Hàn Quốc: Quốc Hội thông qua kiến nghị phế truất tổng thống Yoon Suk Yeol
Hơn một chục ngày sau khi ban bố lệnh thiết quân luật, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị đình chỉ chức vụ kể từ hôm nay 14/12/2024. Quyết định được đưa ra sau khi Quốc Hội thông qua kiến nghị truất phế tổng thống với 204 phiếu thuận, 85 phiếu chống. Thủ tướng Han Duck Soo tạm thời điều hành đất nước. Chủ tịch Hàn Quốc Woo Won-shik (giữa) trong phiên họp thông qua kiến nghị phế truất tổng thống Yoon Suk Yeol , Seoul, ngày 14/12/2024. AP - Woohae Cho - Thanh Hà
Kiến nghị yêu cầu truất phế tổng thống Hàn Quốc giờ đây được chuyển lên Tòa Bảo Hiến. Cơ quan này có 180 ngày để quyết định về tương lai ông Yoon Suk Yeol. Về phản ứng trên chính trường Seoul, ông Park Chan Dae, chủ tịch đảng Dân Chủ đối lập xem kết quả cuộc bỏ phiếu lần này là « một thắng lợi lớn của nhân dân ». Theo ông, ban hành thiết quân luật để bám víu quyền lực, ông Yoon đã « vi phạm trắng trợn Hiến Pháp (…) Yoon Suk Yeol là rủi ro lớn nhất thách thức Hàn Quốc ».
Bốn ngày sau cuộc đảo chính, tổng thống Yoon Suk Yeol đã thoát hiểm trọng cuộc bỏ phiếu kiến nghị đòi truất phế ông lần đầu hôm 07/12/2024 nhờ vẫn được đảng Quyền Lực Nhân Dân PPP ủng hộ. Nhưng lần này thì không. Vào lúc mà các dân biểu Hàn Quốc bỏ phiếu, trên đường phố ở thủ đô Seoul 200.000 ngàn người biểu tình đòi tổng thống từ chức sau khi ban hành lệnh thiết quân luật trong 6 giờ đồng hồ cuối ngày 03/12/2024 trước khi bị Quốc Hội hủy bỏ.
Thông tín viên RFI Célio Fioretti tường thuật về tình hình căng thẳng tại Seoul sáng nay :
« Chính thức tổng thống Hàn Quốc không còn quyền lực. Ông Yoon Suk Yeol vừa bị truất phế và đình chỉ chức vụ ngay lập tức. Với 204 phiếu thuận, các đại biểu của bên đối lập, bên chủ xướng bản kiến nghị này, đã thuyết phục được 12 đại diện của đảng cầm quyền để hạ bệ ông Yoon.
"Một thắng lợi của nền dân chủ", lãnh đạo đảng đối lập đã bình luận như trên. Đây là lần thứ ba trong lịch sử Hàn Quốc, một vị tổng thống đương nhiệm bị truất phế. Gần đây nhất là năm 2017 với nữ tổng thống Park Geun Hye.
Tập hợp trước cổng trụ sở Quốc Hội, đám đông vui mừng. Gần 80 % người Hàn Quốc đòi hạ bệ tổng thống Yoon Suk Yeol sau cuộc "đảo chính" bất thành hôm 03/12/2024. Dù vậy, khủng hoảng chính trị vẫn chưa tới hồi kết.
Giờ đây thủ tướng Hàn Quốc tạm thời điều hành đất nước trong khi chờ đợi Tòa Bảo Hiến phê chuẩn quyết định truất phế ông Yoon. Định chế này có 180 ngày để đưa ra phán quyết. Sau đó Hàn Quốc sẽ tổ chức để bầu lại tổng thống. Phe đối lập bắt đầu chuẩn bị cho sự kiện này và hiện đang dẫn đầu cuộc đua so với bên đảng của tổng thống bị truất phế ».
Cơ quan thẩm định tài chính Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Pháp
Vài giờ sau khi tân thủ tướng François Bayrou nhậm chức, cơ quan thẩm định tài chính Mỹ, Moody’s trong đêm 13/12/2024 bất ngờ hạ điểm tín nhiệm của Pháp đang từ AA2 xuống còn AA3 với « viễn cảnh ổn định ».
Hình minh họa: một trụ sở của ngân hàng Pháp Crédit Agricole tại Nice, miền nam Pháp ( Hình chụp ngày 14/09/2011). ASSOCIATED PRESS - Lionel Cironneau
Thanh Hà
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại trước khi Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng Barnier, hôm 04/12/2024 Moody’s đã cảnh báo « lật đổ chính phủ chỉ khiến điểm tín nhiệm đối với nợ của quốc gia này xấu đi thêm ». Trong thông cáo hôm qua giải thích lý do hạ điểm tín nhiệm Pháp Moody’s cho biết : « tài chính Pháp có chiều hướng bị suy yếu đi thêm rất nhiều trong ba năm sắp tới so với những dự phóng trước đây ».
Tình trạng chia năm xẻ bảy trên chính trường « ít có khả năng cho phép Paris củng cố ngân sách, thu hẹp thâm hụt trong cán cân chi tiêu ». Khả năng chính phủ sắp tới đủ sức giải quyết bội chi vào năm 2025là « thấp ».
Thủ tướng Michel Barnier vừa bị lật đổ sau hơn 90 ngày tại chức, đã đề nghị một dự luật tài chính với mức thâm hụt tương đương với 5 % GDP trong năm 2025 trước khi quay trở lại với các quy định của khối euro (thâm hụt ngân sách 3 %GDP) vào năm 2029. Nhưng trong bối cảnh chính trị bất ổn tại Pháp hiện nay, Moody’s cho rằng « mục tiêu này hoàn toàn ngoài tầm với của Paris ».
Trong lễ chuyển giao quyền lực cho trân thủ tướng Bayrou, thủ tướng mãn nhiệm Michel Barnier tuyên bố Quốc Hội đã bỏ phiếu lật đổ nội các do ông điều hành vì ngân sách thế nhưng, các vấn đề « thâm hụt và nợ nần của nước Pháp thì vẫn còn đó » dù điện Matignon có đổi chủ.
Trước khi bắt tay vào việc thành lập nội các mới, tân thủ tướng François Bayrou nhìn nhận ông hoàn toàn ý thức được tình hình hiện đang hết sức khó khăn. Đã ba lần ra tranh cử tổng thống Pháp (2002, 2007 và 2012), ông Bayrou luôn xem việc « giải quyết thâm thủng ngân sách và nợ công » là những ưu tiên hàng đầu.
Jordanie tổ chức hội nghị quốc tế bàn về tương lai của Syria
Jordanie, hôm nay 14/12/2024, chủ trì cuộc họp hội tụ các quan chức ngoại giao Mỹ, Liên Hiệp châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Ả Rẩp để thảo luận về tình hình ở Syria thời hậu Bachar al-Assad. Chế độ al-Assad sụp đổ đánh dấu sự chấm dứt của gần 14 năm chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người và khiến hàng triệu người phải sơ tán.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) họp với đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Geir Pedersen tại Jordanie, ngày 14/12/2024. AP - Andrew Caballero-Reynolds
Phan Minh
Tại Syria, người dân, hôm qua 13/12, tổ chức sự kiện mang tên "Ngày Thứ Sáu Chiến Thắng" và bắn pháo hoa để mừng sự sụp đổ của đế chế al-Assad. Từ Damas, đặc phái viên Murielle Paradon và Boris Vichith gửi về bài phóng sự :
Người dân Syria vẫn tiếp tục ăn mừng sự sụp đổ của chế độ Bachar al-Assad trên quảng trường Omeyyades. Với phe nổi dậy cầm quyền, giới trẻ mơ về một kỷ nguyên mới.
Người Syria phải tự quyết định vận mệnh, theo Malak, một sinh viên 19 tuổi. Cô không muốn sự can thiệp từ bên ngoài : "Làm ơn hãy để người Syria tự bày tỏ ý kiến của mình ! Chúng tôi đã bị tước quyền này và giờ muốn giành lại nó. Chúng tôi đã quá nhiều lần bị dội bom và Mỹ đã không làm gì trong suốt 14 năm qua. Giờ đây họ sẽ làm gì ?"
Zeinab thì cho rằng cộng đồng quốc tế phải giúp người dân Syria buộc những kẻ đứng sau chế độ đã sụp đổ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật : "Suốt những năm qua, có rất nhiều người đã bị giết và phải chịu đau khổ vì tên tội phạm Bachar al-Assad. Chúng tôi muốn công lý được thực thi cho toàn thể nhân dân Syria."
Sau 14 năm chiến tranh, đất nước sẽ cần được tái thiết. Tasnin, 21 tuổi, mong muốn nhận được sự trợ giúp tài chính quốc tế, đặc biệt là cho giới trẻ : "Tôi hy vọng họ sẽ giúp đỡ chúng tôi. Ví dụ như trong các trường đại học, về mặt trang thiết bị, chúng tôi gần như không có gì. Còn trẻ em thì không được đến trường, trong khi chúng phải được đi học. Giờ đây chiến tranh đã kết thúc, và chúng tôi cần phải tái thiết đất nước."
Người Syria cũng hy vọng các biện pháp trừng phạt quốc tế, được ban hành chống lại chế độ Bachar al-Assad, sẽ được dỡ bỏ. Những trừng phạt này đã khiến đất nước kiệt quệ.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cho biết đã thuyết phục được Nga và Iran không can thiệp khi phe nổi dậy tấn công lật đổ chế độ Bachar al-Assad. Ankara cũng thông báo đã mở lại đại sứ quán ở Syria.
Nga thiết lập kênh liên lạc « trực tiếp » với phe nổi dậy ở Syria
Hãng tin Nga Interfax hôm 12/12/2024 khẳng định Matxcơva đã « thiết lập kênh liên lạc trực tiếp » và mang tính « xây dựng » với các giới chức chính trị tại Damas trong quá trình chuyển tiếp ».
Hình ảnh chụp từ vệ tinh của Maxar Technologies cho thấy một chiến hạm Nga ở gần căn cứ hải quân của Tartus của Nga tại Syria, ngày 13/12/2024. AP
Thanh Hà
Thứ trưởng ngoại giao Nga, Mikhail Bogdanov cho biết thêm về một cuộc trao đổi đầu tiên với đại diện của nhóm Hồi Giáo cực đoan HTS vừa giành được chính quyền ở Syria đã diễn ra trong một khách sạn. Đôi bên « ưu tiên thảo luận về vấn đề bảo đảm an ninh cho nhân viên ngoại giao và công dân Nga tại Syria ».
Theo giới quan sát, ưu tiên của Matxcơva là bảo đảm an ninh cho hai căn cứ không quân và hải quân tại Syria. Vẫn theo Interfax, thứ trưởng ngoại giao Nga tuyên bố « các căn cứ quân sự (của Nga) tiếp tục được duy trì trên lãnh thổ Syria như hiện tại. Không có bất kỳ quyết định nào khác đã được đưa ra. Chúng tiếp tục tồn tại theo yêu cầu của phía Syria vì mục tiêu chống khủng bố, chống Nhà Nước Hồi Giáo (…) Điều đó đòi hỏi một nỗ lực chung và theo chiều hướng này, căn cứ (không quân) Hmeimim đóng một vai trò quan trọng ».
Tương tự như nhiều quốc gia phương Tây, cho đến nay Matxcơva cũng cấm HTS « hiện diện trên lãnh thổ Nga ».
Hiện có khoảng 7000 lính Nga đóng tại Syria tại hai căn cứ quân sự ở Hmeimim và Tartus, trong vùng Lattaquié, cứ địa của triều đại Al Assad. Lattaquié chưa hoàn toàn rơi vào tay tổ chức HTS. Truyền thông phương Tây nhấn mạnh : Căn cứ không quân tại Hmeimim là một mắt xích quan trọng trong chiến lược của Nga để can thiệp vào châu Phi. Đây là nơi lực lượng bán quân sự Wagner từng dùng làm bàn đạp để can thiệp vào Soudan, Libya, Trung Phi hay Mali…
Tàu chiến Mỹ thăm cảng Cam Bốt sau 8 năm
Bộ Quốc Phòng Cam Bốt, hôm 13/12/2024, thông báo một tàu chiến Mỹ sẽ cập cảng xứ chùa tháp vào tuần tới, đánh dấu chuyến thăm quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ đến quốc gia Đông Nam Á này trong vòng 8 năm qua.
Hình tư liệu minh họa : Tàu chiến của hải quân Cam Bốt trong căn cứ Ream tại Sihanoukville, ngày 03/12/2023. AP
Phan Minh
Hãng tin AFP dẫn lại thông cáo của bộ Quốc Phòng Cam Bốt cho biết chuyến thăm của tàu USS Savannah tới thành phố cảng Sihanoukville ở miền Nam nhằm "tăng cường và mở rộng tình hữu nghị" cũng như "thúc đẩy hợp tác song phương giữa Cam Bốt và Hoa Kỳ". Thông cáo cũng cho biết thủy thủ đoàn gồm 103 người sẽ gặp gỡ chỉ huy căn cứ hải quân Ream và tham gia các hoạt động nhằm "tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác".
Từ năm 2022, Trung Quốc đã tài trợ cho việc cải tạo căn cứ Ream, cách Sihanoukville khoảng 30 km, vốn được xây dựng một phần bằng số tiền do Mỹ tài trợ. Tàu chiến Trung Quốc lần đầu cập cảng căn cứ này vào tháng 12/2023, và vào tháng 05/2024, hai tàu chiến của Bắc Kinh đã cập cảng Sihanoukville trong khuôn khổ cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay giữa Trung Quốc và Cam Bốt.
Washington lo ngại căn cứ Ream có thể giúp Bắc Kinh có một vị trí chiến lược quan trọng ở Vịnh Thái Lan gần Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ. Tuy nhiên, các quan chức Cam Bốt luôn phủ nhận việc căn cứ này được bất kỳ cường quốc nước ngoài nào sử dụng.
Mối quan hệ giữa Washington và Phnom Penh đã xấu đi trong những năm gần đây, khi Trung Quốc đầu tư hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng tại Cam Bốt dưới thời cựu thủ tướng Hun Sen.
Giới khoa học : Bão gia tăng ở Philippines do hâm nóng toàn cầu
Vào tháng 10 và 11 vừa qua, Philippines đã phải hứng chịu sáu cơn bão trong vòng 23 ngày. Sự tập hợp của các cơn bão dữ dội trong thời gian ngắn như vậy là điều chưa từng xảy ra trước đây. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc tổ chức World Weather Attribution (WWA), công bố hôm 12/12/2024, hiện tượng hâm nóng toàn cầu là nguyên nhân gây ra thiên tai ở Philippines.
Một ngôi nhà dân tại tỉnh Catanduanes (đồng bắc Philippines) bị trận bão Man-yi tàn phá hôm 17/11/2024. AP
Phan Minh
Từ Manila, thông tín viên Némo Lecoq-Jammes tường trình :
Các nhà khoa học đã so sánh hai thế giới. Một là thế giới con người đang sống, và một thế giới với giả thuyết không có bất kỳ hoạt động nào của con người. Kết quả rất rõ ràng. Tại Philippines, những cơn bão bắt đầu phát triển liên tục do hiện tượng hâm nóng toàn cầu.
Chính loài người chúng ta gây ra những hiện tượng này, đặc biệt do những hoạt động như đốt nhiên liệu hóa thạch. Các đại dương đang nóng lên, khiến cho mưa ngày càng lớn và tốc độ gió gia tăng.
Tại Philippines, hậu quả của các cơn bão hết sức thảm khốc. Một số khu vực trong nước đã hứng bão ít nhất ba lần liên tiếp trong một năm. Ở đây, người dân đã kiệt sức, với 13 triệu người bị ảnh hưởng trong mùa bão năm nay.
Chính phủ Philippines đang cố gắng tìm ra giải pháp. Vào tháng 7, một dự luật đã được đưa ra. Mục tiêu là đề phòng thiệt hại bằng cách ban bố “tình trạng thiên tai sắp xảy ra” trên toàn quốc để có thể huy động nguồn lực khẩn cấp.
Theo các nhà khoa học, biện pháp này không đủ để bảo vệ đất nước. Hiện tượng hâm nóng toàn cầu đã gia tăng 25% trong vòng một năm và Philippines đã hứng chịu ít nhất ba cơn bão lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét