Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

LƯNG TRỜI GÃY CÁNH - BaoMai


Giữa một thung lũng xanh tươi man mác thuộc vùng núi rừng cao nguyên Trung Việt, từng đàn trực thăng rầm rộ lao vào, mang theo những chiến binh không kỵ đầu tiên quân lực Hoa Kỳ của thập niên 60, nhưng khi chân họ vừa chạm mặt đất cũng là lúc hàng tràng đạn lớn nhỏ dòn dã nổ vang đón tiếp như đã chờ đợi từ lâu; cuốn phim “We Were Soldiers” đang đến đoạn gay cấn, thì tiếng chuông điện thoại reo lên, theo thói quen thường lệ, đợi đến hồi chuông gần dứt, hắn mới nhắc điện thoại lên áp vào tai rồi chậm rãi cất tiếng: - “Alô! Tôi là Mẫn đây! Xin lỗi ai đầu máy.”
<!>
Như đã nhận ra giọng người đối thoại, cái âm thanh bỡ ngỡ ban đầu mau chóng đổi qua hân hoan:

- “Dạ! Trung-úy Mẫn đó hả! Em là Phương, Trung-sĩ Phương, cơ phi phi đoàn 225 đây! Trung úy còn nhớ em không? Em trong phi hành đoàn của Trung úy Tuấn và Thiếu úy Tiến bị bắn rớt ở Cà Mau hồi …..”


Hắn giật mình hơi sửng sốt bàng hoàng một phần vì lối xưng hô mà đã từ lâu rồi hắn chẳng còn được nghe, một phần vì cách gợi trí nhớ bằng một câu chuyện của người bên kia đầu dây thật bất ngờ, nên từ đó cho đến khi chấm dứt cuộc điện đàm tâm hồn hắn cứ ngơ ngẩn như kẻ đang sống ở thế giới này, đột nhiên bị ném trở về một nơi chốn nào đó chẳng phải lạ lẫm gì lắm đối với hắn đâu, nhưng sao thật là xa vời mà lại cũng vừa thân cận làm sao! Ừ nhỉ mới đó đã hơn hai mươi lăm năm rồi!”, hắn thầm nhủ. Cái thời khoảng hào hùng, dọc ngang đi về với gió lộng, mây ngàn ăm ắp biết bao kỷ niệm đầy trầm thống vinh nhục một thời là chất men cay nồng trong ly rượu chinh chiến mà cuộc sống lúc nào cũng sẵn dành cho những kẻ như hắn, hương vị xuân xanh của tuổi trẻ đầy nhựa sống chưa tận hưởng được bao nhiêu, thì đã vội vã hào sáng ngửa cổ nốc cạn những mật ngọt đắng cay ấy.

“Trung uy Mẫn !” Hắn lại lẩm bẩm mẫu danh xưng một thuở thật là quen thuộc này, và rồi quãng đời oanh liệt cùng với ẩn tích kỷ niệm quá nghiệt ngã kia bỗng hiện rõ dần trong tâm tưởng hắn sống động như hình ảnh chiếc trực thăng trúng đạn lảo đảo đập mình xuống nền cỏ xanh mơn mởn trên màn ảnh truyền hình trước mắt mặt hắn.
Xạ thủ phi hành trực thăng UH-1


Ðang lặng yên thưởng thức hương vị đậm đà tách cà phê đầu ngày qua từng ngụm nhỏ, bỗng có tiếng máy nổ vang vọng đến từ cuối con hẻm khuấy nhiễu sự tĩnh mịch của khu cư xá sĩ quan đầy khiêm tốn này, thế là hắn uống cạn cốc cà phê đen còn nóng đã vừa giúp hắn xua đuổi cơn ngái ngủ, đứng dậy xách chiếc túi đựng nón bay bên cạnh, dừng chân ghé lại chiếc giường còn nóng ấm hơi người, hôn vội lên môi vợ và vầng trán thơm tho của hai đứa con trai đang say sưa đều hơi thở, rồi bước nhanh ra ngõ; đây là cái thói quen mà gã đã có kể từ lúc khép mình vào cuộc đời bay bổng đầy bấp bênh, gian nguy cua kiếp hoa tiêu trực thăng thời binh lửa mà cái chết lúc nào cũng rình rập đâu đó như một hứa hẹn không chờ đợi; hơn nữa có ai biết được nụ hôn nào cho người thân yêu là nụ hôn cuối đời! Bên ngoài trời vẫn tối đen, ánh sáng mờ mờ từ một vài cột đèn đêm rải rác dọc theo con lộ duy nhất soi bóng chiếc Honda của Tuấn đang rẽ đến, nhảy gọn lên phía sau. Chiếc xe gắn máy rú lên lấy sức chuyển bánh, tiếng động cơ lại vang lên nặng nề trêu chọc bầu không khí yên lặng của khu xóm buổi tàn đêm, đâu đó vài tiếng chó sủa phụ họa, Tuấn mở miệng vài câu pha trò lấy lệ:

- “Khôn hồn thì câm mồm lại! Nếu không thì ông gửi chúng mày ra cái quán ơ cầu Bình Thủy ‘chả chìa, rựa mận’ chúng mày bây giờ. ”


Cổng vào Sư đoàn và phi trường sáng choang ánh đèn của phiên gác đêm gần mãn, hắn dơ tay chào đáp lại người quân cảnh bên lề lối nhỏ phía trái. Con đường tráng nhựa quanh co qua các phần sở dẫn đến phòng hành quân phi đoàn thưa thớt bóng người, rải rác dăm ba người lính đổi phiên co ro rảo bước trong làn sương lạnh ẩm ướt, vừa phì phèo trên môi điếu thuốc, cứ thỉnh thoảng lại sáng lên theo từng hơi rít đầy thỏa mãn.

Trong lúc Tuấn lui cui dựng chiếc xe, hắn bước vào phòng hành quân, giờ này vắng lặng không một bóng người lai vãng ngoài viên sĩ quan trực phiên đêm đang ngồi che miệng ngáp nơi chiếc bàn một bên sau cánh cửa ra vô, những dãy ghế trước mắt lạnh lẽo bất động lờ mờ nửa tối nửa sáng nhìn lên chiếc bảng xanh ghi tên những phi hành đoàn trong ngày, to choán gần hết chiều ngang căn phòng. Hắn rút cây bút trên túi áo vai chuẩn bị điền số phi vụ lệnh trước khi ra phi đạo để làm tiền phi, bỗng Tuấn lớn tiếng đầy vẻ xì nẹt hỏi người sĩ quan trực:
- “Ai đổi phi hành đoàn của phi đội tôi vậy ?”
- “Ông 33, đại úy Tường chứ ai.

Giọng Huế nhỏ nhẹ của thiếu úy Chư như đã chuẩn bị từ trước, đi kèm với nụ cười cố hữu có ý vuốt giận người đàn anh. Có tiếng lẩm bẩm chửi thề, hắn bước vội ra ngoài tránh lên tiếng để làm dịu đi cái tình huống lận cận mất vui này. Bình thường mỗi khi cắt cử phi vu, Tuấn hay chọn gã ngồi ghế trái để đi “lead” trong các phi vụ võ trang yểm trợ, thật ra chẳng phải vì tài ba bay bổng gì của hắn, mà chỉ vì cả hai đã quen biết nhau lúc còn thời gian huấn luyện, nhà thì ở cùng một khu cư xá rất tiện cho việc đi về và có lẽ một phần lớn là do cái kinh nghiệm từng trải qua nhiều tình trạng nguy hiểm cũng như khẩn cấp thuở còn phục vụ một phi đoàn nơi vùng Tam Biên nổi tiếng hiểm địa trước khi thuyên chuyển về đây, và Tuấn đã nghe kể lại từ những người bạn thân của hai người. Ðã có lần Tuấn tâm sự “nhảm” cùng hắn: “Nếu lỡ tàu hay tôi có bề gì! Ði với ông vẫn nhiều hy vọng hơn, vì ông có nhiều kinh nghiệm và đủ khả năng để có thể đem tôi về với vợ con tôi!”; và chính hắn đã bật cười trêu đùa cái ý tưởng bi quan kỳ quặc này của bạn mình. Do đó chả trách gì Tuấn nổi “cau”, khi bị đổi tên qua bay chiếc số hai với thiếu úy Quách Dũng Tiến, một hoa tiêu vừa mới “check-out” hành quản không bao lâu, còn hắn thì vẫn đi “lead” với đại úy Tường.

Hai chiếc trực thăng võ trang xề xệ bên hông hai bó “rocket” , súng đạn nặng nề oai nghi lướt mình trong sương mai, rời căn cứ khi mặt trời vừa nhô lên ngang ngọn cây. Quốc lộ Bốn như con rắn len lỏi giữa những thửa ruộng xanh tươi ngút ngàn đã bắt đầu ồn ào khoe sức sống của một ngày mới với rộn rịp xe cộ qua lại. Và đây dòng sông Hậu bao ghe đò tấp nập nhấp nhô trên sóng, cùng trườn mình quanh co dạt dào sinh lực, tẻ ra nhiều nhánh chan hòa khắp mọi nơi, rồi ào ạt tuôn nước ra hướng đại dương; tất cả những sinh động quen thuộc ấy của miền Tây thân yêu trải dài dưới ánh bình minh của một buổi sáng chớm xuân.

Trong phòng lái qua khung cửa kính hắn lặng yên kéo hơi thuốc lá đầu ngày đã được dành sẵn, đôi mắt mơ màng tận hưởng những giây phút thoải mái hiếm hoi này; tiếng cánh quạt chém gió hòa vào âm thanh động cơ nổ đều đều xen lẫn với tiếng gió ve vuốt thân tàu đã giúp hắn trong khoảnh khắc tạm quên bao khổ lệ, nhọc nhằn đời quân ngũ cũng như những gian truân, rình rập của kiếp chim trời! Chả trách gì thế nhân cứ thi vị hóa lối sống của những người như hắn! Dẫu thế cũng có dăm sự ganh tị nho nhỏ khá dễ thương của vài đồng nghiệp bay qua những đặc danh dành riêng cho phi công trực thăng như “tài xế máy bay” hay “pilot xe đò” bởi khả năng đáp hầu như vô giới hạn bất kể diện tích lớn nhỏ của nơi hạ cánh.


Khách quan mà nói cũng như chẳng phải để phân biệt, bất kể loại máy bay nào, nỗi gian nguy cũng đều như nhau bởi có lần cất cánh nào bất trắc chẳng chực chờ; tuy nhiên có những lạc thú mà chỉ có hoa tiêu trực thăng mới có cơ hội trải qua như: một buổi chiều khi sương mù sắp phủ trên đỉnh đồi căn cứ Nam vùng Dak To, dang chân làm một cái “tiện nhỏ” mà nghe gió núi lùa vào thổi phồng chiếc áo bay làm mát lạnh cả toàn thân, hay ngất ngưởng kéo vội vài hơi rượu Cần nơi tiền đồn Dak Peck heo hút của núi rừng Tam Bien rồi vội vã cất cánh trước khi các đám mây đen dày đặc chung quanh ngọn Ngọc Long chực chờ giang phủ lối về, hoặc buổi trưa dừng cánh ở ngôi làng nhỏ gần quận lỵ thuộc tỉnh Chương Thiện, khề khà chai bia nóng với món mắm lóc dẻo quánh thơm phức vừa mới đào lên sau vườn và còn nhiều lắm kể sao cho hết; nhưng bên cạnh đặc thù kể trên, chẳng thể nào không nói về sự tận mắt đau xót chứng nhân cho bao khổ nạn mà người lính Việt Nam phải oằn nặng trên vai trong cuộc chiến đầy oan nghiệt này; căn hầm gác chật chội ngay vòng đai an ninh trông xuống con đường mòn HCM của căn cứ lực lượng đặc biệt Ben He , người lính biệt động quân biên phòng miền cao nguyên xoay sở vất vả để vừa tạm tru cho cả gia đình, vợ và ba con, vừa sẵn sàng chiến đấu khi Cộng quân tấn công; còn nữa chị vợ trẻ một quân nhân nào đó của đồn Trà Tiên lẻ loi vùng Rạch Giá, Hà Tiên không đường bộ liên lạc, chờ mãi phương tiện di chuyển vào thăm chồng và nhận tiền lương, cho đến khi cạn cả tiền đường đành bán chút nhan sắc đương xuân nơi cái quán nhỏ bên lề đường, để kéo dài thời gian chờ đợi mong gặp gỡ người chồng thân yêu! Ðang miên man với mớ ý tưởng hỗn độn này, thì giọng nói của đại úy Tường lại vang lên phân trần về chuyện vừa xảy ra đã đưa hắn trở về với tình huống kém vui này, và cũng có lẽ vì nguyên cơ này mà liên lạc bình thường trên tần số nội bộ giữa hai chiếc hầu như không có kể từ lúc cất cánh cho đến bây giờ.

Từ xa những cao ốc, nhà cửa biểu tượng nếp sống phố thị đang ló dạng, hắn chuẩn bị điều chỉnh cần lái cho tàu giảm dần cao độ đáp xuống phi trường Cà Mau. Tuấn vẫn giữ thái độ lầm lì, tránh nói chuyện ngay cả với hắn, và trong buổi thuyết trình về tình trạng áp lực của địch tại mục tiêu cũng như kế hoạch thi hành phi vụ, Tuấn cũng không đưa ra một ý kiến nào cả; mặc dù thường nhật, là một hoa tiêu can trường Tuấn rất hăng say trong việc đóng góp ý kiến nhất là những lúc quan hệ như lúc này bởi sinh mạng của người hoa tiêu lẫn con tàu và bao người khác thường được định đoạt trong cái phút giây ấy, chỉ cần một sơ xuất hay thiếu xót nhỏ thôi, hậu quả sẽ không thể nào lường được ! Biết rằng bạn vẫn còn bực cái “của” mình ( chữ của Tuấn thường dùng khi không hài lòng về một chuyện gì! ), hắn cũng như đại úy Tường cũng cố gắng pha trò, nhưng chẳng làm Tuấn thay đổi thái độ.


Khoảng xế trưa sau giờ cơm, ba chiếc trực thăng, hai võ trang và một tản thương được lệnh quay may cất cánh lấy cấp bay về hướng tọa độ mục tiêu. Nắng đã lên cao, rải rác trên bầu trời xanh lơ thơ vài cụm mây trắng lửng lơ vô định, từng thửa ruộng xanh tươi mát nối tiếp nhau trải dài ngút tầm mắt thỉnh thoảng lại điểm dăm ba hố bom tràn nước lấp lánh dưới ánh mặt trời, chính nơi đây là chỗ trú thân bao loài thủy sản cho nên thường là địa điểm ghé kiếm chát “tươi” cho buổi nhậu của nhiều phi hành đoàn trực thăng sau những chuyến hành quân cực nhọc.

Nơi làm việc là một cứ điểm quân sự trọng yếu nhằm nghe ngóng sự di chuyển và ngăn chặn những hoạt động của lực lượng địch trong vùng; do đó Việt cộng thường xuyên đẩy mạnh áp lực tấn công cũng như quấy rối vào đồn này. Ðã hơn một tháng nay ngày nào chúng cũng pháo kích hoặc tấn công lai rai vào lực lượng trú phòng. Nhất là trong thời gian gần đây, các chuyến bay tiếp tế hay tản thương bị đình trệ vì bãi đáp không còn an toàn, khoảng hai tuần trước đã có một chiếc trực thăng tản thương suýt rớt vì hoả lực của địch; do đó căn cứ này đã tạm coi như trong tình trạng cô lộp dù là chỉ cách quận lỵ Năm Căn vài cây số đường chim bay. Tinh thần anh em binh sĩ trong đồn xuống thấp là điều có thể hiểu được nên bộ chỉ huy tiểu khu Cà Mau hy vọng là chuyến tản thương sẽ nâng cao quyết tâm chiến đấu của các anh em.

Theo kế hoạch dự định, hai chiếc võ trang vào trước để dọn đường cũng như “clear” bãi đáp, chiếc tản thương sẽ bay vị trí số ba vô đáp; trong lúc ấy hai trực thăng võ trang làm vòng chờ bên trên bao vùng bảo vệ an toàn bãi đáp cho đến khi chiếc tản thương hoàn tất phi vụ bình yên rời khỏi mục tiêu; sau đó với hoả lực còn lại hai trực thăng võ trang sẽ làm việc với quân bạn trong đồn để giải tỏa phần nào áp lực của địch xung quanh. Như thông lệ trước khi vào một bãi đáp “hot” , phi hành đoàn được lệnh nai nịt cẩn thận, hắn siết chặt chiếc “chicken plate” trước ngực vừa đủ để thở dễ dàng, đẩy chắn đạn hông của ghế ra trước, kiểm soát lại cái cần an toàn đỏ bên cửa trái và sau đó là . hít những hơi thở thật dài rồi ngồi “đồng” để chờ đợi những phút giây căng thẳng sắp tới mà có lẽ chỉ có những kẻ đã kinh qua mới thông cảm được mà thôi.


Trong thời khoảng ác nghiệt này, dường như não bộ cũng muốn tê liệt, hình ảnh kẻ thân yêu cũng chập chờn trong hư aỏ; tiếng phằn phặt vòng quay, tiếng gào thét động cơ, tiếng ào ào của gió đập vào thân tàu, tất cả trộn lẫn vào nhau tạo thành loại âm ba cuồng nộ, chát chúa; .và rồi khi con tàu tiến vào gần mục tiêu, từng tràng đạn đại liên gầm vang đe dọa, thân tàu rung lên như giận dữ, tiếng lách cách của vỏ đạn chạm vào sàn tàu mang theo mùi thuốc súng nồng nồng; mắt hắn dán chặt vào các phi kế trước mặt, chân tay trong tư thế sẵn sàng chụp lấy các cần điều khiển; mé rừng cây thấp gần mục tiêu lớn dần theo độ cận tiến phi co! Bỗng có tiếng báo cáo của Tuấn vang lên một cách hốt hoảng trên tần số nội bộ phi đoàn: ”Số hai bị trúng đạn nặng! “break” trái rơi vùng”.

Ðại úy Tường cũng vội vã cho con tàu làm vòng quanh gắt về trái vừa cố gắng liên lạc với chiếc số hai. Riêng hắn quay hẳn nửa người bên trái đẩy vội cái chắn đạn ra sau, ngước mắt nhìn lên tìm kiếm bóng dáng con tàu của bạn mình. Trên cao khoảng hai mươi bộ hướng một giờ, con tàu trúng đạn bốc khói đen mù mịt đang lảo đảo cắm đầu tìm chỗ hạ cánh. Hắn rùng mình kinh sợ cho số phận phi hành đoàn lâm nạn bởi cái cảm giác trông con tàu bị bắn cháy giữa thinh không chẳng lạ xa gì đối với hắn!

Trực thăng vận


Trong một cuộc hành quân cuối năm 1972, phi cỏ hắn đã bị phòng không địch bắn bốc cháy trong lúc đỏ quân trên đỉnh Phượng Hoàng đầu phi đạo Ðức Cơ. Năm đó, phi đoàn hắn, Lạc Long 229 cùng Thần Tượng 215 phối hợp với sư đoàn 23 bộ binh trong một cuộc hành quân lớn vùng Tam Biên, hôm ấy hắn và Phước “râu bắp” bay vị trí số ba của hợp đoàn gồm nhiều chiếc; đội hình bay là hàng dọc, mỗi chiếc cách nhau bốn mươi lăm giây, hoả lực địch được báo cáo bởi tin tình báo cho biết là rất dữ dội quanh vùng hành quân, đại liên 12 ly 7 chỉ là đồ ăn chơi; món ăn chính là súng phòng không 14 ly 5. Ðể bảo đảm an ninh, hợp đoàn chỉ ra vào một hành lang , với cao độ thấp.

Ngay trong đợt đầu của cuộc đổ quân, vì nhiều nguyên nhân có thể là địa thế đáp quá hiểm trở, gió lại khá lớn; do đó chiếc số hai ( thường là vị trí dành cho hoa tiêu “non” tay nhất của hợp đoàn) cứ cố kềm tàu trên bãi đáp nên khi số ba vào đến rồi mà chiếc số hai vẫn còn chưa rời vùng; thế là chiếc số ba đành phải “treo lồng đèn”; và ngay giây phút hiểm nghèo ấy, phi cơ hắn đã trở thành tấm bia ngon lành đẻ tác xạ cho pháo thủ phòng không 14 ly 5 của địch. Con tàu hắn bị trúng đạn, tắt máy, bốc cháy trên không, cố lết khỏi vùng, trước khi chạm đất hắn còn nghe vang vang trên tần số nội bộ VHF công điện sắc, gọn đến lạnh người của “Báo Mun”, trưởng hợp đoàn trực thăng võ trang 229: ” Báo cáo Charlie! Chiếc số ba bị bắn cháy! Phi hành đoàn chắc tiêu rồi!”

Vận may chưa hết nên tàu đã xuống đất kịp lúc! Thoát nạn thiêu sống và sau đó chiếc tàu do Lý Cương Quyết, trưởng phi cơ thuộc phi đoàn 215 đã nhào xuống bốc phi hành đoàn hắn trước khi địch quan có đủ thời gian truy đuổi; nếu không có lẽ giờ này xác thân hắn đã theo con tàu tan thành tro bụi và vợ con hắn cũng đã là quả phụ, cô nhi rồi!


Chiếc số một bất lực bay kề sát bên hông như cố gắng chia xẻ những giây phút cùng cực này với con tàu lâm nạn! Riêng hắn, hai bàn tay nắm chặt, đôi mắt mở to, nói lớn như gào: “Ráng lên Tuấn ơi! Gần tới đất rồi!”. Bỗng dưng miệng hắn khô khốc lại, âm thanh chết cứng trên môi vì cảnh tượng kinh hoàng xảy ra trước mắt; còn khoảng ba thước , con tàu kiệt lực uất ức hét lên một tiếng nổ lớn rồi ngọn lửa bùng mạnh dữ dội, thân tàu quay nhanh những vòng cuối tức tưởi, uất ức đập mạnh xuống mặt ruộng xăm xắp nước, dẫy dụa rồi lật ngửa phơi bụng thoi thóp hấp hối giữa vòng lửa cường hung!

Ðại úy Tường cho tàu hối hả hạ càng đáp trên bờ ruộng cách khoảng độ gần hai mươi thước, đầu hướng về mé rừng cây, hắn tháo vội nón bay quay ra sau thét lớn thúc hối hai người cơ phi, xạ thủ rời tàu để tiếp cứu phi hành đoàn lâm nạn. Nhưng cả hai có lẽ như bị chết cứng vì sợ hãi trước thảm cảnh quá rùng rợn đang xảy ra trước mắt. Hắn điên lên vì giận dữ, giật tung dây an toàn, vất chiếc nón bay xuống ghế, leo vội ra sau đẩy mạnh vai người hạ sĩ quan cơ khí một lần nữa để thúc dục; rồi nhảy khỏi tàu. Do nước ruộng sâu vừa đủ làm hắn té chúi nhủi về phía trước, chống vội hai tay đứng dậy, nước bùn ngập gần gối cứ níu kéo chân khiến hắn khấp khểnh tung bước co chạy về hướng chiếc phi cơ đang bị ngọn lửa bao trùm; vài loạt súng AK của địch cất cao giọng hăm dọa, vang vang từ mé bìa rừng nhưng chưa đủ để ngăn cản cái cơn “khùng” của hắn lúc bấy giờ. Ðám cháy vẫn ngạo nghễ cất cao, hơi nóng hắt mạnh vào người, rõ ràng nước ruộng đã toa rập đẩy ngọn lửa lan thật nhanh bao kín cả con tàu, hắn bất lực gào to tên bạn mình rồi lúp xúp chạy quanh đám cháy.

Chợt trước mặt hắn một thân người trong chiếc áo bay xám nằm úp mặt xuống nước hai tay dang ra như xác chết trôi, hắn mừng rỡ nắm lấy hai cổ chân lật ngửa thân người với hy vọng nhìn lại được khuôn mặt quen thuộc. Nhưng khi nhận ra đó là người cơ phi, nên thất vọng hắn vừa nắm chặt cổ chân lôi tấm thân bất động này vừa tiếp tục công việc tìm cứu. Lại một thân người nữa trong tư thế nằm ngửa, rất nhanh hắn nhận ra được người đó cũng chẳng phải là kẻ hắn đang mong mỏi. Thế là hai tay hì hục lôi hai tấm thân bất động ấy, hắn tiếp tục cuộc chạy đua tuyệt vọng với số mệnh giữa tiếng đạn ròn rã bắn ra từ chiếc phi cơ đơn độc giữa cánh đồng về phía mé rừng cây để che chở và kéo dài dăm phút giây phù du bảo vệ hắn. Ðến lúc biết là không còn hy vọng gì cả! Hắn đành bước thấp bước cao trở lại con tàu với hai thương binh mà sinh mạng vẫn còn nằm trên làn ranh sống chết, bất lực ngoái lại nhìn ngọn lửa vẫn đang hăm hở thiêu đốt chiếc phi cơ và hình hài của hai bằng hữu hoa tiêu kém may mắn, trung úy Tuấn và thiếu úy Tiến. Tít trên cao tàu tản thương vẫn bay vòng vòng để chia xẻ niềm đau đớn với phi hành đoàn hắn.





Ngồi yên như chết trên chuyến bay hối hả trở lại phi trường Cà Mau, chẳng buồn làm cả cái nhiệm vụ thông thường của một hoa tiêu ghế trái, tay chân rã rời, đầu óc trống rỗng, mắt mờ mờ như muốn khóc mà sao dòng lệ chẳng chịu tuôn ra; hắn cắn chặt răng lại chịu đựng! Có tiếng phía sau rên rỉ, đau đớn, hắn quay lại lặng lẽ nhìn người cơ phi bị thương vừa hồi tỉnh, nằm sóng soải trên sân tàu bên cạnh anh xạ thủ có lẽ bị nặng hơn nên vẫn còn mê man. Bên ngoài nắng đã dịu theo bóng dáng buổi chiều, ngọn gió quen thuộc vẫn luồn qua thân tàu, hắn gục đầu hai bàn tay đập từng hồi vào chiếc nón bay để cố xua đuổi đi nỗi bi thương khốn nạn đang dày vò tâm tư.
Ðăm đăm nhìn theo chiếc trực thăng tản thương đang vội vã băng mình cất cánh rời phi đạo, tiếp tục cuộc chạy đua còn lại với thần chết để dành lại mạng sống của hai thương binh cùng đơn vị; hắn trở lại tàu tiếp tục tình trạng “chờ”, vì phi hành đoàn hắn tình nguyện trở vào vùng để yểm trợ quân bạn tiến vào vị trí con tàu bất hạnh kia với mong mỏi thu lượm những di thể người tử nạn còn sót lại khi đám cháy tan; mặt trời xuống dần mang theo những tàn lụi mong manh của kiếp sống cũng như bao hy vọng nhỏ nhoi tội nghiệp sót lại của hắn! Cho đến khi trời gần sụp tối, chẳng còn làm gì hơn được, phi hành đoàn hắn đành lẻ loi độc phi trên đường trở về căn cứ; gió vẫn thổi, mây vẫn trôi, con tàu vẫn miệt mài bay bay trong niềm đau luyến tiếc những cánh chim mãi mãi vừa lìa đàn, xa bầy


Trước cửa phòng hành quân, một số nhân viên phi hành của phi đoàn đang tụ tập để hỏi hắn cũng như chia xẻ niềm đau mất mát với người trở lại. Thuận, người bạn cùng khóa, khều nhẹ tay hắn ra ngoài rồi nói nhỏ:

-” Về lẹ đi mày! Vợ mày tưởng mày đã “đi” rồi! Tao có nói mà bã không tin vì hồi tối mày bảo là đi bay với thằng Tuấn, bà ấy đang ôm con khóc như “rươi” ngoài khu cư xá đấy, leo lên đây tao đưa về!”

Chẳng buồn nói một lời, hắn lẳng lặng theo chân bạn ra xe trở về nhà, dọc hai bên đường đèn đã tỏ ngọn. Vừa tới đầu ngõ chưa kịp rẽ vào, hắn đã thấy hình dáng vợ trẹn tay bồng đứa bé chưa tròn tuổi, còn đứa con trai lớn thì đang đứng một bên níu áo mẹ, mắt mũi cả ba mẹ con đang đầm đìa những giọt lệ, trông thấy hắn từ xa vợ hắn bỗng bật khóc lớn thành tiếng.

Hắn vội vàng ôm chầm lấy vợ con mà không kềm được dòng nước mắt, vừa vỗ về an ủi; hai bên con hẻm có nhiều ánh mắt nhìn theo như chia xẻ niềm vui lẫn đau đớn này, hắn liếc nhanh về phía cuối hẻm, trong đó giờ phút này có người thiếu phụ với thai nhi chẳng bao giờ có dịp biết mặt bố đang tuôn tràn những giọt lệ khóc thương cho một mất mát vĩnh viễn; và thằng bé đầu lòng tuổi vừa biết ra ngõ đón mong bố, để rồi không kịp cởi chiếc áo bay còn thoáng mùi thuốc súng, bạn hắn chạy đuổi theo chiếc xe ba bánh be bé mà Tuấn đã dành tất cả số tiền thưởng Tết để mua cho con; những vòng bánh xe con con đó đã vừa đổi chỗ bao vòng quay oan nghiệt cuối cùng cuốn theo niềm hạnh phúc tươi mát ngọt ngào vào hố sâu tàn bạo của tan tác, phân ly! Ðêm xuống thật chậm hun húc như cuốn trôi hắn vào nỗi cay đắng khôn cùng; trên cao hình như có hai vì sao vừa bất chợt rụng rơi!


Sơn Trường

Không có nhận xét nào: