Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :05/12/2024 - Loan My


Thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu trước Quốc Hội ngày 04/12/2024. © Sarah Meyssonnier / REUTERS - Anh Vũ
Thủ tướng Pháp từ chức sau khi bị Hạ Viện bỏ phiếu bất tín nhiệm
Nước Pháp một lần nữa rơi vào khủng hoảng chính trị. Các dân biểu Pháp tối qua, 04/12/2024, đã bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới tồn tại được ba tháng. Sáng nay, 05/12, thủ tướng Michel Barnier trình đơn từ chức lên tổng thống vừa trở về sau chuyến công du Ả Rập Xê Út. Ông Emmanuel Macron sẽ phải gấp rút bổ nhiệm một lãnh đạo chính phủ mới.
<!>
Phản ứng với việc thủ tướng Barnier quyết định sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật ngân sách An sinh Xã hội mà không qua bỏ phiếu tại Hạ Viện, 331 dân biểu chiều tối qua đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ Barnier do liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới đệ trình, trong khi chỉ cần 288 phiếu là đủ để thông qua. Đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc cũng nộp một kiến nghị tương tự nhưng không cần phải bỏ phiếu vì yêu cầu của cánh tả đã được thông qua.

Đây là lần thứ 2 trong nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, chính phủ bị lật đổ do Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Sáng nay, thủ tướng Barnier đã nộp đơn lên tổng thống xin từ chức, đồng thời nội các của ông cũng bị bãi nhiệm và sẽ chỉ xử lý thường vụ chờ tổng thống bổ nhiệm lãnh đạo chính phủ mới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vừa trở về từ chuyến công du 3 ngày Ả Rập Xê Út, tối nay dự kiến có bài phát biểu với quốc dân trên truyền hình. Hiện chưa biết ông Macron có sẽ thông báo bổ nhiệm thủ tướng mới ngay tối hôm nay hay không.

Theo các nguồn thạo tin thì tổng thống Pháp lần này mong muốn nhanh chóng bổ nhiệm lãnh đạo chính phủ mới, có khả năng ngay trong tuần này mặc dù Quốc Hội vẫn bị chia thành 3 khối như cũ : Liên minh cánh tả (Mặt trận Bình dân Mới) ; liên minh các đảng cánh hữu, cánh trung, đảng của tổng thống và đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc.

Sau khi quyết định giải tán để bầu lại Quốc Hội trước thời hạn hồi tháng 7 vừa qua, tổng thống Macron đã phải mất hai tháng mới chọn được ông Michel Barnier, thuộc cánh hữu, để lập chính phủ trong bối cảnh không có đảng nào dành được đa số tại Quốc Hội.

Khủng hoảng chính phủ Pháp nhìn từ nước ngoài

Sự kiện chính phủ Michel Barnier bị lật đổ ngày 04/12/2024 thu hút sự chú ý của truyền thông hầu như khắp thế giới. Ở Mỹ, Châu Âu báo chí đều tỏ lo lắng về khủng hoảng chính trị ở Pháp, không biết tình trạng bất ổn chính trị này sẽ diễn biến thế nào và sẽ có những hệ lụy nào trong và ngoài nước Pháp.


Ảnh tư liệu: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Pháp Michel Barnier tại lễ tưởng niệm Ngày Đình Chiến ở Paris, Pháp, ngày 11/11/2024. AP - Ludovic Marin
Anh Vũ
Từ Madrid, thông tín viên Dian Cambon ghi nhận từ báo chí Tây Ban Nha :

« Đó là cái kết cho công trình Macron », tờ báo lớn vùng Catalunya, La Vanguardia, nhận xét về việc thủ tướng Michel Barnier bị lật đổ như vậy. Nhật báo El Pais thì nhắm vào tổng thống Pháp, nhấn mạnh ông Macron đang bận rộn tổ chức buổi lễ hoành tráng khánh thành công trình Nhà thờ Đức Bà Paris hơn là lo lắng cho tương lai đất nước.

Tờ báo viết : « Macron giờ phải có các giải pháp ». Xã luận của El Pais lưu ý là nước Pháp không quen với văn hóa liên minh và thỏa hiệp. Cũng theo nhật báo Tây Ban Nha, « nước láng giềng của chúng ta đang bước vào thời kỳ bất ổn, bởi sẽ không có bầu cử Quốc Hội lại trước một năm ».

Còn đối với nhật báo theo khuynh hướng tự do và bảo thủ El Mundo, kiến nghị bất tín nhiệm lần này là « tất yếu ». Sự tồn tại của chính phủ Pháp phụ thuộc vào lãnh đạo của đảng Tập hợp Dân tộc.

Nhưng theo báo mạng Eldiario.es, vẫn còn một cửa ra cho Macron để ông đánh bóng lại hình ảnh và tránh được cái bẫy của đảng cực hữu mong ông từ chức, đó là chấp nhận một thủ tướng của cánh tả.

Hàn Quốc: Tổng thống Yoon Suk Yeol bị điều tra về tội « nổi loạn »

Ngày 05/12/2024, cảnh sát Hàn Quốc thông báo mở một cuộc điều tra nhắm vào tổng thống đương nhiệm Yoon Suk Yeol về tội « nổi loạn », sau khi ông bất ngờ ban bố thiết quân luật vào đêm 03/12/2024 nhưng vài giờ đồng hồ sau đó đã phải dỡ bỏ do sự phản đối của Quốc Hội.


Các thành viên đảng đối lập giương khẩu hiệu đòi "tổng thống Yoon Suk Yeol phải từ chức", Seoul, Hàn Quốc, ngày 04/12/2024. © AP/Ryu Hyung-seok
Thùy Dương
Theo AFP, phát biểu trước các nghị sĩ, Woo Kong Suu, Giám đốc Cơ quan điều tra quốc gia của cảnh sát Hàn Quốc, thông báo cuộc điều tra « đang được tiến hành ». Thông tin của cảnh sát được loan báo trong bối cảnh một cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội để phế truất tổng thống Yoon Suk Yeol được ấn định bắt đầu lúc 19 giờ địa phương (10 giờ GMT) thứ Bảy 07/12.

Hôm qua, sáu đảng đối lập (tổng cộng 192 nghị sĩ) đã đề nghị Quốc Hội bỏ phiếu phế truất tổng thống với cáo buộc « vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và pháp luật » Hàn Quốc. Đảng bảo thủ của tổng thống, đảng Đảng Quyền lực Nhân dân, tuy đã yêu cầu ông Yoon Suk Yeol giải trình nhưng phản đối việc bỏ phiếu bất tín nhiệm tổng thống. Đảng này có 108 ghế trong tổng số 300 nghị sĩ ở Quốc Hội.

AFP cho biết, để phế truất tổng thống, cần có 2/3 tổng số nghị sĩ ủng hộ, tức là nếu tất cả các dân biểu phe đối lập bỏ phiếu thuận thì vẫn cần thêm 8 phiếu của các nghị sĩ trong đảng cầm quyền.

Tuy nhiên, hôm nay, Choo Kyung Ho, người đứng đầu nhóm dân biểu đảng Quyền lực Nhân dân tại Quốc Hội, khẳng định với giới báo chí là toàn bộ 108 nghị sĩ của đảng sẽ bỏ phiếu chống việc truất phế tổng thống. Nhưng ông Choo Kyung Ho đã yêu cầu tổng thống rời khỏi đảng, đồng thời khẳng định đảng cầm quyền « không cố tìm cách bảo vệ thiết quân luật vi hiến của tổng thống ».

Nếu đề xuất bất tín nhiệm được thông qua, ông Yoon Suk Yeol sẽ bị đình chỉ chức vụ trong khi chờ phán quyết của Tòa Bảo Hiến xác nhận phế truất tổng thống. Nếu các thẩm phán tòa Tòa Bảo Hiến bật đèn xanh, ông Yoon Suk Yeol sẽ mất chức và cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ phải được tổ chức trong 60 ngày.

Theo một khảo sát ý kiến mà hãng tin Realmeter công bố hôm qua 04/11, gần 74% số người được hỏi ủng hộ việc phế truất tổng thống Yoon Suk Yeol.

Cựu bộ trưởng Quốc Phòng bị cấm ra nước ngoài
Vài giờ sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Kim Yong Hyun từ chức, tối qua, hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích dẫn các nguồn tin tư pháp cho biết các công tố viên quận trung tâm Seoul đã ra lệnh cấm ông ra nước ngoài, do vai trò của nhân vật này trong vụ tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành thiết quân luật và điều binh sĩ tiến vào tòa nhà Quốc Hội. Theo Yonhap, chính bộ trưởng Quốc Phòng Kim Yong Hyun là người đã đề nghị tổng thống ban hành thiết quân luật.

Theo Reuters, văn phòng tổng thống hôm nay thông báo ông Yoon Suk Yeol đã bổ nhiệm Choi Byung Hyuk, đại sứ Hàn Quốc tại Ả Rập Xê Út, làm tân bộ trưởng Quốc Phòng.

Hiệp ước quốc phòng Nga - Bắc Triều Tiên chính thức có hiệu lực

Hãng tin AFP hôm nay, 05/12/2024, dẫn thông cáo của bộ Ngoại Giao Nga cho biết hiệp ước tương trợ quốc phòng giữa Nga và Bắc Triều Tiên đã có hiệu lực.

 
Ảnh tư liệu: Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 19/06/2024. AP - Kristina Kormilitsyna
Anh Vũ
Theo nguồn tin ngoại giao Nga, hôm nay, 05/12, tại Matxcơva, các thứ trưởng Ngoại Giao Nga và Bắc Triều Tiên đã trao đổi thư phê chuẩn hiệp ước, đặc biệt có điều khoản cho phép hỗ trợ quân sự nhau ngay lập tức trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công.

Thông cáo bộ Ngoại Giao Nga cho biết hiệp ước « có hiệu lực từ ngày 04/12/2024 » và « sẽ góp phần tăng cường hợp tác song phương dưới nhiều hình thức và là một sự đóng góp ổn định vào việc tạo lập một hệ thống an ninh không thể chia cắt của khu vực Đông Bắc Á và Châu Á – Thái Bình Dương nói chung ».

Hiệp ước Quốc phòng bảo đảm hai nước hợp tác trên bình diện quốc tế để chống lại các trừng phạt của phương Tây cũng như phối hợp lập trường của hai nước tại Liên Hiệp Quốc.

Hiệp ước tương trợ quốc phòng có hiệu lực trong bối cảnh Bắc Triều Tiên bị Hoa Kỳ và Hàn Quốc tố cáo đã đưa hơn 10 nghìn quân đến Nga để tham chiến chống Ukraina.

Hồi cuối tháng 11/2024, nhiều quan chức chính phủ Hàn Quốc và một tổ chức nghiên cứu khẳng định Matxcơva đã cung cấp cho Bình nhưỡng nhiên liệu, các loại tên lửa phòng không và viện trợ kinh tế.

Được ký kết trong chuyến công du của tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 6 vừa qua, hiệp ước đã được Quốc Hội Nga phê chuẩn hôm 8/11.

Không có nhận xét nào: