Từ trái: Trần Yên Hòa, Khánh Trường, Thành Tôn.
Thật ra, trước 1975, tôi cũng đã đọc nhiều sách, nhiều tạp san văn học ở Sài Gòn, (hay tỉnh lẻ), tôi chưa đọc đến tên Khánh trường, biết tên Khánh Trường. Tên đó (hay bút danh đó) hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Cho đến, đầu năm 1995, tôi sang Mỹ. Qua Mỹ chân ướt chân ráo, còn lạ lẫm đủ thứ, may nhờ anh Ngô Kỷ, một người học trò cũ của tôi (tôi dạy kèm Ngô Kỷ, nên tạm gọi vậy), dẫn dắt và giới thiệu tôi vào làm công cho một nhà in trên đường Bolsa, gần Bưu Điện Bolsa...Công việc là làm lặc vặc đủ mọi chuyện, nghĩa là đụng đâu làm đó, sai đâu làm đó...Tôi quên tên nhà in nhưng nhớ chủ nhà in tên là Phú.
<!>
Đây là nhà in in tạp chí Hợp Lưu...Những lúc rảnh rổi (chút xíu), tôi có đọc "ké" Hợp Lưu mới được in ra. Phải nói là tôi rất thích. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với văn học hải ngoại. Qua Hợp Lưu, tôi biết người chủ trương Hợp Lưu là Khánh Trường.
Thường, Khánh Trường ra nhận Hợp Lưu khi vừa in xong, rồi chở trên một chiếc xe truck. Biết vậy, nên tôi tới gặp Khánh Trường và nhờ anh cho biết địa chỉ của nhà văn Trần Hoài Thư, người thầy dạy cũ của tôi. Khánh Trường về nhà và ghi địa chỉ của thầy Trần Hoài Thư đem ra cho tôi. Nhờ vậy tôi đã liên lạc lại được với người thầy mà tôi quý mến.
Đọc "ké" mấy tập Hợp Lưu, rất hay, văn hay, thơ hay, biên khảo hay, nhưng (lúc đó) tôi vẫn thấy có một điều gì gợn gợn trong tôi, có một vài ý kiến bất đồng. Nghĩa là, tôi mới ở VN sang, sau 20 năm sống trên đất nước VN cộng sản. Dĩ nhiên tôi không quên được những ngày tù khổ sai, làm việc cưỡng bách trong các trại cải tạo. Nay mới được nhìn lại lá cờ vàng ba sọc đỏ đến ứa nước mắt...Thế mà hợp lưu (với cờ đỏ sao vàng) sao được đây hở trời! Cho nên tôi cảm thấy rờn rợn, gai góc đầy mình là vậy...
*
Cái tên Khánh Trường, theo Khánh Trường nói sau này, lúc anh sinh ra, cha mẹ anh đang tản cư ở xã Trường Xuân, làng Khánh Thọ, huyện Tam Kỳ, Quảng Nam. Anh sinh ra ở địa phương này, nên cha mẹ anh đặt tên anh là Khánh Trường (Khánh Thọ, Trường Xuân)...Cùng huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam với tôi, nên sau này quen nhau, tôi thường nhân đó mà nhận Khánh Trường là đồng hương, dù Khánh Trường ít khi nhắc tới quê của mình, nói rằng lớn lên anh đi cùng nơi chi xứ.
Theo tôi, Khánh Trường thành danh ở hội họa nhiều hơn ở văn học (văn, thơ). Tranh anh có màu sắc, có bố cục, nhất là những tranh về thiền...Xem tranh của Khánh Trường tuy không hiểu nhiều nhưng mình tự thấy như đang ở một thế giới nhẹ tênh...
Và nữa, Khánh Trường làm chủ biên tạp chí Hợp Lưu rất xuất sắc, anh biết chọn bài hay, trình bày sách đẹp và lôi kéo được một số nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo cộng tác có giá trị, có cả những nhà văn, nhà phê bình nỗi tiếng ở trong nước cộng tác. Đó cũng là một thành công.
Nhiều khi cái thành công đó, khiến Khánh Trường có vẻ cao ngạo, ngông nghênh...Dù tôi biết trước bảy lăm, anh chỉ là một người lính nhảy dù (không là sĩ quan) và tôi tự lý luận, là lính trơn nên Khánh Trường chắc cũng không có bằng cấp gì về văn hóa, (chứ có tú tài 1 đã đi sĩ quan rồi). Nên khi có chút tiếng tăm về hội họa, văn học Khánh Trường có sự cao ngạo, ngông nghênh, đó có phải để khỏa lấp chuyện đi "lính trơn" của mình không?
Một vài kỷ niệm
Không nhớ vào năm nào, tháng nào, hình như khoảng 2012..., nhà thơ Thái Tú Hạp & Ái Cầm tổ chức Ra Mắt Sách cho các tác giả: nhà thơ Hoàng Lộc, nhà văn Lâm Chương, nhà thơ Phan Xuân Sinh, nhà thơ Đức Phổ tại Little Sài Gòn. Các tác giả ở các tiểu bang thật xa về đây Ra Mắt Sách...Buổi Ra Mắt Sách rất vui, tạm coi như thành công.
Tôi thấy đây là dịp rất hiếm để các anh em văn nghệ gặp nhau. Ở chỗ Ra Mắt Sách thì đông người, nên không nói chuyện được nhiều... Tôi bèn có nhã ý mời các bạn văn đến nhà tôi nhậu chơi một bữa. Tôi ngõ ý với nhà thơ Thành Tôn, anh đồng ý, nên buổi chiều hôm sau đó, tại nhà tôi có mặt nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Phùng Nguyễn, Thành Tôn, Khánh Trường, Hà Nguyên Du, Lâm Chương, Phan Xuân Sinh, Đức Phổ...(hình như có thêm Đặng Hiền, Nguyễn Nam An, và cô Thúy Vân Nguyễn Thị Mắt Nâu)... thiếu Hoàng Lộc vì Hoàng Lộc bận với người yêu thơ anh..
Đây là lần đầu tiên ngồi nhậu với Khánh Trường. Khánh Trường lúc này còn khỏe, da dẽ hồng hào...uống rượu rất bạo.
Lúc này Hà Nguyên Du in một tập thơ, có nhờ Khánh Trường vẽ bìa. Khánh Trường có một tranh mẫu bìa đã gởi cho cô Bích Xuân tại Pháp, làm bìa tập thơ của cô. Nhân chuyện gấp gáp nên Khánh Trường gởi tranh bìa này cho Hà Nguyên Du làm bìa luôn tập thơ của HND. Không biết do đâu mà Hà Nguyên Du biết tranh bìa tập thơ của mình trùng với bìa với một cuốn sách của Bích Xuân, Hà Nguyên Du đem chuyện này ra phàn nàn (lèng èng) với Khánh Trường và anh em trong chiếu rượu. Khánh Trường đang hơi men nên đã tức khí ném cái ly rượu đang uống vào mặt Hà Nguyên Du. May mà chiếc ly đi chệch đích.
Chuyện sau đó trở thành không vui, Phùng Nguyễn phải chở anh Nguyễn Xuân Hoàng ra phi trường để về San Jose, và mọi anh em có mặt đều buồn, từ từ lục tục ra về.
Nghe nói sau vụ đó, Khánh Trường về bị trock...Thời gian sau anh nằm trong một nursinghome, tôi có đến thăm...
*
Sau này có nhiều dịp tôi gặp Khánh Trường. Tôi đến nhà Khánh Trường nhờ anh cho mượn tranh để triển lãm trong Ngày Họp Mặt Liên Trường Quảng Nam Đà Nẵng và Ngày Họp Mặt cựu học sinh trung học Trần Cao Vân Tam kỳ. Mỗi lần đến nhà anh mượn tranh, Khánh Trường và chị Oanh đều nhiệt tình cho mượn (...kể các các họa sĩ Hồ Thành Đức, Nguyễn Đình Thuần cũng vậy).
Đó cũng là một kỷ niệm rất đẹp.
Bây giờ thì các anh Nguyễn Xuân Hoàng, Phùng Nguyễn, Phan Xuân Sinh đã mất, nay đến lượt Khánh Trường...Thật buồn thay!
Nhớ lắm Khánh Trường ơi!
Chúc bạn ra đi thanh thản!
-- Trần Yên Hòa
Anaheim, 28-12-2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét