Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Có Những Mùa Xuân - Hùng Biên

Trong vũ trụ, xoay vần theo năm tháng với bốn mùa tuyệt đẹp khiến lòng người luôn hòa nhịp theo các mùa trong các công việc mang lại niềm vui cho mình, cho gia đình và tô đẹp cho cuộc sống. Mùa Xuân có phải là mùa đẹp nhất với muôn hoa đua nở, muôn thú tung tăng và con người khởi sắc, cho những dự tính mới, những hy vọng hội ngộ, tha thứ và yêu thương? Có phải mùa Xuân đã mang lại hạnh phúc trọn vẹn trong mỗi gia đình, khi chúng ta đón và vui Xuân với đầy đủ thân quyến trong an lạc, ấm no và thanh bình? Có phải mùa Xuân thật sự đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho cả dân tộc Việt Nam (VN) khi mỗi gia đình hạnh phúc vui Xuân trọn vẹn của riêng mình?
<!>
Không phải lúc nào cũng thế. Dân tộc VN chúng ta chưa có được một mùa Xuân hạnh phúc đúng nghĩa trong tình gia đình, hay tình dân tộc kể từ khi chủ thuyết và bè lũ Cộng Sản tràn vào VN. Dân tộc VN chúng ta chỉ có những mùa Xuân trong chia ly, lo lắng, nhớ thương và đói khổ.

Hòa trong không khí Xuân, đón chào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang về trong mỗi gia đình VN khắp nơi, tôi đang mang tâm trạng bâng khuâng của một người con viễn xứ, đang mong chờ đón chào một mùa Xuân trong tình tự dân tộc trên quê hương VN. Ngày ấy liệu có thể sớm hay không?

Xuân đất khách, tôi nhớ mãi những mùa Xuân quê nhà năm nào của tuổi thơ trong thời chiến, trong nhà tù CSVN và trên bước đường lưu vong. Nhìn chú chim thánh thót, hót vang trên cành cây sau nhà, dưới những tia nắng vàng buông nhẹ, tôi thả tâm hồn miên man theo dòng suy tưởng về những mùa Xuân năm xưa.

Ở một góc nhỏ nào đó, là một hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) có cha là lính chiến, tôi đã trải qua những mùa Xuân trong đời với đầy thương nhớ, trông chờ, đói ăn thiếu mặc và căm hận. Những ký ức mùa Xuân này luôn mãi ghi đậm trong tâm trí của tôi từ thuở còn thơ đến mãi hôm nay. Một chút rung động nào đó, những kỷ niệm ấy được gợi đến như chợt kéo về, mang những hồi ức xa xưa trở về hiện tại.

Mùa Xuân thời chiến.

Như các bạn trẻ cùng trang lứa, anh em tôi đã sinh ra trong thời gian mà miền Nam đang trải qua cuộc chiến điêu linh. Chúng tôi đã may mắn được lớn lên trong vài năm đầu trong xã hội Miền Nam Việt Nam (MNVN) mà chính phủ VNCH đã lo cho người dân được ấm no và hạnh phúc. Cho dù được nuôi dưỡng và hít thở trong môi trường lành mạnh, chúng tôi còn quá nhỏ để cảm thấy được được không khí tự do, dân chủ và nhân quyền đang hiện hữu trên mãnh đất thân yêu MNVN mà thế hệ cha anh, những người lính VNCH, đang ngày đêm cầm súng bảo vệ, chống lại đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) xâm lược. Theo lời mẹ kể, những mùa Xuân đầu đời của anh em chúng tôi có đầy đủ ấm no, nhưng thường thiếu vắng hình bóng người cha, khi ông vẫn còn cùng đơn vị hành quân ở những vùng địa đầu giới tuyến.

Trong khi anh em tôi hồn nhiên quây quần nô đùa bên nhau, bên mẹ trong những ngày Tết, thì ở đâu đó nơi miền chiến tuyến, có những người cha, người anh đang ghìm chắc tay súng, chào Xuân bằng những tràng đạn pháo giao tranh với quân thù. Tiếng pháo Xuân, hay tiếng đạn pháo kích vang vọng về thành phố, là niềm vui cho lũ trẻ ngây thơ, lại là nỗi lo sợ cho những người mẹ, hay người vợ lính VNCH. Những mùa Xuân đầu đời của anh em tôi như thế. Chúng tôi có đầy đủ tình yêu thương của mẹ nhưng luôn thiếu vắng tình cha, mà chúng tôi nào hay biết. Đó cũng là mùa Xuân tuổi thơ của những đứa trẻ có cha là lính chiến.

Khi người dân miền Nam đang được hưởng những mùa Xuân an lành và hạnh phúc thì cũng đây đó trên mảnh đất MN có những gia đình đang đón Xuân trong niềm thương nhớ và thiếu vắng người con, người cha hay người anh, những người lính trận đang giữ yên bờ cõi trước đoàn quân CS hiếu chiến xâm lăng. Khi mùa Xuân đi qua, có những gia đình mãi không còn có dịp gặp lại người con, người cha, người anh thân yêu vì đã xả thân ngoài mặt trận, cho mùa Xuân được về trên thôn xóm MN.

Mùa Xuân thời chinh chiến đã là mùa Xuân không trọn vẹn trong từng gia đình và dân tộc VN. Chỉ có bè lũ CSVN vô thần cho tham vọng xâm chiếm, gieo rắc chủ nghĩa CS lên cả dân tộc, đã đánh phá các xóm làng MN khi Xuân về. Mùa Xuân thời chinh chiến đã ghi đậm những hy sinh của người lính VNCH, những trông chờ, hay mất mát của người mẹ, người vợ, hay người con lính VNCH.

Mùa Xuân thời chinh chiến đã ghi lại một mùa Xuân đau buồn cho cả dân tộc VN. Dòng sử Việt sẽ mãi ghi lại tội ác của CSVN khi thảm sát người dân vô tội vào mùa Xuân Mậu Thân 1968. Thật thiếu xót, nếu bài viết này bỏ qua cái mùa Xuân tang thương ấy. Xin mượn vài dòng chữ ghi lại theo những gì học hiểu qua sách vở, báo chí về thảm sát Mậu Thân 1968. Hy vọng các dòng chữ chứng minh và lưu lại cho quý bạn, những thế hệ trẻ hôm nay và mai sau,về tội ác của CSVN - Kẻ đã, đang và sẽ mãi cướp đi những mùa Xuân của dân tộc VN.

Mùa Xuân tang thương.

Lợi dụng sự tin tưởng của quân đội miền Nam vào lệnh hưu chiến đã được cam kết giữa CSBV với đồng minh Hoa Kỳ và VNCH, tên CS khát máu Hồ Chí Minh đã xua quân tấn công vào các tỉnh thành lớn nhỏ từ sau vĩ tuyến 17 cho tới tận mũi Cà Mau, vào thời khắc giao thừa của Tết Mậu Thân 1968. Cả MNVN chìm trong biển lửa, trong mưa đạn. Mùa Xuân thiêng liêng của dân tộc đã bị hủy hoại trong bàn tay CSBV, lũ cầm thú, vô nhân tính. Nhiều khu dân cư đã bị chúng vào bắn phá, gây ra muôn cảnh màn trời chiếu đất, chết chóc tang thương. Khi quân lính CSBV bị đánh bật ra khỏi thành thị, chúng đã dã man đốt nhà và giết sạch những thường dân vô tội đang bị chúng bắt giữ. Thảm khốc nhất xảy ra tại Huế, CSBV đã tàn bạo giết những thường dân bằng cách đập đầu hay lùa vào hàng chục hố chôn tập thể. Theo nhiều thống kê được ghi nhận lại (theo nguồn wikipidia) thì đã có hơn 3000 thường dân bị CS giết chết trong hơn 6000 thuờng dân vừa chết, vừa mất tích do CS gây ra chỉ qua Mậu Thân 68 tại Huế.

Thương thay cho dân tộc VN đã không có những mùa Xuân thanh bình từ trong thời chiến! Những tiếng ai oán, khóc than của các gia đình nạn nhân CS qua các mùa Xuân tại đâu đó hay tại Huế năm 1968 vẫn mãi vang vọng tới tận trời cao và dội về qua những trang Sử đau thương của dân tộc VN. Mỗi khi ngày Tết đến, trong khi các gia đình đang vui đón Xuân, thì lại có nhiều gia đình khói hương nghi ngút, cúng giỗ người thân bị CSVN giết chết vào cái Tết Mậu Thân 68 năm nào.

Mùa Xuân nhớ thương

Những mùa Xuân đầu đời tiếp nối trôi qua. Có ai nhớ và tự hỏi là đã biết được mùa Xuân đầu tiên trong đời, cũng như biết được những vui mừng khi đón Xuân về? Tôi đã không có ý thức rõ rệt về những cảm giác hạnh phúc đầu tiên. Nếu có thì đó là hình ảnh của một mùa Xuân trong đau thương, cùng khó. Đó là những hình ảnh của mùa Xuân của một đứa trẻ sống trong cơ cực, thiếu thốn mọi thứ, và nhất là thiếu hẳn hình bóng người cha, khi ông đang bị giam cầm trong lao tù CS, nơi miền Bắc xa xôi.

Sau ngày đen tối 30-4-1975, ngày CS đã cưỡng chiếm miền Nam, hàng trăm ngàn cựu Quân-Dân-Cán-Chính VNCH bị lùa vào những nhà tù khổ sai từ miền Nam ra tận miền Bắc. Dân tộc VN đã đi vào một khúc quanh đen tối với những chuỗi ngày dài bị CS đàn áp, cướp đoạt và giết hại. Tự do, hạnh phúc, và ấm no của dân tộc bị CS cướp sạch. Cuộc sống của thường dân đã bị CS bóp nghẹt trong xiềng xích gông kìm búa liềm CS. Dân chúng đã bị đối xử tàn tệ như thế nên chúng ta không ngạc nhiên khi CSVN đối xử càng thậm tệ hơn với những gia đình có liên hệ với chính quyền VNCH.

Vì bị liệt kê có chồng là sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), mẹ tôi cũng như bao người vợ lính VNCH đồng cảnh, đã bị trù dập, không xin được một công việc hãng xưởng, hiện do chế độ CS kiểm soát và ban phát. Mẹ đã lấy việc buôn bán làm nguồn sống cho gia đình. Vất vả nắng mưa, đi sớm về khuya, mẹ cũng chỉ kiếm đủ tiền lo cho 5 anh em tôi tạm đủ ăn mặc và được cấp sách tới trường. Có chút dành dụm là mẹ gói quà gởi cho ba. Thương mẹ anh em tôi sớm phụ mẹ trong công việc gia đình, buôn bán nhỏ và không đòi hỏi bất cứ điều gì vì sợ mẹ buồn.

Mỗi chiều, anh em tôi như những đàn chim nhỏ, ra trước đầu ngõ, trông ngóng mẹ về. Khi những ngày Tết đến gần, mẹ buôn bán về trễ hơn thường ngày. Để cho các con có được niềm vui qua một bộ đồ mới đón Xuân, mẹ thường dẫn anh em tôi đi mua sắm ở phiên buổi chợ cuối năm, khi các sạp quần áo cũng đang chuẩn bị đóng lại. Niềm vui Xuân của anh em tôi thật nhỏ bé qua một bộ quần áo và đôi giày mới duy nhất của năm. Chúng tôi sẽ được mặc vào và khoe với chúng bạn trong những ngày Tết. Chúng tôi sẽ giữ gìn, mặc kỹ lưỡng cho cả một năm trước khi có thêm một bộ quần áo mới vào năm tới. Có được niềm vui qua từng tấm áo đôi giày mẹ cho, anh em tôi rất trân quý vì đó là tình thương yêu của mẹ đã buôn bán chắt chiu dành dụm mua cho. Nghèo lắm, mẹ cũng ráng lo cho 5 anh em tôi được khoác lên người một bộ đồ mới, vui với chúng bạn qua 3 ngày Tết, khỏa lấp niềm thương nhớ người cha, vẫn còn trong lao tù CS.

Tuổi thơ của chúng tôi, những đứa bé đã biết nhận thức trong hoàn cảnh thiếu thốn, bên tình yêu thương chăm sóc của mẹ, cũng cảm thấy an ủi phần nào, dù thiếu vắng cha. Chúng tôi có 3 ngày Tết bên mẹ, với những bữa ăn đạm bạc, tuy khá hơn hàng ngày với những miếng thịt mà chế độ Cộng Sản Việt Nam (CSVN) chỉ bán “tiêu chuẩn” cho người dân vào dịp Tết đến.

Thương cho thận phận anh em tôi, cho các bạn đồng cảnh của tôi, và xa hơn cho cả dân tộc VN tôi khi đang chịu chung số phận với những mùa Xuân thiếu vắng niềm vui, tiếng cười và hạnh phúc với người thân! Chính bè lũ CSVN đã cướp đi những mùa Xuân trong mọi gia đình của người dân VN.

Cho dù cuộc chiến đã đi qua, dân tộc VN vẫn mãi đắm chìm trong chuỗi ngày dài đen tối khi những kẻ cầm quyền CSVN, đã và đang cai trị người dân bằng đàn áp và cướp bóc. Một dân tộc không thể nói là đang có mùa Xuân thanh bình khi vô số người dân đón Xuân trong cảnh màn trời chiếu đất, trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc, trong cảnh nom nóp lo sợ hay trong cảnh gia đình ly tán khi có người thân đang bị CSVN giam cầm vì các tội yêu nước chống Trung Cộng xâm lược hay các tội vì đòi hỏi quyền sống, được tự do, dân chủ và nhân quyền. Một khi những viễn cảnh đen tối ấy vẫn còn bao trùm lên dân tộc VN thì sẽ không có một mùa Xuân thanh bình đúng nghĩa cho dân tộc VN.

Mùa Xuân đoàn tụ.

Vào buổi trưa của một ngày cận Tết, tôi đang phụ ông ngoại cạo sét và sơn lại hàng rào cửa sắt, bổng chợt nhìn thấy một chiếc xích lô máy nổ inh ỏi, đậu lại trước thềm nhà. Bước trên xe xuống, là hai bác ở tuổi trung niên trong bộ đồ xám nhạt, tiến vào sát cửa và một bác đã cất tiếng hỏi:

- Thưa bác, cho con hỏi... đây có phải là nhà của vợ con anh Nguyễn Minh Đường không bác?

Ông ngoại và tôi quá đổi ngạc nhiên khi nghe câu hỏi về tên của ba tôi. Một cái tên đã lâu lắm không ai hỏi tới kể từ ngày bọn giặc đỏ CS có mặt trên mảnh đất Sài Gòn, Gia Định này. Ngoại tôi liền hỏi lại:

- Cháu vừa hỏi gì?

- Dạ, tụi con hỏi... có phải nhà vợ con của anh Đường, Nguyễn Minh Đường ở đây không bác? Bác kia lên tiếng.

- Đúng rồi, đúng rồi các cháu. Đây là nhà của vợ con thằng Đường. Ngoại tôi vồn vã trả lời. Quay sang tôi, ông nói tiếp:

- Đây là con trai lớn của nó.

- Con ghé ngang báo cho bác tin vui là Đường đã được thả về cùng tụi cháu. Đường đi xe lửa nên có thể về tới nhà vào tối ngày mai. Bác ấy tiếp lời.

Thấy ông ngoại tôi ngập ngừng như muốn dò hỏi gì, bác lớn tuổi nói tiếp.

- Tụi con nhờ có chút tiền gia đình gởi cho, nên đã nhảy xe đò về trước và luôn thể ghé sang báo tin cho bác và vợ con Đường biết.

Một niềm vui bất chợt đến, không được báo trước, ông ngoại tôi thoáng qua một chút bàng hoàng, nhưng kịp nhớ và nói liền:

- Vợ Đường đi bán không có nhà. À, hai cháu tên gì? Mời hai cháu vào nhà dùng nước.

- Dạ, con tên Thành và đây là Cư. Tụi con cảm ơn bác. Tụi con ghé qua báo tin cho gia đình Đường vui. Tụi con phải đi ngay, về lại xum họp với gia đình. Tụi con kính chào bác.

- Bác cảm ơn hai con nhiều. Ông tôi nói lại.

Quay nhìn về phía tôi, bác Thành nói tiếp:

- Cho hai bác gởi lời thăm mẹ. Thôi hai bác đi nha con.

Tôi chỉ kịp ú ớ thưa:

- Dạ, con cảm ơn hai bác nhiều.

Tiếng xích lô máy lại nổ inh ỏi, quay đầu và khuất dạng qua ngã ba đầu đường, trong khi ngoại và tôi vẫn dõi mắt nhìn theo. Giờ đây, tâm trí tôi đang thẫn thờ ôm chặt lấy tin vui lớn này. Tôi không thể tin vào những lời đối đáp ngắn gọn của hai bác và ông ngoại. Đây quả là tin vui quá lớn, mà tôi đã trông chờ theo năm tháng tuổi thơ và nay nó đến một cách bất ngờ. Tôi bỏ hết công việc sơn cửa còn dang dở, chạy bộ thật nhanh ra chợ Bà Chiểu để báo tin cho mẹ hay. Chiều hôm đó, mẹ tôi đóng vội gian hàng bán quần áo may sẵn, về nhà sớm hơn mọi khi, để thu xếp đón lại người chồng, đã qua 10 năm xa cách.

Đúng như lời bác Thành dự đoán, ba tôi đã đi trên chuyến xe lửa cuối năm về tới ga Bình Triệu vào chiều tối 28 Tết. Nhờ người dì, em mẹ, nhà gần ga Bình Triệu. Qua quen biết, dì đã xin vào bên trong ga và đi dọc theo từng toa xe, gọi tên ba tôi: "Anh Đường"... "Anh Đường". Cuối cùng dì cũng tìm được ba tôi.

Trong niềm sung sướng vô tận, mẹ và anh em tôi đã gặp lại ba tôi trong nỗi ngỡ ngàng. Trước mắt tôi là người cha cao to, đầu tóc bạc trắng, khác hẳn với thân hình cao ốm mà tôi ghi lại trong trí nhớ sau lần duy nhất cùng mẹ ra Bắc thăm ba vào năm 1979. Chỉ sau sáu năm, thân hình của ba tôi đã thay đổi nhiều. Sau này, tôi được biết cái thân thể to lớn của ba là do căn bệnh phù thũng, còn đầu tóc bạc trắng vì ăn uống thiếu chất bổ gây ra. Ba tôi trông già hơn so với cái tuổi trung niên. Đúng như câu "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại". Có nghĩa là một ngày trong tù như bằng hàng ngàn năm sống bên ngoài.

Hình ảnh mùa Xuân đoàn tụ đã mãi ghi lại dấu ấn trong tâm hồn tôi. Anh em tôi đã lâu rồi mới có những ngày Xuân hạnh phúc của một gia đình có cha mẹ đầy đủ. Từ Xuân đó, mẹ tôi đã có người chồng bên cạnh, để cùng đồng cam cộng khổ, lèo lái gia đình trong bể khổ trần ai, trong cái xã hội CS. Cũng từ Xuân đó, anh em tôi đã có người cha bên cạnh, để được uốn nắn, dạy dỗ, và dìu dắt bước đi trong xã hội CS có nhiều tệ đoan, hư hại, và thối nát.

Mùa Xuân đoàn tụ năm đó đã cho tôi thấy rõ cái tình thương của mọi người trong gia đình, họ hàng, và bạn bè. Mọi người đã tìm đến thăm ba tôi, an ủi hay tặng một chút quà nhỏ, nhưng rất lớn so với cuộc sống khó khăn của họ trong chế độ nhiễu nhương CSVN. Những người bạn tù CS đã tìm đến thăm và chúc sức khỏe ba tôi. Và đậm nét, tình cảm của hai bác Thành và Cư đã dành cho ba và gia đình tôi. Sau này, tôi được ba cho biết rõ thêm, đó là bác bảy Thành và bác mười Cư, bạn thân với ba tôi trong tù. Bác Thành cũng là cựu thiếu tá, cùng binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, QLVNCH với ba tôi trước đây.

Việc báo tin của hai bác Thành và Cư đã cho tôi một bài học quý về tình bạn, tình thương yêu của những người tù của chế độ CS. Tới giờ phút được thả về với gia đình, họ vẫn nghĩ tới nhau, tìm tới và đem đến niềm vui cho vợ con người bạn tù cho dù chỉ sớm hơn một ngày. Thời gian ấy tuy ngắn, nhưng rất dài đối với mẹ và anh em tôi đang nôn nóng chờ đợi. Tôi luôn mãi nhớ và trân quý tình cảm của hai bác đã dành cho ba tôi. Sau này, sống gần bên ba, tôi đã được nghe ba kể rất nhiểu mẫu chuyện về đời lính VNCH và đời tù CSVN. Đâu đó trong các câu chuyện, tôi luôn nhìn thấy hình ảnh những người lính VNCH thương yêu, chăm sóc và che chở nhau qua các chiến trường lửa khói; hay hình ảnh những người tù dưới chế độ CS chia xẻ từng tấm áo, mảnh chăn chắp vá cho qua cơn giá lạnh; hay từng củ khoai, muỗng bắp, muỗng bo bo cho qua cái đói; hay là tách trà cho ấm lòng qua đêm lạnh trong ngục tù. Đẹp thay cho tình lính, tình bạn tù của những người cùng chung lý tưởng Quốc Gia, sống còn theo vận nước và luôn mãi bên nhau!

Những mùa Xuân hạnh phúc cho gia đình có cả cha mẹ của tôi tiếp tục đi qua. Anh em tôi ngày một khôn lớn, đã biết phụ giúp cha mẹ nhiều hơn trong các công việc nhà và buôn bán. Qua dạy dỗ và chỉ bảo từ ba, anh em tôi hiểu biết nhiều hơn về những gì xảy ra trên quê hương VN qua cuộc chiến điêu tàn, hiểu biết nhiều hơn về chính nghĩa VNCH, bảo quốc an dân, trong đó là vô số những mất mát tang thương của người dân từ trong cuộc chiến cho mãi tới hôm nay.

Mùa Xuân ly hương

Có lớn lên trong xã hội CS, tôi đã tận mắt nhìn thấy rõ bộ mặt thật của CSVN, những kẻ cầm quyền đang cai trị người dân bằng bạo lực, cướp đoạt mọi quyền sống của họ qua các sinh hoạt như đi lại, buôn bán, hay giải trí. Chúng cướp đoạt tài sản người dân bằng các thủ đoạn đê hèn như đổi tiền, cướp nhà bằng cách bắt dân đi kinh tế mới, cướp cơ sở làm ăn bằng cách bắt dân đưa tài sản vào hợp tác xã. Đã có những phản kháng mạnh mẽ với bọn cầm quyền CSVN khi nỗi uất ức của người dân lên cao, bị dồn vào đường cùng. Tôi nhớ mãi hai sự việc xảy ra trong khu phố tôi ở.

* Vụ thứ nhất: Vì bị CSVN cưỡng ép cướp lấy cây xăng nằm trên đường Lê Quang Định, ở khúc giữa đường Nơ Trang Long và Phan Văn Trị, một bạn trẻ trạc tuổi tôi đã giữ lấy bình xăng, thách thức bọn cầm quyền, nếu ra tay thì bạn sẽ liều mình cho nổ các bình xăng, thiêu rụi cây xăng. Việc bạn trẻ làm đã gây ra sự chú ý của rất nhiều người qua lại và gây căm phẫn vì hành động ăn cướp của bọn CS. Bọn công an đã không dám ra tay với bạn trẻ ấy, nhưng đêm về thì chúng tìm đến bắt bạn ta cho tội phá rối trật tự xã hội. Sau này, cái cây xăng ấy cũng nằm trong tay bọn chúng.

* Vụ thứ hai: Vì bị CSVN ngang nhiên đem xe tới chở đi cái máy in duy nhất, là kế sinh nhai cho gia đình, người anh trai đã nổi giận cầm dao la lớn và thách thức ai dám vào chở đi máy in. Sự việc náo động cả khu phố và hàng xóm khiến mọi người đều đồng ý với hành động của anh thanh niên, nhưng không ai dám lên tiếng. Cũng như việc đòi đốt cây xăng, công an phường đã không làm gì nhưng đêm về thì tới bắt anh thanh niên và cũng cướp đi cái máy in.

Hai vụ trên chỉ là những ví dụ nhỏ ghi lại những tội ác của những kẻ cướp CSVN lên người dân Miền Nam. Còn nhiều hành động bất nhân của chúng bộc lộ rõ bản chất thật của chúng, những kẻ cướp có thủ đoạn, những kẻ thống trị độc ác, những kẻ dối trá mị dân cho mưu đồ thôn tính VN để gieo rắc nổi thống khổ lên cả dân tộc VN, bằng chủ thuyết CS vô thần và không tưởng. Chính vì thế hàng triệu người dân VN đã tìm đường vượt biên, trốn khỏi VN.

Tôi đã có chung ước mơ như đại đa số dân Việt là được thoát khỏi cái “thiên đường Cộng Sản” VN, cái thiên đường mù, giả tạo mà như ai đã nói “cái cột đèn có chân cũng sẽ bỏ đi”.

Nhưng công việc buôn bán nhỏ của ba mẹ lo cho gia đình đủ ăn đủ mặc là diễm phúc lắm rồi thì lấy đâu ra tiền lo cho gia đình vượt biên. Nhưng rồi niềm vui đã đến, chương trình tỵ nạn HO được mở ra cho các gia đình cựu tù nhân chính trị được đi tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Qua những trắc trở từ những thủ tục hành chánh, gia đình tôi được xếp vào danh sách HO 26. Nhờ có tên trong danh sách RD3 do đại sứ quán Hoa Kỳ ở Thái Lan chuyển giao cho VN, gia đình tôi được đôn lên đi cùng HO 20. Nhưng vì trục trặc sức khỏe, gia đình tôi rốt cuộc cũng được thoát khỏi VN vào những ngày trước Tết của năm 1995.

Mùa Xuân ly hương 1995 đã là mùa Xuân rất vui khiến tôi và gia đình nhớ mãi ,sau mùa Xuân đoàn tụ. Thay vì chuẩn bị đón Xuân như mỗi năm, ba mẹ tôi lo thu xếp hành trang gọn nhẹ cho một chuyến đi xa, chuyến đi vượt thoát khỏi nhà tù lớn CS, nơi mà gia đình đã bị giam cầm trong suốt 20 năm với những buồn tủi cho thân phận bị CSVN phân biệt đối xử, kỳ thị, cưỡng ép và bóc lột.

Ngày rời xa quê hương, vào khoảng hơn một tuần trước Tết năm 1995, gia đình tôi đã được nhiều người thân, trong đó có bà ngoại là người bà duy nhất còn sống trong các ông bà nội ngoại, tiển đưa ra tận phi trường Tân Sơn Nhất. Những dòng nước mắt biệt ly giữa người đi khỏi VN và người ở lại VN mãi rơi trên từng khuôn mặt thân quen. Ba tôi và tôi, đứng chết lặng trong niềm vui, nỗi buồn trong khung cảnh biệt ly, đã không thể rơi một giọt nước mắt. Tôi đã trò chuyện, chào tạm biệt và nhìn lại những người thân lần cuối.

Khi máy bay cất cánh rời khỏi VN cũng là lúc tôi đã nhận ra rằng: Quê hương VN kể từ hôm nay sẽ là quê hương của “nghìn trùng xa cách”. Chắc sẽ không một con dân nước Việt nào lại muốn rời bỏ quê hương VN nếu nơi đó thật sự là nơi bình an, hạnh phúc và công bằng. Một khi chế độ CSVN, buôn dân bán nước còn hiện hữu trên quê hương VN, vẫn sẽ còn nhiều người muốn rời xa quê hương VN.

Khi máy bay từ từ lăn bánh và cất lên trên phi đạo, một cảm giác nhẹ nhàng đã đến với tôi. Từ giây phút này, tôi đã biết chắc gia đình mình đã thoát khỏi VN, thoát khỏi cái kìm kẹp và cai trị của CSVN.

Mùa Xuân viễn xứ đầu tiên

Sau khi rời phi trường Tân Sơn Nhất và đổi chuyến bay hai lần tại Thái Lan và Nhật, gia đình tôi và vài gia đình VN ra đi theo diện HO, ODP, và con lai đã đáp xuống phi trường Seatac, thuộc thành phố Seattle, tiểu bang Washington vào rạng sáng mùa Đông. Sau khi qua hải quan phi trường với các thủ tục nhập cảnh, gia đình tôi đã ngạc nhiên gặp được nhiều chú bác trong Hội HO Tiểu Bang Washington ra đón.

Các chú bác phát cho mỗi người trong gia đình tôi những cái áo khoác rất dầy, phủ kín từ đầu tới chân. Chúng tôi bước theo họ ra bãi đậu xe trong cảm giác lạnh se thắt của mùa Đông nơi xứ người. Kể từ giờ phút này, gia đình tôi đã thật sự đặt chân trên miền đất hứa, xứ sở của cờ hoa, đứng đầu thế giới tự do. Kể từ giờ phút này, gia đình tôi sẽ bắt đầu lại cho một tương lai mới, tươi sáng, trong xã hội tự do và dân chủ. Kể từ giờ phút này, tôi đã hứa với chính mình là sẽ không bỏ lỡ cái cơ hội tốt đẹp để học hỏi và vươn lên cho tương lai, sống hữu ích cho gia đình và xã hội.

Khi xe rời phi trường Seatac, cũng là lúc gia đình tôi bắt gặp nhiều điều mới lạ trong đời và đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Trước mắt tôi là những con đường rộng sạch, những xa lộ (freeway) nhiều lằn đường xe chạy. Trên đó toàn là xe ô tô, mà không có bóng xe mô tô, hay xe đạp. Xa xa, tôi bắt gặp những cao ốc, hay những căn nhà với khoảng sân cỏ xanh mướt. Khi xe chạy vào con đường nhỏ, tôi cảm thấy như đang ở trong một thành phố trống vắng, vì không thấy không khí nhộn nhịp với người đi bộ như ở VN. Những hạt mưa phùn lất phất cứ mãi nhẹ rơi gõ đều trên các mặt kính xe tạo nên một khung cảnh trầm lặng, nhẹ nhàng, và lành lạnh. Trái ngược với thời tiết chung quanh, lòng tôi lại có cảm giác ấm áp lạ kỳ.

Gia đình tôi được đưa về một căn hộ có 3 phòng ngủ cho gia đình 7 người. Ngay ngày đầu tiên, tôi đã làm quen với nhiều gia đình HO đang ở chung khu apartment này. Đất khách quê người, tình đồng hương đã thắt chặt các gia đình chúng tôi lại với nhau qua những chia sẻ buồn vui và giúp nhau trong con đường mới, con đường lưu vong mà chúng tôi cùng chung bước trên đó.

Mải lo ổn định cuộc sống với các giấy tờ, học hỏi để kịp hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ, gia đình tôi cũng sắp xếp để hưởng một mùa Xuân đầu tiên nơi xứ người. Chúng tôi đón Xuân trong ba ngày Tết với các món ăn đơn giản, dù thiếu hẳn cành mai, bánh mứt, hay những hình bóng thân yêu của người thân, họ hàng năm nào. Xuân đầu tiên trên xứ người không rộn rã nhưng tôi cảm thấy tâm hồn thật hạnh phúc. Chúng tôi đã trải qua những giây phút thoải mái hòa nhập cùng với thời khắc giao thoa của trời đất trong đêm giao thừa. Chúng tôi an vui đón chào Xuân mới, không còn những lo âu như khi còn ở VN.

Cũng như nhiều người Việt chịu chung kiếp đời lưu vong, tôi đã trải qua những mùa Xuân viễn xứ rất an vui và hạnh phúc từ vật chất lẫn tinh thần. Cứ độ Xuân về Tết đến, một chút rung động lại nhớ về những mùa Xuân năm nào. Vui Xuân đất khách, nhớ Xuân quê nhà. Đâu đó trên quê hương VN ngày nay vẫn còn có những đứa trẻ như chúng tôi năm nào, đang có những mùa Xuân không trọn vẹn vì thiếu vắng cha, mẹ, anh hay chị, đang bị CSVN giam cầm vì những tội yêu nước khi cất tiếng nói chống lại chính quyền CSVN buôn dân bán nước, hay chống Trung Quốc đang từng bước xâm lược bờ cõi và hủy hoại dân tộc Việt Nam bằng hóa chất độc hại. Những mùa Xuân hạnh phúc trọn vẹn với đầy đủ an lạc, ấm no và thanh bình chỉ có trong mỗi gia đình VN, trong lòng dân tộc VN, khi và chỉ khi chế độ CSVN bị xóa bỏ khỏi VN. Ước mong sao, dân tộc VN sớm có những mùa Xuân như vậy!

Vì sự sống còn của dân tộc VN, vì đem lại mùa Xuân dân tộc đúng nghĩa cho mỗi gia đình VN, xin ước mong toàn dân VN sớm thức tỉnh, can đảm cùng nhau đứng lên, tạo thành một sức mạnh vô biên, dùng mọi phương cách lật đổ chế độ CSVN. Cầu mong anh linh của các vị tiền nhân, anh hùng dân tộc và các bậc thánh nhân sáng soi, bảo vệ và truyền dũng khí cho con dân nước Việt cùng chung bước trên con đường cứu lấy dân tộc Việt Nam!

Hùng Biên
Atlanta, 02/14/2018

Không có nhận xét nào: