Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Tuần Này: Chúc Mừng Lễ Lao Động Hoa Kỳ! và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Lễ “Labor Day” truyền thống, rơi vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Chín hàng năm và là một ngày lễ nghỉ quốc gia tại Hoa Kỳ. Ngày này, bắt nguồn từ phong trào lao động và là dịp để tôn vinh người lao động Mỹ. Các hoạt động kỷ niệm lễ lao động Mỹ thường diễn ra thông qua các cuộc đi chơi xa, những sinh hoạt thể thao và các cuộc diễn hành đường phố. Nhưng chính, đây dịp cuối cùng! để thực hiện các sinh hoạt ngoài trời, như cắm trại, ra biển, picnic, nướng barbecue,… Giã từ những ngày nắng ấm mùa Hè, trước khi trời trở lạnh vào Thu, vào Đông!
<!>

Chúc Mừng Lễ Lao Động Hoa Kỳ!
Kính chúc Quý Vị, Gia Đình và Người Thân:
Một ngày lễ Lao Động 2024 Vui Vẻ, Hạnh Phúc, Khỏe Mạnh, An Vui và đạt mọi điều ước muốn trong cuộc sống.

Từ ngàn xưa, khi con người, bị đuổi ra khỏi Địa Đàng vì ăn trái cấm. Chúa phán: “Từ đây, phải Lao Động, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mới có thực phẩm để ăn!” Từ đó Lao Động đi đôi, sống cùng với kiếp người!
Nên ai yêu thích Lao Động, mới có đời sống sung túc. Những người lười biếng, đều nằm chết đưới gốc cây sung! (vì chờ sung rụng, vào miệng!) Chưa thấy ai chết, trong “biển” mồ hôi của chính mình cả! Nhưng chết đói, vì lười Lao Động thì nhiều! Tuy phải “cầy bừa”, nhưng Lao Động là Anh Em của sự phồn thịnh, no ấm, sung sướng, hạnh phúc! Mừng Lễ Lao Động, nằm trong ý nghĩa cao quý này!

Happy Labor Day 2024! Mừng Lễ Lao Động!



Văn Phòng An Toàn Giao Thông California (Caltrans) Nhắc Nhở: Lễ Lao Động Năm Nay, 2024, Chúng Ta Hãy Cùng Hành Động, Để Giữ Cho Đường Sá Của Chúng Ta An Toàn Và Sạch Sẽ!


-Lễ Lao Động, là dịp, rất nhiều người thường đi chơi xa, hãy làm theo những lời khuyên sau đây từ Caltrans và Văn Phòng An Toàn Giao Thông California, để giữ cho cộng đồng của chúng ta không có rác thải vào Lễ Lao Động này
Thực hiện bởi Giám Đốc Caltrans Tony Tavares
Ngày cuối tuần của Lễ Lao Động là một trong những thời điểm đi lại bận rộn nhất trong năm, khi mọi người lái xe đến các điểm đến giải trí lớn để ăn mừng cùng bạn bè và những người thân yêu. Nhưng sự gia tăng trong việc đi lại sẽ đi kèm với việc tăng rác thải trên hệ thống đường cao tốc. Rác thải không chỉ gây mất thẩm mỹ và không tốt cho sức khỏe, mà rác thải trên đường còn có thể tạo ra tình trạng lái xe không an toàn và đe dọa tính mạng con người.

Rác thải và mảnh vụn trên đường khiến người lái xe phải đánh lái hoặc phanh gấp để tránh những chướng ngại vật này, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng hoặc các sự cố giao thông khác. Rác thải vứt ra từ xe cộ cũng có thể gây hại cho động vật hoang dã địa phương, chúng có thể ăn rác hoặc bị vướng vào rác thải có hại. Đó là lý do tại sao Sáng Kiến California Sạch của Caltrans, hợp tác với Văn phòng An Toàn Giao Thông (OTS), cung cấp cho người dân California những mẹo du lịch sau đây để giữ cho đường sá của chúng ta sạch sẽ và an toàn trong kỳ nghỉ cuối tuần của Lễ Lao Động này:

• Để một túi đựng rác trong xe của bạn: Hãy chọn trở thành “người đựng rác” chứ không phải “kẻ xả rác” bằng cách chỉ định một túi đựng rác trong xe của bạn, và vứt rác đúng cách tại điểm đến cuối cùng của bạn. Điều này giúp giảm rác thải gây mất tập trung trên đường và giữ cho xe của bạn và môi trường tự nhiên của chúng ta sạch hơn. Bạn cũng có thể tái sử dụng túi đựng rác cho những chuyến đi trong tương lai.

• Cố định hàng hóa của bạn và giữ khoảng cách an toàn với những người đi sau: Nếu bạn đang vận chuyển các vật dụng trên thùng xe tải - chẳng hạn như thùng làm mát, ghế hoặc hành lý - hãy đảm bảo rằng chúng được buộc chặt và cố định chắc chắn để tránh chúng rơi xuống đường. Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước để có đủ thời gian dừng lại an toàn nếu bạn cần di chuyển hoặc phanh gấp.

• Tái chế: Tách riêng các vật liệu tái chế khỏi rác thải trong xe của bạn, và vứt chúng vào thùng tái chế phù hợp tại điểm đến, khu vực nghỉ ngơi hoặc khi bạn về nhà.

• Không vứt tàn thuốc ra ngoài cửa sổ: Thời tiết nóng và khô vào mùa hè khiến California có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Tàn thuốc chỉ làm trầm trọng thêm nguy cơ hỏa hoạn vì chúng có thể bắt lửa và làm cháy rừng lan rộng. Hãy làm tròn trách nhiệm của mình bằng cách vứt bỏ tất cả tàn thuốc vào thùng rác phù hợp.

• Báo cáo hành vi đổ rác bất hợp pháp: Nếu bạn thấy ai đó đổ hoặc vứt rác trên tài sản công cộng hoặc tư nhân, hãy cung cấp thông tin chi tiết về đường đi có liên quan và báo cáo hành vi phạm tội cho chính quyền địa phương. Người vi phạm có thể bị phạt tới 10.000 đô la. Nếu bạn đang lái xe, hãy đỗ xe ở nơi an toàn rồi báo cáo hành vi vi phạm hoặc nhờ hành khách gọi điện.
Hãy cùng nhau giữ gìn cộng đồng sạch sẽ trong kỳ nghỉ cuối tuần của Lễ Lao Động này! Hãy nhớ rằng, Mục Tiêu là Không Có Rác Thải! Để biết thêm thông tin về cách giữ an toàn và không xả rác khi di chuyển, hãy truy cập CleanCA.com và GoSafelyCA.org. Happy Labor Day!


Ý nghĩa lịch sử và thời đại của ngày lễ Lao động Hoa Kỳ
(Thiện Ý)
 

-Hàng năm vào ngày Thứ Hai của tuần lễ đầu tiên của Tháng 9, nhân dân Hoa Kỳ mừng Lễ Lao Ðộng (Labor Day), khác với lễ Lao động quốc tế ngày 1-5 ở nhiều quốc gia khác. Không biết đây có phải là ý định của các nhà lập pháp Hoa Kỳ khi ấn định Labor Day là ngày quốc lễ vào ngày Thứ Hai đầu tuần, thay vì ngày tháng cố định là để tránh trùng với ngày nghỉ Chủ nhật; dù có được nghỉ bù, cũng khó có được ba ngày nghỉ liên tiếp, hai ngày cuối tuần (long week-end) tiếp nối ngày nghỉ lễ Lao động Thứ Hai đầu tuần kế tiếp?
Ngày Lễ Lao động năm nay rơi vào ngày Thứ Hai, Nhân dịp này chúng tôi muốn qua bài viết này nhắc lại ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại của ngày lễ Lao động tại Hoa Kỳ.

I - Ý nghĩa lịch sử của Labor Day tại Hoa Kỳ

1 - Xuất phát từ thực tế
Vào hậu bán Thế kỷ 18, nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa bước đầu phát triển nhờ vận dụng một số phát minh khoa học kỹ thuật vào các hoạt động kinh tế. Chế độ lao động làm việc nhiều giờ, điều kiện lao động tồi tệ, đồng lương thấp… ngày được cải thiện từng bước theo hướng “lao tư lưỡng lợi” giữa người bỏ vốn (tư bản) và người bán sức lao động. Nhờ đó, đời sống người lao động ngày được cải thiện và nâng cao. Chiều hướng tốt đẹp này có được do các cuộc đấu tranh ôn hòa đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của giới công nhân và sự tương nhượng của giới chủ nhân trên cơ sở đôi bên cùng tồn tại và cùng có lợi (khác với đấu tranh tiêu diệt giai cấp tư bản của phong trao cộng sản quốc tế thời bấy giờ cho đến sau này). Thành quả tốt đẹp này chính là sự đoàn kết của những người lao động biết quy tụ thành những công đoàn để đấu tranh cho các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.

Thật vậy, lịch sử ngày Lao động tại Hoa Kỳ khởi đầu từ sáng kiến của một người tên Peter McGuire, một người gốc Ái Nhĩ Lan di dân đến Hoa Kỳ làm nghề thợ mộc, và trở thành công dân Mỹ. Ông tham gia Hiệp Hội Công Nhân Ngành Thợ Mộc (Brotherhood of Carpenters & Joiners) và được coi như một thủ lãnh đầy uy tín và khả năng. Trong một buổi họp của Nghiệp Đoàn Lao Động Trung Ương Hoa Kỳ (Central Labor Union) tổ chức ngày 18 tháng 5, 1882, ông Peter McGuire đã mạnh dạn đề nghị, rằng “Chúng ta phải có một ngày lễ của những người lao động, và trong ngày đó chúng ta sẽ tổ chức cuộc diễn hành trên đường phố để tạo cơ hội cho công chúng vinh danh nền kỹ nghệ của Mỹ quốc.”
Đáp lại đề nghị vừa nêu của McGuire là sự hưởng ứng của trên mười ngàn công nhân làm việc tại New York. Một cuộc diễn hành từ khu Broadway đến quảng trường Union Square đã diễn ra. Mặc dầu lúc đó có lời đe dọa của các chủ nhân là sẽ bị sa thải nếu công nhân nào tham dự diễn hành. Thế nhưng thực tế cuộc diễn hành đã mang lại kết quả không ngờ. Một ngày nghỉ chính thức cho giới công nhân đã được thành hình. Đó là bước đầu chính quyền phải công nhận quyền lao động của giới công nhân.

2 - Công nhân về pháp lý
Labor Day được chính thức công nhận là ngày quốc lễ để vinh danh người lao động Hoa Kỳ. Tuy nhiên để đến được ngày này, phải mất 12 năm sau cuộc biểu tình của giới công nhân mang tính lịch sử trên, sau khi trải qua những chặng đường cam go với nhiều khó khăn, trở ngại.

Thật vậy, ngày 28 tháng 6, 1894 tức 12 năm sau, do áp lực của cử tri, Tổng Thống Grover Cleveland đã phải ký ban hành một đạo luật công nhận ngày Lao Động Hoa Kỳ vào mỗi thứ Hai đầu tiên của tháng Chín. Mặc dầu bản thân là một nhà tư bản, Ông là người chống đối mạnh mẽ giới lao động. Trước đó, Tổng Thống Cleveland và chủ nhân hãng sản xuất toa xe lửa bị giới công nhân phản đối. Các

công nhân công ty xe lửa Pullman Co tổ chức cuộc đình công vì bị bớt lương. Nhưng Nghiệp Đoàn Công Nhân Đường Sắt (ARU) được lãnh đạo bởi ông Eugene V. Debs đã bày tỏ sự ủng hộ cuộc đình công và cuộc đình công lan sang nhiều ngành nghề khác nhất là ngành Bưu Điện.


Nghiệp đoàn ARU từ chối lệnh tòa án buộc công nhân trở lại làm việc. Tổng Thống Cleveland ra lệnh cho Vệ Binh Quốc Gia đến làm việc thay cho các công nhân Bưu Điện đang đình công, tạo ra cuộc bạo loạn. thủ lãnh của nhóm đình công bị bắt bỏ tù. Nhưng phong trào đòi quyền Lao Động ngày càng phát triển.
Đặc biệt tại thành phố Detroit, nơi sản xuất xe hơi của Mỹ, công nhân ngành mộc tại đây đã bị buộc làm việc quá sức lao động mà chủ nhân trả lương không tương xứng. Do đó, họ đã gia nhập Nghiệp đoàn Công nhân đường sắt (ARU). Vào ngày 3 tháng Tư, 1837 một cuộc đình công của công nhân ngành mộc bùng nổ dữ dội với yêu sách làm việc 10 giờ một ngày và phải trả lương $2 một giờ. Sau đó nhiều ngành nghề khác công nhân cũng tham gia nghiệp đoàn để tranh đấu cho quyền lợi của họ. Thế nhưng Hiệp Hội Chủ Nhân luôn tìm cách đe dọa giới công nhân và chống nghiệp đoàn ARU.

Ngày 16 tháng 8, 1884, ngày Lễ Lao Động đầu tiên của công nhân tại thành phố Detroit diễn ra tại công viên Recreation Park; với sự tham dự của 50,000 công nhân thuộc các nghiệp đoàn Knights of Labor và Liên Hiệp Nghiệp Đoàn Thương Mại và Lao Động. Tất cả rầm rộ xuống đường tuần hành dọc đại lộ Woodward trương biểu ngữ, hô vang các khẩu hiệu và kêu gọi công nhân đứng lên đòi quyền làm việc và phải được đối xử công bằng, tử tế.
Từ năm 1900, phong trào Nghiệp Đoàn trở nên ngày càng vững mạnh và có tổ chức quy mô, khoa học. Kỹ nghệ xe hơi tại Detroit đã thu hút hàng trăm ngàn người từ các tiểu bang khác đến làm việc. Nhờ đó, nên năm 1905 Detroit đã xuất xưởng 29,000 chiếc xe hơi và dân số Detroit tăng gấp ba (1.8 triệu người). Do quá nhiều công nhân nên thường xuyên xảy ra những cuộc tranh chấp về lương bổng và các phúc lợi xã hội.
Tổng Thống Harry S.Truman là vị Tổng Thống đầu tiên khi tham dự buổi lễ Lao Động đã đọc bài diễn văn quan trọng đưa ra chính sách trả thêm tiền khi làm việc phụ trội, nghỉ phép hàng năm, nghỉ bệnh có lương và chế độ bảo hiểm cho công nhân. Đây chính là thành quả khởi đầu của ông Peter J. McGuire, và cũng là sự trưởng thành của giới công nhân, từ lao động chân tay đến phong trào nghiệp đoàn.

3 - Vì sao tiếp tục chọn ngày Thứ hai đầu tiên của Tháng 9 là ngày lễ lao động?

Theo lịch sử hình thành ngày Lễ Lao Động Hoa Kỳ, vào thập niên thứ nhì của thế kỷ 20, nhiều cuộc họp và tranh luận xem nên chọn ngày 1 tháng 5 như ngay lao động quốc tế hay vẫn giữ ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 9 làm ngày Lễ Lao Động Hoa Kỳ. Kết quả, đa số đều chọn ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 9 là ngày Labor Day. Vì ngày 1 tháng Năm đã bị khối quốc gia Cộng Sản lợi dụng để tạo nhiều cuộc gây rối và tuyên truyền cho chủ thuyết Cộng Sản.

II - Ý nghĩa thời đại của Labor Day

Như vậy là Hoa Kỳ đã chọn ngày Lễ Lao Ðộng riêng của mình. Vì là ngày vinh danh dành riêng cho người lao động Hoa Kỳ, khác với ngày Lễ Lao Ðộng Quốc tế hàng năm vào ngày 1 tháng 5, với ý nghĩa như là vinh danh người lao động trên toàn thế giới, song đã bị các nước cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh lợi dụng kích động “đấu tranh giai cấp” gây bất ổn chính trị và xã hội.

Vậy theo ý nghĩa thời đại, ai là những người lao động và vì sao người lao động được vinh danh?
Trước hết người lao động là những người phải tiêu hao trí não hay sức lực của mình để làm ra tài hóa, sản phẩm vật chất hay tinh thần cung ứng cho nhu cầu của con người và xã hội. Về mặt kinh tế người ta thường phân biệt ra hai loại: Lao động trí óc và lao động chân tay. Biểu hiện của hai loại lao động này là cách phục sức như chúng ta thường thấy: công nhân làm việc trong các hãng xưởng thường là mặc áo xanh, người làm việc trong văn phòng thường là mặc áo trắng thắt Cravaste cổ cứng. Nhưng dù là lao động trí óc hay lao động chân tay, tựu chung là lực lượng lao động đã làm ra của cải vật chất cũng như tinh thần cho toàn xã hội. Và vì vậy, người lao động chân chính ở đâu trên thế giới cũng cần và xứng đáng được vinh danh.
Thế nhưng vinh danh không phải trong tinh thần đấu tranh giai cấp giữa người lao động và chủ tư bản bỏ vốn đầu tư sản xuất, như chủ trương của Karl Marx và thực hành chủ nghĩa cộng sản của Lenine và những người cộng sản sau này. Bởi vì sự vinh danh này chỉ là chiêu bài lừa mị để kích động lòng căm thù giai cấp làm động lực tiến hành bạo lực cách mạng đẫm máu cướp chính quyền, thiết lập một chế độ mệnh danh là “Chuyên chính vô sản”, hay là nền độc tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng thế.

Chiêu bài lừa mị, vì thực tế sau khi cướp được chính quyền nhân danh quyền của người lao động, người lao động chỉ được cho ăn bánh vẽ, làm việc cật lực, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Tất cả thi đua lao động để được phong cấp bằng đủ thứ mỹ từ như “Anh hùng lao động”, “lao động tiên tiến”, “Lao động xuất sắc”. Thế nhưng thành quả lao động thì thuộc về giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản có chức, có quyền. Đây là một giai cấp mới hợp thành một tập đoàn thống trị, độc quyền áp bức, bóc lột người lao động đến tận xương tủy. Ðây là một thực tế mà người Việt Nam hơn ai hết đã được chứng kiến hay cũng từng là nạn nhân của đảng cộng sản Việt Nam trước và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.


Như vậy thì ngày Lễ Lao Ðộng Hoa Kỳ là để vinh danh người lao động Hoa Kỳ phải mang một ý nghĩa khác với người cộng sản và các chế độ độc tài cộng sản. Ðó là sự vinh danh thực sự được thể hiện bằng những quyền lợi thực sự của người lao động Hoa Kỳ, trong một chế độ dân chủ thực sự. Ðó là những quyền pháp định: quyền được làm việc, trong điều kiện an toàn tối đa về lao động và thời gian làm việc cực nhọc tối thiểu. Ðó là quyền được hưởng dụng thành quả lao động tương xứng với khả năng, sức lực bỏ ra để làm của cải vật chất cũng như tinh thần cho con người và xã hội.
Sau cùng, ý nghĩa cao nhất của ngày Lễ Lao Ðộng Hoa Kỳ là giá trị nhân bản được thể hiện rõ nét trong mối tương quan giữa người lao động bỏ sức và nhà tư bản bỏ vốn. Ðó là mối tương quan hài hoà chứ không là mâu thuẫn đối kháng như những luận điểm và chủ trương đấu tranh giai cấp sắt máu của những người cộng sản. Một mối tương quan thiết lập trên tinh thần “Lao tư lưỡng lợi”, người có của, người có công, hợp tác sản xuất, kinh doanh làm giầu của cải vật chất cũng như tinh thần cho con người và xã hội. Thành quả lao động này người lao động cũng như nhà tư bản đều chung hưởng trên căn bản một hợp đồng lao động thoả đáng, dưới sự bảo vệ của luật pháp cho quyền lợi và nghĩa vụ của cả đôi bên.


Tin Quốc Tế Đó Đây!

WHO: Sẽ Có Các Đợt Dừng Giao Tranh ở Gaza Để Trẻ Em Được Chích Ngừa Bại Liệt


(Hình AP: Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hiệp Quốc thông báo ngày 29/8/2024 là chiến dịch chích ngừa bại liệt cho trẻ em Palestine sẽ bắt đầu từ ngày 1/9/2024 tại miền Trung Gaza.)
-Ngày 29/8/2024, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Liên Hiệp Quốc thông báo sẽ có những đợt tạm ngừng giao tranh ở Gaza, để hàng trăm ngàn trẻ em được chích vắc-xin bại liệt, sau khi có một ca bại liệt đầu tiên được xác nhận ở Gaza sau 25 năm qua.
Được mô tả là "những đợt tạm dừng vì mục đích nhân đạo" kéo dài 3 ngày ở các khu vực khác nhau của vùng lãnh thổ Gaza bị chiến tranh tàn phá, chiến dịch chích ngừa sẽ bắt đầu từ ngày 1/9 tại miền Trung Gaza, ông Rik Peeperkorn, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Gaza cho biết.
Sau đó sẽ là một đợt tạm dừng ba ngày nữa ở miền Nam Gaza và một đợt nữa ở miền Bắc Gaza. Ông cho rằng có thể cần thêm nhiều ngày nữa để hoàn thành việc chích vắc-xin.
Ông Peeperkorn cho hay mục tiêu là chích vắc-xin cho 640.000 trẻ em dưới 10 tuổi và chiến dịch này đã được phối hợp với chính quyền Do Thái.
"Tôi sẽ không nói rằng đây là cách lý tưởng để tiến về phía trước. Nhưng đây là cách khả thi để tiến về phía trước", ông Peeperkorn nói về các đợt tạm dừng vì nhân đạo. Sau đó, ông nói thêm, "Điều đó sẽ xảy ra và nên xảy ra vì chúng ta đã có một thỏa thuận".

Các đợt tạm dừng vì nhân đạo này không phải là lệnh ngừng bắn giữa Do Thái và Hamas mà các bên trung gian đàm phán là Hoa Kỳ, Ai Cập và Qatar lâu nay mưu tìm, bao gồm cả các cuộc đàm phán đang diễn ra trong tuần này.
Một viên chức Do Thái cho biết dự kiến sẽ có một số loại lệnh tạm dừng chiến thuật để cho phép chích ngừa diễn ra. Quân đội Do Thái trước đây đã tuyên bố tạm dừng giao tranh có giới hạn ở một số khu vực nhất định để cho phép các hoạt động nhân đạo quốc tế.


Nhiều Nước NATO Muốn Dỡ Bỏ Các Hạn Chế Đối Với Ukraine Trong Việc Sử Dụng Vũ Khí Phương Tây


(Ảnh REUTERS - Johanna Geron, tư liệu: Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở của Liên Minh ở Brussels, thủ đô của Bỉ, ngày 14/06/2024.)
-Hôm 28/8/2024, nhiều nước thành viên Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đã kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Kyiv, đặc biệt là phi đạn tầm xa, để giúp Ukraine tự vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công đẫm máu của quân đội Nga.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần yêu cầu phương Tây dỡ bỏ các hạn chế nói trên để quân Ukraine có thể sử dụng vũ khí do các đồng minh viện trợ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, nhắm vào những cơ sở mà Mạc Tư Khoa sử dụng để oanh kích ồ ạt vào Ukraine từ đầu tuần này.
Hiện đang dự một cuộc họp không chính thức với các Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu ở Brussels hôm nay, Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba đã yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu gây áp lực với Hoa Kỳ để Kyiv được quyền sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Trong cuộc họp của hội đồng NATO – Ukraine tại Brussels, Bỉ, lãnh đạo của Liên Minh, Jens Stoltenberg, được AFP trích dẫn, cho biết các thành viên NATO đã tái khẳng định cam kết "tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine".
Ông Stoltenberg tuyên bố: "Chúng ta phải tiếp tục cung cấp cho Kyiv các thiết bị quân sự và đạn dược cần thiết để tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga. Điều này rất quan trọng đối với việc duy trì khả năng chiến đấu của Ukraine".
Khối NATO cũng lên án các cuộc tấn công "bừa bãi" của quân đội Nga trên khắp Ukraine sau khi Mạc Tư Khoa phóng hàng loạt drone và phi đạn sang nước láng giềng trong 2 ngày 26 và 27/8, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và phá hủy mạng lưới năng lượng vốn đã bị suy yếu của Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi lực lượng không quân Âu Châu hỗ trợ Ukraine đánh chặn drone và phi đạn của Nga trong tương lai.
Về phần mình, Ðiện Cẩm Linh đã thẳng thừng bác bỏ "kế hoạch hòa bình" mà nguyên thủ Ukraine đề xuất hôm 27/8 với Hoa Kỳ nhằm "buộc Nga phải chấm dứt chiến tranh". Chính quyền Mạc Tư Khoa khẳng định sẽ tiếp tục "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine cho đến khi đạt được mục tiêu.


Ukraine Thúc Giục Mông Cổ Bắt Giữ Putin Theo Lệnh Quốc Tế


(Hình AP: Tổng thống Nga Vladimir Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông Putin vào tháng 3/2023.)
-Hôm thứ Sáu (30/8/2024), Ukraine thúc giục Mông Cổ bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế khi ông Putin đến thăm vào ngày 3/9. Tuy nhiên, Ðiện Cẩm Linh nói họ không lo lắng về chuyến đi.
Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ ông Putin vào tháng 3 năm 2023, cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh khi trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine. Ðiện Cẩm Linh đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng nó có động cơ chính trị.

Lệnh này buộc 124 quốc gia thành viên của tòa án, bao gồm cả Mông Cổ, phải bắt giữ ông Putin và chuyển ông đến The Hague để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
"Chúng tôi kêu gọi chính quyền Mông Cổ tuân thủ lệnh bắt giữ quốc tế bắt buộc và chuyển Putin đến Tòa án Hình sự Quốc tế tại The Hague", Bộ Ngoại giao Ukraine nói trên Telegram.
Khi được hỏi trước đó vào thứ Sáu rằng liệu Mạc Tư Khoa có lo ngại khi Mông Cổ là thành viên của ICC hay không, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov trả lời các phóng viên: "Không, đừng lo lắng về điều này. Chúng tôi có cuộc đối thoại tuyệt vời với những người bạn Mông Cổ của mình".
Khi được hỏi liệu đã có sự thảo luận nào với chính quyền Mông Cổ về lệnh của ICC hay chưa, ông Peskov cho biết: "Dĩ nhiên là chuyến thăm, mọi khía cạnh của chuyến thăm đều đã được thảo luận kỹ lưỡng".


Tổng Thống Pháp Công Du Serbia Để Hoàn Tất Thương Vụ Bán Chiến Đấu Cơ Rafale



(Hình AP - Sarah Meyssonnier: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và đồng nhiệm Serbia, Aleksandar Vucic, tại điện Elysée, Paris, thủ đô của Pháp, ngày 8/4/2024.)
-Hôm 29/8/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Belgrade để thăm Serbia 2 ngày. Theo dự kiến, Pháp sẽ hoàn tất thương vụ bán 12 chiến đấu cơ Rafale cho quốc gia vùng Balkan này, vốn vẫn duy trì quan hệ hữu hảo với Nga.
Trả lời hãng tin Pháp AFP hôm 28/8, Tổng thống Serbia, ông Aleksandar Vucic tỏ ra lạc quan về việc ký kết "hợp đồng khổng lồ" này và phấn khởi tự hào rằng "Serbia có thể gia nhập Câu lạc bộ Rafale". Tổng thống Serbia nhấn mạnh gần như toàn bộ "máy bay đánh chặn" và tất cả "chiến đấu cơ" của Serbia đều do Nga sản xuất. Ông nói: "Chúng ta phải cải tiến, thay đổi thói quen để tăng cường sức mạnh cho quân đội".

Trước đây, Tổng thống Vucic từng cho biết sẵn sàng chi trả 3 tỉ Euro cho thương vụ này. Trả lời báo chí Serbia vào tối 28/8, ông Vucic nói rằng mặc dù tài chính không phải là vấn đề, nhưng Belgrade vẫn cần nhận được một số "bảo đảm" từ Paris. Về phần mình, điện Elysée khẳng định với báo giới rằng họ "hy vọng" các cuộc đàm phán với tập đoàn Dassault sẽ có kết quả nhân chuyến đi Serbia của Tổng thống Macron.
AFP nhắc lại rằng Belgrade đang ở trong tình thế khá tế nhị, do Serbia là ứng viên gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU), nhưng vẫn duy trì quan hệ mật thiết với Nga sau khi nước này xua quân xâm lược Ukraine. Belgrade vẫn chưa ban hành lệnh trừng phạt Mạc Tư Khoa kể từ khi nổ ra chiến tranh vào năm 2022. Về phía Pháp, Paris nhận định thương vụ này sẽ "liên kết Serbia với Liên Hiệp Âu Châu".


Anh-Đức Nhất Trí Giúp Luân Đôn Xích Lại Gần Liên Hiệp Âu Châu


(Hình REUTERS - Justin Tallis: Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) họp báo cùng với đồng cấp Anh Keir Starmer tại thủ đô Bá Linh của Đức, ngày 28/8/2024.)
-Hôm 28/8/2024, lãnh đạo của Anh Quốc và Đức đã nhất trí về một Hiệp ước "đầy tham vọng" nhằm khởi động lại mối quan hệ giữa Luân Đôn và Brussels sau khi Anh Quốc rời Liên Hiệp Âu Châu (EU) vào năm 2020.
Với chuyến thăm 2 ngày tới Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất EU, Thủ tướng Anh Keir Starmer tìm cách khắc phục mối quan hệ đầy sóng gió mà chính phủ bảo thủ để lại. Từ thủ đô Bá Linh của Đức, thông tín viên Pascal Thibaut của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:

"Chúng ta mở ra một chương mới trong quan hệ song phương", Thủ tướng Anh Keir Starmer tỏ ra hết sức lạc quan với đồng cấp Đức Olaf Scholz. Hai Thủ tướng thuộc phe dân chủ xã hội muốn khởi động lại quan hệ song phương sau Brexit. Một Hiệp ước hợp tác "tham vọng" giữa hai nước sẽ được ký kết từ giờ đến cuối năm nay. Được Keir Starmer đánh giá là "cơ hội của cả một thế hệ", Hiệp ước này sẽ tăng cường mối quan hệ giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực như thương mại, quốc phòng, kỹ thuật hoặc chống nhập cư bất hợp pháp. Ngoài Đức nói riêng, tân Thủ tướng Anh cũng muốn Luân Đôn xích lại gần Liên Hiệp Âu Châu (EU) nói chung.

Thủ tướng Starmer phát biểu: "Chúng tôi muốn có một sự khởi đầu mới trong mối quan hệ với Liên Hiệp Âu Châu. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến Brexit và cũng không có nghĩa là chúng tôi tái gia nhập thị trường chung Âu Châu hay liên minh thuế quan, nhưng chúng tôi muốn thiết lập mối liên kết chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực với các nước láng giềng".
Olaf Scholz hoan nghênh sáng kiến này và tuyên bố sẵn sàng thắt chặt hợp tác với Luân Đôn. Thủ tướng Đức nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn củng cố trụ cột Âu Châu của NATO". Quốc phòng là trọng tâm của hợp tác song phương Anh-Đức. Lĩnh vực này sẽ giúp Bá Linh kết nối lại với một đồng minh truyền thống, từ lâu đã đóng vai trò đối trọng với mối quan hệ Pháp-Đức.


Telegram: Pavel Durov Bị Truy Tố và Bị Cấm Rời Khỏi Nước Pháp


(REUTERS - Albert Gea: Sáng lập viên kiêm Chủ tịch Tổng Giám đốc mạng xã hội Telegram, Pavel Durov. Ảnh tư liệu ngày 23/02/2016.)
-Sau khi lệnh tạm giữ Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram, với 12 cáo buộc hình sự liên quan đến tội phạm có tổ chức, hết hiệu lực ngày hôm 28/8/2024, Tư pháp của Pháp ra quyết định truy tố chủ nhân mạng Telegram, tỉ phú mang quốc tịch Pháp - Nga và cấm ông rời khỏi Pháp.
Tối 28/8, Công tố viên Paris Laure Beccuau thông báo Pavel Durov bị khởi tố và đặt dưới sự giám sát của Tư pháp về nhiều tội danh, trong đó có tội danh liên quan đến hành vi phạm tội có tổ chức. Để được tại ngoại trong quá trình điều tra, Pavel Durov phải nộp tiền bảo lãnh 5 triệu euro và bị cấm rời khỏi lãnh thổ Pháp.
Pavel Durov đặc biệt bị Pháp điều tra về tội "đồng lõa trong việc quản lý một nền tảng trực tuyến cho phép giao dịch bất hợp pháp theo băng nhóm có tổ chức", "che giấu hành vi phạm tội và tội ác của băng đảng có tổ chức" và "cung cấp dịch vụ mật mã nhằm bảo mật mà không khai báo phù hợp". Chủ nhân mạng Telegram cũng bị tố cáo là đã từ chối khi nhà chức trách yêu cầu để họ truy cập vào một số trao đổi liên lạc được mã hóa từ ứng dụng nhắn tin.

Theo Reuters, Công tố viên Laure Beccuau tuyên bố việc bắt giữ ông Pavel Durov, 39 tuổi, nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra Tư pháp đã được khởi động hôm 8/7/2024, sau một cuộc điều tra của văn phòng chuyên trách chống tội phạm mạng, thuộc Viện Công tố Paris.
Xin nhắc lại, Pavel Durov đã bị cảnh sát Pháp bắt giữ tối 23/8 tại một phi trường gần Paris. Tổng thống Pháp Marcon từng khẳng định trên mạng X rằng vụ bắt giữ Pavel Durov không phải là một "quyết định mang tính chính trị" mà chỉ là quyết định của Tư pháp. Một nguồn tin am hiểu hồ sơ hôm qua cho hãng tin Anh Reuters biết là trong vụ này, "không có thông tin, sự can thiệp hay sức ép, dưới bất kể hình thức nào, đối với phủ Tổng thống Pháp hay từ phía phủ Tổng thống Pháp".
Là người Nga, Pavel Durov được nhập quốc tịch Pháp hồi năm 2021, theo quy chế cấp quốc tịch cho "người ngoại quốc xuất sắc", tức là được xem có đóng góp cho việc quảng bá nước Pháp ra thế giới.


Ðiện Cẩm Linh: Không Nên Biến Vụ Ông Chủ Telegram Durov Thành Cuộc Đàn Áp Chính Trị


(Hình AP: Người sáng lập và CEO của Telegram - Pavel Durov.)
-Hôm thứ Năm (29/8/2024), Ðiện Cẩm Linh nói rằng sự việc của người sáng lập Telegram Pavel Durov không nên trở thành "cuộc đàn áp chính trị" sau khi một Thẩm phán người Pháp đưa doanh nhân kỹ thuật người Nga này vào diện điều tra chính thức.
Vị Thẩm phán cho biết ông Durov bị tình nghi đồng lõa trong việc điều hành một nền tảng trực tuyến cho phép giao dịch bất hợp pháp, hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em và buôn bán ma túy. Ông cũng đang bị điều tra về cáo buộc rửa tiền và từ chối hợp tác với các cơ quan Tư pháp.

Một Luật sư của ông Durov nói thật "hoàn toàn vô lý" khi cho rằng người đứng đầu một mạng xã hội phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành vi phạm tội nào được thực hiện trên nền tảng này.
"Tôi không nghĩ chúng tôi nên tiếp tục đưa ra bất kỳ đánh giá nào vào lúc này", phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên. "Chúng tôi đã nói rằng ông ấy là công dân Pháp, ông ấy có mọi thứ cần thiết để mời biện hộ hợp pháp của mình.
"Điều quan trọng nhất là những gì đang diễn ra ở Pháp không nên biến thành cuộc đàn áp chính trị. Chúng tôi biết rằng Tổng thống Pháp đã phủ nhận mọi mối liên hệ (của vụ án) với chính trị, nhưng mặt khác, một số cáo buộc nhất định đang được đưa ra. Chúng ta hãy cùng xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói rằng không có động cơ chính trị nào trong vụ bắt giữ ông Durov.
Ông Peskov cũng xác nhận rằng ông Durov vẫn giữ quốc tịch Nga và cho biết Mạc Tư Khoa sẽ sẵn sàng hỗ trợ ông ta, nếu cần thiết, như bất kỳ công dân Nga nào.


Ðiện Cẩm Linh Nói Không Có Thỏa Thuận Nào Với Ông Chủ Telegram


(Hình REUTERS: Phát ngôn viên của Ðiện Cẩm Linh - Dmitry Peskov.)
-Hôm thứ Sáu (30/8/2024), phát ngôn viên của Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Nga chưa bao giờ có bất kỳ thỏa thuận nào với ông chủ Telegram, Pavel Durov, đồng thời nói thêm rằng ông không biết về bất kỳ cuộc gặp nào giữa doanh nhân kỹ thuật này với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Một thẩm phán người Pháp đã chính thức điều tra ông Durov, người gốc Nga, vào thứ Tư vì nghi ngờ đồng lõa trong việc điều hành một nền tảng trực tuyến cho phép các giao dịch bất hợp pháp, hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán ma túy và gian lận.

Luật sư của ông Durov nói hôm 29/8 rằng thật "vô lý" khi cho rằng ông Durov phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ tội nào được thực hiện trên ứng dụng này.
"Không có cuộc đàm phán nào giữa Durov và Ðiện Cẩm Linh", ông Peskov nói với các phóng viên. "Và thực tế là ông ấy đã đến thăm Nga, ông ấy là công dân Nga, ông ấy có quyền đi lại tự do, vì vậy ông ấy đã đến thăm Nga một cách tự nhiên".
"Không có thỏa thuận nào giữa Ðiện Cẩm Linh và Durov", ông Peskov trả lời khi được hỏi thêm.
Ông Peskov nói theo như ông biết, ông Putin và Durov chưa từng gặp nhau.

Nga, sau nhiều năm gây sức ép lên Durov và các dự án kỹ thuật của ông, nay quay lại hậu thuẫn ông, với việc ông Peskov tuần này nói rằng vụ kiện chống lại ông không nên trở thành cuộc đàn áp chính trị.
Mạc Tư Khoa đã cố gắng nhưng không thành công trong việc chặn Telegram, ứng dụng có gần 1 tỉ người dùng, vào năm 2018 và đã yêu cầu nền tảng này giao nộp dữ liệu trong quá khứ, điều mà ông Durov cho biết ông đã từ chối thực hiện.
Theo Mạc Tư Khoa, sự việc đã đẩy mối quan hệ Pháp-Nga xuống mức thấp mới, nơi một số nhân vật ủng hộ Ðiện Cẩm Linh cáo buộc Hoa Thịnh Ðốn đứng sau vụ bắt giữ Durov, điều mà Paris đã phủ nhận.


Pháp: Nhiều Tiếng Nói Trong Đảng Xã Hội Kêu Gọi Hợp Tác Với Tổng Thống Macron


(Hình AFP/Raymond Roig: Chủ tịch vùng Occitanie, bà Carole Delga (giữa). Ảnh tư liệu tháng 6/2020.)
-Trong nội bộ đảng Xã Hội cánh tả, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi ban lãnh đạo đảng từ bỏ lập trường cự tuyệt đối thoại với Tổng thống Emmanuel Macron. Sau cuộc tham vấn với Tổng thống tại điện Elysée sáng 29/8/2024, Chủ tịch vùng Occitanie, Carole Delga, thuộc đảng Xã Hội, đã hoan nghênh "thái độ lắng nghe tôn trọng và xây dựng" của Tổng thống Macron.
Hôm 28/8, trả lời báo Le Parisien, Chủ tịch vùng Occitanie, Carole Delga, đã kêu gọi đảng này cần công nhận việc Tổng thống có quyền từ chối ứng viên Thủ tướng Lucie Castets, do liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới (gồm 4 đảng cánh tả và cực tả, trong đó có đảng Xã Hội) đề xuất, nhưng Tổng thống có nghĩa vụ bổ nhiệm một Thủ tướng cánh tả.

Thị trưởng Vaulx-en-Velin, Hélène Geoffroy, thành viên đảng Xã Hội, thì kêu gọi nối lại đối thoại với Tổng thống, "để tìm ra được một giải pháp cho việc bổ nhiệm Thủ tướng là người của đảng Xã hội hoặc thuộc cánh xã hội-dân chủ".
Theo France Info, lãnh đạo đảng Xã Hội Olivier Faure cho biết "sẵn sàng đối thoại với tất cả các đảng phái Cộng Hòa" nhưng trên nền tảng của dự án cầm quyền của liên minh đảng phái về đầu".
Áp lực gia tăng lên Tổng thống Emmanuel Macron từ cánh hữu. Hôm 28/8, lãnh đạo cánh hữu Laurent Wauquiez, sau cuộc tham vấn với Tổng thống tại điện Elysée, đã kêu gọi "không trì hoãn" trong việc bổ nhiệm tân Thủ tướng.

Theo AFP, ông Wauquiez bày tỏ sự "thất vọng" về cuộc gặp, đồng thời chỉ trích Tổng thống đã "không đưa ra bất cứ đề xuất mới nào..., cũng như không vạch ra được đường hướng tương lai cho một cương lĩnh điều hành đất nước trong những tháng tới". Chính trị gia cánh hữu Annie Genevard, có mặt trong đoàn tham vấn hôm qua tại điện Elysée nhấn mạnh cánh hữu "sẵn sàng hợp tác với tân chính phủ", nhưng sẽ không tham gia chính phủ.
Theo một thăm dò dư luận của Elabe cho BFMTV, được công bố hôm 28/8, 55% dân Pháp coi việc nước Pháp không có chính phủ "đầy đủ" là một vấn đề, tăng 5% so với cách nay một tháng. Trong lúc 56% người Pháp không ủng hộ việc bổ nhiệm bà Lucie Castets, do liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới đề xuất, làm Thủ tướng, 63% coi Tổng thống phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng chính trị hiện nay. 49% ủng hộ việc khởi động thủ tục phế truất Tổng thống, theo đòi hỏi của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI).


Khai Mạc Thế Vận Hội Người Khuyết Tật Paris 2024


(Hình REUTERS - Carlos Garcia Rawlins: Lễ khai mạc Paralympic Paris 2024 đêm 28/8/2024.)
-Mười bảy ngày sau khi Thế Vận hội mùa Hè kết thúc, tối qua, 28/8/2024, Paris một lần nữa trở thành một ngày hội thể thao của toàn thế giới. 4.400 vận động viên thuộc 168 đoàn thể thao tập hợp tại trung tâm thủ đô nước Pháp, để tham dự lễ khai mạc Paralympic - Thế Vận hội Dành cho Người khuyết tật.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Paralympic, lễ khai mạc diễn ra bên ngoài sân vận động. Nếu như lễ khai mạc Olympic lấy phông nền là dòng sông Seine, Paralympic được khai mạc trên đại lộ Champs-Elysées. Các đoàn vận động viên lần lượt diễu hành trên đại lộ từ Khải Hoàn Môn đến quảng trường lịch sử Concorde, trở thành khán đài và sân khấu cho gần như toàn bộ các tiết mục trong đêm khai mạc hôm qua.

Thế Vận hội của Người khuyết tật mở ra với ca khúc "Ability" của Lucky Love. Ca sĩ Pháp, một người bẩm sinh không có tay trái, trình diễn với một dàn những vũ công tất cả đều trên xe lăn.
"Khi thể thao bắt đầu, sẽ không còn những người đàn ông và những người đàn bà khuyết tật, mà công chúng sẽ chỉ thấy các bạn, những nhà thể thao, những nhà vô địch" - Chủ tịch Ban tổ chức Paralympic Paris Tony Estanguet gọi những nhà thể thao khuyết tật là "những nhà cách mạng", mà vũ khí của họ là "lòng dũng cảm và quyết tâm".

Màn trình diễn gây ấn tượng mạnh, của hơn 150 vũ công trong đó có 16 người với thể hình khuyết tật trong chương trình mang tên Paradoxe (tạm dịch là nghịch lý), nói về "những mâu thuẫn giữa khát vọng của một xã hội mở rộng vòng tay với những người khuyết tật, không phân biệt ai, và thực tế định kiến còn tràn ngập".
Một đỉnh điểm của chương trình đêm qua là ca khúc kinh điển của Edith Piaf, "Non, je ne regrette rien" (Không, tôi không tiếc nuối), do ca sĩ mang biệt danh "Christine and The Queens" trình bày theo phong cách electro pop, với dàn nhạc Ensemble Matheus.

Lễ khai mạc Paralympic khép lại với mục nhóm vạc lửa Thế Vận hội. Hành trình truyền đuốc diễn ra trang trọng xuyên qua vườn Tuileries. Vạc lửa của Thế Vận hội tại vườn Tuileries một lần nữa lại được nhóm lên và mỗi đêm sẽ lại bay trên bầu trời cho đến khi bế mạc Paralympic.


Nhà Lập Pháp Mỹ: Vụ Xâm Phạm Không Phận của Trung Quốc Là 'Lời Cảnh Tỉnh' Với Nhật Bản


(AP: Dân biểu Cộng hòa John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban phụ trách về Trung Quốc của Hạ viện Hoa Kỳ.)
-Việc một máy bay do thám Trung Quốc xâm nhập không phận Nhật Bản là một "lời cảnh tỉnh" đối với Tokyo về bản chất hung hăng của giới lãnh đạo Trung Quốc, nhà lập pháp Hoa Kỳ John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban của Hạ viện phụ trách về Trung Quốc nói hôm thứ Tư (29/8/2024).
Theo Tokyo, sự việc xảy ra hôm thứ Hai liên quan đến một máy bay trinh sát Y-9 bay gần đảo Kyushu phía Nam là lần đầu tiên một máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản, và Tokyo đã nói với Bắc Kinh rằng hành động này "tuyệt đối không chấp nhận được".
Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba nói rằng họ vẫn đang cố gắng tìm hiểu sự việc.

Chúng ta đã "nhìn thấy một Trung Quốc rất khác trong vài năm qua và câu hỏi đặt ra là cách tốt nhất để ngăn chặn hành vi xâm lược và hoạt động ác ý trong tương lai là gì", ông Moolenaar, một thành viên đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ, nói trong một cuộc phỏng vấn tại Tokyo vào thứ Tư.
Chuyến thăm Nhật Bản của ông, cùng với một nhóm thành viên của một ủy ban lưỡng đảng phụ trách xem xét các vấn đề từ việc Trung Quốc xuất cảng hóa chất tiền chất fentanyl cho đến ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách mở rộng các hạn chế đối với xuất cảng thiết bị sản xuất chất bán dẫn.
Mặc dù Nhật Bản đã làm việc với đồng minh Hoa Kỳ trong việc hạn chế các lô hàng kỹ thuật như vậy, nhưng không giống như Hoa Thịnh Ðốn, Nhật lại tránh các lệnh hạn chế thương mại nhắm trực tiếp vào nước láng giềng và đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Một quy định mới mở rộng quyền hạn của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc xuất cảng thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc từ một số nhà sản xuất chip ngoại quốc cũng sẽ loại trừ Nhật Bản, Hòa Lan và Nam Hàn, hai nguồn tin cho Reuters biết vào tháng trước.
Tại Nhật Bản, ông Moolenaar đã gặp Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ken Saito, người giám sát hoạt động xuất cảng kỹ thuật của Nhật Bản và đang họp với Thủ tướng Fumio Kishida cùng các viên chức cấp cao khác của Nhật Bản.
"Câu hỏi đặt ra là cách tốt nhất để ngăn chặn hành động xâm lược và hoạt động ác ý trong tương lai (của Trung Quốc). Chúng tôi không muốn tiếp tay cho một tổ hợp quân sự có thể được sử dụng để chống lại chúng tôi", ông nói.


Mỹ, Trung Chuẩn Bị Cho Cuộc Điện Đàm Biden - Tập Cận Bình "Trong Những Tuần Tới"


(AP - Trevor Hunnicutt: Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan (trái) dẫn đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh. Ảnh ngày 29/8/2024.)
-Sau hai ngày làm việc (27 và 28/8/2024) tại Bắc Kinh giữa Cố vấn An ninh của Tổng thống Mỹ, Jake Sullivan, và lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), chính quyền hai nước Mỹ và Trung Quốc đã cam kết duy trì các đối thoại cấp cao về hàng loạt lĩnh vực, đặc biệt về quân sự. Hai bên thông báo chuẩn bị một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước "trong những tuần tới".
Thông báo của Tòa Bạch Ốc hôm qua, 28/8, cho biết "hai bên đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng về nhiều vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu", cụ thể là về "các tiến độ và những bước tiếp theo trong việc thực thi các cam kết" đã được Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại thượng đỉnh Woodside, California, tháng 11/2023.

Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh "cam kết duy trì các kênh liên lạc mở, bao gồm cả việc chuẩn bị cho một cuộc điện đàm cấp lãnh đạo trong những tuần tới", và đặc biệt là "các liên lạc thường xuyên, liên tục giữa hai bên trong lĩnh vực quân sự, và có kế hoạch tổ chức một cuộc điện đàm giữa các chỉ huy tác chiến trong tương lai gần".
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, khi tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ hôm nay, 29/8, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định lập trường "không thay đổi" của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy "quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững" với Hoa Thịnh Ðốn.
Theo truyền thông Hoa Kỳ, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ đã gặp tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hôm nay, 29/8. Đây là lần đầu tiên phía Mỹ tiếp xúc với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc kể từ năm 2018. Trung Quốc đã đình chỉ liên lạc giữa quân đội hai nước kể từ chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy tháng 8/2022 đến Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một vùng lãnh thổ ly khai. Đối thoại về quân sự giữa hai nước chỉ được nối lại gần đây sau thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình.

Hãng tin Mỹ AP hôm nay dẫn lời ông Danny Russel, cựu Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết cuộc điện đàm ở "cấp chỉ huy tác chiến" có thể diễn ra giữa Đô đốc Samuel Paparo, đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Hawaii và người đồng cấp Trung Quốc. Theo cựu Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ, "cuộc đối thoại cấp chỉ huy chiến trường rất quan trọng để ngăn ngừa khủng hoảng, tuy nhiên trong hiện tại giới quân sự Trung Quốc vẫn phản đối việc này".
Căng thẳng Biển Đông là một trọng tâm trong đối thoại giữa giới chức cấp cao Mỹ - Trung. Trong thông báo của Tòa Bạch Ốc, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan "đã bày tỏ ngại về các hành động gây bất ổn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với các hoạt động hàng hải hợp pháp của Phi Luật Tân ở Biển Đông".
Theo AP, đầu tuần này, Đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, cho biết quân đội Hoa Kỳ để ngỏ khả năng "tham vấn" về việc hộ tống tàu thuyền Phi Luật Tân ở Biển Đông, nơi tàu Trung Quốc cố gắng ngăn chặn Phi Luật Tân tiếp cận các đảo nhỏ và bãi cạn mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Ngày 27/8, chính quyền Manila đã lên án Trung Quốc là "nhân tố gây bất ổn nhất" cho hòa bình khu vực. Tuyên bố được đưa ra sau một loạt vụ va chạm giữa tàu thuyền của Phi Luật Tân với tàu Trung Quốc tại một số khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Không có nhận xét nào: