Pháp nên tôi chọn tiếng Pháp để “dựa hơi” ngay từ khi học lớp nhì (Tuy sau nầy cha tôi không còn đi dạy nữa nhưng Pháp văn vẫn còn nhớ; thời Mỹ vào Việt nam, có một BS Mỹ biết tiếng Pháp hay đến chơi với cha tôi, hai bên chuyện trò rất tương đắc, tôi ngồi nghe cha tôi nói tiếng Pháp vẵn còn dòn lắm). Bốn đứa chúng tôi được chia vào 2 lớp: Tôi và dì Huệ vào lớp Thất 1, Tuyết và Tảo vào Thất 2. Tôi không có ai quen thân ở Tam Kỳ nên khi đi thi theo Tuyết đến tạm trú tại nhà bà Yến, cô họ của Tuyết trên đường Trần Cao Vân gần đường xe lửa. Khi nhập học tôi lại thưa với bà xin cho ở trọ cùng với Tuyết cho có bạn. Lúc đó nhà cô Yến có anh Nguyễn Đức Thủ, người Kỳ Sanh, kế cận xã quê tôi, đang học lớp đệ Ngũ Anh văn TCV nên thấy cũng đỡ bơ vơ. Ở đó đến sau Tết thì anh em tôi phải dời chỗ vì bà bận việc không nấu cơm được, tôi và Tuyết dọn xuống nhà anh Năm Kiện buôn heo thịt, nhà ở đầu đường vào xóm An Thổ. Ở đây lại có Phan Như Ẩn học lớp đệ Ngũ Pháp văn cùng quê và có bà con với tôi.Lại có thêm Phan Như Trí anh em chú bác với Ẩn và Nguyễn Khung, cả 2 đều học lớp nhất với tôi, nay học tại trường Nguyễn Dục. Anh chị năm Kiện còn trẻ và rất dễ chịu, nên chúng tôi ở rất thoải mái, đùa giỡn nghịch ngợm không bị la rầy! Nhưng vì anh chị đều rất bận nên chúng tôi phải tự túc nấu cơn, còn thức ăn thì thường phải đem theo ăn trong một tuần, cuối tuần bọn tôi thay nhau có một đứa về quê lấy thức ăn đem ra.
Năm nầy tôi học rất xoàng. Văn thì tôi vốn đã dở sẵn rồi, còn toán khi ởTiểu học tôi rất giỏi, nhưng lên đệ Thất 2 môn hình học và đại số tôi rất lúng túng. May mà cuối năm lớp Nhất tôi được thưởng quyển sách giải bài tập hình học của Nguyễn Ngọc Phách, nên khi thầy ra bài tập tôi về dỡ sách ra tìm bài tương tự mà làm theo, bài nào không có bài tương tự thì tôi bí! Tôi không hiểu chữ “đại số” nghĩa là gì, cứ tưởng “đại” là lớn, đại số là con số lớn, mà con số lớn là con số gì nên không hiểu làm sao mà a cọng với b được! Còn hình học tôi chẳng hiểu “chứng minh” nghĩa là làm sao! Năm đó thầy Chuyền dạy toán lớp tôi, tôi không hiểu mà cũng không dám hỏi thầy hỏi bạn gì cả. Có một lần thấy chấm bài tập thấy tôi làm sai nhiều, thầy la tôi và nói thêm “khi chấm bài thi đệ Thất tôi thấy bài toán anh làm khá lắm, sao bây giờ tệ thế nầy?”. Bị thầy Chuyền trách mắn tôi rất buồn và ấm ức nên có cố gắng hơn nhưng vẫn chưa tìm ra được cái “chìa khóa” để học môn toán, cho nên nỗi ấm ức đó vẫn còn chất chứa trong lòng mãi cho đến cuối năm! Thêm vào đó vì khi ở trọ nhà anh năm Kiện quá đông, lại còn ham chơi nên việc học hành ít được quan tâm. Kết quả là năm đó tôi không có tên trong nhóm “top five” mà chỉ lọt vào được trong nhóm “top ten” mà thôi!
Ngoài ra tôi lại vẽ rất tệ nên môn Vạn vật học về động vật có xương sống như khỉ, trâu, heo, ngựa, gà, chim… tôi vẽ hình không giống ai, chỉ thuộc bài nên có điểm khi dò bài chớ chấm vở thì tôi bị điểm thấp (chỉ khi nào nhờ được Phan Như Trí vẽ dùm thì hôm ấy mới hy vọng có điểm kha khá!). Về môn Vạn vật nầy, khi học có nhiều điều chỉ học thuộc lòng mà không hiều. Ví dụ như khi học đến loài két (vẹt) chân nó có 4 ngón: 2 ngón phía trước, 2 ngón phía sau chứ không phải 3 ngón trước, 1 ngón sau như gà, vit, chim chóc khác, do đó chúng leo trèo rất nhanh và được xếp vào bộ “phan cầm”, hay con Kangourou gọi là “đại thử”. Tôi không hiểu chữ “phan” là gì, nhưng cũng lờ đi vì thấy không quan trọng lắm, cũng như nghĩ “đại thử” là con chuột lớn, vậy thôi. Sau nầy có dịp đọc sách mới “ngộ” ra mấy chữ đó. Về chữ “ phan” tôi gặp lại được 2 lần: Trong truyện Kiều có 2 câu: “Khi về hỏi liễu Chương Đài, cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay”. Trong tích của Hàng Hoành đời Đường có mấy câu thơ: “ Chương Đài liễu, Chương Đài liễu…giã ưng PHAN chiết tha nhân thủ” và trong Chinh Phụ Ngâm có 2 câu: “Nhủ rồi tay lại cầm tay, bước đi một bước lại VIN áo chàng” dịch từ 2 câu: “Bộ nhất bộ hề chấp quân thủ, ngữ phục ngữ hề PHAN quân nhu”. Từ đó mới hiểu chữ “phan” là “cầm, nắm, vin”. “Phan cầm” là loài chim dung chân để leo trèo. Còn chữ “Đại thử” thì sau lại gặp thêm tên của một vị cao tăng là “Bố Đại Hòa Thượng” nhưng cũng chưa hiểu. Mãi đến khi đọc sách của GS/BS Trần Đại Sĩ, tôi cũng hơi ngac nhiên, tại sao ông laị có cái tên “đại sĩ” nghe có vẽ khoe khoan quá vậy. Đến khi đọc được chính BS lý giải rằng cái tên nầy được chính ông ngoại BS đặt với kỳ vọng là về sau ông sẽ làm nghề y để cứu đời, hóa ra chữ “đại” nầy không phải là “to, lớn” như chúng ta hiểu lầm, mà “đại” là cái túi, cái bọc. “Đại sĩ là người làm nghề y vì có cái túi chứa thuốc để cứu người! “Bố Đại Hòa Thượng” là vị Tăng có mang theo cái túi bằng vải thô; “Đại thử” là loại chuột có cái bọc để chứa con dưới bụng, con “chuột túi”!
Tuy năm đó học rất xoàng, nhưng trí nhớ của tôi thì vẫn khá, Cứ đầu mỗi buổi học đều có điểm danh, nhờ đó tôi đã thuộc tên các bạn học theo thứ tự trong sổ điểm danh. Đã trên 50 năm rồi, lần nầy mới có dịp gặp lại một số bạn bè cùng lớp, nhưng số vắng mặt thì chắc phải đông hơn (vì có người không có điều kiện để về họp mặt, lại có người đã ra đi vĩnh viễn rồi, không bao giờ còn gặp lại bạn bè được nữa). Nhân đây tôi cũng xin “điểm danh” lại lớp đệ Thất 1(NK 1959-1960), để xem ai còn ai mất, (và nếu có thiếu sót thì xin các bạn bổ sung cho.hoặc là có bạn không phải học từ đệ Thất 1 mà sau nầy mới “gia nhập” vào đệ Lục 1, đệ Ngũ 1, đệ Tứ 1 thì xin các bạn cũng điều chỉnh cho. Xin cám ơn trước).
(1) Lê Thị Bông; (2) Lâm Thiếu Bổn; (3) Lý Thị Mỹ Cảnh; (4) Nguyễn Thị Châu; (5)
Trần Thị Hoa; (6) .. … ….(7) Lê Thị Cúc Huệ; (8) Lý Thị Lài; (9) Nguyễn Thị Lý; (10) Phan Thị Mai (C); (11) Lê Thị Thu Nguyệt; (12) Lê Thị Phi; (13) Nguyễn Thị Phụng; (14) Triệu Thị Phi Phụng; (15) Nguyễn Thị Thí (?); (16) Nguyễn Thị Tuyên (?); (17) Dương Thị Ánh Tuyết; (18) Đặng Thị Yến;
(19) Nguyễn Bá Anh; (20) Huỳnh Phúc Ánh; (21) Nguyễn Thanh Bình; (22) Giao Tấn Cang (C); (23) Nguyễn Công Chiến (C); (24) Nguyễn Ngọc Diễm; (25) Nguyễn Xuân Hãn; (26) Trương Văn Hào; (27) Trần văn Hòa; (28) Trương Ngọc Hoàng; (29) Trương Văn Học (C); (30) Nguyễn Hơn; (31) Trần Quang Hùng; (32) Hồ Huỳnh (C); (33) Trần Kim Khôi; (34) Nguyễn Khứ (C); Võ Lành; (35) Lê Ngọc Lân; (36) Cao Lộc; (37) Võ Công Minh; (38) Huỳnh Ngọc Minh (?); (39) Nguyễn Phát; (40) Nguyễn Phước (?); (41) Nguyễn Phạm Kim Sơn; (42) Lê Trung Tuấn; (43) Nguyễn Bá Tường (C); (44) Đoàn Ngọc Thu (C); (45) Nguyễn Văn Thu; (46) Nguyễn Thanh Vân.
Giáo sư tôi chỉ còn nhớ thầy Truyền dạy Quốc văn, thầy Chuyền dạy toán, thấy Tuấn dạy Vạn Vật, Thầy Trần Công Định dạy Hán Văn. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mấy câu Hán văn thầy Định dạy như: “ Nhân vô tín bất lập”, “Nhân vô tín như xa vô luân”, Kiến thiện như bất cập, kiến bất thiện như thám thang, kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền như nội tự tỉnh giả”., Kiến hiền như nhập chi lan. Kiến bất hiền như úy xà yết”…
Trong lớp đệ Thất 1 có 2 bạn Nguyễn Bá Tường và Giao Tấn Cang là nghịch ngợm và hay quấy phá nhất. Bạn Tường thì thích đánh nhau (mà không biết tại sao bạn ấy rất mến tôi nên khi tôi bị bạn nào “ăn hiếp” là bạn Tường đến bênh vực cho tôi ngay). Còn bạn Cang thì rất bạo miệng, tôi nhớ sau khi học “Lục Súc Tranh Công”, đoạn “Ngựa tự kể công”, mỗi khi thầy Tuấn dạy Vạn Vật bước vào lớp thì bạn Cang ngồi bên dưới đọc to ”Tuy rằng thú cũng hai giống thú, thú như tao ai dám phân lê…” và khi thầy Tuấn hết giờ dạy vừa ra đến cửa bạn Cang lại đọc “Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa”. Có lẽ thầy Tuấn cũng biết bạn Cang cố ý chọc thầy nhưng thầy giả lơ như không biết. Rất tiếc là cả hai bạn đến nay không còn nữa! Bạn Cang chết vì tai nạn xe, còn bạn Tường sau làm Phân chi khu trưởng xã Kỳ Xuân, cạnh xã quê tôi, nên thỉnh thoảng bạn có ghé lại nhà thăm cha tôi. Tôi gặp Tường được vài lần, sau được tin VC tấn công vào trụ sở ủy ban xã, Tường bị tử thương trong trận nầy…..
Niên khóa 60-61 tôi lên đệ Lục 1. Nhân số có thay đổi vì có mấy bạn ở lại đệ Thất và mấy bạn mới ở lại đệ Lục (tôi chỉ còn nhớ Nguyễn thị Sưa). Năm nầy cô Ấn dạy Quốc Văn thay thầy Truyền, cô Kỳ dạy Pháp Văn, Thầy Mai dạy Lý Hóa và Sử Địa, thầy Tôn Thất Hàn dạy Vạn Vật, thầy Đại dạy toán, thầy Cân dạy Hán văn…
Nhân nhắc đến môn toán, tôi xin được trở lại với cái “ấm ức” của năm đệ Thất mà mãi đế cuối năm vẫn chưa giải quyết được!... Thời gian nghỉ hè tôi quyết tâm phải học lại môn toán. Thời đó ở nhà quê không có ai dạy hè, học sinh nào muốn học thì phải tự học. Khi rảnh rổi tôi đem vở cũ ra nghiền ngẫm lại phần giáo khoa và làm lại những bài tập mà trước đó vì không hiểu nên làm sai. Tôi nghiệm thấy rằng bài nào tôi học kỷ và học thuộc những định lý, qui tắc… thì phần bài tập làm dễ dàng hơn. Từ đó tôi áp dụng nguyên tắc nầy và xem đó như là “phương pháp” học toán của tôi để học ôn lại chương trình toán lớp đệ Thất mà tôi đã chỉ học lướt qua khi học tại trường và giải lại tất cả những bài tập tôi đã làm sai trong năm học qua. Nhờ cố gắng cho nên tôi đã vượt qua được sự lúng túng về môn toán trong năm “chuyển tiếp” từ cấp Tiểu học lên cấp Trung học. Và cũng nhờ đó những năm học sau tội đạt được nhiều tiến bộ.
Vì năm trước chúng tôi ở trọ trong vùng An Thổ, nơi đây tương đố gần trường bán công Nguyễn Dục nên số học sinh trọ học rất nhiều, phần lớn là bạn bè cùng quê, quá vui; nhà anh năm Kiện lại chứa đông người nên không khí học tập khá loảng. Vào niên học tôi muốn tìm chỗ trọ mới, được Nguyễn Ngọc Diểm học cùng lớp hứa sẽ hỏi bà chủ trọ giúp tôi. Kết quả là tôi Trần Văn Tảo (lớp đệ Lục 2) và Nguyễn Công Chiến đến ở trọ tại nhà bà Lại, gần phía sau chùa Hòa An. Nhờ được ở trọ chung với Nguyễn Ngọc Diễm và nhất là có Nguyễn Công Chiến nên không khí học tập của chúng tôi thay đổi nhiều. Chúng tôi tranh đua học tập rất hăng và rất chăm. Mọi bài vở cho tuần sau chúng tôi đều học thuộc ngay trong tuần. phần bài tập toán và lý hóa tôi và Chiến đã cộng tác với nhau giải tất cả các bài tập, nên khi đến trường thầy Bảng giảng bài xong, cho làm “toán chạy” tôi và Chiến là những người đem bài lên nộp rất sớm. (Trần Văn Tảo ở chung với chúng tôi, cũng có “tham gia” học trước môn toán nên khi làm toán chạy tại lớp Lục 2, Tảo cũng thường nộp bài sớm). Chúng tôi tranh nhau học đến nổi cuối tuần nếu về quê thì cả 2 đứa cùng về, chứ một đứa về sợ đứa kia ở lại sẽ học được nhiều hơn! Nhờ có bạn học tập nên năm nầy tôi tiến bộn thấy rõ. Tôi chỉ “ngán” Trần Quang Hùng vì nó “văn hay chữ tốt” nên thường dẫn đầu lớp, H chỉ “ngại” tôi mỗi một môn Pháp văn. Tôi nhớ trong trang đầu quyển vở nháp của tôi, tôi có ghi một hàng chữ đậm nét; “filer à toute vitesse”. Có lần Hùng giở ra xem thấy hàng chữ nầy nó cười và hứa sẽ “cùng thi đua” với tôi. Kết quả là cuối năm đệ Lục Trần Quang Hùng vẫn dẫn đầu. Tôi, Nguyễn Công Chiến và Trương Văn Hào tranh nhau vị thứ 2, 3, 4 nhưng cuối năm tôi đứng thứ nhì vì lấn hơn được môn Pháp văn và môn Vạn vật. Thấy bọn tôi thức khuya quá, bà chủ trò thường chê: “Tụi bây hoc gì khuya quá vậy, thằng Tịnh hồi trước nó có học gì đâu, cứ ngủ hoài mà vẫn đứng đầu. Anh Nguyễn Tịnh học trước bọn tôi 4,5 năm là một học sinh xuất sắc của trường Trần Cao Vân, sau nầy anh lấy Cao học Hành Chánh và về lại Tam Kỳ làm Trưởng ty Thuế Vụ. Có lẽ nhờ cái gương đó nên bọn tôi cố gắng hơn lên.
Năm đệ Lục tôi còn nhớ nhiều kỹ niệm với thầy và bạn. Thầy Mai để lại nhiều kỹ niệm nhất. Thầy dạy môn Lý Hóa. Có một lần thầy ra bài tập ôn về Hóa học. Thầy qui định là thầy sẽ ra 10 công thức hóa học, mỗi câu làm đúng sẽ được 2 điểm, thêm 2 điểm sạch sẽ…Thầy bảo tất cả học sinh đều để viết xuống, khoanh tay để trên bàn. Sau khi thầy đọc xong một câu hỏi thầy đập cây thước trên bàn Giáo sư thì HS bắt đầu viết, khi thầy đập cây thước lần thứ 2 thì tất cả phải bỏ viết xuống, khoanh tay để trên bàn (ví dụ thầy đọc Clorua Natri, HS viết NaCl, Acid Sulfuric : H2SO4…) Không ngờ rằng khi chấm bài có 5 em đã trúng hết 10 câu, cộng thêm 2 điểm sạch sẽ thành 22 điểm! Khi phát bài thầy đọc tên 5 HS làm trúng 10 câu, thầy cho 20/20 điểm, thầy nói thầy nợ lại 2 điểm, khi nào làm bài tập mà ít điểm thầy sẽ “trả nợ”, nhưng đế cuối năm khoảng nợ đó thầy vẫn không trả được, vì 5 em đó đều là HS giỏi nên thầy không có dịp”bù”. Còn về môn Địa lý, gần đến ngày thi Lục cá nguyệt thầy dặn “Các em về học kỷ bài Nước Pháp, tuần sau thi”. Tất cả học sinh đều ngạc nhiên không hiểu sao thầy dễ quá vậy, chỉ cho có một bài. Nhiều bạn gian dối, không chịu học bài, nhưng muốn cho chắc ăn, về trang trí tờ giấy thi thật đẹp rồi năm nót chép bài “Nước Pháp” không sai một chữ, đem theo để trước dưới hộc bàn, nghĩ rằng lần nầy mình sẽ có điểm tối đa. Không ngờ trước khi thi thầy ra lệnh tất cả vở và sách địa lý gom lại đem chất dưới sàn ngoài đầu bàn, cạnh lối đi, xong thầy lên bảng ghi đề: “ Nước Pháp, bỏ đoạn đầu, chép hết. Không sai một dấu phết”. Thế là bạn nào “ma giáo” không chịu học thuộc lòng bài mà chỉ chép bài “Nước Pháp” trước vào giấy thi thì “chịu chết”, không biết gì để làm! Vì tính thầy Mai rất ghét người gian dối nên thầy có mánh lới bắt kẻ “quay phim” rất tài. Tôi nhớ một lần thầy Mai được giao nhiệm vụ coi thi môn Lý Hóa lớp tôi, cũng như mọi lần coi thi, thầy cho thu hết tất cả vở sách đem để dưới sàn gần đầu bàn 2 bên lối đi, xong thầy lên bàn GS ngồi theo dõi…nếu thấy trò nào không chịu làm bài mà ngồi liếc trộm thầy là thầy xuống ngay chỗ trò đó bắt đưa tài liệu…thầy theo dõi rất ngiêm nhặt, cho đến khi chỉ còn nửa tiếng nữa là hết giờ thì thầy bỏ đi ra ngoài. Đây là lúc những trò nào có tài liệu mà chưa dám lòi ra sẽ nhân lúc thầy vắng mặt để “hành sự”…Không ngờ thầy đứng gần cửa sổ ở cuối lớp để quan sát, trò nào đem tài liệu ra dùng thầy đếu thấy hết. Rồi thầy nhẹ nhàng đi vào - vì thầy mang sandale nên không gây tiếng động - thầy đi đến ngay những trò đang mãi mê “quay phim” mà không hay, khi thầy thò tay vào lấy “bùa” thì trò đó nhìn lên mới hay mình bị bắt tại trận!
Cô Kỳ dạy Pháp văn cũng để lại một vài kỹ niệm. Cô rất thương Trần Quang Hùng vì Hùng học giỏi. Giao Tấn Cang biết thế nên cứ gọi cô Kỳ là “bà gia” của Hùng. Mỗi khi cô Kỳ vào lớp thì Cang báo động “Bà gia thằng Hùng vào…” khiến một số học sinh ngồi gần Cang nhìn Hùng cười. Có một lần cô Kỳ vào mà HS vẫn còn cười, cô tưởng cười cô, cô giận lắm nên quay lại hỏi “Các anh cười gì? Mặt tôi dính lọ nghẹ hay quần áo tôi dính mực? Cả lớp thấy cô giận đều im phăng phắc, chỉ mình Giao Tấn Cang dám đứng dậy thưa: “Thưa cô, mấy anh chọc anh Hùng chớ không phải cười cô đâu”. Cô Kỳ hỏi “Chọc làm sao?”. Được cơ hội tốt Cang liền nói “Thưa cô, mấy anh nói cô là ‘bà gia’ của anh Hùng”. Có nhiều bạn quá bất ngờ nên không nín cười được, còn cô Kỳ thì chắc biết Cang vốn tinh nghịch nên cô chỉ “Hứ” một tiếng rồi lại bàn ngồi xuống bảo HS lấy vở ra học…Năm đó kỳ thi môn Pháp văn đệ nhị lục cá nguyệt có một bài dictée. Tôi còn nhớ trong bài đó có chữ Mu^rier là cây dâu tằm, trên đầu chữ U có dấu mũ. Ban đầu tôi viết có dấu mũ, sau tôi lại gạch bỏ dấu mũ đi, đến khi nhớ kỷ lại là có dấu mũ nên tôi gạch 2 đầu cái gạch bỏ và đồ đậm dấu mũ để lấy lại. Khi phát bài tôi thấy cô bắt tôi 1 lỗi, trừ tôi 1 điểm. Như vậy là H. hơn tôi ½ điểm và H sẽ đứng đầu, được làm chemise môn Pháp văn. Tôi đem lên trình bày với cô là tôi đã gạch bỏ nét gạch ngang để lấy lại dấu mũ, nhưng cô không chịu. Khi đó tôi bực mình nên buộc miệng nói “Cô không công bình, cô binh anh H…”, có lẽ cô ngại mang tiếng nên cô đành phải bỏ không bắt lỗi chữ Mu^rier của tôi…
Thầy TônThất Hàn dạy Vạn Vật. Tính thầy rất kỷ, tờ giấy làm bài tập rứt từ vở ra phải lấy thế nào để khi giơ lên không thấy có lỗ, nếu có sẽ bị 0 điểm dù bài làm có đúng! Vạn vật đệ Lục học về côn trùng. Tôi lại rất thích tìm hiểu về côn trùng nên tôi khoái học môn nầy lắm. Cho đến bây giờ tôi vẫn cón nhớ một số đặc điểm của vài loại côn trùng như: “Dưới cánh con ruồi có 2 vảy đen gọi là “quả tạ”, đây là bộ phận để ruồi giữ thăng bằng. Nếu bắt con ruồi rồi rứt bỏ 2 mảnh đen đó, khi thả ra ruồi bay quay quay rồi rơi xuống đất chớ không giữ thăng bằng được; Mắt ếch chỉ nhìn thấy những vật cử động, nếu không cử động thì dù con mồi có đứng sát miệng ếch, mắt ếch vẫn không “thấy” (tiếp nhận) được; Muỗi đực chỉ hút nhụy hoa chứ không hút máu sinh vật được vì nó không có “cây kim” để chích vào da như muỗi cái mà chỉ có cái vòi mềm, trên vòi lại có nhiều long, chỉ hút mật hoa…” Vì thích môn nầy nên tôi vẽ đầy đủ các côn trùng trong bài học do đó tôi luôn luôn được nhiều điểm khi chấm vở, khi thầy dò bài, làm bài tập hay thi lục cá nguyệt. Cuối năm thầy cho biết là sẽ có phần thưởng cho HS nào có điểm cao nhất trong 3 lớp đệ lục, kết quả tôi được thầy thưởng cho một quyển sách Van vật lớp đệ Ngũ của Nguyễn Cữu Triệp.Tiếc rằng Vạn Vật đệ Ngũ chỉ học về nham thạch và các loại khoáng chất như đá hoa cương, thạch anh, tràng thạch, mi ca.. nên không còn hấp dẫn nữa…
Năm đệ Ngũ (1961-1962) tôi vẫn ở trọ chỗ cũ với Nguyễn Công Chiến và Nguyễn Ngọc Diễm. Cũng như năm đệ Lục, niên khóa nầy có thêm chị Nguyễn thị Đa (sau nầy là vợ của Nguyễn Phước) và chị Nguyễn Thị Hồng (cô của Nguyễn Khứ), còn Dương Thị Ánh Tuyết thì chuyển trường. Học được nửa năm Nguyễn Phạm Kim Sơn cũng chuyển trường… Giáo Sư tôi chỉ còn nhớ thầy Quỳnh Bảng, thầy Kia dạy Toán, thầy Tôn Thất Dương Kỳ dạy Pháp văn… Không biết có phải thầy Tích dạy Sử Địa từ năm nầy hay không, nhưng tôi nhớ chương trình Địa lý lớp đệ Ngũ ngắn nhất, chỉ có một dòng: “Châu Á (trừ Việt Nam)”.
Nhờ kết quả năm đệ Lục, nên từ năm đệ Ngũ đến đệ Tam tôi đều được lãnh học bỗng (nhưng chỉ bán bỗng hay trợ cấp mà thôi, vì toàn bỗng đã có Trần Quang Hùng bao cân. Vị thứ thứ nhì và ba được bán bỗng, tư và năm được trợ cấp. Bán bỗng mỗi tháng được 200 đồng, trợ cấp 100 đồng/tháng, thường đến cuối năm mới được lãnh).
Thầy Kia hình như dạy toán vào nửa niên khóa sau, vì tôi nhớ thầy ra đề thi đệ nhị lục cá nguyệt, hầu như cả lớp không ai làm đúng hết, chỉ có vài HS giỏi mới đủ điểm trung bình, còn bao nhiêu đều thiếu cả, thầy phải “tăng điểm” lên cho cả lớp! Về sau khi lên đệ Tam, chúng tôi mới biết bài toán đại số đó nằm trong chương trình đệ Tam!
Thầy Kỳ dạy Pháp văn rất hay và kỷ nên HS nếu chịu khó học sẽ rất mau tiến bộ. Thầy chú trọng vào bài lecture trong quyển Langue et Civilisation Francaise (thường được HS gọi là Mauger) part III. Khi thầy cho một bài để chuẩn bị học vào tuần sau, HS phải soạn bài trước rất kỷ: Tra tự điển những chữ khó, tìm “mots de la même famille”, synomyme(s), antomyme(s) của chữ đó, tìm thành ngữ liên quan đến từ đó…; Nếu gặp động từ khó thì ngoài tìm nghĩa còn phải tìm xem mode và temps của động từ đó. Khi thầy gọi tên đứng lên đọc bài xong, thầy có thể hỏi bất cứ những gì trong bài HS phải trả lời cho được. Đặc biệt đối với HS giỏi, thầy hỏi những câu rất khó, nên HS càng giỏi thì càng phải soạn bài kỷ hơn! Tôi nhớ một lần, một HS giỏi trong lớp đọc xong bài lecture, thầy hỏi một câu “quel mode, quel temps du verbe ‘fasse’?”. Anh HS bị hỏi bất ngờ vội trả lời:” C’est temps present de l’indicatif du verbe fasser”. Thầy “hứ” một tiếng rồi đảo mắt hỏi “Qui sait?” .Tôi giơ tay, thầy chỉ tôi đứng dậy và trả lời “ C’est temps present du subjonctif du verbe ‘faire’….”
Năm nầy tôi vừa học lại phải kèm thêm cho một em HS tiểu học. Có ông Trợ Chước người trong quê tôi ra làm Chủ tịch Phong trào Cách mạng Quốc Gia quận Tam Kỳ, có trụ sở ở trong một căn nhà bên cạnh cái cống phía bên kia tiệm may của chị Hoa (vợ thầy Dưỡng). Cậu Bảy của tôi làm thư ký văn phòng cho ông. Ông có một đứa con trai duy nhất ông dẫn theo cho học lớp Nhất tại trường tiểu học Tam Kỳ. Là năm chuẩn bị thi vào lớp đệ Thất nên cần người kèm. Cậu Bảy tôi giới thiệu tôi kèm cho em học mãi đến cuối niên khóa.
Hai năm trọ học ở đây học cũng chăm mà đọc sách cũng nhiều. Vì có Nguyễn Ngọc Diễm có kho chuyện Tàu ở nhà nên thường đem vào đọc, thế là mấy đứa tôi thường giành nhau đọc, hể đứa nầy hở ra là đứa kia chộp lấy đọc ngấu nghiến bất kể thứ tự trước sau. Từ Phong Thần, Bàng Quyên Tôn Tẩn, Tống Thái Tổ Hạ Nam Đàn, Vạn Huê Lầu…Sau đó lại lấy tên nhân vật trong truyện đặt cho nhau. Nguyễn Ngọc Diễm bị đau “đầu voi” đi không được, phải tiêm hết mười mấy lọ péniciline mới khỏi, bị bọn tôi đặt là “thằng Cụt” hay Tôn Tẩn, anh Đoàn Bán học trên chúng tôi một lớp ở nhà bên cạnh, vì lùn nên bị gọi là Mao Toại…
Niên khóa 1962-1963 bọn tôi lên đệ Tứ 1. Năm nầy có Nguyễn Thị Kim Dung gia nhập. Dung cũng là một học sinh giỏi nên bọn tôi cố không cho cô chen vào loại “tốp five”. Tháng nào có đứa bị xếp hạng dưới NTK Dung là bị bọn tôi chọc “bị NTK Dung cỡi cổ”, nhờ thế không khí tranh đua học tập luôn được nâng cao!. Nguyễn Thi Lựu cũng gia nhập Tứ 1 vào năm nầy thì phải?
Năm nầy tôi và Nguyễn Công Chiến phải dời nhà trọ 2 lần. Lần thứ hai xin ở trọ nhà ông Thông, đối diện với khu Thiết giáp. Thế là bọn tôi bị ăn cơm thừa lấy từ nhà bếp TG, bà chủ trọ đem về rửa rồi hấp lại cho bọn tôi ăn! Còn những gì nữa thì không biết! Khi phát hiện ra thì bọn tôi tìm cách “rút êm”!
Năm đệ Tứ Thầy Vàng dạy Quốc văn, hình như thầy Thông dạy Pháp văn, thầy Đồng dạy Lý Hóa, thầy Sách dạy Công Dân, thầy NVPhúc dạy Van Vật, thầy Tích dạy Sử Địa…
Thầy Vàng dạy hết sức tận tụy và tính tình mau mắn. Khi trống đánh vào lớp, HS vừa ổn định xong chỗ ngồi là thấy thầy xuất hiện chỗ cửa. Anh trưởng lớp vừa điều khiển HS đứng dậy chào thầy là thấy miệng nói “chào các em”, tay khoát cho HS ngồi xuống, chân đi lại bàn, bỏ cặp sách xuống. Trong khi 2 tay lấy sách từ trong cặp ra, miệng thầy hỏi “hôm trước mình học đến đâu rồi?”, chờ anh trưởng lớp trả lời là thầy bắt đầu giảng bài. Miệng nói, tay viết trên bảng… Thầy giảng liên tục cho đến khi trống đánh đổi giờ thầy mới vừa xếp sách bỏ vào căp, vừa chào từ giả HS và ôm cặp đi ra cửa….
Thầy Đồng mới ra trường nên chưa có kinh nghiệm dạy, lắm lúc thấy thầy lúng túng vì bị HS hỏi dồn. Thầy có thói quen là khi bối rối hay đưa tay lên chà quanh cổ, mặt nên mặt thầy lem luốc những phấn, HS thấy vậy lại cười khiến mặt thầy đỏ lên càng lúng túng thêm…
Thầy Nguyễn Vĩnh Phúc có dạy Vạn Vật đệ Tứ 1, tôi không nhớ rõ là thời gian bao lâu, nhưng không thể quên một kỹ niệm về thầy. Tôi còn nhớ thầy có cái cằm hơi dài, râu cằm thầy khá nhiều, mặc dù được thầy cạo rất cẩn thận nhưng gốc râu ẩn dưới làn da có một màu xanh đen khiến bọn tôi rất thích nhìn…khi nhìn thì thấy cái cằm quá kích thước, vì thế thầy bị gọi lén là P. Parabol. Khi thầy dạy đến bài “Bộ máy tiêu hóa”, trong sách có vẽ hình toàn bộ bộ máy tiêu hóa từ miệng, 2 hàm răng, lưỡi, cuống họng, thực quản… đến hậu môn. Bàn chúng tôi gồm có Võ Công Minh ngồi đầu bàn, gần lối đi ở giữa, đến Trần Quang Hùng, đến tôi và cuối cùng là Nguyễn Văn Thu. Thay vì VCM vẽ theo như trong sách thì anh ta lại vẽ thêm cái cằm thật dài và chấm một hàm râu xanh đen… còn đang hí hoáy chấm râu thì thầy Phúc từ trên đi xuống, thầy dừng lại nhìn mà VCM không hay, thầy hỏi “ Minh, em vẽ cái gì đó”. VCM nhìn lên thấy thầy, không biết hồi đó anh ta nghĩ gì, nhưng lại trả lời tỉnh khô “Thưa thầy, em vẽ cái….c..ằ…m”. Bọn tôi quay qua thấy, cố ráng nín cười, con thầy P. thì im lặng đi tiếp. Óc tiếu lâm của VCM không phải sau nầy mới có!!!
Thầy Tích dạy Sử Địa nên thầy kể chuyện về thế giới đại chiến thứ 2 rất hấp dẫn. Thầy nhớ rất kỹ danh hiệu và cấp chỉ huy của từng đơn vị nên khi thầy kể về một trận đánh ở một mặt trận nào, thầy kể vanh vách các đơn vị của đôi bên sát phạt nhau và diễn tiến thế nào, kết quả trận đánh ra sao…giống như mình đang coi ciné…thích thú vô cùng! Tính thầy Tích rất nóng. Có một lần thầy đang đứng giảng bài trên bục, ở cuối lớp có 2 anh đang nói chuyện với nhau có gì thích thú, vô ý bật cười lên, thầy nghe được. Đang cầm quyển sách Việt Nam Sử Lược dày cộm, thầy ném thẳng xuống chỗ 2 anh đang cười, tiếng quyển sách xé gió đi cái vèo, tán vào vách tường cái bộp làm cả lớp đều giật mình…
Năm nầy phải thi Trung Học đệ nhất cấp nên HS đều lo học, sợ thi hỏng. Chương trình học vừa chấm dứt là những HS ở xa lo dọn vế quê để ôn bài, chỉ trừ dân thị xã và các HS ở xa có phần thưởng mới nán lại dự lễ Phát phần thưởng.
Sau khi thi TH xong, tôi và Trần Thanh Tuyết ra ở chơi nhà Nguyễn Công Chiến ở Bình Tú mấy tuần. Bây giờ chỉ còn mình tôi, Tuyết và Chiến đều không còn nữa!
Năm đệ Tam (niên khóa 1963-1964), vì là đệ nhị cấp nên không còn chia theo ban Pháp văn, Anh văn nữa mà chia theo ban A (Lý hóa-Vạn Vật), B (Toán-Lý Hóa) C (Văn chương). Trường Trần Cao Vân không có ban C vì ít học sinh đi ban nầy, nên được chia thành một lớp A, và 2 lớp B: B1 (Pháp văn),B2 (Anh văn). Ở lớp A và B2, HS học Pháp văn và Anh văn đều học chung các môn khác, chỉ khi học sinh ngữ thì HS trở về 2 lớp Pháp, một lớp Anh như cũ. Tôi ở Tứ 1, nay lên Tam B1. Vì trường TCV thiếu HS nên nhận HS các trường khác vào lớp đệ Tam. Những HS từ trường khác đậu Trung Học hạng Bình thứ trở lên được nhận vào thẳng, còn hạng thứ phải thi vào. Trường TH Tiểu La ở Thăng Bình vào TCV đông nhất, trong đó có mấy người đậu bình thứ,.tôi nhớ mang máng hình như Nguyễn Cập, Công, Viêm (BT) và một số đậu vào đệ Tam như Trương Văn Tập (em Trương Văn Học cùng lớp với tôi), Vũ Mạnh Lương, Nguyễn Thị Thu, Vũ…, một số HS khác từ trường Đức Trí, trường Nguyễn Dục và vài người ở lại như Trình Nhữ... Đa số các chị đều đi ban A. Tam B1 chỉ còn chị Phan Thị Mai, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Thị Thu (TL vào)…
Năm đó tôi lại dời nhà trọ. NCChiến và tôi không còn ở chung nữa. Tôi được Nguyễn Bá Tường giới thiệu đến trọ học tại nhà ông Sâm, trước nhà của Tường, bên cạnh đó là nhà của anh Sướng từ Kỳ Bình dời xuống, có cô em gái là Biên và Trần Nguyên Súy cũng học TCV. Tôi ở đây đến sau Tết tôi dời lên ở trọ nhà bà Bốn H. dì của chị Huỳnh Lan, ở ngay trong vườn của bác Thông K. ba của chị HLan và tôi “đóng đô” ở đây đến hết năm đệ Nhất.
Hồi còn đi học, HS thường cho rằng năm đệ Tam là năm “xả hơi” vì đệ Nhị và đệ Nhất đều phải lo học thi. Bọn tôi cũng không ngoại lệ. Trần Quang Hùng hay ghé nhà trọ của tôi rủ tôi cùng đi chơi. Nhiều lúc 2 đứa ghé nhà thầy Tuấn chơi. Có khi thấy bọn tôi là thầy đem bài tập của mấy lớp đệ Thất bảo 2 đứa tôi chấm dùm. Tôi và Hùng lại có quen với một chàng tên là Lê Tửu, nhà trên đường xe lửa, làm trưởng lớp đệ Thất 4 (?) Anh văn (có lẽ vì lớn xác). Nhờ có chỗ “quen lớn” như vậy mà 2 đứa tôi biết mặt biết tên hầu hết các cô bé lớp đó như Thu Huy, Mỹ Hạnh, Lương, Điểm, Cúc …nên biết được cô bé nào làm bài ra sao! Tất nhiên là khi chấm bài thì cũng có chút…thiên vị!
Vào một cuối tuần, Trình Nhữ rủ 2 đứa tôi đi Kim Đới chơi, H đã sẵn có mục tiêu nên đồng ý ngay, còn tôi thì đi vì ham vui ( nhân tiện làm “vệ tinh” cho H.) và kéo thêm Tửu đi cho có bạn. Chiều thứ sáu, sau giờ học tôi, H. và Tửu chở nhau trên 2 chiếc xe đạp theo Trình Nhữ đi Kỳ Anh, đến nơi thì trời đã xế chiều, không khí êm dịu, gió từ biển thổi vào mát rượi. Sau khi tắm rửa nghỉ ngơi, chờ mẹ anh Nhữ làm cơm. Tối hôm đó chúng tôi được thưởng thức một bữa cơm toàn sản phẩm cây nhà là vườn nhưng rất ngon miệng. Đêm đó trời lại có trăng, bọn tôi khiêng một cái gường tre, một cái bàn và mấy cái ghế dài ra ngoài sân ngồi nói chuyện. Đêm khuya trời trong vắt không một áng mây, trăng càng lên cao càng tỏa sáng, một thứ ánh sáng dịu dàng, thanh khiết. Gió biển vẫn thổi nhè nhẹ nên mặc dầu trời đã vào hạ bầu không khí vẫn còn đậm nét xuân, xa xa nghe tiếng sóng biển rì rào, làng xóm im lặng như thiếp ngủ dưới ánh trăng trong…Thật là một cảnh tuyệt đẹp của một xóm quê thanh bình. Đâu ngờ… chỉ hơn một năm sau chiến tranh tràn về xóm quê nên thơ đó, và cảnh thanh bình không bao giờ còn tìm thấy lại được nữa.
Ngày hôm sau Nhữ đưa chúng tôi đi thăm những nhà quen trong xóm, tất nhiên là không thể thiếu nhà P….Tối ở lại nhà Nhữ một đêm nữa, sáng Chủ nhật chúng tôi lo dậy sớm để tiếp tục cuộc hành trình. Sau bữa điểm tâm, ba đứa chúng tôi lại “đèo” nhau hướng về thôn Đông Tác, xã Bình Nam để thăm nhà Nguyễn Ngọc Diễm. Vì không báo trước nên Diễm không có ở nhà. Bà nội cho biết Diễm đang sinh họat trên Thánh Thất. Đúng là “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”. Thời đó bọn chúng tôi bày trò dùng tên cha mẹ để gọi nhau thay vì gọi tên thật, thậm chí điểm danh cũng làm như thế. Chắc các bạn thắc mắc làm thế nào mà biết hết tên cha mẹ của tất cả bạn học cùng lớp? các bạn còn nhớ là sau mỗi lần thi lục các nguyệt, GS cố vấn thường chọn một số HS giỏi để ghi điểm vào học bạ cho cả lớp. Đó là thời cơ qúi báu nhất để “bổ sung” những thiếu sót. Bọn chúng tôi lén ghi tên cha mẹ của những bạn còn thiếu rồi lập hẳn thành một “danh sách” đem về để phổ biến. Những ngày sau đó có nhiều bạn rất ngạc nhiên không biết tại sao tên cho mẹ lại bị tíết lộ!... Chính vì cái thói quen “phạm thượng” đó nên hôm nay bọn tôi bị một vố “điếng hồn”! Sau khi được bà nội của Diễm chỉ đường đến Thánh Thất, 3 đứa chúng tôi chở nhau đến đó. Gần đến nơi thì thấy trong sân có khá nhiều người đang đi lại ra vẻ bận rộn lắm. Ba đứa tôi đạp xe thẳng vào trong sân, vừa dừng xe thì tôi và H. đồng kêu lên “Có anh L trong đó không? Có anh L trong đó không?” Không may cho chúng tôi là không có Diễm ở ngoài sân mà ông L cha của Diễm lại đang đứng nói chuyện với mấy người ngay tại bậc thềm.Khi nghe chúng tôi gọi ông vội vã đi nhanh ra, gần đến nơi ông liền nói “ Tôi đây, mấy anh tìm tôi có vịệc gì không?” Khi đó mới biết là mình đã trót dại, lỡ miệng rồi biết xử trí sao đây? Cả ba đứa đứng “chết trân” Không nói được lời nào! Nếu cha của Diễm là một đạo hữu bình thường thì còn đỡ, khổ nỗi ông lại là chức sắc trong họ đạo và ông đang chỉ dẫn cho bà con đồng đạo làm việc, một tình huống thật là khó xoay xở! Rất may là vừa lúc đó Diễm xuất hiện, thấy chúng tôi đang đứng “chôn chân” mặt cúi gằm xuống đất, miệng thì “ngận tăm”, Diễm hiểu ngay cớ sự vội chạy tới “giải vây”. - “Thưa cha, đây là mấy đứa bạn của con. Cha vào làm việc đi, để con lo cho…” Có lẽ ông cũng hiểu sự nghịch ngượm của tuổi học trò nên ông lặng thinh quay vào hội trường giải quyết tiếp công việc. Diễm bảo bọn tôi đứng đó chờ chạy vào gặp cha để trinh bày cớ sự và giải thích trò nghịch ngợm quá quắc nầy. Sau đó mới trở ra dẫn bọn tôi về nhà nghỉ ngơi và ăn trưa… lỡ ông về bây giờ thì làm sao dám gặp mặt?! (trò tinh nghịch nầy mấy tháng sau đến phiên tôi lại bị. Mùa hè năm đó các bạn rủ nhau đi Kỳ Hòa viếng cảnh “Ông Đụn Bà Che” ở núi Bàn Than, trên đường đi ghé lại nhà tôi chơi và ăn cơm trưa. Sau khi làm cơm xong, mẹ tôi dọn lên bàn và sai em tôi lên mời cha tôi và các bạn xuống ăn cơm. Cha tôi còn đang loay hoay làm gì đó, tôi đang dứng chờ, thì bất giác một anh bạn ngó qua thấy tôi bèn lên tiếng “anh T. xuống ăn cơm chớ!”, Cha tôi nghe gọi tên ngước lên thấy tưởng bạn ấy bảo ông, tuy vẻ mặt có nét ngạc nhiện nhưng ông vội trả lời “các anh xuống trước đi!”. Tôi hoảng hồn vội chạy lại bên cha tôi giải thích “Mấy đứa đó kêu con đó. Tụi nó đùa kêu nhau bằng tên cha mẹ quen miệng…, xin cha tha lỗi” Cha tôi hiểu nên cười, còn mấy bạn thì …cũng lúng túng như tôi hôm đó! Thật là một trò nghịch ngợm rất … học trò!)
Sau khi cơm nước xong, ba chúng tôi vội vàng từ giã Diễm và Bà Nội để lên đường trở về, không dám chần chờ sợ cha của Diễm về chạm mặt thì không biết phải ăn nói làm sao! Thế là chúng tôi đạp xe từ Đông Tác hướng lên chợ Bò Chẹt (hay Bò Chét), lên Kế Xuyên rồi thẳng đường về Tam Kỳ. Nhưng khi đến ngã ba Kỳ Lý thấy còn sớm quá nên Hùng đề nghị đi Quán Rường chơi. Ba đứa lại chuyển hướng đạp xe lên Quán Rường. Lần đấu tiên tôi lên đây nên chẳng biết nhà ai, chỉ đi theo Hùng.. hình như có ghé nhà Hòa và nhà chị Lạc, chị Lạc tiếp ba đứa tôi tại căn nhà lớn gần đường. Từ chỗ đó nhìn xuyên qua cánh cửa đang mở tôi thấy một cái sân gạch ở giữa, phía đối diện là một dãy nhà ngói khác đồ sộ không kém dãy nhà bên nầy. Không ai ngờ được rằng vào hè 1965 Kỳ Mỹ bị VC chiếm rồi Mỹ giải tỏa, Quán Rường bị tàn phá: Mỹ dùng xe cày ủi sập toàn bộ những ngôi nhà kiên cố tại Quán Rường do sự “chấp thuận” của Chủ tịch Ủy Ban xã Kỳ Mỹ! Sao lại toàn xã Kỳ Mỹ chỉ có Quán Rường bị cày ủi nhà?
Năm nầy thầy Phúc dạy Toán. Thầy Phúc dạy toán quá hay! Thầy trông rất nghiêm nghị, giọng nói sang sảng. Thầy giảng toán tuy khá nhanh nhưng rất rành mạch, dễ hiểu. Tuy nhiên nếu bạn nào chậm toán một chút là không theo thầy kịp! Với đầu tóc chải ép thật cẩn thận, mái tóc hơi dôi về phía trước một chút, mắt đeo đôi kính trắng gọng to, đen trông dáng thầy rất đạo mạo, thầy dạy với tất cả lương tâm của một nhà giáo, và rất yêu học sinh. Có lần vì gặp bài toán khó, thầy giảng nhưng có nhiều HS chưa hiểu, thầy phải giảng lại nên không đủ giờ, thầy dặn thứ bảy đến lớp để thầy dạy tiếp vài tiếng nữa, thế nhưng có một số HS vắng mặt, thầy vào lớp thấy HS không đủ thầy giận lắm, thầy trách mắn khiến anh trưởng lớp phải đứng ra xin lỗi thầy và giải thích vì có một số anh em ở xa cần phải về để lấy đồ tiếp tế…thầy mới nguôi giận. Khi tôi nhập ngũ, vì trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt chưa chuẩn bị kịp để tiếp nhận Sinh Viên Sĩ Quan, chúng tôi phải học gởi ở trường Bộ Binh Thủ Đức chương trình huấn luyện quân sự giai đoạn 1 bốn tháng. Có một lần đi học vũ khí ngoài bãi tập tại đồi Tăng Nhơn Phú. Hôm đó có 2 đại đội học chung một bãi, vào giờ giải lao tôi đi ngang qua thấy một người dáng quen quen đang ngồi dựa vào gốc cây, súng gác chéo trên vai, đầu đội nón sắt cổ nghẻo qua một bên ra vẻ hết sức miệt mỏi. Tôi dừng lại nhìn kỷ thì ra là thầy Phúc. Tôi cuối xuống chào thầy, nghe tiếng động thầy mở mắt ra, trông thấy tôi thầy mừng lắm, nhưng vì quá mệt nên thầy buộc miệng than “Mệt quá anh ơi!”. Nhìn thấy thầy đen và hốc hác đi nhiều, tôi thấy thương thầy quá. Thầy trò nói chuyện với nhau được vài phút thì đại đội tôi phải di chuyển…
Năm Đệ Tam cũng còn một kỷ niệm “khó quên” nữa, đó là thi đệ nhị lục cá nguyệt môn Lý Hóa. Vì A và B đều có chương trình học Lý Hóa như nhau, nên năm đó thầy dạy môn Lý Hóa tổ chức cho HS 2 lớp Tam A và Tam B1 thi chung. Tôi còn nhớ tôi ngồi ở vị trí đầu bàn cạnh lối đi giữa phòng, bàn đối diện bên kia lối đi là anh Xương Tam A, trước mặt anh Xương là một nữ sinh. Năm đó thầy ra đề thi có bài toán Lý khá “hóc búa” nên đa số HS ngồi cắn bút. Tôi làm phần giáo khoa và giải bài toán trong giấy nháp xong, đang loay hoay làm vào tờ giấy thi thì nghe Xương gọi nhỏ “K, K”. Tôi ngước lên và nhìn qua phía X. có ý hỏi “gì đó” thì thấy X búng qua cho tôi một viên giấy, tôi lượm bỏ vào hộc bàn, ngước lên xem thầy coi thi có để ý đến 2 đứa tôi không. Khi thấy yên ổn tôi mở viên giấy ra coi thấy X ghi “có tài liệu”, tôi nhìn qua X thấy anh ta ra dấu chỉ phía trước mặt. Tôi nhìn theo hướng anh chỉ và theo dõi, một lúc sau thấy chị nữ sinh đó kéo từ hộc bàn ra một tờ giấy vở có ghi chi chit chữ, liếc mắt đọc rồi ghi vào bài. Tôi bắn cho X một viên giấy khác có ghi: “ Rình giựt tài liệu (TL) rồi chuyển ngay cho tôi”. Đợi chị ấy kéo TL ra lần nữa, X trường người lên chộp lấy mấy tờ giấy rồi chuyển ngay cho tôi, tôi xếp lại bỏ túi và tiếp tục ngồi làm bài. Chị ấy bị mất TL hoảng quá quay qua Xương đòi, X chỉ qua bàn tôi, vừa lúc đó thì GS coi phòng thi đi lên đi xuống trong phòng. Vì cách một lối đi nên chị ấy không dám động tình gì. Khi làm bài xong tôi nộp bài rồi ra về…Ra khỏi phòng tôi lấy xấp giấy ra coi thì thấy lời giải bài toán Lý rất đầy đủ, chữ đẹp và viết rất sạch sẽ, chứng tỏ là đã làm sẵn ở nhà… Tôi thấy bất bình và buồn lòng lắm! Tưởng như là bị mất mát một cái gì đó rất qúi giá! Vì thế khi về nhà trọ tôi đã cho dì H. biết. Kết quả là vấn đề đến tai các thầy nên trường đã phải “dàn xếp” để trấn an dư luận và đem lại sự công bình cho những HS bị thiệt thòi…
Năm Đệ Tam “xả hơi” rồi cũng qua nhanh. Năm Đệ Nhị (1964-1965) là năm vất vả nhất của tôi: Vừa học thi lại vừa dạy. Nhập học chưa được bao lâu, vào một ngày cuối tuần tôi về nhà để xin tiền trả tiền cơm tháng thì được cha tôi cho biết “Có một số học sinh ở xã quê tôi và các xã lân cận năm rồi học tại các trường tư ngoàiTam Kỳ, nhưng năm nay vì kinh tế eo hẹp không đủ khả năng để tiếp tục học được nữa. Mốt số phụ huynh đề nghị cha tôi và cậu Bảy tôi có thể mở một lớp học tại nhà để giúp các em đó học tiếp tục chương trình lớp đệ Lục được không?”. Cha tôi và cậu Bảy tôi chưa trả lời vì còn chờ tôi cho biết có thể phụ trách 2 môn Toán và Lý Hóa được không? Vì biết hoàn cảnh gia đình đang khó khăn và khi biết số hoc sinh ghi tên là 14 em nên tôi nhận dạy 2 môn Toán và Lý Hóa vào 2 ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, cha tôi phụ trách môn Pháp văn và Vạn vật, cậu Bảy tôi - đã học Tứ niên thời Nhật chiếm đóng, nay muốn học lại. Vừa tự học thi đậu bằng Trung học Đệ Nhất cấp hè vừa rồi, đang học tiếp để thi Tú tài bán phần ban D năm tới - phụ trách môn Việt văn và Sử Địa. Ngay ngày hôm đó cha con tôi dọn căn nhà trên, mượn tạm mấy bộ bàn ghế học sinh về kê sẵn để tuần tới bắt đầu dạy.
Từ đó mỗi chiều thứ Sáu khi tan trường tôi lo xuống đường đón xe về nhà để sáng dạy sớm, chiều Chủ Nhật ra lại Tam Kỳ. Dạy được vài tuần thì số học sinh tăng lên 17 em vì có mấy em đang học ngoài Tam Kỳ được cha mẹ rút về gởi cho tôi dạy luôn. Tôi dạy được khoảng 2 tháng, thấy các em học chăm và quá nữa số các em thuộc loại giỏi và khá nên tôi đề nghị với cha và cậu tôi cố gắng thanh toán chương trình đệ Lục sớm để dạy luôn chương trình đệ Ngũ. Được sư đồng ý của 2 vị, cuối tuần đó tôi thông báo dự định cho các em biết, nếu các em chịu khó học tập tôi sẽ dạy tăng giờ mỗi ngày 2 tiếng để thanh toán chương trình đệ lục sớm, rồi dạy tiếp chương trình Toán Lý Hóa đệ Ngũ. Đa số các em đều vui mừng và hứa sẽ cố gắng học, chỉ có vài ba em yếu kém nên tôi dặn các em giỏi và khá kèm thêm để tất cả đều theo kịp. Hè năm đó tôi có được 18 HS học xong chương trình đệ Ngũ, không có em nào quá kém. Tôi liên lạc với thầy Hường HT trường Bồ Đề, trình bày cho thầy biết là có một số HS nghèo nhưng hiếu học, tôi đã tổ chức dạy cho các em xong chương trình đệ lục+ đệ ngũ, đa số HS trên trung bình, không có em nào quá tệ. Nếu thầy có thể giúp các em lập học bạ từ đệ Thất đến đệ Ngũ, tôi sẽ chuyển cho thầy danh sách 17 em (vì em ruột của tôi phải chờ tôi 1 năm nữa) để xin vào học đệ Tứ niên khóa tới. Thầy có thể trắc nghiệm trình độ các em trước khi nhận vào học. Thầy Hường chấp thuận, tôi về lập danh sách họ tên và ghi điểm bài thi 2 kỳ của năm đệ Lục và đệ Ngũ để thầy dể lập học bạ, xong thông báo cho các em biết kết quả việc thầy Hường chấp thuận để các em….
(Tôi có một đứa em nhỏ cùng trang lứa với mấy em học sinh đó, tuy nó học rất giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên năm rồi không thể cho nó đi Tam Kỳ để học tiếp được, nay thấy cha con tôi mở lớp dạy đệ Lục nó cũng cà rà ngồi nghe giảng bài, mấy tuần sau nó nói với tôi “Anh Ba, cho em học với”, tôi ngạc nhiên hỏi nó “chương trình đệ Lục, làm sao em học được”, nó nói ”em học được mà, anh giảng bài em hiểu hết…” . Tối đó tôi trắc nghiệm nó, thấy nó khá, tôi hứa với nó tuần sau tôi sẽ về dạy tóm lược cho nó những điểm chính yếu của các môn Hình học, Đại số và Lý Hóa lớp đệ Thất sau đó sẽ cho nó vào học với các bạn. Đâu ngờ chỉ vài tháng sau nó dẫn đầu cả lớp. Hai năm sau tôi cho nó ra trường Bồ Đề học đệ Tứ. Khi lến đệ Tam, thầy Hường Hiệu Trưởng trường Bồ Đề giữ nó lại, không cho nó thi vào Trần Cao Vân, thầy cho nó một “trợ cấp học sinh giỏi” dư trả tiền học phí. Hè năm 1969 Tú tài bán phần được tổ chức tại Tam Kỳ và là lần đầu tiên tổ chức thi theo cách “đa tuyển” <dân gian gọi là thi abc khoanh hay IBM vì dùng máy điện tử của hảng IBM để chấm bài> nó đậu đầu Hội Đồng thi Quảng Tín với hạng Tối ưu, năm sau thi Tú tài toàn phần nó đậu Bình. Thi đậu vào Phú Thọ ngành Công chánh, theo chân Trần Quang Hùng lớp tôi. Nếu tôi không mở lớp dạy giúp các em học sinh nghèo mà hiếu học năm ấy thì đứa em tôi không có cơ hội để thăng tiến).
Chuẩn bị năm tới sẽ ra trường Bồ Đề học tiếp đệ Tứ. Tính đến hè 1971 số HS đó có được 4 em đậu Tú tài toàn phần, 11 em đậu bán. Về sau nhiều em nhập ngũ, đến ngày “đứt phim” tôi được biết có 2 em mang cấp bậc Thiếu Úy – một em về Trung đoàn với tôi nên tôi xin về làm tại BCH với tôi – 5 em Chuẩn Úy, trong đó có một em rất “cứng đầu”, có cha đi tập kết ngoài bắc về hay “lên lớp” em, em vặn lại nên cha con cứ hục hặc hoài. Khi tôi ở tù về. em nghe tin tôi về thăm quê, em đến thăm chơi…Còn đứa em ruột tôi phải “nhường” tôi mất thêm vài năm nữa mới được đến trường vì thế đến tháng 4/75 mới tốt nghiệp Kỹ Sư Công Chánh. Tuy năm đó tôi rất bận rộn việc học, việc dạy…nhưng thấy vui vì đã giúp được một số em có đựợc thêm nhúm chữ để trở thành người công dân tốt và những sĩ quan QL/VNCH sau nầy. Và… sau ngày 30/4/75 “được” ở tù cho “thành người” con trai Đất Việt khi gặp vận nước đảo điên !!!
Bà chủ trọ của tôi có nấu cơm tháng nên có một số Giáo Sư đến ăn cơm như Thầy Quân, Thầy Chương, Thầy Lang, Thầy Trọng…Thầy Quân và thầy Chương tuy cùng thuê nhà ở gần nhà tôi trọ, gặp mặt nhau hằng ngày nhưng thầy Quân tôi ít tiếp xúc hơn thầy Chương, vì tính thầy Chương tuy cũng ít nói nhưng không nghiêm nghị như thầy Quân. Nhà thầy lại có rất nhiều sách, báo, tôi hay ra mượn của thầy đem về đọc. Trận lụt năm Giáp Thìn (1964) bọn tôi ra giúp thầy kê cái giường lên cao rồi đem sách chất lên trên đó cho khỏi ướt, vậy mà cũng có một số sách bị ẩm. Sau trận lụt thầy đem sách ra phơi, có mấy quyển bị yểu giấy nở ra, cong lên nên khá dày, trông mất giá trị … thầy bảo tôi có muốn lấy về đọc thì thầy cho. Tôi ôm cả về, trong số sách đó có quyển “La Littérature fraicaise appliquée” có bìa cứng, có rất nhiều bài tôi thích….Một phần vì thầy đã biết nhiều về tôi, phần khác có lẽ thầy thấy tôi chăm học toán nên có lần ăn trưa xong, khi ra về thầy gọi tôi “Hồi nào ra thầy đưa cái nầy…”. Mấy phút sau tôi ra nhà thầy, thầy chỉ chồng sách cũ “Trò có muốn lấy mấy quyển sách đó về dùng hông?” Tôi đến chồng sách cầm lên coi thì thấy toàn là sách giải bài tập Toán, Lý bằng tiếng Pháp chương trình Đệ Nhị. Bấy lâu nay tôi vẫn nghĩ thầy học ban C, đâu ngờ thầy lại có cả sách toán! Tôi mừng quá nói “thưa thầy, thầy cho em mượn hả”, thầy Chương cười nói “cho trò đó, đem về học chớ cho mượn gì, thầy đâu có xài nữa”. Sách giải toán thầy Chương cho có bộ sách của Le Bossé, một bộ của “Union de Professeurs”… Những bài toán trong nầy, một số bài có trong các quyển sách giải toán của Đàm Quang Hưng, “Một Nhóm Giáo Sư”… Ngoài ra còn có rất nhiều bài toán là đề thi Tú Tài tại Grenoble, Lyon, Toulouse, Pondichéry (nhượng địa của Pháp tại Ấn Độ), …những năm về trước. Cũng nhờ số sách nầy của thầy Chương cho, tôi bỏ thì giờ làm hết tất cả nên khi làm bài tập hay thi Lục cá nguyệt tôi thường được “trúng tủ”.
Niên khóa 1965-1966, năm học cuối cùng của tôi tại Trần Cao Vân. Vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn và thấy đứa em trai nhỏ của tôi vừa học giỏi lại vừa hiếu học nên tôi tính toán sẽ ở nhà tự học năm đệ Nhất, để tạo điều kiện cho em tôi được đến trường học cùng bạn bè. Nhưng ở nhà vừa giúp gia đình vừa tự học được một tháng tôi nhận thấy môn toán lớp đệ Nhất có nhiều chỗ quá khó. Quê tôi thời đó lại không có người nào để nhờ giảng giải những chỗ “khúc mắt” đó … Cuối cùng tôi phải bảo chú em tôi chờ cho tôi một năm nữa, tôi phải xin đi học lại lấy xong cái Tú tài 2 rồi sẽ tính chuyện học hành của nó sau.
Hơn một tháng sau tôi đến văn phòng trường Trần Cao Vân để xin gặp thầy Hiệu Trưởng. Lúc đó thầy Phạm Viết Tích làm Hiệu Trưởng, thầy đang giờ dạy. Được thầy Giám thị báo cho thầy biết có tôi xin gặp thầy. Vừa đến cửa văn phòng thấy tôi đang đứng đợi, thầy Tích liền vồn vã hỏi “Có gì đó Khôi, em muốn học lại hả?”, Tôi vội trình bày lý do đi học trễ, và xin thầy cho tôi tiếp tục học đệ Nhất. Thầy vui vẻ hỏi “Em muốn vào lớp nào?”. Tôi nghĩ mình là dân ban B nên xin thầy cho tôi vào lớp B (hồi đó chỉ có một lớp đệ nhất A và một lớp đệ Nhất B mà thôi). Không ngờ sau hơn một tháng “lêu bêu”, khi vào lại lớp nhất B học được mấy hôm, tôi nhận thấy bị bạn bè bỏ khá xa…Sợ rằng tiếp tục học “theo đuôi” kiểu nầy, kết quả học tập sẽ không bảo đảm, việc thi cử khó có kết quả tốt.. Đánh liều chiều cuồi tuần tôi trở lên phòng Hiệu Trưởng để gặp lại thầy Tích. Nghe tiếng động, thầy ngước lên, hỏi “Gì nữa đó Khôi?”. Tôi trình bày “Thưa thầy, thầy cho em qua lớp A, chớ học lớp B sợ em theo không kịp…”. Thầy cười “Ừ, em muốn qua lớp A thì qua. Để thầy nói văn phòng ghi tên lại cho”. Sáng thứ Hai kế tiếp tôi vào lớp đệ Nhất A.
Lớp đệ nhất A Năm đó chỉ có 2 nữ sinh: Nguyễn Thị Kim Dung và Hồ (Thị) Lệ Ngọc. Bên nam ngoài một số HS cùng khối lớp đệ Nhị cũ - trong đó có 2 bạn Phan Chín và Phan Như Tài cùng quê với tôi - còn có vài học sinh mới như Trần Luận, học đệ Tam “thi băng” đậu Tú Tài bán, có Tôn Thạnh Anh từ Nguyễn Dục vào…Ngay cả vào lớp A tôi vẫn phải “bơi”, vì chương trình khá “nặng”, lại năm thi cuối bậc Trung Học nên các thầy đều phải dạy nhanh cho hết chương trình. May cho tôi là trong lớp có Tôn Thạnh Anh đang dẫn đầu, lại rất “cảm tình” với tôi nên sẵn sàng chỉ vẽ cho tôi tất cả những gì tôi cần giúp…Tôi nổ lực học, vừa ráng theo cho kịp những gì thầy đang dạy, vừa học từ người bạn tốt Tôn Thạnh Anh. Độ một tháng sau tôi mới “leo lên bờ” được để cùng bạn bè trong lớp sánh vai học tập…
Ở các năm Đệ Tam và Đệ nhị HS còn đông nên có Tam/Nhị B1 và Tam/Nhị B2. Trần Quang Hùng học B1 với tôi, Nguyễn Trà và Mai Tùng “gặp nhau” tại B2. Lên đệ nhất gom lại chỉ có một Nhất A và một Nhất B. Năm nầy Nguyễn Trà không còn học TCV nữa nên chỉ còn Trần Quang Hùng và Mai Tùng “gặp nhau’ tại Nhất B, giao khoáng Nhất A cho tôi, nên tôi phải ráng để khỏi “phụ lòng” hai bạn ấy…Lớp Nhất A năm đó có bạn Thông (xin lỗi, tôi quên mất họ) học lại. Tôi còn nhớ trước khi thị đệ nhất lục cá nguyệt, bạn Thông đến gặp và dặn tôi “Mầy chemise môn nào kệ mầy, nhưng môn Vạn Vật thì phải để cho tao. Nói thật, tao chỉ học một môn đó thôi”. Tôi tưởng Thông đùa cho vui, không ngờ Thông nói thật. Cả hai kỳ đệ nhất và đệ nhị Lục cá nguyệt Thông đều làm Chemise nôm Vạn vật vì hơn tôi một/nửa điểm dù kỳ đệ nhị Lục cá nguyệt tôi có cố gắng hơn. (Về sau tôi được tin Thông đi Thủ Đức và đã tử trận không lâu sau khi ra trường…). NTK Dung đang học thì chồng đi cưới nên Dung ráng học thêm được vài tháng gì đó rồi nghỉ học, trong lớp chỉ còn một mình Hồ Lệ Ngọc cầm cự đến cuối năm.
Bác Bốn (Dì chị H Lan) chủ trọ của tôi là người có học vấn nên Bác rất trân trọng việc học và quí người có học. Tôi nhớ có một lần tôi về xin tiền để nộp tiền cơm tháng, nhưng ở nhà chưa xoay xở kịp. Để cho tôi không phải khó xử, cha tôi đành phải viết cho Bác một lá thư khất đến tuần tới tôi sẽ về lấy tiền đem nộp tiền ăn cho Bác. Khi cầm lá thư của cha tôi gởi Bác mở ra đọc, tôi chờ xem Bác phản ứng thế nào thì bất ngờ Bác hỏi tôi “ Thư nầy do cha mầy viết đó hả? Chữ tốt quá hả!”. Tôi thưa lại “Dạ, cha con hồi trước có học cùng lớp với mẹ con S…”. Từ đó Bác đối với tôi có vẻ quan tâm đặc biệt hơn…Năm đệ Nhất tôi thường ngủ trể hơn những người cùng trọ học, có nhiều đêm tôi mê học nên quên cả thời gian, thức khá khuya. Có khi tôi đang học thì nghe tăm có người đi nhè nhẹ đến chỗ bàn, tôi ngước lên thì thấy Bác để một ổ bánh mì thịt trên bàn và bảo tôi “Ăn đi, mầy thức khuya quá chắc đói bụng rồi…!” Tôi chỉ kịp nói “Cám ơn Bác” là Bác đã quay trở lại phòng ngủ. Tôi vô cùng cảm kích với những hành động săn sóc kín đáo của Bác dành cho tôi… Trong thời gian tôi đi lính, khi nào có dịp đi Tam Kỳ tôi đều đến thăm Bác, và không hiểu vì sao Bác tôi “để ý” S, nên lúc nào tôi ghé thăm Bác cũng đều nhắc S với tôi và hỏi “Sao? Đến đâu rồi…?”… Sau ngày 30/4/75 tôi bị VC giam tù. Khi bị chuyển xuống trại 4 Kỳ Sơn, trong một lần đi cắt tranh, tôi may mắn gặp được người quen trước đây đã chạy từ Kỳ Sơn về định cư tại thị xã Tam Kỳ. Tôi hỏi thăm về Bác Bốn, thì được biết Bác cũng đã dọn về ở đây (vì Kỳ Sơn là quê của Bác). Mỗi khi có dịp đi làm gần đó tôi đều ghé nhà Bác, và Bác trở thành nơi tín cẩn để tôi nhắn tin về nhà hay nhận tin từ nhà. Lúc nào Bác cũng tỏ ra thương mến tôi… Có một lần ghé nhà Bác, tôi gặp cô Tr., một cô giáo trẻ mới về dạy tại đây. Khi thấy hai đứa tôi nói chuyện với nhau, Bác không ngờ cô giáo đó là người bà con và cùng quê với tôi, nên Bác giới thiệu tôi với cô giáo: “Đây là Khôi, hồi đi học nó ở trọ nhà bác. Nó học giỏi lắm”. Cô Tr. trả lời “Dạ cháu biết, ảnh là anh bà con với cháu”…Vào năm 1986(?) Bác Bốn già yếu và bệnh nặng, Bác được đưa xuống Tam Kỳ, ở nhà người cháu để chữa bệnh, nhưng bệnh tình Bác mỗi ngày một nặng thêm, ngày ra đi của Bác không còn xa. Một hôm cậu S. em ruột của Bác Bốn đến nhà tìm tôi, cậu cho biết Bác Bốn đã yếu lắm rồi, cậu muốn đưa Bác về Kỳ Sơn để có gì thi lo cho tiện. Cậu bảo tôi sáng mai đến nhà con M. để sửa soạn “cáng” Bác lên bên đò Phú Ninh. Hai cậu cháu cột cái võng làm cáng để Bác nằm trong đó rồi cột cái đòn cáng trên 2 chiếc xe đạp, một trước một sau theo hàng dọc. Xong đâu vào đó cậu cháu tôi cẩn thận “thồ”(đẩy) võng Bác đi từ Tam Kỳ lên bến đò Phú Ninh để đưa Bác về Kỳ Sơn. Cậu cháu tôi phải đi chậm chậm, vất vả nhất là khi lên hay xuống dốc phải cố đẩy lên thật mạnh hay trì bớt lại để giữ an toàn và không xóc; khi gặp chỗ đường quanh ngặt 2 cậu cháu phải giữ tay lái thật vững và di chuyển thật chậm…Đến được bến đò Phú Ninh trời đã quá trưa, tôi phụ cậu S chuyển Bác Bốn xuống đò. Độ một tháng sau vợ chồng tôi được tin Bác Bốn qua đời, rất tiếc vợ chồng tôi quá nghèo, không đủ khả năng để đi Kỳ Sơn đưa Bác đến nơi an nghỉ cuối cùng…Cái khó bó cái khôn!
Cũng như mọi năm, khi sắp nghỉ hè các HS những lớp có thi đều lo về quê để học ôn chuẩn bị cho kỳ thi, nhưng tôi thì thường ở lại dư lễ Phát phần thưởng rồi mới về. Vì các bạn cùng trọ đã về hết, không có xe đạp tôi đi bộ tành tành từ nhà trọ mãi đến An Thành Lạc viện để dự lễ. Khi xướng danh HS được nhận giải thưởng Mai Tùng đứng đầu lớp đệ Nhất B được lãnh Giải thưởng Danh dự toàn trường do Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa gởi tăng, cô Nguyễn Thị Diệu Hương được lãnh giải thưởng Hạnh kiểm toàn trường do Đại biểu Chính Phủ ở Trung Nguyên Trung Phần gởi tặng, tôi đứng đầu lớp đệ Nhất A được nhận Giải thưởng do ông Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Tín trao tặng. Tôi không ngờ giải thưởng lại quá nhiều như vậy, tôi ôm một chồng sách cao ngang mặt, đang lúng túng không biết làm sao có thể ôm chồng sách đi bộ về cho đến nhà trọ. May sao có bạn Huỳnh Ngọc Minh thấy vậy, vòng xe đạp lại bảo tôi ngồi lên xe bạn chở về. Về nhà trọ tôi soạn ra thấy hầu hết là sách đọc thêm, sách khảo cứu văn học… Ngoài ra còn có quyển Dictionnaire Encyclopédique “Le Petit Larousse” ấn bản 1966 do Kỹ sư Trần Kiêm Đồng, Trưởng ty Công Chánh kiêm Giám Đốc công ty khai thác hữu hạng phi trường Kỳ Nghĩa tặng (có đóng dấu và lời đề tặng). Đây là quyển sách thứ hai tôi rất quí. Quyển đầu tiên cũng là quyển Dictionnaire ‘Le Petit Larousse” do cha tôi được thưởng năm 1924, mà Mẹ tôi rất qúi. Người đã phải bảo quản và gánh đi gánh về mỗi khi phải đi tản cư tránh Pháp đổ bộ (vì chúng tôi ở trong vùng Liên khu 5 do Việt Minh kiểm soát), hay khi dời nhà từ chỗ nầy đến chỗ khác. (Cha tôi đã dốc hết khả năng và sức lực để phục vụ “kháng chiến”. Với tư cách là Trưởng ban, ông đã cán đáng phong trào “Bình Dân Học Vụ” huyện Nam Tam Kỳ giành được nhiều thành quả đáng kể đến nỗi ông kiệt sức bị đau nặng, lại bị họ tàn nhẫn bỏ rơi suýt chết, Mẹ tôi hay tin cho người lên võng về chữa trị. Thế nhưng khi cha tôi bình phục thì bị Việt Minh khai trừ (vì là người có học, khó sai bảo). Vì thế từ đó ông “hận đời” đem đốt tất cả sách vở. Mẹ tôi tiếc quyển “Larousse” vừa là vật kỹ niệm vừa là sách quí hiếm vào thời đó, nên Mẹ tôi lấy quyển sách đem dấu đi và bảo quản suốt thời kỳ Việt Minh cho mãi đến khi chính quyền Quốc Gia về tiếp thu miền Nam Người mới giao lại cho tôi. Đáng tiếc là cả 2 quyển sách mà tôi quí nầy đã bị VC tịch thu đem thiêu hủy sau khi chúng cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam).
Những ngày gần hè tình hình miền Trung vẫn còn lộn xộn nên cuộc thi Tú tài 2 bị dời lại mãi đến ngày 27 tháng 7 năm 1966 mới tổ chức thi được. (bình thường thi Tú tài 1 và 2 được tổ chức 2 lần vào tháng 5 và tháng 8, nhưng năm 1966 tại các tỉnh bắc Trung Nguyên Trung Phần vì thi trể nên chỉ tổ chức thi được một lần thôi). Do tổ chức thi Tú tài 2 trể nên HS bị thiệt thòi vì sau khi chờ lãnh được chứng chỉ mang vào Sài Gòn để nộp đơn thi vào các trường chuyên môn như Kỹ sư Phú Thọ, Y Dược, Kiến Trúc, Sư phạm … thì đã trể.
Về phần tôi, vì hoàn cảnh nên khi đậu xong Tú Tài 2 tôi lo tìm việc làm để giúp đỡ cha mẹ. Năm đó trường Trung Học Lý Tín sắp mở. Trong khi chờ xin vào dạy Toán/Lý Hóa của trường TH Lý Tín, tôi xin dạy tại trường Bồ Đề Lý Tín đã khai gỉang trước. Lúc nầy Mỹ đã sang VN được hơn một năm, Chu Lai là một căn cứ lớn của Mỹ nên dân các xã quanh vùng Chu Lai sống nhờ vào lính Mỹ: Đi làm sở Mỹ, lập quán buôn bán, trao đổi hay mở các dịch vụ phục vụ cho linh Mỹ… Khi còn đi học thì 2 môn Toán, Lý Hóa là những môn quan trọng được xếp hàng đầu. Trớ trêu thay khi tôi xin vào dạy thì HS coi thường 2 môn nầy mà chỉ lo học Anh Văn để dễ “kiếm cơm”. Vào lớp khi dò bài thì HS không thuộc, trong lúc giảng bài có nhiều em ngồi nói chuyện với nhau, hỏi ra mới biết các em hỏi nhau về giá cả một vài món hàng của Mỹ! Có em còn ngổ ngáo cho biết “học tiếng Mỹ còn kiếm được ít đồng, chớ học Toán, Lý Hóa có kiếm được xu nào đâu?”. Tôi nghe được, nản quá.
Đang lúc buồn lòng thì có anh bạn đưa cho tờ báo có mẩu tin “Thi tuyển vào khóa 1 trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt”. Điều kiện: Có Tú Tài 2 A, B; học 2 năm quân sự và văn hóa… Tôi và hai người bạn nộp đơn dự thi. Toàn quốc có trên 2 ngàn thí sinh mà chỉ lấy 200. Thi xong tôi về dạy tiếp vì không hy vọng gì đậu. Bỗng một hôm cậu Bảy tôi đạp xe ra nhà hỏi “Con thi cái gì mà cậu nghe đọc tên con trên đài phát thanh Quảng Ngải?”… Thế là cuối tháng 11 năm 1966 tôi ra Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I trình diện đi lính. Tỉnh Quảng Tín chỉ có mình tôi đi khóa đó. Tôi cũng là người đi lính sớm nhất trong khối lớp đệ Nhất niên khóa 1965-1966. Của trường TH Trần Cao Vân.
Gần 9 năm lính, 7 năm tù khổ sai “trá hình” sau khi miền Nam bị VC cưỡng chiếm. Tuổi trẻ bị tiêu tán! Thêm 10 năm làm người dân loại cặn bã của chế độ xã hội chủ nghĩa VN đói rách tả tơi! May mà được định cư tại Hoa Kỳ nên mới có ngày hôm nay. Có được cơ hội để ghi lại những kỹ niệm về ngôi trường Trần Cao Vân mến yêu, được gặp lại bạn bè cùng trường, cùng lớp cách nay hơn nữa thế kỷ, lưu lạc khắp nơi. Cùng bạn bè ôn lại chuyện xưa. Vậy là quí nhất rồi!. Còn gì vui hơn nữa, phải không?
Charlotte 10/3/2013
Trần Kim Khôi
(từ Đặc San Trần Cao Vân 2013)
blog/tranyenhoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét