Xin nguyện cầu Hương Linh của Anh ngàn thu yên nghỉ! Anh chính là một biểu tượng của Tống Lê Chân, là niềm hãnh diện của cựu sinh viên sĩ quan khóa 21 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam – Đà lạt. Viết để ngợi ca và vinh danh 275 chiến sĩ Mũ Nâu của Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân và người bạn cùng khóa, cố Trung Tá Lê Văn Ngôn. Xin nguyện cầu Hương Linh của Anh ngàn thu yên nghỉ! Anh chính là một biểu tượng của Tống Lê Chân, là niềm hãnh diện của cựu sinh viên sĩ quan khóa 21 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam – Đà lạt.
<!>
Điểm qua những cuộc chiến của nhân loại nói chung và của dân tộc Việt nói riêng, cứ mỗi địa danh được ghi vào quân sử thường gắn liền với một danh nhân lẫy lừng nào đó. Chúng ta vẫn còn nhớ, trong trận đổ bộ Normandy vào đêm 6 tháng 6, 1944 để giải phóng nước Pháp, Tướng thiếp giáp George Patton của Mỹ, mà tên tuổi của ông đã được ca ngợi như là một vị tướng mưu lược qua chiến thắng lẫy lừng này. Từ ngàn xưa ở Việt Nam, danh tướng Ngô Quyền đã lẫy lừng giết quân giặc xâm lược và tên của ông luôn gắn liền với trận Bạch Đằng Giang. Còn vị anh hùng dân tộc Quang Trung, với trận Đống Đa đánh đuổi giặc Thanh, cũng đã được ghi vào sử sách v.v…Ở thế hệ của chúng ta cũng đã xẩy ra nhiều trận đánh khốc liệt và dai dẳng. Như tại mặt trận An Lộc, cộng quân tràn ngập thị xã này vào ngày 8 tháng 4 năm 1972, thì có Tướng Lê Văn Hưng cùng lời thề tử thủ và đã giữ vững mặt trận này trong hơn 110 ngày bị bao vây với những trận mưa pháo kinh hoàng của địch. Tôi còn nhớ rất rõ chỉ vỏn vẹn trong một đêm, các đơn vị trú phòng phải hứng chịu đến 10 ngàn quả đạn pháo, để rồi sau đó, T54 cùng với bộ binh tùng thiết, liền tràn ngập tấn công, nhưng tất cả đều bị biến thành những khối sắt đen ngòm, nằm bất động, ngổn ngang trong lòng thị xã và ngay giữa tuyến phòng thủ đơn vị của tôi với Liên Đoàn 81 Biệt Kích Nhảy Dù.
Nhìn lại toàn cuộc chiến mùa Hè của năm 1972, từ Dakto-Tân Cảnh xuống tới An Lộc-Bình Long rồi ra tận Quảng Trị kiêu hùng, Trung Tá Lê Văn Ngôn đã nổi lên như một người hùng. Anh sinh năm 1941 tại thị xã Vĩnh Long, trong một gia đình nho giáo, cha và người anh cả của Ngôn đều chọn nghề dạy học và rất được sự kính trọng của phụ huynh lẫn học sinh trong vùng. Như bao thanh niên khác cùng thế hệ, Ngôn đành phải xếp bút nghiên, giã từ giảng đường đại học, nơi mà tuổi trẻ luôn miệt mài đầu tư cho tương lai tươi sáng của mình. Vì Anh ý thức được bổn phận và trách nhiệm của người trai trong thời Quốc biến, cho nên, cuối năm 1964, Anh tình nguyên gia nhập khóa 21 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, như là một sự dấn thân để phục vụ lúc Tổ Quốc lúc đang cần. Vào thời điểm ấy, bọn Cộng Sản đã có những toan tính lọc lừa, ngang tàng xua quân vào để mở rộng cuộc chiến xâm lược miền Nam. Những trận đánh lớn đã thuờng xuyên xẩy ra trên khắp bốn vùng chiến thuật và đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự tham chiến ồ ạt của Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam vào năm 1965.
Lê Văn Ngôn tốt nghiệp ngày 26/11/1966 với cấp bậc thiếu úy hiện dịch và Anh chọn Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt để phục vụ. Do nhu cầu phát triển của Quân Lực, vài năm sau đó, binh chủng này bị giải tán và được sát nhập vào Biệt Động Quân. Ngôn được bổ nhiệm giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trại Lực Lượng Đặc Biệt Biên Phòng Tống Lê Chân vào năm 1972, rồi đơn vị này được cải danh thành Tiểu Đoàn 92 BĐQ và Ngôn trở thành vị Tiểu Đoàn Trưởng.
Nói về căn cứ Tống Lê Chân, nơi này là vùng đất của hai xã Minh Đức và Minh Tâm thuộc tỉnh Bình Long, là một trại biên phòng, nằm cách biên giới Việt-Miên 13 km về phía Nam và cách thị xã An Lộc 15 km về hướng Đông Bắc, nghĩa là hết tầm yểm trợ của đại bác 155 ly. Nguyên thủy, cứ điểm ấy mang một tên địa phương là Tonlé Tchombé, sau đó, chỉ huy trưởng đầu tiên của trại này là Thiếu Tá Đặng Hưng Long đã đổi thành Tống Lê Chân. Trại được bao quanh bởi 8 lớp hàng rào kẻm gai, cộng thêm với hệ thống mìn bẩy dầy đặc, tự nó đã rất vững vàng trong việc phòng thủ, cũng đã góp phần đẩy lui nhiều cuộc tấn công điên cuồng của bọn giặc Cộng. Ngự trị trên một ngọn đồi yên ngựa, cao khoảng 50 mét, nhìn xuống hai dòng suối nhỏ là Takon và Neron và có một phi trường nằm trên ngọn đồi thấp của dãy yên ngựa này mà vận tải cơ C.123 có thể đáp được.
Tống Lê Chân bị tấn công kể từ ngày 10 tháng 5, 1972. Vào thời điểm khốc liệt ấy, những dàn phòng không dầy đặc của địch thực sự đã kiểm soát được vòm trời của căn cứ, gây không ít trở ngại cho Không Quân VNCH khi phải thực hiện các phi vụ tiếp tế và yểm trợ. Giống như tình trạng tại An Lộc, trong những ngày đầu bị vây hãm, mọi tiếp tế lương thực và đạn dược đều được thực hiện bằng cách thả dù. Nhưng hầu như chỉ một nửa rơi vào vòng phòng thủ cuả ta và phần còn lại thì rớt xuống vùng của địch. Thế mà Tống Lê Chân vẫn đứng lừng lững, dũng cảm và hiên ngang với nhiệm vụ chận đứng mọi sự chuyển quân của VC từ Campuchia xuống phía Nam, cứ điểm này chính là một vị trí chiến lược, trở thành một tiền đồn trọng yếu trong việc phòng thủ Sài Gòn.
Tống Lê Chân được thành lập bởi lực lượng Hoa Kỳ, họ xây dựng một hệ thống giao thông hào chằng chịt, rất thích ứng với chiến thuật phòng thủ. Từ hệ thống có sẵn này, Ngôn ra lệnh cho binh sĩ đào ra những ngách nhỏ, kích thước vừa đủ trú ẩn cho mỗi cá nhân, vừa dùng để quan sát địch, vừa tránh pháo, lại vừa chiến đấu rất hữu hiệu.
(Tr/tá Lê Văn Ngôn)
Thật vậy, Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân và Ngôn đã cùng chung nhịp thở với Tống Lê Chân trong 510 ngày bị vây hãm, họ phải chiến đấu trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Họ phải tiết kiệm từng viên đạn và thậm chí ngay cả từng hớp nước uống! Với hơn 20 lần bị tấn công, 7 lần bị đánh đặc công, 233 lần với khoảng hơn 14,500 đạn pháo đủ loại đã dội vào căn cứ. Tống Lê Chân hiển nhiên đã trở thành một trận chiến dai dẳng nhất.Trong suốt thời gian đó, VC đã rót vô số bom đạn đủ loại, nướng không biết bao nhiêu con thiêu thân cuồng tín vào mặt trân này. Đây là một bãi chiến trường mà ban ngày cũng như ban đêm, đều bị choáng ngợp bởi mùi nồng nặc và khét lẹt của thuốc súng. Nhưng bọn chúng cũng thất bại trước toan tính san bằng cứ điểm và đã không đè bẹp được tinh thần chiến đấu kiên cường của những dũng sĩ Mũ Nâu. Do đó, song song với việc tấn công hỏa lực, hằng ngày chúng đã phát động chiến dịch chiêu dụ bằng cách dùng loa kêu gọi rã ngủ hay đầu hàng. Hẳn nhiên, đã có phần tác động đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ và gây ra không ít khó khăn cho sự chỉ huy của Ngôn. Và …“Ngôn cũng vô hiệu hóa chiến dịch ấy bằng nghệ thuật chỉ huy và bằng sự can đảm của chính bản thân mình.”
Vài hàng dưới đây, tôi muốn đưa lên vài trận đánh đã diễn ra qua nhiều cuộc chiến khác nhau để chúng ta dễ dàng làm một sự so sánh và từ đó chúng ta có thể hãnh diện mà vinh danh sức chịu đựng, tinh thần chiến đấu kiên cường của những người lính trận miền Nam nói chung và của Tiểu Đoàn 92 BDQ nói riêng.
Hồi thời Đệ Nhị Thế Chiến, Quân Đức Quốc Xã rất hùng mạnh lúc bấy giờ, đã tấn công thành phố Stalingrad kể từ ngày 17/7/1942, nhưng đến ngày 2/2/1943 phải rút lui trong thảm bại. Tính ra thì sự chịu đựng của binh lính Nga cũng chưa đến 6 tháng.
Cũng vào thời kỳ này, quân đội Nhật tấn công cứ điểm Bataan ở Phi Luật Tân do lực lượng Hoa kỳ và Phi Luật Tân trấn giữ vào tháng 12/1941 và đến ngày 24/7/1942, Tướng Douglas MacArthur phải ra lệnh rút lui.
Quân lực Anh và khối thịnh vượng chung Âu Châu trấn giữ Tobruk tại North Africa, đương đầu với cuộc bao vây của liên quân Đức-Ý, doTướng Erwin Rommel chỉ huy. Trong trận này, Quân đội Anh cũng chỉ cầm cự được từ ngày 11/4/1941 đến ngày 27/11/1941, rồi bị thất thủ, nghĩa là chỉ khoảng 240 ngày.
Còn tại Việt Nam, quân Cộng sản tấn công và bao vây quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ vào ngày 13/3/1954 cho đến ngày 7/5/1954 thì Pháp thua trận, có nghĩa là chỉ giữ được cứ điểm này trong vòng 57 ngày.
Cận kề bên Tống Lê Chân trong mùa đỏ lửa, với ý đồ muốn biến An Lộc thành bình địa, Cộng quân cũng chỉ có khả năng bao vây thị xã này được 110 ngày, để sau cùng phải gánh chịu một sự tổn thất rất nặng nề, vì rằng cả 3 sư đoàn, đó là Sư Đoàn 5, 7 và 9 của địch đều bị tổn thất rất nặng và phải rút qua bên kia biên giới Việt-Miên.
Chúng ta rất hãnh diện về tinh thần hào hùng của các chiến hữu mũ nâu, Tiểu Đoàn 92 BĐQ đã anh dũng chiến đấu trong những điều kiện vô cùng nghiệt ngã và đơn độc. Thật vậy, những chiến sĩ này và Lê Văn Ngôn đã lập nên một kỳ công về lòng can đảm và sức đựng! Ngôn, vị trung tá trẻ (29 tuổi) của QLVNCH, dường như đã cột chặt tên anh và rực sáng lên cùng với địa danh này. Trong nỗi gian nguy được tính theo từng giây phút, trong cận kề cái chết, vị chỉ huy trẻ ấy đã mưu lược, dũng cảm và âm thầm lèo lái đơn vị, luôn luôn sát cánh với thuộc cấp để giữ vững tinh thần, giữ lửa chiến đấu cho nhau, cùng nhau ghì chặt tay súng trước một chiến trường vô cùng khốc liệt!
Đúng vậy, một cuộc chiến đấu thật oanh liệt của các chiến sĩ mũ nâu, trong một hoàn cảnh bất cân xứng về tương quan lực lượng đối đầu giữa hai bên! Tiểu đoàn 92 Biệt Động Quân với vỏn vẹn chỉ có 275 người, đã cùng nhau vượt lên trên giới hạn tột cùng của sự gian nguy bằng chính tinh thần trách nhiệm, danh dự và ý chí chiến đấu của mỗi người lính VNCH.
Lê Văn Ngôn và Tống Lê Chân trở thành một biểu tượng, đã hòa nhập với nhau như bóng với hình, tạo nên một thành tích lẫy lừng, tô đậm thêm trang sử, mà vốn dĩ đã quá lẫy lừng của binh chủng BĐQ nói riêng về lòng can đảm, sức chịu đựng và tinh thần kỷ luật trong chiến đấu.
Được biết, sau khi Trung Tướng Phạm Quốc Thuần về thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Minh ngày 29 tháng 10 năm 1973, vị tân Tư Lệnh Quân III đã đệ trình lên Bộ Tổng Tham Mưu một kế hoạch gồm 2 giải pháp cho trại Tống Lê Chân:
– Nếu tiếp tục duy trì căn cứ trọng yếu này thì phải khai thông một con đường từ thị xã An Lộc đến Tống Lê Chân để đưa một đơn vị khác vào thay cho Tiểu Đoàn 92 BĐQ.
– Hoặc là bỏ cứ điểm đó và Tiểu Đoàn 92 BĐQ âm thầm rút khỏi căn cứ, rồi tìm cách bắt tay với các đơn vị bạn.
Vào khoảng đầu năm 1974, Bộ Tổng Tham Mưu không còn bất cứ một lực lượng Tổng trừ bị nào nằm tại Thủ Đô để thực hiện kế hoạch thứ nhất, cho nên Tướng Thuần đã cho phép Trung Tá Ngôn tùy nghi quyết định.
Với một khoảng thời gian quá dài mà đêm ngày luôn trực diện với địch, hẳn đã vượt ra ngoài sức chịu đựng của người Lính. Cuối cùng, Ngôn cũng đành phải ngậm ngùi để lại Tống Lê Chân phía sau lưng và toàn bộ đơn vị rút khỏi căn cứ vào đêm 11/4/1974. Ngôn đã đưa Tiểu Đoàn về đến thị xã An Lộc vào ngày 16 tháng 4 với chỉ còn vỏn vẹn 196 chiến binh, đặc biệt là có đến 2 phi công chính và 2 phi công phụ trong số này.
Tất cả các tử sĩ đều được chôn cất ngay tại cột cờ chính của căn cứ. Cũng ghi nhận thêm là đã có một chiếc Chinook, 2 chiếc trực thăng UH1, 1 chiếc khu trục và một chiếc quan sát L.19 bị bắn rớt và phải nằm lại tại chiến trường này.
Một thời gian sau đó, Ngôn được điều động theo học khóa 2/74 Bộ Binh cao cấp tại Long Thành. Tốt nghiệp, Ngôn được thuyên chuyển về Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
Vào một buổi trưa nắng gắt của tháng 3 năm 1975, khi Trung Đoàn 8 thay thế nhiệm vụ, Tiểu Đoàn của tôi rời vùng hành quân ở phía Bắc Bầu Bàng, nằm giữa Lai Khê và Bến Cát.
Trên đường trở về hậu cứ, tôi phải di chuyển qua căn cứ tiền phương của Trung Đoàn 8, nơi đây là Bộ Chỉ Huy nhẹ của Ngôn. Ghé vào đó để thăm một người bạn mà kể từ khi rời trường Mẹ (Trường Võ Bị Đà Lạt), đây chính là lần hội ngộ đầu tiên với Ngôn.
Ngôn đứng đón tôi ở ngoài hầm chỉ huy, Thiếu Tá Đổng Duy Hùng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3/9 phải đứng nghiêm chỉnh chào Trung Tá Lê Văn Ngôn, Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 8/Sư Đoàn 5 theo đúng quân kỷ. Sau đó, cả hai chúng tôi nhanh chóng quay về với tình bằng hữu, trong vòng 30 phút cùng nhau hàn huyên, ngôn ngữ trao đổi chỉ là “mày tao” rất thân thiết, rất tự nhiên của những người cùng một khóa tại TVBQGVN. Chúng tôi ôn lại những kỷ niệm của một thời thật đẹp khi còn là Sinh Viên Sĩ Quan với quá nhiều hoài bão. Thế mà mãi cho đến ngày mất nước, hai chúng tôi vẫn không được may mắn để gặp lại nhau cho lần kế tiếp.
Vài sự kiện được ghi nhận quanh chiến sự diễn ra trong thời điểm Tống Lê Chân đỏ lửa:
Lúc bấy giờ, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III có ý định rút bỏ 4 căn cứ: Thiện Ngôn, Katum, Tống Lê Chân và Bù Gia Mập. Khi lệnh này truyền đến, Ngôn đã khảng khái xin được ở lại chiến đấu và nói rằng Biệt Động Quân chưa được đánh địch mà sao lại phải rút lui! Tiếc quá, đừng nên rút. Câu hỏi tiếp theo là liệu có giữ nỗi không? Bằng mọi giá, tôi và tất cả binh sĩ đều tình nguyện ở lại với căn cứ này. Đó là câu trả lời cương quyết của nguời chỉ huy và căn cứ đã đứng vững như là lời hứa, mà người chỉ huy thì rất trẻ so với tuổi lính của Anh.
Có một phi vụ từ phi trường Biên Hòa bay vào tiếp tế cho Tống Lê Chân. Phi vụ này có nhiệm vụ mang quà tưởng thưởng của Quân Dân miền Nam, lương thực đạn dược và cặp lon Trung Tá cho Ngôn. Đặc biệt hơn nữa, người bay phi vụ này là bạn cùng khoá với Ngôn, Thiếu Tá phi công Trần Gia Bảo (khóa 21 Đà Lạt). Đây là một nghĩa cử rất anh hùng, bởi vì Bảo rất cảm thông, muốn chia xẻ phần nào đó về sức chịu đựng phi thường và mang những nhu cầu cần thiết đến cho đơn vị bạn. Do đó, Bảo đã bất chấp mọi hiểm nguy đang rình rập và tự tình nguyện thực hiện chuyến bay. Được biết phi vụ này hầu như bay bằng kỷ thuật phi cụ và gồm 2 chiếc Lôi Điểu: Lôi Điểu1 do Bảo điều khiển đáp trước, Lôi Điểu 2 phải bay vòng chờ Bảo rời Landing Zone mới nhào xuống. Nhưng chẳng may, chiếc này bị va chạm làm cho hai người bị thương. Vì có yếu tố bất ngờ và lại bay không đèn, nên chỉ ghi nhận được những tiếng súng bắn cầu âu của địch mà chẳng hề hấn gì đến phi cơ.
K21/BĐQ Lê Văn Ngôn ngày đêm tử thủ Tống Lê Chân giữa trùng điệp giặc Bắc,
K21/KQ Trần Gia Bảo liều mình bay vào lửa tiếp đạn cho Ngôn diệt quân thù.
Kẻ thù muốn giết Ngôn ngay từ ngày khởi đầu của cuộc vây hảm, nhưng thực tế chứng minh rằng họ đã thất bại. Sau biến cố đau thương của cả Dân Tộc vào tháng Tư đen, cùng với những sĩ quan khác, Ngôn cũng bị tống vào địa ngục của trần gian này và thêm một lần nữa để họ trả thù. Ngôn bị đọa đày cho đến hơi tàn lực kiệt! Trong khung trời ảm đạm của một ngày mùa Đông buốt giá vào cuối năm 1977, tại trại 1, Liên trại 1, Đoàn 776 thuộc vùng Yên Bái và sau hơn hai tháng chịu đựng từ căn bệnh ung thư gan quái ác kia, thế mà Ngôn chỉ được điều trị bằng thuốc “thần dược trị bá bệnh xuyên tâm liên”. Vào ngày 19/1/1978, Ngôn đã vĩnh biệt cõi đời từ nơi ngục tù Yên Bái ấy, lạnh lùng, âm thầm đi vào lòng đất Mẹ, chẳng có một chiến hữu tiễn đưa, không có môt nén nhang để sưởi ấm Hương Linh!
Ngôn đã chết thật rồi, chết tức tưởi, đau thương và hẩm hiu đến tột cùng! Khóa 21 luôn hãnh diện về Ngôn và chúng tôi đã dành nhiều phút im lặng trong những lúc hội ngộ để mặc niệm và nguyện cầu Vong Linh của Anh được ngàn đời yên nghỉ!
Rồi qua những năm dài sau đó, mãi đến ngày 8 tháng 3 năm 1996, chị quả phụ Lê Văn Ngôn cùng hai người con đã lặn lội đến tận Yên Bái để mang xương cốt của người chồng yêu quí về lại nơi chôn nhau cắt rốn, để được ấm áp bên mộ Cha, mộ Mẹ, bên mộ Ông Bà, Tổ Tiên! Vợ chồng của Ngôn đã hội ngộ trong một hoàn cảnh như thế đó! Quả là xé lòng qua cái thảm trạng tử biệt sinh ly này! Trên đường ôm cốt chồng trở về, một bất hạnh khác lại ập xuống gia đình của chị, đứa con út bị một tai nạn ngay tại Hà Nội và hiện đang sống vất vưởng với mảnh đời tàn phế!
Thương thay cho thân phận của những ai đã trót làm vợ của người lính Việt Nam Cộng Hòa, nhất là trong một thời loạn ly, lại phải sống tại một xã hội mà bọn quỷ đỏ cộng sản đã có cả một chính sách, chủ trương để reo rắc và cổ võ cho sự hận thù. Sự bất hạnh đâu có dừng lại tại đó!
Được biết người chị ruột của Ngôn đã làm đơn bảo lãnh cho vợ con của Ngôn theo chương trình H.O. Nhưng khi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn tại Sài Gòn, thì gia đình này bị từ chối chỉ vì có sự khác biệt về ngày khai tử qua lời khai giữa người chị và vợ của Ngôn. Quả thật tội nghiệp, đúng là họa vô đơn chí!
Sau tháng Tư đen, ngày tang tóc của cả một dân tộc, số phận của quí chị cũng đã gắn liền với thảm họa ấy, cũng đau thương, cũng nổi trôi, cũng bềnh bồng và cũng lắm thăng trầm như vận nước của của chúng ta.
Đổng Duy Hùng
Khóa 21 TVBQGVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét