Nó là cái trung tâm canh giữ những sự nổi dậy trong trại A20, Đồng Xuân, Phú Khánh mang Hòm Thư 1870. Chung quanh bốn phía là hào sâu, với những cuộn thép gai cao 3m, bốn góc là tháp canh, luôn có những mũi súng hướng vào sân trại. Phía đông của nó là cổng phân trại, 1 căn nhà nho nhỏ xây bên ngoài làm nhà cho cai ngục phụ trách phân trại này, khi hắn đi vào hay ra, tiếng kêu vang của xâu chìa khóa trên tay hắn như âm thanh của bầy quỷ đói. Nằm cách ngôi nhà không quá 20m là ao cá, cái ao chứa đầy mồ hôi tù nhơn thời khai trại. Ao cá đối diện căn nhà cai ngục.
<!>
Đi qua cổng là lối trải sỏi có nhà y tế, cách một cái sân rộng làm nơi tập hợp, đối diện nó là bếp trại, qua khỏi bếp trại người ta thấy một tường cao ngăn dãy biệt giam, nơi gông cùm khua rổn rảng. Tiếp nối sân tập hợp là nhà văn hóa, cất bằng gỗ, theo hình bát quái, qua khỏi đó, bên trái là dãy nhà tập thể ngăn nhiều khu, bên phải là một hội trường sức chứa 1500 người. Toàn bộ cái phân trại như một công viên, dưới bóng dừa Phú Yên cao ngất ngưỡng. Dưới những bóng mát đó là máu, nước mắt, là những ý thức đấu tranh từng giờ.
Tháng năm, phân trại E, Trại Trừng Giới A20 bắt đầu có những cơn nóng của gió Lào thổi qua, thổi trên những nhà giam tập thể, đối diện nó là 1 hàng rào tường cao, ngăn chia khu biệt giam với một lối đi từ ngoài cổng, cái cổng thường đóng lại bằng cánh cửa thép gai đan kín.
Đầu tiên là nhà 1 với đội 1, đội 2 Lâm sản và đội nhà bếp. Những tù nhơn trọng án, những khuôn mặt nổi cộm trong đội nhà bếp này là những chóp bu can tội kinh tế như danh gọi “phá hoại kinh tế quốc gia” mà họ được tròng vào cổ với mức án nhẹ nhất là 20 năm đến tử hình (không thi hành án). Trong đó có những Lý Sen (vua cán thép) Trương Dĩ Nhiên,Lưu Trung,Lưu Khung, còn có cả Đại tá Quốc Dân Đảng Lý Thành Cầu..v...v..
Trong cái điều kiện chật cứng vào thời dựng trại này, đội nhà bếp sống chung với 2 đội lâm sản, là loại đi làm rừng, đưa củi về cho bếp trại, đa số trong 2 đội lâm sản là tù hình sự hay những cán bộ “thoái hóa”, hoặc liên can vào những vụ kinh tế.
Nhà 2 cũng trên dưới 120 người và là “thành phần có án” như danh gọi mà Thung Lũng Tử Thần dành cho họ, trên cổ họ là án tù 15 năm đến chung thân. Nhà này là những con người đứng dậy từ sau 1975, họ là những chiến binh thầm lặng sau ngày tan trận, Trung tá Đỉnh, thiếu Tá Nguyễn Văn Hiện (Vinh Sơn) dấn thân vào các lực lượng chống và lật đổ chánh quyền, đó là những quan chức không trình diện mà tập trung vào rừng sâu, dấy binh làm lại từ đầu, họ là những chiến binh trong những tổ chức, những lực lượng nổi dậy từ khắp Trung phần và Nam bộ, hoặc vịn níu vào thế lực tôn giáo, lên đường theo tiếng than khóc của núi sông.
Nhà 2, căn nhà của quỉ dữ. Ở nhà này là những tay hảo hán một trời không sống chung với cộng sản, một số sĩ quan, bỏ vào rừng, hay theo các lực lượng kháng chiến. Dù mất hết chỉ còn tay không, nhưng vẫn hừng hực lửa đấu tranh, Đại Úy Lôi Hổ Nguyễn Văn Xuân, Không Quân hai mai Nguyễn Văn Hương, Nguyễn Xuân Tây, từng theo các hào kiệt xuất thân ở Cao Đài, Tây Ninh, thủ lĩnh Tám Trọng, một lời như đinh đóng cột. Trong nhà này còn có những lão thần của hai nền đệ Nhứt, đệ Nhị Cộng Hòa.
Những sĩ quan cầm lon cấp tá, những anh hùng gốc từ Fulro như Ynut, Ydat, Y Phin Niê, còn nhiều lắm những chiến binh âm thầm cắn răng dưới nhục hình, chờ một ngày mai, dù 15, 20 năm hay một đời, họ vẫn lắc đầu khi sống chung CS.
Nhà 3, gồm những sĩ quan bị đưa từ Suối Máu, Chí Hòa, Z30A, Z30C, và 78 tù nhân chế độ xách gói từ trại Hàm Tân Z30D lên đây vào ngày 10/05/1979. Ngay khi bước chân vào Thung lũng chết chóc này, tất cả bị xé lẻ ra, một số trên dưới 120 người đóng chốt ở nhà 4, chia thành những đội 16 đến 22.
Nhà 3, căn nhà của những chúa ngục, nằm ở giữa, đa số là những sĩ quan có cấp bậc từ đại úy đến đại tá, một số ít cấp bậc nhỏ hơn, nhưng là những tay chọc trời khuấy nước, từng làm điên đầu bọn cai tù ở các trại khác, trong đó là những đại diện các K ở Suối Máu đã nổi loạn, có hệ thống và kỹ luật. Dưới những thủ lãnh trẻ như Trần Đình Ngọc (nhảy dù), Nguyễn Ngọc Tiên khóa 23 Võ Bị Đà Lạt, những Quỳnh Lùn, Châu Đông Pha, Tiến dế, v.v..Bên cạnh những sĩ quan này, đặc biệt có 3 đội là thuần túy chánh trị, từ các lực lượng sau 75, họ không ra tòa, nhưng lãnh cái án dây thun “tập trung cải tạo”, mỗi một mốc là 3 năm, hết thì... tiếp tục...
Trong số này có những sĩ quan không trình diện, dính vào những lực lượng nổi dậy như đại úy Đoàn Bá Phụ (nhảy dù), đại úy Nguyễn Đại Thuật (an ninh QĐ), đại úy Vũ Trọng Khải (CSQG). Còn phải kể thêm 3 ông Tổng bộ trưởng Ngô Khắc Tỉnh, Ngô Khắc Tịnh, Hồ Văn Châm, một số dân biểu, nghị sĩ... Huỳnh Thành Vị, Trần Quí Phong. Giới trí thức khoa bảng cũng khá đông như giáo sư Phạm Quốc Bảo, luật sư Trần Danh San (chủ tịch UB Nhân Quyền), LS Nguyễn Hữu Giao, Vũ Hùng Cương, còn phải kể đến Phó tỉnh trưởng Quảng Nam Đà Nẵng Nguyễn Chí Thiệp.Phần còn lại là những chiến binh nổi dậy trong các lực lượng, mà nhiều nhất là Hòa Hảo, Cao Đài.Họ sinh hoạt chung một nhà, trong một xã hội thu nhỏ có đủ thành phần từ chúa đảo Côn Sơn, Trung tá giám đốc Nguyễn Văn Vệ, đến tham mưu trưởng Đại tá Trần Thanh Bền, Trung tá Vũ Xuân Thông của 81 Biệt Cách Dù, cho đến những thư sinh từ các đại học miền Nam, Vũ Mạnh Dũng, Nguyễn Thanh Tùng, hay những công dân Việt có dòng máu đấu tranh từ thuở cha ông, cục cưng Lâm Sơn Hải (con trai của tướng Lâm Thành Nguyên). Rồi đến kỹ sư Phan Thành Trường cặp bài trùng với Cao Thế Nhân (Hội Dịch Lý VN), kỹ sư Vương Đình Bách. Góp mặt trong số có đẳng cấp này có cả Lê Kiên (Bùi Lượng), Trần Tương, vang danh từ vụ đảo chánh 1960 và ra khơi trên chiến hạm Hàn Giang 401 đến Côn Sơn.
Nhà 4, nằm cuối dãy, tận cùng của lối vào đan kín thép gai, là một phần nhơn sự bị cắt xén từ nhà 3. Đó là nơi những sĩ quan trẻ, rất trẻ, hào khí ngất ngất, trung tâm của những phản ứng trước giặc thù, nơi phát xuất của cuộc đào thoát long trời lở đất, làm cục trại giam phải tiễn cai ngục Nguyễn Văn Bàng về vườn.
Nhà 4, căn nhà của lửa dậy, ở đó không chỉ riêng là những sĩ quan trẻ nhiệt huyết, người ta còn thấy, Trung úy luật sư ca sĩ Khuất Duy Trác,Đại úy tiểu đoàn trưởng 344 Lê Phi Ô, người tử thủ 33 ngày đêm trong phòng tuyến Võ Đắt ,Tánh Linh năm 1974, những cựu binh khóa 25 Võ Bị, xuất thân để chuyên cầm quân, vào trận, Hùng (chuột), Long (bô).
Ngọn lửa dậy trong ánh mắt họ vào những hoàng hôn, lúc đứng hàng hai cho đám cai ngục đếm số vào buồng giam, những ngọn lửa đó nói lên cái chịu đựng dai dẳng của những con báo đang đợi một thời cơ, nhẫn nhịn mang trong lòng vết thương mà suốt đời chinh chiến họ không thể nào quên.
Tinh hoa của miền Nam có lẽ tập trung nhiều nhứt ở trại này. Những nhân vật “vang bóng một thời” phải cần nhiều trang mới có thể kể hết.
Đáng kể nhứt là đội hoàng gia.Trong đội này 17 linh mục được giam trong nhà riêng lẻ gần như cách xa khu tập thể của phân trại. Ở đó có những cái tên từng chấn động một thời: Đinh Xuân Hải (bạo chúa Tân sa Châu), Đinh Bình Định một thuở xuống đường, cho đến những linh mục hiền hòa như Nguyễn Văn Thông hay Bùi Quốc Khánh, hoặc thật trẻ như linh mục Hinh, cái đội hoàng gia còn có thêm những tu sĩ mà phải kể Nguyễn Văn Công (Cửu Long Võ Đạo). Có Lê Sáng (chưởng môn VOVINAM), người ta thấy thấp thoáng trong đó có thiếu tướng Cao Đài Lê Văn Tất, đi bên cạnh ông còn có cả Bùi Ngọc Phương ứng viên Tổng Thống thời đệ Nhứt Cộng Hòa.
Khác với những chiến binh từng cầm súng, những tù nhân trong căn nhà đặc biệt này là những tù nhân có tuổi, hoặc quá hiền từ hay ngoan ngoãn trước những đòn thù nghiệt ngã, họ không cúi đầu, nhưng ý thức đấu tranh đã tàn lụi theo năm tháng tù đày và chính tại đây là nơi lũ cai tù bòn rút không thương tiếc.
Những Linh Mục có quá nhiều giáo dân cung phụng, bậc chân tu khi thọ nạn vào tù, bất kể thế nào, con chiên cũng phải dành giựt cái sống còn để người ban phát niềm tin cho họ còn có cơ may sống sót quay về. Thế nên, các Cha, các Linh Mục được châm chút và đời sống trong tù của họ là một thứ “tù cha”.
Những ngày cả trại dậy lên những đợt dịch bệnh, thuốc uống không có, nói chi thuốc chích đắt tiền. Nhưng tại nhà này, khi cán bộ trại hỏi đến thì đủ loại thuốc ngoại nhập, những thứ mà dân thành thị chưa chắc có đủ tiền để mua, tại đây thì ê hề. Những cảnh tượng này đã làm ít nhiều ảnh hưởng đến nhiệt tình của người trẻ. Họ cảm thấy trong cái xã hội thu nhỏ này, còn nhiều cái cần phải thẳng tay gạt đi. Sự khiếp nhược làm lu mờ ý thức đấu tranh trước kẻ thù truyền kiếp, những người ngoan đạo thực sự đang bị treo cổ chờ ngày hành quyết bởi những ngón nghề dụ hoặc của đám cai tù, hay bởi những răn đe mà bản thân họ vì một lý do nào đó không thể chịu đựng được. Tuy vậy vẫn còn nhiều những Linh mục thực sự là những người một đời hiến dâng trong đó phải nói đến thế hệ áo dòng trẻ hơn một chút như Linh mục Hoàng Văn Thiên, Nguyễn Huy Chương. Là một đối kháng bên sự già nua của Linh mục nhạc sĩ Huyền Linh, dù ông vẫn nói nói, cười cười, nhưng nụ cười đã thực sự héo hắt từ lâu.
12 đội, với quân số mỗi đội 30 người, đứng trên 1 diện tích vuông vức mỗi chiều 100m. Tất cả cuốc xẻng là thứ được làm tại chỗ. Những cái “ki” đan bằng tre nứa, luồn hai đòn dài cho hai tù nhân khiêng đi, và khiêng những bùn đất vét lên thành bờ ao chung quanh, cao hơn 1m50, với chiều ngang mặt đê 3m.
Mồ hôi tù đổ xuống đây vào những ngày đầu tiên của phân trại E, cái phân trại mới hình thành để thực sự giam tù nhân chế độ, người ta gạch dưới cái tên của họ, với ghi chú “Những thành phần không thể cải tạo”.
Đám cai tù, đứng trên mặt đê, bắt tù chặt những lá dừa quanh trại làm dù che nắng. Dưới ao, tù nhân ốm tong teo, rách bươm làm việc dưới cái nắng khô khốc cháy da người.
Một tháng, hai tháng, ba tháng, cái ao mỗi ngày một sâu hơn, mặt cao mỗi ngày cao hơn, rộng hơn. Tù nhân mỗi ngày kiệt quệ hơn và con đường ngắn nhất cho họ đi ở cuối con đường đấu tranh nghiệt ngã này là về Đồi Vĩnh Biệt. Đó là ngọn đồi đã chôn vùi mấy ngàn tù nhân cho đến khi trại này vắng bóng tù chính trị, mà chính thức từ sau 1995.
Phân trại E, được canh từng giờ bởi lũ trật tự, là thành phần cán binh cộng sản can tội hình, bị đưa lên đây thọ những mức án 15 hoặc 20 năm. Lũ trật tự này thường có tính nịnh bợ, chuyên rình rập để tấu trình cho cán bộ trực trại,bọn chúng gồm 2 tên ác ôn,Nguyễn văn Tuyến, Bùi trung Trực, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của 1 gã có tên Nguyễn Ngọc Thanh. Đó là những khuôn mặt trong ban thi đua của trại.
Vào đầu năm 1981, một hung thần từ trại C được điều động ra đó là Dương Đức Mai, trung tá Biệt động Quân, sau ngày đi trình diện đã như quy hàng và luôn phục tùng chính sách, mặc dù trên cánh tay của họ Dương vẫn còn vết xâm hơi mờ 2 chữ “Sát Cộng”, có lẽ chốn lao tù không đủ dụng cụ và thuốc men để họ Dương tẩy vết xâm mà chính hắn đã từng thề trước hồn thiêng sông núi. Chính hắn đã gây khó khăn cho những sĩ quan cùng màu cờ sắc áo với hắn ngày xưa.Họ Dương được cất nhắc lên cái ghế “trưởng ban thi đua” của phân trại và là thủ lĩnh đám trật tự ăn theo, mở màn với 1 câu tuyên bố sanh tử: “Tôi đến đây, học và làm đúng chính sách, tôi sẽ để cho phân trại này thấy là tôi, chính tôi sẽ ổn định trật tự trại”. Đến nỗi trung tá hồi chánh Huỳnh Cự, nhà trưởng nhà 3 từng thốt lên 1 câu ngán ngẫm: “Xét ra Huỳnh Cự này còn chút ân tình với anh em hơn là Dương Đức Mai”. Khi đang đứng giữa sân, ông đã chỉ cho Trung tá Lương Văn Ngọ cũng là 1 BĐQ khi nhìn cái tướng cúi gầm của Dương Đức Mai đang tấu trình với cán bộ trực trại bên kia sân phía hội trường. Đó là câu chuyện của 3 ông Trung tá, 1 là hồi chánh, còn lại là 2 con cọp của BĐQ.
Phân trại E, trại A20, nơi từng có cuộc đào thoát vô tiền khoáng hậu, làm tên giám thị trưởng Nguyễn Văn Bàng vò đầu bức tóc, hắn từng tuyên bố từ ngày lập trại chưa con kiến nào chui qua lọt. Mà hôm nay:
Ngày 13/11/1980, giữa một chiều trời quang mây tạnh, các đội đều ra ngoài trại lao động. Tiếng súng báo động vang lên, tiếng gọi nhau thất thanh của bọn cai tù, tiếng thúc giục gom tù về trại. 7 con chim vừa bay ra khỏi trại giam, mang theo cả súng mà những chiến binh lừng lẫy đã cướp trên tay giặc, đi đầu là 1 cựu đại đội trưởng của TQLC, khóa 25 Võ Bị. Tất cả đều là những sĩ quan với bề dày kinh nghiệm núi rừng, với nhiều năm cầm quân đánh trận, trong đó còn có cả chàng phi công hào hoa Nguyễn Lưu Úy từng lái A37 trên chiến trường vùng I, coi cái chết như lông hồng, trong đoàn đương nhiên phải nhắc đến 1 anh hùng duy nhứt còn sống trong cuộc ra đi bất thành đó, Đại úy pháo binh Lê Thái Chân (Pháo Đội Trưởng Pháo Binh Nhảy Dù).
Phân trại E, có 1 thời lừng lẫy, trên gông cùm còn sang sảng hát quốc ca, có những cựu binh bị cùm mưng mủ ống chân vẫn trơ trơ mặc cho đòn thù kìm kẹp.
Phân trại E, cũng có những cái chết âm thầm trong đêm vắng, chết nghẹn ngào trên đất núi, giữa rừng Trường Sơn, chết không một người đưa tiễn.
Phân trại E, có những bà mẹ già nua còng lưng gánh gạo thăm con, có những người vợ trẻ nhiều năm chưa thấy mặt chồng, những mái tóc đầy xuân xanh phải cúi xuống cầm nước mắt cho người thân yêu của mình hiên ngang giữa rừng gươm mũi đạn, rồi lại cắn răng nuốt đau cho chồng, cho người yêu của mình sống tròn với chính nghĩa, với màu cờ đã từng gìn giữ bao năm, chấp nhận những lần gồng gánh thăm chồng rồi quay về không một lần thấy mặt.
Phân trại E của trại A20, có quá nhiều cái để nói hay kể lại, dù không là chuyện đội đá vá trời nhưng nó là kỷ niệm. Nơi những người lẫm liệt bất chấp tai ương, thực sự hiến thân sau ngày tan trận.
Thung Lũng Tử Thần mùa lũ tới:
Tháng 10, mưa là mưa. Trận bão qua và chấm dứt sau 1 tuần gầm thét rung rinh trời đất, đá núi Trường Sơn đổ ầm ầm phá nát độc đạo từ La Hai vào cái thung lũng chết tiệt đang giam cầm hơn 5000 tù nhân của chế độ.
Trại Trừng Giới A20 bị cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, chung quanh nó giờ chỉ toàn là nước, nước trắng xóa bao hết một vùng phía đông. Sau lưng dãy trại giam mang tên phân trại A, B, C, D, E và trại Hốc Kè là núi và núi. Nó là rặng Trường Sơn Tây ngút mắt đầy chết chóc và bí hiểm.
Tháng 10 năm 1981, thung lũng này không còn phương tiện ra vào, mọi thứ dậm chân tại chỗ và những tù nhơn bệnh tật, đói, rét cũng dậm châm tại chỗ, run cầm cập trong cái lạnh dã man của miền Trung mùa mưa bão.
Khi con tàu Việt Nam Thương Tín, dưới sự chỉ huy của hạm phó Hải Quân Thiếu Tá Mai Văn Trị về tới VN, sau khi họ đã cặp bến bờ tự do tại đảo Guam. Chuyến quy cố hương này làm một số trong họ bị đày đến đây dưới danh gọi “tù vượt biên”. Chính họ đã xây dựng cái trại này, chính họ đã mở thêm những phân trại từ những năm 1979. Người ta cũng còn nhớ rõ Thiếu Tá Trị cho tới tháng tư năm 1977 vẫn còn ở trại T20 (thành Gia Định), chỉ có điều ông không có mặt ở đây để cùng những thuyền nhân của ông xây dựng trại.
Thung Lũng Tử Thần này là trung tâm lưu giữ những thành phần mang án tập trung mà nhà cầm quyền cho là không thể cải tạo, nó cũng giữ luôn những trọng án chính trị vào thời điểm đó mà mức án nhẹ nhứt phải từ 15 năm trở lên. Nó là nơi vào mà không có ngày ra tính cho đến 10 năm sau.
Cái đói làm tê liệt mọi sinh hoạt, cái lạnh giết đi rất nhiều sinh mạng, cả trại không lao động hàng tháng trời. Mưa, mưa hết cơn này đến cơn khác, một bầu trời ảm đạm bao trùm nơi đây.
Tù nhân, 6 giờ sáng thức dậy xếp hàng hai đứng co ro dưới mái hiên đội những hạt mưa tạt qua, lạnh buốt chờ điểm danh. Chiều tối, đúng 5 giờ lại đội mưa đếm số “vô chuồng”.
Buổi sáng, 5 lát khoai mì H34 Ấn Độ phơi khô, thái dầy cui, còn nguyên vỏ,luộc lên phát cho tù, những lát khoai có màu xanh tái, nhớt nhau, ruồi nhặng bu quanh.
Buổi trưa và chiều đều như nhau, cũng 5 lát khoai như vậy cộng với nửa chén cơm nhỏ, nấu bởi thứ gạo tồn kho lâu ngày có đủ mùi ẩm mốc cùng dăm lít nước muối nấu từ muối hạt của đất Phú Yên, nước muối luôn có lớp váng màu đen bọt bèo. Đó là thức ăn thời tiền sử của trại A20. Hơn 5000 tù nhân sống và chết như vậy. Đói rét kéo dài cho hết tháng mưa, gia đình tù nhân, suốt thời gian mưa bão đó vẫn cố gắng gởi quà cho thân nhân và quà chỉ gởi theo đường bưu điện, mỗi gói quà chỉ được phép không quá 3 ký. Những gói quà ghi tới “Hòm Thư 1870” này lang thang đâu đó, cho mãi đến 2 tháng, 3 tháng sau, khi nước rút, độc đạo thông thương, chúng mới được di chuyển bằng những chiếc xuồng con vượt khúc sông Trà Bương. Xe tải chỉ tập trung quà từ ga La Hai vào bên kia bờ đông của con sông, từ đó những gói quà này bắt đầu vượt lũ về trại.
Thảm trạng và “tinh thần nhân đạo” cùng “ý thức cách mạng” được thể hiện rõ ràng nhứt trong những chuyến áp tải mà chính những cai tù của Trại Trừng Giới làm “bảo tiêu”.
Tiêu cục A20 gồm những tù hình sự, lao động rộng, lâm sản chuyên vào rừng vác củi về bếp trại. Trong đám hình sự này, dĩ nhiên có rất nhiều cán bộ nhà nước vì can một tội chi đó đã đến để gỡ lịch tại đây.
Qua sông chỗ này, không như một Kinh Kha qua sông Dịch một đi không trở lại. Qua sông chỗ này xuồng của tiêu cục phải dựa vào sợi dây thừng căng chéo ngang sông để giảm sức nước lũ ầm ầm từ trên nguồn đổ xuống, và sẽ qua nhiều, rất nhiều lần để mang hết những đống quà chất cao như núi bên kia bờ. Lỡ tay quà rớt xuống sông thì đành chịu, lỡ dại xuồng có bị chìm thì cũng là điều mong mỏi của những áp tiêu vốn có nhiều kinh nghiệm nơi đây. Đoàn bảo tiêu thường đặt dưới quyền điều động của cán bộ phụ trách giáo dục và an ninh của trại. Tiêu cục đông người, hành trình xa hơn 15 cây số, đoàn bảo tiêu thưa thớt kéo nhau đi, mỗi cỗ xe “cải tiến” có 1 cán bộ áp tải.
Hàng chục ngàn gói quà, không ai có thời gian kiểm hay lập danh sách. Khi xe tải ùn ùn đổ xuống bên sông, không ai hưỡn để đếm xem được bao nhiêu gói, cho đến khi nó về tới trung tâm trại, đó là miếng mồi ngon cho những cái nhìn thèm thuồng từ 1 xứ sở nghèo khó chưa biết hết cái trù phú của miền Nam, chưa nếm được hương vị của những món ngon mà cả đời họ chưa từng. Dĩ nhiên thân nhân tù nhứt là những gia đình Nam bộ, tình thương dào dạt, luôn chắt chiu những cái ngon nhất bổ nhất cho thân nhân của mình đang ngày một lụn dần dưới “chế độ ăn uống” mà không cần tưởng tượng, họ cũng đã biết.
Độc đạo này, nó như con đường tơ lụa thuở xa xưa. Khi đoàn bảo tiêu đi qua, trong những lùm cây, bụi cỏ ven đường còn rơi rớt lại những gói quà, thậm chí có những gói quà nguyên xi chưa tháo dây đai cột quanh, có cả tên người nhận. Nó sẽ biến mất sau đôi ba ngày tiếp theo, và chợ La Hai sẽ có thêm nhiều mặt hàng mà trước đó không thể tìm thấy loại hàng cao cấp như vậy dù phải đi tận huyện Đồng Xuân, ngược ra quốc lộ hàng 15 cây số.
Những thân tù đói lả, được tập trung ra sân phân trại, im lặng nghe xướng danh lên nhận quà, sau khi chuyến bảo tiêu tập trung về trung tâm trại và phân phát tới các phân trại. Những khuôn mặt xanh xao, những cặp mắt lạc thần, im lặng, mong mỏi có tên mình, như những con chiên nghe đọc bài kinh cứu nạn. Ai mà biết được người tù đó chính thức có bao nhiêu gói quà, dù thư nào gia đình cũng báo đã gửi dăm ba gói, đã gửi món này, món nọ. Người tù nhận được bao nhiêu cũng chẳng thể viết thư về báo cho gia đình, những cái thư ghi rõ những việc cỏn con như vậy, khi bị kiểm duyệt thì thiên thu không bao giờ tới.
Tháng 10 năm 1981 với mùa mưa và lũ dậy miềnTrung, có biết bao nhiêu tù được đưa lên “Đồi Vĩnh Biệt”, một ngọn đồi cao ngất ngưỡng là bãi tha ma của Trại Trừng Giới A20. Những kẻ chết sớm được đưa lên đỉnh cao, họ có cơ may nhìn giang san gấm vóc một màu trên đỉnh đồi chiều gió lộng. Những kẻ chết sau, kém may mắn bị vùi nông một chỗ, trên sườn đồi, họ nằm kề nhau theo hình rẻ quạt, có cây rừng che hết tầm nhìn. Xấu số hơn chút nữa, qua mùa mưa như vầy, mộ chí bị xói mòn, trơ những nắm xương trong những cổ áo quan là những mảnh ván sơ sài, không thể trụ được sau những lần mưa bão.
Tháng 10 năm 1981, bên ngoài cửa sổ, mưa bay bay, phía xa là những ngọn núi cao, sương che mù mù, những thân tù co ro, khoác trên người tất cả những gì có thể khoác, họ chống chọi với cái rét bằng những manh áo vá chằng chịt. Có kẻ ngồi rút từng sợi của cái bao cát màu xám xanh xuất xứ từ Mỹ quốc, nó là tàn tích mà họ đã mang theo được trên bước đường tù đày sau ngày tan trận. Cây kim được khéo léo mài trên gạch, trên đá từ sợi thép gai, những sợi thép gai đã che chắn phần nào đó cho thân thể họ trong quãng đời chinh chiến vừa qua. Những chiến binh đã gãy súng và buông súng đó đang lặng lẽ ngồi vá lại mảnh chiến bào mà họ vẫn còn mặc trên người sau nhiều năm tháng đã tả tơi. Nó biến dạng, không còn là manh áo chiến nữa, nó là mảnh áo tù đang được đấp dầy lên hoặc gấp đôi lại để chống lạnh. Họ là những tù nhân của chế độ, bản án tập trung kéo dài tuổi tù và rút ngắn tuổi đời của họ.
Với tất cả sự khôn khéo, người tù tìm mọi cách sống còn, tạo tất cả những phương tiện có thể, để sống còn. Những cái lon Guigoz, xử dụng nhiều lần móp méo, được gò, sửa lại, những lỗ thủng được cẩn thận tán lại bằng vỏ ống kem đánh răng, họ lợi dụng thời gian mưa bão để tu bổ hành trang cho mình, vì họ biết chuyến đi sẽ dài vô tận. Cái sinh hoạt mỗi người một kiểu này vẽ lên một bức tranh tù ngục mà những ai đã từng đến đây, đã qua cái thung lũng này, có lẽ không thể nào quên được. Nó không là cái cay đắng cho một đời tù tội, nó là những cực cùng thiếu thốn mà những con người bất khuất phải vượt qua.
Tháng 10 năm 1981. Bắt đầu có những cơn ho khan khi hoàng hôn xuống, bắt đầu có đám vi trùng lao thấp thoáng ở chỗ này. Những tiếng chuông chiêu hồn của thần chết đã vang lên nơi đây, nó báo hiệu cho những sinh ly tử biệt, những chuyến đi lẻ loi không có người thân đưa tiễn. Tù nhân cạn kiệt không còn sức đề kháng trước cái đói triền miên, cái lạnh thấu xương xé vụn ý thức sống còn. Lao phổi tràn xuống từng nhà, từng phân trại. “Đồi Vĩnh Biệt” vẫn còn và còn rất nhiều chỗ trống cho những người phải ra đi dù thực lòng họ chưa muốn phải đi, và họ ra đi trong cơn ho làm vỡ tung lồng ngực, máu ứa hai bên khoé miệng và chẳng có một người thân gần kề để vuốt mắt lần cuối. Bên cạnh họ chỉ có đám bạn tù lặng lẽ nhìn trong căm hận, trong buồn tủi, xót xa cho một lần vĩnh biệt nhau.
Những cái cùm:
(Viết trên mồ ma A20 Trịnh Đình Lâm)
Gió thổi qua khe hở biệt giam, tiếng rít khô khan, rờn rợn trong buổi chiều tàn, có lẽ sẽ mưa, mưa đi chứ, cái nóng làm cháy khô cây thép 18 ly gai góc đang cứa sâu trên cổ chân làm Trịnh Đình Lâm khó chịu, cặp kính gọng đồi mồi chảy xệ trên khuôn mặt hốc hác của gã nhà giáo tuổi 40 mà thời gian tù tội đã bước qua năm thứ 8. Lâm ngó quanh cái phòng biệt giam thổ tả này, một cái bệ nằm cao 60 phân, đầu góc lối ra vô vừa đủ hai gang tay là trụ bê tông xuyên ngang bằng cây thép khốn nạn sần sùi treo trên đó cổ chân Lâm nằm giữa cái cùm chữ U, lớp da bám quanh đầy mủ máu, cây thép đang dần dần ăn sâu vào thịt, Lâm khó khăn lắm mới nhúc nhích cho đỡ mỏi chân, cây thép treo quá cao làm tê cứng, đau xé khi cử động, Lâm đã dùng hết những thứ có thể được, để kê lên cho gót chân không chạm mặt sàn.
Có tiếng gõ nhẹ ở vách tường, bên kia là Vũ Hùng Cương, gã luật sư tập sự, nhỏ con, ốm tong teo mang cái tên cúng cơm “Cương còm” mà các bạn tù đặt cho hắn theo đúng cái chân dung không cần mô tả. Âm thanh ngưng ở tiếng gõ thứ ba, vậy là ám hiệu giờ tụi cai ngục đang chuẩn bị lắc cùm điểm danh. Lâm biết Cương nằm bên ngoài nên có thể quan sát cánh cổng ngăn khu biệt giam với khu tập thể và hắn sẽ nhìn từ khe hở của thanh sắt xuyên ngang tường bằng những cái lỗ tròn vo đã tính toán trước ngay khi xây bức tường với cái ổ khóa to đùng nằm ngoài vách của cái biệt giam nơi hắn đang thọ nạn từ mấy tháng trước.
Lắc cùm, tụi cai không cần mở cửa biệt giam, chỉ cầm lắc mạnh cái ổ khóa, kéo ra một chút thôi là cái phản ứng từ cơn đau chết người của tên tù sẽ vọng ra. Hắn yên chí tên tù vẫn còn nguyên đó, cái nhiệm vụ của tên giám ngục chỉ có thế khi đến giờ điểm danh buổi tối, và hắn cứ phải lập lại thao tác đó từng căn biệt giam đã xây thành hai bên có lối đi chính giữa, có những ổ khóa lộ thiên trải dài theo lối đó, tù gọi đó là “giờ lên chuồng”.
Trịnh Đình Lâm nghiến răng để không bật tiếng rên khi gả cai tù lắc cái ổ khóa, cây sắt bị kéo ra làm Lâm đau điếng, đau đến tận óc.
Nhiều tháng đi qua mà Lâm vẫn nhớ. Nguyễn Lâm Tri, tên cán bộ an ninh phân trại đã chỉ thị cho Quí đen, một tên tù hình sự của chế độ, được cắt cử làm trật tự khu, nhiệm vụ của Quí đen là thay cho cán bộ thò tay làm tất cả những gì mà cán bộ muốn, Quí là gã lai Mỹ đen, cao lớn khuôn mặt dữ dằn với mái tóc xoắn sát trên da đầu như cây cột cháy, tướng tá hắn nhìn qua thật đáng ngại, nhưng ẩn bên trong nó vẫn còn chút tình người hơn là Tuyến, thằng mặt choẹt chuyên rình mò tìm những dấu hiệu phản kháng của đám tù trong trại để báo cáo lên lập công, dù hắn có cái dáng tương đối dễ nhìn hơn Quý đen.
Ngày Lâm thọ nạn vì tụi “chèo” nghi Lâm dính vào vụ tờ Hợp Đoàn đang bí mật lưu hành trong trại, Nguyễn Lâm Tri nói với Quý đen:
– Lựa cái cùm thoải mái cho anh Lâm.
Quý đen đã mở ổ khóa bên ngoài từ khi nó theo chân Tri vào đây, bây giờ hắn rút cây sắt ra vừa đủ cách mặt tường 1 gang tay, và cầm 1 cái cùm chữ U loại được thợ rèn “đánh” bằng thanh thép gân tròn 18 ly trong xây dựng, mỗi cây cùm hình chữ U đó có 2 vòng tròn cùng một phía để cây sắt xỏ ngang khi cổ chưn gã tù được tra vào chữ U này.
Trịnh Đình Lâm, nằm xuống đưa một chưn cho Quý đen bỏ vào cùm, bất ngờ Tri ngăn lại:
– Anh Quý, anh Lâm nhỏ con, anh nên cho anh Lâm được cùm thấp một chút.
Quý đen, tháo chưn Lâm ra kéo thanh sắt ngang ra khỏi trụ bê tông và đút nó vào cái lỗ thấp nhứt, Lâm giựt mình nghĩ bụng:
– Bỏ mẹ nó chơi mình cú này, thằng đốn mạt.
Trụ bê tông có 3 cái lỗ cách đều nhau 5 phân, đây là phương pháp cùm tối ưu của Trại Trừng giới A20.
Cái lỗ trên cùng, thường được hành xử với cái cùm chữ U dài hơn một chút, do đó tù nhân có thể nâng cổ chưn trên khoảng trống với thanh sắt ngang, và như vậy máu có thể lưu thông được. Cái lỗ thứ hai cho loại trung, cùm ngắn hơn làm cổ chưn luôn trong tư thế bị treo, nếu cái cùm ngắn một chút thì thê thảm, mà nó hẹp hơn chút nữa là tiêu đời. Cái lỗ thứ ba gần sát mặt sàn, kiểu này vô phương ngồi dậy, không có khoảng trống nào để cử động cổ chưn mà co cẳng vào.
Ở Trại Trừng Giới này không có loại cùm “nhân đạo” tức là thứ cùm làm bằng thép tròn trơn không có sọc gọi là cùm láng. Độc nhứt ở đây là thép gân xanh lè, nung trong lò rèn mà tụi “chèo” vẻ kiểu chế ra, hai vòng tròn dành xỏ thanh sắt khóa ngang phải được chuyên gia lò rèn “đánh” cong khít khao với cây sắt khóa, thường có đường kính 2 cm, và ngay thanh sắt cũng được thiết kế với 1 vòng tròn to tướng một đầu và đầu kia khoan lỗ tròn vừa cho 1 ổ khóa loại lớn tra vào và dĩ nhiên đầu sắt này luôn nằm bên ngoài vách tường.
Trịnh Đình Lâm được cán bộ Nguyễn Lâm Tri, tay an ninh mặt sắt của trại A20 tặng cho cái cùm một chân, lỗ thấp và là loại nhỏ... nhỏ đến độ khi đặt cổ chân Lâm vào chữ U, hơi chật, thằng Quý đen theo lệnh của Tri qua cái hất hàm, nó cầm 1 cây cùm thứ hai gõ phía dưới cái vòng chữ U cho cổ chân Lâm chạy tọt vào cái cùm, cú “revert” này làm Lâm muốn té đái. Họ Trịnh cắn răng nhịn đau để cho thằng Quý xỏ cây sắt ngang và động trời là cây sắt khóa gần như sát vào cổ chân Lâm.
– Anh Lâm nằm nghĩ nhé, có gì cần khai báo thêm anh cứ báo với anh Quý, tôi sẽ cho mời anh lên làm việc.
2 thằng các đảng khóa trái cửa phòng. Lâm nghe tiếng bọn nó bấm ổ khóa cùm phía ngoài vách, cổ chân Lâm đã bắt đầu ê ê qua cú gõ “nhẹ nhàng” của Quý đen.
Bọn “chèo” điểm danh xong bằng thao tác thường ngày “lắc cùm”. Lâm bắt đầu chịu đựng cái bóng đêm khốn nạn nhích từng chút một xuống Trại Trừng Giới, xuống dãy biệt giam và xuống cái đau tê dại của cổ chân. Cái bục nằm bằng xi măng bắt đầu thấm lạnh, cái lạnh khó chịu của núi rừng Trường Sơn. Đốn mạt thay cái trại qua nghiên cứu kỹ nên được xây dựng giữa hai dãy Trường Sơn đông và tây, trong một thung lũng có cái danh gọi chết chóc, Thung Lũng Tử Thần, lạnh như có những luồng chạy dọc sống lưng, châm chích trên da thịt, lạnh chưa từng thấy, lạnh chết người.
Bị cùm thì chỉ duy nhứt một bộ đồ tù, may mà có cái quần đùi bên trong để mặc, cái quần dài thì cuộn lại nhét dưới cái cùm cho gót chân không bị treo, đỡ đau một chút, cái áo rách tả tơi vá chằng, vá đụp chỉ bằng bao cát, kim bằng sợi thép gai mài nhỏ và cái áo để đấp ngang bụng chống cái rét căm căm mùa đông giữa núi, hai ống tay áo đã xé ra nhiều lần, từng chút một để lau mủ máu, khi đến tuần thứ ba, da cổ chân quanh cái cùm bắt đầu sưng lên, tím bầm, rồi mưng mủ, rồi nhiễm trùng lót đường cho cái cùm từ từ lấn vào trong thịt, lún dần, lún dần vào trong.
Kệ mẹ nó, Lâm cũng không hơi sức đâu nghĩ đến cái ngày cái cùm được lấy ra, dù qua chính bản thân mình. Hắn biết, một cách duy nhất tụi nó sẽ “gõ” trên hai cái vòng tròn, sau khi rút cây sắt ngang, 1 thằng trật tự sẽ giữ thật chặt chưn mình và thằng khác sẽ cầm 1 cái cùm thứ hai đập mạnh xuống, mình sẽ xỉu khi cái cùm bong khỏi thịt, chắc chắn máu mủ sẽ phọt ra, và đương nhiên, không bao giờ những tia máu mủ này bắn vào mặt thằng cai tù, vì nó sẽ không ngu chứng kiến cái dã man mà chính nó tạo ra, dù sao nó cũng biết chắc tên tù sẽ xỉu.
Trong ánh sáng mờ mờ chui qua khe hở của cái cửa, Lâm thấy cái thùng đựng phân và nước tiểu chỉ cách mình trong tầm với mà Lâm không tài nào lấy nó được. Anh cắn răng, nín thở trườn người, ngón tay chạm vào cái thùng lắp bằng bốn miếng ván xéo, cái đáy nhỏ hơn cái miệng, trên là cái nắp gỗ vừa để đậy, vừa để ngồi lên làm cái chuyện trời cho, cái nắp khoét 1 cái lỗ hình chữ nhựt.
Lâm bật cười khi nhớ đến trước ngày 30/4 năm rồi, hạ sĩ Nguyễn Văn Đèn, 1 gã tù chánh trị thứ thiệt đã dùng than mà hắn chôm về khi đi nấu nướng ở nhà bếp của trại. Cái trại thổ tả chỉ cho nấu nướng 2 buổi vào trưa vào thứ ba và thứ sáu trong tuần, đồ gia đình tiếp tế thì bỏ trong cái kho lớn dưới sự quản lý của lũ trật tự trại, khi được phép nấu thì lên kho xin nhận đồ của mình lưu giữ, nấu xong bỏ lại vị trí cũ, Lâm nhớ Đèn lùn tịt nhưng lúc nào cũng cười tươi và đặc biệt với giọng Bắc hơi cao ngạo chửi tá lả bất kể. Đèn từng vạch áo chìa ngực thách thằng “chèo” quản chế “có ngon thì bắn tao đi” trong một vụ cãi cọ về “chỉ tiêu trong ngày” khi thằng quản giáo cầm thước đo diện tích miếng đất hoang mà đội hắn phải cuốc lên để trồng sắn. Thằng Ngà quản giáo luôn có cái tật đo thước thì nhích thêm một chút cho nó dài ra. (“Chèo” quản chế là những gã tân binh lon ton đi theo đội cầm súng trường 1 trước, 1 sau, quan sát kỹ 2 hàng tù mỗi khi xuất trại đi làm hay về).
Chẳng biết Đèn giấu thỏi than củi đó chỗ nào, lúc nào, chắc là hắn phải vất vả và thật cẩn thận vì xung quanh tai mắt trùng trùng vào những đầu năm 1984 thì vô cùng nguy hiểm cho trò chơi chết người và văng nhiều miểng này. Ừ, hạ sĩ Nguyễn Văn Đèn chơi một phát rung động chiến trường thầm lặng. Nửa đêm hắn bò dậy vào trong cầu tiêu, nhà nào cũng có 1 cái đầu hồi, nói là đầu hồi thật ra là một vách xây ngang, có cái cửa nhỏ, ngang 3 mét, sâu 2 mét kê trong đó 2 cái thùng phân mà tất cả đều một khuôn. Chàng lùn ngồi trên một cái thùng, lấy than viết mấy chữ to tổ bố trên vách tường sát cái thùng “Lăng HCM”. Xong hắn còn chơi ngon thêm 1 dấu mũi tên chỉ vào cái lỗ hình chữ nhựt.
Sáng hôm sau cả phân trại B của Trại Trừng Giới, nhốt toàn thứ dữ từ các trại khác đưa về. Từ Suối Máu và trận nổi dậy liên K với các tay nhà binh thà chết không hèn, từ Z30D những tên không bao giờ chịu “cải tạo”,từ hoả ngục Chí Hòa và các hào kiệt được tập kết, điểm danh. Tất cả về Trại Trừng Giới, là nơi mà Nguyễn Văn Bàng tên GiámThị trưởng chính gốc liênkhu 5 từngphát biểu 1 câu “chúng mầy vào đây chỉ chờ ngày... chết”.
Lâm ráng chút nữa khều cái thùng về phía mình, hắn muốn tè, Lâm thật khéo nghiêng người mình sao cho cái chân bị cùm không nhúc nhích, hắn nằm ngang và tè, nhưng đâu còn nước mà tè vào trung tâm “Lăng” chỉ một vài giọt kẹo kéo rớt xuống và rớt trên đùi hắn.
Trời! cái vụ hạ sĩ Đèn, làm hơn 3000 tù của trại bị lục tung đồ đạc cá nhơn, vạch từng tí xem có dính một vệt than củi nào không. Đương nhiên biệt giam dậy sóng, người ra, người vào. Sau cùng không tìm ra hung thủ đã xây cái “Lăng” bọn cai tù xiết thêm thòng lọng. “Cấm nấu nướng”, trừ duy nhứt trưa ngày Chúa nhựt…
Họ Trịnh nghe đói cồn cào, lót hai tay dưới đầu, Lâm cố quên cái đói để chìm trong giấc ngủ, một giấc ngủ với cái bụng cào xé và những suy nghĩ vẩn vơ thoáng đến, thoáng đi trong đầu.
………
A20 Nguyễn Thanh Khiết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét