Việc Bình Nhưỡng điều gần 12 ngàn quân đến chiến đấu cho Matxcơva trong cuộc chiến tranh Ukraina càng làm cho liên minh quân sự Nga – Triều thêm mạnh mẽ. Sự việc này có thể đe dọa sự ổn định của mối tương quan lực lượng mong manh ở vùng Đông Bắc Á, và buộc Nhật Bản phải thu hẹp quy mô tham gia các vấn đề hàng hải ở Đông Á và Đông Nam Á nhằm đối phó với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.Quân đội Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa hành trình chiến lược tại Biển Nhật Bản: Ảnh do hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp, ngày 21/08/2023. AFP - STR Minh Anh
Trong hai thập kỷ, một thế hệ lãnh đạo mới ở Tokyo đã khuyến khích chuyển hướng chiến lược quốc phòng, từ thế trận phòng thủ khép kín, hạn chế sang tham gia nhiều hơn vào chủ nghĩa đa phương do Mỹ dẫn đầu. Điều này được thể hiện qua việc cựu thủ tướng Shinzo Abe cho diễn giải lại Hiến pháp chủ hòa của đất nước mở rộng thêm phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hồi sinh Đối thoại An ninh Bốn bên (Bộ Tứ - QUAD), tham gia nhiều cuộc tập trận hải quân với các nước thành viên của QUAD ở vùng biển xa xôi như Ấn Độ Dương.
Song song đó, SDF còn chuyển trọng tâm về phía nam, tăng cường năng lực bảo vệ các quần đảo cực nam (Nansei Shoto), chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc. Chính sách này của ông Abe đã củng cố tầm nhìn của Mỹ về trật tự Đông Á và khiến Tokyo được nhiều nước trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tin cậy.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Ben Sando, Viện Đài Loan Toàn Cầu, trụ sở tại Washington DC., tầm nhìn này của Tokyo ngầm dựa trên định đề : Có một thế tương quan lực lượng có thể dự đoán tại vùng Đông Bắc Á. Theo đó, Bắc Triều Tiên – trở ngại chính cho hòa bình khu vực – về cơ bản bị chiếc ô hạt nhân của Mỹ răn đe, và vẫn còn yếu kém, nghèo khó do các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Quốc trong nhiều thập kỷ.
Trong khi Hàn Quốc bận tâm đến việc cân bằng sức mạnh quân sự với Bắc Triều Tiên thì Nhật Bản có thể ưu tiên các vấn đề vượt ra ngoài quần đảo của mình như mối đe dọa Trung Quốc đối với an ninh hàng hải tại Đông và Đông Nam Á. Đối với các nhà hoạch định chính sách quốc phòng, mối họa Bắc Triều Tiên không khẩn cấp bằng chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Giờ đây, với việc liên minh quân sự với Nga, Bắc Triều Tiên – một quốc gia còn yếu – có thể củng cố các năng lực công nghệ quốc phòng. Matxcơva đã chia sẻ công nghệ phòng không, hỗ trợ Bình Nhưỡng chương trình quân sự không gian bị bế tắc và nhất là có nhiều đồn đoán cho rằng Nga có khả năng chuyển giao công nghệ tầu ngầm hạt nhân cho Bình Nhưỡng, hiện chỉ hoạt động trong vùng biển nước này tại Biển Nhật Bản.
Nhìn chung, mối liên minh này không những có thể giúp Bình Nhưỡng thoát một phần sự phụ thuộc vào Trung Quốc, cho phép nước này triển khai lực lượng vượt ra ngoài bán đảo Triều Tiên, và nhất là có thể có những hành động gây hấn (có thể có tính toán) leo thang căng thẳng đối với các nước láng giềng trong khu vực.
Theo nhận định từ nhà nghiên cứu Ben Sando trên trang East Asia Forum, những điều này có nguy cơ buộc Nhật Bản phải định hướng lại chiến lược, chuyển từ kềm chế Trung Quốc sang răn đe Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Tokyo còn lo lắng trước việc Bình Nhưỡng cũng sẽ mở rộng năng lực quân sự phục vụ các lợi ích của Matxcơva và Bắc Kinh, vốn dĩ đều phản đối Nhật Bản hậu thuẫn cho Đài Loan và Ukraina.
Nếu như chính sách của chính quyền Donald Trump đối với Bắc Triều Tiên hiện vẫn chưa rõ ràng – và đây cũng là điều cơ bản để Bình Nhưỡng vạch ra chiến lược của mình, thì ông Ben Sando cho rằng, Nhật Bản có lẽ không nên chờ đợi chính sách ngoại giao đơn phương từ Mỹ.
Thay vào đó, Tokyo nên tăng cường mối hợp tác quốc phòng ba bên đã có với Washington và Seoul. Nếu Nhật Bản học được cách tin tưởng Hàn Quốc và liên minh Mỹ - Hàn, thì Nhật Bản có thể tiếp tục giữ "thế tấn công", cho phép SDF được triển khai ngoài vùng Đông Bắc Á !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét