Lời mở đầu: Trên mảnh đất bình yên này, nơi xa cách Việt Nam ngàn dặm đường, cứ mỗi lần nhìn lên khoảng trời xanh mênh mông, rồi bỗng bắt gặp 1 chiếc phi cơ nào đó lướt qua, lòng tôi lại chùng xuống khi hồi tưởng lại những người bạn đã một thời cùng với mình bay bổng ngày xưa. Mới buổi sáng hai đứa còn ngồi trong phòng hành quân để cùng trò chuyện, thì buổi chiều, trong 1 phi vụ kế tiếp, đã ra đi vĩnh viễn theo cánh bay.Nhớ những phi công đàn anh, gan lì, đầy dũng cảm, mới ngày nào còn dạy cho tôi những kinh nghiệm bay đầy quý giá, đáng lẽ phải sống để nêu danh người phi công Việt hào hùng, thì đã gãy cánh bay trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến.
<!>
Nhớ những người bạn phi hành trẻ trung, đầy vô tư, đầy nhiệt tình trong nghiệp bay bổng, hôm nào còn cùng nhau đùa giỡn và kể cho nhau nghe những phi vụ ác liệt, thì nay chẳng còn nữa.
Những chàng phi công vô danh, họ chẳng cầu mong tên tuổi được nêu danh, nhưng đã sống và chết trong da sắt bọc thây.
Và rồi trong những ngày kỷ niệm về Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trên mảnh đất xa quê hương ngàn dặm này, lúc mọi người Việt đốt nén hương lên để tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua, tôi lại xúc động khi nhớ về những người anh, những người bạn "bay" năm xưa mà giờ đây không còn nữa.
Nhiều lúc tôi muốn quên đi, muốn thu mình lại cho lòng được thanh thản, muốn nhồi nhét vào trong cùng kịt tủ áo chiếc áo bay ngày nào đã cùng tôi một thời tung bay trên bầu trời Việt, nhưng kỷ niệm cũ vẫn luôn trở về.....
********
Tôi về trình diện Phi đoàn 520,một phi đoàn mang danh hiệu Thần Báo, trực thuộc Sư đoàn 4 Không quân, tại căn cứ Trà nóc tỉnh Cần thơ, sau 4 năm dồi mài kinh sử trong trường Võ bị Quốc gia Việt Nam, và ngót 2 năm huấn luyện tại Mỹ để trở thành phi công cho chiếc khu trục A37. Một khu trục cơ xinh xắn, gọn nhỏ như thân hình người Việt, tuy nhiên cũng gầm thét đến đinh tai, nhức óc vào mỗi lần được những chàng phi công mở máy.
Lúc mới về, tôi rất phân vân. Toàn thể Phi Đoàn tôi, từ vị Phi Đoàn trưởng cho đến tất cả sĩ quan phi hành đoàn, đều là dân Không Quân "gốc", còn tôi, "lọt chọt" là một anh lính tàu bay từ quân trường khác đến, không hiểu có bị "đít cờ ri mi nết" không.
Vòng trình diện vị Phi Đoàn Trưởng của tôi đã qua, không có gì trở ngại. Ông ta chỉ hỏi tôi qua loa về việc học, rồi chỉ định cho tôi về phi đội A của Phi đoàn, và không quên chúc tôi cố gắng trong bước đường bay bổng. Chiều nay, tôi phải đi trình diện Đại Úy Sơn, vị Phi Đội trưởng mà tôi được chỉ định về phục vụ trong phi đội của ông ta. Theo đúng tác phong của quân trường, khi bước vào phòng tôi đứng thẳng người, chào kính theo lối "Đà Lạt" để trình diện vị chỉ huy mới của tôi. Điều khiến tôi ngạc nhiên pha lẫn thích thú là Đại úy Sơn đã vỗ vai tôi thân mật:
- Đại úy..."Đại wéo" gì! Gọi tao là anh Sơn như mấy tụi em trong phi đoàn là được rồi!
Một đặc điểm của anh Sơn, mà sau này tôi mới biết là anh không bao giờ đeo cấp bậc trên áo, ngoại trừ mỗi sáng thứ hai, khi cả Không Đoàn làm lễ chào cờ. Ngoài ra, anh không bao giờ có những lời lẽ "dao to, búa lớn" với những người đối thoại với anh. Anh luôn đối xử với chúng tôi như anh em trong một nhà. Anh bao giờ cũng kiên nhẫn trong việc chỉ bảo, nâng đỡ những phi công trẻ mới về Phi Đoàn. Theo tôi hiểu, khi nói chuyện với những người bạn mới trong Phi Đoàn, có lẽ vì tính khí "trên không đội, dưới không đạp" của anh, nên cho dù đã mang cấp bậc Đại Úy đã lâu, nhưng anh vẫn "dậm chân tại chỗ" trên bước đường... "bay" nghiệp.
Trong suốt tuần lễ đầu tiên, anh Sơn đã chỉ dạy cho tôi từng đường đi, nước bước trong Phi Đoàn, từng chi tiết những điểm "hot" hành quân trên bản đồ trong những vùng mà chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ. Tôi còn nhớ, trước ngày bay "check out" hành quân, tôi cùng ngồi chung với anh trong một phi vụ do thám cơ sở địch quân trên vùng biên giới Kampuchia. Khi cất cánh bay, anh đã nói đùa với tôi:
- Mày ở Đà Lạt ra hả? Để tao coi giò cẳng mày cứng tới cỡ nào.
Quả nhiên lần bay này tôi thật hú vía. Anh đã hướng dẫn tôi bay sát ngọn cây trong những vùng mật khu địch. Như phản ứng tự nhiên, chân tôi chỉ muốn... co lại vì sợ... "chạm" những ngọn cây cao. Sau lần bay ấy về, anh vui vẻ bảo tôi:
- Mày... được! Ngày mai, tao xếp mày đi check out với Trung tá Phi Đoàn trưởng.
Tôi là người được anh cho bay hành quân sớm nhất trong toán 7 lính bay "tò te" về Không Đoàn cùng một lượt với tôi.
Một vài nét về anh Sơn, tôi xin được kể lại. Anh là một phi công đã lớn tuổi so với tôi lúc bấy giờ, tuy thế, anh chưa từng lập gia đình. Anh sống một mình trong cư xá độc thân với bọn "lục tổn" như chúng tôi. Hằng ngày, cứ mỗi buổi chiều, sau khi bay về, anh lại rủ bọn sĩ quan độc thân chúng tôi ra sân đánh cá trong những buổi chơi volley. Anh là tay chơi bóng chuyền rất giỏi. Ít đứa nào dám cá với anh về môn chơi này. Chỉ "từ chết tới bị thương". Tuy nhiên, dù thắng hay bại, anh là người đứng ra trả tiền ăn uống cho bọn "cù lũ nhí" chúng tôi. Bọn "wing men" chúng tôi, đứa nào cũng thích bay chung phi tuần với anh, vừa... vững tâm, lại vừa học được những "trick" hiếm có của anh trong những lần hành quân. Anh bay gan dạ ít ai sánh bằng. Ngay cả Phi Đoàn trưởng của chúng tôi cũng phải "phán":
- Đi bay hành quân với thằng Sơn Gáo (biệt hiệu của anh) lạnh cẳng... bỏ mẹ!
Kể từ khi được check out hành quân, anh xếp cho tôi đi hành quân với anh "liền tù tì". Nhiều hôm, cứ xong phi vụ này, là tiếp theo sau một tiếng, xách dù ra cho phi vụ kế tiếp. Bọn "wing men" có than phiền với anh thì anh giải thích:
- Đạo nó ở Đà Lạt ra, đã là Trung úy rồi. Tao phải xếp nó bay nhiều để có đủ giờ bay rồi còn lên phi tuần trưởng chứ.
Biết được hảo tâm của anh dành cho tôi trong nghiệp bay bổng, nên dù có bị "đì" bay hành quân liên miên, tôi vẫn thầm cám ơn anh. Một người anh trong đời quân ngũ mà tôi hằng ngưỡng mộ.
Thế rồi tình hình chiến sự ở miền Nam càng ngày càng bùng nổ mãnh liệt. Chúng tôi phải "bao" một vùng hành quân rộng hơn.Từ vùng 4 chiến thuật, giờ đây, phi đoàn chúng tôi còn có trách nhiệm yểm trợ cho cả vùng 3. Tất cả những sĩ quan phi hành tất bật cho các chuyến bay hành quân dồn dập nên những cuộc trò chuyện vui đùa của chúng tôi trong khi chờ bay giảm hẳn đi. Ai nấy đều đăm chiêu, chăm chăm vào tấm bản đồ hành quân chiến sự. Không 1 ai có thì giờ rỗi rảnh,nhiều khi những bữa ăn trưa của tôi chỉ là 1 khúc bánh mì, được nhét trong túi chân áo bay,để rồi sau khi cất cánh lêntrời bay ra vùng hành quân, là lôi ra "gặm". Ai bảo đời phi công chúng tôi là ăn sung, mặc sướng, là không gian lao.
Vào thời điểm này, anh Sơn cũng ít nói cười như trước. Có lần cùng anh, vừa đeo dù lên vai, vừa bước ra phi cơ để đi hành quân chung với anh trong một phi tuần, anh nhắn nhủ tôi:
- Cẩn thận nghen Đạo. Trong vùng hành quân của mình, bọn nó có nhiều hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 lắm. Nhớ sau mỗi lần chúi xuống thả bom, khi kéo lên, bay hình chữ chi và thả faire nghen Đạo!
Tôi rưng rưng nước mắt, khẽ gật đầu, khi cảm nhận được sự lo lắng của anh dành cho tôi, trước khi hai anh em cùng bay vào vùng địch.
Thế rồi tin Ban Mê Thuột mất, tin miền Trung thất thủ làm cho anh em trong phi hành đoàn ủ rũ như trong những ngày tang chế. Ngày lại ngày, vùng hành quân càng lui về phía Nam. Nào Phước Long, rồi Tây Ninh, Long Khánh. Cho dù bao tin xấu đem lại, nhưng đa số anh em phi hành trẻ vẫn cùng nhau thi hành nhiệm vụ được giao phó mà chẳng màng hiểm nguy.
Bầu trời đen tối cứ đổ ập đến chúng tôi ngày một nhiều. Hôm qua, một người bạn đã gẫy cánh ở vùng trời Mộc Hóa thì ngày hôm nay, một sĩ quan phi hành trong phi đoàn bạn đã hy sinh trên tỉnh Tây Ninh, khiến tôi muốn khóc. Có những ai trong tình huống này, tình huống của những chàng phi công, hàng ngày phải bay ra trận địa, khi trở về, được tin đồng bạn của mình không còn nữa, mới hiểu được tâm tình của người phi công trong thời chiến. Những con người rất kiêu hùng, cứng cõi lúc cưỡi mình trên con "ngựa sắt", nhưng cũng rất yếu mềm khi hay tin đồng bạn mình đã gãy cánh bay.
Vào một buổi chiều đầu tháng Tư, sau khi bay về trong một phi vụ hành quân trên núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, tôi đưa mắt nhìn lên bảng hành quân thì biết anh Sơn vừa cất cánh trong một phi tuần kế tiếp để yểm trợ quân bạn tại Long An. Như thường lệ, tôi vào phòng nghỉ dành riêng cho sĩ quan phi hành nghỉ ngơi sau mỗi chuyến hành quân. Mắt còn đang lim dim trong giấc ngủ để lấy sức cho phi tuần tiếp theo trong ngày, thì tôi nghe loáng thoáng bên ngoài:
- Sơn "Gáo" bị bắn rồi!
Tôi chợt bừng tỉnh dậy như thể có luồng điện giật chạm vào người, rồi phóng vội ra ngoài:
- Sao? Sao? Anh Sơn bị bắn hả? Có nhảy dù ra không? Có nhảy dù ra được không?
Vừa hớt hơ hớt hải hỏi trống không, tôi vừa cầu mong anh đã nhẩy dù ra khỏi chiếc phi cơ đã bị bắn. Mọi người vây quanh chiếc điện thoại liên lạc với phòng hành quân chiến thuật để nghe thêm tin tức về phi tuần này. Người tôi rũ ra. Sao anh lại có thể bị bắn được! Người phi công vừa tài giỏi, vừa gan lì như anh thì không thể bị bắn được, tôi thầm cầu mong. Ước vọng duy nhất của tôi lúc bấy giờ là anh nhảy dù ra khỏi chiếc A37 xấu số để trở về với các anh em của phi đoàn, để kể cho chúng tôi nghe những kinh nghiệm vượt thoát trong cơn nguy nạn của người phi công.
Người tôi muốn chao đi, khi nghe loáng thoáng bên tai:
- Không thấy dù mở từ chiếc A37 lâm nạn... vì bay quá thấp.
Đúng rồi, đó là anh. Người phi công gan lì của chúng ta lúc nào cũng thích bay thật thấp trong những phi vụ hành quân. Ngày xưa, anh đã từng nói “Bay thấp, thả bom mới chính xác. Nếu bị phòng không bắn thì chỉ một mình phi công là..."ra đi", nhưng đỡ nguy hiểm cho nhiều quân bạn lúc cận chiến với địch”. Lời nói gỡ đó của anh chẳng may nay đã trở thành hiện thực. Có phải vì anh lo cho người khác hơn bản thân anh nên mới có ngày đau buồn hôm nay cho cả phi đoàn. Thế là anh đã ra đi thật sự rồi sao? Ước vọng rồi anh sẽ trở về của tôi tan như mây khói.
Tôi bước ra ngoài phòng hành quân phi đoàn để ngước nhìn lên khoảng trời cao ngày hôm ấy mà ngóng trông anh như đứa trẻ ngóng trông mẹ trở về. Bầu trời thật ảm đạm như thể đang cùng tôi đưa tiễn người anh hùng ra đi. Chiếc A37 của anh đã hun hút tận phương trời nào. Anh đã ra đi như các chiến tướng ngày xưa. Chiến tướng ngày xưa mỗi lần ra trận chỉ ước mong được da ngựa bọc thây. Anh đã ra đi với da sắt quấn thân người.
Rồi đây còn có ai để chỉ dạy cho đàn em của anh trong nghiệp bay bổng này, còn có ai luôn nhắn nhủ đàn em “Hãy cẩn thận nghen em” mỗi lần cất cánh bay. Anh ra đi để đàn em như rắn mất đầu.
Thế rồi anh được vinh thăng Thiếu tá. Tại sao lại không thăng cấp cho anh khi anh còn sống. Anh đã xứng đáng gấp ngàn lần để mang lên chiếc áo bay cấp bậc ấy. Xin anh cho tôi được đứng thẳng người để đứng chào kính anh như tư thế của trường Võ Bị đã dạy như ngày đầu tiên tôi đã gặp anh. Trước mắt tôi, lung linh hình ảnh của anh ngày nào mà anh đã từng nở một nụ cười hiền lành, bảo tôi: “Thiếu tá, thiếu "téo" gì mày! Gọi tao là anh Sơn là được rồi.”
Nhưng không, thưa Thiếu Tá. Lần này, xin Thiếu Tá cho tôi được "cãi lệnh" Thiếu Tá. Tôi biết Thiếu Tá không muốn đàn em gọi Thiếu Tá bằng cấp bậc, nhưng cấp bậc của Thiếu Tá không phải do luồn cúi mà có. Cấp bậc ấy đối với tôi là do tài năng và đức độ của người anh hùng Không Quân rất xứng đáng được hưởng. Người Không Quân luôn sáng ngời trong tâm tưởng những đàn em phi hành đã theo đôi cánh bay của Thiếu Tá trong cuộc đời bay bổng.
Sau khi anh mất đi tôi không còn hăng hái như xưa trước mỗi lần cất cánh. Nhiều lúc trong bầu trời tĩnh mịch, chỉ có tôi và con chim sắt, tôi như "nhìn" được hình ảnh của anh trách móc:“Không được nản chí, Đạo! Gắng lên!Cuộc đời em còn trẻ,nghiệp bay bổng em còn dài. Đời phi công tuy hiểm nguy nhưng rất hào hùng. Gắng lên "cù lũ nhí"!” Lời khuyên của anh văng vẳng đâu đây như tiếp sức, như thổi vào tôi 1 luồng sinh lực, cho tôi cất cánh bay cao cho đến ngày tôi đã thực hiện phi vụ cuối cùng trong cùng ngày cuối cùng mất nước.
Ngày 25 tháng Tư, tất cả phi hành đoàn chăm chú vào tấm màn ảnh nhỏ trên chiếc máy truyền hình được đặt trong phòng nghỉ phi đoàn. Mọi người lắng nghe lời tuyên bố từ chức của vị nguyên thủ quốc gia, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Ông hứa sẽ đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ của quân lực VNCH để bảo vệ miền Nam này. Sự từ chức của ông kéo theo một loạt những rối ren trên thượng tầng cơ sở quốc gia.
Sáng ngày 30 tháng Tư,tôi có trong danh sách trong phi tuần đầu tiên. Phi tuần tôi được lệnh cất cánh bay về Sài Gòn để yểm trợ cho quân bạn đang giao tranh với địch quân vùng ngoại ô của thủ đô. Và lần cất cánh của tôi sáng hôm ấy cũng là phi vụ cuối cùng của tôi trong nghiệp bay bổng. Khi chiếc A37 vừa vào vòng đai của Sài Gòn, tôi chuyển tần số để liên lạc với Paris, danh hiệu của trung tâm liên lạc hành quân chiến cuộc xin chi tiết để yểm trợ, thì chỉ nghe những âm thanh rè rè mà không một ai trả lời. Không một chiếc máy bay quan sát nào hướng dẫn chúng tôi. Lắc cánh trên không nhìn xuống dưới là cảnh hỗn độn trên đường phố ngoại ô thành phố. Xe tăng địch lẫn lộn với người dân chạy giặc. Làm sao bây giờ? Phải chi còn anh Sơn. Tôi tiếc rằng anh đã ra đi quá sớm. Có anh ở đây, anh sẽ chẳng để cho xe tăng địch quân ngờ ngờ trên đường phố. Tôi không có bản lĩnh như anh. Làm sao để đánh địch mà không chết dân đây. Người lính miền Nam khi ra trận là đánh trận cho dân chứ không phải cho chủ nghĩa. Người lính quốc gia khi ra tay không phải chỉ là một cái máy vô hồn. Họ luôn trong người giòng máu mang tình tự dân tộc.
Chúng tôi được lệnh quay trở về phi trường Trà Nóc. Trên đường bay về, tôi nghe lời tuyên bố của Tổng thống đương nhiệm Dương văn Minh kêu gọi quân đội miền Nam hãy buông súng để trao quyền lại cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Sau đó, một vài phi tuần trên không, không cam chịu sống chung với người "chủ mới" nên đã rủ chúng tôi cùng bay sang Thái Lan. Đầu óc tôi như muốn vỡ. Tay cầm cần lái mà như mơ. Đất nước tôi, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên còn kia. Dân tộc tôi, người đã cưu mang tôi từ khi tôi còn bé vẫn còn đó. Người vợ hiền thơ dại dưới mảnh đất xanh ngát ruộng lúa đang còn ngóng trông tôi trở về như sau những lần cất cánh bay. Trời ơi! Tình nghĩa trong tôi quá nặng, tôi phải quay trở về...
Tôi đã rời con ngựa sắt ở phi vụ cuối cùng trong nỗi tủi nhục của người lính đã không làm tròn nhiệm vụ. Phi vụ cuối cùng của anh Sơn hào hùng bao nhiêu thì phi vụ cuối cùng của tôi đã chấm dứt trong nỗi đau ê chề của một người đã thua trận trong cuộc chiến.
Xin anh cho tôi được viết những lời này để tạ lỗi cùng anh, một đứa "cù lũ nhí" đã không làm tròn trách vụ mà anh đã đặt hết niềm tin tưởng.
KQ Đinh Tiến Đạo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét