Suốt 4.000 năm từ thuở Hùng Vương dựng nước cho đến nay, Nước ta sống dưới chế độ phong kiến cho tới năm 1945, Phụ nữ bị đánh giá thấp, luôn luôn dưới quyền nam giới, kể cà việc học hành, thi cử, không được phép đi thi như nam giới, nên muốn đi thi Hương, thi Hội và thi Đình, Phụ nữ phải cải trang thành nam giới để đăng thí dự các khoa thi do các Triều đình tổ chức. Chặng hạn như dưới triều nhà Mạc, có một kỳ thi mà người đậu thủ khoa là một phụ nữ giả trai tên là Nguyễn Thị Duệ. Phụ nữ dù là hoàng tộc hay có tước hiệu cao quý, cũng chịu chung một số phận bị bạc đãi. Tuy thế, nhiều Công chúa nước ta đã có công lớn với giang sơn đất nước, dù cuộc đời ba chìm bảy nổi.
<!>
Chúng ta nhớ lại Lịch sử với 15 Vương triều đất Việt:
Hùng Vương - Thục – Trưng – Tiền (Hậu) Lý – Ngô –
Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hồ -
Lê Sơ – Mạc – Lê (Trung hưng) – Tây Sơn – Nguyễn.
Lịch sử Tiên Rồng !
(Lời mới bài “London Bridge”)
1. CÔNG CHÚA MỴ CHÂU
Là con gái của vua Thục An Dương Vương, nàng vì nước nên phải tuân lời vua cha kết hôn với Trọng Thủy, con trai của tướng Triệu Đà – lợi dụng nhà Tần thất bại, khi nhà Tần bị nhà Hán tiêu diệt. Triệu Đà lập tức đánh chiếm cả Quế Lâm và Quận Tượng lập ra nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung, lập một nước riêng không chịu thần phục nhá Hán và xâm lăng nước Âu Lạc của vua Thục.
Vua An Dương Vương đóng đô ở thành Cổ Loa, trên đất Văn Lang cũ, thuộc huyện Đông Anh – Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội. Loa Thành là một công trình kiến trúc vĩ đại, từ ngoài đi vào thì xoáy trôn ốc nên có tên gọi thế, gồm ba vòng trong ngoài cao rộng, có sông Hồng chảy qua thuận lợi cho việc đi lại trong vùng, xuôi sang sông Cầu và sông Thái Bình. Thành lũy có nhiều vọng gác là nơi đóng quân kiên cố. Vua Thục dùng tướng Cao Lỗ sáng chế ra Nỏ Liên Châu, bắn một lần nhiều phát tên có mũi bằng đồng, được dân gian gọi là Nỏ thần.
Sau nhiều lần tấn công thất bại, biết không thể chinh phục nước Âu Lạc bằng vũ lực, Triệu Đà xin giảng hòa với vua Thục và xin cầu hôn công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thủy và cho con trai sang ở rể tại kinh thành Cổ Loa. Trọng Thủy đã đánh cắp các bí mật quân sự, làm mất uy thế, làm suy yếu lực lượng quốc phòng nước Âu Lạc. Sau đó, Triệu Đà khi được tin báo của Trọng Thủy, lập tức tiến quân xâm lược Âu Lạc, vua Thục thất bại, vội chạy ra biển, nhận rõ con gái phản bội, giết đi, rồi nhảy xuống biển tự tử.
.Do sai lầm chủ quan của mình mà An Dương Vương đã bắt công chúa Mỵ Châu hy sinh cuộc đời con gái để vô tình mang tội phản quốc, tình yêu dang dở. Thật là tội nghiệp cho nàng công chúa Mỵ Châu!
2. LÊ CHÂN ĐƯỢC PHONG “THÁNH CHÂN CÔNG CHÚA”
Nữ tướng Lê Chân quê ở một làng nhỏ là An Biên, huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Với dung mạo xinh đẹp, giỏi võ và thơ phú, bà nổi tiếng khắp vùng. Nghe tiếng Lê Chân, thái thú Tô Định đã ép bà về làm thiếp. Buộc lòng, bà phải trốn đến vùng sông Cấm, khai đất khẩn hoang lập nghiệp tạo nên một vùng đất trù phú, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay.
Không những thế, bà Lê Chân còn truyền bá nghề trồng dâu, nuôi tằm, đánh bắt thủy sản cho nhân dân, giúp họ có cuộc sống ấm no. Bà còn chiêu mộ trai tráng, huấn luyện thành đoàn binh tinh nhuệ về thủy chiến. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa vào năm 40, Lê Chân đã mang quân gia nhập, góp sức đánh đuổi quân Đông Hán giành nền độc lập cho nước ta. Trong các trận chiến, bà thường được cử làm Tướng tiên phong và lập được nhiều chiến công hiển hách.
Vì thế, bà Lê Chân đã được Trưng Nữ Vương phong là Thánh Chân công chúa. Sau khi Hai Bà Trưng trầm mình tại sông Hát, bà Lê Chân rút quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn, thuộc Hà Nam ngày nay, để củng cố lực lượng, chờ cơ hội phản công chống lại quân Đông Hán giành độc lập.Tuy nhiên, lực lượng ta thế yếu, Mã Viện là một vị lão tướng nham hiểm với đông quân lính, nên để bảo vệ danh tiết, bà trầm mình xuống sông Hát như hai chủ tướng của mình.
Thương tiếc người con gái tài hoa, sau này , vua Trần Anh Tông phong bà Lê Chân là Thành hoàng xã An Biên. Hiện nay Hải Phòng nhớ ơn công lao thành lập vùng An Biên, nay là Hải phòng, nên lập Đền Nghè ờ trung tâm thành phố cùng với bức tượng bà Lê Chân mặc áo giáp oai phong đứng trên bệ cao ngất ngưởng, tọa lạc gần nhà Hát lớn của thành phố, nhìn ngắm Hải Phòng rạng rỡ công đức của nữ tướng Lê Chân tức Thánh Chân công chúa mãi mãi.
3. LÝ CHIÊU HOÀNG – NỮ HOÀNG DUY NHẤT TRONG LỊCH SỬ
Bà là con vua Lý Huệ Tông, tên húy Phật Kim, tước hiệu Chiêu Thánh công chúa. Cả cuộc đời công chúa Phật Kim trải qua những vị trí cao trong triều đình, hưởng thụ vinh hoa phú quý, nhưng đến khi nhắm mắt vẫn không tan hết nỗi niềm tâm sự ray rứt riêng.
Mới lên 6 tuổi, Công chúa Phật Kim được vua cha truyền ngôi, niên hiêu là Lý Chiêu Hoàng, trở thành vị Nữ hoàng duy nhất của nước ta (Trưng Nữ Vương là vị Nữ Vương đầu tiên của đất Việt vì Trưng Trắc tự xưng vương). Dù ngồi trên ngôi vua, nhưng bà không có thực quyền, sau một năm, bà bị ép nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, sau khi lên ngôi, tức là vua Trần Thái Tông, lúc đó bà trở thành Chiêu Thánh hoàng hậu.
Sau 12 năm là hoàng hậu nhưng không sinh được con nối dõi, Lý Chiêu Hoàng một lần nữa bị buộc nhường ngôi hoàng hậu cho chị gái . Bà sống âm thầm cho đến năm 1258, vua Trần Thái Tông, tức chồng cũ, mang gả bà cho bề tôi của mình là Lê Phụ Trần.
Sau này, khi qua đời, Lý Chiêu Hoàng không được thờ chung với dòng họ Lý, vì vị dòng tộc phán là có tội do để mất ngôi vua về tay nhà Trần.
4. AN TƯ CÔNG CHÚA – CHIÊU QUÂN NƯỚC VIỆT
Là con gái của vua Trần Thái Tông, nàng công chúa cành vàng lá ngọc An Tư lại có một số phận bi hùng. Năm 1285, trong hoàn cảnh thành Thăng Long bị quân Nguyên vây hãm, vua Trần thực hiện “mỹ nhân kế”, đem An Tư xinh đẹp dâng cho tướng giặc là Thoát Hoan để tạm cầu hòa chờ cơ hội phản công.
Tuy nhiên, sau khi chiến thắng quân Nguyên, vua Trần luận công khen thưởng hậu hĩ cho các tướng sĩ có công lao, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến An Tư công chúa. Không những thế, sau khi Thoát Hoan thua trận, trốn về nước, số phận của công chúa về sau cũng chẳng ai rõ. Có giả thuyết cho rằng An Tư cũng bị bắt về Tầu nhưng cũng có người bảo rằng nàng đã chết trong đám loạn quân.
Mãi gần đây, cuộc đời và công lao của công chúa với quê hương mới được ghi nhận, nhờ nhiều tác phẩm nghệ thuật văn chương và sân khấu. Điển hình là cuốn tiểu thuyết “An Tư” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
5. HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA – MỞ MANG BỜ CÕI
Phật Hoàng VN Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo chiến thắng giặc Nguyên, trong thời bình, nhà vua thực hiện chủ trương “Khoan sức dân”, với tầm nhìn xa trông rộng, ngay cả sau chiến thắng và khi đã nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng hoàng (năm 1290), Trần Nhân Tông vẫn tham gia chính sự, trực tiếp điều binh khiển tướng củng cố vùng biên giới phí Tây và phía Nam đất nước. Ngay cả khi đã xuất gia, sáng lập phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, ông đã bôn ba hoằng dương Phật pháp ở phương Nam xa xôi, ông lại còn đóng thêm vai “Ong mai, ông mối”, dù chỉ có một con gái duy nhất, vậy mà vì vùng phên dậu phương Nam quan trọng, vì xã tắc muôn đời, ông sẵn sàng chịu để cho người đời chê trách. Ông có nghe câu:
Tiếc thay cây Quế giữa rừng
Để cho thằng Mán , thằng Mường nó leo?
Ông biết nhưng ông tin cuộc đời sẽ hiểu, con cháu sau này sẽ mãi tri ân. Chính nhờ Huyền Trân công chúa gả cho chúa Chiêm thành (Champa, tên một loài hoa đại) là Chế Mân, mà bờ cõi nước Nam có thêm hai châu Ô, châu Lý sau đổi là châu Thuận, Hóa, chạy dài tới tân đèo Hải Vân.
Công chúa có dung mạo xinh đẹp, mới 19 tuổi, nàng vâng lênh vua cha về làm dâu nước Chiêm. Bất hạnh cho Huyền Trân là bà chỉ làm hoàng hậu được gần một năm thì Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm, hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu theo chồng về thế giới bên kia. Vì thế nhà Trần đã cho tướng Trần Khắc Chung sang tìm cách đưa Huyền Trân công chúa trở về nước Nam, chuyến hải trình kéo dài hơn một năm cho đôi trai tài gái sắc lãng mạn, dù tuổi tác hai người có thể khá so le (Chúng ta liên tưởng tới mối tình lãng mạn của mỹ nhân Tây Thi và tướng Phạm Lãi khi hai người tái ngộ sau khi quân Việt Câu Tiễn thắng quân Ngô Phù Sai).
6. NGỌC HÂN CÔNG CHÚA – BÊN TÌNH BÊN NGHĨA
Công chúa ra đời trong hoàn cảnh nhà Lê Trung hưng suy yếu, không nắm thực quyền. Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nắm giữ hết quyền hành. Khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, dẹp chúa Trịnh, vua Lê rất lo sợ. Để bảo vệ ngôi vị cho vua Lê, Ngọc Hân công chúa vâng mệnh vua cha là Lê Hiển Tông, kết duyên cùng anh hùng áo vải Nguyễn Huệ khi công chúa vừa tròn 16 tuổi. Tuy nhiên, từ khi về làm dâu nhà Tây Sơn, công chúa xinh đẹp, có tài văn chương hơn người, phải sống trong sự giằng xé giữa một bên là nhà Lê và một bên là nghĩa với nước non. Nhất là khi vua cha mất, Lê Chiêu Thống lên ngôi và cầu cứu quân Thanh, mang quân sang Thăng Long, Nguyễn Huệ thuận theo lòng dân lên ngôi hoàng đế Quang Trung ở Núi Bân, thành Phú Xuân, thay nhà Lê lãnh đạo cuộc chiến và đã đại thắng với trận Đống Đa lịch sử.
Sau này,sau khi dẹp quân Thanh, vua Quang Trung đã tấn phong Ngọc Hân công chúa làm Bắc cung Hoàng hậu. Thật là đáng tiếc, hạnh phúc của hoàng hậu Ngọc Hân không được dài lâu, vào năm 1792, nhà vua đột ngột băng hà. Thương tiếc hoàng đế vắn số, hoàng hậu Ngọc Hân đã viết hai bài văn tế và một khúc ngâm gọi là Ai tư vãn được truyền tụng.
Ai tư vãn là một trong các khúc ngâm với nghệ thuật ngôn từ thơ ca xuất sắc của văn học của Việt Nam. như đoạn sau:
Khóc vua Quang Trung
Buồn thay nhẽ sương rơi, gió lọt!
Cảnh đìu hiu, thánh thót châu sa
Tưởng lời di ngữ thiết tha
Khóc nào nên tiếng, thức mà cũng mê
Buồn thay nhẽ xuân về, hoa ở!
Mối sầu này, ai gỡ cho xong?
Quyết liều, mong vẹn chữ “tòng”
Trên lương nào ngại, giữa dòng nào e?
Còn trứng nước, thương vì đôi trẻ
Chữ thâm tình, không nhẽ bỏ đi…
Khắp trong trời đất bốn phương
Cõi Tiên khơi thẳm, biết dường nào đi?
7. NGỌC VẠN – KHAI PHÁ MỞ MANG PHƯƠNG NAM
Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (mới được đặt tên đường ở Quận 3 Tp.HCM). Để củng cố ngôi vị và thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp với các nước lân bang phía Nam, chúa Sãi lần lượt gả các con gái về làm dâu Champa và Chân lạp. Công chúa Ngọc Vạn vâng lệnh Chúa Sãi về làm vợ của vua Chân lạp Chey Chettha II. Xinh đẹp và hiền thục, bà nhanh chóng được vua yêu quý và lập làm Hoàng hậu. Vua còn tin tưởng cất nhắc những người Việt thân cận đi theo bà vào nhiều vị trí quan trọng trong triều đình Chân lạp. Ngoài ra, vua còn đồng ý cho chúa Nguyễn lập đồn thu thuế và khẩn hoang vùng đất Sài Gòn và Bà Rịa ngày nay.
Không những là chiếc cầu nối cho tình hữu nghị hai nước, công chúa Ngọc Vạn là người có công lớn mở mang bờ cõi phía Nam, biến đất hoang thành trù phú.
8. TAM KHANH ĐẤT THẦN KINH – TÀI HOA BẠC MỆNH
Tam Khanh là tên gọi chung của ba nữ sĩ Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh. Họ chính là các công chúa Vĩnh Trinh (niên hiệu Nguyệt Đình), Trinh Thận (Mai Am) và Tinh Hoa (Huệ Phố), là con vua Minh Mạng. Các bà đều nổi tiếng văn hay chữ tốt và là những thi sĩ tài hoa của đất thần kinh lúc sinh thời. Với nội dung ca ngợi thiên nhiên, thể hiện tâm tư, Tam Khanh để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị như: Nguyệt Đình thi tập, Huệ Phố thi tập…gây tiếng vang đến tận Trung Hoa. Thi sĩ nổi tiếng và là anh trai của Tam Khanh là Tùng Thiện vương Miên Thẩm cũng tỏ ý phục các em của mình.
Tuy nhiên, cũng như các bậc nữ nhân tài hoa tiên triều, cuộc đời Tam Khanh buồn nhiều hơn vui, liên tiếp chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, người thân liên tiếp qua đời trong một thời gian ngắn.-./.
(Tham khảo: Sách báo – Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét