Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 03/01/2025. - Loan My




Tấn công khủng bố ở New Orleans – thông điệp chào đón Donald Trump
Vụ tấn công khủng bố ở New Orleans, Hoa Kỳ ; Ba Lan bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Hiệp châu Âu (EU) là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm hôm nay 03/01/2025.Khu phố Pháp bị phong tỏa sau khi ít nhất 15 người thiệt mạng trong cuộc tấn công khủng bố tại New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ, ngày 01/01/2025. AFP - ANDREW CABALLERO-REYNOLDS -Phan Minh
<!>
Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro nhận định những tháng cuối nhiệm kỳ của tổng thống mãn nhiệm Joe Biden tạo cảm giác như một sự kết thúc u ám, ngay cả trước khi xảy ra hai vụ tấn công vào đêm giao thừa, làm cho bảng thành tích của ông trở nên tồi tệ hơn. Vụ tấn công đầu tiên xảy ra ở New Orleans, một phần tử ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (IS), lái xe đâm vào đám đông, khiến 15 người thiệt mạng và khoảng 30 người bị thương. Chỉ vài giờ sau, ở Las Vegas, một vụ nổ xe Tesla đã khiến 1 người chết và 7 người bị thương, xảy ra ngay trước khách sạn Trump International. Cuộc điều tra sẽ làm rõ liệu hai sự kiện này có liên quan đến nhau hay không, nhưng hai vụ việc xảy ra gần như cùng thời điểm đã làm thay đổi bầu không khí chính trị tại Mỹ, trong bối cảnh chỉ còn 17 ngày trước khi Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.

Nhật báo thiên hữu cho rằng tổng thống đắc cử đang hành động như thể ông đã chính thức nhậm chức, chi phối nền chính trị thông qua các đồng minh tại Quốc Hội, gặp gỡ các nhà lãnh đạo trên thế giới và chiếm lĩnh vị trí nổi bật trong các sự kiện quốc tế như lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris. Ngay sau khi biết danh tính của kẻ khủng bố tại New Orleans, tên là Shamsud-Din Jabbar, chủ nhân tương lai của Nhà Trắng đã lợi dụng sự kiện này để bảo vệ chính sách nhập cư của ông, nhấn mạnh "những tên tội phạm từ bên ngoài tồi tệ hơn những kẻ ở sẵn trong nước". Elon Musk, bộ trưởng trong chính quyền tương lai của Trump, cũng không bỏ lỡ cơ hội này để quảng bá cho thương hiệu Tesla của mình, chế giễu những kẻ khủng bố khi nhận định chúng đã "chọn nhầm loại xe" để thực hiện cuộc tấn công tại Las Vegas, ca ngợi sự bền bỉ của chiếc Cybertruck Tesla.

Tuy nhiên, dường như kẻ khủng bố ở Louisiana không bị ảnh hương trực tiếp bởi chính sách siết chặt nhập cư của Donald Trump, mặc dù những người ủng hộ nhà tỷ phú có thể sẽ tìm cách chứng minh điều ngược lại. Tổng thống tân cử, thường chỉ trích những chính sách được ban hành trong nước, có thể phạm sai lầm nếu không nhận ra kẻ thù thực sự của mình, đó là IS. Tổ chức khủng bố cùng với các nhánh của nó đang hồi sinh mạnh mẽ, từ Afghanistan cho đến châu Phi và bắc Syria. Tại New Orleans, không chỉ Biden mà toàn bộ nước Mỹ đã bị tấn công ; còn tại Las Vegas, chính Donald Trump bị nhắm đến. Le Figaro kết luận bất kể phần tử khủng bố là ai, thông điệp của chúng là một lời chào đón gửi đến tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.

Những lỗ hổng về an ninh ở New Orleans
Về phần mình, tờ Libération nhận định vụ tấn công ở New Orleans đã làm lộ rõ những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác bảo đảm an ninh của thành phố. Các cột chống xâm nhập, vốn được thiết kế để bảo vệ khu vực dành cho người đi bộ, đang trong quá trình sửa chữa. Việc chỉ có một chiếc xe cảnh sát đậu ở lối vào Bourbon Street đã tạo điều kiện thuận lợi cho hung thủ thực hiện vụ tấn công. Tổng thống Joe Biden lên án "một vụ tấn công đê hèn", trong bối cảnh thành phố chuẩn bị tổ chức các sự kiện lớn như Super Bowl và lễ hội Mardi Gras.

Nhật báo thiên tả nhấn mạnh thảm kịch này, mở đầu năm 2025, nối tiếp hàng loạt các vụ bạo lực gây chết người tại Hoa Kỳ, vốn đã trở thành "chuyện thường tình". Đây là vụ thảm sát chết chóc nhất tại Mỹ kể từ vụ xả súng ở Lewiston vào tháng 10/2023, do một cựu quân nhân thực hiện.

Ba Lan – tuyến đầu của hàng phòng thủ châu Âu


Về thời sự châu Âu, nhật báo Le Monde dành trang nhất nói về việc Ba Lan giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Âu từ 01/01 năm nay, đang xúc tiến một dự án đầy tham vọng để tăng cường cơ sở hạ tầng quốc phòng dọc theo biên giới với Nga và Belarus, với mục tiêu xây dựng lực lượng bộ binh lớn nhất ở châu Âu. Dự án này, được gọi là "Lá chắn phía Đông", bao gồm việc xây dựng các công sự dọc theo 700 km biên giới, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2028. Mục tiêu của dự án là bảo vệ không chỉ Ba Lan mà toàn bộ châu Âu, trong trường hợp phải đối phó với mối đe dọa từ phía Đông.

Dự án bao gồm các cơ sở hạ tầng như hầm kiên cố, hào chống xe tăng và khu vực được rải mìn. Công nghệ quốc phòng thông minh với những hệ thống nhận diện và giám sát tiên tiến, cùng với mạng lưới giao thông, bệnh viện và các hệ thống liên lạc cũng chiếm một phần quan trọng trong kế hoạch của Vacxava, giúp tăng cường khả năng phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa phi truyền thống, chẳng hạn như những cuộc tấn công bằng drone hay chiến dịch phát tán thông tin sai lệch.

Song song với dự án này, Ba Lan đang tiến hành hiện đại hóa mạnh mẽ quân đội, với ngân sách quốc phòng dự kiến đạt 4,7% GDP vào năm 2025, là một trong những tỷ lệ cao nhất trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vacxava dự kiến chi gần 400 tỷ zloty (93 tỷ euro) trong 3 năm tới để mua sắm thiết bị quân sự. Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ về tính khả thi của chính sách chi tiêu này trong dài hạn.

Những chính phủ trước đây, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của đảng PiS (Pháp luật và Công lý), đã để lại một ngân sách quốc phòng hao hụt với những hợp đồng mua bán vũ khí không được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Những hợp đồng mua thiết bị quân sự của Hàn Quốc hay tên lửa HIMARS của Mỹ đã bị chỉ trích vì chi phí quá cao, bởi dường như Ba Lan đã không dự trù số tiền cần thiết để bảo trì những thiết bị này. Chính phủ đương nhiệm, mặc dù cam kết nhanh chóng hiện đại hóa quân đội, vẫn phải đối mặt với khoản nợ không nhỏ và cần phải đánh giá lại một số hợp đồng đã ký kết.

Quân sự : Israel không muốn bị lệ thuộc vào phương Tây
Nhìn sang Trung Đông, nhật báo kinh tế Les Echos có bài nhận định, sau hơn 14 tháng chiến tranh, nền kinh tế Israel đang được tái cơ cấu để trở nên tự chủ hơn về quốc phòng, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và đối phó với những áp lực quốc tế trong việc xuất khẩu vũ khí. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đề ra một mục tiêu đầy tham vọng để biến Israel trở thành một quốc gia tự cung cấp vũ khí, nhằm tránh bị tác động bởi các áp lực chính trị từ các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Việc bộ Quốc Phòng Israel quyết định phát triển loại bom tương đương với mẫu MK 84, nặng 900 kg, mà trước đây Israel nhập khẩu từ Mỹ, là ví dụ điển hình về chiến lược của Nhà nước Do Thái. Đây được coi là một trong những loại bom có sức công phá lớn nhất, sẽ bắt đầu được sản xuất tại Israel trong vòng 3 năm tới.

Quyết định này cũng là phản ứng trực tiếp trước hành động của Mỹ vào tháng 5, khi Washington đình chỉ cung cấp 1.800 quả bom loại này để thuyết phục Israel không tấn công vào phía nam dải Gaza, gần biên giới với Ai Cập. Lệnh trừng phạt này đã trở thành một tín hiệu cảnh báo nhắm vào Israel, đặc biệt khi Mỹ chiếm 69% lượng vũ khí mà Israel nhập khẩu.

Pháp mất tầm ảnh hưởng quân sự ở châu Phi

 
Bài xã luận của tờ La Croix chú ý đến việc Pháp không còn là một cường quốc quân sự ở châu Phi. Quyết định của tổng thống Bờ Biển Ngà (Côte d'Ivoire) Alassane Ouattara yêu cầu Pháp chuyển nhượng lại căn cứ quân sự Port-Bouët ở Abidjan là một dấu hiệu mạnh mẽ của sự thay đổi này. Quyết định này tiếp nối các quyết định tương tự của Chad và Senegal vào tháng 11 năm ngoái, trong bối cảnh Pháp đã ngừng các hoạt động quân sự ở Sahel vào năm 2022-2023, sau khi bị các lực lượng quân sự ở Mali, Burkina Faso và Niger gây áp lực. Những căn cứ quân sự này đã trở thành biểu tượng của sự phụ thuộc vào Pháp của các nước châu Phi, nhưng giờ đây, những quốc gia này muốn chối bỏ tầm ảnh hưởng của Paris.

Sắp tới, Pháp sẽ chỉ còn lại hai căn cứ ở châu Phi : một ở Gabon và một ở Djibouti, với hợp đồng được gia hạn vào tháng 07/2024. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của căn cứ tại Djibouti chủ yếu tập trung vào Ấn Độ Dương và Hồng Hải, chứ không phải vào châu Phi.

Việc xứ lục lăng rút khỏi Bờ Biển Ngà đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn trong quân đội Pháp, bắt nguồn từ lịch sử thuộc địa và các sự kiện trong Đệ Nhị Thế Chiến. Một phần quân đội Pháp cảm thấy tiếc nuối về sự thay đổi này, mặc dù dàn lãnh đạo cấp cao của quân đội chấp nhận điều đó. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, Pháp đã tập trung vào việc chuẩn bị cho các cuộc xung đột cường độ cao ở châu Âu và đối phó với các hình thức chiến tranh mới, như chiến tranh hỗn hợp trong không gian mạng cũng như cuộc chiến thông tin.

Mối quan hệ giữa Pháp và châu Phi không chỉ giới hạn trong quốc phòng mà còn bao gồm các khía cạnh ngoại giao, hợp tác thương mại và các hoạt động giao lưu giữa người dân. Châu Âu và châu Phi có sự kết nối chặt chẽ về mặt địa lý và cần phải hợp tác để đối mặt với những thách thức lớn hiện nay : biến đổi khí hậu, di cư, cạnh tranh giữa các cường quốc và giảm thiểu bất bình đẳng giữa những quốc gia Bắc và Nam Bán cầu. Nhật báo Công Giáo kết luận Pháp và châu Phi cần phải chung sức cùng xây dựng tương lai tốt đẹp, thay vì quay lưng lại với nhau.

Pháp : Số phận bấp bênh của các cư dân sống trong những khu ổ chuột ở Mayotte


Trang nhất của tờ La Croix quan tâm đến tình hình thê thảm ở những khu ổ chuột tại Kawéni, Mayotte, sau khi cơn bão Chido tàn phá quần đảo hôm 14/12 vừa qua. Những người dân sống ở đó trong nhiều thập kỷ đang tìm cách xây lại nhà cửa với những vật liệu hạn chế và trong điều kiện khó khăn.

Nhiều người lo lắng về việc cấm xây dựng "banga" (những ngôi nhà nhỏ lợp mái tôn) và tự hỏi cuộc sống của họ sẽ đi về đâu nếu lệnh cấm được Nhà nước chính thức ban hành. Mặc dù đã thông báo sẽ ngừng "tái tạo" những khu ổ chuột, nhưng chính quyền chưa đưa ra giải pháp thay thế cụ thể và lâu dài. Các kiến trúc sư cũng nhấn mạnh về những khó khăn trong việc quản lý những cơ sở được tái xây dựng tại một khu vực có nhiều nguy cơ xảy ra thiên tai.

Hiện tượng thiếu nhà ở đi kèm với sự hỗ trợ không đầy đủ từ chính quyền khiến tình hình trở nên phức tạp. Mặc dù quần đảo sản xuất vật liệu của riêng mình và thử nghiệm các giải pháp mới như tre, nhưng tình trạng thiếu nhân lực có tay nghề cao có thể khiến thời gian tái thiết bị kéo dài.

Không có nhận xét nào: