33 NĂM TÌM ĐƯỢC XÁC CHỒNG - GIAO CHỈ - SAN JOSE
Câu chuyện tình bi thảm của 1 thời chinh chiến – Giáo sư Bùi văn Phú bên Oakland nói rằng học sinh Nguyễn Bá Tòng 70 ai cũng biết hoa khôi Ngọc Di – Thầy Mạc Bìa ở San Jose nói rằng anh em không quân ai cũng biết phi công Nguyễn văn Lộc – Ngọc Di quê Nha Trang vào học tại Saigon – Trung úy Lộc quê Đà Lạt về Nha Trang đi lính tàu bay – Ghé chơi nhà bạn chợt thấy tấm hình cô gái có đôi mắt “U uẩn chiều luân lạc” đâu biết rằng anh sẽ mê mệt vì đôi mắt người Nha Trang – Niên khóa 71-72 Trung úy Lộc đi Hoa Kỳ học lái phản lực. – Năm 71-72 cô nữ sinh Nguyễn Bá Tòng tốt nghiệp tú tài toàn phần và ghi danh trường luật.
<!>
Đám cưới ở Nha Trang ngày 6 tháng 2/1974. – Một năm sau căn cứ không quân Phan Rang di tản. – Chồng đưa vợ có bầu lên máy bay chạy vào Saigon.– Trung úy phi công ở lại lo phi vụ hành quân.– Chia tay nhưng hẹn gặp lại tại Saigon.– Rồi vợ chồng tái ngộ trong niềm hạnh phúc.– Lại chia tay thêm lần nữa ngày 28 tháng 4/1975. –Ngọc Di có bầu 6 tháng lên máy bay đi Mỹ.– Người phi công phản lực ở lại với những phi vụ cuối cùng.– Chia tay nhưng vẫn hẹn găp lại, nhưng lần này là vĩnh biệt.– Người mẹ trẻ sinh con gái trong tỵ nạn ngày 18 tháng 7/1975. –Vợ vẫn không biết tin chồng, con không thấy mặt cha. –Anh phi công của Việt Nam Cộng Hòa nằm trong trại tù Long Giao tính được gần đúng ngày vợ sinh. –Ngày đêm anh sống với đôi mắt người tình Nha Trang. –Việt cộng hẹn 6 tháng học tập rồi sẽ trả tự do. –Sáu tháng trôi qua chưa được thả, anh âm mưu vượt ngục. –Bị bắn chết ngày 25 tháng 3/1976. –Chôn cùng người bạn phi công trốn trại. –Vợ con bên Hoa Kỳ hoàn toàn không có tin tức. –10 năm sau, những người bạn tù qua được Hoa Kỳ lần lượt kể chuyện về chuyến vượt thoát bất thành. –Nhưng không ai biết xác chồng của Ngọc Di ở nơi nào. –Ba mươi ba năm sau, những bạn tù không quân mới tìm lại được xác chiến hữu. –Người quả phụ không quân đem con gái 33 tuổi về nhận di hài của phi công Nguyễn văn Lộc. –Trên chuyến bay hãng EVA đáp xuống phi trường LA ngày 3 tháng 11/2008 cô Ngọc Di ôm bình tro cốt của chồng. –Con gái cô ôm thêm bình tro cốt của người chiến hữu cùng chết bên cạnh anh.– Năm nay 2010 là ba mươi lăm năm nhìn lại con đường. –Tôi xin kể lại ngọn ngành 35 năm cuộc đời của người góa phụ không quân anh dũng muôn đời.
Một thời chinh chiến
Mỗi người trong chúng ta đều có riêng cho mình những kỷ niệm về tháng 4 năm 1975. Chuyện của cô Nguyễn Thị Ngọc Di thường được kể thêm vài hàng bên cạnh câu chuyện của người chồng anh hùng trốn trại và đã hy sinh. Nhưng tôi lưu ý riêng đến hoàn cảnh người vợ nên đã nghe cô Ngọc Di kể lại tâm sự cuộc tình. Cô nói rằng, dù đã đem được di hài anh Lộc về nhưng tâm tình u uẩn chưa nguôi. Con gái của cháu tương đối ổn định, nhưng phần cháu, cuộc chiến vẫn chưa yên. Từ lúc 10 tuổi, hình ảnh mẹ cháu đi nhận xác chồng với di hài và vết máu trên áo trận của ba cháu vẫn theo đuổi cháu trong nhiều năm. Đến thời gian cháu ở Phan Rang có mấy tháng đã chứng kiến cảnh cô vợ trẻ miền Tây, đẹp não nùng đi nhận xác anh không quân tử trận. Phi cơ bị rơi vẫn còn mang bom. Phi công không kịp nhảy dù. Bom mang theo nổ cùng con tàu. Xác chẳng còn gì. Căn cứ lấy 2 cây chuối cho vào quan tài, thêm 1 ít da thịt rồi đóng hòm thực kín. Khi cô vợ ra nhận xác chồng, vật vã xin mở ra nhìn mặt, nhưng còn thấy làm sao được. Cháu chứng kiến mà thấy tê dại cả người. Anh Lộc dìu cháu vào nhà ở khu sĩ quan độc thân. Anh nói rằng, anh cam đoan sẽ không bao giờ bị như thế. Như vậy là làm sao. Phải chăng lời tiên tri cho cả cuộc đời sau này. Lấy nhau từ tháng 2/74, chẳng bao giờ được gần nhau 1 tháng. Anh đi bay khắp mọi nơi. Đầu năm 75, cháu có bầu mới ra sống ở căn cứ Phan Rang. Vì không có nhà bên cư xá gia binh, phải tạm trú ở khu độc thân. Chứng kiến toàn chuyện hy sinh chết chóc. Cháu mới 19 tuổi, bác nghĩ coi làm sao mà sống được. Mới năm trước từ thời học sinh vô tư qua thời sinh viên hết sức thần tiên. Chợt bước chân vào đời vợ lính, lo lắng sợ hãi biết chừng nào.
Một thời để yêu
Chờ cô Ngọc Di bớt cơn xúc động, tôi xin cô kể lại chuyện tình bắt đầu ra sao. Cô bình tĩnh và kể hết, không hề dấu diếm kề cả chuyện bay bướm và ngang tàng của anh Lộc.
Bác biết không, trước khi gặp cháu, anh Lộc đã quen với cô giáo Hương bên Ba Làng cũng tại Nha Trang. Bạn bè đã có người gọi anh là Lộc Ba Làng. Chuyện này về sau cháu mới biết. Ông anh họ không quân của cháu cũng không biết mới dẫn Lộc về nhà coi mắt chị cháu ở Nha Trang. Nhà cháu có đến 9 anh chị em. Nhưng coi bộ anh Lộc với chị Như Khuê của cô không hợp duyên, nên chỉ chuyện trò qua loa. Chợt anh Lộc thấy hình của Ngọc Di còn đang trọ học Saigon. Anh nói là đã mê đôi mắt từ lúc đó.
Qua niên khóa 71-72 Trung úy Lộc đi học bay tại Hoa Ky. Ngọc Di bắt đầu nhận được thư làm quen. Bạn bè của anh ở Mỹ nói rằng mỗi tuần anh đều nhận được thư của 2 cô. Cô giáo bên Ba Làng và cô nữ sinh Nguyễn Bá Tòng. Nhưng xem chừng đôi mắt người Nha Trang đã lấy trọn vẹn tình yêu của anh chàng không quân gốc Đà Lạt. Dù rằng về phần Ngọc Di vẫn chưa thực sự rung động với tình yêu chiến sĩ.
Hồi hương được 3 ngày, Trung úy Lộc bèn vào trường Nguyễn Bá Tòng lừa cha giám học nhận là anh vào thăm cô em cùng họ Nguyễn. Đây là đầu tiên 2 người gặp mặt. Từ trước chỉ biết qua hình ảnh. Anh chị có 2 tuần lễ đi chơi khắp Saigon, bao nhiêu là quà bên Mỹ, anh phi công hào hoa dành hết cho cô hoa khôi trường trung học..
Giáo sư Bùi Văn Phú thời đó học Nguyễn Bá Tòng cùng lớp với Ngọc Di kể lại rằng hình ảnh anh không quân xuất hiện đã làm cho biết bao nam sinh đau lòng.
Một hôm anh Lộc dẫn cô Di về nhà bà chị tại Saigon, chợt gặp cô giáo Ba Làng ra thăm.
Cuộc gặp gỡ bất chợt như trong thoại kịch trên sân khấu. Người yêu cũ chợt thấy bị phản bội, người yêu mới chợt thấy bị lừa dối. Anh không quân đưa Ngọc Di về nhà, nhưng cô cho rằng cuộc tình ngắn ngủi coi như chấm dứt. Cô cũng chưa yêu nên không thấy thực sự bẽ bàng. Sẵn sàng để anh Lộc trở về với người xưa của anh. Nhưng anh không quân đã trở thành Phạm Thái của Tiêu Sơn Tráng sĩ nhất định chết trong cặp mắt của giai nhân Trương Quỳnh Như.
Ngày hôm sau, trung úy phản lực trở lại nói là đã giải quyết xong mục tiêu. Cô gái Ba Làng buồn tủi trở về Nha Trang và anh Lộc quyết 1 lòng đi tới với Ngọc Di.
Cuộc tình duyên trải qua suốt năm tháng dài cho đến ngày đám cưới ở Nha Trang 6 tháng 2-1974.
1974 - Một thời hoạn nạn:
Khi đôi trẻ bắt đầu xây dựng gia đình qua lễ cưới là lúc đất nước bước vào năm tang tóc cuối cùng. Ngọc Di nhắc đi nhắc lại là cháu đâu có được làm vợ lính cho trọn vẹn một đời. Tuy hòa bình đã ký nhưng 2 bên vẫn còn chiến tranh dành dân lấn đất. Cô sinh viên vẫn lấy bài học luật đi về giữa Saigon Nha Trang và người chồng bất chợt lúc gặp ở Nha Trang, lúc thì Saigon. Mấy tháng cuối cùng sống chung ở căn cứ Phan Rang ngày đêm nghe tiếng phi cơ phản lực và những giây phút ngóng đợi chồng về.
Rồi khi tình thế nguy ngập, anh chồng đẩy cô vợ mang bầu lên C.130 với toàn những người xa lạ. Phi cơ cất cánh, nhìn anh còn đứng trên phi trường Phan Rang, nào biết bao giờ gặp lại nhau. Nhưng rồi anh đem phản lực về Saigon yểm trợ cho mặt trận Long Khánh.
Có tin vợ con phi công chiến đấu vào hết Tân Sơn Nhứt để chờ di tản. Đêm định mệnh cuối cùng Ngọc Di vẫn còn ở nhà với mẹ và thân quyến tại Saigon. Các ông anh cũng có chương trình di tản cả nhà.
Nửa đêm 28 tháng 4/75 chợt có tiếng xe hồng thật tự chớp đèn bấm còi ấm ỹ. Anh Lộc gõ cửa kêu Ngọc Di khẩn cấp lên đường. Bà mẹ nói rằng hay con ở lại để đi với mẹ và anh em, nhưng Lộc kiên quyết kéo vợ đi ngay. Ánh mắt mẹ già buồn bã trông theo. Nhưng sau này cả nhà đều bị kẹt lại. Lên xe hồng thập tự thấy cảnh tượng hãi hùng, Trung úy Giới ngồi bên vợ là cô sản phụ vừa sinh con, ôm con trong khăn còn vết máu.
Thì ra xe bus chở gia đình phi công đã nổ máy chờ trong căn cứ, ông trung úy Giới lấy xe cứu thương của không quân chạy ra nhà thương rước vợ. Anh Lộc nhẩy theo, sau khi đón được vợ con mày, phải ghé nhà cho vợ tao đi. OK.
Xe Hồng thập tự bóp còi chớp đèn chạy như bay trong đêm Saigon. Các gia đình trên xe bus đang nổ máy chờ, thấy 1 bà mới sinh con và 1 bà bầu mặt còn trẻ thơ bước lên xe. Hai ông chồng vất vả đứng trông theo. Ngọc Di nhìn lại anh Lộc qua khung kính. Anh phi công hẹn sẽ gặp lại bên Mỹ. Vợ con đi rồi, còn mấy anh lái phản lực thì xoay sở dễ dàng, Ngọc Di không thể nghĩ rằng đấy là hình ảnh cuối cùng. Đó là ngày 28 tháng 4-1975. Cô đi C.130 qua Côn Son rồi sau đó di tản qua đảo Guam. Hết sức cô đơn, không gia đình, không bà con thân thuộc. Ngay cả gia đình bạn bè trong không quân cô cũng không quen ai. Cô sống 1 cuộc đời tiểu thư từ nhỏ, số mệnh đột nhiên ném vào cuộc đời. Cô bắt dầu cuộc sống trong chờ đợi, đen tối mịt mùng, hoàn toàn tự lập suốt một phần tư thế kỹ.
Một thời định cư
Vẫn tràn đầy hy vọng, cô nằm chờ ở đảo Guam. Các phi công lần lượt đến tìm vợ con và đoàn tụ bay vào lục địa. Anh chị Giới của chuyến xe Hồng thập tự định mệnh cũng đến rồi đi, không có tin gì về anh Lộc và không ai biết là Lộc mất tích, đã chết hay còn lạc loài nơi đâu. Rồi người ta không cho bà bầu ở lại đảo Guam. Cô phải đi vào Mỹ để còn lo sinh đẻ.
Ngọc Di lên đường mắt còn ngó lại biển Đông. Các trại tỵ nạn Cali và Akansas đã tràn ngập người di tản. Người ta đưa cô về Floria. Nơi đây ngày xưa anh Lộc đã từng đến học bay.
Mỗi ngày vẫn còn người đến trại, dù muộn nhưng vẫn còn tìm được hạnh phúc đoàn tụ bên nhau. Nhưng cô vẫn mòn mỏi đợi chờ. Ngày 18 tháng 7/1975 Ngọc Di hạ sanh 1 bé gái. Nỗi truân chuyên và sống trong ray rứt đợi chờ đã hành hạ thêm cô gái trẻ với 16 giờ đồng hồ đau đớn chuyển dạ. Trước sau vẫn chỉ có một mình. Anh Lộc một năm trước đã đặt tên cho con trai tương lai là Phi Hải. Nhưng cô con gái được mẹ đặt tên là Nguyễn Lộc Đan Vi. Nguyễn là họ của cha và mẹ, Lộc là tên cha. Đan Vi là ý kiến của cô học sinh Nguyễn bá Tòng khi nghĩ đến những cây hoa tường vi đan vào nhau ở cổng nhà chồng trên Đà lạt.
Sau khi sanh con, mẹ con cô tỵ nạn Việt Nam được ông bà bảo trợ đón về nông trại. Ngôn ngữ không quen, suốt vùng quê không có 1 người Việt Nam. Những năm đầu vừa buồn về cảnh ngộ vừa buồn vì cảnh vật. Ngọc Di ôm con sống bằng nước mắt. Duy chỉ có điều, bé gái với cặp mắt thần tiên của mẹ là nguồn an ủi cuối cùng.
Một thời để chết
Cùng lúc đó trong trại tù, anh phi công thấy rằng không còn hy vọng được trả tự do. Thời gian ngộ nhận 15 ngày đã qua từ lâu. Thời gian hứa hẹn học tập 6 tháng cũng qua rồi. Cặp mắt người yêu Ngọc Di thôi thúc ngày đêm, anh phi công ngang tàng 1 thuở nhất định trốn trại, tìm tự do. Hai anh phi công Nguyễn văn Lộc và Lê văn Bé cùng vượt trại. Hy vọng tìm đường qua biên giới Cam Bốt rồi Thái Lan. Giữa 1 đêm mưa gió, cả 2 vượt thoát còn đem theo cả lựu đạn phòng thân.
Lính cộng sản đuổi theo. Lộc chạy trước. Bé ném lựu đạn chận hậu nhưng bị thương ngã xuống. Lộc bèn quay lại, đánh lựu đạn cứu bạn. Được biết lính cộng sản cũng bị chết vì lựu đạn. Vì vậy sau khi 2 anh phi công đã gục ngã chúng còn bắn điên cuồng vào 2 xác chết.
Hai anh chết ngày 25 tháng 3-1976. Cộng sản cho kéo xác để giữa sân trại Long Giao để rằn mặt anh em rồi đem chôn xấp 2 ngôi mộ bên nhau, nhưng không có mộ bia. Các bạn tù tìm cách làm dấu nhưng không rõ ràng. Vài năm sau, không còn ai biết rõ di hài của 2 người anh hùng không quân nằm ở đâu.
Một thời định cư
Mẹ con Ngọc Di rời bỏ nông trại tìm đư33 Năm tìm Được Xác Chồngờng về ở với bà con trên Nữu Ước. Cô nữ sinh hoa khôi Nguyễn bá Tòng, sinh viên luật Saigon tiếp tục cuộc sống lủi thủi với đứa con ngày càng rực rỡ với dấu vết người cha Đà Lạt và đôi mắt bà mẹ Nha Trang.
Mấy năm sau, anh em và gia đình không quân họp mặt nên mẹ con cô Di có dịp về Cali găp gỡ mọi người. Sau cùng cô định cư tại quận Cam. Phải bắt đầu từ thập niên 80 trở đi mới có tin tức về cuộc trốn trại hào hùng và chuyện hy sinh của anh Lộc. Mẹ con bắt đầu nghĩ đến chuyện đi tìm dấu vết của người xưa. Tuy nhiên tất cả đều vô vọng. Không ai còn nhớ những ngôi mộ ở đâu, Cuộc sống vẫn bình thản diễn tiến. Anh chị em đoàn tụ. Me già gặp lại con gái. Cháu Đan Vi tốt nghiệp bác sĩ nhãn khoa rồi lập gia đình. Vợ vẫn không thấy xác chồng. Con vẫn chưa thấy xác cha.
Một lần, hết sức vô tình, Ngọc Di gặp người trong gia đình HO. Anh ở Bắc Cali nói rằng trước có ở Long Giao. Cô Di hỏi rằng anh có biết trung úy Lộc không. Anh HO nói ngay rằng cô có phải là Ngọc Di không. Ngạc nhiên đến sững xờ, cô nói tôi là Nguyễn thị Ngọc Di, sao anh biết. Anh bạn trả lời: « Tôi ở gần anh Lộc trong trại. Anh ấy nói về đôi mắt của cô suốt ngày. Khi cô mới bước vào nhà tôi đã cảm thấy. Khi cô hỏi anh Lộc, tôi biết ngay cô là vợ anh. »Và câu chuyện 20 năm xưa tuôn chảy, nhưng sau cùng cũng không biết mộ anh ở đâu.
Một thời ngoại cảm
Câu chuyện đi tìm mộ của anh Lộc đã trải qua 1 thời gian hết sức đặc biệt dựa trên các câu chuyện linh thiêng về lãnh vực ngoại cảm. Sau cùng, người bạn tù, người chiến hữu tận tụy của anh Lộc đã tìm được 2 ngôi mộ của những người phi công trốn trại năm 1976.
Các ngôi mộ được khai quật năm 2008 có cả sự tiếp sức của thầy Mạc Đìa ngồi tại San Jose mà chỉ dẫn qua điện thoại. Mặc Đìa ngày xưa cũng là sĩ quan của không lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau cùng cô Ngọc Di đưa con gái là Nguyễn Lộc Đan Vi về nhận xác người thân.
Ngày 3 tháng 11-2008 mẹ con ngồi trên phi cơ Eva ôm mỗi người một bình tro về Hoa Kỳ. Mẹ ôm tro của chồng, con ôm bình tro chiến hữu. Gia đình anh phi công Lê văn Bé nói rằng chiến hữu đã chết bên nhau thì cho đi Mỹ với nhau. Tuy nhiên bình tro của anh Bé chỉ có 1 nửa. Phân nửa gia đình lưu lại quê hương.
Ngày 8 tháng 11-2008 không quân Nam Cali làm lễ truy điệu cho 2 người anh hùng của họ. Có lễ trao cờ lại cho cô Ngọc Di cùng con gái.
Ngọc Di làm vợ lính có hơn 1 năm và làm quả phụ 33 năm mới nhận được xác chồng bằng tro tàn. Bác sĩ Đan Vi không bao giờ thấy được người cha dù ở trên trời hay ở dưới đất.
Khi khai giấy tờ người ta hỏi rằng con đến Mỹ năm nào. Con khai là đi năm 1975. Con đi bằng phương tiện gì. Con nói là con đi trong bụng mẹ. Cha con bây giờ ở đâu. Con không biết. Có thể còn đang bay ở trên trời. Con không có cha làm sao ai nuôi con học thành bác sĩ. Trả lời: Mẹ con.
Đan Vi là loài hoa tường vi đan vào nhau mọc ngoài cổng nhà anh phi công Nguyễn Văn Lộc.
Tuổi của cô là tuổi của cộng đồng. Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại năm nay 35 tuổi, cũng là tuổi của Đan Vi, một cô gái khác ngày xưa sinh ra trên tàu Trường Xuân, trên biển Nam Hải, tên cô là Chiêu Anh, cũng 35 tuổi.
Chiều văn nghệ 35 năm nhìn lại tại San Jose vào ngày 23 tháng 5/2010 chúng tôi sẽ mời cả 2 cô lên sân khấu CPA. Một cô đi tàu biển vào Mỹ. Một cô đi tàu bay vào Mỹ. Lúc ra đi cả 2 đều trong bụng mẹ.
Cả 2 cô đều không phải là ca sĩ, nhưng vẫn được mời lên sân khấu trình diễn. Hai cô đều không biết hát, chỉ đứng đó cho khán giả vỗ tay. Bởi vì cuộc đời của các cô chính là những bài ca của nửa thế kỷ trầm luân. Đó là những hài nhi của cộng đồng di tản, những công dân của thế hệ mới trưởng thành sau những đau thương của đất nước.
Các bạn hỏi rằng văn nghệ của chúng tôi sẽ có những danh ca nào trình diễn.
Chúng tôi có các nữ danh ca có tên có tuổi nhưng không biết hát.
Vậy ai là những người biết hát thì xin đến giúp một tay.
Và trời đất sẽ trả công cho quý vị.
Tất cả chỉ cần hát có 1 bài: Bài “Cô Gái Việt” của Nhạc sĩ Hùng Lân.
GIAO CHI, SANJOSE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét