Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

Người Việt hung hăng? - Nguyễn Sinh


Trong tâm lý học, thuật ngữ “hung hăng” (agression) dùng chỉ các thái độ, hành vi của một người đã gây tổn hại cho một hay nhiều người khác cả về thể chất lẫn tinh thần nhằm để người này nhanh chóng đạt được mục đích riêng của mình. Nhiều người nghĩ rằng hung hăng sẽ giải quyết được mọi việc Tính hung hăng giải quyết được mọi chuyện? Hiện nay ở Việt Nam, những sự việc bắt nguồn từ thói hung hăng trở nên nhiều đến nỗi bất cứ chuyện gì cũng có thể trở thành nguyên nhân để người ta chửi bới/đánh đập/chém giết nhau. Ra đường nhìn nhau không cẩn thận bị cho là “nhìn đểu” dễ dẫn đến hiềm khích, đánh nhau.
<!>
 Vào bệnh viện, bác sĩ chưa kịp phục vụ dễ bị người nhà bệnh nhân truy sát. Trong đám cưới, giỗ tiệc, tranh nhau chiếc mi-crô hát hò dễ xảy ra án mạng. Trên bàn nhậu, người không uống “tới bến” cũng dễ bị đâm dao. Thậm chí anh chị em chung huyết thống vì tranh cãi trong bữa ăn, phân chia tài sản cũng dễ dàng bị người nhà tìm cách “hạ thủ”…. Có thể thấy vô số những tin tức kiểu này trên báo chí, mạng xã hội, các băng tần truyền thông với các vụ án, đôi khi xuất phát bởi những việc rất nhỏ nhặt, do tính hung hăng thiếu kiểm soát gây ra.

Người ta thể hiện thái độ hung hăng dưới nhiều dạng: cảm xúc, tinh thần, lời nói, hành động nhằm áp đảo tinh thần người khác hòng giành phần lợi về mình. Lợi ở đây là vật chất, vị thế đôi khi chỉ để thỏa mãn cảm giác “thắng thế”, “cao cơ” hơn người khác. Kẻ hung hăng tin rằng với thái độ này họ sẽ nhanh chóng đạt được mục đích. Song nếu nhận thấy hành vi hung hăng có thể bị bẻ gãy, không đạt được mục tiêu, họ sẽ tự động chuyển thái độ. Một gã hung hăng chửi bới dọa đánh người khi va quẹt xe bởi gã ta muốn người kia phải xin lỗi hoặc đền tiền. Nhưng nếu người kia chống lại bằng thái độ lấn át hơn, tự nhiên phản ứng tâm lý diễn ra khiến gã chột dạ. Trái lại, nếu gã ta thấy mình không bị lấn át nhiều, sẽ tiến tới phản ứng bằng cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, xem bên nào thắng thế sẽ tính tiếp!

Va quẹt xe trên đường là nguyên nhân của nhiều vụ đánh nhau

Nhớ lần đi công tác ở Thiên Tân (Trung quốc), tôi được một người quen dặn dò khi bước vào các quán ăn đừng bao giờ nhìn thẳng vào mặt đám thanh niên, nhất là khi họ đang uống bia rượu sẽ dễ bị đánh. Anh bạn nói: “Người Trung quốc, nhất là đám thanh niên rất dễ gây chuyện đánh nhau, nhiều khi vì một cái “nhìn đểu”. Lý do bởi dân số Trung quốc quá đông, ai cũng tranh nhau sống, lâu dần thành ra vậy!”. Dường như đây cũng là mẫu số chung của những xã hội đang chuyển mình cả về tinh thần lẫn đời sống vật chất như VN hiện thời. Trong xã hội ấy, một số người càng giàu lên, lối sống vật chất lên ngôi nhưng khoảng cách giữa nhóm nhỏ giàu có và nhóm đa số người còn nghèo khó cứ ngày càng dãn rộng.

Vì sao nên nỗi?

Phải chăng người Việt quá hung hăng, họ sẵn sàng đánh nhau, gây án từ những sự việc không đâu? Đây là câu hỏi nhức nhối, và nhiều người tự hỏi nguyên cớ nào dẫn đến điều ấy? Có người nói hiện tượng này đa phần do sử dụng rượu bia/ chất gây nghiện dẫn đến thiếu kiềm chế. Nhưng đó là bề nổi, nếu tìm hiểu sâu xa hơn theo phân tích của các nhà giáo dục, tâm lý xã hội… là do giáo dục chỉ chú trọng dạy chữ, xem nhẹ dạy làm người; phát triển kinh tế thị trường không gắn liền phát triển văn hóa; pháp luật thiếu nghiêm minh, xã hội đầy bất công, tiêu cực… Một số người có đời sống tinh thần ngày càng bức bối và khi những mâu thuẫn nội tại không được giải quyết, ứ đọng trong tâm trí, nó sẽ chờ cơ hội nhảy xổ ra trở thành thái độ hung hăng nhằm giải tỏa ẩn ức.

Quang cảnh một quán nhậu sau trận ẩu đả từ những kẻ hung hăng

Ở khía cạnh khác, khi đạo đức xã hội dần xuống cấp trong khi giới trẻ vốn rất nhạy cảm, dễ bị cuốn theo số đông. Đây là lứa tuổi chưa hoàn thiện nhân cách; kinh nghiệm, cư xử trong cuộc sống chưa nhiều nên dễ bị vướng vào những hành vi lệch lạc. Ngoài ra còn nhiều thứ đầy tính bạo lực xuất hiện tràn lan trên phim ảnh, internet, mạng xã hội … càng khiến con người lệch lạc về nhân cách, dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động. Và với trạng thái uất ức dồn nén như vậy nếu chẳng may bị ai đó khích bác hoặc bia rượu, ma túy dẫn đường, dễ hiểu vì sao họ bỗng chốc trở thành những kẻ hung hăng, bạo lực.

Ông bà xưa có câu: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Theo đó, đứng trước một sự việc, cần suy xét thật thấu đáo. Hãy thử nhường nhịn, “lấy nhu thắng cương” để tránh những phiền phức không đáng có làm mất công sức và tiền bạc, thậm chí ảnh hưởng đến mối quan hệ trong gia đình, bạn bè, xóm giềng, xã hội … luôn cho nhau nụ cười, sự bao dung, tha thứ thì mọi việc chắc chắn trở nên tốt đẹp hơn …

Vì quá hung hăng, nhiều bạn trẻ phải … xộ khám

NS

Không có nhận xét nào: