Giới Thiệu Chương Trình Văn Nghệ Truyền Thống Mừng Xuân, Do Văn Thơ Lạc Việt Tổ Chức Mỗi Dịp Xuân Về! *Lần nào cũng thành công, đông đảo quan khách tham dự! *Nhiều tiết mục hay lạ, chuẩn bị công phu! *Đánh dấu 50 năm (1975-2025) Mùa Xuân Xa Xứ! * Chương trình độc đáo hiếm có, dành cho cả người lớn lẫn tuổi thơ! *Gợi nhớ Quê Hương, phô diễn nét đẹp văn hóa Dân Tộc! *Vào cửa Hoàn Toàn miễn phí! Còn có phục vụ nước uống và thức ăn nhẹ!
<!>
THƯ MỜI
Văn Thơ Lạc Việt trân trọng kính mời quý thân hữu tham dự
Mừng Xuân Ất Tỵ 2025
(Kỷ niệm 50 năm mùa xuân xa xứ)
Chủ Nhật, ngày 19 tháng 1- 2025
Từ 3 PM – 6 PM
Địa điểm: County Hall (Isaac Newton Senter Auditorium #114)
70 W Hedding St.,San Jose, CA 95110
Chương trình văn nghệ do Nhóm Tuổi Trẻ Hải Ngoại phụ trách bao gồm các tiết mục Mừng Xuân hấp dẫn:
Ca vũ nhạc
Trình diễn Đàn Dân Tộc
Fashion show
Múa Lân
Loto và xổ số tặng quà
Lì xì
Và còn nữa…
Trân trọng kính mời.
Lê văn Hải
Văn Thơ Lạc Việt
Tin Quốc Tế Đó Đây
Thế Giới Đã Rộn Ràng, Tưng Bừng Đón Năm Mới 2025 Với Hy Vọng Hòa Bình Cho Ukraine và Trung Đông!
(Hình AP - Thibault Camus: Pháo hoa bắn trên Khải Hoàn Môn đón năm mới, đêm Giao thừa, ngày 1/1/2025, Paris, thủ đô của Pháp.)
-Từ Sydney, Mumbai, Nairobi, đi qua Paris cho đến New York hay Rio de Janeiro, các cộng đồng trên khắp thế giới tưng bừng chào đón năm mới 2025 bằng những màn trình diễn ánh sáng, với những nụ hôn và bằng cả những màn tắm ở sông băng ngoạn mục.
Các quốc gia Nam Thái Bình Dương là những nước đầu tiên rung chuông đón năm mới, bắt đầu từ thành phố Auckland, Tân Tây Lan, người dân tụ tập đông đảo ở trung tâm thành phố hoặc leo lên mỏm đỉnh núi lửa để ngắm pháo bông, trong khi tại Úc Ðại Lợi, hơn một triệu người đổ về thành phố Sydney thưởng ngoạn những màn pháo hoa rực rỡ trên cầu cảng.
Phần lớn các hoạt động tại Nhật đều đóng cửa trước ngày nghỉ lễ lớn nhất của đất nước. Xứ anh đào đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ cùng với lễ tết Tây. Chùa chiền và nhà cửa được dọn dẹp kỹ lưỡng.
Nếu như hầu hết các nước Á Châu rộn rịp đón năm mới với các màn trình diễn âm nhạc, pháo hoa rộn ràng hay thăm viếng đền chùa cầu nguyện đầu năm, thì Nam Hàn đón Năm Mới trong màu tang lễ. Các hoạt động lễ hội bị cắt giảm hoặc hủy bỏ trong thời gian quốc tang sau vụ tai nạn hàng không của hãng Jeju Air ở Muan hôm 29/12/2024 khiến 179 người thiệt mạng.
Tại Âu Châu, hãng tin Mỹ AP đánh giá lễ hội Giao thừa hấp dẫn là tại Roma, thủ đô Ý Ðại Lợi. Hôm 1/1/2025, Đức Giáo hoàng Francis cử hành thánh lễ bắt đầu Năm Thánh, diễn ra cứ mỗi ¼ thế kỷ. Vatican dự trù sẽ thu hút khoảng 32 triệu người hành hương đến Thành phố Vĩnh cửu trong năm 2025. Trong thánh lễ hôm nay, ngài kêu gọi hòa bình cho Trung Đông và Ukraine.
Paris khép lại năm 2024 đầy quan trọng với màn đếm ngược truyền thống và trình diễn pháo hoa hoành tráng trên đại lộ Champs-Elysées. Tượng đài Khải Hoàn Môn biến thành một hoạt cảnh khổng lồ trình diễn ánh sáng tôn vinh các địa danh của thành phố. Thị trưởng Hidalgo tuyên bố "Paris là một lễ hội". Thế Vận Hội Mùa Hè và Thế Vận Paralympic diễn ra tại thủ đô nước Pháp từ tháng 7 đến tháng 9 đã biến thành phố này thành địa điểm của niềm vui, tình huynh đệ và những thành tích thể thao đáng kinh ngạc.
Nếu như Luân Đôn và New York, năm nay phải đón Năm Mới trong bão và mưa gió, thì tại Thụy Sĩ và nhiều nơi khác, người dân bất chấp giá lạnh, lao xuống tắm trong sông băng.
Và khi các cuộc xung đột Ukraine, Trung Đông hay Sudan im tiếng súng, thời điểm báo hiệu bắt đầu năm 2025. Riêng tại Syria, lần đầu tiên sau 13 năm nội chiến, hơn một triệu người dân đã ùa ra phố mừng một năm đã qua, mừng một thời đại mang dấu ấn chấm hết của trấn áp và chiến tranh.
Trung Đông: Chiến Tranh Làm Gaza "Trở Về Thời Kỳ Đồ Đá!"
-Nhìn sang Trung Đông, nhật báo thiên tả Libération có bài phỏng vấn Jean-François Corty, Chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Médecins du Monde, cảnh báo về tình hình nhân đạo thảm khốc đang hoành hành tại dải Gaza, và mọi chuyện ngày càng trở nên trầm trọng hơn với mùa Đông giá lạnh, khiến dải đất "quay trở về thời kỳ đồ đá". Người dân Gaza liên tục phải hứng chịu những cuộc không kích của Do Thái, giờ đây phải đối mặt với cái lạnh khắc nghiệt của mùa Đông, khiến nhiều trẻ sơ sinh phải bỏ mạng. Hầu hết mọi người sống trong những nơi ở tạm bợ như lều hoặc tấm bạt nhựa, không thể bảo vệ họ khỏi thời tiết khắc nghiệt.
Ông Corty nhấn mạnh điều kiện sống hiện tại của người dân Gaza rất thiếu thốn, không có vật liệu để xây dựng nơi trú ẩn kiên cố. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh, người bệnh mãn tính và những nhóm dễ bị tổn thương nhất, những người bị suy dinh dưỡng hay hạ thân nhiệt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng gia tăng, đặc biệt ở miền Bắc Gaza, nơi viện trợ nhân đạo không đến được tay người dân. Hệ thống y tế gần như sụp đổ, hầu hết các bệnh viện không còn hoạt động, khiến người dân gần như không thể tiếp cận được các dịch vụ y tế.
Ông Corty cũng cho biết mặc dù một số tổ chức nhân đạo đang nỗ lực hết mình, nhưng viện trợ vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế, do các hạn chế áp đặt bởi chính quyền Do Thái, ngăn cản việc cung cấp viện trợ cần thiết. Sự thiếu hụt các cơ sở hạ tầng cơ bản, dịch vụ y tế và thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Tình hình ở miền Bắc Gaza đặc biệt nghiêm trọng, với khoảng từ 50.000 đến 200.000 người còn sinh sống, nhưng tình hình rất khó đánh giá chính xác vì nơi này đã bị tàn phá nghiêm trọng. Bệnh viện cuối cùng còn hoạt động đã phải di tản và sau đó bị phá hủy, khiến người dân càng lâm vào tình cảnh khốn đốn. Những cuộc tấn công quân sự khiến các cơ sở y tế bị phá hủy được coi là vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.
Jean-François Corty cũng đề cập đến bối cảnh pháp lý, nhắc đến những phân tích từ các tổ chức nhân quyền, nhận định một "cuộc diệt chủng" đang diễn ra tại Gaza. Theo ông Corty, các tội ác chiến tranh, chẳng hạn như tấn công dân thường và phá hủy có hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu, là những vi phạm rõ ràng các quyền con người.
Trong tương lai, ông Corty lo ngại tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn, trong bối cảnh quân đội Do Thái tiếp tục oanh kích Gaza vào mùa Đông giá rét, đi kèm với sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc đưa ra các giải pháp hiệu quả. Jean-François Corty kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này và tránh để thảm họa trở nên trầm trọng hơn nữa.
TT Putin Ca Ngợi Thành Tựu của Nga Trong Suốt Một Phần Tư Thế Kỷ Do Ông Lãnh Đạo!
(Hình AP - Dmitri Lovetsky: Người dân tại quảng trường St. Petersburg, Nga, theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin, đêm Giao thừa Dương lịch, ngày 31/12/2024.)
-Trong bài phát biểu tối 31/12/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi một nước Nga "độc lập, tự do và mạnh mẽ", cùng những thành tựu mà Mạc Tư Khoa đã đạt được trong suốt một phần tư thế kỷ vừa qua. Đây cũng chính là khoảng thời gian mà ông Putin lãnh đạo đất nước, sau khi kế nhiệm Tổng thống Boris Yeltsin vào ngày 31/12/1999.
Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Chỉ còn vài phút nữa là năm 2025 sẽ chính thức bắt đầu, khép lại một phần tư đầu tiên của thế kỷ 21. Giai đoạn này nước Nga đã chứng kiến nhiều sự kiện, trong đó có những sự kiện mang tính lịch sử và tầm vóc lớn". Ca ngợi Nga là một "quốc gia độc lập, tự do và mạnh mẽ", ông Putin khẳng định nước Nga đã "vượt qua những thách thức khó khăn nhất" và người dân Nga có thể tự hào về những gì đã đạt được. Ông cũng kêu gọi người dân "tin tưởng rằng mọi thứ sẽ ổn và chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên phía trước". Ngoài ra, Tổng thống Putin nhắc lại rằng năm 2025 sẽ đánh dấu kỷ niệm 80 năm ngày đánh bại Đức Quốc xã, một yếu tố trọng tâm trong bài diễn văn về sự vĩ đại của Nga.
Theo thông tấn xã AFP, Tổng thống Putin đã không đề cập đến những khó khăn kinh tế mà Nga đang phải đối mặt, bao gồm tình hình lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, những vấn đề này phần lớn xuất phát từ cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Trong suốt bài phát biểu, ông chủ Ðiện Cẩm Linh chỉ nhắc tới cuộc chiến ở Ukraine một lần duy nhất, và đó là để gửi lời tri ân đến những người lính đang chiến đấu ở tiền tuyến. Ông nói: "Trong đêm giao thừa này, những suy nghĩ và hy vọng của người thân, bạn bè, của hàng triệu người trên khắp nước Nga đang hướng về các binh sĩ và chỉ huy của chúng ta".
Dựa trên dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ (ISW), thông tấn xã AFP cho biết, tính đến ngày 30/12, quân đội Nga đã tiến thêm gần 4.000 cây số vuông trong năm 2024. Con số này cao gần gấp 7 lần so với năm 2023 (584 cây số vuông). Kể từ mùa Thu năm nay, lực lượng Ukraine đã rút lui với tốc độ nhanh hơn, đặc biệt là ở khu vực phía Đông. Tháng 11 (725 cây số vuông) và tháng 10 (610 cây số vuông) là hai tháng mà quân đội Nga giành được nhiều lãnh thổ nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.
Giới Chức Ukraine: Drone của Nga Tấn Công Kyiv, Làm Một Người Chết
(Hình REUTERS: Một tòa nhà sau vụ tấn công bằng drone của Nga ở thủ đô Kyiv của Ukrain. )
-Sáng sớm 1/1/2025, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) vào thủ đô Kyiv của Ukraine, khiến 1 người thiệt mạng, 6 người khác bị thương và làm hư hại các tòa nhà ở hai quận, các viên chức thành phố cho biết.
Những tiếng nổ vang lên vào buổi sáng trong khi lực lượng Không quân Ukraine cảnh báo về các máy bay không người lái đang tiến gần đến thủ đô và Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết rằng lực lượng phòng không đang đẩy lùi một cuộc tấn công của kẻ thù.
Ông Klitschko cho biết rằng hai tầng của một tòa chung cư đã bị phá hủy một phần trong cuộc tấn công. Sau đó, thi thể của một người phụ nữ đã được đưa ra khỏi đống đổ nát, cơ quan quân sự của thành phố cho biết.
Những bức ảnh do Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước đăng tải cho thấy lính cứu hỏa dập lửa tại một góc tòa nhà bị thiêu rụi và lực lượng cấp cứu giúp đỡ các nạn nhân lớn tuổi.
Ngân hàng Quốc gia Ukraine nói trong một tuyên bố rằng một trong những tòa nhà của họ đã bị hư hại do các mảnh vỡ từ một máy bay không người lái bị bắn hạ. Ông Klitschko cho biết thêm rằng các mảnh vỡ cũng gây hư hại một tòa nhà không phải chung cư ở một khu phố khác.
"Ngay cả vào đêm giao thừa, Nga chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để gây hại cho Ukraine", Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã nói trên mạng xã hội sau cuộc tấn công.
Quân đội Kyiv cho biết đã bắn hạ 63 trong số 111 máy bay không người lái do Nga phóng vào ban đêm trên khắp các khu vực khác nhau của Ukraine. 46 máy bay khác đã bị rơi vì bị gây nhiễu điện tử, quân đội cho biết thêm.
Nga đã tiến hành các cuộc không kích thường xuyên vào các thị trấn và thành phố của Ukraine nằm cách xa tuyến đầu của cuộc xâm lược kéo dài gần ba năm qua.
Tổng Thống Zelensky: Năm 2025, Ukraine Phải Chiến Đấu Trên Cả Chiến Trường và Trên Cả Bàn Đàm Phán!
(Hình AFP / Gints Ivuskans: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky phát biểu trước báo giới, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Latvia vào ngày 11/1/2024 tại Riga, thủ đô của Latvia.)
-Tại Ukraine, năm 2025 đánh dấu cuộc chiến tranh chống quân Nga xâm lược chuẩn bị bước sang năm thứ 4 và là năm thứ 11 tính từ khi Nga chiếm đóng bán đảo Crimea. Tổng thống Volodymyr Zelensky, tối 31/12/2024, nhấn mạnh là trong năm 2025 Ukraine sẽ chiến đấu trên cả chiến trường và bàn đàm phán.
Cho dù các lực lượng Ukraine đã chiếm được 1 phần vùng biên Kursk của Nga và Kyiv có thể tận dụng làm "lá bài" để đàm phán với Nga, thế nhưng Ukraine vẫn chưa thể giành lại những vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Theo dự báo, năm 2025 sẽ là năm đầy khó khăn với các lượng Ukraine, trong bối cảnh thiếu thốn cả nhân lực và vũ khí. Từ Kyiv, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) điểm lại tình hình:
"Người dân Ukraine hiểu được rõ việc không nên ngồi chờ xem ngày mai sẽ ra sao và chiến đấu từng ngày, từng năm cho nền tự do của mình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói về năm qua như vậy, trong bối cảnh sự bất định là điều ngự trị trong năm mới đối với vài chục triệu người dân Ukraine.
Tại Ukraine, mọi con mắt đều đổ dồn về phía Hoa Thịnh Ðốn, cho đến nay vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Kyiv, nhất là về trang thiết bị quân sự. Và mọi người đều hướng đến ngày 20/1/2025, khi nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của Donald Trump bắt đầu, kéo theo một sự thay đổi trong chính sách mà không ai biết sẽ có hệ quả thế nào đối với việc hỗ trợ Ukraine. Trong khi đó, quân đội Ukraine năm qua đã gặp nhiều vất vả, khó khăn trong việc đối phó với các cuộc tấn công xâm lược của Nga, đặc biệt là ở miền Đông, nơi quân đội Nga đã tiến gần về phía Pokrovsk và thành phố này có thể thất thủ trong những tháng sắp tới.
Nếu chiến tranh tiếp diễn, Ukraine sẽ phải suy tính lại các phương thức tuyển quân dự bị, vào lúc ngày càng nhiều người Ukraine, dẫu không phải đa số, tính đến việc phải nhượng bộ lãnh thổ sau gần 3 năm chiến tranh kinh hoàng. Năm nay, Kyiv cũng sẽ phải đối mặt với thách thức về năng lượng, sau một năm các lực lượng Nga oanh tạc dữ dội vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine và do mối nguy bị cắt nguồn cung cấp năng lượng từ Slovakia".
Về phía Mỹ, theo thông tấn xã AFP, hôm 31/12 Tổng thống Joe Biden thông báo một khoản viện trợ quân sự và kinh tế lớn cho Kyiv, với tổng trị giá 6 tỉ Mỹ kim, trong đó có khoảng 2,5 tỉ Mỹ kim trang thiết bị quân sự và khoảng 3,4 tỉ Mỹ kim hỗ trợ ngân sách cho Kyiv.
Liệu Âu Châu Có "Đến Nỗi" Rơi Vào Hỗn Loạn Do Thiếu Khí Đốt của Nga Hay Không?
(Ảnh REUTERS - Dado Ruvic, minh họa: Logo tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga.)
-Kể từ ngày 1/1/2025, theo thông báo của Mạc Tư Khoa, Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Moldova do nước này không hoàn tất nghĩa vụ thanh toán tiền nợ khí đốt.
Hợp đồng trung chuyển khí đốt từ Nga sang Âu Châu qua ngả Ukraine, có thời hạn 5 năm, cũng hết hạn vào hôm 31/12/2024. Cả Nga và Ukraine đều đã thông báo không muốn triển hạn hợp đồng. Nhiều nước Liên Hiệp Âu Châu (EU), vốn lệ thuộc vào khí đốt Nga, đã phải khẩn trương tìm các nguồn cung ứng mới.
Trên thực tế, bất chấp chiến tranh Ukraine và các biện pháp trừng phạt của quốc tế, khí đốt của Nga vẫn tiếp tục được trung chuyển đến Liên Hiệp Âu Châu qua hệ thống đường ống dẫn khí chạy qua lãnh thổ Ukraine và được nhiều nước Âu Châu sử dụng. Về số lượng, trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra, 40% khí đốt Âu Châu sử dụng được nhập từ Nga, nhưng nay con số này được ước tính chỉ còn khoảng 15% và 1/3 được trung chuyển qua ngả Ukraine, theo trang tin Géo.
Kể từ ngày mai 1/1/2025, liệu việc không còn khí đốt của Nga có khiến Âu Châu rơi vào cảnh hỗn loạn do thiếu nguồn cung hay không? Theo trang mạng Bloomberg, tình hình đặc biệt gây lo ngại cho các ngân hàng lớn và Ủy Ban Âu Châu, bởi vì có nhiều nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu lệ thuộc hoàn toàn vào khí gaz của Nga. Việc các nước này chỉ có ít ngày để "đổ xô" đi tìm nguồn cung mới có thể đẩy giá khí đốt tăng cao.
Các ngân hàng Goldman Sachs và HSBC đặc biệt chú ý đến khả năng hợp đồng trung chuyển khí đốt từ Nga sang Âu Châu qua ngả Ukraine sẽ không được triển hạn. Trong trường hợp này, lượng khí đốt giảm đi sẽ đặc biệt gây tổn hại cho các nước, ví dụ như Slovakia, trong những tuần qua đã cảnh báo về những tác động tài chánh có thể xảy ra và kêu gọi các bên đạt một thỏa thuận triển hạn hợp đồng. Áo, Cộng hòa Czech và Ý Ðại Lợi, vốn cũng được hưởng lợi từ khí đốt Nga, có thể sẽ phải chuyển sang các nhà cung cấp khí đốt khác, nên về ngắn hạn, có thể sẽ phải gánh chịu tình trạng giá chất đốt tăng lên.
Tuy nhiên, vẫn theo trang tin Géo, một đánh giá mới đây của Ủy Ban Âu Châu đã chỉ ra rằng nhìn một cách tổng thể, các tác động sẽ là "không mấy đáng kể", bởi vì Liên Hiệp Âu Châu đã có các nguồn cung ứng khác. Hiện giờ, mỗi năm, 15 tỉ mét khối khí đốt mà Nga cho trung chuyển qua ngả Ukraine chỉ đáp ứng được chưa đến 5% nhu cầu chung của toàn khối Liên Hiệp Âu Châu.
Florence Schmit, chiến lược gia về năng lượng của Âu Châu tại ngân hàng Rabobank, được Géo ngày 25/12 trích dẫn, nhận định: "Việc tăng giá sẽ là đáng kể nhưng chỉ trong vài ngày đầu năm mới (2025), trước khi thị trường thích ứng với trạng thái bình thường mới và giá cả được bình ổn trở lại".
Tuy nhiên, cũng không thể xem nhẹ các giả thuyết khác. Bởi theo Marco Saalfrank, phụ trách mảng bán buôn tại Âu Châu, thuộc công ty Thụy Sĩ, Axpo Solutions AG: "Các cuộc đàm phán dĩ nhiên là rất phức tạp, có nhiều vấn đề chính trị và nhiều lợi ích khác nhau, chính vì thế mà rất khó dự báo điều gì sẽ xảy ra vào ngày 1/1" (2025).
Về phần mình, các nhà giao dịch đang tiếp tục suy luận về xu hướng biến động giá khí đốt. Một số người đặc biệt nghĩ rằng có nhiều khả năng là các bên sẽ đạt một thỏa thuận về khí đốt của Nga sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 20/1/2025, người từng khẳng định trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2024 rằng ông sẽ ưu tiên cho việc bắt đầu các cuộc hòa đàm giữa Ukraine và Nga. Tuy nhiên, Mỹ cũng là một trong những nhà cung cấp khí đốt chính của Âu Châu, nên cũng sẽ có những tham vọng riêng tại châu lục này.
Liên Hiệp Âu Châu: Hung Gia Lợi Kết Thúc Nhiệm Kỳ Chủ Tịch Luân Phiên Với Bảng Tổng Kết Mờ Nhạt
(Hình AP / Denes Erdos: Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban tại thủ đô Budapest, ngày 21/12/2024.)
-Ngày 31/12/2024, Hung Gia Lợi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu, chuyển giao vai trò cho Ba Lan kể từ ngày 1/1/2025. Trong sáu tháng giữ cương vị Chủ tịch, Hung Gia Lợi không ngần ngại gây bực tức cho các đối tác nhưng cũng đạt được những thành công đáng kể.
Từ thủ đô Brussels của Bỉ, thông tín viên Laxmi Lota của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) điểm lại những sự kiện chính dưới sự chủ trì của Hung Gia Lợi:
Make Europe Great Again! Đây là khẩu hiệu mà Hung Gia Lợi đã chọn cho nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu. Một sự tham chiếu đến Donald Trump, người đã có thể gây phiền toái cho một số lãnh đạo trong khối 27 nước thành viên.
Thủ tướng Hung Gia Lợi đã khiến các đồng nghiệp nhiều lần bực bội trong sáu tháng qua. Chẳng hạn như vào tháng 7/2024,Victor Orban đã đến Kyiv, rồi Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh mà không có sự ủy nhiệm của Âu Châu. Ông đã gặp Tổng thống Nga bất chấp lập trường của khối là hoàn toàn hậu thuẫn Ukraine và cô lập Nga.
Victor Orban đã bảo vệ nhiệm kỳ của mình trong cuộc họp thượng đỉnh Âu Châu sau cùng rằng, "có hai lựa chọn: hoặc chúng ta tiến hành một nhiệm kỳ Chủ tịch mang tính chính trị, hoặc một nhiệm kỳ Chủ tịch quan liêu", và ông nói thêm: "Tôi đã lựa chọn nhiệm kỳ với các quyết định mang tính chính trị".
Nhưng các đối tác cũng nhìn nhận những tiến bộ đạt được trong nhiệm kỳ của Hung Gia Lợi: Lỗ Ma Ni và Bảo Gia Lợi sẽ hoàn toàn tham gia không gian Schengen kể từ ngày 1/1. Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu còn nhắc đến "Tuyên bố Budapest", được thông qua trong tháng 11: Một văn bản đầy tham vọng về tính cạnh tranh của Âu Châu.
Pháp: Tổng Thống Macron Thừa Nhận Việc Giải Tán Quốc hội Gây Chia Rẽ Đất Nước
(Hình REUTERS - Gonzalo Fuentes: Ảnh chụp màn hình TV, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi thông điệp năm mới tới cả nước, đêm 31/12/2024.)
-Tối 31/12/2024, ngày cuối cùng trong năm, theo thông lệ Tổng thống Pháp có bài phát biểu trên truyền hình với quốc dân. Tổng thống Emmanuel Macron đã điểm lại hàng loạt thành tích văn hóa, xã hội, thể thao nổi bật trong năm 2024. Đồng thời, ông thừa nhận trách nhiệm trong vụ giải tán Quốc hội, với hậu quả là "gây nhiều chia rẽ hơn là mang lại giải pháp".
Báo chí Pháp nhận định, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron muốn sang trang khủng hoảng chính trị trong nước liên quan đến vụ ông bất ngờ giải tán Quốc hội sau khi liên đảng cầm quyền thua trong kỳ bầu cử Nghị Viện Âu Châu hồi tháng 6/2024
Trong số những sự kiện chính được Tổng thống Maron điểm lại trong bài phát biểu trên đài truyền hình công France 2, có sự kiện quyền tự nguyện chấm dứt thai kỳ được ghi vào Hiến pháp, Thế Vận Hội Mùa Hè 2024 Olympic và Paralympic, việc mở cửa trở lại Nhà Thờ Đức Bà sau 5 năm trùng tu vì hỏa hoạn....
Tâm điểm của bài phát biểu được công luận quan tâm có lẽ là việc Tổng thống thừa nhận trách nhiệm, rằng việc ông giải tán Quốc hội đã gieo rắc sự "chia rẽ" và "gây bất ổn". Đồng thờin ông kêu gọi người dân Pháp "trấn tĩnh", "đoàn kết", "quyết tâm", chung sức khôi phục đất nước sau cơn khủng hoảng.
Tổng thống Macron cũng nói đến việc trong năm nay sẽ đề nghị người dân Pháp "quyết định" về một số chủ đề rất quan trọng để chuẩn bị cho tương lai đất nước. Theo giới quan sát, đây là hàm ý về việc tổ chức trưng cầu dân ý về những quyết định trọng đại của đất nước, từng được đề cập nhiều lần nhưng chưa bao giờ được tổ chức từ khi ông Macron lên làm Tổng thống vào năm 2017.
Như thường lệ, các đảng đối lập đã có phản ứng. Ông Manuel Bompard, điều phối viên của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), cho rằng "nhận trách nhiệm là chưa đủ", mà Tổng thống phải ra đi. Trong khi đó, người đứng đầu nhóm Dân biểu của đảng này tại Hạ viện, bà Mathilde Panot, chỉ trích vị "Tổng thống kiêu ngạo và chuyên quyền" và bà muốn ông Macron từ chức.
Về phía tân Thủ tướng Pháp, cũng vào hôm 31/12/2024, từ vùng lãnh thổ hải ngoại Réunion, ông François Bayrou bày tỏ mong muốn năm 2025 sẽ là năm "hòa giải", "hành động" và "ổn định" của đất nước, sau khi Pháp đã phải trải qua những giai đoạn "rạn nứt" và "đối đầu" nghiêm trọng, "không thể chấp nhận được".
Pháp: Khó Khăn của Chính Quyền Trong Việc Tái Thiết Mayotte
-Bài xã luận của tờ Le Monde ra ngày 1/1/2025 quan tâm đến việc tân Thủ tướng François Bayrou đã tuyên bố sẽ bắt tay vào việc tái thiết Mayotte sau khi cơn bão Chido đi qua.
Kế hoạch tái thiết, mang tên "Mayotte đứng vững", nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của người dân, đặc biệt tại một khu vực đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng và điều kiện sống khắc nghiệt. François Bayrou đã cho biết cần phải khôi phục nhanh chóng mạng lưới điện, nguồn nước và hỗ trợ nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, các vấn đề cơ bản liên quan đến di cư bất hợp pháp vẫn là một khó khăn lớn, vì dân số của Mayotte khó ước tính, đặc biệt do di dân không có giấy tờ đến từ quần đảo Comoros.
Trong chuyến thăm Mayotte ngày 30/12, François Bayrou đã nêu chi tiết các biện pháp khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái thiết quần đảo trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề đơn giản, vì các vấn đề cấu trúc lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực di cư, làm các nỗ lực tái thiết trở nên phức tạp. Chính phủ đã cam kết sẽ huy động quỹ từ Liên Hiệp Âu Châu (EU) để hỗ trợ dự án, nhưng báo Le Monde vẫn hoài nghi về khả năng chính quyền có thể giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.
kiểm soát di dân bất hợp pháp là một trong những thách thức lớn, và chính quyền vẫn chưa thống nhất về các giải pháp cần áp dụng. Một đề xuất thay đổi luật về quyền nơi sinh ở Mayotte đã được đưa ra, nhưng gây tranh cãi, đặc biệt là do sự phản đối của cánh tả, coi đó là mối đe dọa đối với các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp xứ lục lăng. Hơn nữa, việc tái thiết Mayotte diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị không ổn định, và điều này có thể gây thêm khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch.
Ấn Độ Tham Vọng Trở Thành Nhà Xuất cảng Vũ Khí Lớn Trên Thế Giới
(Hình AP - Bikas Das: Một quân nhân Ấn Độ chạy gần một chiếc trực thăng ở Kolkata, Ấn Độ, ngày 16/12/2024.)
-Hôm 31/12/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh hoan nghênh lĩnh vực xuất cảng vũ khí được sản xuất nội địa "Made in India". Hiện nay, Ấn Độ chưa phải một nhà xuất cảng vũ khí lớn trên toàn cầu, nhưng đây là tham vọng của Tân Ðề Ly. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, xuất cảng vũ khí của Ấn Độ sẽ tăng gấp 10 lần sau một thập niên.
Từ Bangalore, thông tín viên Côme Bastin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm về các tham vọng của Ấn Độ:
"Trong lĩnh vực quân sự, Ấn Độ trên hết vẫn chủ yếu là nước nhập cảng, dẫu là từ Nga, nhà cung cấp truyền thống tính từ thời Liên Xô, hay từ phương Tây mà gần đây Ấn Độ đã trở thành thị trường nhập cảng quan trọng. Thương vụ Pháp bán máy bay Rafales hoặc tàu ngầm cho Ấn Độ là một ví dụ.
Lo lắng về việc bảo đảm nền độc lập quốc gia, Ấn Độ đặt tham vọng sản xuất vũ khí ngay trong nước, nhưng cũng là để gây ảnh hưởng trên thị trường vũ khí thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh hoan nghênh việc xuất cảng vũ khí đã tăng đáng kể. Năm 2020, chính phủ đã đề ra chỉ tiêu là đến năm 2025 tăng gấp 5 lần xuất cảng vũ khí.
Ấn Độ không có vị thế cao trên thị trường vũ khí cao cấp nhưng có thể phát triển sản xuất áo chống đạn và mũ bảo hiểm, máy bay Dornier, trực thăng Chetak, các tàu đánh chặn và ngư lôi hạng nhẹ. Dẫu đạt mức xuất cảng 2 tỉ Euro trong năm 2024, Ấn Độ vẫn thua xa Trung Quốc. Xuất cảng của Trung Quốc đạt 16 tỉ Euro.
Hoan nghênh những bước tiến đã đạt được, Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh Ấn Độ cần phát triển kho vũ khí để đối phó với các mối đe dọa tân tiến nhất, ví dụ tấn công tin học và trí tuệ nhân tạo".
Panama Kỷ Niệm 25 Năm Hoa Kỳ Chuyển Giao Kênh Đào Giữa Lúc Donald Trump Dọa Đòi Lại Quyền Kiểm Soát
(Hình REUTERS - Enea Lebrun: Một tàu chở hàng đi qua kênh đào Panama. Ảnh chụp ngày 12/8/2024.)
-Hôm 31/12/202, Panama đã kỷ niệm 25 năm Hoa Kỳ chuyển giao lại kênh đào Panama cho nước này, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa lấy lại quyền kiểm soát.
Tổng thống Panama, José Raúl Mulino, phát biểu: "Trong ngày đặc biệt này, có sự pha trộn giữa niềm vui vì lễ kỷ niệm 25 năm kênh đào thuộc quyền kiểm soát của Panama, và nỗi buồn về sự ra đi của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ". Buổi lễ đã dành thời gian mặc niệm để tri ân tới ông Carter, người đã đàm phán thỏa thuận chuyển giao kênh đào với cựu lãnh đạo Panama Omar Torrijos vào năm 1999. Ông Mulino cũng nhấn mạnh thêm rằng "không có bàn tay nào kiểm soát kênh đào ngoài Panama (...) Hãy yên tâm, kênh đào mãi mãi thuộc về chúng ta".
Theo ghi nhận từ hãng tin AP, ông Mulino đã không đề cập đến phát biểu của ông Donald Trump, người từng đe dọa sẽ đòi lại quyền kiểm soát kênh đào. Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ đã chỉ trích việc Panama gia tăng mức lệ phí qua kênh đào kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ông tuyên bố rằng nếu tình hình không thay đổi sau khi ông nhậm chức vào cuối tháng 1, "chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại hoàn toàn và nhanh chóng kênh đào Panama cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ".
Tuy nhiên, thỏa thuận chuyển giao kênh đào mà hai nước đã ký trước đó bao gồm hai Hiệp ước, một Hiệp ước về chuyển giao quyền kiểm soát cho Panama và một Hiệp ước trung lập kéo dài vĩnh viễn, cho phép Hoa Kỳ hành động để bảo đảm kênh đào luôn mở cửa và an toàn. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ được can thiệp nếu hoạt động của kênh đào bị đe dọa bởi xung đột quân sự, nhưng không phải để khôi phục quyền kiểm soát. Trong khi đó, ông Benjamin Gedan, Giám đốc Chương trình Mỹ Latinh tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Woodrow Wilson ở Hoa Thịnh Ðốn, nhận định rằng có rất ít cơ hội để Hoa Kỳ giành lại quyền kiểm soát kênh đào trừ phi nước này "mở một cuộc xâm lược thứ hai vào Panama".
Lưu lượng hàng hóa qua kênh Panama đã tăng 17% trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2004. Cử tri Panama đã thông qua một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2006, cho phép mở rộng kênh để đáp ứng các tàu chở hàng có kích thước lớn hơn. Việc mở rộng hoàn thành vào năm 2016 và tốn hơn 5,2 tỉ Mỹ kim.
Nam Hàn: Tòa Án Phát Lệnh Bắt Giữ Tổng Thống Yoon Suk Yeol Để Phục Vụ Điều Tra
(Hình Korean Presidential Office via REUTERS: Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol phát biểu trước quốc dân tại thủ đô Hán Thành, ngày 12/12/2024.)
-Văn phòng Điều tra các Viên chức Cấp cao Tham nhũng (CIO) của Nam Hàn cho biết lệnh bắt giữ giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol đã được một tòa án ở Hán Thành cấp sáng nay, 31/12/2024. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nam Hàn, một Tổng thống đương nhiệm, dù bị Quốc hội đình chỉ, phải đối mặt với lệnh bắt giữ, và buộc phải trình diện trước các nhà điều tra vì cố ban hành lệnh thiết quân luật, nhưng bất thành hôm 3/12 vừa qua.
Văn phòng điều tra tham nhũng đã xin lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yoon vì ông đã "phớt lờ" cả 3 lệnh triệu tập, để thẩm vấn về việc ban hành thiết quân luật, nhưng bất thành hồi đầu tháng 12. Theo Yonhap, tòa án ở quận Tây Hán Thành đã bác bỏ khiếu nại của ông Yoon khi cho rằng CIO không có thẩm quyền đối với các vụ nổi loạn. Tòa đã phát lệnh bắt giữ cùng với lệnh khám xét dinh thự của Tổng thống Yoon Suk Yeok tại Yongsan, để phục vụ cho cuộc điều tra.
Lệnh bắt giữ có hiệu lực trong một tuần, đến ngày 06/01. Sau khi bị bắt, ông Yoon có thể bị tạm giữ tại một trại giam ở Uiwang, phía Nam Hán Thành, hoặc một đồn cảnh sát. Các viên chức của CIO vẫn chưa quyết định thời điểm bắt giữ và cho biết "nhiều tình tiết khác nhau có thể được xem xét trong quá trình thực hiện".
Tuy nhiên, theo Yonhap, vẫn chưa rõ liệu CIO có thể bắt giữ ông Yoon hay không, vì Cơ quan an ninh Tổng thống đã chặn các điều tra viên, không cho họ tiếp cận các khu văn phòng Tổng thống và nơi ở chính thức của ông Yoon, để tiến hành các cuộc khám xét gần đây, với lý do "lo ngại về an ninh quân sự".
Ông Yoon Suk Yeol, mặc dù bị Quốc hội Nam Hàn đình chỉ chức vụ, nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức bãi nhiệm Tổng thống từ Tòa án Tối cao. Vì vậy, trên nguyên tắc Yoon Suk Yeol vẫn tại vị và được hưởng quyền miễn trừ của Tổng thống nếu bị truy tố hình sự. Tuy nhiên, theo luật Nam Hàn, đặc quyền này không được áp dụng với các tội danh nổi loạn hay phản quốc.
Tập Cận Bình Thách Thức : "Không Ai Có Thể Ngăn Trung Quốc Thống Nhất Với Đài Loan!"
(Hình AP: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn mừng năm mới 2025.)
-Trong diễn văn mừng năm mới hôm 31/12/2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh không ai có thể ngăn Trung Quốc 'thống nhất' với Đài Loan, khi ông đưa ra lời cảnh báo rõ ràng đối với những người mà Bắc Kinh coi là lực lượng ủng hộ độc lập trong và ngoài hòn đảo có 23 triệu dân này.
Trong năm qua, Bắc Kinh đã tăng cường áp lực quân sự gần Đài Loan khi họ điều chiến hạm và chiến đấu cơ gần như hàng ngày vào vùng biển và không phận xung quanh hòn đảo trong hành động mà các viên chức Đài Loan coi là nỗ lực mưa dầm thấm lâu để 'bình thường hóa' sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.
"Người dân ở cả hai bờ eo biển Đài Loan là một gia đình. Không ai có thể cắt đứt liên hệ gia đình của chúng ta, và không ai có thể ngăn chặn xu hướng lịch sử là thống nhất đất nước", ông Tập phát biểu trong bài diễn văn được phát trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.
Trong diễn văn mừng năm mới hồi năm 2024, ông Tập cũng từng nói rằng việc Trung Quốc 'thống nhất' với Đài Loan là không thể tránh khỏi, và người dân ở cả hai bờ 'nên gắn kết bằng lý tưởng chung và chia sẻ vinh quang của sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa'.
Căng thẳng vẫn ở mức cao trong suốt cả năm ở eo biển Đài Loan, nhất là sau khi ông Lại Thahh Đức, người bị Bắc Kinh coi là 'phần tử ly khai', trở thành Tổng thống mới nhất vào tháng 5.
Đầu tháng này, Trung Quốc đã điều động lực lượng Hải quân hùng hậu xung quanh Đài Loan và ở Biển Hoa Đông và Biển Đông sau khi ông Lại dừng chân ở Hawaii và vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trong chuyến công du Thái Bình Dương bị Bắc Kinh chỉ trích.
Trung Quốc, vốn không bao giờ từ bỏ biện pháp vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Loan, đã tiến hành hai vòng tập trận xung quanh hòn đảo này trong năm nay, và nói rằng đó là cảnh báo đối với 'các hành động ly khai' và thề sẽ có thêm các hành động khác nếu cần thiết.
Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, vốn được cho phép trong khuôn khổ Đạo luật Quan hệ với Đài Loan, cũng tiếp tục làm căng thẳng mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Hoa Thịnh Ðốn.
Diễn Văn Năm Mới: Tổng Thống Đài Loan Kêu Gọi Tăng Cường Phòng Thủ Trước Mối Đe Dọa Từ Trung Quốc
(Hình AP/Taiwan Presidential Office: Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (giữa), vẫy cờ Đài Loan, ở thủ đô Đài Bắc, ngày 1/1/2025.)
-Phát biểu trong buổi họp báo đầu năm mới hôm 1/1/2025, Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc nhưng cũng đồng thời hoan nghênh các cuộc trao đổi bình đẳng và tôn trọng với Bắc Kinh.
Hãng tin AP trích dẫn phát biểu của Tổng thống Đài Loan, cho biết: "Các quốc gia độc tài như Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn và Iran vẫn đang hợp tác để đe dọa trật tự quốc tế. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng như hòa bình, ổn định của toàn thế giới",. Trước tình hình đó, ông Lại nhấn mạnh: "Đài Loan phải chuẩn bị đối phó với các mối nguy hiểm ngay từ trong thời bình. Phải không ngừng tăng ngân sách quốc phòng để củng cố năng lực phòng thủ, nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ đất nước. Mỗi người dân đều có trách nhiệm bảo vệ nền Dân chủ và an ninh của Đài Loan",.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết "Đài Loan hy vọng có các cuộc trao đổi công bằng, dựa trên luật lệ với Trung Quốc, theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi" nhưng bày tỏ nghi ngờ về thiện chí từ Bắc Kinh. Theo ông, Trung Quốc đang cản trở những trao đổi đơn giản giữa hai bên như cho phép công dân đi du lịch. Bắc Kinh đang áp đặt hạn chế đối với khách du lịch Trung Quốc đến Đài Loan hoặc sinh viên Trung Quốc học tập trên hòn đảo này, trong khi Đài Bắc không áp dụng các lệnh cấm tương tự đối với người Đài Loan đến Trung Quốc. Vì vậy, Tổng thống Đài Loan đã đặt câu hỏi tại sao công dân Trung Quốc có thể tự do đến các quốc gia như Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhưng lại bị kiểm soát khi muốn tới Đài Loan. "Liệu điều này có thực sự thể hiện thiện chí đối với Đài Loan? Họ không thể đối xử công bằng với mọi người hay sao?"
Về phần mình, trong bài diễn văn năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng "không ai có thể ngăn cản" việc thống nhất Đài Loan. Hãng tin AFP trích lời ông Tập được phát đi trên sóng truyền hình Nhà nước, cho biết: "Người dân Trung Quốc ở hai bờ eo biển Đài Loan là trong một gia đình. Không ai có thể cắt đứt mối quan hệ máu mủ của chúng ta, và không ai có thể ngăn cản xu thế phát triển của lịch sử là thống nhất (Đài Loan) về đất mẹ".
Tin Việt Nam Hôm Nay
Việt Nam Tăng Cường An Toàn Bay Sau Vụ Tai Nạn Máy Bay Nam Hàn
(Ảnh minh họa: Máy bay Vietnam Airlines tại phi trường Nội Bài.)
-Hôm 30/12/2024, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn hàng không dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sau khi xảy ra các vụ tai nạn hàng không trên thế giới, trong đó có vụ liên quan tới hãng Jeju Air của Nam Hàn.
Theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News), Cục này "yêu cầu người khai thác máy bay quán triệt đội ngũ người lái máy bay triệt để tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình khai thác tiêu chuẩn đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất lợi và trong những tình huống phức tạp".
Thêm nữa, tin cho hay, Cục này cũng yêu cầu "thực hiện đầy đủ việc phân tích, xác định nguyên nhân, các biện pháp khắc phục, phòng ngừa đối với các sự kiện có nguy cơ uy hiếp cao đối với an toàn bay, báo cáo đầy đủ kịp thời về Cục".
Cục Hàng không Việt Nam cũng được dẫn lời nói rằng lực lượng ứng phó khẩn cấp "luôn luôn ở trạng thái sẵn sàng kích hoạt ở mức cao nhất để đáp ứng mọi tình huống khẩn nguy trong khu vực phi trường".
Như VOA tiếng Việt đã đưa, trích tin thông tấn xã Reuters, toàn bộ 175 hành khách và bốn trong số sáu thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng khi chiếc Boeing 737-800 hạ cánh bằng bụng và trượt ra ngoài ở cuối phi đạo tại Phi trường Quốc tế Muan ở Nam Hàn hôm 29/12, làm bùng lên quả cầu lửa khi nó đâm vào bờ kè chứa thiết bị điều hướng.
Các nhà điều tra vụ tai nạn đang xem xét các yếu tố khả dĩ như máy bay va vào chim, hệ thống điều khiển trên máy bay bị vô hiệu hóa cho đến việc phi công khẩn trương tìm cách hạ cánh ngay sau khi gọi cấp cứu, các viên chức cứu hỏa và vận tải cho biết, theo thông tấn xã Reuters.
Hôm 30/12, Quyền Tổng thống Nam Hàn Choi Sang-mok đã ra lệnh kiểm tra an toàn khẩn cấp đối với toàn bộ hoạt động ngành hàng không Nam Hàn.
Trong một diễn biến khác liên quan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đến Tòa Ðại sứ Nam Hàn viếng và ghi sổ tang tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay của Jeju Air, theo VGP News.
"Thay mặt chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin chân thành gửi đến chính phủ và nhân dân Nam Hàn, đặc biệt là tới các gia đình nạn nhân lời chia buồn sâu sắc và lời thăm hỏi chân thành nhất", Phó Thủ tướng viết, theo Cổng thông tin Chính phủ, bày tỏ thêm rằng "chính phủ và nhân dân Nam Hàn sẽ vượt qua nỗi đau, mất mát to lớn, nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ tai nạn để cuộc sống gia đình các nạn nhân sớm ổn định trở lại".
Kỷ Luật Nguyễn Xuân Phúc và Vương Đình Huệ Là Quyết Tâm Cao của Ông Tô Lâm
(Hình AFP / Nhac Nguyen, từ trái qua: Tứ trụ gồm Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng, Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính rước khi bắt đầu phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV ngày 20/7/2021.)
-Ông Tô Lâm khẳng định vụ xử hai cựu cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong năm 2024 thể hiện sự nghiêm minh, quyết tâm cao của Tổng Bí thư, Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời gửi thông điệp "không để cán bộ sai phạm hạ cánh an toàn".
Phát biểu được ông Tô Lâm, trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đưa ra vào sáng 31/12/2024 tại phiên họp thứ 27 của cơ quan này.
Dù không nêu danh tính của hai cán bộ chủ chốt bị Bộ Chính trị kỷ luật lần đầu tiên, tuy nhiên, trong hai tháng cuối năm, cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Trung ương đã kỷ luật cảnh cáo cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - hai nhân vật trong tứ trụ thường bị dư luận cho là "vùng cấm" không được đụng đến.
Đài Tiếng nói Việt Nam VOV dẫn lời ông Tô Lâm đề nghị giải pháp vừa phải chống được tham nhũng, vừa phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP hai con số liên tục trong nhiều năm, đồng thời cũng phải phê phán quan điểm cho rằng chống tham nhũng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, dẫn đến việc cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm.
Ngoài ra, người kế nhiệm ông Trọng cũng chỉ ra việc thất thoát lãng phí trong các dự án khiến người dân bất bình, ông đề nghị tiến hành thanh tra và giải quyết một số dự án điển hình để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và phải có người chịu trách nhiệm nếu cố tình để sai phạm cao nhất là xử phạt hình sự.
Đáng chú ý, Tổng Bí thư cũng đặt ra mục tiêu cho năm 2024 kết thúc điều tra, giải quyết 26 vụ án, chín sự việc, nhất là tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử Sơ thẩm các vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập đoàn Thái Dương và Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam, dự án Sài Gòn-Đại Ninh (Lâm Đồng), phi trường Nha Trang.
Trong đó, dự án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn được cho là nguyên nhân dẫn đến việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phải thôi chức trong năm nay. Ông Thưởng mới được tạm tha không kỷ luật Đảng do đang điều trị bệnh. Cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị khởi tố và bắt giữ trong vụ án Sài Gòn - Đại Ninh. Ông Dũng khai được cấp trên chỉ đạo giải quyết các đơn thư của công ty này, "cấp trên" của ông Mai Tiến Dũng thời điểm đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.
Tin Cộng Ðồng
Cần Tuyên Truyền Đặc Biệt Cho Kiều Bào Về "Kỷ Nguyên Vươn Mình của Dân Tộc"
(Hình AFP / Adam Gray: Một người cầm cờ Mỹ và cờ Việt Nam Cộng Hòa trước khi bắt đầu "Cuộc diễu hành của người nhập cư - Lễ kỷ niệm văn hóa quốc tế" lần thứ 39 tại New York, Hoa Kỳ, ngày 8/6/2024.)
-Phó đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. HCM, ông Hà Phước Thắng đề nghị Ủy ban về Người Việt Nam ở Hải ngoại Tp. HCM tiếp tục thông tin về những chính sách, đề án, kế hoạch lớn của đất nước và thành phố đến với kiều bào, đặc biệt là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hôm 30/12, Ủy ban về Người Việt Nam ở Hải ngoại Tp. HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và khai triển phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Cụm từ "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" được ông Tô Lâm thường xuyên nhắc đến khi kế nhiệm chức danh Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng qua đời trước đó không lâu, đặc biệt là sau chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9, cụm từ này được nhắc đến nhiều hơn và được các lãnh đạo khác lặp lại.
Thời của ông Trọng, cụm từ được nhắc đến nhiều nhất đó là "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay".
Theo ông Hà Phước Thắng, ngoài việc tuyên truyền về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cho kiều bào, còn phải tuyên truyền về hơn 80 dự án Tp. HCM muốn thu hút kiều bào đầu tư, bên cạnh đó cần tập trung phát triển nhiều trung tâm văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở ngoại quốc.
Ông Thắng cho biết trong năm 2025, Quốc hội sẽ lấy ý kiến khoảng 150 luật và đề nghị Ủy ban về Người Việt Nam ở Hải ngoại Tp. HCM rà lại vai trò, vị trí, sự gắn kết của kiều bào với các luật này và tổ chức lấy ý kiến nhằm phát huy tốt nhất nguồn lực kiều bào.
Nhiều Người Mỹ Gốc Việt Lo Mất Trợ Cấp Bảo Hiểm Y Tế Khi Lưỡng Viện Quốc Hội Đều Thuộc Cộng Hòa
(Hình REUTERS: Biển hiệu của một cơ sở chuyên giúp tư vấn về Obamacare, bảo hiểm, thuế... ở tiểu bang California, Hoa Kỳ.)
-Ngày 20 tháng 1, 2025, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức cho nhiệm kỳ thứ hai của ông; đồng thời lưỡng viện Quốc hội khóa mới cũng sẽ do Cộng hòa nắm thế đa số. Nhiều người Mỹ gốc Việt đang thụ hưởng chương trình mua bảo hiểm y tế Obamacare tỏ ra lo lắng về khả năng Quốc hội sẽ không gia hạn phạm vi bảo hiểm từ cuối năm tới (2025), trong khi khái niệm về một kế hoạch thay thế cho hệ thống chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng của Mỹ hiện vẫn chưa được đưa ra.
"Lo chứ, nếu có thay đổi thì mình phải lo chứ". Theo lời chị Tracy Trần, một cư dân ở Hampton, tiểu bang Virginia, bày tỏ với VOA. Tracy cho rằng nếu có sự thay đổi đối với chương trình Obamacare, thì sự thay đổi đó "chắc không tốt hơn", chị nói, khi so sánh với những chương trình bản thân đang sử dụng trong một năm qua.
Là một nội trợ, chị Tracy chỉ có khả năng mua bảo hiểm sức khoẻ ở Marketplace, một thị trường bảo hiểm y tế được chính phủ Mỹ tài trợ thông qua Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (Affordable Care Act - ACA), thường được gọi là Obamacare. Qua gần một năm sử dụng, chị Tracy cho biết hài lòng với chương trình bảo hiểm sức khoẻ hiện tại và không mong muốn có thay đổi nào.
Chị Thu Trần, một chuyên viên giúp hướng dẫn ghi danh bảo hiểm cho nhiều người Việt ở quận Fairfax, Virginia, nói với VOA rằng đối với nhiều người trong cộng đồng người Việt, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực nail, nhà hàng hay doanh nghiệp nhỏ, thì Obamacare là lựa chọn duy nhất mà họ có thể chi trả nếu muốn mua bảo hiểm sức khoẻ. Chương trình cũng giúp cho rất nhiều người được đi khám bệnh thường xuyên hơn sau nhiều năm họ không đến văn phòng Bác sĩ.
"Nhiều người hoàn toàn không có bảo hiểm, mà không có bảo hiểm thì sẽ không đi Bác sĩ khám bệnh phòng ngừa (preventive care). Chương trình này (Obamacare-Marketplace) mặc dù không phải thật tốt nhưng ít nhất nó cho người ta mỗi năm được đi khám bệnh phòng ngừa nên họ được thử máu, được biết có bệnh hay không. Nhiều người, như em trai tôi chẳng hạn, không mua bảo hiểm nên suốt mấy chục năm qua cũng không đi Bác sĩ luôn vì quá mắc tiền. Nhiều người bị ung thư đến giai đoạn cuối mới phát giác vì họ không đi khám bệnh thường xuyên", chị Thu nói.
Nói về nỗi lo của những người dùng Obamacare, chuyên gia Jennifer Sullivan, Giám đốc Tiếp cận Bảo hiểm Y tế của Trung tâm Ngân sách và Ưu tiên Chính sách (CBPP), viện nghiên cứu chính sách phi đảng phái có trụ sở Hoa Thịnh Ðốn, chuyên nghiên cứu và phân tích về ảnh hưởng của các chính sách liên bang lên người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, nói với VOA:
"Chắc chắn rồi, lo lắng về bất kỳ điều chưa biết nào luôn là điều tự nhiên. Tôi hiểu tại sao cộng đồng người Việt lại đặc biệt lo lắng. Obamacare hoặc Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng thực sự quan trọng đối với hàng triệu người Mỹ, nhưng đặc biệt là đối với nhiều người Mỹ gốc Á".
Theo bà Sullivan, "Việc làm cho chi phí bảo hiểm trở nên hợp lý hơn rất nhiều đã giúp giảm tỷ lệ người không có bảo hiểm xuống mức mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Riêng về người Mỹ gốc Việt, tỷ lệ không có bảo hiểm đã giảm một phần trăm. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng việc giảm tỷ lệ không có bảo hiểm là một công việc khó khăn. Mức giảm 1% đó là từ năm 2019 đến năm 2022, chỉ trong ba năm. Vì vậy, đây là những lợi ích lớn mà mọi người đang nhận được từ đạo luật ngay lúc này. Và chúng đặc biệt quan trọng đối với những người tự kinh doanh, các chủ doanh nghiệp nhỏ, những người không thường xuyên được tiếp cận với một hình thức bảo hiểm y tế khác. Họ chiếm hơn một phần tư tổng số người đăng ký trên Marketplace".
Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng được ký thành luật vào năm 2010 và được thực hiện đầy đủ vào năm 2014. Hiện có hơn 20 triệu người Mỹ đang dựa vào thị trường bảo hiểm y tế tư nhân được chính phủ liên bang trợ cấp để chăm sóc sức khoẻ trong năm nay. Dẫn số liệu nghiên cứu của CBPP, bà Sullivan cho biết tỷ lệ phần trăm số người Mỹ gốc Á đăng ký Obamacare đã tăng 22% kể từ năm 2020.
"Có một triệu người Mỹ gốc Á, người Hawaii bản địa và người dân đảo Thái Bình Dương đăng ký (Obamacare) trong năm qua. Đây là một cộng đồng lớn đang nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ Đạo luật (ACA)", bà Sullivan nói thêm, và cho rằng chính các khoản tín dụng thuế bảo hiểm nâng cao là phần lớn lý do tại sao số lượng người đăng ký bảo hiểm Marketplace tăng lên rất nhiều trong bốn năm qua.
Chương trình trợ cấp thông qua tín dụng thuế nâng cao là kết quả của Đạo Luật Kế Hoạch Cứu trợ Hoa Kỳ năm 2021 của chính quyền Joe Biden và dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2025. Một báo cáo của CBPP vào tháng trước kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ gia hạn các khoản tín dụng thuế vào mùa Xuân năm 2025 để tránh tác động tiêu cực đến việc đăng ký trên Marketplace, vì các công ty bảo hiểm và cơ quan quản lý cần phải có khoảng thời gian cần thiết để cập nhật mức chi phí bảo hiểm cho năm tiếp theo.
"Nếu Quốc hội để cho các khoản tín dụng thuế nâng cao hết hạn, hầu như tất cả những người đăng ký Marketplace ở mọi tiểu bang sẽ phải đối mặt với chi phí bảo hiểm cao hơn đáng kể. Ước tính có khoảng 4 triệu người sẽ không có bảo hiểm", báo cáo của CBPP cho biết.
Trong trường hợp đó, người Mỹ có thu nhập thấp vẫn sẽ nhận được hỗ trợ của liên bang, trong khi những người thuộc lớp trung lưu sẽ bị ảnh hưởng.
Với việc đảng Cộng hòa hiện giành được quyền kiểm soát cả lưỡng viện, rất có khả năng Quốc hội sẽ không bỏ phiếu gia hạn phạm vi bảo hiểm vào năm tới, theo dự đoán của nhiều chuyên gia y tế.
Chuyên gia Sullivan cho rằng đây sẽ là thiệt hại rất lớn cho người sử dụng bảo hiểm Marketplace so với những gì họ đang thụ hưởng hiện nay.
"Năm nay, khoản tiết kiệm thay đổi tùy theo thu nhập. Nếu bạn có thu nhập thấp hơn và đủ điều kiện thì sẽ được trợ giúp nhiều hơn. Nếu bạn có thu nhập cao hơn, bạn sẽ nhận được ít hơn một chút. Nhưng những người đăng ký trung bình tiết kiệm được hơn 700 Mỹ kim trong năm nay", bà Sullivan nói thêm.
Đạo luật về bảo hiểm với giá cả phải chăng ngoài việc hỗ trợ cho người dân tiếp cận với bảo hiểm rẻ tiền hơn, nó còn bao gồm nhiều yếu tố khác như chương trình Medicaid mở rộng, hay các phụ lục như cấm các công ty bảo hiểm kỳ thị hay phân biệt người đang có tiền sử bệnh án, sinh viên, những người còn đang đi học được ở chung với bố mẹ được lo bảo hiểm cho tới 26 tuổi..., anh Trương Văn Đức, Trưởng nhóm Chuyên viên Tư vấn về Chăm sóc Y tế của Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) tại Virginia, cho biết.
Là người đang tư vấn cho nhiều người Việt về cách thức lựa chọn Obamacare, anh Đức cho rằng nỗi lo của một số người Việt là có cơ sở. Tuy nhiên, anh cho rằng khả năng Obamacare bị huỷ bỏ hay thay thế là không đơn giản và đòi hỏi nhiều thời gian.
Tổng thống đắc cử Trump từng nói trong thời gian tranh cử, rằng ông có "khái niệm về các kế hoạch" thay thế Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng nhưng cho đến nay chúng vẫn chưa được tiết lộ.
Trong nhiệm kỳ trước đó, ông Trump ủng hộ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hoa Kỳ mà nếu thành luật, sẽ thay thế một phần ACA và bãi bỏ một số quy định. nỗ lực thông qua Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hoa Kỳ thất bại tại Thượng viện vào năm 2017.
Các khoản trợ cấp đã giúp số người đăng ký Obamacare tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2020-2024 – một mức cao kỷ lục – theo thống kê công bố tháng Bảy, 2024, của cơ quan nghiên cứu độc lập KFF về các vấn đề chính sách y tế.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) báo cáo rằng tỷ lệ người không có bảo hiểm y tế đã đạt mức thấp nhất mọi thời đại là 7,2% vào năm 2023.
Tuy nhiên, ACA vẫn bị xem là một lựa chọn không hoàn hảo cho phạm vi bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và là một trong những yếu tố chính dẫn đến các khoản nợ về y tế của người dân.
Trong năm 2025, Bộ Y tế Mỹ quy định giới hạn chi phí cá nhân phải trả cho một gói bảo hiểm Marketplace không được vượt quá 9.200 Mỹ kim cho một cá nhân và 18.400 Mỹ kim cho một gia đình. Theo đó, các công ty bảo hiểm không được phép đòi hỏi khách hàng phải chi trả quá các mức giới hạn này.
Các chuyên gia về chính sách Mỹ nhận định mặc dù hệ thống ACA không hoàn hảo, nó vẫn tốt hơn việc hàng triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét