Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2024

Học Cái Xấu - Ngu Yên (VB)

“Đêm Thắp Cõi”, tranh Huỳnh Lê Nhật Tấn. Huỳnh Lê Nhật Tấn sinh năm 1973, hiện đang làm việc tại Đà Nẵng. Sau hai tập thơ tự do Men da (2009) và Que than (2017), anh xuất bản tập sách mỹ thuật Vết căn nguyên (tháng 3.2022), là chủ đề của cuộc triển lãm tranh sô-lô Vết căn nguyên cùng năm.(VB)
Người học nhiều mà không áp dụng được, thường cho rằng học vô ích hoặc tổn phí thời giờ, để làm việc khác thích thú hơn. Người học nhiều và áp dụng đạt được hữu ích, thường trở thành kẻ quá tin tưởng vào kiến thức, một loại nô tì cho trí tuệ. Cái giá trị của học chỉ có một nửa nằm ở nơi ứng dụng vào đời sống làm cho bản thân phù hợp với xã hội mà không mất sự bình an trong tâm trí.
<!>
Một nửa còn lại để làm gì?
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an.

Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…” Ông đã học được một điều lớn nhất trong đời: Bình an không ở đâu xa, nhưng không thấy thì không biết. Không học thì không hiểu. Câu truyện rất ngắn này đưa đến kết luận, sống trong một cuộc đời đầy nỗi niềm khó hiểu, quá nhiều những thứ phi lý, giả tạo, giả hình, mà vẫn được ca ngợi; sống trong một thời đại mà “nói dối” được chấp nhận cao hơn “nói thật.” Người nói dối luôn miệng được xem là anh hùng … sống kinh ngạc kinh sợ như vậy, nếu không ra sức học, làm sao tìm thấy bình an thật sự trong trái tim?

Nhưng học cái gì? Và trước hết, học là gì?

Con Vịt Xám.

Thời buổi này mà nói chuyện học như đi đến trường, như nghe thầy giảng dạy, thì chán chết.
Thực tế, học trường học người như đi theo ánh đèn do có kẻ soi đường đi trước, mình theo sau. Rồi một hôm, đèn hết điện, hoặc kẻ soi đường vấp té, hoặc kẻ ấy biến mất vì nhiều lý do bí ẩn, người đi theo, cả đám theo sau, bơ vơ, thất lạc, trở về trong bóng tối. Sợ hãi gấp đôi, thất vọng gấp ba, cuồng loạn gấp bốn vì đã quen ánh sáng của kẻ dẫn đường.

Học, hay nhất, thâm nhất, là học mình. Học bản thân là tự thắp đèn mà đi. Bản thân còn, đèn sáng. Bản thân mất, đèn tắt. Đã mất rồi, cần gì đèn? Không có gì quí hơn đèn của mình, mình tự dùng. Nếu cả gia đình, vợ chồng con cháu cùng thắp đèn đi chung, thì hay biết mấy! Mỗi đoạn đường được đi chung với nhau trong ánh sáng là một thứ cao cả, huyền diệu hơn kỷ niệm, mà “những khi chiều tà trăng lên, tiếng ca còn rền trên cõi tiên…”(*)

Học khởi sự bằng quan sát. Nhìn, nghe, ngửi, sờ cảm một cách chi tiết và thận trọng để ghi nhận. Từ đó, nhận thức bắt đầu đào sâu, mở rộng. Trong giai đoạn này, những ai có khả năng “siêu nhận thức” cao, sẽ tự nhiên cảm nhận bất ngờ, sâu xa, sáng suốt, gần giống như giác quan thứ sáu thấy trước, thấy xuyên qua. Đồng thời với sự cảm nhận là suy nghĩ và luận lý. Cứ lắng nghe tâm trí liên tục hỏi tại sao? Rồi nó tự trả lời. Rồi nó tự phản biện. Rồi nó tự kết luận. Rồi tự nó không vừa ý. Rồi tự nó hỏi lại. Vân vân. Quá trình này là “bắt đầu học”. Sau đó, muốn tìm hiểu thêm, phải so sánh cái biết, cái sở kiến, sở nghiệm của mình với kiến thức của người khác, của sách vở, của thiên nhiên, của cái kinh nghiệm tự nhiên. Khi so sánh sẽ mang theo nhiều câu hỏi và đối đáp. Những thắc mắc trở đi trở lại. Đôi khi, tưởng như đã biết, rồi gặp phải hoàn cảnh, mới rõ, mình chưa biết hết. Quá trình này là “học.” Học theo lề lối này sẽ không bao giờ hết, nhưng người học trò của bản thân mỗi ngày mỗi cao lớn, khỏe mạnh, sáng rạng, đẹp hơn.

Đọc sách để học là quan sát ngôn ngữ và ý tưởng của tác giả. Nhìn, nghe, ngửi, sờ, cảm, nhận thức, siêu nhận thức… không phải chỉ lật trang và vu vơ với những câu truyện kể hài hước hoặc chảy nước mắt. Chúng ta học được gì khi đọc, khi nghe những thói xấu của người Việt trong nước và người Việt hải ngoại? Chúng ta học hay đang cười chế giễu, khinh khi, bực bội, chán ghét? Học được gì nơi nước mắm? Rau muống? Củ mì? Giá sống? Phở, bún bò, gỏi cuốn, bánh mì, mì quảng, nem chua, bún chả Hà Nội, bánh bèo, cơm cháy? So sánh cái biết này với cái biết về những thói xấu người Tàu, thói xấu người Xì, thói xấu người Châu phi, thói xấu người Mỹ? Ông James Elkins, trong bài viết “What Painting Is”, nói rằng, xấu cũng có giá trị như đẹp. Ý của ông là tùy cách hiểu về cái xấu cái đẹp mà mỗi người sẽ cảm nhận giá trị của chất thẩm mỹ. Thẩm mỹ bao gồm cả đẹp lẫn xấu. Điều này đúng nhãn tiền, nếu không, những anh xấu trai làm sao lấy vợ?

“Tôi là người xấu trai mà có vợ đẹp nên hiểu thấm thía cái xấu. Xấu không hẳn là ngược lại với đẹp, cũng không phải là mặt sau lưng. Xấu là con vịt xám làm cho đàn vịt lông trắng xấu hổ. Xám lẻ loi, mặc cảm, buồn bã, thất vọng, chán cả bản thân. Rồi một hôm, lạ lùng, nó rụng hết lông xám. Lạ lùng, mọc lên lông trắng. Lạ lùng, bay lên cao. Nó trở thành thiên nga. Bí quyết ở đây là rụng hết lông xám. Nếu không rụng hết lông xám để mọc lông trắng, thì con vịt xám kia mãi mãi là vịt xiêm. Muốn rụng hết lông xám, mọc lông trắng, tập cất cánh, rồi bay cao, cần phải học.

Tìm đến những mẫu chuyện kể lể, thêm bớt, mỉa mai, thói hư tật xấu của người Việt hoặc bất cứ người gì, chỉ để giải trí và phát tán trên mạng, chia vui, sao mà dư thời giờ quá. Không phải, việc này cười vui, không hãm hại gì, nhưng NHỚ kèm theo một chút rụng lông xám, mọc lông trắng, cho cái xấu có cơ hội trở mình. Bay cao.

Hiểu Cái Xấu.
Người ta thường quí trọng cái đẹp, ít ai quí trọng cái xấu. Tìm hiểu cái xấu giống như tìm hiểu bệnh tật để có thể chữa trị hoặc tái thiết kế nó cho bớt xấu hoặc đẹp hơn.

Một trong một số điều gây hãnh diện khi trưởng thành là mua được căn nhà. Cái cảm giác đầu tiên khi làm chủ một căn nhà dù vay, dù nợ, thật sự sung sướng, bay bổng, hả dạ làm sao nói cho cạn. Lần đầu tiên khi làm chủ một chiếc xe cũ, tôi đã chờ vợ ngủ say, để lén chui vào xe nằm băng sau, ngủ chập chờn, vì vừa chớm sáng, phải nhanh chóng leo vào giường như chưa hề đi đâu. Huống chi là làm chủ một căn nhà, dù nhỏ vẫn lớn hơn chiếc xe cả chục lần.

Nhà cũ, sau một thời gian, cũ thêm. Bắt đầu hư, phải sửa. Bấy giờ, mới biết. Nếu trước đây biết tìm kiếm, phát giác ra những chỗ sắp hư, mà điều chỉnh, mà cải thiện, thì bớt tốn tiền. Đôi khi, gọi thợ đến sửa, tiền mất tật mang, gây thêm nhiều bệnh khác. Nhà nào không cũ? Nhà nào không hư? Tâm nào không cũ? Trí nào không hư? Nhà nào không có chỗ xấu? Người nào hoàn toàn đẹp? Nếu biết sớm sửa chữa, thì đỡ bớt hao tốn tuổi.

Học không phải để giết cái xấu, không phải để cầm tù cái xấu, mà để cái xấu khởi sự bớt xấu, rồi từ từ, hết xấu, rồi đột nhiên đẹp.

Hiểu cái xấu, trước tiên, là hiểu nó luôn luôn hiện diện trong nội tâm và ngoài đời sống. Không ai có thể hủy diệt hết cái xấu, kể cả Thượng Đế. Vì nếu không có xấu, làm sao ai biết đẹp là gì.

Không thể tiêu diệt nó, có nghĩa, phải sống chung với nó. Nếu phải sống chung thì hòa bình tốt hơn chiến tranh. Sống chung rồi liệu cơm gắp mắm. Từ từ “đẹp hóa” chất xấu, chất dơ. Mợ tôi, một phụ nữ nhan sắc mặn mà, quí phái, hấp dẫn một quân nhân thời chiến và mợ trở thành bà đại úy. Ông đại úy, thời ly loạn, nghĩa là di chuyển, ăn nhậu, dân chơi vũ trường. Một hôm, một cô vũ nữ, nhan sắc mật ngọt, ngôn ngữ mật ong, trở thành bà đại úy nhỏ. Để tránh cảnh một nhà hai quê, bà lớn năn nỉ chồng mang bà nhỏ về ở chung. Chị em chia nhau nâng khăn sửa túi. Cùng vui mà đỡ tốn kém. Được lời như cởi tấm lòng. Ông đại úy đưa vợ nhỏ về quê. Trồng trầu thì phải khai mương, làm trai hai vợ phải thương cho đều. Ông đại úy bấy giờ tốn tiền gấp đôi. Khi mua phải mua hai cái giống nhau: hai áo dài, hai xách tay, hai đôi giày, hai hộp bịt, hai son môi, hai má hồng, hai vân vân, và tốn sức gấp đôi. Vậy đó, vui quá chừng. Vui gần hai năm, một hôm, bà nhỏ tự động bỏ đi, không ai biết lý do.

Giả thuyết, bà lớn to nhỏ, chị chị em em, khiến bà nhỏ cảm thấy xấu hổ trước lòng tốt của chị, nên tự mình giải quyết lấp mương, khỏi trồng trầu.

Giả thuyết, bà nhỏ cảm thấy chán nản, chán ngán chuyện phụ nữ liên đới nên đi tìm độc lập tự do.

Giả thuyết, bà nhỏ gặp một người tình khác. Chuyện này có nghi vấn, vì cho đến phút cuối cùng, bà nhỏ vẫn mặn nồng với phiên bản phim tập không có dấu hiệu chấm dứt.

Giả thuyết, bà nhỏ đã học được thiện tâm.
Tôi chứng kiến chuyện tình bài ba lá nhưng không biết trái tim nằm ở lá bài nào. Nhưng tôi tin rằng, thiện tâm thường phát xuất từ một thiện tâm khác. Sự tốt đẹp cũng có khả năng lây lan như sự xấu, nhưng sự tốt lây lan kèm theo nỗi tự hào và lòng thỏa mãn. Cái tốt của bà lớn tạo ra cái tốt của bà nhỏ. Nói một cách khác, cái tốt làm cho cái xấu thay đổi. Lời nói này không phải là lời khuyên đạo đức, hoặc giáo lý. Đây là lời ghi nhận từ kinh nghiệm.

Hiểu cái xấu là hiểu rằng: trong cái xấu luôn luôn có cái tốt, dù rất nhỏ, dù rất mơ hồ. Vì vậy, khi cái nhỏ xíu này, cái mơ hồ này được đánh thức, bồi dưỡng, phát huy, nó sẽ xâm chiếm dần cái xấu và một hôm nó mọc lông trắng.

Hiểu cái xấu là hiểu cái đẹp, nếu không được chăm sóc, cải thiện, cái đẹp sẽ trở thành xấu, như nhan sắc phụ nữ, như tài hoa của nghệ sĩ.

Hiểu cái xấu là hiểu cái học. Cái này gần gũi, thực tế, có khả năng thay đổi cái xấu.

Sau cái hiểu là cái học.
Cái học chính xác và đúng đắn nhất là học từ cái xấu của mình. Cái xấu ẩn trốn, giả dạng, hóa trang trong nội tâm.

Sở dĩ chúng nó núp lén, trốn chạy, vì chúng nó cảm thấy xấu. Đẹp khoe, xấu che. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra, nếu chúng nó tự biến thành cái đẹp?

Cần gì phải hỏi, chúng sẽ tự động nhảy ra, đứng trước nhân gian, la lớn: “Chúng tôi đã hiểu cái xấu.”

Chúng ta vừa sơ thảo một nửa giá trị của cái học, còn một nửa còn lại để làm gì?

Một nửa học đầu tiên có giá trị như chiếc máy đều hòa không khí. Mùa lạnh, máy phát hơi nóng. Mùa nóng, máy phát hơi lạnh. Giữ không khí và nhiệt độ trong nhà luôn thoải mái cho bản thân, gia đình và những người thân cận. Dù thành công tiền tài, danh vọng, ái tình mà không thoải mái, không bình an, thì đời sống đó chỉ để khoe trương. Giá trị học này gần giống như ý nghĩa “tu thân, tề gia,” mà Khổng Tử đã truyền đạt.

Nửa cái học còn lại vượt lên mục tiêu phục vụ bản thân và một số người giới hạn. Nó sâu rộng hơn, cao siêu hơn, đạo lý hơn, và phẩm chất làm người hơn. Vì vậy, nó cao hơn “trị quốc, bình thiên hạ.”

Làm người, trên căn bản, chính yếu là làm hai việc:

Việc thứ nhất là truyền giống để nhân loại được tồn tại. Bản năng này sinh vật nào cũng có. Nó là bản sắc của sự sống. Tuy nhiên, thông minh hơn con vật, con người lợi dụng việc sinh đẻ biến thành thú vui vẻ. Càng văn minh càng lộng hành. Không có loài vật khôn ngoan nào sau con người mà biết khai thác thú vui vẻ một cách vô tận.

Việc thứ hai là làm cho đời sống càng ngày càng tốt đẹp hơn một cách an toàn. Quá trình này chứng minh trong lịch sử văn minh của nhân loại. Nếu không, con người giờ đây chỉ là con thú rụng hết lông.

Nhưng làm sao có lịch sử văn minh? Vì giá trị của nửa cái học còn lại. Nhìn từ bên ngoài, có thể gọi là cái học để phục vụ con người. Nhìn từ bên trong, chính là cái học của ý muốn siêu phàm. (**)

Cái học này không liên quan mấy đến bằng cấp, tiền tài hoặc danh tiếng. Rất nhiều tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, vân vân sư, chỉ cắm cúi sống theo cách sống “không làm gì hết.” Chỉ “ta tắm ao ta, dù mập dù ốm, ao nhà vẫn hơn.”

Nhưng một số người nhờ học cái giá trị thứ nhất mà hiểu được giá trị thứ hai. Họ hăng say, miệt mài làm những công việc trong khi nhiều người xung quanh cho là vô ích. “Kệ mẹ mấy thằng điên. Không lo tình, tiền, danh vọng, mà lo lý tưởng.” Khôi hài thay, những thứ mà đám đông hưởng thụ tình ái, tiền bạc, danh vọng, trí khôn, vân vân, lại đến từ những lý tưởng mà họ xem thường.

Ở một góc đường, tôi đã từng gặp một người điên. Bùi Giáng đưa cho tôi cành hoa màu trắng ngà đang bắt đầu héo. Ông nói, lượm ở nghĩa địa. Đóa hoa đó, tôi giữ mãi hơn 50 năm, rụng hết, chỉ còn:

“Điên chơi cho bớt điên đầu
Điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi.” (**)
NGU YÊN

Ghi:
(*) Thiên Thai, ca khúc của Văn Cao.
(**) Quan điểm này sẽ được trình bày trong một bài viết khác. Ý muốn siêu phàm có hình ảnh ý chí siêu nhân của Nietzsche.
(**) Mây Chiều Nay, thơ Bùi Giáng.

Không có nhận xét nào: