Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

Truyện Ngắn: CON QUỶ GIÀ - Pearl Buck (Nobel 1938)

Inline image
Pearl Buck (1892-1973) sinh ở Hillsboro, West Virginia, là con một nhà truyền giáo người Mỹ. Sau khi ra đời chưa đầy 5 tháng, bà đã được cha mẹ đưa sang Trung Quốc sinh sống. Từ nhỏ và suốt cả cuộc đời bà yêu mến và thích tìm hiểu cuộc sống của người dân Trung Quốc. Năm 1925, Pearl Buck bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên East Wind: West Wind (Gió Đông, gió Tây). Sau đó hàng loạt tiểu thuyết nổi tiếng khác về đề tài Trung Quốc ra đời. Năm 1938 Pearl Buck nhận giải Nobel vì các tác phẩm mô tả đời sống nông thôn Trung Hoa một cách phong phú và xác thực. (Wikipedia)<!>
Cố nhiên bà lão Vương biết có chiến tranh. Từ lâu, mọi người đều đã biết chiến tranh tiếp diễn và bọn Nhật đang giết người Trung Hoa. Tuy nhiên, điều đó không hiện thực và chẳng hơn gì lời đồn đại vì không có ai trong dòng họ Vương bị giết cả. Làng Vương Tam Lý trên bờ sông Hoàng Hà, vốn là làng của bộ tộc bà lão Vương, chưa hề trông thấy một tên Nhật nào hết. Thành thử họ có bàn bạc gì về bọn Nhật thì cũng chỉ là nói có thế thôi.

Đó là một buổi chiều đầu mùa hạ, và sau bữa ăn chiều, bà cụ Vương leo các bậc lên đê, như mọi ngày, để xem mực nước sông đã dâng đến đâu. Bà sợ con sông này hơn bọn Nhật. Bà biết con sông có thể làm gì. Và lần lượt, dân làng theo bà lên đê và giờ đây, họ đứng đăm đăm nhìn dòng sông nước vàng đục tinh quái cuộn mình như một bầy rắn nghiến ngấu cắn vào bờ đê cao.
- Ta chưa bao giờ thấy nó lên cao thế vào cỡ này, bà Vương nói. Bà ngồi xuống một cái ghế tre do gã cháu nội Tiểu Trư mang tới cho bà và nhổ xuống nước.
- Cái con sông quỷ già này còn tệ hơn bọn Nhật, Tiểu Trư nói bạt mạng.
- Đồ ngu dại! Bà Vương vội mắng. Khéo Hà Bá nghe thấy đó. Nói chuyện gì khác đi.
Thế là họ bàn tán về bọn Nhật... chẳng hạn, anh Vương chủ lò bánh, cháu gọi bà cụ Vương bằng bà bác, hỏi: làm sao nhận ra được bọn Nhật khi thấy chúng đến đây, bà cụ Vương quả quyết:
- Các cháu sẽ nhận ra được bọn chúng. Bà đã có lần trông thấy một người nước ngoài. Y còn cao hơn mái chìa nhà bà, tóc màu bùn và mắt màu mắt cá. Kẻ nào trông không giống chúng ta - đó là một tên Nhật.
Mọi người lắng nghe vì bà là người già nhất trong làng và bất kỳ điều gì bà nói ra đều giải quyết một vấn đề gì đó.
Thế rồi Tiểu Trư lên tiếng theo cái lối đâm ngang của gã: - Bà không nhìn thấy chúng được đâu, bà ạ. Chúng nó nấp ở trên trời, trong những chiếc máy bay.
Bà Vương không trả lời ngay. Giá như trước đây, ắt bà đã quả quyết: “Bao giờ ta trông thấy máy bay thì ta mới tin là có nó”. Song le, đã có biết bao điều bà không tin mà vẫn có thực - chẳng hạn, Hoàng hậu mà bà không tin là có thể chết, thì lại chết thật.
Lại nữa, như nền Cộng hoà, mà bà cũng chả tin vì bà không biết nó là cái gì. Bà không biết, nhưng bây giờ bà chỉ lặng lẽ nhìn quanh con đê, nơi tất cả đang ngồi quây lấy bà. Trời rất dễ chịu và mát rượi, bà thấy chẳng việc gì cả nếu nước sông không dâng to đến mức thành lụt lội.
- Ta chả tin là có bọn Nhật, bà nói dứt khoát.
Mọi người cười bà một chút, nhưng không ai nói gì. Có người châm ống điếu cho bà - đó là vợ Tiểu Trư, cháu dâu cưng của bà - và bà hút.
- Hát đi, Tiểu Trư! Một người nào đó đề nghị.
Thế là Tiểu Trư hát một bài hát cổ bằng một giọng cao, run run. Bà lão Vương nghe và quên hẳn bọn Nhật. Buổi chiều thật đẹp, trời quang tĩnh đến nỗi rặng liễu rủ trên đê soi bóng xuống cả dòng nước ngầu bùn. Mọi vật đều yên bình. Hơn ba mươi nóc nhà họp thành làng tải ra rải rác mé dưới, không gì có thể phá vỡ sự yên bình này. Nói cho cùng, bọn Nhật cũng là người.
- Bà vẫn nghi ngờ những cái máy bay ấy, bà nhẹ nhàng nói với Tiểu Trư khi anh ngừng hát.
Nhưng không trả lời bà, anh lại tiếp sang bài khác.

Năm này sang năm khác, bà đã qua những buổi tối mùa hè như thế này
trên mặt đê. Lần đầu tiên vào lúc bà mười bảy tuổi, vừa mới cưới, chồng bà kêu to gọi bà ra khỏi nhà để lên đê và bà tới náu trong đám phụ nữ, mặt đỏ bừng bừng và hai tay xoắn vào nhau vặn vẹo, trong khi cánh nam giới hò la và bỡn cợt bà. Mặc dù thế, họ đều mến bà: “Cậu vớ được miếng thịt bỏ bát thật ngon lành”, họ nói với chồng bà như vậy: “Chân khí to”, chồng bà đáp, vẻ không tán thành, nhưng bà có thể thấy là ông vừa ý, thế là bà dần dần hết nhút nhát bẽn lẽn.
Tội nghiệp, ông đã bị chết đuối trong một vụ lũ lụt từ hồi còn trẻ. Và bà đã mất bao nhiêu năm chạy thầy chùa cầu xin cho ông thoát khỏi ngục tĩnh tội. Cuối cùng, bà đâm mỏi mệt, một phần cũng vì phải lo toan gánh vác tất cả, nào con nhỏ, nào ruộng vườn, cho nên khi thiền sư ngon ngọt dỗ:
“Mười quan tiền bạc nữa là anh ấy sẽ thoát khỏi hoàn toàn”, bà liền hỏi: “Vậy anh ấy còn mắc cái gì trong đó?”
- Chỉ còn bàn tay phải nữa thôi, nhà sư đáp.
Ấy thế là bà hết kiên nhẫn. Mười quan tiền bạc! Chừng ấy đủ nuôi cả nhà bà đến hết mùa đông. Vả lại bà còn phải thuê lao động để đóng góp phần mình vào việc sửa chữa đê cho khỏi bị lụt nữa.
- Nếu chỉ còn một bàn tay thì anh ấy có thể tự lực rút ra được, bà rắn rỏi nói.

Bà vẫn thường tự hỏi: tội nghiệp con người khờ khạo, chả biết anh ấy đã rút ra được chưa. Cũng như ban đêm bà thường buồn bã nghĩ rằng ông ấy vẫn nằm đó, đợi bà làm một cái gì để cứu ông ấy, ông là loại người như thế đó. Thôi được, có lẽ để khi nào vợ Tiểu Trư đẻ đứa con đầu lòng yên ổn trót lọt và bà dư dật thêm một chút, thì bà sẽ trở lại lo nốt việc cứu ông ra khỏi ngục tĩnh tội. Dù sao thì cũng chả thật vội lắm…
- Bà ơi, bà phải về đi thôi, giọng vợ Tiểu Trư nhẹ nhàng nói. Bây giờ, mặt trời đã lặn rồi, đang có sương mù dâng lên từ mặt sông.
- Ồ chắc ta phải về thôi, bà lão Vương tán thành.
Bà đăm đăm nhìn dòng sông một lúc. Cái con sông này, nó chứa đầy cả cái tốt lẫn cái xấu. Khi nào ngăn chặn cẩn thận, nó tưới nước cho ruộng đồng, nhưng hễ thả lỏng một vài phân là nó xô vỡ bờ như một con rồng gầm thét.
Chính chồng bà đã bị cuốn đi như thế - ông đã không trông nom cẩn thận đoạn đê của mình. Ông luôn luôn đi vá đê, luôn luôn đắp thêm đất lên mặt đê, thế rồi, trong một đêm, nước dâng cao và bục qua. Ông chạy ra khỏi nhà và bà bế đứa con trèo lên mái, nhờ đó, hai mẹ con sống sót trong khi ông thì chết đuối. Thế rồi họ lại đẩy con sông trở về sau những thân đê và lần này, nó đã ở lại đấy. Ngày ngày, bà đích thân đi tới đi lui, xem xét đoạn đê được giao cho làng phụ trách. Cánh nam giới cười nói với nhau:
“Nếu đê có làm sao thì có bà nội báo cho chúng ta biết”.

Chẳng bao giờ có ai trong số họ nảy ra ý nghĩ chuyển làng cách xa dòng sông. Họ Vương đã sống ở đây bao đời, một số thế hệ luôn luôn thoát khỏi nạn lụt và càng chiến đấu với con sông dữ dằn hơn bao giờ hết. Đột nhiên, Tiểu Trư ngừng hát.
- Trăng đang lên kìa! Anh kêu lên. Thế là không tốt đâu, máy bay thường đi vào những đêm sáng trăng.
- Mày học ở đâu những điều đó về máy bay vậy?
Bà lão Vương thốt lên. Tao thấy phát ớn, bà nói thêm, giọng nghiêm nghị đến nỗi không ai dám lên tiếng. Trong sự im lặng đó, bà vịn vào cánh tay vợ Tiểu Trư, chậm rãi bước xuống những bậc đất dẫn vào làng, tay kia dùng chiếc ống điếu làm gậy chống.
Đằng sau bà, dân làng từng người một lục đục theo xuống đi ngủ. Không ai dám ra về trước bà, nhưng cũng không ai ở lại lâu sau khi bà đã về.
Và cuối cùng, trong chiếc giường của mình đằng sau những rèm vải bông xanh ngăn muỗi mà vợ Tiểu Trư cài ghép thật kín, bà thiếp đi trong giấc ngủ bình yên. Trước đó, bà đã nằm thao thức một lúc nghĩ về bọn Nhật và thắc mắc tại sao chúng lại muốn đánh nhau. Chỉ có những kẻ rất thô lỗ mới muốn chiến tranh. Bà hình dung những người trong óc to lớn thô lỗ. Nếu họ đến, ta phải dỗ ngọt họ, bà nghĩ, mời họ uống trà và giảng giải cho họ điều phải trái - Có điều, tại sao họ lại phải đến một cái làng nông nghiệp thanh bình?

Cho nên, bà hoàn toàn không chờ đợi vợ Tiểu Trư thét lên bảo bà là bọn Nhật đã đến, bà ngồi dậy trên giường, miệng lẩm bẩm: “Các chén trà... đồ trà…”
- Bà không có thì giờ đâu! Vợ Tiểu Trư la lên. Chúng đến đây rồi… Chúng đến đây rồi.
- Đâu? Bà lão Vương hỏi to, lúc này đã tỉnh hẳn.
- Ở trên trời! Vợ Tiểu Trư rền rĩ.
Thế là họ chạy cả ra, trong tang tảng bình minh và ngước nhìn lên. Trên kia, như đàn ngỗng trời bay trong mùa thu, có những hình cánh chim to đùng.
- Cơ mà chúng là cái gì vậy? Bà lão Vương kêu lên.
Thế rồi, như một quả trứng bạc rơi, một cái gì trôi thẳng xuống và rớt vào một cánh đồng ở đầu đằng kia làng. Một cột đất phụt lên và tất cả chạy tới xem. Thấy một cái hố đường kính khoảng gần mười mét, to như cái ao. Họ sửng sốt không thốt lên lời, thế rồi, chưa ai kịp nói gì thì một quả trứng nữa và một quả nữa đã lại bắt đầu rơi và tất cả mọi người đều chạy, chạy… Tất cả mọi người có nghĩa là trừ bà cụ Vương.
Khi vợ Tiểu Trư nắm tay bà để lôi đi, bà cụ Vương giật ra và ngồi xuống, dựa vào bờ đê.
- Bà không thể chạy được, bà nói. Bảy mươi năm nay, bà không chạy, vì trước đó bà đã bó chân. Cháu đi đi. Tiểu Trư đâu rồi?
Bà nhìn quanh. Tiểu Trư đã biến mất rồi.
- Y như ông nội nó, bà nhận xét, bao giờ cũng chạy trước tiên.
Nhưng vợ Tiểu Trư không muốn để bà lại, có nghĩa là chỉ chịu rời khi bà nhắc rằng đó là bổn phận của cô.
- Nếu Tiểu Trư chết, bà nói, thì điều cần thiết là con trai nó phải được sinh ra trót lọt. - Và khi cô gái vẫn còn chần chừ, bà lấy chiếc ống điếu gõ nhẹ vào cô “Đi đi, đi đi” bà kêu lên.
Thế là, một cách miễn cưỡng, bởi lúc này, hai bà cháu gần như không
nghe thấy nhau vì tiếng gầm rú của những chiếc máy bay bổ nhào, vợ Tiểu Trư đành chạy đi cùng những người khác.

Lúc này, mặc dù mới có mấy phút trôi qua, làng đã tan tành và những mái rạ cùng rui mè gỗ đang cháy đùng đùng. Tất cả mọi người đều bỏ chạy.
Qua chỗ bà cụ Vương, họ la bà đi theo và bà vui vẻ đáp lại:
- Ta đi đây… ta đi đây!
Nhưng bà không đi. Bà ngồi lại một mình: giờ đây, bà đang theo dõi một cảnh tượng phi thường.
Vì chẳng mấy chốc đã có mấy chiếc máy bay khác đến, bà chẳng biết là từ đâu, nhưng chúng đánh như những chiếc lúc đầu. Mặt trời chiếu xuống những cánh đồng lúa đang chín và trong không khí mùa hè trong veo, đám máy bay phăng phăng lao vun vút và khạc vào nhau. Khi nào kết thúc cuộc này, bà nghĩ bụng, bà sẽ quay về làng xem có sót lại gì không. Đó đây, một bức tường vẫn còn đứng vững chống đỡ cho một cái mái, từ đây, bà không nhìn thấy nhà mình được. Nhưng bà không phải không quen với chiến tranh. Có lần, bọn đạo tặc đã đến cướp phá làng và hồi đó, nhà cửa cũng bị đốt. Ờ, bây giờ chuyện đó lại xảy ra. Đốt nhà thì có thể là chuyện thường thấy, nhưng cái trò giao tranh loang loáng ánh bạc, lao vun vút trong không trung này thì chưa hề. Bà chẳng hiểu mô tê gì cả - những vật đó là gì làm sao chúng trụ lại được ở trên trời, thật không biết đằng nào mà lần.
Bà đành chỉ ngồi nhìn, mỗi lúc một đói.
“Mình những muốn nhìn một chiếc ngay gần kề”, bà nói to ý nghĩ của mình. Và giữa lúc đó, như đáp lại nguyện ước của bà, một chiếc trong đám đột nhiên chúc xuống và lảo đảo xoay lộn như bị thương, nó đâm xuống một cánh đồng mà Tiểu Trư vừa mới cày vỡ hôm qua để gieo đậu tương.
Và phút chốc, bầu trời lại trống không và trên mặt đất chỉ còn cái vật bị thương này cùng bản thân bà.

Bà thận trọng nhấc mình lên khỏi mặt đất, ở tuổi này, bà chẳng cần phải sợ cái gì. Bà quyết định là mình có thể lại gần xem nó là cái gì. Thế là, chống chiếc ống điếu bằng tre, bà chậm rãi đi qua cánh đồng. Đằng sau bà, trong sự yên tĩnh đột ngột, vài ba con chó làng xuất hiện và đi theo, len lét trườn mình bám sát bà. Khi đến gần chiếc máy bay rơi, chúng sủa như điên. Rồi bà lấy chiếc ống điếu đánh chúng:
- Im, bà mắng, vừa mới đây cũng đủ ầm ĩ để vỡ tai tao rồi còn gì.
Bà gõ gõ vào chiếc máy bay.
- Kim loại, bà bảo lũ chó. Chắc chắn là bạc đây, bà nói thêm. Đem nấu chảy ra, cả làng sẽ giàu to.
Bà đi quanh, xem xét thật kỹ. Cái gì làm cho nó bay được nhỉ? Nom nó như chết rồi. Không có gì động đậy hoặc phát ra tiếng gì bên trong nó. Rồi đi sang mé nó lật nghiêng, bà trông thấy một gã trai trẻ trong đó, lụn xuống thành một đống trong chiếc ghế nhỏ. Lũ chó gầm gừ, nhưng bà lại đánh và chúng lùi lại.

- Cậu chết rồi ư? Bà lễ phép hỏi.
Gã trai trẻ, nghe tiếng bà, gã cử động nhưng không nói gì. Bà tiến lại gần hơn và ngó vào cái hốc chỗ gã ngồi. Mạn sườn gã chảy máu.
- Bị thương! Bà kêu lên. Bà nắm lấy cổ tay gã.
Cổ tay ấm nhưng cứng đơ, và khi buông ra, nó rơi bịch vào thành cái hốc.
Bà nhìn gã chòng chọc. Tóc gã đen, da ngăm ngăm như người Trung Hoa. “Chắc cậu ta là người phương Nam”, bà nghĩ thầm. Chà, điều chủ yếu là gã còn sống.
- Cậu nên chui ra thì hơn. Già sẽ đắp cỏ thuốc vào mạn sườn cho cậu.
Gã thanh niên lí nhí điều gì nghe không rõ.
- Cậu bảo gì? Bà hỏi. Song gã không nhắc lại.
“Ta hãy còn khoẻ chán”, bà cả quyết như vậy sau một lát. Thế là bà vươn tay vào, ôm lấy ngang lưng gã vừa từ từ kéo gã ra, thở hổn hà hổn hển.
May sao, gã là người nhỏ con và rất nhẹ. Khi bà đưa được gã xuống đất, gã có vẻ như tìm thấy lại được chân mình; gã đứng run rẩy, bám lấy bà và bà xốc gã lên. - Bây giờ, nếu cậu đi được về nhà già, bà nói, già sẽ xem xét có cỏ thuốc ở đấy không?
Rồi gã nói một câu gì rất rành rõ. Bà lắng nghe và không hiểu một tiếng nào. Bà lùi ra khỏi gã và nhìn chằm chằm.
- Cái gì thế? Bà hỏi.
Gã chỉ lũ chó. Chúng đang đứng gầm gừ, lông cổ dựng đứng. Rồi gã lại nói, đang nói thì gục xuống đất. Lũ chó xô đến, thành thử bà phải vung hai tay đánh đuổi chúng.
- Cút đi! Bà quát. Ai bảo chúng mày định giết cậu ấy? Thế rồi, sau khi chúng lùi lại, bà xoay xở cách nào đó vực được gã lên lưng mình, và run rẩy, nửa cõng nửa kéo lê, bà tha gã về một ngôi làng bị tàn phá và đặt gã trên đường để đi tìm nhà, dắt cả lũ chó theo sau.

Nhà bà đi tong rồi. Bà tìm thấy chỗ đó khá dễ dàng: nó đối diện với cửa cống ăn vào đê. Trước đây, chính bà vẫn thường ngắm nhìn cái cửa cống ấy.
Thần tình làm sao, giờ đây nó không hề bị hư hại, cả con đê cũng không vỡ. Dựng lại nhà thì cũng khá dễ thôi. Có điều hiện tại, nó đi tong rồi.
Cho nên bà quay trở lại chỗ gã thanh niên. Gã nằm y nguyên trong tư thế bà đã đặt gã, dựa vào bờ đê, thở hổn hển và tái xanh tái xám. Gã đã mở phanh áo ngoài và cầm một cái túi nhỏ, lấy ra những băng vải, cùng một lọ đựng thứ gì đó. Và gã lại nói, và bà không hiểu mô tê gì. Gã bèn ra hiệu và bà thấy là gã cần nước, cho nên bà nhặt một chiếc bình vỡ trong đám vô số bình lọ vung vãi trên đường và lên đê múc đầy nước sông, mang xuống, rửa vết thương cho gã, và bà xé những dải gã rút ra từ những cuộn băng.
Gã biết cách đắp vải lên vết thương hoác miệng và gã ra dấu cho bà theo đó mà làm. Suốt thời gian đó, gã cố nói cho bà điều gì, song bà chẳng hiểu gì sất.
- Chắc là cậu ở phương Nam đến, bà nói. Cũng dễ thấy là gã có học vấn. Nom gã rất thông minh.
- Già nghe cậu nói tiếng khác với tiếng vùng này.
Bà khẽ cười một chút để khiến gã yên tâm thoải mái, song gã chỉ lầm lầm nhìn bà bằng cặp mắt lờ đờ. Cho nên bà tươi tỉnh nói:
- Giờ mà già này kiếm được cái gì cho hai ta ăn thì hay quá.
Gã không trả lời. Thực tế, gã nằm ngật ra sau, thở dốc nặng nề hơn và trân trân nhìn vào khoảng không như thể bà chẳng nói gì.
- Có cái ăn, cậu sẽ đỡ hơn, bà nói tiếp. Già cũng thế, bà nói thêm. Bà bắt đầu cảm thấy đói không sao chịu nổi.
Bà chợt nghĩ ra là ở cửa hàng anh Vương, có thể có chút bánh mì. Cho dù có lấm bụi vì vữa đổ thì vẫn cứ là bánh mì. Bà sẽ tới xem. Nhưng trước khi đi, bà dịch gã lính đi một tý cho gã nằm vào mép bóng râm của một cây liễu mọc trên bờ đê. Rồi bà đến cửa hàng bánh. Lũ chó đã đi khỏi rồi.

Như mọi thứ khác, cửa hàng bánh cũng tan hoang, không có ai ở đó. Thoạt đầu, bà không trông thấy gì ngoài đống vách lụn đổ. Nhưng rồi bà nhớ ra rằng lò ở ngay bên trong cửa ra vào, mà khung cửa thì còn đứng thẳng, đó một đầu hồi mái. Bà đứng giữa khung cửa ấy, và đưa tay lần lần dưới lớp mái đổ bên trong, bà sờ thấy cái vung gỗ của cái chảo sắt. Bên dưới vung, có thể có bánh mì hấp.
Bà nhẹ nhàng, thận trọng luồn cánh tay vào. Mất một lúc lâu, nhưng ngay cả nhẹ tay thế mà vôi, bụi cũng bốc mù lên khiến bà nghẹn thở. Tuy nhiên, bà đã đoán đúng. Bà lách bàn tay dưới vung chảo và sờ thấy lớp cùi mịn chắc của những ổ bánh mì hấp và lần lượt lôi ra bốn ổ.
- Khó mà chết nổi đồ cóc già như ta đây, bà vui vẻ nhận xét chẳng với ai cả và trên đường về, bà bắt đầu ăn một ổ. Giá có một mẩu tỏi và một chén trà... song thời buổi này, người ta không thể có đủ mọi thứ được. Chính lúc ấy, bà nghe thấy có những tiếng người.
Khi đến quãng có thể thấy gã lính, bà trông thấy một đám lính khác chẳng biết từ đâu đến vây quanh gã. Họ đứng nhìn xuống gã thương binh lúc này đang nhắm nghiền mắt.
- Mẹ già ơi, mẹ vớ đâu được tên Nhật này vậy?
Họ la hỏi bà.
- Tên Nhật nào? Bà bước đến chỗ họ, hỏi.
- Tên này! Họ nói lớn.
- Cậu ta là một tên Nhật à? Bà kêu lên, kinh ngạc hết sức. Cơ mà nom cậu ấy giống như chúng ta… mắt cậu đen… da cậu…
- Nhật đấy! Một người trong bọn họ hét lên với bà.
- Ờ, bà điềm tĩnh nói, cậu ta từ trên trời rơi xuống.
- Cho tôi mấy ổ bánh mì ấy! Một người khác thét.
- Lấy đi, bà nói, trừ ổ này để cho cậu ấy.
- Để cho một con khỉ Nhật ăn bánh mì thơm ngon à? Người lính nọ quát.
- Ta đồ rằng cậu ấy cũng đói chứ, bà lão Vương đáp. Bà bắt đầu ghét bọn này. Song le, xưa nay bao giờ bà cũng vẫn ghét bọn lính tráng.
- Ta muốn các người đi khỏi đi, bà nói. Các người làm gì ở đây? Làng ta xưa nay vẫn yên bình.
- Quả thật là giờ đây làng mẹ nom rất yên bình đấy, một gã trong bọn nhe răng cười nói, yên bình như một nấm mồ vậy.
- Ta đồ là thế, bà tán thành. Rồi bà hỏi: Tại sao nhỉ? Đấy là điều ta không hiểu.
- Tại sao ư? Vì chúng muốn chiếm đất đai của ta, thật thế đấy.
- Đất đai của ta! Bà lặp lại. Chà! Chúng không thể lấy đất đai của ta được.
- Không bao giờ! Họ hét lớn.

Nhưng suốt thời gian đó, trong khi họ vừa nói chuyện vừa nhai bánh mì đã chia cho nhau, họ luôn quan sát chân trời phía đông.
- Tại sao các người cứ nhìn hoài về hướng đông thế. Bà lão Vương hỏi.
- Bọn Nhật từ phía đó tới, gã lấy bánh mì trả lời - Các người chạy trốn bọn chúng à? Bà ngạc nhiên, hỏi.
- Bọn tôi chỉ có một dúm người, gã phân trần. Bọn tôi được để lại bảo vệ một làng - làng Bảo An thuộc hạt…
- Ta biết làng ấy, bà cụ Vương ngắt lời. Cậu không cần phải nói dài dòng. Hồi con gái, ta đã ở đấy. Ông lão Bảo chủ tiệm trà ở phố chính ra sao rồi? Đó là anh trai ta đấy.
- Mọi người ở đó đều chết cả rồi, gã kia đáp. Bọn Nhật đã chiếm làng - một đạo quân lớn đã đến cùng với súng ống ngoại quốc và xe tăng, vậy bọn tôi làm gì được?
- Cố nhiên chỉ còn cách tẩu thoát mà thôi, bà tán thành. Tuy nhiên, bà cảm thấy choáng váng, sây sẩm. Vậy là ông anh trai duy nhất còn lại của bà đã chết! Giờ đây bà là người cuối cùng của gia đình cụ thân sinh ra bà.
Nhưng bọn lính lại tản đi, để bà lại một mình.
- Chúng sẽ đến đây, cái bọn lùn đen trũi ấy, họ nói. Tốt hơn hết là chúng ta đi tiếp thôi.
Tuy nhiên, một người - anh chàng xin bánh mì - nán lại một lúc đăm đăm nhìn gã thanh niên bị thương từ nãy nằm không nhúc nhích, mắt nhắm nghiền.
- Nó chết chưa? Anh ta hỏi. Rồi, bà Vương chưa kịp trả lời anh ta đã rút từ thắt lưng ra một con dao ngắn. - Chết hay không, tôi cũng phải cho nó một vài nhát dao này…
Nhưng bà lão Vương đã đẩy anh ta ra.
- Cậu không được thế, bà hách dịch nói. Nếu có chết rồi thì hà cớ chi phải để nó mang cái xác nát bươm xuống ngục tĩnh tội. Chính ta đây cũng là một phật tử tín thành.
Anh chàng cả cười: “À, thì thôi, nó chết rồi”, anh ta đáp; rồi thấy đồng đội đã cách xa, anh bèn chạy theo.

Đây là một tên Nhật ư? Còn lại một mình với cái thân hình bất động, bà thử nhìn kỹ nó. Lúc này, mắt gã nhắm nghiền, bà có thể thấy gã trẻ măng.
Bàn tay mềm oặt trong cơn bất tỉnh, nom như tay trẻ con, chưa định hình và còn đang phát triển. Bà sờ nắn cổ tay gã, nhưng không thấy tí mạch nào. Bà cúi xuống, gí vào môi gã nửa ổ bánh mì bà chưa ăn tới.
- Ăn đi, bà nói rất to và rất rành rọt, bánh mì đấy!
Nhưng không hề thấy trả lời. Rành là gã chết rồi. Chắc là gã chết trong khi bà đang moi bánh trong lò ra.
Vậy chả còn gì khác để làm ngoài việc tự bà ăn nốt ổ bánh. Và ăn xong, bà tự hỏi chẳng biết mình còn cần phải đi theo vợ chồng Tiểu Trư và toàn thể dân làng hay không. Mặt trời đang lên và mỗi lúc một nóng. Nếu phải đi thì đi luôn cho được việc. Nhưng trước hết bà phải leo lên đê để xem hướng đã. Họ đã đi thẳng về hướng tây và mạn này là một dải đồng bằng lớn trải đến tận cuối tầm mắt. Thậm chí bà có thể nhìn thấy một đám đông cách hàng dặm. Dù sao đi nữa, bà cũng có thể nhìn thấy làng bên và có lẽ họ đang ở đó.

Thế là bà chậm rãi leo lên đê, người nóng ran. Tới mặt đê, có một ngọn gió hây hẩy, thật dễ chịu. Bà choáng người thấy nước sông mấp mé ngọn đê.
Chà, nó vừa mới lên trong giờ qua.
- Đồ quỷ già? Bà nghiêm nghị nói. Mặc cho Hà Bá nghe thấy nếu ông ấy muốn. Ông ấy thật là ác, thế đấy - giữa lúc có bao chuyện rối ren thế này, lại còn doạ lụt nữa.
Bà cúi xuống, vã nước vào má và cổ tay. Nước mát lạnh, hình như ở nơi nào đó vừa mới mưa. Rồi bà đứng dậy nhìn quanh. Phía tây không có gì ngoài tốp lính vẫn nửa đi nửa chạy ở tận xa và đằng trước họ là làng bên in mờ mờ trên một gò đất dài. Tối mai là bà đến làng ấy. Chắc hẳn vợ chồng Tiểu Trư đang chờ bà ở đó.
Bà vừa toan xuống khỏi mặt đê và khởi hành thì trông thấy một cái gì đó trên đường chân trời phía đông. Thoạt đầu, chỉ là một đám mây bụi rất lớn.
Nhưng khi bà nhìn kỹ lại, nó rất nhanh chóng trở thành một lô những chấm đen và những vật lấp lánh. Rồi bà thấy ra đó là cái gì. Đó là một đám người - một đạo quân. Bà lập tức biết đó là đạo quân nào.
“Đó là bọn Nhật”, bà nghĩ bụng. Phía bên trên chúng là những máy bay cánh bạc vè vè. Chúng lượn vòng như đang tìm kiếm ai.
“Ta chẳng biết chúng bay đang tìm ai”, bà lẩm bẩm, “Trừ phi là ta và vợ Tiểu Trư. Cả họ chỉ còn mấy bà cháu ta. Chúng bay đã giết ông anh Bảo của ta rồi”.
Bà đã gần như quên là ông Bảo đã chết. Giờ thì bà nhớ lại rất rõ nét. Ông có cái tiệm thật tuyệt. - Lúc nào cũng sạch tươm, trà ngon và bánh bao nhân thịt, giá lúc nào cũng thế. Ông Bảo là người tốt. Ngoài ra, còn bà vợ và bảy đứa con ông thì sao? Chắc họ cũng đã bị giết cả rồi. Bây giờ, những tên Nhật ấy đang tìm bà. Bà chợt nghĩ ra là chúng có thể dễ dàng nhìn thấy bà ở trên đê. Thế là bà lật đật bò xuống.
Xuống đến nửa chừng, bà bỗng nghĩ đến cái cửa cống. Cái con sông già cốc đế này, từ thuở ban sơ chỉ độc gieo tai họa cho người. Tại sao bây giờ nó không thể bù đắp lại chút ít mọi thứ độc ác nó đã làm nhỉ? Nó lại đang mưu toan điều độc ác, định lén trào qua bờ. Ờ, tại sao lại không nhỉ? Bà phân vân một lúc. Cố nhiên, thật đáng tiếc là cậu thanh nhiên Nhật vừa chết sẽ bị cuốn vào dòng nước lụt.
Cậu ta nom thật xinh trai và bà đã cứu cậu ta khỏi bị đâm nát người. Cố nhiên, chả bằng cứu sống cậu ta, song kể ra cũng gần gần như thế. Nếu cậu ta còn sống thì chắc hẳn sẽ được cứu thoát. Bà đến gần gã, kéo lên đến bờ đê. Rồi bà lại đi xuống.

Bà thừa biết cách mở cống. Bất kỳ đứa trẻ con nào cũng biết mở cửa kênh dẫn thuỷ nhập điền.
Nhưng bà còn biết cách mở toang cánh cửa cống lớn nữa kia. Vấn đề là liệu bà có thể mở đủ nhanh để né tránh kịp không?
“Ta chỉ là một mụ già mà thôi”, bà lẩm bẩm. Bà lưỡng lự thêm một giây nữa.
Ờ, kể ra cũng tiếc là không được thấy đứa bé vợ Tiểu Trư đã sinh ra, thế nhưng con người ta không thể thấy hết được mọi thứ. Bà đã thấy ối sự việc trên đời này. Dù sao đi nữa cũng phải có lúc kết thúc những điều mình thấy.
Bà lại liếc về phía đông. Bọn Nhật đang đi qua dải đồng bằng. Một tuyến đen dài, điểm hàng nghìn chấm lấp lánh. Nếu bà mở cái cửa cống này, dòng nước hung dữ sẽ ầm ầm đổ về phía chúng, ào vào cánh đồng, cuộn sóng thành một con hồ rộng nhấn chìm chúng cũng nên. Chắc chắn chúng sẽ không thể tiếp tục tiến lại gần bà, gần vợ chồng Tiểu Trư đang chờ bà ở đằng kia. Ờ, hai vợ chồng Tiểu Trư... chúng sẽ thắc mắc về bà - nhưng chúng sẽ không bao giờ ngờ rằng sự việc lại như thế này. Thành một câu chuyện hay đấy - giá bà có thể kể được cho ai nghe thì khoái biết mấy.

Bà quả quyết quay về phía cửa cống. Ờ, có người chiến đấu bằng máy bay, có người bằng súng ống, nhưng người ta cũng có thể chiến đấu bằng một con sông nếu như nó dữ dằn như con sông này. Bà vặn mạnh một cái chốt gỗ to tướng giật ra. Nó đầy rêu xanh bạc, trơn tuột. Nước vọt ra thành một tia mạnh. Khi nào bà giật thêm một chốt nữa, những cái còn lại sẽ tự khắc bật ra thôi. Bà bắt đầu kéo và cảm thấy nó tuột ra khỏi lỗ một chút.
“Làm thế này, mình có thể thoát được tĩnh tội”, bà nghĩ, “và biết đâu họ chả để cho mình đem theo ông xã luôn thể. Một bàn tay của ông ấy so với cái này thì nghĩa lý gì? Thế rồi chúng mình sẽ...”

Cái chốt đột ngột tuột hẳn ra và cánh cửa bung mạnh, đập vào người bà, làm bà không thở được.
Bà chỉ còn kịp há mồm bảo con sông:
- Làm tới đi, con quỷ già!
Rồi bà cảm thấy nó túm lấy bà, tung lên trời. Nó ở bên dưới bà và xung quanh bà. Nó vui vẻ lăn bà ra chỗ này chỗ kia và rồi, bao bọc và ôm chặt lấy bà, nó ào ào lao tới quân thù.

DUƠNG TUỜNG dịch

Không có nhận xét nào: