Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Ngày Xửa Ngày Xưa…!!! .. - Trần Hoàng Trường Hải


Trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng có một vài câu chuyện thú vị. Những câu chuyện nhỏ được nhặt nhạnh ở những thời điểm khác nhau, với những chủ đề không giống nhau. Khi thời gian lặng lẽ trôi qua, chúng ngủ vùi với năm tháng, khoác lên mình chiếc áo của ký ức. Và để rồi lâu lâu, mỗi khi bầu trời nặng trĩu mây xám hay những đêm mưa rơi rả rích buồn tênh, người ta lại đem ra kể lại cho chính mình nghe. Những câu chuyệnm ngày xửa ngày xưa…
<!>
Ánh đèn cầy leo lét trong đêm mưa. Thị trấn cúp điện, tối đen. Tiếng dế nỉ non vọng vào hòa nhịp cùng tiếng quạt nan đều đặn của bà. Thằng nhỏ chui vào giường, hít mùi dầu cù là và trà sâm của bà nội, thỏ thẻ:
-Bà nội ơi, kể chuyện đời xưa đi bà nội!
-Chuyện đời xưa là chuyện đời nào? – Tiếng bà nội chậm rãi.
-Chuyện cá sấu tu thành rồng rồi ông nược đua với ghe ngoài sông Cái hồi xưa đó bà nội! – Thằng nhỏ háo hức.

Bà nội đổi tay quạt, miệng tiếp lời:
-Hồi xưa miệt đất này nhiều cá sấu lắm. Có con lớn cỡ chiếc ghe lườn, toàn ăn thịt người. Hồi đó, mấy ông thầy câu sấu chuyên bắt sấu rồi mổ bụng lấy cái bao tử của nó, trong đó toàn vòng vàng không! Cá sấu có con đi tu, nằm dưới bung, dưới hầm, không cục cựa ăn uống gì, chờ ngày hóa rồng mà đi. Có mấy người đi mò hến, tưởng khúc cây dừa mới mò thử, thấy nhám sì mà động đậy thì hoảng hồn bò lên bờ, bỏ quên cả cái thúng. Sấu tu lâu,thành rồng bay đi thì đất cù lao sụp xuống, có chỗ lở hết cả mấy bờ dừa.

Thằng nhỏ nghe mê mẩn, hỏi tiếp:
-Vậy còn ông nược là sao hả bà nội?

Bà nội hắng giọng rồi kể:
-Ông nược đầu trọc lốc, mình trơn nhớt mà hiền lắm. Ông nược nuôi con bằng vú như người ta vậy, rất tinh khôn. Hồi xưa ngoài sông Cái, hễ ai đi ghe mà hô “nược đua! nược đua!” là mấy “ông” ngoi lên bơi đua với ghe xuồng hà. Ai mà đi thả lưới, bắt trúng ông nược là khấn vái rồi cắt lưới thả ra, sợ mấy ổng giận đó!
-Vậy giờ sao ngoài sông không còn ông nược nữa hả nội? – Thằng nhỏ hỏi.
-Giờ ghe xuồng ngược xuôi, chắc mấy ổng bỏ đi đâu mất hết rồi. – Bà nội từ tốn trả lời.

Tiếng quạt nan vẫn đều đều. Trên đầu tủ, ngọn đèn cầy hiu hắt tỏa bóng một góc nhà. Ngoài hiên, mưa vẫn rơi rơi từng hạt…

Con bị bệnh gan. Mẹ dắt díu đưa con xuống Cần Thơ trị bệnh ở nhà bà con. Nhà này một mặt phố, một mặt giáp sông. Những ngày chữa bệnh, con quanh quẩn trong nhà, hết đọc ké sách con chủ nhà lại đi ra trước cửa ngắm người đi chợ qua lại.
Mẹ thấy con buồn, tìm cây sào tre buộc dây và lưỡi câu làm cần câu. Hai mẹ con ngồi phía sau nhà buông cần xuống khúc sông đục màu phù sa. Những con cá lòng tong bạc trắng lấp lánh đớp mồi bị giật tung lên không, quẫy mình khe khẽ trong chiếc tô nhựa lưng chừng nước.

Ngày con khỏi bệnh, hai mẹ con lại đùm túm nhau đi về. Chuyến phà cuối đã lật đật chuẩn bị rời bến. Mẹ bế con bỏ lên mũi phà rồi lật đật túm lấy giỏ đồ mà nhảy lên sau. Chiều sông Hậu lao xao sóng vỗ. Bóng mẹ rơi dài trên sóng nước. Mái tóc mẹ vẫn chưa chớm bạc.

Hai thằng ngồi cạnh bờ sông gió lộng. Trời tháng tám không mây, sao mọc đầy. Nhìn về tay trái, ánh đèn thị trấn soi xuống dòng sông lấp loáng, gợi nên sự đông đúc của phố chợ. Phía bên tay phải, bên mé cù lao, một màu tối đen. Thỉnh thoảng lại le lói vài ánh đèn nhỏ xíu như ánh đóm. Mặt sông im lìm, chỉ có sóng vỗ bờ miên man.
– Tao muốn sau này xây cầu nối liền cù lao với thị trấn. – Một thằng nói.
– Để chi? – Thằng còn lại hỏi.
– Để bên đó cũng đông vui, sáng sủa như bên thị trấn này bây giờ. Tao còn muốn xây thêm ở đây trường học, thư viện, bệnh viện nữa. Có như vậy chỗ này mới sớm trở thành thành phố.
– Ừ, tao cũng muốn ở quê mình phát triển hơn. Con người ta có thể ở đây đi học, đi làm, khỏi phải xa xứ lên Sài Gòn nữa. Ai cũng lớn lên rồi đi mất biệt.
– Sau này lớn lên tao sẽ xây dựng thị trấn này thành một thành phố đáng sống.

Trước mặt hai đứa, sóng vẫn vỗ bờ.

Quê ngoại cách quê nội nó một con sông rộng. Nó sinh ra ở quê ngoại, lớn lên ở quê nội. Nhà nó ở phố chợ, còn nhà ngoại nó nằm lọt thỏm trong những vườn nhãn xanh mút mắt, với con rạch nhỏ và những cây bần già khẳng khiu.

Ngày xưa, mỗi lần về ngoại thì phải mất gần một tiếng đi ghe. Chiếc ghe nhỏ rẽ sóng băng qua con sông lớn, rộng mênh mông mang một màu phù sa nâu vàng. Ngày xưa, nó rất ghét sông. Nhiều khi nó muốn người ta lấp con sông đi để nó có thể dễ dàng đi về thăm ngoại nó bằng đường bộ. “Lúc đó khỏi sợ bị chết đuối”, nó nghĩ vậy.

Hồi xưa quê ngoại nó chưa có điện. Nhà ngoại có ao cá sau nhà, con sông trước cửa, cây vú sữa xù xì đứng cạnh vũng ghe. Cứ mỗi lần tết đến là cây vú sữa này lại lúc lỉu những trái xanh căng mọng, mà mỗi lần leo lên cây là nó lại say mê đến quên cả kiến cắn, gai đâm.

Bà ngoại hiền lắm, tóc bạc, da nhăn và miệng bỏm bẻm nhai trầu. Bà hay vắt chiếc khăn trên vai, chiếc khăn chuyên dùng để lau miệng. Nó thường hay ngoái trầu cho bà, vì nó thích việc bôi vôi, quấn cau và ngoái trầu cho ngoại, và được ngửi mùi cỗ trầu thơm ngát. Mùi trầu thấm vào người bà ngoại, thơm tho như một thứ mùi hương của quê nhà mà mỗi tối nó vẫn hay rúc vào trong người bà mà hít hà. Bà ngoại không khi nào la rầy con cháu, mỗi lần nó nghịch phá hay nói gì trêu bà thì bà chỉ cười hiền và mắng yêu: “mồ tổ cha bây a!”.

Lớn lên chút, mỗi lần nó về thăm bà thì đi bằng xe gắn máy, qua phà. Dòng sông dường như cũng nhỏ lại, một cảm nhận mơ hồ tựa như năm tháng đã dài ra. Bà ngoại vẫn hiền, vẫn thơm ngát mùi trầu dù lâu rồi bà không nhai trầu nữa. Mỗi lần nó dúi ít tiền vào túi bà, bà lại cười tủm tỉm. Bà thường để vài tờ tiền trong túi để mấy đứa cháu nó mò lấy, nếu không tụi nó buồn, bà nói vậy.

Một lần nọ, nó giúp đi đón cha xứ qua nhà hàng xóm làm phép xức dầu. Bà cụ họ ở gần nhà hấp hối sắp ra đi. Cái cảm giác lạ lùng khi phải chứng kiến cảnh một con người sắp từ giã cõi đời khiến nó có nhiều suy nghĩ.

Cuộc sống là vô thường. Vị linh mục già nói khẽ khi ông ngồi trên xe nó lúc trở về. Ông bảo nó đưa ông vào nghĩa trang đất thánh của nhà thờ để đọc kinh cho những người đang an nghỉ ở đây. Trong buổi trưa hè đầy nắng đó, giữa những mộ phần lặng im, nó lắng nghe lời vị linh mục. Ông nói với nó về cuộc đời, về tình yêu của Thiên Chúa, và tình yêu của con người với nhau.
– Con hãy vì người mà lập thân, chứ đừng vì người mà hại thân! – Vị linh mục khẽ khàng nói.
– Thưa cha, con xin ghi nhớ lời cha dặn. – Nó đáp.
– Tình cảm là thứ tốt đẹp mà Thiên chúa đã trao tặng. Nhưng nếu con người ta chỉ chìm đắm vào cảm tính mà quên đi lý trí thì sẽ mù quáng trước cuộc đời. Có thứ tình cảm có thể nâng ta lên thì cũng có loại cảm xúc đạp ta xuống. Con hãy nhớ, con hãy trao đi thứ tình cảm mà nó có thể nâng đỡ người khác lên, giúp họ vững tin trong cuộc sống này. Đừng vì cảm xúc mà gây tổn thương cho người khác, vì lúc đó con cũng đang làm đau chính mình đó. – Vị cha xứ nói.
– Dạ vâng.

Quán phở thưa khách dần. Tôi ngồi ngắm những bức tranh treo trên tường, dưới ánh đèn neon. Mỗi bức tranh đều gợi nhớ quê hương, có cây cầu tre, áo dài, con xuồng và hàng dừa. Ở đất nước xa xôi cách nửa vòng trái đất này, một chút quê nhà cũng đủ làm người ta bâng khuâng.
– Chú em là người Việt Nam? – Ông chủ quán cất tiếng hỏi.
– Dạ, con là người Việt, thưa chú. – Tôi đáp.
– Chú em qua đây lâu chưa? Ông tiếp tục hỏi, chắc ông nghĩ tôi là người định cư ở đây.
– Dạ, con ở bên này cũng được khoảng một năm rồi. Chú sinh sống ở đây lâu chưa?
– Tôi sang đây năm 1982. Đến nay cũng gần 35 năm rồi.
– Dạ, hồi trước trong nước chú ở đâu?
– Tôi ở Sài Gòn, dân Bắc di cư. Năm 1982 tôi đi vượt biên sang đây.
– Dạ, vậy chú có hay về Việt Nam chơi không?

Ông chủ quán lắc đầu, khẽ nói:
– Năm 1982 cả nhà tôi bán hết gia sản rồi chạy sang đây. Suốt từ đó tới nay hai vợ chồng lo làm lụng nuôi mấy đứa con đi học, đâu có thời gian mà về. Năm nay thằng con út tôi cưới vợ đây.

Rồi ông nói khẽ thêm:
-Mà giờ tôi cũng không muốn về nữa. Sài Gòn theo trí nhớ của tôi thì giờ đâu còn. Những gì văn minh, tốt đẹp đã bị mất đi gần hết rồi. Thành phố giờ chỉ còn ồn ào, bụi bặm và kẹt xe thôi.
– Dạ, con hiểu. – Tôi mỉm cười, khẽ đáp. Một nụ cười thoáng chút buồn không tên.

Trần Hoàng Trường Hải
Thân mến
TQĐ

Không có nhận xét nào: