Họp ba bên Pháp, Mỹ và Ukraina : Donald Trump kêu gọi đàm phán và « ngưng chiến ngay lập tức »Ngày 07/12/2024, một cuộc họp ba bên giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã diễn ra tại điện Elysée.Theo AFP, hai nguyên thủ quốc gia Pháp, Ukraina và tổng thống Mỹ tương lai đã có những cuộc thảo luận chiến lược nhằm tìm cách « chấm dứt sớm nhất có thể » và « một cách công bằng » cuộc chiến tại Ukraina. Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo ba nước tuyên bố « đồng thuận tiếp tục cùng thảo luận ».
<!>
Tổng thống Mỹ đắc cử, Donald Trump, hôm nay, đã kêu gọi một lệnh « hưu chiến ngay lập tức » và mở đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột mà theo ông, Ukraina đã bị thiệt đến 400 ngàn quân « một cách ngớ ngẩn » trong khi « 600 ngàn lính Nga bị chết hay bị thương, trong một cuộc chiến lẽ ra không nên bắt đầu và có nguy cơ kéo dài mãi mãi. »
Vào thời điểm diễn ra cuộc họp ba bên, chính quyền Biden sắp mãn nhiễm tăng tốc hỗ trợ cho Ukraina khi thông báo một gói viện trợ trị giá 988 triệu đô la.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường thuật :
« Gần một tỷ đô la, đó là trị giá của gói viện trợ mới. Chúng bao gồm đạn dược cho pháo binh, drone cũng như là nhiều thiết bị và linh kiện rời để bảo trì các hệ thống phòng không và xe thiết giáp. Khoản chi viện to lớn này được cấp chưa đầy một tuần sau một gói viện trợ quân sự khác được trích ra từ kho dự trữ của quân đội Mỹ trị giá hơn 700 triệu đô la, cũng bao gồm đạn được cho pháo binh, tên lửa phòng không Stinger và chống tăng Javelin.
Vào thời điểm ông Donald Trump giành thắng lợi bầu cử, vẫn còn 6 tỷ đô la trong quỹ hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraina. Về mặt kỹ thuật, mọi thứ có thể sẽ không giao được hết từ đây đến ngày 20 tháng Giêng và với việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Nhưng thông điệp đưa ra rất rõ ràng : Chính quyền Biden sẽ cung cấp mọi viện trợ có thể cho Ukraina để đưa nước này vào một vị thế tốt nhất nếu các cuộc đàm phán bắt đầu.
Thông điệp này được gởi đi vào lúc ông Donald Trump có cuộc thảo luận tại Paris với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tổng thống Mỹ đắc cử chưa bao giờ giấu giếm rằng ông muốn kết thúc nhanh chóng chiến tranh, và ông nhận thấy sự hậu thuẫn này là quá tốn kém cho đất nước ông. Nhưng Donald Trump vẫn chưa chính thức nói rằng ông sẽ ngưng viện trợ. »
Hạ Viện Mỹ bỏ phiếu về dự luật ngân sách chi 3 tỷ đô la để loại bỏ thiết bị viễn thông Trung Quốc
Hạ Viện Hoa Kỳ hôm qua, 07/12/2024, đã công bố bản dự thảo về luật quốc phòng thường niên, trong đó bao gồm khoản ngân sách hơn 3 tỷ đô la dành cho các công ty viễn thông của nước này. Mục tiêu của Washington là loại bỏ thiết bị do các công ty Trung Quốc như Hoa Vi (Huawei) và ZTE sản xuất ra khỏi mạng không dây của Mỹ để tránh các rủi ro an ninh.
Bản dự thảo dài 1.800 trang dự kiến sẽ được Hạ Viện Mỹ tiến hành bỏ phiếu vào tuần tới. Theo hãng tin Reuters, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) ước tính rằng việc loại bỏ các thiết bị viễn thông không an toàn, đặc biệt là từ hai doanh nghiệp Hoa Vi và ZTE, có thể tốn đến 4,98 tỷ đô la, trong khi Quốc Hội trước đó chỉ phê duyệt 1,9 tỷ đô la cho chương trình "gỡ bỏ và thay thế". Do vậy, chủ tịch FCC, bà Jessica Rosenworcel, tuần trước đã kêu gọi Quốc Hội cung cấp thêm kinh phí khẩn cấp, nhấn mạnh rằng chương trình thay thế thiết bị trong mạng lưới của 126 nhà mạng đang thiếu hụt 3,08 tỷ đô la. Bà cũng cảnh báo rằng việc thiếu kinh phí có thể khiến một số mạng lưới ở vùng nông thôn phải ngừng hoạt động, có nguy cơ xóa sổ nhà cung cấp duy nhất ở một số khu vực và đe dọa dịch vụ 911.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà cung cấp Dịch vụ Cạnh tranh (CCA), Tim Donovan đã hoan nghênh thông báo này, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là "nguồn kinh phí rất cần thiết để thực hiện yêu cầu loại bỏ và thay thế thiết bị cũng như dịch vụ, đồng thời duy trì kết nối cho hàng chục triệu người dân Mỹ."
Trước đó, Quốc Hội Mỹ đã yêu cầu FCC buộc các nhà cung cấp viễn thông Mỹ được nhận trợ cấp liên bang phải loại bỏ thiết bị viễn thông của Trung Quốc khỏi mạng lưới. Washington cũng đã tích cực thúc giục các đồng minh loại bỏ thiết bị của Hoa Vi và các công ty Trung Quốc khác khỏi mạng lưới không dây.
Ngoài ra, bản dự thảo còn yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc né tránh các quy định an ninh quốc gia của Mỹ và đánh giá tình báo về năng lực công nghệ sinh học hiện tại của Trung Quốc.
Syria : Phe nổi dậy thông báo chấm dứt chế độ độc tài Bachar Al Assad
Ngày 08/12/2024, sau một cuộc tấn công thần tốc 12 ngày, lực lượng nổi dậy tập hợp các nhóm Hồi giáo cực đoan thông báo trên truyền hình Nhà nước Syria, chế độ tổng thống Bachar Al Assad đã sụp đổ và giải phóng thủ đô Damas, chấm dứt hơn nửa thế kỷ trị vì dòng tộc Assad tại Syria.
Theo AFP, trong thông cáo, liên minh quân sự Hồi giáo cực đoan và các lực lượng nổi dậy cho biết đã phóng thích tất cả các tù nhân « bị giam giữ bất công » và kêu gọi bảo vệ tài sản Nhà nước Syria « tự do ». Trước đó, trên mạng Telegram, lực lượng nổi dậy HTS thông báo rằng Bachar Al Assad cùng với người thân đã rời Damas trên một chuyên cơ vào sáng sớm.
Hàng chục ngàn người dân đã đổ về trung tâm thủ đô hân hoan mừng chế độ sụp đổ, lật đổ tượng cha của nhà lãnh đạo độc tài là Hafez, người đã cai trị đất nước từ năm 1971 cho đến lúc mất vào năm 2000.
Trong một video đăng trên mạng xã hội Facebook, thủ tướng Syria Mohammed Al Jalali tuyên bố sẵn sàng hợp tác với lãnh đạo mới do người dân chọn, và nêu rõ ông có mặt tại văn phòng của mình sáng Chủ Nhật cho tiến trình « chuyển giao » quyền lực.
Từ Beyrouth, thông tín viên đài RFI, Paul Khalifeh cho biết thêm tình hình tại chỗ :
« Những hình ảnh đến từ thủ đô Syria cho thấy cảnh những hàng người dài trên các nẻo đường, tù nhân chính trị được giải thoát, cảnh gặp lại người thân đầy xúc động giữa những chiến binh và gia đình. Lực lượng nổi dậy được triển khai trên các con phố ở Damas, những nơi chẳng còn chút sự hiện diện nào có thể thấy của quân đội Syria và cơ quan an ninh.
Lãnh đạo liên minh Hồi giáo cực đoan, Ahmad Al Chareh, người đã lên cầm quyền, kêu gọi trật tự và chỉ thị đưa ra là không được tiến gần đến các định chế Nhà nước, nhằm tránh các hành vi bạo lực, cho đến lúc này, dường như đã được tuân thủ.
Một sự cố duy nhất được ghi nhận là một đám đông tức giận đã phóng hỏa các tòa nhà tình báo ở Kfarsoussa tại Damas. Sự thay đổi ngoạn mục này xảy ra vài giờ sau khi bộ trưởng Nội Vụ nói về một hàng rào an ninh « vững chắc khó thể vượt qua » xung quanh thủ đô.
Nhưng trên thực tế, quân đội không muốn chiến đấu nữa và nhiều nhân vật cầm quyền quan trọng như thủ tướng Mohammad Al Jalali nhận thấy rằng đã thua trong cuộc chiến. Một sự phối hợp tối thiểu đã cho phép tránh mọi cuộc giao tranh giữa lực lượng nổi dậy và quân đội Syria, vốn dĩ đã thoái lui về các trại lính và căn cứ của mình. »
Nhiều nước hoan nghênh vụ lật đổ chính phủ Syria
Trước sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Syria sau khi quân nổi dậy tiến hành chiến dịch tấn công chớp nhoáng, hôm nay, 08/12/2024, lãnh đạo các nước phương Tây ca ngợi một khởi đầu mới đầy hy vọng cho người dân Syria.
Nhà Trắng cho biết tổng thống Joe Biden “đang theo dõi sát sao” các sự kiện ở Syria và duy trì liên lạc thường xuyên với các đối tác trong khu vực. Còn người kế nhiệm Donald Trump thì công khai nhắm vào Nga. Ông viết trên mạng xã hội Truth Social rằng : “Assad đã ra đi. Ông ta đã chạy trốn khỏi đất nước. Người bảo trợ của ông ta là Nga, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin, đã không còn quan tâm đến việc bảo vệ ông nữa.” Ông Trump cho rằng hai nước hậu thuẫn ông Assad là Nga và Iran đang trong trạng thái suy yếu, Nga là do chiến tranh tại Ukraina và nền kinh tế tệ hại, còn Iran là vì những thất bại trước Israel.
Về phần mình, Pháp và Đức cũng hoan nghênh sự sụp đổ của chế độ Bashar Al Assad, đồng thời kêu gọi người dân Syria đoàn kết và chống cực đoan hóa tại đây. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Pháp Christophe Lemoine bày tỏ vui mừng khi người dân Syria đã được giải thoát sau hơn một thập kỷ bị “đàn áp bạo lực” trong khi ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gọi sự kiện này là “niềm an ủi lớn cho hàng triệu người dân Syria.”
Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được cho là ủng hộ phe nổi dậy ở Syria, cũng hoan nghênh “một Syria mới” sau 13 năm “hỗn loạn”. Ngoại trưởng nước này tuyên bố : “Từ sáng nay, Syria đã sang một giai đoạn mới, khi mà người dân Syria sẽ tự định hình tương lai của đất nước họ”, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng “Syria mới không được là mối đe dọa cho các nước láng giềng, mà cần loại bỏ các mối đe dọa đó” và bất kỳ sự mở rộng nào của lực lượng dân quân PKK bị cấm hoạt động đều không thể được coi là đối tác hợp pháp tại Syria.
Trong khi đó, phía Nga và Iran chưa đưa ra phản ứng nào về việc chính quyền tổng thống Al Assad bị lật đổ. Đài truyền hình Nhà nước Iran cũng cho biết đại sứ quán Iran ở Syria đã bị tấn công hôm nay “bởi những kẻ chưa rõ danh tính” nhưng các nhà ngoại giao của Teheran đã kịp rời khỏi nơi này an toàn.
Bachar Al Assad bị lật đổ : Sự im lặng của Nga
Nga, đồng minh thân thiết của chế độ Bachar Al Assad, hiện chưa có phản ứng chính thức nào về tình hình Syria. Đại sứ quán Nga tại Syria hôm nay, 08/12/2024, chỉ cho biết ngắn gọn nhân sự vẫn « an toàn », theo như tường thuật của hãng thông tấn TASS.
Ngoài ra, theo Reuters, phó chủ tịch Thượng Viện Nga Konstantin Kosachyov, bình luận rằng « người dân Syria sẽ phải đơn độc đối mặt với cuộc nội chiến toàn diện ».
Theo nhận định của nhà nghiên cứu về Trung Đông, Fabrice Balanche, giảng viên trường đại học Lyon 2 trên đài RFI, chế độ Bachar Al Assad, nhanh chóng sụp đổ do không còn được đồng minh Nga hậu thuẫn. Matxcơva chỉ trích thái độ quá cứng nhắc, lập trường bất di bất dịch của Damas, luôn từ chối đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ hay như với người Kurdistan.
Tuy nhiên, những biến chuyển nhanh chóng đang đặt Nga trước hai thách thức to lớn. Từ Matxcơva, thông tín viên đài RFI Anissa El Jabri giải thích :
« Trong tức thì, vấn đề đầu tiên là hai căn cứ quân sự Nga : Một căn cứ hải quân ở Tartus và một căn cứ không quân ở Hmeimim. Ngoài việc nhân sự và trang thiết bị có thể vẫn còn ở đó, vấn đề về việc di tản chúng hiện đang phát sinh.
Những căn cứ quân sự này, như phần đông chuyên gia nói, là những điểm tiếp liệu chủ yếu cho các chiến dịch quân sự Nga tại Libya, ở Sahel và Công Hòa Trung Phi. Tương lai hai căn cứ này giờ là một thách thức lớn cho Nga.
Cuối cùng, ngay cả khi những tiếng nói chỉ trích điện Kremlin mạnh mẽ nhất viết rằng sự sụp đổ nhanh đến thế là một điều bất ngờ, còn có một vấn đề khác, đó là hình ảnh của Matxcơva như một nhà bảo hộ đáng tin cậy cũng như là uy tín mà Nga từng nghĩ là đã có được sau cuộc can thiệp vào Syria bằng cách triển khai lực lượng ra ngoài không gian ảnh hưởng truyền thống của mình với tư cách là một cường quốc có thể làm thay đổi thế tương quan lực lượng khắp nơi trên thế giới.
Thất bại này diễn ra vào một thời điểm đặc biệt nhạy cảm : Donald Trump kêu gọi một lệnh ngưng bắn ngay lập tức tại Ukraina và mở đàm phán. »
Giới chuyên gia Úc : Canberra nên từ bỏ AUKUS và mua tàu ngầm của Paris
Liệu Úc có thay đổi quyết định và lại quay sang mua tàu ngầm của Pháp hay không ? Đó là khuyến nghị của Viện Chiến lược Chính trị Úc công bố hôm 05/12/2024. Nhóm nghiên cứu cho rằng sau khi quay lưng lại với Paris và ký hiệp ước AUKUS với Washington và Luân Đôn, Canberra đang rơi vào tình thế khó khăn và đứng trước nguy cơ không đổi mới được hạm đội tàu ngầm.
Từ Sydney, thông tín viên Léo Roussel cho biết cụ thể :
Khi hủy bỏ đơn đặt hàng tàu ngầm của Pháp và ký hiệp ước AUKUS với Hoa Kỳ và Anh Quốc, Úc không ngờ tới một thảm họa như vậy. Chi phí chế tạo gia tăng và việc giao hàng bị chậm trễ, Canberra đang gặp khó khăn trong việc thay thế hạm đội tàu ngầm.
Vào thứ Năm, Viện Chiến lược Chính trị Úc thậm chí đã kêu gọi quay lại với giải pháp của Pháp. Nhóm nghiên cứu do chính phủ tài trợ đề xuất hủy bỏ đơn đặt hàng AUKUS và mua 12 tàu ngầm hạt nhân của Pháp, thay vì tàu ngầm chạy bằng diesel như dự định vào năm 2021.
Theo cựu lãnh đạo Viện Tàu Ngầm Úc, Canberra phải đặt hàng trước năm 2026 nếu muốn hy vọng nhận được tàu ngầm từ năm 2038.
Vấn đề còn lại là liệu Úc có sẵn sàng thay đổi quyết định hay không. Theo nhóm nghiên cứu, đó sẽ là một lựa chọn đầy can đảm về mặt chính trị, nhưng không hẳn là bất khả thi so với việc nhận được tàu ngầm Mỹ đúng hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét