Tôi lên Kontum sau chiến cuộc “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, phố xá vẫn còn dấu vết đổ nát, hoang tàn chưa dọn dẹp, nhà cửa ở khu phố chính, một vài căn vẫn còn trống hoác, trơ những mảng tường cháy đen còn ám khói. Ngoài ven thị xã, đây đó trong sân nhà mấy hố bom cày còn đọng nước chưa ai lấp. Dọc theo đường Nguyễn Huệ đi vòng lên phía Phương Nghĩa, mọi người vẫn còn nhắc lại mấy hôm đầu hồi cư về đây, xác súc vật lẫn xác người vẫn còn nằm rải rác ven đường bốc lên mùi thúi rữa.Đang còn phân vân không biết trú ngụ nơi đâu. Thường thì anh em mới lên đáo nhận nhiệm sở hay mướn nhà ngoài phố ở chung với nhau cho tiện việc đi làm hay ra phố chợ, còn những ai độc thân thì được cho biết có một căn nhà gỗ hai tầng còn bỏ trống được gọi là “biệt điện”.
Hồi trước, đây là nơi dừng chân nghỉ trưa của Vua Bảo Đại khi đi kinh lý vùng đất này, nhưng ít có ai chịu đến đây ở vì vắng vẻ và hơi sợ, nhất là cư dân xung quanh hay đồn đại với nhau là khu nhà này có ma. Ngay cả ngôi biệt thự ngói đỏ khang trang nằm bên kia đường gọi là “công quán” cũng ít có người chịu đến tạm trú dù chỉ một vài ngày.
Đây là một khu đất rộng, rậm rạp trồng nhiều cây vông (bã đậu) cao vút giáp giới bờ tường, khu doanh trại của các cố vấn Mỹ, nằm gần sát dốc cầu Dakbla về phía bên thị xã. Đứng trên thành lan can ngôi nhà biệt điện này, ta có thể nhìn thấy cả một vùng trời nước bát ngát mênh mông bên bờ sông, cảnh núi đồi xa xa thật hùng vỹ và thơ mộng. Tôi rất thích nên xin dọn vào ở ngay. Có thể mọi người lo sợ về an ninh, nhưng tôi nghĩ nhà nằm sát tường rào khu nhà cố vấn Mỹ chắc cũng không đến nỗi nào, hơn nữa dưới chân cầu Dakbla luôn luôn có Nghĩa quân thuộc trung đội gác cầu ngày đêm nên có lẽ không sao.
Thật đúng là ngôi nhà hoang từ lâu không có người ở, bếp núc lạnh tanh. Sau nhà có một cái giếng nước lâu ngày không ai “cảo” (vét) nên lá cây đổ ngập lên đến gần bờ thành. Mọi người đồn rằng bộ đội miền Bắc chết không kịp kéo đi đã bị quăng xác xuống giếng, nghe cũng hơi ớn, nhưng rồi tôi mướn người xuống cảo giếng cũng chẳng thấy đâu và nước giếng ở vùng đất Kontum cát trắng này, đặc biệt là ở nơi nào cũng vẫn mát ngọt như nhau.
Ngay cả giữa lòng phố thị bên cạnh trường trung học Hoàng Đạo, phía sau dãy phố cổ đường Nguyễn Huệ có một “Giọt nước” trũng, lộ thiên lâu đời, nước ngọt phún chảy ra quanh năm và cư dân đông đúc ở xóm bên kia con dốc thường hay ra đây lấy nước về dùng tự do.
Tôi sắp xếp dần, nhà cũng tươm tất và ấm cúng, trong nhà có bộ salon bằng gỗ thông sơn vẹcni bóng láng do Thiếu tá Phan, chỉ huy trưởng Thiết đoàn 8 gởi tặng cùng với bộ giường ngủ dã chiến bằng sắt và một số vật dụng cá nhân. Sinh hoạt ổn định, không khí trong lành, có người tới lui, thỉnh thoảng tôi có rủ một số anh em đến chơi, có khi ngủ lại qua đêm trong căn nhà tôn rất rộng ở bên hông biệt điện. Thật vui vẻ, có hôm các bạn còn hỏi với nhau:
- Có ai thấy ma “nữ” nào không?
Thế là cả bọn cười vang và một số bạn có vẻ như muốn dọn về ở đây, còn tôi suốt ngày làm việc ở dưới quận, trừ những hôm nào trực văn phòng, chiều tối mới về đến nhà đậu chiếc xe jeep cũ sơn hai màu xanh, trắng trước hiên nhà hướng ra bờ sông. Trong nhà có bếp điện nhưng chỉ để đun một ít nước sôi pha trà, cà phê chứ không có nấu nướng, ăn uống trong nhà, cho nên sinh hoạt ngày thường ở đây cũng vẫn vắng vẻ như xưa.
Buổi tối ở Kontum trời rất lạnh, phố xá vắng vẻ, chỉ trừ khu mua bán quanh chợ đường Lê Thánh Tôn là có người đi lại mà đa phần là lính tráng. Hầu hết đều tập trung trong các quán cà phê, ngồi nghe nhạc xập xình ở dãy Hàng Keo, cũng làm thành một khu sinh hoạt sầm uất trong thị xã. Ngay tại các ngã tư Lê Thánh Tôn đi về hướng đường Nguyễn Huệ, từng cụm đèn dầu leo lét, vây quanh bởi mấy bà ngồi xếp thành dãy, bày bán bắp nấu đựng trong các thúng bằng tre đan, dở ra còn bốc khói, thơm lừng cả một góc phố.
Tôi thường hay ghé qua các ngã tư này, sau buổi cơm chiều để mua vài trái bắp nấu trước khi lái xe về nhà. Thú vị nhất là những đêm trăng sáng ngồi trước hiên nhà dưới ánh trăng, gặm bắp nếp Kontum còn nóng hổi rồi tự nghĩ không có bắp nơi đâu ngon và dẻo bằng. Chỉ đơn giản như vậy thôi mà cảm thấy gắn bó với xứ lạnh sương mù nầy nhiều hơn. Không những thế, dân tình ở dãy phố cổ, đầu đường Nguyễn Huệ hết sức quý mến tôi, các gia đình nầy có họ hàng, ở liền nhau mà ai cũng muốn mời tôi qua nhà chơi trong những tối rảnh rang đến khuya mới về.
Có những buổi tối trời lạnh sương mù dày đặc. Nhất là vào mùa Đông, tôi thường hay qua nhà thầy Danh, hiệu trưởng trường Trung học Hoàng Đạo vui chơi, có khi ăn uống tại nhà thầy cùng với gia đình. Lâu dần, tôi nghe gia đình kể nhiều câu chuyện đời xưa ở Kontum. Đến lúc này, tôi mới để ý đến cái miếu nhỏ nằm dưới bóng mát cây vông cạnh bờ sông, trước cửa nhà tôi độ chừng 100m.
Kể rằng, khu vực này thời Pháp thuộc, các viên chức người Pháp làm việc ở Kontum cư ngụ ở đường bờ sông, họ có cho xây một trụ xi măng dưới sông Dakbla, cách bờ không xa, trên trụ là mặt phẳng hình bầu dục đường kính độ chừng 4 mét giống như một hòn bi giữa dòng sông để mùa hè họ ra bơi lội trên sông và tắm nắng trên “hòn bi”, đặc biệt nhất là họ tính toán sao cho mặt bằng của trụ xi măng chỉ la đà cách trên mặt nước chừng nửa mét vào mùa hè để họ có thể leo lên xuống tắm lội được, còn mùa nước lũ thì hòn bi mất hút dưới lòng sông.
“Ngã kim nhật tại tọa chi địa
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi”.
(Vương Thực Phủ)
(Chỗ ta đang ngồi ngày nay, người xưa đã từng ngồi)
Đến khi người Mỹ qua, họ xây lại cũng ở chỗ cũ của người Pháp một cơ ngơi nhà tiền chế theo kiểu Mỹ và biến nơi đây thành một khu vực rất đẹp để làm việc và cư ngụ. Ngoài bậc thềm xuống bờ sông để lội ra hòn bi, còn có một khoảng trống rộng vừa đủ để đậu một chiếc trực thăng. Người Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Kontum bằng trực thăng cũng chính ở chỗ này.
Ban đầu chỉ có những người làm ở sở Mỹ cùng với người Mỹ mới tắm lội ở nơi này, nhưng lâu dần sau đó không còn phân biệt hay dành riêng nữa mà ai muốn đều có thể bơi ra hòn bi và tắm nắng ở đó. Thường thì năm, ba người tắm lội chung với nhau, nhiều nhất là trẻ nhỏ 14, 15 tuổi, ít khi bơi lẻ tẻ một mình vì lời đồn đại là gần hòn bi có “ma da” (thuồng luồng) ẩn náu.
Kể cũng lạ, từ ngày xây hòn bi cho đến nay chưa có một người ngoại quốc nào chết đuối vì bơi lội quanh hòn bi, ngược lại người địa phương năm nào cũng có nhiều người chết đuối trên sông gần hòn bi, 3 ngày sau thi thể trôi quấn quanh dưới chân cầu Dakbla hay dạt lên bãi cát phía bên Phương Hòa. Do đó dân chúng trong vùng đã tự đứng ra xây một cái miếu nhỏ thờ vong linh các người chết trôi sông ở bên này bức tường ranh giới giữa khu vực của ngoại kiều và khu biệt điện, gọi là miếu Hòn Bi.
Sau khi trú ngụ ở nhà biệt điện một thời gian, lúc bấy giờ chính quyền mới xây thêm một dãy nhà làm câu lạc bộ (CLB) Dakbla hướng ra phía ngã ba đường cửa ngõ vào thị xã và cử người đến ở, vừa quản lý CLB vừa trông coi an ninh, trật tự. Kể từ lúc đó, sinh hoạt trong khu vực này thêm phần sống động và các đoàn thể, nhất là học sinh thường hay đến đây chơi bóng bàn hoặc cắm trại ca hát, vui chơi trong khuôn viên chung quanh khu biệt điện. Tôi vui mừng thầm vì ngày càng cảm thấy yên bình hơn và nỗi lo sợ vẩn vơ do mọi người đồn đãi cũng dần biến mất.
Cho đến một buổi tối mùa Đông tôi về trễ hơi mệt, chưa kịp thay quần áo đã vội vàng lên giường ngủ vùi. Đang say ngủ, bỗng nhiên tôi nghe có tiếng lộp độp trên mái nhà. Thường thì trái bã đậu rớt lẻ tẻ trên mái nhà nghe đã quen, nhưng tối nay hơi lạ, tiếng lộp độp trên mái nhà rơi rất dồn dập nghe như có người liệng liên tục trên mái không ngừng làm tôi thức giấc không ngủ lại được.
Rồi từ đó thỉnh thoảng lại nghe có tiếng gõ cửa nhè nhẹ ở phía trước kèm theo tiếng gió rít như tiếng khúc khích, khiến tôi hơi ớn lạnh, tự dưng cảm thấy sợ thật. Trước hết tưởng có người đùa giỡn nên tôi lên tiếng hỏi “ai đó” và xin lỗi khuya rồi nên về nghỉ ngơi… Nhưng sau đó càng lúc tiếng gõ cửa càng lớn hơn và tiếng cười khúc khích lại rõ hơn. Thật điếng người.
Nhưng chỉ trong phút chốc, tôi lấy lại bình tĩnh vì nghĩ có thể có người lạ hoặc kẻ xấu có âm mưu gì đây nên tôi rón rén đến góc phòng phía trong lấy khẩu súng trường (carbin) bá xếp ra ngồi ở đầu giường ngủ, khoác tấm chăn mỏng nhìn ra cửa… Mọi sự đều im ắng, không một tiếng gió hay tiếng lá rơi. Tôi gác súng trên vách đầu giường và quấn mền thật chặt rồi ngủ thiếp đi. Được một lát thì các tiếng động lại tiếp tục có phần dồn dập hơn, lần này tôi nghe rõ tiếng người nói cười thật sự. Tôi đứng lên và hét to: “Ai đó, tôi bắn.”
Tôi giơ súng lên cao hướng ra cửa và siết chặt cò súng… Nhưng súng không nổ! Hoảng loạn, tôi vứt súng chạy vô phòng phía trong chộp lấy túi xách nhỏ trong có đựng một khẩu súng ngắn khoác lên vai, rồi mở cửa sổ buồng tắm nhảy ra ngoài, chạy một mạch không còn biết gì nữa cả.
Băng qua đường cái men theo vỉa hè chạy đến nhà anh LT Hổ ở cách đó chừng năm, sáu trăm mét, tôi gõ cửa xin tá túc qua đêm. Anh còn say ngủ ra mở cửa, tưởng tôi say rượu không muốn về nhà ở một mình đêm khuya. Anh không hỏi han gì và tôi cũng thấm mệt và quá chấn động nên thiếp đi cho đến sáng.
Hôm sau tôi nhờ anh Hổ báo tin xuống quận rằng tôi bị bệnh nên xin nghỉ vài ngày. Tôi chưa nói gì với ai về sự việc xảy ra trong đêm qua. Khi trở về nhà, quan sát chiếc xe jeep vẫn đậu nguyên tại chỗ, không có dấu hiệu gì thay đổi hay xê dịch. Mở cửa vô nhà, đèn vẫn còn để sáng, giường chiếu còn rối tung; và ở giữa phòng, cây carbin vẫn còn nằm trơ trên sàn nhà.
Tay hơi lạnh, tôi đến cầm cây súng lên, lật qua lật lại xem và thoáng hơi sững sờ một chút khi phát hiện ra cây súng vẫn còn cài khóa an toàn. Thảo nào súng không nổ. Trong lúc hoảng loạn, tôi chỉ biết siết cò thật chặt mà quên đi thao tác căn bản là phải mở khóa an toàn.
Đến chiều tối mới là gay go, không biết sự thể ra sao nhưng trong lòng tôi hơi lo sợ không muốn ngủ ở nhà. Khi ra Kontum, tôi sinh hoạt ăn cơm chung với 3 người bạn Quốc gia Hành chánh là anh Thi và anh Hổ tại nhà anh Hổ. Vì chỉ có anh Hổ là đem vợ con ra Kontum nên mướn nhà ở phố cho tiện sinh hoạt gia đình.
Trong bữa cơm chiều hôm ấy, tôi kể cho anh Hổ và anh Thi diễn tiến sự việc đêm qua ở nhà tôi, sau đó tôi chở 2 anh đến nhà xem xét sự tình. Anh Hổ rất am tường nhiều việc ở nhà quê. Đầu tiên, anh đi quanh nhà quan sát rồi kế đến anh ra bờ sông và chú ý đến gần miễu Hòn Bi. Anh nói miễu nhang tàn khói lạnh không ai quan tâm. Tôi nói thỉnh thoảng cũng có vài người lính Nghĩa quân đi kiểm tra an ninh khu vực có đến dọn dẹp cho sạch sẽ chứ không đốt nhang.
Anh Hổ đề nghị giúp tôi liên lạc, nhờ thầy ở chùa Bác Ái đến cầu siêu vong linh tại miếu Hòn Bi. Khi gặp thầy thì được biết trong chùa có Ban tụng niệm chuyên cầu siêu vong linh ở các miếu hoang trong thị xã hoặc những nơi có ghi dấu hay do người dân địa phương kể lại là có nhiều người chết mà không có thân nhân cải táng.
Sau khi nghe trình bày sự việc, thầy bảo là chuyện rất thường ở những vùng có giao tranh, đôi bên chết nhiều, nhất là bộ đội miền Bắc bỏ xác chôn tập thể tại chỗ. Riêng miễu Hòn Bi thì mỗi năm ban tụng niệm ở chùa đều có đem nhang đèn đến cúng vái trong Tháng Bảy Âm lịch. Sau đó, thầy xem ngày và đến miễu Hòn Bi tụng niệm cùng với hoa quả, nhang đèn rất tươm tất. Xong xuôi thầy nói với tôi là đã yên ổn, sinh hoạt bình thường không có gì phải lo lắng. Thầy còn giải thích thêm nhiều điều khác nữa mà tôi còn nhớ đôi chút.
Rằng trong cõi u minh còn có nhiều đời sống khác mà mình thường không thấy bằng mắt trần, họa hoằn lắm có đôi khi mới nghe được thoang thoáng như mơ mà thôi, còn trong cõi nhân gian ngoài tiếng người, tiếng thú vật, còn có hằng hà sa số âm thanh khác mà tai mình không nghe thấu, mà có nghe được cũng không hiểu.
Tùy cơ duyên mỗi người mà lãnh hội, ví như có người đọc, nghe kinh kệ lâu ngày, thẩm thấu có thể nghe biết được nhiều điều về kiếp người, có thể gọi là giác ngộ, có người không. Giác linh là phần sâu thẳm nhất của con người. Nó dẫn dắt chúng ta đi trên con đường đời, may hay rủi đều do âm đức mà ta đã tạo dựng nên.
Nếu đã biết, sống không được công bằng thì khi chết dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng nên đối xử cho công bằng, ít nhất là về phần hương khói và cầu siêu. Thử nghĩ những người sống không toại nguyện, chết vất vưởng không nơi thờ tự, nhang tàn khói lạnh thì thảm thương biết dường nào. Hơn nữa, có khi “xác khôn, hồn dại”, phần hồn không được siêu thoát cứ quanh quẩn chốn dương gian gây nhiều phiền nhiễu cho người còn tại thế. “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường” là vậy.
Kể từ sau đó, thật sự mọi việc đều yên ổn, tốt đẹp. Tôi nhờ trung đội Nghĩa quân gác cầu đốt nhang đèn mỗi tối ở miễu Hòn Bi cho thêm phần linh thiêng và ấm cúng. Lòng thành động đến “Thiên địa quỷ thần” và mùi trầm hương hòa quyện với gió bờ sông cũng làm thành những buổi chiều thật êm ả, ngay cả khi tôi không còn ở nhà biệt điện nữa mà chuyển sang ở trong công quán, bên kia đường, bấy giờ đã trở thành tư thất của ông Phó.
Cũng là duyên lành với khu biệt điện này mà trong những ngày đầu Tháng Ba 1975, có người thuộc lực lượng Thám sát tỉnh cho tôi biết là trực thăng đã đáp khẩn cấp xuống nhà cố vấn Mỹ, khiến tôi linh tính được việc gì sắp xảy ra ở địa phương; và rồi một may mắn nữa lại đến, khi có một phái đoàn hỗn hợp Việt-Mỹ ghé qua Kontum, gợi ý là tỉnh nên cử một phái đoàn, sớm về Phủ Phó Thủ tướng đặc trách Khẩn Hoang Lập Ấp để trình duyệt xét chương trình của tỉnh.
Chiều ngày 8Tháng Ba 1975, tôi đáp chuyến bay cuối cùng của hãng hàng không dân dụng (AirVietnam) rời Kontum về Sài Gòn. Qua khung kính cửa sổ máy bay, tôi nhìn xuống dòng sông Dakbla mờ nhạt và dưới vòm cây xanh rì nằm bên đầu cầu sắt là nơi tôi từng trải qua những tháng ngày tươi đẹp nhất… và chợt nhớ lời truyền khẩu của người dân Kontum thường hay nhắc nhở nhau về một lời nguyền của thần linh để sống sao cho tử tế và lương thiện: “Cái gì của rừng núi sẽ trả về cho rừng núi…”.
Trần Bạch Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét