Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Về Miền Đất Phật - Sương Lam




Đây là bài số năm trăm hai mươi bảy (527) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo,Portland,Oregon. Hằng ngày tâm trí chúng ta chạy lăng xăng với các sinh hoạt trong gia đình và ngoài xã hội, nhất là hiện trạng COVID 19 và cuộc tranh cử Tổng Thống Mỹ vào tháng 11 sắp đến. Mệt thật! Để cho tinh thần của mình được lắng đọng và an tỉnh dăm ba phút , người viết xin mời quý bạn cùng đi du lịch Ấn Độ "Về Miền Đất Phật" với người viết để được ngắm những hình ảnh hiền hòa nơi xứ Phật. Đây chỉ là những lời giới thiệu tóm tắt ngắn gọn để qúy bạn biết những điều quan trọng về xứ Phật hiền hoà này mà thôi.

<!>

Vợ chồng người viết có phúc duyên viếng thăm Ấn Độ 2 lần:

* 1 lần đi với tính cách du lịch năm 2000 do công ty du lịch Sita của Ấn Độ tổ chức viếng thăm những thắng cảnh nổi tiếng ở Ấn Độ: thủ đô New Delhi, đền thờ Taj Mahal , Mumbai, hang động Ajanta và Ellora v..v…


* 1 lần vừa đi du lịch vừa hành hương viếng Tứ Động Tâm do công ty du lịch ở VN tổ chức năm 2007
Người viết được phúc duyên tham dự phái đoàn hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ do Công ty Du Lịch East Sea Travel ở Việt Nam tổ chức nhân dịp SL về Việt Nam Xuân Đinh Hợi, nên xin được chia sẻ phúc duyên và sự an lạc khi được chiêm bái các Phật tích quý báu này đến quý thân hữu qua các hình ảnh mà SL chụp được nhân chuyến hành hương này.
Hy vọng rằng khi ngắm nhìn những hình ảnh này trong thâm tâm của quý thân hữu sẽ khởi niệm ý nguyện được về thăm xứ Phật trong cuộc đời của mình để được chiêm bái những nơi mà đức Từ Phụ đã sinh ra, lớn lên trong vòng sinh, lão, bịnh, tử của một kiếp người với những hạnh nguyện cao cả đầy Bi,Trí, Dũng giúp chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ.Cuộc hành hương chú trọng vào 4 nơi quan trọng mà trong nhà Phật gọi là Tứ Động Tâm. Đó là:

1.- Nơi Đức Phật đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni.
2.- Nơi Đức Phật thành đạo dưới cội bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng.
3.- Nơi Đức Phật giảng kinh Chuyển Pháp Luân cho 5 anh em Kiều Trần Như trong Vườn Lộc Uyển.


4.- Nơi Đức Phật nhập Niết Bàn ở Vườn Sa La Song Thọ.


Ngoài 4 Phật tích quan trọng này, SL được viếng thăm những Phật tích khác mà chúng ta khi đọc kinh sách thường tụng niệm hay đã đọc qua như Kỳ Viên Tịnh Xá của Ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà dâng tặng, Trúc Lâm Tịnh Xá, núi Linh Thứu, Đại học Nalanda v..v..

Hơn thế nữa SL cũng đã được viếng thăm sông Hằng, con sông thiêng của Ấn Độ và ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng, có thể nói là một kỳ quan thế giới hiện đại.

Sau chuyến hành hương 12 ngày này, người viết học hỏi được rất nhiều điều hữu ích cho đời sống tâm linh trong bước đầu sơ cơ học đạo của mình

1- Về Miền Đất Phật 1- Lâm Tì Ni – Nơi Phật Đản Sinh



Vài nét về khu vườn Lâm Tỳ Ni


Lâm Tỳ Ni thuộc quận Rudendehi của Nepal là nơi hoàng hậu Maya sinh thái tử Tất Đạt Đa dưới cây vô ưu. Trước khi đến Lâm Tỳ Ni , SL đã ghé qua Sravasti, tên ngày xưa là Xá Vệ, kinh đô của Vương Quốc Kiều Tất La , vua là Ba Tư Nặc để thăm vườn Kỳ Viên Tịnh xá do Ngài trưởng giả Cấp Cô Độc dùng vàng trải khắp mặt đất để mua cúng dường cho Đức Phật làm nơi thuyết pháp.

Từ Sravasti, phái đoàn của SL đi xe van 12 chỗ ngồi chạy gần 5 tiếng đồng hồ mới đến biên giới Nepal làm thủ tục nhập cảnh Nepal và phải đi thêm khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa mới đến khách sạn Lâm Tỳ Ni ở cách vườn Lâm Tỳ Ni 10 phút đi bộ.

Chúng ta phải mua vé vào cửa để vào vườn Lâm Tỳ Ni ( khoảng 10 USD). Trong khu vườn thiêng có đền thờ hoàng hậu Maya được xây dựng từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên, bên trong có phiến đá khắc họa sự tích Đức Phật Đản Sinh. Bên ngoài đền có trụ đá của vua A Dục mà mãi đến năm 1896 mới được tìm thấy lại trong cuộc khai quật do nhà khảo cổ người Đức, tiến sĩ Alois Fuhrer phụ trách. Tuy nhiên phải đợi đến năm 1967,vùng Lâm Tỳ Ni mới được thế giới chú ý đến khi ngài U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đến viếng Phật tích và tiến hành Lễ khai mạc Chương trình Phát triển Lâm Tỳ Ni. Hiện tại đã có hơn 13 quốc gia đóng góp tài chính cho kế hoạch phát triển này và xây dựng các ngôi chùa nằm rải rác xung quanh khu rừng thiêng Lâm Tỳ Ni như chùa của Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Quốc v..v…do chính phủ các nước đó tài trợ việc xây cất. Riêng Việt Nam Phật Quốc Tự ở Lâm Tỳ Ni thì lại do Thầy Huyền Diệu và các phật tử Việt Nam ở khắp thế giới đóng góp xây dựng. Thật là một công tác Phật sự đáng được tán thán!

Trong vườn thiêng Lâm Tỳ Ni còn có hồ nước Puskarini, mà theo huyền sử là nơi rồng hiện ra tắm Phật. Bên cạnh hồ là một cây bồ đề to lớn treo đầy những lá phướn của phái đoàn hành hương Tây Tạng. Phái đoàn hành hương của Sri Lanka trong đồng phục màu trắng đang quỳ khấn lạy cung kính trước trụ đá của vua A Dục và trước cội bồ đề.

Xin mời quý bạn click và link dưới đây để xem thêm một vài hình ảnh về Lâm Tỳ Ni do SL chụp.

1-Folder1 Phật Đản Sinh



2- Về Miền Đất Phật 2- Bồ Đề Đạo Tràng- Nơi Phật Thành Đạo

Vài Nét Về Bồ Đề Đạo Tràng


Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Đức Phật đắc đạo sau 49 ngày thiền định dưới cội cây bồ đề. Đây là một thánh địa quan trọng cho các Phật tử muốn tìm sự tỉnh giác trong thiền định và nghiên cứu lịch sử.
Trước đó Đức Phật đã tu 5 năm khổ hạnh với năm anh em Kiều Trần Như tại Uruvela, nằm bên bờ phía nam sông Ni Liên Thuyền , nhưng sau đó Ngài nhận thức rằng tu khổ hạnh không phải là cứu cánh của Đạo pháp cho nên Ngài đã từ bỏ lối tu khổ hạnh, nhận bát sữa của tín nữ Sujata rồi đi về Bodhgaya, đến cây bồ đề thiêng liêng, thiền định và đắc đạo dưới cội bồ đề này.

Bồ đề Đạo Tràng có tên là Bodh Gaya thuộc bang Bihar phía Đông Bắc Ấn Độ, nằm cách phố cổ Gaya khoảng 12 Km về phía Bắc và cách thủ phủ Patna của bang Bihar 106 km.
Bồ Đề Đạo Tràng có một chiều dài lịch sử rất phong phú và trải qua nhiều lần bị phá hủy, trùng tu làm sống lại thánh địa này.

Các di tích còn lại tại nơi đây là Tháp Đại Giác, cội bồ đề, kim cương tòa, các tháp nhỏ xung quanh tháp Đại Giác. Đa số những di tích mang nét chạm trổ rất nghệ thuật vào thế kỷ thứ nhất trước tây lịch.

Theo một tài liệu lịch sử thời vua A Dục đã xây dựng một đền thờ đầu tiên tại thánh địa. Ngôi tháp Đại Giác hùng vĩ đã được xây dựng vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch trên nền ngôi tháp vua A Dục đã xây. Đây là ngôi tháp hình chóp nhọn đứng sừng sững với chiều cao 52m, mỗi cạnh vuông 15 m. Bên trong tháp có thờ tượng Phật bằng đá mạ vàng cao khoảng 2m được tạc vào khoảng năm 380 sau Tây lịch. Cây bồ đề hiện tại là cây được chiết ra từ cây bồ đề ở Sri Lanka được vua A Dục tặng Sri Lanka, do chính người con trai của vua A Dục là Mahendra tự tay đem qua đó trồng. Thầy Huyền Diệu thường thức sớm đến đây nhặt những lá bồ đề để tặng cho các Phật tử hữu duyên với Thầy, trong đó có Tonka.

Riêng SL thì nhận được một lá bồ đề do một chú tiểu Ấn Độ tặng và SL đã ép vào một quyển sách mang được về Mỹ để thờ.

Hiện nay tại Bodhgaya có rất nhiều ngôi chùa của các quốc gia như Nhật Bản, Sri Lanka, Miến Điện,Trung Quốc v…v…Thầy Huyền Diệu cũng đã xây thêm được một Việt Nam Phật Quốc Tự thứ hai tại Bồ Đề Đạo Tràng do chính công sức của Thầy và các Phật tử Việt Nam đóng góp chư’ không do chính phủ tài trợ như các quốc gia kể trên. Thật đáng khâm phục cho lòng kiên trì hộ pháp của Thầy Huyền Diệu .

SL đã đến đảnh lễ dưới cội bồ đề và đi kinh hành xung quanh tháp Đại Giác 3 vòng trong lòng hân hoan, an lạc vì không ngờ mình lại có phúc duyên đến tận nơi, nhìn tận mắt nơi Đức Phật thành đạo mà ngày xưa mình vẫn nghĩ đây chỉ là một huyền thoại do ông bà cha mẹ kể lại. Nhiều phái đoàn hành hương khác đã đến quỳ lạy trước cội bồ đề với lòng thành kính. Một không khí trang nghiêm và an lạc bao trùm thánh địa này với khách hành hương ngồi im lặng thiền định.

Xin click vào link dưới đây để xem thêm một vài hình ảnh về Bồ Đề Đạo Tràng do SL chụp được.

3- Folder2 Phật Thành Đạo


Trong bài viết tuần sau, người viết sẽ kể cho bạn nghe và mời bạn xem hình ảnh về Nơi Phật thuyết pháp và nơi Phật Nhập Niết Bàn nhé,

Sau này các chùa ở Mỹ và Việt Nam có tổ chức những chuyến hành hương với đầy đủ nghi lễ Phật gIáo trang nghiêm khi viếng thăm Tứ Động Tâm để tỏ lòng thành kính Đức Từ Phụ Thích Ca, 
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 527-ORTB 949-7192020)

Không có nhận xét nào: