Với tất cả lòng thành kính, ngưỡng phục, con–một chúng sinh vô danh– hướng về Đức Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ, một bậc Đại trí giả vừa rời cõi tạm trần gian*. TH
*Bài viết nầy cách nay hơn 1 năm (06/12/2023)
1/-Khung trời cũ (Không đề)
Tác giả: Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ
*Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn
Trong một bài tản mạn mùa đông tôi đem bốn câu thơ đoạn II bài thơ trên của vị đại Thiền sư, thi sĩ, Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ vào phần mở đầu, và định sẽ đăng trọn bài thơ phần kết thúc bài tản mạn- bài thơ mà một đại-thi-sĩ khác –Bùi Giáng– đã hết lời ca ngợi và nhận xét: ”Chỉ một bài thơ Tuệ Sỹ đã trùm hết mọi chân trời mới cũ từ Đường Thi Trung Hoa sang Siêu Thực Tây Phương”.
Giai thoại chính thi sĩ Bùi Giáng kể về “thi sĩ, thiền sư” Tuệ Sỹ vào năm 1969 khi ông vừa đọc xong bài ”Khung trời cũ”, mà lúc đầu tựa là Không Đề, rằng: “ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề có bao giờ vướng luỵ, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm?”.
Chỉ mới nghe bốn câu đầu thôi đã khiến Bùi Giáng ”cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ”, “đã khiến khiếp vía mất ăn mất ngủ”.
Và thi sĩ Bùi Giáng đã ”hoảng vía đề nghị rằng: Đại sư nên gác bỏ viết sách và làm thơ tiếp nhiều cho, nếu không thì nền thi ca mất một thiên tài quá lớn”
Sau thi sĩ Bùi Giáng, còn ai khác ngoài triết gia Phạm Công Thiện đủ thẩm quyền để nói về HT Tuệ Sỹ: ”Tôi xin gọi hai vị (còn 1 người khác mà tôi không kể ra đây) là hai thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất….với tất cả đắn đo thận trọng, với tất cả ý nghĩa cao đẹp và như thực của một danh xưng xung thiên chí”
“Tuệ Sỹ có tâm hồn thi sĩ chơi vơi, sống trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật và thi ca, thổi sáo, chơi dương cầm, làm thơ…”
2/-
Buổi chiều thứ sáu ngày 24.11.2023 tôi viết tản mạn Thi Ca Mùa Đông phần I coi như hoàn tất chỉ còn loay hoay chỉnh sửa cho gọn gàng câu văn thì tôi nhận hung tin Thầy tạ thế. Một người bạn MK tức tốc gởi cho tôi file PDF gồm 12 bài viết trích trong Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ do những Hoà Thượng, nhân sĩ tri thức, triết gia…đã từng là đồng nghiệp, môn huynh, môn đệ, học trò hay từng tu tập cận kề với Thầy viết cảm tưởng. Tâm trạng tôi bàng hoàng, xúc động, tiếc nuối– như mỗi lần hay tin một nhân vật tài giỏi có tâm huyết bỏ nhiều công lao cống hiến cho nền văn hoá VN rời bỏ chúng ta trở về tro bụi–
Nhưng lần này, nỗi xúc cảm tôi càng mạnh nhiều hơn. Bởi đây là một vị chân tu tài, đức, trí uyên bác lỗi lạc về mọi phương diện: Hoà Thượng, Thiền sư, Học giả, Thi sĩ, Nhạc sĩ Thích Tuệ Sỹ được cả thế giới kính trọng, chia buồn trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
*Nỗi xúc động chưa kịp lắng thì sáng 30 tháng 11.2023 lại hay tin văn, thi, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua đời. Trời ơi, trùng hợp với việc tôi sắp sửa viết một bài nhắc đến ông cùng tác phẩm, bởi liên quan với chủ đề tôi nghĩ. Tôi đã thảo sẵn mấy nét chính để đừng quên. Sao mà lần lượt từng người chúng ta kính yêu ngưỡng mộ “rủ nhau” ra đi cùng lúc vậy. Sao không nán lại trần gian ít lâu nữa, để làm đầy thêm gia tài những tinh hoa kiến thức quí báu lưu truyền cho hậu thế.
Nỗi xúc cảm thứ nhì cộng vào nỗi xúc cảm thứ nhất, lồng vào không gian bên ngoài ngập tràn tuyết trắng rơi không ngớt từ hai tuần nay khiến tâm tư tôi thêm nặng trĩu. Quẩn quanh trong đầu câu hỏi: Sống để làm gì ? Theo cái vòng Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Vô lý quá. Sinh ký, tử qui–Sống gởi, thác về– Người rời bỏ xác thân tứ đại ở cõi tạm thì đã yên bình nơi chốn vĩnh hằng, để người còn ở lại tiếc thương, sầu khổ*
*Tôi bắt quàng xiên, vì cùng lúc nghĩ đến chồng. Mười năm trước, vào giữa tháng 12 cũng tuyết rơi trắng ngập lối đường, cảnh vật buồn thiu giống như bây giờ, anh đã bỏ tôi mà về với tro bụi, với cõi hư không huyễn mộng.
3/-
Tôi chỉ là một chúng sinh vô danh, không có may mắn diện kiến với Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ và sẽ không bao giờ được trên cõi đời nầy nữa. Nhưng tôi có thể “nhận vơ” là có duyên may “gặp” thi sĩ Tuệ Sỹ từ hai năm nay rồi đó.
Thật ra, tôi đã từng nghe nhắc đến Người rất, rất lâu trên danh vị Thiền sư, Giáo sư giảng dạy tại Đại học Vạn Hạnh từ năm 1970 có làm nhiều bài thơ trác tuyệt. Với sự nông cạn hời hợt, tôi nghĩ chúng ta có thơ của các ông Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng. Nghĩa là viết về thiền, đạo, về lẽ nhiệm mầu vô vi vạn vật, về lối sống thung dung tự tại phóng khoáng của người Ngộ Đạo…những vần thơ thanh thoát, vượt ngoài cương toả tục luỵ, giờ thêm thiền sư Tuệ Sỹ.
Thời đi học tôi chưa có dịp đọc bất cứ bài thơ nào của Thiền sư–bởi tâm hồn nữ sinh mới lớn trong veo như tờ giấy trắng chỉ thích tìm đọc thơ trữ tình của Nguyên Sa, Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, Đinh Hùng, Tagore… thả hồn mơ mộng chuyện tình-yêu-tuổi-học-trò là chính.
Giả dụ thuở ấy tôi có diễm phúc được đọc thơ của Thầy chắc cũng mông lung ngơ ngáo chưa hiểu hết ý nghĩa thâm sâu chứa ẩn trong ngôn từ. Chỉ khi người ta lớn dần theo năm tháng, trải qua nhiều thăng trầm khổ nạn cuộc đời thì mới thấu hiểu–chỉ phần nào thôi– những gì Thầy gởi gấm vào câu chữ tưởng là đơn giản nhưng chứa đựng bao tư tưởng vi diệu. Nhạc sĩ Vũ Thành An viết trong Đời Đá Vàng:
Có một lần mất mát mới thương người đơn độc
Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu…
…Xuống tận cùng dưới đáy, thấy mênh mông rộng cõi trời
Hãy mở lòng chúng ta đón nhận biển tình yêu…
Tôi nói “gặp” thi sĩ Tuệ Sỹ từ hai năm nay. Chính xác là tôi “gặp thơ” của thi sĩ chứ không phải gặp chính bản thân Thầy. Một hôm tôi vào diễn đàn quen thuộc đọc sách, truyện, thơ như thường lệ. Những quyển nào hay thì tôi đã đọc cả rồi, đang lục lọi tìm tòi những tác phẩm mới in bỗng gặp bài thơ gồm 4 đoạn 16 câu. Chỉ cái tựa đề thôi đã nghe rất trữ tình, mềm mượt, dịu dàng:
Nhớ Con Đường Thơm Ngọt Môi Em
Tóc em tung bay sương chiều khói biếc
Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng
Tình hay mộng khi Trường Sơn xa hút
Đến bao giờ mây trắng gởi tin sang
Hồn tôi đi trong rừng lang thang
Vọng lời ru từ ánh trăng tàn
Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa
Nghe tình ca trên giọt sương tan
Bóng tôi xa đêm dài phố thị
Nhớ con đường thơm ngọt môi em
Ơi là máu, tủi hờn nô lệ
Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm
Gót chân em nắng vàng xua viễn phố
Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim
Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ
Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim
Bài thơ thu hút sự chú ý của tôi. Tìm tên tác giả bên dưới. Thiền sư Tuệ Sỹ. Làm ở giai đoạn 1976-1977. Tôi ngạc nhiên, một ngạc nhiên đầy thú vị. Kêu thầm: Trời ơi sao thiền sư mà làm thơ tình hay quá, đâu thua gì các thi-sĩ-tình-yêu khác. Bài thơ nhắc đến một người con gái với tóc bay bồng bềnh sương khói, với gót chân trong nắng vàng qua phố cũ, với đôi mắt ngại ngùng bên song cửa… Nàng đây có thể là 1 người có thật ngoài đời, có thể chỉ là 1 bóng hình tưởng tượng(là tôi tự đoán). Đoạn III:
Bóng tôi xa đêm dài phố thị
Nhớ con đường thơm ngọt môi em
Câu “nhớ con đường thơm ngọt môi em” đậm chất lãng mạn khiến lòng tôi tràn ngập cảm xúc bâng khuâng, thì bỗng liền kề hai câu bên dưới:
Ơi là máu, tủi hờn nô lệ
Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm
Khó hiểu quá. Vì sao “có máu, tủi hờn nô lệ” với “bóng tôi (tác giả) mờ suối nhỏ đêm đêm” xen vào giữa những câu thơ tình tuyệt vời như thế? Tò mò tôi lục tìm đọc tác phẩm & tiểu sử cuộc đời Thầy. Mới khám phá nhiều điều phi thường về Hòa thượng.
Thì ra Thầy không phải chỉ là một nhà sư-thi-sĩ đơn thuần như tôi từng ngộ nhận, mà trong thân thể gầy gò bình dị với đôi mắt tinh anh sáng quắc cho đến cuối đời chứa đựng một bộ óc thông thái xuất chúng, ngoại hạng, lỗi lạc của một đại học giả nghiên cứu Phật học, triết gia, từng là giảng sư Đại Học Vạn Hạnh Saigon khi mới 26 tuổi. Là một thi sĩ, nhạc sĩ với các áng thơ văn thâm trầm, thanh thoát….
Đáng ngưỡng mộ là Thầy tự học thông thạo hơn chục ngoại ngữ kể cả cổ ngữ Phạn, Pali, Hán..tự học đàn piano, violon, guitar, thổi sáo đều thuần thục. Tôi đã thấy trên video phong cách Thầy ngồi đàn khúc Moonlight Sonata của Beethoven bằng 10 ngón tay thoăn thoắt nhuần nhuyễn lướt trên phím dương cầm một cách say sưa. Và càng hoan hỉ khi Thầy nhả âm thanh thánh thót bài Tout l’amour (Pháp) mà cả thế giới đều biết qua tiếng ca Dalida:
Tout l’amour que j’ai pour toi
Est brulant comme un feu
Il est grand et plein d’éclats
C’est si bon d’être heureux…
Dịch:
Đến đây với nhau những khi buồn
Về bên anh, về bên anh
Nhớ thương mới hay biết đêm dài
Vì yêu ai, vẫn yêu hoài…*
(Lời Việt: Nguyễn Duy Biên)
*Không hiểu sao lời Việt chẳng chút gì tương quan với lời Pháp, chắc để cho hoà hợp với giai điệu các nốt nhạc.
Thầy là một trong rất hiếm hoi bậc hiền giả, chân tu ngoại hạng. Sự ra đi của Thầy để lại một khoảng trống, một mất mát cho Phật học và văn hoá Việt Nam vô cùng lớn.
Tôi sẽ không ca tụng tán thán về Thầy nhiều nữa, vì chắc chắn mọi người đều đã biết, nghe về tiểu sử cuộc đời của Thầy. Về những công trình nghiên cứu Phật giáo mà Thầy để lại như dịch thuật Đại Tạng Kinh, Duy Ma Cật, kinh Hoa Nghiêm, Tập A Hàm… Những bài chính luận về đạo học, văn hoá, giáo dục, xã hội. Về triết Đông triết Tây…
Tài năng, trí tuệ, phẩm hạnh của Thầy thì “bất khả tư nghị”. Bất khả tư nghị là một thuật ngữ trong Phật giáo, có nghĩa đơn giản là “không thể nghĩ bàn”khi nói tới điều gì không thể hiểu được, vượt lên trên lý luận. Tả cái Tuyệt đối, chỉ người giác ngộ mới hiểu hết.
Trình độ hiểu biết của tôi còn quá yếu kém nên tôi chỉ dám nhắc về những bài thơ nào mà tôi rất yêu thích ngưỡng mộ–mặc dầu tôi không hiểu hết ý nghĩa Thầy chuyên chở, chỉ biết là vần điệu câu chữ đọc lúc trữ tình, ngọt lịm lúc man mác, sâu sắc, u uẩn làm lay động cả lòng.
Theo thiển ý, đã gọi là thơ thì khó mà giải thích, cắt nghĩa trần trụi như môn khoa học. Ta chỉ cảm nhận bằng giác quan thứ sáu, bằng sự đồng cảm của trái tim thôi chứ nếu phân tích rõ từng câu chữ thì sao còn gọi là thơ được nữa.
4/-
Tôi có thói quen thường hay trích đoạn thơ, nhạc đem vào bài viết. Bởi chữ nghĩa tôi nghèo nàn kém cỏi quá không đủ khả năng để diễn tả trọn vẹn điều mình muốn nói, nên mượn lời thơ điệu nhạc mới truyền tải được hết ý. Qua đó người đọc sẽ thấu cảm dễ dàng điều tôi gởi gắm, không bị nhàm chán bởi câu văn viết dở, vừa được ôn đọc lại những câu thơ lời nhạc quen thuộc. Một mũi tên mà trúng hai con chim là vậy.
Tôi có diễm phúc đọc thơ Thầy Tuệ Sỹ, tâm hồn nhạy cảm của tôi đón nhận các vần thơ ấy ngay tức khắc–như tôi từng đón nhận các bài thơ hay của nhiều thi sĩ khác– Chẳng hạn hai câu mở đầu cho quyển thơ Giấc Mơ Trường Sơn 1968–1974:
Anh ôm giấc mộng đi hoang
Biết đâu mà kiếm trăng ngàn cho em
(Phương Trời Viễn Mộng)
Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về
(Kết Từ)
Giống như radio bị nhiễu sóng những khi thời tiết xấu không nghe được. Ta thử lần mò xoay nút trong ngổn ngang âm thanh láo nháo, bỗng may mắn chộp đúng tần số (longueur d’onde), thế là giọng nói nổi lên. Trong thi ca hay âm nhạc cũng vậy, tư tưởng hay tâm hồn giữa con người cũng phải cùng một cảm nhận, một thẩm âm, một”tần số” thì mới bắt được nhịp sóng, mới say mê thích thú lắng nghe điệu nhạc lời thơ đó. Có thể câu thơ lời nhạc kia là tuyệt vời với người này nhưng người khác thì không cùng cảm nhận, bởi không cùng “tần số”.
Tuy nhiên không phải câu nào tôi cũng hiểu hết ý nghĩa. Có câu tôi chỉ hiểu lờ mờ.Tư tưởng của Thầy quá thâm sâu bát ngát, tôi chỉ như cọng cỏ may nhỏ nhoi dưới gốc đại thụ thiên niên làm sao có thể hiểu tường tận. Đừng hỏi vì sao tôi thích câu thơ nầy, câu thơ nọ. Chỉ biết thích là thích, thế thôi.
Thiên Lý Độc Hành
Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
Còn yêu một thuở đi hoang
Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya
Ta đi dẫm nắng bên đèo
Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều…
…Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn
Bởi ta hồn đá phơi màu nắng
Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn…
…Từ thuở hồng hoang ta ở đâu
Quanh ta cây lá đã thay màu
Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở
Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau…
(Thơ Tuệ Sỹ, 2011–2012)
Một bài thơ trùng tựa với thơ của thi sĩ Thâm Tâm:
Tống Biệt Hành
Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình nước lạnh sao?
Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi
Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhoà
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhuỵ trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh?
Trong thơ, thi sĩ thường hay nhắc đến
Cuộc Lữ:
Nằm ôm một bóng trăng gầy
Vai nghiêng tủi nhục hờn lay mộng tàn
Rừng sâu mấy nhịp Trường Sơn
Biển đông mấy độ triều dâng ráng hồng
Khóc tràn cuộc lữ long đong
Người đi còn một tấm lòng đơn sơ…
(Một Bóng Trăng Gầy)
Cuộc lữ? Trong tác phẩm của Hòa Thượng Tuệ Sỹ: “Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng”HT đã viết tựa, mở đầu bằng hai câu thơ:
Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi
(Thân Phận)
Tiếp theo Thầy giải thích, tôi sơ lược:
“Âm hưởng của Thi là tiếng vang của nhịp bước trong cuộc Lữ.
Thảm hoạ lịch sử, những tham vọng cuồng dại si ngốc của con người càng lúc càng đổ dồn lên cuộc Lữ…Cuộc Lữ trở thành cuộc đày ải; Thi cũng trở thành ẩn tình hoài vọng quê hương; hoài vọng những phương trời viễn mộng của quê hương”:
*Mười Năm Trong Cuộc Lữ
Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn…
…Mười năm sau anh băng ngàn vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu giữa đồng hoang…
…Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương
*Mộng Trường Sinh
Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi
Nghìn năm vang một nỗi đời
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương
Càng đọc các bài thơ của Thầy tôi càng bị thu hút, đắm chìm vào cõi Thơ phiêu nhiên tinh tế khó dứt. Ngôn ngữ thi ca thường có nhiều ẩn dụ mà chỉ chính tác giả mới hiểu rõ hơn hết điều muốn diễn tả. Chúng ta lãnh hội rồi suy diễn theo cảm nhận riêng của mỗi người.
5/-
Thơ của Thầy ảo diệu quá, tôi xin ngưng bởi “có nói cũng không cùng”. Để kết thúc bài viết tôi kể một sự việc nho nhỏ. Buổi chiều ngày 24.11.2023 hay tin HT Tuệ Sỹ qua đời. Dù theo dõi tin tức biết Thầy đã rất yếu mấy ngày trước nhưng lòng vẫn bàng hoàng thương tiếc. Tuy mới hơn 4 giờ chiều mà trời đã mờ tối, phải bật đèn. Lát sau có cô bạn gọi điện hỏi thăm nơi tôi tuyết đổ nhiều hay ít– cô bạn nầy đạo Công giáo, không biết nhiều về HT–nhân đó tôi kể cho bạn nghe về cuộc đời ngoại hạng, trí tuệ uyên thâm, cùng sự ra đi của bậc chân tu khiến xao động hằng triệu con tim ra sao..v..v..Đang thao thao nói theo nỗi xúc động bỗng nghe tiếng động…bụp… căn phòng đang sáng vụt mờ đi. Hơi giật mình, nhìn quanh quất..cái gì vậy nhỉ? Ngó lên trần. Thì ra ngọn đèn chùm ba bóng chiếu ba góc rọi vào mấy chục bức tượng do chồng tôi điêu khắc chưng trong phòng khách bị đứt hết một bóng. Đúng vào lúc tôi đang nhắc đến HT Thích Tuệ Sỹ.
Biết chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đèn xử dụng lâu thì đứt bóng là chuyện bình thường nhưng vẫn nao nao tấc dạ.
Tôi thử làm mấy câu thơ hồi hướng đến Thầy:
Một nén tâm hương tưởng nhớ Người
Con thuyền cuộc lữ*ngưng giòng trôi
Từ nay thanh thản, rời cõi tạm
Chép nốt bài thơ ngọt mộng đời**
*Chữ của Thầy hay nhắc trong thơ
**Theo hai câu thơ của Thầy Tuệ Sỹ trong bài “Cho Ta Chép Nốt Bài Thơ Ấy”:
Là ta chép nốt bài thơ ấy
Để giết tình yêu cả mộng đời
Thanh Hà
La Chaux-de-Fonds
06.Dec.2023
(Longhồvinhlong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét