Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 26/9 - Lê Minh Nguyên

Trung Quốc sẽ triển khai drone kiểm soát Biển Đông --- Philippines liệu có bỏ Mỹ theo Trung?

Báo chí Ấn Độ và Mỹ cùng đưa tin: Trung Quốc có kế hoạch bố trí máy bay không người lái (drone) để "quan sát" các vùng biển tranh chấp với láng giềng Đông Nam Á và Nhật Bản.<!>

Trung Quốc từ nay đủ khả năng chế tạo và bố trí máy bay không người lái trên khắp vùng biển từ "Nam Hải cho đến quần đảo Điếu ngư ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp chủ quyền, để theo dõi và vẽ bản đồ". Thông tin này đến từ tổng giám đốc công ty công nghệ cao cấp TopRS Technology củaTrung Quốc, Lý Anh Thành với  Nhân Dân Nhật Báo, được IANS của Ấn Độ và Washington Times trích lại ngày hôm qua 25/09.
Theo nhân vật này thì máy bay trinh sát của Trung Quốc ZC-5B và ZC-10 thuộc loại "tàng hình" khó bị ra-đa phát hiện. ZC-5B có tầm họat động 1400 km và bay suốt 30 giờ. Mục tiêu là để "bảo vệ chủ quyền Trung Quốc trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản và dầu khí, cũng như theo dõi các hành động quân sự".

Thật ra dự án sử dụng drone tăng cường sức mạnh thống lĩnh Biển Đông của Trung Quốc không phải mới có và đã bị giới chuyên gia quốc tế theo dõi từ nhiều tháng nay. Một bài phân tích dài trên báo mạng The Diplomat của Nhật Bản ngày 01/06/2016, cho biết từ đầu năm 2016, Trung Quốc đã bố trí chiến đấu cơ J-11, tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất của Hoàng Sa (chiếm của Việt Nam vào năm 1974). Đến tháng 04 năm nay, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc điều thêm máy bay dọ thám không người lái loại BZK-005 ra Phú Lâm. - RFI

Sau khi đi thăm Việt Nam trong tuần này, tổng thống Philipines Rodrigo Duterte vào tháng tới sẽ công du Trung Quốc lần đầu tiên, trong bối cảnh mà Bắc Kinh đang cố kéo Manila về phía mình, rời xa liên minh với Mỹ. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc tạm dừng công trình xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough mà họ đã chiếm đóng từ năm 2012, theo tờ New York Times ngày 25/09/2016.
Xây đảo nhân tạo trên bãi cạn này và đặt trên đó một căn cứ quân sự vẫn là mục tiêu kế tiếp của Bắc Kinh, nhưng việc tổng thống Duterte lên cầm quyền và liên tiếp đưa ra những lời đe dọa, chữi bới Hoa Kỳ đã làm thay đổi những tính toán của Trung Quốc. Tất nhiên là Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu biến Scarborough thành một căn cứ quân sự lớn, nhưng hiện giờ kế hoạch này dường như đang tạm ngưng.

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, điều quan trọng nhất với Bắc Kinh bây giờ là tạo một mối quan hệ hữu nghị với ông Duterte để cố lôi kéo Philippines ra khỏi liên minh với Hoa Kỳ. Xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough vào lúc này sẽ phá hỏng cơ may đạt được mục tiêu nói trên. Một giáo sư về quan hệ quốc tế ở Hồng Kông được New York Times trích dẫn cho biết rằng chính phủ Bắc Kinh vẫn muốn ít ra là Manila giữ thái độ trung lập trong cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Tờ New York Times nhắc lại rằng vào tháng 7 vừa qua, Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết chỉ trích nặng nề những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hoạt động xây đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, nằm không xa Philippines. Nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết đó. Chính quyền Obama đã tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính bắt buộc thi hành, nhưng tránh nhấn mạnh quá nhiều vào điểm này.

Lý do là vì, theo New York Times, rất khó mà ngăn chận Trung Quốc tiếp tục xây những cấu trúc quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, trừ phi dùng vũ lực. Quân đội Mỹ cho biết là 3 trong số 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Trường Sa được thiết kế như những căn cứ quân sự. Theo lời một nhà nghiên cứu quân sự Mỹ, Thomas Shugart, Đá Su Bi (Subi Reef) nay có một hải cảng lớn hơn cả Trân Châu Cảng. Cả ba đảo/căn cứ quân sự nói trên có thể được dùng là nơi đồn trú cho 17 ngàn binh lính và một đội phi cơ đủ khả năng chống lại một cuộc can thiệp của Mỹ.
Cũng theo lời ông Shugart, bãi cạn Scarborough có thể trở thành một căn cứ quân sự lớn hơn cả. Bãi cạn này có vị trí chiến lược đặc biêt vì nó chỉ nằm cách 250 km với bờ biển Philippines và Vịnh Subic, nơi đồn trú các chiến đấu cơ phản lực và chiến hạm của Mỹ.

Một khi biến bãi cạn Scarborough thành căn cứ quân sự, Trung Quốc sẽ có thể tung lực lượng ra khắp vùng Biển Đông, từ một "tam giác" căn cứ, cùng với quần đảo Trường Sa ở phía Nam và quần đảo Hoàng Sa ở phía Tây.
Theo lời một giáo sư quan hệ quốc tế ở trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho dù đối thoại giữa Bắc Kinh với Manila đạt kết quả như thế nào, thì mục tiêu lâu dài của Trung Quốc vẫn là kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Hơn nữa, cũng theo vị giáo sư này, tuy ông Duterte đã có thái độ gay gắt với Mỹ, đòi rút lực lượng đặc biệt của Mỹ ra khỏi miền Nam Philippines và dùng những lời thô tục nói về tổng thống Obama, Trung Quốc không dễ gì mà thu phục được sự tin cậy của tổng thống Philippines. Vị giáo sư này cho rằng, thuyết phục Manila từ bỏ quan hệ mật thiết với Washington để ngả theo Trung Quốc, giống như họ đã làm với Lào và Cam Bốt, là chuyện không tưởng. - RFI

2.
Máy bay Nhật xuất kích khi phát hiện chiến đấu cơ Trung Quốc

Tokyo phản ứng mạnh mẽ sau vụ Không quân Trung Quốc tập trận trong vùng biển chiến lược ở Hoa Đông. Theo thông cáo ngày 26/09/2016 của bộ Quốc Phòng, 8 chiếc máy bay Nhật Bản đã xuất kích ngay khi phát hiện chiến đấu cơ Trung Quốc bay qua eo biển Miyako vào hôm qua.
Trả lời báo chí sáng nay tại Tokyo, phát ngôn viên phủ thủ tướng Nhật, Yoshihide Suga cho biết thêm: cho dù không vi phạm không phận của Nhật Bản nhưng đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ Trung Quốc bay qua khu vực eo biểu Miyako, cách không xa quần đảo có tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư. Đây là nơi từ năm 2013 Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thành khu vực "vùng nhận dạng phòng không AZID" bất chấp sự chống đối của Nhật Bản và đồng minh Hoa Kỳ.

Cũng trong buổi họp báo sáng nay (26/09/2016) phát ngôn viên của thủ tướng Nhật nhấn mạnh Tokyo "không thể chấp nhận để không phận trong vùng gần quần đảo Senkaku thuộc về Trung Quốc".
Eo biển Miyako nằm giữa hai đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản, được Trung Quốc xem là một vùng chiến lược, cửa ngõ mở ra tây Thái Bình Dương.
Bắc Kinh hôm qua thông báo đã tiến hành một cuộc tập trận trên không ở Biển Hoa Đông, huy động hơn 40 máy bay, trong đó có chiến đấu cơ, máy bay oanh tạc và máy bay tiếp liệu, mô tả đây là một cuộc "tập trận thường lệ" trong vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc với mục đích "bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và gìn giữ hòa bình".

Hãng tin Bloomberg nhắc lại tháng 5/2016 một số phi vụ của Không quân Trung Quốc từng bay ngang eo biển Miyako, nhưng cuộc tập trận ngày 25/09/2016 đã huy động một số lượng máy "lớn chưa từng thấy". Theo lời một viên tướng về hưu của Trung Quốc, "sự kiện chưa từng xảy ra" nói trên "nhằm tăng cường khả năng tác chiến ở biển khơi" của quân đội Trung Quốc.
Sự hiện diện của máy bay Trung Quốc và Nhật Bản trên bầu trởi Biển Hoa Đông một lần nữa cho thấy căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo chưa có dấu hiệu thuyên giảm. - RFI

3.
Vị trí tân Tổng thư ký LHQ: Ông Guterres đang dẫn đầu

Trong cuộc chạy đua để trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của thế giới, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, Antonio Guterres, đã nổi lên thành một ứng viên sáng giá.
Trong vòng biểu quyết không chính thức lần thứ năm của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 26/9, ông Guterres lại dẫn đầu trong năm vòng bỏ phiếu liên tiếp. Ông là ứng cử viên duy nhất trong số 9 ứng viên đạt 9 phiếu tối thiểu cần thiết. Ông nhận được 12 phiếu ủng hộ, 2 phiếu phản đối, và 1 phiếu không có ý kiến.

Nhiều nhà ngoại giao tin rằng một trong hai phiếu chống là từ New Zealand, nước đang cố gắng đưa cựu Thủ tướng Helen Clark lên nắm vị trí này, nhưng bà Hellen có tỷ lệ ủng hộ rất thấp. Bà là ứng viên chốt bảng trong cuộc biểu quyết hôm nay.
Đông Âu, với tổng cộng sáu ứng cử viên trong cuộc đua, nói rằng họ là khu vực duy nhất chưa giữ chức vụ này và hy vọng sẽ nắm được vị trí Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bắt đầu từ 1/1/2017.

Các ứng cử viên của Đông Âu cũng đạt được sự ủng hộ mạnh mẽ trong cuộc bỏ phiếu không chính thức hôm 26/9, với cựu Ngoại trưởng Serbia, Vuk Jeremic đứng nhì danh sách và đương kim Ngoại trưởng Slovakia, Miroslav Lajcek, về thứ ba. Hai người đã hoán đổi vị trí so với vòng bỏ phiếu trước.
Nhưng cả hai đều chỉ được 8 nước ủng hộ, nghĩa là dưới ngưỡng 9 như quy định và thua ông Guterres khá xa.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu tiếp theo và có thể là cuộc biểu quyết mang tính quyết định nhất vào ngày 5/10. - VOA

4.
Thỏa thuận hòa bình lịch sử ở Colombia

Chính phủ Colombia và quân nổi dậy cánh tả Farc hôm 26/9 ký thỏa thuận lịch sử kết thúc cuộc nội chiến 52 năm.
Cuộc xung đột lớn cuối cùng thời Chiến tranh Lạnh đã giết chết 260.000 người, làm sáu triệu người mất nhà cửa.
Tổng thống Juan Manuel Santos và lãnh đạo nổi dậy, Timoleon Jimenez, biệt danh Timochenko, dùng cây bút làm từ viên đạn để ký.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nói hòa bình với nhóm nổi dậy Farc sẽ giúp thúc đẩy kinh tế và hàn gắn xã hội.

“Chiến tranh luôn tốn kém hơn hòa bình,” ông nói với BBC.
Ông Santos và lãnh đạo Farc Timoleon Jimenez, có biệt danh Timochenko, sẽ ký thỏa thuận hòa bình lịch sử trong ngày thứ Hai.
Nhưng Tổng thống Colombia nói sẽ mất thời gian để xã hội phục hồi sau hơn năm thập niên xung đột.
Thành đảng chính trị

Farc sẽ trở thành một đảng chính trị theo thỏa thuận.
Thỏa thuận hòa bình được thông qua tháng rồi sau gần bốn năm đàm phán ở thủ đô Havana của Cuba.
Ngừng bắn song phương đi vào hiệu lực năm ngày sau đó, chấm dứt xung đột trên thực tế.
Xung đột 52 năm đã làm chết khoảng 260.000 người, sáu triệu người mất nhà cửa.
Farc sẽ có 180 ngày để giải giáp, và đưa 7.500 lính vào khu phi quân sự do LHQ lập ra.
Ân xá sẽ dành cho “các tội chính trị” nhưng không áp dụng cho thảm sát, tra tấn, hãm hiếp.

Farc đồng ý ngừng sản xuất ma túy ở các vùng do họ kiểm soát.
Farc sẽ trở thành đảng chính trị, được 10 ghế trong quốc hội 268 thành viên.
Nhóm này sẽ ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố của EU sau khi ký thỏa thuận. - BBC

5.
Kinh tế TQ chậm lại là ‘rủi ro lớn nhất’

Cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói với BBC tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông Ken Rogoff nói không thể loại trừ việc "hạ cánh cứng" đối với một trong các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.

"Trung Quốc đang trải qua một cuộc cách mạng chính trị lớn", ông nói.
"Và tôi nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại nhiều hơn so với số liệu chính thức cho thấy,"
Ông Rogoff nói thêm: "Nếu bạn muốn xem một phần của thế giới có vấn đề về nợ thì hãy tìm hiểu về Trung Quốc. Tín dụng tăng trưởng mạnh tại đây và không thể tiếp diễn như vậy mãi được."
Ảnh hưởng tới Anh Quốc

Tuần trước, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổ chức tư vấn cho các ngân hàng trung ương toàn cầu, cho biết tỷ lệ nợ trong kinh tế của Trung Quốc so với GDP đứng ở mức 30,1%, và điều này dẫn tới lo ngại rằng bùng nổ kinh tế của Trung Quốc dựa trên bong bóng tín dụng bất ổn.
Con số này được Ủy ban chính sách tài chính của Ngân hàng Trung ương Anh mô tả là "rất cao theo chuẩn mực quốc tế". Và nay người ta sẽ kiểm tra mức độ ảnh hưởng tới các ngân hàng Anh khi kinh tế Trung Quốc bị chững lại.

Các ngân hàng Anh cho vay và có hoạt động kinh doanh trị giá 530 tỉ USD tại Trung Quốc, tính gồm cả Hong Kong. Tức là khoảng 16% toàn bộ tài sản của nước ngoài là do các ngân hàng Anh nắm.
'Lo lắng'
"Mọi người đều nói tình hình Trung Quốc là khác vì nhà nước sở hữu tất cả mọi thứ nên họ có thể kiểm soát", ông Rogoff, nay là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, nói.
"Chỉ tới một thời điểm nào đó thôi. Chắc chắn là đáng lo về khả năng hạ cánh cứng ở Trung Quốc.
"Chúng ta đang thấy có việc hạ cánh đã khá gấp và tôi lo rằng Trung Quốc ngày càng trở thành vấn đề.
"Chúng ta chủ quan với suy nghĩ rằng bất cứ điều gì đang xảy ra ở châu Âu hay Nhật Bản thì ít nhất là còn có Trung Quốc. Nhưng vấn đề là nếu không có Trung Quốc thì không có nền kinh tế nào thế chỗ.

"Tôi nghĩ rằng Ấn Độ có thể sẽ có lúc có kinh tế ở mức đó nhưng hiện đang bị đuối quá về kích cỡ nên không thể đóng vai trò thay thế."
Ông Rogoff nói rằng các nền kinh tế châu Âu và Hoa Kỳ phải đảm bảo họ "đứng được trên đôi chân của mình" trước khi bất kỳ việc kinh tế chững lại nào bắt đầu xảy ra.
"IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong chín năm liên tiếp và chắc chắn là có việc đồn đoán là họ sắp làm điều đó một lần nữa," ông nói.
Ngoài chủ đề Trung Quốc, ông nói rằng có một mức bất an trên thế giới đối với các chủ đề như liệu Donald Trump hay Hillary Clinton sẽ chiến thắng trong kỳ bầu cử tại Hoa Kỳ.

Ông lập luận rằng khó có thể đánh giá ông Trump sẽ làm gì nếu thắng cử, và nếu bà Clinton thắng thì có thể có kế hoạch của bà chi tiêu cho các dự án hạ tầng sẽ bị Hạ viện cho đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cản trở.
"Chắc chắn là tôi lo ngại, có thể lo ngại nhiều hơn với chiến thắng thuộc về ông Trump, chỉ vì chúng ta sẽ không biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo", ông Rogoff nói.
"Tôi không thích chính sách mậu dịch [bảo hộ] của cả hai ứng cử viên. Tôi nghĩ rằng mậu dịch tự do đã làm lợi cho Hoa Kỳ rất nhiều trong vị trí nền kinh tế đầu tàu. Vì vậy, đánh giá trên góc độ của một nhà kinh tế, thì đây là một cuộc bầu cử nhiều đau đớn."

Tác động của Brexit

Ông Rogoff nói không rõ Brexit sẽ có những tác động gì đốiv ưới nền kinh tế Vương quốc Anh vì vẫn chưa thể xác định mô hình mậu dịch có thể được chấp nhận qua đàm phán cũng như đánh giá nền nền kinh tế châu Âu sẽ ra sao vào thời điểm nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Mặc dù khen Ngân hàng Trung ương Anh có phản ứng chủ động sau kết quả trưng cầu dân ý, ông Rogoff nói rằng các ngân hàng trung ương đang trong vị trí khó xử.
"Chính sách tiền tệ có giới hạn của nó – chính sách tiền tệ không phải là thuốc chữa bách bệnh," ông nói.
"Thực ra không nên khen ngợi các ngân hàng trung ương quá nhiều khi mọi thứ tốt, và rồi đổ lỗi cho họ khi mọi việc có diễn biến xấu.

"Nhưng chính sách tiền tệ không làm cho một nền kinh tế già cỗi có thế trẻ lại, nó không làm cho một nền kinh tế ít sang tạo bỗng nhiên đổi mới, nó không làm cho một nền kinh tế với khu vực ngân hàng trì trệ lại tự nhiên khỏe mạnh.
"Tôi có một mối quan ngại về chính sách tiền tệ tại thời điểm này – tức là chính sách phải đảm nhận vai trò mà vốn dĩ không được thiết kế để đảm đương vai trò đó. Tức là người ta được yêu cầu áp dụng chính sách “tiền trực thăng”, tức là in tiền để tài trợ cho chi tiêu chính phủ hoặc tài trợ tiền mặt cho người dân.

Ở châu Âu, các ngân hàng trung ương đang mua một tỷ lệ đáng kể nợ của doanh nghiệp trên thị trường - đó là những gì được làm ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản.
"Có nhiều thứ áp lực khác và tôi lo là về dài hạn thì các ngân hàng trung ương đang mất đi vị thế độc lập của họ." - BBC

Tin Hoa Kỳ
6.
Lịch sử tranh luận tổng thống --- Bầu cử Mỹ: Giành giật cử tri ở Bắc Carolina --- Allan Lichtman: 'Donald Trump sẽ thắng'

Ứng cử viên Tổng thống bên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump thứ hai tới đây sẽ đối mặt lần đầu tiên trong loạt ba cuộc tranh luận Tổng thống tại Hempstead, New York. Bà Clinton và ông Trump đang trong một cuộc đua sát sao để được vào Tòa Bạch Ốc và nếu đúng như những gì từng xảy ra trong lịch sử, các cuộc tranh luận sắp tới này có thể có tác động đáng kể tới cuộc bầu cử. Thông tín viên Jim Malone giới thiệu thêm về lịch sử và tầm quan trọng của các cuộc tranh luận Tổng thống.

Các cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên được  truyền hình diễn ra vào năm 1960 giữa Phó Tổng thống Đảng Cộng hòa Richard Nixon và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ John Kennedy thuộc tiểu bang Massachusetts.
Sự thể hiện tốt đẹp của ông Kenedy trước ông Nixon dày dạn kinh nghiệm hơn đã giúp định hình kết quả của cuộc bầu cử mà ông Kenedy đã giành chiến thắng sát sao.
Điều đó cho thấy các cuộc tranh luận tổng thống có thể đóng vai trò quan trọng, theo chuyên gia Jeremy Mayer thuộc Đại học George Mason.

Ông Mayer nói:
“Điều đó tạo ra vị thế. Bạn có thể trực diện và ngang hàng với một người nổi tiếng hơn, đó chính là những gì diễn ra trong các cuộc tranh luận.”
Trong các cuộc tranh luận năm 1976, Tổng thống Gerald Ford tự gây hại cho mình trong cuộc đua với ứng cử viên Đảng Dân chủ Jimmy Carter bằng sự hớ hênh khi nói về ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Âu.
Ông Carter đã nắm lấy sai lầm của ông Ford và ông Ford đã thua đau trong cuộc đua sát sao lúc đó. Đây là một ví dụ nữa để chứng minh rằng các cuộc tranh luận hết sức quan trọng, theo nhận định của Giáo sư Stephen Wayne từ đại học Georgetown.

Ông nói:
“Các cuộc tranh luận quan trọng trong bầu cử Tổng thống khi tỷ lệ ủng hộ dành cho các ứng viên không mấy cách biệt. Hầu hết mọi người xem các cuộc tranh luận đứng về phía đảng của họ hoặc ủng hộ cho ứng cử viên của họ.”
Bốn năm sau, ông Carter thất bại trong cuộc tái tranh cử khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa Ronald Reagan đã vượt trội hơn trong cuộc tranh luận duy nhất.
Một câu hỏi chốt lại của ông Reagan dành cho cử tri đã trở thành một chuẩn mực cho cuộc tranh luận khi ông nói rằng: “Tôi nghĩ khi quý vị đưa ra quyết định, quý vị nên tự hỏi rằng cuộc sống của quý vị liệu sẽ tốt hơn so với bốn năm trước hay không?”
Trong những năm gần đây, các ứng cử viên chủ yếu quan tâm đến việc không mắc bất cứ sai lầm lớn nào trong các cuộc tranh luận, giáo sư Jeremy Mayer cho biết.

Ông nói:

“Các cuộc tranh luận dường như đang suy giảm sức mạnh. Mọi người không còn theo dõi nhiều như xưa. Nhưng giờ điều tệ hơn là, trong khi người dân không xem trực tiếp, nhưng nếu bạn phạm sai lầm thì mọi người có thể xem lại trên Facebook hay YouTube.”
Các nhà phân tích bầu cử dự kiến cuộc tranh luận đầu tiên của bà Clinton và ông Trump có thể là sự kiện được theo dõi nhiều nhất trong 
"Chỉ còn 44 ngày nữa là tới ngày bỏ phiếu quyết định ai sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ, ngày 8/11."

Thế nhưng nói vậy là không chính xác.
Hãy tới bất kỳ tổng hành dinh vận động tranh cử nào ở các tiểu bang còn đang lưỡng lự, bạn sẽ thấy lý do vì sao.
Tôi tới một trong 33 văn phòng của bà Hillary Clinton ở Bắc Carolina cách đây ít hôm, và đã lắng nghe một số tình nguyện viên kêu gọi cử tri.
Một trong những câu hỏi đầu tiên của họ là "Quý vị có đi bỏ phiếu sớm không?"
Tại tiểu bang đó, nơi Donald Trump buộc phải thắng nếu muốn có cơ hội thắng cử thực sự, các nhà vận động của đảng Dân chủ trông đợi chừng 50% cử tri sẽ bỏ phiếu trước ngày bầu cử.

Việc bỏ phiếu sẽ bắt đầu 17 ngày trước ngày 8/11. Ở một số tiểu bang, giai đoạn này là hơn một tháng.
Vấn đề ở đây là tại các tiều bang cả hai đảng đều có cơ bám đuổi sát nút, như Ohio, Florida, Bắc Carolina, Nevada, và có lẽ cả Arizona, thì công tác tổ chức tại chỗ có thể tạo ra những khác biệt.
Chương trình vận động tranh cử nào lấy được sự ủng hộ của các cử tri đi bỏ phiếu sớm và đến đầu tháng Mười Một đã biết được là các ủng hộ viên nào của mình còn chưa đi bầu, thì phe đó nhiều khả năng sẽ thắng.

Sau khi các cuộc tranh luận đã kết thúc, cho dù chúng tác động tới cuộc đua theo hướng nào, hay kết thúc với tỷ số hòa giữa hai phe, thì sự thực cũng sẽ sớm trở nên rõ ràng.
Và đó là một trong những khác biệt căn bản trong hai chiến dịch vận động tranh cử.
Trump chống lại cả 'hệ thống'
Sức mạnh của Donald Trump nằm ở chỗ ông có thể tận dụng ưu thế của 'người ngoại đạo' để kêu gọi, hấp dẫn những đối tượng vốn đã chán ngán hoặc cảm thấy cay đắng với "hệ thống" chính trị đã khiến họ thất vọng.

Có thể đó là những trường hợp vụ khủng hoảng tài chính hồi 2008 khiến mức thu nhập thực sự của họ vẫn chưa phục hồi được như trước, những trường hợp không có công ăn việc làm, hay hóa đơn trang trải tiền theo học đại học cho con cái trở nên quá sức, hoặc những trường hợp muốn phản kháng mạnh mẽ với tầng lớp chính trị gia cao cấp mà Hillary Clinton được coi là một đại diện tiêu biểu.
Chẳng hạn như khi nói chuyện với Pat Short, một nhà nông trồng thuốc lá ở Bắc Carolilna, người từng đăng ký theo đảng Dân chủ, tôi nhận thấy đây quả là một trường hợp điển hình.

Ông nói rằng Trump sẽ thuê các cố vấn giỏi, sẽ tâp hợp được thành một đội mạnh và tiếp cận các vấn đề của đất nước theo cách mà bất kỳ doanh nhân hay nhà nông nào cũng sẽ chọn. Còn với bà Clinton, sự thể có lẽ sẽ vẫn như cũ.
Trump thu hút được sự ủng hộ từ những người như thế, nếu tính dựa trên các cuộc thăm dò dư luận thì nay đã đạt trên 40% trên toàn quốc. Tính trung bình một - hai tuần trở lại đây, ông chỉ kém bà Clinton khoảng 2-3%.
Nhưng điều đó chưa nói lên đầy đủ câu chuyện.

Ban nhạc một thành viên
Thăm dò dư luận trên toàn quốc không cho biết nhiều về điều gì sẽ xảy ra vào ngày 8/11 tới đây trong cuộc đua từ bang này qua bang khác, và về điều gì yếu kém đằng sau thế mạnh của ông Trump.
Chiến dịch vận động của ông luôn là ban nhạc một thành viên. Các quyết định lớn đều do ông đưa ra, và mọi người đều biết rằng tuy ông có thể nghe những lời tư vấn mỗi ngày về việc làm sao để trêu ngươi đối thủ, nhưng cách thức làm thế nào sẽ luôn do ông chứ không phải ai khác quyết định.

Nay ông Trump đã có Roger Ailes bên cạnh. Đây là người gần đây đã bị nhà Murdochs tống ra khỏi Fox News do các cáo buộc quấy rối tình dục, và bản năng chơi rắn tay của ông hẳn sẽ được khuyến khích.
Ông sẽ rót vào tai ông Trump lời xúi hãy là "Trump thực sự" mỗi khi Trump định hạ nhiệt.
Điều này nhiều khả năng sẽ là sự bất lợi trong cuộc đua sát ngày bỏ phiếu, bởi nó sẽ phụ thuộc vào chuyện ông Ailes có đưa ra lời khuyên đúng hay không.

Điều đó cũng có nghĩa là chiến dịch vận động của ông Trump sẽ tập trung vào giọng điệu hơn là vào công tác tổ chức; nhiều gương mặt kỳ cựu của đảng Cộng hòa đã tránh xa chiến dịch vận động của ông Trump vì thấy không hài lòng.
Những phép tính thuần túy
Nhưng ông Trump vẫn cần có một cuộc chơi khôn ngoan tại chỗ. Phép tính đơn giản là người thắng ở mỗi tiểu bang sẽ giành được toàn bộ các lá phiếu đại cử tri.

Để chiến thắng, một ứng viên cần giành được 270 lá phiếu đại cử tri. Nếu như ông Trump giành được tất cả những gì mà Romney từng giành được hồi 2012 (gồm cả ở Bắc Carolina), thì ông sẽ có được 206 phiếu và cần thêm 64 phiếu nữa để chiến thắng chung cuộc.
Ông có thể lấy được số phiếu này từ đâu? Ohio và Florida (nơi ông và bà Clinton đang so kè sát sạt nhau) sẽ vẫn chưa đủ.
Một số tiểu bang vốn từng theo đảng Cộng hòa trong các cuộc bỏ phiếu gần đây, gồm Wisconsin, Michigan, Colorado, đang nghiêng mạnh về phía bà Clinton.
Pennsylvania, nơi có thể đóng vai trò quan trọng, thì vào lúc này có vẻ như đang ngoài tầm với.

Giành phiếu bầu
Với những người Cộng hòa, bức tranh khá là u ám.
Đó là lý do vì sao nói chuyện giữa những người thực sự tin vào chiến thắng của ông Trump nhờ vào đám đông im lặng đang chuẩn bị trỗi dậy là chưa đủ. Ông cần tổ chức công việc tốt hơn và cần có đội quân tình nguyện viên hùng hậu hơn ở đúng những nơi cần thiết.
Chiến thắng không chỉ dựa vào những lời hùng biện, mà dựa vào kết quả bỏ phiếu. Và việc bỏ phiếu sẽ sớm diễn ra. - BBC

***
Một giáo sư ở Hoa Kỳ nói ông Donald Trump 'sẽ thắng cử tổng thống Mỹ', căn cứ vào số liệu ông nghiên cứu qua các kỳ bầu tổng thống Mỹ nhiều năm qua.
Trả lời BBC News chiều 26/09, ông Allan Lichtman nói người như ông Trump đáng ra đã bị rớt khỏi cuộc đua từ lâu rồi nhưng năm 2016 là năm 'đặc biệt'.
Tuy thế, trước cuộc cuộc tranh luận truyền hình tay đôi Hillary Clinton - Donald Trump đầu tiên vào tối 26/09 ở New York, một số trang báo tại Anh chỉ cho rằng ông Trump "sẽ thắng cuộc tranh luận" nếu không thua.
Đánh giá về nhân vật đang là ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, Giáo sư Lichtman nói:
"Ông Trump bác bỏ cả các bằng chứng khoa học như về biến đổi khí hậu, và khác với bà Clinton, ông cũng không muốn hợp tác với đồng minh nào của Mỹ..."

"Nhưng năm nay, đảng đang cầm quyền tại Hoa Kỳ lại không được ủng hộ và ứng viên đảng này khó thắng," GS Lichtman nói với chương trình IMPACT trên BBC News tại London qua đường video từ Hoa Kỳ.
Ông Lichtman nói dự báo của ông không có nghĩa là ông ủng hộ ứng viên Trump hay ai khác mà dựa trên sự so sánh hai đảng chính và vai trò của ứng viên bên thứ ba.
Điều đó khiến ông thiên về khả năng rằng ứng viên đảng Cộng hòa, vốn đang không nắm Nhà Trắng, có nhiều cơ hội hơn ứng viên đảng Dân chủ.
Trước đó, ông Lichtman đã nói trên báo chí tiếng Anh rằng dự báo của ông dựa trên số liệu lịch sử, chứ không phải là chuyện cảm tính ông hay cử tri ưa ai hơn.
"Đây là một hệ thống dự báo mang tính lịch sử. Tôi xây dựng nói bằng số liệu của các kỳ bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ từ 1860 đến 1980, và tôi đã dự đoán đúng mọi cuộc bầu cử từ 1984 đến 2012," ông được trích lời trên trang The Independent tại Anh tuần qua.

Số phận của Đảng Dân chủ
Ông Lichtman là tác giả cuốn 'Predicting the Next President: The Keys to the White House 2016'.
Tựa đề nói về 'the Keys to the White House', có thể tạm dịch là 'Chùm chìa khóa vào Nhà Trắng' nhưng cũng có nghĩa là 'các vấn đề trọng yếu' để vào Nhà Trắng.
Chẳng hạn, trong kỳ bầu cử tháng 11/2016 này, ông nêu ra hơn 13 lý do để cho rằng ứng viên Dân chủ sẽ thua vì không thắng đủ quá 6 trên tổng số các hồ sơ.
Sau đây là một số đoạn ông Lichtman nêu ra:
'Chủ đề 1: uy tín của đảng đang nắm Nhà Trắng qua bầu cử giữa kỳ. Phe Dân chủ vì ‘đập tan’.
Chủ đề 3: tổng thống đương nhiệm không tái tranh cử.
Chủ đề 7: không có biến đổi chính sách quan trọng trong nhiệm kỳ 2 của Obama như Luật Affordable Care Act.
Chủ đề 11: không có thắng lợi ngoại giao lớn.

Chủ đề 12: Hillary Clinton không phải là Franklin Roosevelt.”
Và cuối cùng là phiếu bỏ cho ứng viên độc lập Gary Johnson mà ông Lichtman gọi là 'The Gary Johnson Key'.
Thường một nhân vật thứ ba như Gary Johnson (thống đốc bang New Mexico) chỉ được 5% phiếu thăm dò dư luận nhưng cho đến nay, ông Johnson được từ 10-12%, điều theo ông Lichtman nói, là khá bất thường.
Mới hồi tháng 3/2016, trả lời kênh radio BBC Newshour, giáo sư lịch sử Allan Lichtman cho rằng những nhân vật 'ngoài luồng' như ông Trump thường không ghi điểm tốt trong các kỳ bầu cử.
Tuy thế, khi đó ông Lichtman đã đoán đúng rằng Donald Trump "sẽ thành ứng viên chính của đảng Cộng hòa".

Hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump sẽ có cuộc tranh luận truyền hình tay đôi đầu tiên vào tối 26/09 giờ Hoa Kỳ ở New York.
Các báo tiếng Anh tin rằng ông Trump có thể "thắng cuộc tranh luận" khi chỉ cần "không bị thua", chứ không nói rằng ông Trump có thể thắng cử cả cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. - BBC

7.
Thử nghiệm thành công vắc xin Zika trên khỉ

Các nhà nghiên cứu sắp chế tạo được vắc xin chống virút Zika. Một vắc xin đang được thử nghiệm dùng công nghệ DNA để kích hoạt phản ứng của hệ miễn nhiễm chống Zika - là virút mà khi thai phụ bị nhiễm sẽ gây dị tật cho thai nhi.
Thuốc tiêm DNA đang được thử nghiệm tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, gọi tắt là NIH, nằm ở ngoại ô thủ đô Washington, là một thế hệ vắc xin mới.

Vắc xin DNA hoạt động khác với các vắc xin thông thường rất nhiều. Các loại vắc xin thường sử dụng tế bào của virút đã yếu đi hoặc đã chết để kích hoạt một phản ứng miễn nhiễm trong cơ thể.
Còn vắc xin DNA sử dụng bản sao gien của mầm bệnh. Loại DNA này được đưa vào các tế bào trong phòng thí nghiệm, tại đó các protein được nhân bản từ virút, nhưng không gây bệnh.

Ông Barney Graham, phó giám đốc của Trung tâm nghiên cứu vắc xin ở NIH, nói rằng khi các tế bào đó được đưa vào cơ thể, các mảnh DNA hệ thống sẽ phát triển giống như mầm gây bệnh. Ông nói:
"Điều mà chúng tôi cần là đưa mặt bên ngoài của virút gây bệnh đến cho hệ miễn nhiễm để hệ này nhận biết virút với những kháng thể, và sản xuất ra nhiều kháng thể đó hơn. Để mà khi chúng ta gặp phải virút thật, các kháng thể đó có thể ngăn không cho virút phát bệnh."
Cho đến giờ ở Mỹ, chưa có loại vắc xin DNA nào được chứng minh có thể sử dụng cho con người, nhưng các nhà nghiên cứu đang cố gắng.

Những thí nghiệm lâm sàng ban đầu về vắc xin DNA đang được thực hiện. Phòng thí nghiệm của Bác sĩ Graham đang tìm cách chế tạo ra một liều đủ công hiệu.
Một cuộc nghiên cứu được đăng trên tập san Khoa học nói rằng các nhà khoa học nhận thấy 17 trong số 18 chú khỉ rezut được tiêm hai liều vắc xin DNA thử nghiệm được bảo vệ hoàn toàn không mắc bệnh. 6 chú khỉ được tiêm một liều vắc xin yếu hơn đã bị nhiễm bệnh do Zika gây ra, nhưng có lượng virút ít hơn trong người so với nhóm các động vật thí nghiệm không được tiêm vắc xin.

Theo Bác sĩ Graham thì có một tiến bộ đáng kể trong việc nghiên cứu vắc xin này:
"Đây là một phản ứng nhanh và hy vọng là nó có thể nhanh chóng được đưa ra thử nghiệm trước khi hết dịch bệnh để chúng ta tìm được câu trả lời thực sự là ‘vắc xin này có hiệu nghiệm hay không?’ Nếu có thì mức kháng thể cần là bao nhiểu để bảo vệ cơ thể chúng ta."
Bác sĩ Graham nói rằng phương án sử dụng DNA đã trở thành tiêu chuẩn cho các cuộc nghiên cứu chế tạo vắc xin phòng ngừa các loại virút gây bệnh khác, trong đó có Ebola, virút sốt xuất huyết do muỗi West Nile truyền, virút gây bệnh đường hô hấp SARS, cúm và HIV. - VOA

8.
Mỹ: tội ác bạo lực tăng 3,9% trong năm 2015

Tội ác bạo lực tại Mỹ trong năm 2015 tăng 3,9%, nhưng các giới chức FBI cho hay số các vụ vi phạm vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với đỉnh điểm hồi thập niên 90.
Sau hai năm giảm tỷ lệ tội ác bạo lực, con số này tăng gần 1,2 triệu trường hợp trong năm ngoái. Trong đó, các vụ giết người tăng 11% lên thành 15,696 vụ, theo Cục Điều tra Liên bang.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch ngày 26/9 tuyên bố các số liệu vừa kể chứng tỏ nước Mỹ ‘vẫn còn nhiều việc phải làm’. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng tổng số tội ác bạo lực trong năm qua là mức thấp thứ ba trong vòng 20 năm gần đây. Bà cho hay tại nhiều địa phương, tình trạng tội phạm hoặc giảm đi hoặc không tăng.
Số vụ cưỡng hiếp tại Hoa Kỳ trong năm 2015 tăng lên 6,3% trong khi các vụ cướp bóc tăng 1,4%.

Vẫn theo FBI, số tội phạm về tài sản giảm 2,6% xuống còn khoảng 8 triệu trường hợp, đây là năm thứ 13 liên tiếp tỷ lệ này sụt giảm. Các vụ trộm đột nhập giảm 7,8% và số vụ trộm cắp giảm 1,8% dù các ca trộm xe tăng 3,1%. - VOA

Tin Việt Nam
9.
Người dân nộp đơn khởi kiện Formosa --- Luật sư: Khả năng ngư dân thắng kiện Formosa là 100%

Nhiều người dân tại Nghệ An đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh để nộp đơn kiện Formosa.
Nói với BBC Tiếng Việt từ Nghệ An, ông Paul Trần Minh Nhật, một trong những người tham gia chuyến đi nói "chúng tôi làm hợp đồng với 20 xe, nhưng chỉ có 11 xe đến".
Theo ông Minh Nhật các nhà xe bị "đe dọa" là "chở cũng được, nhưng coi có muốn làm ăn nữa hay không".
“Vì chỉ có 11 xe đến nên nhiều người dân phải đi xe bus để đến Kỳ Anh,” nhà hoạt động này cũng cho biết.

Dự kiến giáo xứ Phú Yên và tất cả những người khởi kiện sẽ lên xe đi để 8 giờ 30 tới Tòa án huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
"Tất cả những người làm đơn khởi kiện sẽ nộp đơn vào Tòa án huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là nơi Formosa đặt trụ sở theo đúng luật Việt Nam."
"Đơn kiện, theo luật Việt Nam, chúng tôi không thể đứng đơn tập thể, mà mỗi người đứng đơn. Mẫu đơn ở đây đã được tham khảo các luật sư về thủ tục, hình thức, nội dung."
“Con số người dân tập trung buổi sang rất đông, nhưng số người đi là khoảng 540 người theo danh sách, vì họ phải vào Kỳ Anh để nộp hồ sơ. Đa số người dân ở giáo xứ Phú Yên, các vùng lân cận, xã Vĩnh Yên, Quỳnh Phương, Quỳnh Lộc.. và dân cư trong huyện Quỳnh Lưu của Nghệ An.”

Phản ứng trên Facebook BBC
Vụ kiện đơn giản và... phức tạp
Luật sư Võ An Đôn, từ Đoàn luật sư Phú Yên, phân tích: "Vụ kiện này vừa đơn giản và vừa phức tạp. Đơn giản là Formosa đã nhận mình là thủ phạm gây ra thiệt hại rồi, đã bồi thường thiệt hại rồi. Chỉ cần người bị hại nộp đơn khởi kiện là đã có thể có bồi thường và thắng kiện rồi."

"Nhưng có điểm khó là bên phía chính quyền có thể gây khó khăn cho việc khởi kiện, như họ có thể không nhận thụ lý vụ án chẳng hạn," ông Đôn nói với BBC.
Hình ảnh và clip trên mạng xã hội cho thấy nhiều người dân đến giáo xứ Phú Yên (Quỳnh Lưu, Nghệ An) để làm lễ và đi trên đoàn xe.
Trước đó ngày 22/9, hơn 1.000 hộ gia đình viết thư đề nghị Quốc hội và Chính phủ trích hơn 2 ngàn tỉ đồng từ số tiền 11.500 tỉ đồng mà họ mô tả là Công ty Formosa đã thanh toán toàn bộ để bồi thường cho hơn 1.100 hộ dân.
“Không chỉ có những nạn nhân trực tiếp là ngư dân, những người làm công việc hậu cần nghề biển, mà còn có cả những người làm trong ngành nghề dịch vụ như kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ, và người buôn bán nhỏ lẻ khác.

“Số tiền yêu cầu bồi thường của từng hộ gia đình được tính dựa trên thiệt hại thu nhập trung bình trên thực tế trong 6 tháng qua, thiệt hại tài sản vật chất dùng cho việc sản xuất kinh doanh, tổn hại tinh thần, và thiệt hại thu nhập trung bình trong 5 năm tới do hậu quả tàn phá môi trường biển bởi Công ty Formosa gây ra,” bức thư viết.
Ảnh hưởng hàng trăm ngàn người
Trước đó, báo cáo của chính phủ Việt Nam nói vụ cá chết ở miền Trung ảnh hưởng hàng trăm ngàn người.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân, được dẫn lời nói tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14 hồi tháng Bảy rằng việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng cho 4 tỉnh ven biển miền Trung.
“Cử tri và nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường,” ông Nhân nói.
Một báo cáo khác được mô tả là vừa được gửi đến Quốc hội cho biết Chính phủ Việt Nam nói: “Theo Chính phủ, tính toán sơ bộ thì sự cố ô nhiễm biển miền Trung đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100 nghìn người, do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc”.
Hôm 20/9, thông cáo của Bộ Y tế Việt Nam nói người dân “không sử dụng các loại hải sản” ở tầng đáy sống trong vòng 20 hải lý, sau sự cố thảm họa môi trường khiến cá chết.
Công ty Formosa bị cáo buộc và thừa nhận gây ra vụ cá chết ở ven biển bốn tỉnh miền Trung, và đồng ý bồi thường 500 triệu đôla Mỹ. - BBC

Nhà máy đặt ở Hà Tĩnh của hãng Formosa Đài Loan đang đối mặt với một trận chiến pháp lý lớn. Hôm 26/9, 600 ngư dân ở tỉnh Nghệ An đã đến một tòa án cấp thị xã của tỉnh Hà Tĩnh để nộp đơn kiện nhà máy của Formosa vì đã gây ra thảm họa môi trường biển hồi tháng 4 năm nay. 
Vụ xả chất thải trái phép của Formosa khi đó đã gây ra nạn cá chết hàng loạt, đồng thời gần như làm tê liệt các hoạt động ngư nghiệp và du lịch của 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên-Huế.
Lúc 5 giờ chiều, giờ địa phương, từ Kỳ Anh, nhà hoạt động dân chủ Chu Mạnh Sơn tường thuật với VOA Việt Ngữ về cuộc khởi kiện của các ngư dân bị ảnh hưởng:
“Lúc 3 giờ 20, Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam cùng một số đại diện bà con ở thị xã Quỳnh Lưu đã vào làm việc trực tiếp với Chánh án Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh để rồi hai bên làm thủ tục nhận đơn người dân khiếu kiện Formosa. Và bây giờ thì quá trình nhận đơn đang diễn ra”.

Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, Quản xứ Giáo xứ Phú Yên, Nghệ An, trong nhiều tháng qua đã tổ chức nhiều buổi cầu nguyện và biểu tình ôn hòa để các giáo dân cũng là ngư dân bày tỏ sự bất bình về thảm họa do Formosa gây ra và đòi đóng cửa nhà máy của hãng.
Về cuộc khởi kiện hiện nay, vị linh mục cho biết có hai nhóm luật sư trợ giúp pháp lý cho các ngư dân. Vào thời điểm VOA liên lạc, linh mục vẫn đang làm việc với phía tòa án thị xã nên ngài chỉ nói ngắn gọn về kỳ vọng của ngài và của các ngư dân về vụ kiện:
“Trước mắt nếu chúng ta xét theo cơ sở pháp lý thì chúng ta phải là khởi kiện sẽ là thắng”.

Nhận định về tương lai vụ kiện, Luật sư Võ An Đôn, người thường bảo vệ cho quyền lợi của những người yếu thế trong nhiều vụ kiện tụng hoặc xét xử, nói với VOA:
“Nếu bà con ở Nghệ An, Hà Tĩnh khởi kiện Formosa mà có đầy đủ bằng chứng cho rằng nguyên nhân thiệt hại là do Formosa gây ra thì việc này thắng kiện là 100% nắm trong tay bởi vì vụ kiện này rất là đơn giản. Người gây ra thiệt hại là công ty Formosa đã đồng ý chịu bồi thường với số tiền là 500 triệu đôla, thì theo luật chỉ cần người thiệt hại chứng minh về thiệt hại của mình do Formosa gây ra thì đương nhiên bồi thường, thì theo luật 100% là thắng”.

Tuy nhiên vị luật sư nhấn mạnh đó là khả năng chiến thắng trên lý thuyết. Ông cảnh báo rằng trên thực tế, khi nhận một số lượng đơn khởi kiện của hàng trăm người, “bên chính quyền sẽ gây khó khăn” bằng cách “không thụ lý” đơn hoặc “viện lý do này, lý do khác” để không thụ lý đơn khởi kiện.
Trong trường hợp Tòa án Thị xã Kỳ Anh làm như vậy, Luật sư Đôn tư vấn rằng những ngư dân hoặc người bị ảnh hưởng có thể nộp đơn lên tòa án tối cao hoặc viện kiểm sát cấp tỉnh của địa phương đó.
Để đi đến tòa án ở Kỳ Anh, 600 ngư dân Quỳnh Lưu đã vượt qua quãng đường khoảng 200 kilomet mà khởi đầu chuyến đi họ đã gặp cản trở từ lực lượng công an, an ninh. Nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn cho hay ban đầu các ngư dân thuê 20 xe khách để đi, song do sự can thiệp và dọa dẫm từ “công an huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu”, nên chỉ có 15 xe đưa họ đi.

Theo nhà hoạt động, mặc dù có những ngăn cản, sách nhiễu, đe dọa cũng như cách hành động theo dõi, ghi hình của công an và an ninh mặc thường phục, 600 ngư dân đã đến được tòa án. Tại đó, họ đã được tiếp sức, động viên bởi 500 ngư dân của các giáo xứ Quý Hòa và Đông Yên.
Anh Sơn cho biết các ngư dân khẳng định sẽ kiên quyết tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi, yêu cầu Formosa đền bù thiệt hại, và yêu cầu chính quyền “đuổi Formosa cút khỏi Việt Nam” để có “một tương lai sáng” cho con cháu họ không phải gánh chịu các thảm họa hay hậu quả của thảm họa. - VOA

10.
VN chuẩn bị đón Tổng thống Philippines --- Tổng thống Philippines sẽ làm gì ở Việt Nam? --- Hoàng tử William 'sắp thăm Việt Nam'

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ hội kiến với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang khi thăm Việt Nam từ 28 đến 29/9.
Ông cũng sẽ gặp cộng đồng người Philippines ở Hà Nội.
Chính phủ Philippines ước tính khoảng 3.800 người Philippines đang sống ở Việt Nam.
Ông Rodrigo Duterte cũng cho biết ông dự kiến sẽ đi thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.
Ông nói tại Trung Quốc, ông sẽ thảo luận về tranh chấp biển đảo nhưng cũng muốn thúc đẩy quan hệ thương mại.
Dự kiến ông Duterte sẽ thăm Trung Quốc, Nhật Bản vào tháng 10. - BBC

***
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự kiến sẽ đặt chân tới Việt Nam vào chiều 28/9, và “sẽ có một lịch trình dày đặc với nhiều cuộc gặp quan trọng”. 
Báo chí trong nước đưa tin, ngay sau khi đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài, ông Duterte “sẽ có buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp Philippines tại Việt Nam tại Hà Nội”. 
Theo Infonet, Chủ tịch nước chủ nhà Trần Đại Quang sẽ chính thức đón tiếp ông Duterte sáng 29/9 theo nghi lễ cấp cao nhất. 
Sau đó, ông sẽ hội đàm với người đồng cấp Việt Nam, rồi sẽ có cuộc họp báo chung với ông Quang.

Ngoài ra, Tổng thống Philippines còn gặp mặt và trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi rời Hà Nội tới TP HCM. 
Luật sư Trịnh Hữu Long, đang làm việc cho tổ chức phi chính phủ Voice ở Philippines, nhận định với VOA Việt Ngữ về chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo này liên quan tới Việt Nam:
“Bây giờ, chắc Việt Nam phải thăm dò xem ông ấy thực sự muốn cái gì. Tuy nhiên, dù chính sách của ông ấy như thế nào thì Việt Nam và Philippines đã ký hiệp định về đối tác chiến lược, trong đó có hợp tác về an ninh”.

Đây là lần đầu tiên ông Duterte tới Việt Nam trên cương vị Tổng thống Philippines, trước khi công du tới Trung Quốc, nhiều khả năng vào tháng sau. 
Báo chí trong nước nhận định rằng ông tới thăm quốc gia Đông Nam Á cũng có tranh chấp ở biển Đông để “thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược”. 
Trong khi đó, tờ PhilStar dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines nói hôm 26/9 rằng ông Duterte “sẵn sàng thảo luận” về các vấn đề liên quan tới vùng lãnh hải này. 
Dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam xích lại gần hơn với Philippines trong một động thái mà nhiều nhà phân tích cho là để cùng đương đầu với Trung Quốc. - VOA

Hoàng tử Anh William dự kiến đến Hà Nội giữa tháng 11 dự một hội nghị quốc tế chống buôn bán động vật hoang dã.
Hội nghị Hà Nội về Buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã sẽ diễn ra vào tháng 11.
Việt Nam nói hội nghị có thể sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh cam kết thực hiện có trách nhiệm việc phòng chống buôn bán trái phép độn

Hoàng tử Anh William đang là Chủ tịch của "United for Wildlife", dự án liên hiệp giữa 7 tổ chức bảo vệ động vật hoang dã lớn nhất thế giới dưới sự chủ trì của Quỹ từ thiện Hoàng gia Anh.
Hội nghị sẽ đưa ra Tuyên bố Hà Nội, một tuyên bố chung giữa chính phủ của 40 quốc gia tham dự.
Năm 2014, Việt Nam đã tham gia Hội nghị London, cùng 40 nước ký Tuyên bố về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã. - BBC

11.
Mưa lớn, TP. HCM ngập nặng

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở TP. HCM ngập nặng ngày 26/9.
Cơn mưa vào giờ tan tầm chiều 26/9, làm nhiều nơi tại thành phố lớn nhất Việt Nam ngập trong nước đến tận buổi tối.
Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy có những tuyến đường, nước ngập hơn nửa bánh xe máy, xe chết máy.
Lực lượng chữa cháy được huy động đến hút nước ở hầm để xe ở một số tòa nhà.

Có tin nói nhiều chuyến bay không thể hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Hồi đầu năm 2016, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt danh mục Dự án "Quản lý rủi ro ngập nước khu vực thành phố Hồ Chí Minh".
Dự án được thực hiện trong 6 năm (từ năm 2016 - 2021).
Tổng đầu tư lên tới 437 triệu đôla, trong đó vay 400 triệu từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD). - BBC

Không có nhận xét nào: