Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

GIỌNG MIỀN NAM - Hiền Tuệ

Ở Việt Nam, có lẽ ít có trường hợp nào đặc biệt như gia đình tôi: trong nhà có đủ cả 3 giọng Bắc, Trung, Nam. Ba tôi là người Thanh Hóa lấy mẹ tôi người Quảng Bình, nói giọng Huế rặt. Trong khi đó, 7 anh em tôi đều nói giọng Nam. Tuyệt đối không có “mô tê răng rứa” hay “mời bác xơi cơm”, “ở bẩn”… mà là “đi dòng dòng”, “bánh ích trần”, “ngon hông?”, “ở trỏng”, “cà chớn”, “trớt wớt”... Và mạnh ai nấy giữ phương ngữ của mình. Không hề có ảnh hưởng qua lại.<!>

Sinh ở Saigon (chính xác là quận 4), từ nhỏ anh em tôi chắc chắn bị ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh: hàng xóm (chủ yếu là con nít) và bạn học. Bạn thân hồi tiểu học và trung học của tôi đều là người Nam. Khi lên đại học, lúc đầu nhóm bạn của tôi cũng là người Nam, về sau mở rộng ra, nhận thêm 2 chàng Quảng Nam (ông xã và Thịnh, bạn tâm giao của chàng). Thời gian đầu của năm thứ nhất, trong các buổi họp tổ, hễ chàng mở miệng là bọn con gái miền Nam bật cười.

Ra trường, Thịnh nhận nhiệm sở ở Bạc Liêu. Một thời gian sau, có dịp về Saigon thăm bạn bè, anh đã bị lây giọng địa phương, kiểu: “con gùa”, “con gắn”.

Giọng miền Nam của tôi không có vấn đề gì cho tới khi tôi vào làm cho ban Việt ngữ đài Radio Australia (phát thanh về Việt Nam). Lúc còn là “ma mới”, tôi không được tự tin cho lắm về giọng miền Nam của mình nên cố làm sao đọc cho chuẩn. Chưa yên tâm, tôi thu âm mấy chương trình đầu tiên vào băng cassette, sau đó mang về nhà nghe lại để rút kinh nghiệm. Ông xã tôi ngồi gần, được dịp chọc quê tôi không ít khi nghe tôi đọc “tình hủ nghị”, “tủ lượng”…

Nói chung, phương ngữ nào cũng có cái hay cái dở. Nhưng, do tinh thần địa phương, tôi vẫn yêu giọng miền Nam nhất (xin lỗi các bạn người Trung và người Bắc). Ông xã tôi lấy vợ Nam kỳ, đương nhiên cũng có bị nhiễm chút chút: “Hôm nay dợ nấu món gì?”.


LA LÔ

 Đang tập thể dục dưới hồ bơi, dù không để tâm nhưng câu chuyện của 2 chị bạn đứng gần bên (một chị người Bắc và một chị người Nam) cũng lọt vào tai tôi đôi ba chữ. Và tôi khựng lại ở 2 từ được lập đi lập lại: la lô.

 Rõ ràng đó không phải tiếng Việt. Vậy la lô là tiếng nước nào? Quá tò mò, tôi chú ý nghe, mới biết 2 chị nói về nghệ. Vắt óc thêm một chút nữa mới “ngộ” ra: là công nghệ nano.

 Lâu nay vẫn nghe chị người Bắc hay nói: cà phê lóng, nuộc thịt, no nắng, nẫn nộn… nhưng la lô thì không dễ gì đoán ra.

 Người Nam như tôi cũng đâu có thua gì trong việc phát âm sai: đi Diệt Nam dui dẻ, thất dọng, con dịt, niềm tinh, tình hủ nghị, cá gô (bắt con cá gô bỏ dô gổ kêu gột gột), v.v…

 Riêng dân Quảng phát âm sai coi bộ khó hiểu nhất. Nhớ lần đầu tiên chàng đưa về nhà “trình diện”, nghe mẹ chồng (sau này) nói chuyện, tôi căng thẳng lắm, cho dù nghe giọng Quảng của chàng đã khá quen.

 Nói chung, với người Quảng Nam, “ôm” thì thành “ơm”. Ví dụ như trong bài thơ của Tường Linh (lấy trong bài “Vài thổ âm, thổ ngữ của người Quảng” của Lê Minh Quốc):

 Rủ nhau vô núi hái chơm chơm,

 Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm.

 Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc,

 Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm.

 Mùa đông tơi lá che mưa bấc,

 Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm.

 Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa,

 Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!

 Trong khi đó, “am” thì thành “ôm”: cồm rồm (càm ràm), “ao” thành “ô”: “gộ” là “gạo”, v.v…

 Hôm nghe tôi kể vụ la lô, ông xã kể lại một câu chuyện khác. Hồi còn ở Việt Nam, anh có một anh bạn người Bắc là thầy giáo mà lại hay phát âm sai. Thầy giáo này lâu lâu than thở về cách phát âm của mình nên ông xã có hỏi: “Sao mày không tập phát âm cho đúng?”. Anh bạn bèn trả lời: “Tại tao nười”.

Không có nhận xét nào: