Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2024

Ai “Ăn Mày Dĩ Vãng” ? - Trần Trung Đạo



<!>
Giới thiệu: Trong một bài viết ngắn trước đây trên Facebook, tôi giải thích lý do viết khá nhiều cho các thế hệ Việt Nam sinh ra sau cuộc chiến. Tôi viết để hy vọng sáng mai đây khi bước ra đường các em sinh ra và lớn lên ở miền Nam sẽ nhìn người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang lê lết chuỗi ngày tàn bằng cặp mắt khác hơn. Các em, thay vì bước nhanh như hôm qua, sẽ ngồi xuống bên cạnh người lính miền Nam tàn phế kia và nghe ông kể lại những chặng đường bi tráng mà ông và đồng đội đã trải qua, từ đó các em sẽ hiểu ra rằng cha chú các em đã sống và chiến đấu trong cuộc chiến tự vệ đầy chính nghĩa mà họ không có chọn lựa nào khác. Các em sẽ lớn lên trong tự tin và hy vọng thay vì mặc cảm “tội ác ba đời” mỗi khi đọc lại lý lịch mình.


Một buổi họp mặt trong chương trình tri ân thương phế binh VNCH do Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tại Sài Gòn tổ chức, kéo dài 12 năm và đã buộc phải chấm dứt vào tháng 4/2024 do sự xách nhiễu, gây khó dễ đủ cách của nhà cầm quyền Việt Nam. (Nguồn ảnh: Tin Mừng Cho Người Nghèo)

Đối với các em sinh ra ở miền Bắc, tôi hy vọng các em sẽ biết sự thật và chân lý không phải là những lời đảng Cộng sản dạy. Đảng Cộng sản không giúp các em “sáng mắt sáng lòng” mà làm các em thành những kẻ mù loà đi lùi giữa nền văn minh nhân loại mỗi ngày mỗi mới. Các em có thể không dễ dàng tin ngay những điều tôi viết, nhưng ít ra cho các em thấy một phía khác của vấn đề để tìm tòi, học hỏi, so sánh và qua đó các em sẽ thấy mục tiêu đích thực mà đất nước Việt Nam cần phải đến là gì.

Tuổi trẻ Việt Nam, Nam hay Bắc, phải có cơ hội đọc và hiểu một cách khách quan từ nhiều phía về bản chất, nguyên nhân của cuộc chiến Việt Nam.

Nhiều người từ miền Bắc, dù hôm nay ngao ngán và ngậm ngùi nhìn lại một quá khứ bị lọc lừa nhưng không phải ai cũng thấy ra sự thật bị che giấu bên trong. Nhiều trong số họ đã dành cả phần lớn cuộc đời mình đánh thuê cho đảng Cộng sản, cho Trung Cộng và Liên Xô nhưng vẫn nghĩ mình đã chiến đấu cho “độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Gần một đời bị tẩy não đã biến không ít người thành những người chấp nhận sự giả dối như một thói quen, một hạnh phúc cuối đời.

Mời đọc bài viết dưới đây để biết ai thật sự là” lính đánh thuê” trong cuộc chiến Việt Nam.

* * *

AI LÀ LÍNH ĐÁNH THUÊ?

Các bạn trẻ tại Việt Nam nghe ba chữ “lính đánh thuê” từ khi mới tập đọc nhưng chắc không hiểu rõ định nghĩa quốc tế của ba chữ này.

Theo Nghị định thư (Protocol) 1977 được Liên Hiệp Quốc công bố ngày 8 tháng 6 năm 1977 để đính kèm theo Công Ước Geneva quy định các nguyên tắc hành xử trong một xung đột võ trang ra đời năm 1949, những điểm căn bản định nghĩa lính đánh thuê (mercenary) gồm (1) không thuộc quân đội chính thức của chính phủ, (2) được tuyển dụng tại địa phương hay nước ngoài để tham gia một cuộc xung đột võ trang chỉ vì ước muốn riêng tư và được hứa đền bù cao hơn một người lính cùng cấp trong lực lượng võ trang của chính phủ mướn người đó, (3) không phải thành viên hay đang cư ngụ trên lãnh thổ được kiểm soát bởi chính phủ.

Theo định nghĩa trong Nghị định thư 1977, người lính miền Nam không đánh thuê cho ai cả mà chỉ chiến đấu trong một cuộc chiến tranh tự vệ trên mảnh đất mà chính họ chọn làm quê hương và nhiều trong số họ đã chết trên mảnh đất đó.

Nếu gọi quân đội Việt Nam Cộng Hòa là lính đánh thuê cho Mỹ vì Mỹ trang bị vũ khí, tài trợ là không đúng với các định nghĩa quốc tế cũng như thực tế chiến tranh.

Trong Thế chiến Thứ hai, phần lớn trong khoảng 60 quốc gia trực tiếp hay gián tiếp đứng về phía đồng minh, trong đó có Liên Xô và đã nhận vũ khí của Mỹ qua đạo luật Lend-Lease Act nhưng không ai gọi họ là “lính đánh thuê” vì họ có kẻ đối đầu chung là Khối trục.

Tương tự, từ khi bắt đầu cuộc chiến cho đến khi Hiệp định Paris ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973, quyền lợi và mục đích chiến lược của Mỹ và VNCH giống nhau là ngăn chặn làn sóng Cộng sản tràn xuống phía Nam Việt Nam. Sau khi Mỹ thay đổi trục chiến lược bằng việc thỏa hiệp với Trung Cộng, Việt Nam Cộng Hòa phải chiến đấu trong cô đơn và cô thế.

Nói rộng hơn, ngoại trừ các hoạt động gián điệp mà bất cứ cuộc chiến tranh lớn nào cũng có, Việt Nam Cộng Hòa không chủ trương đánh chiếm miền Bắc. Nếu Cộng sản miền Bắc, tính luôn các thành phần Cộng sản cài lại ở miền Nam sau 1954, để yên cho miền Nam ổn định và phát triển về mọi lãnh vực thì đã không có gì xảy ra.

Nếu áp đụng Nghị định thư 1977 trong Công Ước Geneva 1949, câu hỏi “Người lính miền Bắc có đánh thuê không?” lại có vẻ thích hợp hơn và đáng phân tích hơn.

Những người lính miền Bắc thỏa mãn các điều kiện căn bản của định nghĩa “lính đánh thuê” vì:

(1) “Không thuộc quân đội chính thức” mà là các thành phần khủng bố, xâm lược, được lén lút đưa vào Việt Nam Cộng Hòa từ một quốc gia khác, trong trường hợp này là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH).

(2) Vô thừa nhận, đảng Cộng sản VN không thừa nhận những thanh niên nói giọng Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng v.v.. bị quân đội VNCH bắt được là từ miền Bắc mà cho họ là “nhân dân miền Nam tự đứng dậy”.

(3) Phục vụ cho quyền lợi của những kẻ trả lương và cung cấp vũ khí trong đó gồm đảng Cộng sản Việt Nam, Liên Xô và Trung Cộng.

Không chỉ rút ra từ Công ước Geneva mà từ cấp cao nhất của đảng Cộng sản Việt Nam cho đến cấp cao nhất của nhà nước VNDCCH đều thừa nhận “lính miền bắc là lính đánh thuê”.

Lấy các phát biểu của Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và Nguyễn Mạnh Cầm để chứng minh họ đã thừa nhận.

Về phía đảng, Lê Duẩn, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận quân đội Cộng sản Việt Nam là quân đội đánh thuê.

Nhân dịp “40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam”, Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Bộ trưởng Ngoại Giao Cộng sản Việt Nam, khi trả lời phóng viên Vietnamnet đã nhắc lại câu nói của Lê Duẩn: “Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!” (Dân tộc và thời đại với nội hàm mới…, Vietnamnet phỏng vấn Nguyễn Mạnh Cầm, 24/1/2013)

Để công bằng và trung thực cho câu nói của Lê Duẩn, xin lưu ý, một số tài liệu khi viết lại đã cố tình bỏ chữ “cả” để vạch ra bộ mặt đánh thuê của Cộng sản Việt Nam là “đánh cho Trung Quốc và Liên Xô”. Thật ra, trong câu đó có chữ “cả” nữa, nhưng “cả” gồm những ai, xin đọc tiếp.


Lenin, Stalin, Mao – 3 lãnh tụ của ĐCS Liên Xô và ĐCS Trung Quốc mà ĐCS Việt Nam tôn sùng và bắt bao thế hệ người Việt phải ca ngợi, tôn sùng.
Câu trả lời của Lê Duẩn có thể phân tích đầy đủ hơn gồm “cho ta”, “cho Trung Quốc” và “cho Liên Xô”:

1) Quân đội Cộng sản miền Bắc “đánh cho ta” nhằm Cộng sản hóa toàn cõi Việt Nam. Nếu theo dõi dòng lịch sử đảng Cộng sản từ thập niên 1920 khi Hồ Chí Minh nước mắt chảy dài đọc “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lenin viết ngày 5 tháng 6, 1920 cho đến hôm nay rồi đem so sánh giữa thực tế đất nước qua cách sống như vua chúa của tập đoàn cai trị Cộng sản bên cạnh những mái tranh nghèo của hơn 90 triệu dân còn lại, sẽ thấy “ta” trong câu của Lê Duẩn là đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải toàn dân Việt Nam.

(2) Quân đội Cộng sản miền Bắc đánh thuê cho Trung Cộng để bảo vệ vùng an toàn phía nam quan trọng của Trung Quốc và cửa ngõ ra Biển Đông. Chính sách bành trướng nhanh chóng của Tập Cận Bình ngày nay một phần do quan điểm Trung Quốc và Việt Nam như anh với em, như môi với răng, như nước với sữa mà Cộng sản Việt Nam đã lặp đi lặp lại từ lâu. Nếu Cộng sản Việt Nam biết cứng rắn như Philippines hay kiên quyết như Bắc Hàn thì dù không chận đứng hẳn ít ra đã làm họ Tập chậm chân chứ không có những căn cứ, những phi trường quân sự trên đảo Chữ Thập của Việt Nam như ngày nay.

(3) Quân đội Cộng sản miền Bắc đánh thuê cho Liên Xô để giảm áp lực của Mỹ bằng một mặt trận nóng trong Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Giới lãnh đạo Cộng sản Liên Xô biết không sớm thì muộn Liên Xô sẽ nguy khốn nếu không làm chậm cuộc chạy đua võ trang với Mỹ.

Về phía chính phủ Cộng sản, Phạm Văn Đồng, thủ tướng Cộng sản Việt Nam, cũng thừa nhận quân đội Cộng sản đánh thuê cho Trung Cộng.

Đoạn đối thoại dưới đây giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng trích trong tác phẩm On China của Henry Kissinger. Chu Ân Lai nói với Phạm Văn Đồng: “Trong một thời gian dài, Trung Quốc bị Mỹ bao vây. Bây giờ Liên Xô bao vây Trung Quốc, ngoại trừ phần Việt Nam.” Phạm Văn Đồng cam kết: “Chúng tôi càng quyết tâm để đánh bại đế quốc Mỹ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam.” Chu Ân Lai thỏa mãn: “Đó chính là lý do chúng tôi ủng hộ các đồng chí.” (Henry Kissinger, On China, 2011)

Như vậy, cả đại diện cho đảng và nhà nước Cộng sản đều thừa nhận những người lính từ Bắc Việt và các thành phần cài lại ở miền Nam đều là lính đánh thuê, đúng theo tinh thần của Công ước Geneva 1949.

Quan điểm Mao Trạch Đông về chiến tranh tại Việt Nam phù hợp với cách giải thích của Lê Duẩn. Theo đó, giống như trong chiến tranh Triều Tiên, là tạo một vùng độn trong biên giới phía nam Trung Quốc. Để thực hiện chủ trương này, Trung Cộng đã chi dụng gần như hầu hết võ khí, đạn được cho Cộng sản Việt Nam. Trung Cộng là mẹ đỡ đầu của các chính sách và chiến lược chiến tranh của đảng Cộng sản Việt Nam từ 1949 đến 1954.

Giai đoạn đầu của chiến tranh, Mao chỉ muốn miền Bắc là phên giậu và thỏa mãn sau khi đạt được mục đích đó.

Theo nghiên cứu của Chen Jian trong China’s Involvement in the Vietnam War, 1964-69, Bành Đức Hoài, 24 tháng 12, 1955 thông báo cho Võ Nguyên Giáp biết các đoàn cố vấn quân sự Trung Cộng sẽ rút về nước hết vào tháng 3, 1956. Tuy nhiên khi chiến tranh leo thang, Trung Cộng cảm thấy vùng an toàn phía nam lần nữa bị đe dọa nên đổi ý và gia tăng viện trợ cho Cộng sản Việt Nam cho đến khi chấm dứt chiến tranh. (Chen Jian, China’s Involvement in the Vietnam War, 1964-69, Chinese Foreign Policy, The China Quarterly 1995)

Quan điểm Liên Xô về chiến tranh Việt Nam xác định chủ trương mướn người Việt đánh người Mỹ.

Mặc dù trước đó tỏ ra lạnh nhạt nhưng khi cuộc chiến leo thang, Liên Xô từng bước trở thành phe có lợi trong chiến tranh tại Việt Nam. Liên Xô vượt qua cả Trung Cộng trong việc cung cấp vũ khí, viện trợ kinh tế và các phương tiện tuyên truyền cho Cộng sản Việt Nam. Để làm gì? Ngày nay các tài liệu cho thấy, Liên Xô muốn (1) dùng người Việt để đánh Mỹ, (2) cố gắng nhận chìm bộ máy quân sự của Mỹ, (3) cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Cộng trong các nước thuộc phe “xã hội chủ nghĩa”, và (4) quan trọng nhất là giảm ưu thế của Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang.

Tóm lại, quan điểm của Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trung Cộng và Liên Xô về lý luận lẫn thực tế đều giống nhau.

Nhưng nếu đem câu “người lính miền bắc có đánh thuê hay không?” để hỏi một cựu cán binh Cộng sản đã từng chiến đấu ở miền Nam trước 1975, chắc chúng ta sẽ nhận câu trả lời “không phải.”

Nếu ai đó tiến bộ về nhận thức chính trị thì nhiều lắm chỉ thừa nhận họ bị gạt, bị lừa nhưng vẫn cho khẩu hiệu “đánh bại chính sách thực dân mới của đế quốc Mỹ” là đúng và “thống nhất đất nước” là tình cảm tự nhiên. Tuy nhiên, cho tới nay, chắc không bao nhiêu người hiểu “chủ nghĩa thực dân mới” là gì và tình cảm “thống nhất đất nước” kia từ đâu mà có.

Một số khác cũng trả lời “không”, không có nghĩa là họ không thấy, không biết, không nhận ra sự thật sau nhiều nghìn đêm mất ngủ, nhưng chỉ vì không đủ can đảm để từ chối một phần đời trai trẻ của mình và nhất là mất đi những gì họ đang có hôm nay.

Trần Trung Đạo

Không có nhận xét nào: