Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Đọc sách mới của nhà văn Lưu Nguyễn Từ Thức. - Tuyển Tập Khảo Luận Văn Học - Việt Hải & Song Lan

Photo source: Le Dinh Le Duy Website
Nhìn tác phẩm của tác giả Nguyễn Minh Triết, hay nhà văn Lưu Nguyễn Từ Thức mang tựa đề Tuyển Tập Khảo Luận Văn Học, chúng tôi bị lôi cuốn bởi tên quyển sách. Tuyển Tập là một tập hợp các tác phẩm văn học được lựa chọn bởi tác giả biên soạn. Còn 4 chữ Khảo Luận Văn Học hàm nghĩa tác phẩm về việc nghiên cứu văn học, mà nội dung những bài viết xoay quanh phạm vi văn học biên khảo hay tham luận văn học. 
<!>
Khảo Luận Văn Học vốn là nền tảng của thể văn chất chứa cái nhìn mang tính duy bản luận (foundationalism), dựa trên hai tiền đề chính: Thứ nhất, văn học là cái gì đã có sẵn, xuất hiện trước rồi cho ta tham khảo, nên sách dẫn chúng ta thấu hiểu để nhận diện bản chất và những đặc trưng đề tài được trình bày. Ví dụ chương đầu tiên đề cập về

"NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN HOÁ VIỆT ".

Lưu Nguyễn Từ Thức. diễn giải: "Văn hoá là sự kết tinh của tư tưỏng bằng kinh nghiệm sống thực của một dân tộc. Dân tộc Việt Nam trải qua hơn 4000 năm mở nước và dựng nước đã có một nền văn hoá thâm sâu với một cơ sở tư tưởng triết học vững chắc nhờ đó mà dân tộc Việt đã vượt qua được mọi cuộc thử thách của lịch sử để trường tồn cho đến ngày nay. Nền văn hoá đó đã được hình thành qua những bước tiến của lịch sử dân tộc cũng như đã được kết tụ và lưu truyền qua huyền sử. Trong giai đoạn khởi nguyên của lịch sử, con người còn chưa có chữ viết nên huyền sử đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ghi lại và lưu truyền sử liệu từ quá khứ xa thẳm cho đến khi có chữ viết. Lịch sử của các dân tộc"... qua 1000 năm đô hộ bởi giặc Tàu, 100 đô hộ bởi giặc Tây, 20 năm nội chiến từng ngày và gần 45 năm ly hương.

Đọc Tuyển Tập Khảo Luận Văn Học, tác giả bàn về những yếu tố của văn học và nghệ thuật như Văn bản và Mỹ học.

Văn bản trong việc khảo luận những đề tài văn học là sản phẩm của những sinh hoạt trong ngôn ngữ dùng để giao tiếp, được diễn đạt bằng hình thức chữ viết. Các đặc điểm của văn bản là có sự thống nhất về chủ đề, các câu văn kết cấu mạch lạc, có trình tự, và văn bản nhằm một mục đích giao tiếp nhất định. Văn bản được sáng tạo bởi một hay nhiều người được gọi là tác giả và người đọc là người tiếp nhận văn bản. Tác giả và người đọc có mối tương tác với nhau. Không có người đọc, văn bản chỉ tồn tại như một vật thể mà thôi...

Tác giả Lưu Nguyễn Từ Thức đề cập về quan niệm Mỹ Học cổ bên Ðông phương, trường hợp của Việt Nam, như về việc đọc để hiểu tác phẩm văn học cũng là việc tìm sự cảm thông giữa những tâm hồn đồng điệu, là việc tìm giao cảm giữa những tâm hồn tri kỷ, tri âm. Ví dụ trong niềm ưu tư đó mà Nguyễn Du khi kết thúc Truyện Kiều đã tự hỏi:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Không biết ba trăm năm sau có ai trong thiên hạ thấu hiểu được tâm sự và cái chí của Nguyễn Du khi đọc Truyện Kiều. Cho nên muốn đọc hiểu văn bản văn học một cách đứng đắn thì phải hiểu rằng mọi yếu tố của văn bản đều có nghĩa, các yếu tố đó lại kết thành hệ thống, và cái nghĩa có sức thuyết phục nhất là phải phù hợp, không mâu thuẫn với bất cứ yếu tố biểu hiện nào. Mỹ học là bộ môn khoa học có tính lý thuyết về sự nhận thức và thưởng thức cái đẹp trong thiên nhiên, trong nghệ thuật và trong xã hội. Thuật ngữ này là một phát kiến của triết gia người Đức Alexander Baumgarten, dùng để đặt tên cho tác phẩm Aestheticä (Mỹ học) của ông (1750-1758). Trong quá trình sử dụng và nghiên cứu, định nghĩa từ "mỹ học", người ta ví mỹ học như cái cây có nhiều cành và luôn luôn phát triển vì mỹ học luôn tồn tại trong xã hội, trong thiên nhiên và nghệ thuật. Người ta đã tranh luận nhiều về phạm vi và sự hữu ích của từ này. Trong thế kỷ 20, từ ngữ này có nghĩa rộng hơn lý thuyết mỹ thuật bởi nó bao hàm cả lý thuyết về cái đẹp cụ thể trong tự nhiên và cái đẹp trừu tượng, ví dụ vẻ đẹp tinh thần hay trí tuệ - tuy nhiên cái đẹp đó phải là đối tượng cho sự nghiên cứu triết học hay khoa học. Những người đi đầu trong ngành Mỹ học: phương Tây có Aristotle, Platon, Hegel, Kant, Mỹ học dân chủ Nga,... Phương Đông có Lão Tử, Khổng Tử,...

Sách nói về chủ đề HỌC THUYẾT VĂN CHƯƠNG NỮ QUYỀN. Vì phong trào đòi quyền bình đẳng cho nữ giới hay phong trào nữ quyền là những vận động đòi hỏi bình đẳng cho phụ nữ trong các lãnh vực chánh trị, xã hội, giáo dục, và văn học. Sở dĩ có phong trào nữ quyền là vì từ lâu người phụ nữ trong xã hội thường hay bị xem khinh về phương diện thể lực cũng như tinh thần. Do đó, tại Mỹ sau nhiều năm vận động, một đại hội phụ nữ đã được tổ chức tại Seneca Falls thuộc bang New York vào năm 1848 và một Tuyên ngôn độc lập cho phụ nữ đã ra đời. Phong trào này sau đó đã lan ra mau chóng cùng khắp nước Mỹ rồi vượt đại dương tràn sang Âu châu. Tựu trung thì theo tác giả, thì phong trào nữ quyền sẽ còn tiếp diễn cho đến bao giờ có một nửa nhân số của nhân loại này thỏa mãn mới thôi, mà ngày đó chắc là còn xa lắm. Như vậy thì các học thuyết văn chương nữ quyền cũng sẽ không thôi phát triển và chắc chắn là mỗi ngày mỗi phong phú và uyên bác hơn.

Một chương khác khá độc đáo nói về vai trò của người nữ quyền trong văn học như ĐỌC LẠI THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG VỚI CÁI NHÌN NỮ QUYỀN LUẬN.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, (1772–1822) là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, mà hiện tại vẫn khiến nhiều học giả tranh cãi. Di tác của bà hoàn toàn là thơ, trong đó mảng Nôm có nhiều phẩm chất tốt cần sự khảo cứu thấm hậu thi ca của nữ sĩ. Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nôm nổi tiếng của văn học Việt Nam thời trung đại, bà được mệnh danh là “Bà chúa thơ nôm”. Theo sách “Giai nhân dị mặc” của học giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến 1916, thì bà là một gương độc đáo của nền văn học Việt Nam. Bao nhiêu giấy mực đã nói về bà. Hồ Xuân Hương một nhà thơ dâm tục thấp hèn, một xúc phạm đến phẩm giá người phụ nữ, một thất vọng cho văn chương Việt Nam. Hồ Xuân Hương một nữ sĩ tài ba đã tiên phong và táo bạo làm những bài thơ vừa thanh vừa tục, những bài thơ dám đề cập đến một vấn đề cấm kỵ là tình yêu nhục thể. Bà đi trước nhiều thế hệ về nữ quyền. Theo Lưu Nguyễn Từ Thức, đọc thơ của Hồ Xuân Hương xin hãy đọc như những văn bản thuần túy. Và trong lãnh vực văn bản thuần túy không có vấn đề luân lý.

Theo quan điểm của các học thuyết phê bình hậu cấu trúc mà đặc biệt là thuyết hủy tạo (deconstruction) của Derrida thì trong ngôn ngữ không có sự phân biệt giữa nghĩa đen và nghĩa bóng hay nghĩa thanh và nghĩa tục. Derrida nhìn thế giới chỉ gồm toàn văn bản được cấu tạo bởi những cặp biểu hiệu hệ cấp đối kháng như văn hóa và thiên nhiên, hành động và thụ động, mặt trời và mặt trăng, ngày và đêm, nói và viết, cha và mẹ... Tại phương tây mãi đến giữa thế kỷ 20, Virginia Woolf một nhà tranh đấu nữ quyền Mỹ mới bắt đầu cổ võ phụ nữ hãy nói lên tiếng nói chống lại sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Và tại Pháp, một tác giả nữ quyền khác là Helene Cixous cũng cổ võ phụ nữ hãy viết văn, không những chỉ viết mà còn phải viết thật nhiều về phụ nữ, viết để đưa người phụ nữ bị xa cách, bị quên lãng, bị đứng ngoài rìa văn học trở lại với văn chương. Trong tiểu luận “Le Rire de la Meduse” Cixous đã nồng nàn tha thiết mời gọi phụ nữ “phải viết để đặt người nữ vào văn bản, đồng thời cũng đề đặt người nữ vào thế giới và lịch sử”. Nói tóm lại, Hồ Xuân Hương là một nữ lưu tiền phong, là một thiên tài có cá tánh độc đáo có một không hai trong nền văn học Việt Nam.

Sách bàn về MỸ HỌC VÀ PHÊ BÌNH NGHỆ THUẬT. Các nhà tư tưởng thường cho lý tưởng cuộc sống mà con người muốn đạt tới là Chân, Thiện, Mỹ. Ba lý tưởng này là đối tượng cho ba môn học khác nhau. Luận lý học hướng về đối tượng là cái Chân. Thật vậy, luận lý học được định nghĩa là “khoa học có mục đích xác định trong những động tác trí tuệ hướng đến sự nhận thức chân lý, động tác nào là đúng, động tác nào là không đúng”. Dù các triết gia hay trường phái có quan niệm khác nhau về chi tiết của đối tượng, bất cứ phân ngành nào của Luận lý học, đều trực tiếp hay gián tiếp hướng đến mục tiêu chính yếu là phải đạt được chân lý, tức phạm vi khảo cứu của Luận lý học là những động tác trí tuệ hướng đến sự nhận thức chân lý. Theo Platon, nhà triết học và mỹ học duy tâm nổi tiếng của Hy lạp cổ đại thì thực tại gồm có hai thế giới: thế giới ý niệm là cái ta có thể biết nên gọi là thế giới khả niệm; và thế giới vật thể là cái ta có thể thấy nên gọi là thế giới khả thị. Trong đó, theo ông, chỉ có thế giới ý niệm mới “tồn tại chân thực, nó có trước và sản sinh ra các vật thể cảm tính”. Từ quan niệm triết học đó, khi đi vào mỹ học, ông cho rằng mặc dù có cái đẹp vật chất và cái đẹp tinh thần, nhưng chỉ có cái đẹp tinh thần, cái đẹp của ý niệm mới là cái đẹp vĩnh hằng, tuyệt đối. Khi đề cập đến cái đẹp của nghệ thuật, ông chủ trương thuyết “bắt chước”. Âm nhạc là sự “bắt chước” âm thanh tự nhiên của chim chóc, sông suối… Hội họa thì là sự “bắt chước” sắc màu và đường nét của cây cối, động vật…Nói chung theo ông, nghệ thuật là sự bắt chước, mô phỏng, trước hết mô phỏng tự nhiên, sau đó mô phỏng các tác phẩm nghệ thuật mẫu mực. Aristote là học trò xuất sắc của Platon, nhưng về mặt tư tưởng, cơ bản ông đi ngược lại quan niệm của thầy mình. Các công trình của ông bao trùm lên nhiều lãnh vực khác nhau, và ở lãnh vực nào ông cũng vươn tới những đỉnh cao mà thời đại cho phép. Chung quy điều chúng ta có thể coi như toàn bộ đời sống thẩm mỹ và nghệ thuật là đối tượng nghiên cứu của mỹ học. Toàn bộ thế giới cùng toàn bộ quá trình diễn ra trong thế giới, con người cùng tất cả nền văn hóa của con người, ở một phương diện và trong một mức độ nào đó đều là môi trường của các nhu cầu thẩm mỹ, là đối tượng nghiên cứu của mỹ học.

Xét sang chương MỸ HỌC VÀ SỰ THẨM THỨC NGHỆ PHẨM ta nghe câu thơ quen thuộc mà tác giả ghi nhận:

“Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh”.


Đó là câu kết của văn hào Nguyễn Du khi chấm dứt truyện thơ nổi tiếng là Đoạn Trường Tân Thanh. Những câu thơ trác tuyệt mà Nguyễn Du gọi là “lời quê” thực ra không “quê” chút nào như mọi người đã biết. Nhưng điểm mà người viết muốn nêu ra ở đây là truyện Kiều nói riêng và một tác phẩm nghệ thuật nói chung có phải chỉ đáng để “mua vui”, chỉ đáng được coi như một thứ giải trí cho mọi người hay phải coi tác phẩm nghệ thuật có một giá trị cao hơn và có một chỗ đứng xứng đáng trong cuộc sống của con người? Ai cũng cho truyện Kiều là hay nhưng hỏi hay thế nào thì được bao nhiêu người có thể trả lời rành rọt, hoặc nếu trả lời được thì mỗi người trả lời mỗi cách khác nhau. Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì quan niệm về cái hay, về cái đẹp là một quan niệm có tánh cách tương đối và chủ quan. Tuy nhiên, một cách tổng quát khi nói về cái “Đẹp” cũng có một số chuẩn mực được mỗi xã hội chấp nhận như là một hệ quy chiếu cho cái “Đẹp”, và cho Chân - Thiện - Mỹ.

Để thưởng thức cái đẹp, văn hóa phương Tây lại chú trọng nghiên cứu các chuẩn mực của cái đẹp rồi căn cứ vào đó thẩm định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. Ngành học nghiên cứu về các chuẩn mực của cái đẹp này được gọi là môn Mỹ học (aesthetics). Theo giáo sư triết học Ed Miller của đại học Colorado Boulder, ông cho là triết học gồm sáu bộ môn như: Siêu hình học (metaphysics), kiến thức học (epistemology), luân lý học (ethics), thẩm mỹ học (aesthetics), luận lý học (logic), và lý thuyết về giá trị (value theory). Hai giáo sư triết học Mỹ khác là Brooke Moore và Kenneth Bruder cũng xác nhận triết học có bảy bộ môn trong đó năm bộ môn giống như sự phân chia của giáo sư Ed Miller, ngoại trừ bộ môn lý thuyết về giá trị và thay vào đó bằng môn triết học xã hội (social philosophy) và triết học chánh trị (political philosophy). Nhìn chung thì Mỹ học (aesthetics) ngày nay đã được giới hàn lâm thừa nhận là một bộ môn của triết học, và môn học này chú trọng đến vấn đề tìm hiểu cái đẹp và cái xấu, và nghiên cứu xem những đặc tính về cái đẹp cái xấu đó có thực sự hiện hữu trong tác phẩm nghệ thuật hay chỉ có trong suy tưởng của cá nhân người thưởng ngoạn.

Mỹ học cũng có nhiệm vụ nghiên cứu các triết thuyết liên quan đến nghệ thuật, các phê bình có tính cách triết lý của các nghệ phẩm, và thẩm định đặc tính triết học của các hành động nghệ thuật. Các phản ứng tình cảm và tâm lý của con người đối với các yếu tố của nghệ thuật như màu sắc, âm thanh, đường nét, hình tượng, và ngôn ngữ.

Về phương diện lịch sử, quan niệm về nghệ thuật và mỹ học đã được các triết gia như Plato và Aristotle đề cập đến từ lâu. Hai triết gia này cho nghệ thuật như là sự bắt chước (imitation) sự vật và hình tượng trong thiên nhiên. Riêng Aristotle còn đi xa hơn khi cho rằng nghệ thuật có ảnh hưởng đến cá tánh của con người, do đó có ảnh hưởng đến trật tự của xã hội. Và vì cho rằng mục tiêu của cuộc đời là đạt đến hạnh phúc nên Aristotle cho chức năng chính của nghệ thuật là đem lại cho con người sự thỏa mãn. Muốn nắm bắt được giá trị mỹ học của một nghệ phẩm, người thưởng ngoạn cũng cần có một số điều kiện. Sự thưởng ngoạn có tính cách mỹ học là kết quả của một sự kết hợp nhuần nhuyễn và phức tạp giữa những thái độ chủ quan và khả năng thẩm thức nghệ thuật của người thưởng ngoạn. Sự phản ứng đối với nghệ phẩm này của người thưởng ngoạn được gọi là kinh nghiệm mỹ học (the aesthetic experience). Tác giả sách Tuyển Tập Khảo Luận Văn Học đề nghị nền văn học Việt Nam hãy sớm nhận thức để vượt ra khỏi các lũy tre để nhìn xem thế giới bên ngoài đang tiến bước hướng về phía trước và bỏ xa chúng ta, hãy khai phá các khu rừng thâm u kỳ bí của nền văn học thế giới. Nếu không mau thức tỉnh hầu sánh vai cùng người để cải tiến và nâng cao các chuẩn mực cho giá trị của mỹ học thì văn học Việt Nam sẽ khó thoát ra khỏi các vòng rào nhỏ hẹp của các thôn làng hoặc các bức tường rào của các ghetto văn học.

QUAN NIỆM MỸ HỌC CỔ ĐẠI TRUNG HOA
VÀ QUAN NIỆM MỸ HỌC VIỆT NAM.

Con người là một sản phẩm tinh túy nhất của tạo hóa nên con người luôn mong muốn hoàn thiện bản thân mình để đạt tới Chân - Thiện - Mỹ. Cái chân, cái thiện, cái mỹ là tổ hợp giá trị cao quý mà loài người thời đại nào cũng mơ ước. Và mỹ học là khoa học mở rộng tầm hiểu biết về phương diện thẩm mỹ của con người và giúp mỗi người tự hoàn thiện nhân cách của mình. Cho nên không lạ gì từ xa xưa các triết gia phương Tây cũng như phương Đông đều đã đề cập đến những kinh nghiệm về cái Đẹp và cái Xấu. Các học thuyết về mỹ học đã nảy sinh rất sớm ở phương Tây cũng như phương Đông. Tuy nhiên, mỹ học với tư cách là một ngành khoa học độc lập lại phải chờ tới thời cận đại. Một trong những yếu tố quan trọng giúp mỹ học tách dần ra khỏi triết học là việc xác lập được đối tượng đặc thù của ngành khoa học này. Lúc này, nó được coi như là một bộ phận của triết học - môn khoa học tìm hiểu những quy luật chung của tự nhiên, xã hội và tư duy.

Tái giả Lưu Nguyễn Từ Thức trình bày khá rõ về ngành mỹ học trong văn học và nghệ thuật, từ Tây phương sang Đông phương. Ngoài ra sách còn bàn về những chủ đề như: DERRIDA VÀ HỌC THUYẾT HỦY TẠO, NHỮNG BỆNH TRẠNG CỦA HỒN - TRƯỜNG HỢP HÀN MẶC TỬ VÀ BÙI GIÁNG, ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI TRONG VĂN CHƯƠNG PHÁP, Ý NGHĨA VÀ VAI TRÒ CỦA VĂN CHƯƠNG LƯU VONG, ...

Với chương TÌM HIỂU DIỄN NGÔN VĂN CHƯƠNG HẬU THUỘC ĐỊA, một đề tài mà chúng tôi nghĩ văn chương Âu châu vốn đã có thuộc địa, nên nhiều trước tác phẩm văn chương phản ảnh thuở thuộc địa như những danh tác: L'Amant (Nguời Tình) của nhà văn Marguerite Duras, The Quiet American của Graham Greene, La Voie Royale của André Malraux (về vương triều Cao Miên), Between Tears and Laughter của Lin Yutang (Lâm Ngữ Đường), The Good Earth (Đất lành) của Pearl S. Buck, The Jungle Book của Rudyard Kipling...

Lưu Nguyễn Từ Thức ghi nhận là chủ nghĩa thực dân là một hình thức khai thác thuộc địa được phát triển theo với sự bành trướng của châu Âu trong thời gian 400 năm qua. Từ xa xưa nhiều nền văn minh Âu châu đã có thuộc địa và từ lâu chánh quyền đế quốc trung ương luôn luôn có uy quyền tuyệt đối trên các tỉnh thành ngoại biên và các nền văn hoá sơ khai. Sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân tại Âu châu đồng nghĩa với sự phát triển của hệ thống kinh tế tư bản trong đó các vùng đất thuộc địa được thiết lập để cung cấp nguyên liệu cho sự phát triển và củng cố các nền kinh tế tại chánh quốc. Sự liên hệ giữa quốc gia đô hộ và các nước thuộc địa hoàn toàn bất bình đẳng trên mọi phương diện kinh tế, chánh trị, văn hoá cũng như xã hội. Các sắc dân tại các quốc gia thuộc địa thường là những chủng tộc khác với sắc dân chánh quốc và bị xem thuộc loại chủng tộc thấp kém.

Chế độ thực dân đã mang theo nó ngôn ngữ của kẻ thống trị đến với các vùng đất thuộc địa và tạo nên một va chạm mạnh giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói, đặc biệt là lại tại vùng đất thuộc địa ở Phi châu, đa số không có chữ viết hoặc nếu có cũng không là một hệ thống chữ viết rõ ràng và phổ quát. Văn hoá và ngôn ngữ viết của kẻ thống trị đã được áp đặt lên dân thuộc địa và đã tạo được những ảnh hưởng đồng nhứt hoá lên dân thuộc địa. Các thổ âm biến mất dần, các giọng nói giữa các địa phương dần dần không còn quá khác biệt, và chữ viết cũng được cô động thành tiêu chuẩn. Những biến chuyển về ngôn ngữ đó giúp cho dân chúng có cùng một di sản văn hoá cố kết với nhau hơn, và giúp phân biệt một nhóm chủng tộc này với một nhóm chủng tộc khác. Vì vậy có thể nói ngôn ngữ viết đã giúp hình thành tinh thần dân tộc cho các dân thuộc địa. Tuy nhiên, ngôn ngữ viết đã gặp một số trở ngại tại châu Phi vì truyền thống của ngôn ngữ nói của châu Phi là đối thoại trong khi ngôn ngữ viết là độc thoại. Do đó, cộng thêm với sự thù ghét kẻ xâm lăng, một số người dân thuộc địa đã thu mình vào trong lối sống cổ truyền và sống tách biệt hẳn với mọi thứ do phương tây mang đến trong đó có ngôn ngữ viết. Nhìn lại lịch sử Việt Nam trải dài hơn hai ngàn năm trong đó có hơn một ngàn năm bị lệ thuộc Trung Hoa, và hơn một trăm năm là đất thuộc địa của Pháp, nhiều người sẽ tự hỏi văn học Việt Nam đã phản ứng thế nào đối với những giai đoạn bị làm thuộc địa đó. Một cách chung có thể nói là nền văn học Việt Nam còn nặng tinh thần thuộc địa đối với văn hoá Trung hoa cũng như văn hoá Pháp dù đã được độc lập với Tàu hơn một ngàn năm và độc lập với Pháp hơn bảy mươi năm.

Về phương diện văn chương phản ảnh thuở thuộc địa, và trong bài viết nhận đinh của 3 chúng tôi, Khánh Lan, Thuỵ Lan, Việt Hải về nhà văn giải Nobel văn chương 2021 Abdulrazak Gurnah, một tiểu thuyết gia sinh ra ở Tanzania và đã có một sự nghiệp 35 năm, được giới phê bình đánh giá cao bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dân và nhập cư sau khi đến Anh tị nạn. Ông sinh ra trên hòn đảo Zanzibar của Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển phía đông châu Phi, vào năm 1948, và bắt đầu viết văn sau khi di chuyển đến Anh lưu vong, nơi ông hiện đang sống ở thành phố Canterbury, Vương quốc Anh. Theo chủ đề tác giả Lưu Nguyễn Từ Thức về Ý NGHĨA VÀ VAI TRÒ CỦA VĂN CHƯƠNG LƯU VONG.

Văn chương của Abdulrazak Gurnah là theo thể tác văn học ly hương hay lưu vong. Rất nhiều cây bút lưu vong đã tạo nên tên tuổi cho mình, văn chương lưu vong là một ý niệm trong tổng thể về sự lưu động của con người xuyên qua các không gian địa lý và không gian chính trị. Điều này hàm chứa ý nghĩa là tình trạng lưu vong phải bao gồm bị cưỡng bách chuyển chỗ (displacement) vì lý do chánh trị hay tôn giáo chớ không phải vì lý do kinh tế. Trong những thế kỷ gần đây, tình trạng lưu vong thường xảy ra trên bình diện cá nhân hơn là tập thể. Tuy nhiên, có ba cuộc chuyển chỗ tập thể quan trọng được ghi nhận là sự đào thoát ra khỏi quê hương của hơn ba ngàn trí thức Đức trong thời gian từ 1933 đến 1938 khi Đức quốc xã lên cầm quyền ở Đức, các trí thức và cuộc đi tìm tự do của gần nửa triệu thuyền nhân Việt Nam sau năm 1975 khi Cộng sản xâm chiếm miền Nam Việt Nam. Yếu tố chuyển chỗ cũng làm cho những văn nghê sĩ lưu vong thay đổi chính mình như thay đổi bản ngã, thay đổi các thói quen tập quán trong lâu năm, sống hội nhập vào trong khung cảnh xã hội mới, khám phá ra những cách diễn đạt phong văn mới...

o0o

Nói chung, tuy có vài điều cần khắc phục, nền văn chương lưu vong Việt Nam ở hải ngoại đã hình thành và lớn mạnh, đóng trọn vẹn vai trò bảo vệ và phát triển văn hoá dân tộc ở hải ngoại cũng như nối tiếp dòng văn học miền Nam Tự Do như trước năm 1975. Từ văn chương lưu vong tổng thể trên thế giới ngày nay, hay nhìn theo văn chương lưu vong cá thể lưu vong Việt Nam. Xét cho cùng cũng là điều khích lệ theo phần trình bày trong sách. Chia chung hoàn cảnh lưu vong vì tị nạn chính trị như nhà văn thành đạt Abdulrazak Gurnah, mong sao những người Việt của chúng ta cũng sẽ sánh vai như trong chương này của sách. Hãy mang niềm tin, nếu có sau này thì sẽ là tin vui, là sự tự hào cho việc phát huy văn chương đa dạng cho vườn hóa văn học thế giới.

Sau cùng, ba chúng tôi, Khánh Lan, Thụy Lan và Việt Hải rất vui được đọc tác phẩm mới với những sưu khảo công phu của Tiến sĩ Nguyễn Minh Triết và được góp mặt qua những trang bạt tóm lược cùng tác giả, Lưu Nguyễn Từ Thức.

Xin chúc mừng tác giả.


Việt Hải & Song Lan 
(*), 19/02/2022.
(*): Khánh Lan và Thuỵ Lan.

Không có nhận xét nào: