Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :05/08/2024 - Mỹ Loan


Olympic Paris 2024 : Bất chấp chiến tranh, đoàn Ukraina giành được nhiều huy chương  Tính đến trưa ngày 05/08/2024, Ukraina mang về 6 huy chương Olympic : 2 vàng, 1 bạc và 3 huy chương đồng. Đây là một niềm tự hào và cũng là một sự hy sinh rất lớn của những người dân Ukraina đang phải đối mặt với chiến tranh từ khi bị Nga xâm chiếm. Vận động viên nhảy cao Yaroslava Mahuchikh tham dự Olympic Paris 2024 tại Stade de France, Saint-Denis, Pháp, ngày 04/08/2024. REUTERS - Pawel Kopczynski - Thanh Hà
<!>
Tối Chủ Nhật 04/08/2024, Ukraina tỏa sáng trên sân vận động Stade de France. Nữ vận động viên Yaroslava Mahuchikh đoạt huy chương vàng ở môn nhảy cao, đồng đội của cô Iryna Gerashchenko về thứ ba với huy chương đồng. Ở môn ném búa, Mykhaylo Kokhan cũng đoặt huy chương đồng. Trước đó, Ukraina đoạt huy chương vàng và đồng ở môn đấu kiếm đơn và đồng đội, và một huy chương bạc ở môn bắn súng 50 mét.

Trả lời AFP, nhà vô địch Olympic môn nhẩy cao người Ukraina, cô Yaroslava Mahuchikh, 22 tuổi, nói : « Tất cả những chiếc huy chương gặt hái được ở Paris lần này là để dành tặng cho những người đang bảo vệ đất nước Ukraina, nhờ có họ mà chúng tôi, những vận động viên Ukraina có mặt được ở Paris ». Đa phần những vận động viên tham gia Thế Vận Hội lần này tị nạn tại nước ngoài từ khi chiến tranh khai mào hồi tháng 02/2022.

Là một quốc gia « lớn » trong làng thể thao châu Âu, nhất là ở những môn như quyền anh, đô vật, đấu kiếm và ba-lê dưới nước. Do phải chống trả cuộc xâm lược của Nga, tại Thế Vận Hội Paris lần này, đoàn Ukraina chỉ có 140 vận động viên tham gia, ít nhất trong lịch sử thể thao của nước này. Theo chính quyền Kiev, gần 500 vận động viên, huấn luyện viên Ukraina đã thiệt mạng trong chiến tranh.

Huyền thoại Djokovic
Về những thành tích khác, chiều qua, cây vợt số 2 thế giới Novak Djokovic đã hạ đối thủ Tây Ban Nha, Carlos Alcaraz và đoạt huy chương vàng môn quần vợt nội dung đơn nam. Đây là danh hiệu duy nhất còn thiếu trong bảng thành tích lẫy lừng của một trong những huyền thoại quần vợt thế giới. Như vậy, Djokovic đã giành được tất cả những danh hiệu cao quý nhất trong bộ môn này : 24 Grand Slam, 7 ATP Finals, 40 giải Masters 1000, 1 chiếc Cúp Davis và 1 huy chương vàng Olympic.

Ukraina chính thức triển khai chiến đấu cơ F-16

Ukraina chính thức đưa F-16 vào biên chế lực lượng không quân. Ngày 04/08/2024, tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo đã nhận được những chiến đấu cơ đầu tiên từ các nước đồng minh. Thông tin này có ý nghĩa cổ vũ quan trọng cho Ukraina trong bối cảnh nhiều địa phương ở vùng Donetsk miền đông đã bị rơi vào tay quân Nga và nhiều gia đình buộc phải sơ tán trong những ngày gần đây.


Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đứng trước chiến đấu cơ F-16 trong lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng Không quân Ukraina tại một địa điểm không được tiết lộ, ngày 04/08/2024. REUTERS - Valentyn Ogirenko
Thu Hằng
Phát biểu tại buổi lễ triển khai phi cơ F-16, được tổ chức ở một địa điểm bí mật, tổng thống Zelensky nhấn mạnh điều tưởng « không thể thực hiện được » giờ đã thành hiện thực. Ông thừa nhận số chiến đấu cơ nhận được là « không đủ », dù không nêu con số cụ thể, nhưng tỏ ra lạc quan rằng « điều tích cực là chúng ta đang đợi thêm nhiều máy bay F-16 khác » và « rất nhiều phi công của chúng ta đang được đào tạo ».

Thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev cho biết thêm :
« Thông tin được chính thức xác nhận : Một số máy bay F-16 được trông đợi từ lâu đã bay trên bầu trời Ukraina và theo truyền thông Ukraina, khoảng 10 chiến đấu cơ loại này đã được giao cho Kiev.

Sau tổng thống Volodymyr Zelensky, đến lượt tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Oleksandr Syrskyi xác nhận thông tin trên và đánh giá rằng những chiến đấu cơ này được đưa tới Ukraina đồng nghĩa với việc thêm nhiều máy bay và tên lửa Nga bị phá hủy. Trên thực tế, chiến đấu cơ F-16 giúp hiện đại hóa không quân Ukraina nhưng cũng sẽ phải cần thêm nhiều máy bay loại này hơn để hy vọng tạo khác biệt trên thực địa.

Theo chính quyền Kiev, Ukraina có lẽ cần ít nhất 130 chiến đấu cơ để đối phó với kẻ thù Nga một cách hiệu quả, có nghĩa là gần gấp đôi con số 79 chiến đấu cơ F-16 mà các đồng minh đã hứa chuyển giao. Ngoài việc tăng cường phòng không, Ukraina cũng hy vọng sử dụng F-16 trong tấn công, ví dụ tấn công vào các công trình hạ tầng và trang thiết bị Nga.

Nhưng để đạt được hiệu quả, Ukraina vẫn thiếu đủ thứ : không có đủ phi công được huấn luyện ở nước ngoài, Mỹ không cho phép sử dụng F-16 tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và các công trình hạ tầng của Nga, trong đó có những căn cứ không quân. Đây là nơi xuất phát của những chiến đấu cơ Nga vẫn oanh tạc Ukraina ».

Viện Nghiên cứu Chiến Tranh tại Washington cho rằng Ukraina sẽ sử dụng F-16 và vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ để tấn công những phương tiện phòng không của Nga và tại những vùng đất bị Nga sáp nhập. Còn theo trang web Militarny của Ukraina, chiến đấu cơ F-16 được trang bị một hệ thống cảnh báo sớm giúp phát hiện và chặn tên lửa của kẻ thù.

AFP nhắc lại ngày 10/07, ngoại trưởng Mỹ thông báo bắt đầu chuyển giao F-16 « từ Đan Mạch và Hà Lan ». Tuần trước, Nga tuyên bố chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất sẽ không « có tác động đáng kể » trên chiến trường và sẽ bị « bắn hạ ».

Về tình hình chiến sự, không quân Ukraina cho biết đã bắn hạ toàn bộ 24 drone tự sát Shahed trong đêm 05/08 được Nga phóng từ hai vùng biên giới Primorsko-Akhtarsk và Kursk.

Mali cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraina
Mali, nước đồng minh của Nga, thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraina vì cáo buộc Kiev « can thiệp » và làm cho quân đội Mali thất bại nặng nề trong cuộc giao tranh với phe phiến quân hồi tháng 7 ở Tinzawatène, miền bắc Mali. Ngày 04/08, chính phủ chuyển tiếp ở Bamako lên án Ukraina « xâm phạm chủ quyền của Mali, vượt qua cả khuôn khổ can thiệp nước ngoài ». Trước đó, phát biểu trên truyền hình, Andriy Yusov, người phát ngôn của cơ quan tình báo quân sự Ukraina, gián tiếp cho biết Ukraina đã cung cấp « những dữ liệu cần thiết giúp lực lượng nổi dậy (Mali) tiến hành các chiến dịch chống những kẻ tội phạm chiến tranh Nga ». Trong khi đó, quân đội Mali có được sự ủng hộ của nhóm lính đánh thuê Nga Wagner.

Bắc Triều Tiên đưa 250 dàn phóng tên lửa áp sát giới tuyến với Hàn Quốc

Hôm nay, 05/08/2024, 250 dàn phóng tên lửa chiến thuật của Bắc Triều Tiên đã được đưa đến khu vực giới tuyến liên Triều. Theo lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, quyết định này là nhằm đối phó với các đe dọa mới từ ‘’liên minh quân sự’’ do Hoa Kỳ đứng đầu.


Bức ảnh do chính phủ Bắc Triều Tiên công bố cho thấy buổi lễ chuyển giao 250 bệ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân cho các đơn vị quân đội ở tiền tuyến. Ảnh chụp ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 04/08/2024. AP
Trọng Thành
AFP dẫn lại thông tin từ hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, theo đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã chủ trì ‘‘lễ chuyển giao 250 dàn phóng tên lửa chiến thuật thế hệ mới’’ cho các đơn vị đồn trú tại vùng giới tuyến. Trong bài diễn văn, Kim Jong Un thông báo Bắc Triều Tiên đối mặt với ‘‘một sự thay đổi quan trọng về chiến lược do việc các liên minh do Hoa Kỳ chỉ huy đang biến thành các khối quân sự, dựa trên vũ khí hạt nhân’’, thay đổi này đòi hỏi Bắc Triều Tiên cải thiện khả năng răn đe.

Theo Hiệp hội Hàn Quốc nghiên cứu về công nghiệp quốc phòng, đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng công bố các số liệu liên quan đến các vũ khí được triển khai tại vùng biên giới. Trả lời AFP, ông Han Kwon Hee, thuộc hiệp hội nói trên, cho biết cụ thể là mỗi dàn phóng tên lửa Bắc Triều Tiên có thể mang theo bốn hỏa tiễn.

Tham gia buổi lễ chuyển giao dàn phóng tên lửa, có sự hiện diện của Jue Ae, con gái Kim Jong Un, có thể được lãnh đạo Bắc Triều Tiên chọn làm người kế vị, theo bộ Thống Nhất Hàn Quốc. Tại buổi lễ, lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng bác bỏ cái gọi là ‘‘tin đồn’’ về việc lũ lụt tại miền bắc khiến 1.500 người chết, và khẳng định đã không có ai tử vong vì thiên tai.

Theo thông tín viên RFI Celio Fioretti, đợt lũ lớn từ ngày 27/07 khiến một số nhà máy sản xuất vũ khí, được xây dựng từ năm ngoái, bị phá hủy. Việc nhiều nhà máy sản xuất vũ khí cùng với một số tuyến đường sắt sang Trung Quốc và Nga bị hư hại có thể làm chậm lại hoạt động xuất khẩu vũ khí Bắc Triều Tiên sang Nga, để hỗ trợ Matxcơva trong cuộc xâm lăng Ukraina.

Anh Quốc đối mặt với tình trạng bạo loạn chưa từng có từ 10 năm qua

Các cuộc bạo động bài di dân vẫn tiếp diễn ngày 04/08/2024 tại nhiều thành phố ở Anh. Hai khách sạn lưu trú của người xin tị nạn đã bị tấn công, nhiều đền thờ Hồi Giáo bị đe dọa. Anh Quốc đang phải đối mặt với tình trạng bạo loạn chưa từng có từ 10 năm qua và không có dấu hiệu thuyên giảm sau vụ sát hại ba bé gái ở Southport cách đây một tuần dù chính quyền phủ nhận thủ phạm là một di dân như tin đồn.


Thủ tướng Anh Quốc Keir Starmer họp báo tại phủ thủ tướng Anh, Luân Đôn, ngày 06/07/2024. © Claudia Greco / AFP
Thu Hằng
Lực lượng an ninh Anh cho biết đã bắt giữ khoảng 150 người từ ngày 03/08. Theo AFP, các vụ đập phá, biểu tình bài nhập cư diễn ra ở Tamworth, Rotherham, Middlesbrough, Aldershot, Bolton, Weymouth… Thủ tướng Keir Starmer khẳng định sẽ khẩn trương đưa ra xét xử « những kẻ du côn tham gia vào những vụ gây rối này », « dù là trực tiếp hay gián tiếp » khi « xúi giục, khiêu khích trên mạng ». Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Emeline Vin tại Luân Đôn, ngành tư pháp Anh đang bị quá tải :

« Sáng nay (05/08), thủ tướng Anh chủ trì một cuộc họp khẩn về an ninh để tìm đối sách chống bạo loạn. Kể từ khi bạo lực xảy ra, ông Keir Starmer sử dụng những ngôn từ rất mạnh, không có chuyện nhân nhượng những « kẻ du côn cực hữu » và hứa dùng mọi quyền lực của luật pháp, nhưng vẫn vô hiệu. Bạo lực tiếp tục gia tăng.

Còn về luật pháp, đây là một trong những điểm mạnh của ông Starmer, một cựu công tố viên, người từng đứng đầu chiến dịch đáp trả của tư pháp về các vụ bạo động phân biệt chủng tộc ở Luân Đôn năm 2011. Vào thời đó, các tòa án mở cửa cả đêm để xét xử và tuyên án nhanh chóng thủ phạm các vụ bạo lực đó. Nhưng 13 năm sau, hệ thống tư pháp đã bị quá tải. Họ thiếu nguồn lực để giữ lời hứa mở cửa tòa án cả ngày. Cuối tuần vừa qua, bộ trưởng Nội Vụ cũng nêu khả năng cấm một số nhóm cực hữu khơi mào những vụ bạo loạn lần này.

Ngoài việc loại bỏ bạo lực, chính phủ cũng phải trấn an các cộng đồng thiểu số. Bộ trưởng Tư Pháp vừa thông báo một khoản ngân sách để tăng cường bảo đảm an ninh xung quanh các đền thờ Hồi Giáo. Có khoảng 10 đền bị đe dọa. Cuối tuần qua, đại sứ quán Malaysia ở Luân Đôn đã kêu gọi công dân cảnh giác và tránh đến những khu vực có biểu tình ».

Cam Bốt khởi công xây dựng kênh đào Funan ‘‘gây tranh cãi’’ trên dòng Mêkông

Hôm nay, 05/08/2024, chính quyền Cam Bốt rầm rộ khởi công xây dựng kênh đào Funan, dài 180 km, nối liền thủ đô Phnom Penh với vịnh Thái Lan. Dự án trị giá 1,7 tỉ đô la, do Trung Quốc tài trợ, có nguy cơ gây tổn thất nặng nề cho sinh kế của hàng triệu cư dân Cam Bốt và Việt Nam ở hạ lưu. Cho đến nay, chính quyền Cam Bốt đã không cung cấp các số liệu về tác động của dự án đến dòng chảy Mêkông theo đề nghị mà Việt Nam liên tục đưa ra.


Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet và phu nhân Pich Chanmony trong lễ khởi công xây dựng kênh đào Funan Techo, ngày 05/08/2024. © AFP/Tang Chhin Sothy
Trọng Thành
Đích thân thủ tướng Cam Bốt, ông Hun Manet, chủ trì lễ khởi công. Thủ tướng Cam Bốt khẳng định đây là một dự án có ý nghĩa ‘‘lịch sử’’, và ‘‘bằng mọi giá’’ công trình phải được hoàn thành vào năm 2028. Trả lời RFI Pháp ngữ, chuyên gia hàng đầu về lưu vực Mêkông, Brian Eyler, giám đốc chương trình Năng lượng, Nước, và Phát triển Bền vững, thuộc trung tâm Stimson, có trụ sở tại Mỹ, cho biết kênh đào Funan giúp tàu bè Cam Bốt từ nội địa đi thẳng ra vịnh Thái Lan, mà không phải đi qua ngả Việt Nam. Theo chính quyền Cam Bốt, kênh đào sẽ tạo thêm hàng chục nghìn việc làm mới, và giúp Phnom Penh giảm bớt phụ thuộc vào Việt Nam.

Tuy nhiên, nguy cơ kênh đào nói trên gây tổn thất nặng nề cho Việt Nam là điều được nhiều chuyên gia nêu bật. Báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, hôm 03/08, dẫn lời nhà nghiên cứu Trung Quốc Zhou Chao, thuộc tổ chức tư vấn độc lập Anbound, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng với kênh đào Funan Techo, Trung Quốc có thể mở rộng ảnh hưởng kinh tế và địa-chính trị tại Đông Nam Á, nhưng có thể đẩy Việt Nam lại gần hơn với Hoa Kỳ, do lo ngại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.

Bên cạnh tác động về an ninh và quốc phòng, do Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự, áp sát Việt Nam thông qua kênh đào, vấn đề tác động đến dòng chảy Mêkông đặc biệt gây lo ngại. Theo khảo sát của trung tâm Stimson, việc dẫn nước kênh đào này rời khỏi dòng chính Mêkông có thể làm giảm một nửa diện tích vùng đồng bằng ngập nước tại hạ lưu, với diện tích lên đến 1 triệu ha, giảm nguồn sinh kế của khoảng 1,6 triệu người Cam Bốt và hàng triệu người khác ở các tỉnh lân cận của Việt Nam, khiến họ lâm vào cảnh nghèo đói.

Theo chuyên gia độc lập về Mêkông Phạm Phan Long, Hoa Kỳ, cần cảnh giác trước tác động của kênh đào Funan, bởi nguồn nước ngọt cho hạ lưu trong những năm gần đây vào mùa khô đã xuống mức cực kỳ thấp tại các tỉnh Kandal, Takéo và Kampot, và An Giang, Kiên Giang phía Việt Nam. Chuyên gia trung tâm Stimson nhấn mạnh là dự án xây dựng kênh đào Funan lấy nước từ dòng chính Mêkông đã không hề được Cam Bốt tham vấn các quốc gia tham gia Hiệp định sông Mêkông 1995, theo quy định. Ủy Ban Mêkông của Cam Bốt viện cớ kênh đào này chỉ là một dự án liên quan đến ‘‘phụ lưu’’.

Không có nhận xét nào: