Bài viết: Chiêu Ấn. Hình ảnh: The Viewfinders. Chúng tôi đến thành phố vùng núi này ngày 11 tháng Tư và lưu lại đây bốn ngày để rượt theo hoa anh đào chụp ảnh. Chúng tôi rượt là vì hoa anh đào nở tùy theo vùng khí hậu. Hoa ở vùng thấp đã tàn rụng, chúng tôi muốn tiếp tục chụp hình hoa anh đào thì phải lên vùng cao như thành phố Takayama này.Takayama thuộc vùng Hida nhiều núi non của tỉnh Gifu (phiên âm Hán Việt là Kỳ Phụ) nằm lọt trong dãy núi Chubu Sangaku trùng điệp với nhiều ngọn cao hơn ba ngàn thước vốn được ví như dãy núi Alps của châu Âu nên được mệnh danh là Japanese Alps. Đó là lý do nảy sinh địa danh Takayama, tiếng Nhật nghĩa là Thái Sơn (núi cao).Để phân biệt với các địa danh khác trùng tên Takayama (vì nhiều núi cao quá), thành phố này cũng thường được gọi là Hida-Takayama. Giống một số thành phố nhỏ khác của Nhật, Takayama có một khu phố cổ được bảo tồn từ bao đời nên du khách ưa thích muốn trải nghiệm nét thôn dã cổ xưa cho chuyến du ngoạn nước Nhật của họ.Do vị trí xa xôi cách trở nằm giữa vùng núi non không thuận lợi cho sự giao thông cộng với điều kiện khí hậu tuyết rơi nhiều hầu như hàng ngày trong suốt mùa đông, Takayama tuy là thành phố rộng lớn nhất nước Nhật về diện tích (2,177.67 km²) nhưng dân cư ít ỏi thưa thớt chưa đến 100,000 người.Trong thời kỳ lãnh chúa phong kiến Tokugawa (Đức Xuyên Mạc Phủ), Takayama có được vị thế quan trọng vì là nơi sản xuất nhiều gỗ tốt và nhiều thợ mộc giỏi. Nhờ vậy, thành phố này được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của sứ quân (shogun) và cư dân địa phương hưởng được đời sống khá thịnh vượng mặc dù xa xôi vắng vẻ. Hàng năm tại đây có hai lễ hội diễn ra vào mùa xuân và mùa thu rất nổi tiếng của Nhật Bản.Chúng tôi trú ngụ Country Hotel Takayama từ 11 đến 14 tháng Tư. Từ khách sạn nằm gần nhà ga trung ương xe lửa và xe đò khu trung tâm thành phố đến cầu Kakabashi chỉ mất trung bình mười phút đi bộ, với đôi chân yếu của tôi thì lâu hơn vài phút nữa.Cây cầu Nakabashi màu đỏ mới tu bổ lại này có lẽ là điểm mốc tiêu biểu dễ nhận biết nhất của thành phố Takayama vì đây là địa điểm tốt để chụp ảnh hoa anh đào. Ngoài ra, cầu còn nằm trên lộ trình đoàn xe kiệu đi qua nên có rất nhiều du khách chọn đứng để xem.Mùa xuân vùng này tuy ngắn ngủi nhưng có nhiều ngày nắng ấm và không khí trong lành mát mẻ, đi dạo chụp hình rất lý tưởng. Hoa anh đào ở đây nở đôi tuần chậm hơn là ở Tokyo.Hình 2: Bảng ghi khoảng cách từ cầu Nakabashi đến các địa điểm chính trong thành phố.Theo như bảng hướng dẫn, các khoảng cách tương đối ngắn để đi bộ. Thành phố nhỏ đối người chân khỏe vì họ có sức đi bộ cả ngày. Riêng tôi chân yếu đi chậm và mau mỏi chân nên phải thường xuyên tìm chỗ ngồi nghỉ. Nhiều khi tôi chỉ chụp hình quanh quẩn một chỗ trong lúc các bạn tôi khỏe chân đi bung ra khám phá rồi quay trở lại gặp tôi.Tôi thường cần nghỉ ngơi nên hay bỏ qua các tiết mục sinh hoạt ban đêm. Sáng nào tôi cũng dậy sớm ngóng mắt ra cửa sổ phòng khách sạn nhìn cảnh vật trời mây và núi non từng từng lớp lớp. Ở Takayama có hai chợ sớm chỉ diễn ra trong buổi sáng đến trưa là dẹp. Chợ Sớm Miyagawa ở ven sông và Chợ Sớm Takayama với mấy chục gian hàng dựng lều ở một sân trống gần Takayama Jinya (vốn là cơ quan hành chánh ngày xưa và nay là viện bảo tàng).Hàng hóa ở Chợ Sớm hầu hết đều là nông phẩm địa phương như rau cải hoa quả và các sản phẩm thủ công. Ngồi bán hàng là những phụ nữ, phần nhiều là những bà cụ chân quê mộc mạc ăn mặc xuề xòa bi bô tiếng Nhật mời chào. Một ít phụ nữ trẻ hơn có thể bập bẹ vài tiếng Anh với khách. Có những món hàng hết sức giản dị tầm thường như chổi rơm, bó bông khô, giá cả chỉ vài trăm yen.Du khách xin phép họ chụp hình, họ gật đầu cười vui vẻ nói “Hai”, tiếng Nhật có nghĩa như “Vâng”, “Dạ”, “Yes”.Hình 3: Hai vật biểu trưng của thành phố. Một búp bê “sarubobo” (chú khỉ con) đặt ngồi trên hộp kính đựng một mẫu thu nhỏ của xe kiệu (yatai). (Hình chụp tại phòng đợi của Country Hotel Takayama).Tôi để ý rằng đi đâu trong thành phố này tôi cũng hay thấy “sarubobo”, búp bê bằng vải nhồi bông màu son đỏ tươi, tuy mặt chẳng có mắt mũi miệng gì nhưng trông dễ thương. Dân cư địa phương vùng này quan niệm búp bê “chú khỉ nhỏ” sarubobo này là một loại bùa khởi duyên mang ý nghĩa xua tan tai ương và mang lại sự viên mãn trong gia đình, nhất là cho trẻ sơ sinh. Sarubobo có nhiều cỡ, từ cỡ nhỏ chỉ cao bằng chiều dài của lòng bàn tay với giá bán 400 yen cho đến cỡ lớn cao hai tấc giá hai ngàn yen. Tôi thắc mắc hỏi nhân viên quầy tiếp tân khách sạn tầng lầu 2; anh ta chỉ nói “Saruboro. Lucky baby”.Tầng trệt của khách sạn gồm có nhà hàng ăn và tiệm tạp hóa. Nhà hàng này tôi nghĩ cũng do khách sạn làm chủ và cai quản và là nơi khách trọ ăn điểm tâm (nhưng phải trả thêm 1000 yen). Còn tiệm tạp hóa chỉ có bảng hiệu Anh ngữ màu xanh lá cây “Family Mart” rõ ràng khiến tôi nhìn trong một phút giây mà ngỡ mình đang ở Bắc Mỹ.Đến chừng bước vô trong quán ngó quanh rồi mua một con búp bê Nhật nhỏ xíu và trả tiền, nghe người bán hàng xổ một tràng tiếng Nhật, tôi mới biết đâu là thực tại. Tôi đưa cho ông một tờ 1,000 yen, ông thối tiền lại một cách cẩn thận rành mạch và nhấn mạnh chấm câu bằng những tiếng “Hai”. Chẳng hiểu gì nhưng tôi có thể đoán ý ông muốn nói, “Con búp bê này giá bốn trăm yen nhá. Tiền thuế 8% là 32 yen nhá. Tổng cộng là 432 yen nhá. Ông đưa cho tôi tờ tiền giấy một ngàn yen nhá. Tiền thối lại là 568 yen nhá. Ông kiểm lại xem có đúng không nhá!” Tôi nhận thấy phần đông những người bán hàng ở Nhật đều muốn có sự minh bạch.Tôi nghe nói trong thành phố có vài cửa hàng bán quà lưu niệm còn giúp khách hàng tự thiết kế con sarubobo theo ý riêng. Nhân viên bán quà sẽ để khách chọn mẫu, màu vải áo và tự vẽ. Đương nhiên là khách phải trả một món chi phí chắc chắn là mắc hơn giá tiền của con làm sẵn.Hình 4: CA lang thang trên một con đường nhỏ hẹp trong khu phố cổ Sanmachisuji.Ai đã đến thăm Takayama chắc cũng sẽ đều yêu thích thành phố nhỏ này. Ở đây không khí trong lành mát mẻ, đường phố yên tịnh sạch sẽ, người Nhật tử tế vui vẻ, vật giá tương đối rẻ, du khách tha hồ cà thẻ. Takayama được biết đến với khu phố cổ Sanmachisuji được bảo tồn với nhiều ngôi nhà và cửa hàng có niên đại từ thời Edo (1600-1868). Hầu hết nhà cửa hàng quán ở đây đều nhỏ. Du khách thường đi bộ hoặc thuê xe đạp, bằng nếu muốn có hình lưu niệm quý thì thuê xe kéo đi một quãng. Phu xe kéo (có cả phái nữ) thường là sinh viên đại học nói được ngoại ngữ. Họ vừa kéo xe vừa đóng vai hướng dẫn viên du lịch dẫn giải cho khách và luôn luôn sẵn sàng chụp ảnh giùm khách.Hình 5: CA trước Đền Thần Đạo Sakurayama Hachimangu Shrine ở Takayama.Thành phố Takayama mỗi năm đều tổ chức lễ hội truyền thống Matsuri Yataikaikan với đoàn xe kiệu diễn hành qua các đường phố trong hai ngày 14 và 15 tháng Tư. Tự nghĩ mình chân yếu không nên chen chúc vào đám đông, tôi đi theo bạn ảnh Khánh Lượng vốn là người cũng thích chụp ảnh cảnh thiên nhiên. Thế là trong khi hai bạn ảnh trẻ Anh Vũ và Yến Linh đi chụp hình lễ hội, hai bạn già chúng tôi nhìn bản đồ và bàn tính sẽ đến công viên Shiroyama có nhiều hoa anh đào và có ngôi chùa Phật Shoren-ji. Chẳng ngờ lạng quạng thế nào, hai chúng tôi lại đi nhầm hướng và gặp Đền Thần Đạo Sakurayama Hachimangu nằm trên đồi cao. Hóa ra bản đồ in theo chiều ngang với mũi tên chỉ hướng bắc quay phía bên trái. Bài học địa hình chiến thuật học ở quân trường hơn nửa thế kỷ trước đã quên hết rồi.Hình 5: Bảng chỉ hướng viện trưng bày xe kiệu lễ hội.Cũng may là sau đó chúng tôi đã định đúng hướng để đến điểm hẹn lúc 3 giờ chiều. Rời Đền lúc gần trưa, chúng tôi ghé quán bên đường mua nước uống và ngồi nghỉ mệt trước Tòa nhà Takayama Jinya rộng lớn. Xưa kia đây nguyên là chốn công đường của chính quyền địa phương trong thời kỳ vùng này chịu dưới sự kiểm soát trực tiếp của Shogunate Tokugawa (Sứ quân Đức Xuyên Mạc Phủ) từ năm 1692 cho đến năm 1868. Sau khi Mạc phủ Tokugawa bị dẹp, tòa nhà trở thành văn phòng chính phủ quận cho đến năm 1969. Và sau đó Takayama Jinya được tu sửa phục hồi theo phong cách nguyên thủy và được qui định là một di tích lịch sử quốc gia, mở cửa cho công chúng thưởng lãm như một viện bảo tàng. Các bài trí bên trong đều theo truyền thống với nền các phòng trải chiếu rơm tatami lớn, trưng bày cổ vật triển lãm giới thiệu và giải thích lịch sử thành phố đồng thời cũng kể lại quá trình thành hình của tòa nhà Takayama Jinya. Các bảng chỉ dẫn đều ghi rõ bằng Anh ngữ rất rõ ràng.Gần đó có mấy cây anh đào nên chúng tôi tha hồ chụp hình. Chúng tôi dạo qua các tiệm buôn nhỏ. Tôi mua một cái quạt tay bằng vải để làm quà lưu niệm. Sẵn trước tiệm có băng ghế, chúng tôi lại ngồi nghỉ. Bỗng nghe mùi nướng thơm lừng, tôi nghĩ đến mồi nhậu khô mực hay khô cá thiều nướng của kiếp lính nghèo khiến miệng tươm nước miếng. Bạn ảnh Khánh Lượng đồng ý với tôi đi điều tra. Chỉ cách đó hai căn là một quầy hàng nhỏ. Chúng tôi thấy bà bán hàng đang xoay trở các que nướng xiên các cục tròn mà tôi đoán nhầm là cá viên. Chúng tôi mua hai xâu ăn liền vì tưởng đâu là ngon lắm. Thì ra đó chỉ là món “mochi” làm bằng bột gạo nướng nhạt nhẽo. Hai đứa cố nuốt hết phân nửa xong nhìn quanh tìm thùng rác để vứt. Bà bán hàng biết nên lấy vứt giùm. Bà vô tư cười ngặt nghẽo. Hai thằng hoài vọng hương vị quê nhà là mực nướng, khô cá thiều nướng cũng cười theo.Hình 6: NAG Yến Linh chụp hình lễ hội xe kiệu.Đây là một trong những lễ hội được ưa chuộng nhất Nhật Bản với mười hai xe kiệu tuyệt đẹp. Điểm nổi bật đáng xem nhất là phần trình diễn những con búp bê máy biết cử động trên ba xe kiệu Sanba-so, Ryujin-tai và Shakkyo-tai.Hình 7: NAG Anh Vũ trước một xe kiệu yatai kaikan với các phu kiệu đang ngồi nghỉ chân.Lễ hội Takayama bắt đầu khoảng 350 năm trước đây như là một buổi lễ ở làng quê. Vì thuộc tỉnh Hida, trung tâm sản xuất gỗ của Nhật Bản, thị trấn Takayama trở nên như là một trung tâm phân phối gỗ quan trọng đối với khu vực, thu hút nhiều cơ sở nấu rượu sa-kê, thương buôn vải vóc, thợ mộc và thợ thủ công khác. Nhờ sự hỗ trợ của các thương gia giàu có và do niềm tự hào về tài khéo léo tinh vi của các nghệ nhân, xe kiệu của mỗi quận huyện được chế tạo mỗi ngày một tinh xảo đẹp đẽ hơn, kết quả là lễ hội được tổ chức hàng năm như hiện nay cho các xe kiệu phô trương trình diễn.Hình 8: Một trong 12 xe kiệu xuất hiện trong cuộc diễn hành thường niên ở Takayama.Trong quá khứ các xe kiệu thường được mỗi quận hạt lưu giữ riêng trong nhà kho chắc chắn kiên cố để bảo đảm sự an toàn vì xe kiệu “Yatai” vô cùng quý giá. Người Nhật gọi các nhà kho này là "Yatai Gura". Tôi đoán “gura” là chữ phiên âm từ chữ “garage”. Tuy nhiên sau đó Đền Thần Đạo Sakurayama Hachiman đã được sự phó thác đặc biệt để lần lượt trưng bày bốn xe kiệu trong số 12 xe cho công chúng xem thay đổi ba lần trong một năm.Hình 9: Đoàn xe kiệu “Yatai”.Diễn hành xe kiệu diễn ra một lần ban ngày buổi sáng và một lần ban đêm trong hai ngày lễ hội 14 và 15 tháng Tư. Chúng tôi bỏ qua tiết mục lễ hội ban đêm mặc dù đọc tờ quảng cáo rất hấp dẫn cảnh tượng đoàn xe kiệu treo đèn lồng đi qua cầu soi bóng dưới mặt nước kèm với tiếng cổ nhạc du dương.H.10: Kệ trưng bày gươm/kiếm Nhật nihonto trong một cửa hàng ở Takayama.Kiếm nihonto thường được gọi với tên Anh ngữ là katana, có chuôi dài để kiếm sĩ có thể nắm bằng cả hai tay cho thêm sức chém mạnh và độ chính xác. Gươm kiếm Nhật được bày bán trong những cửa hàng thường thấy hơn những tiệm bán súng ở Mỹ, kể cả ở phi trường cho du khách mua làm quà kỷ niệm tuy giá chẳng rẻ. Nhưng cho dù chúng rẻ, tôi cũng chẳng mua làm gì. Takayama có nhiều sản phẩm thủ công xinh đẹp đáng mua hơn, như một con búp bê “sarubobo” cũng được.Chiêu Ấn.PH-HCA
Tìm bài viết
Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị
Nhìn Ra Bốn Phương
Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016
Takayama xa rồi còn nhớ - Hoàng Chiêu Ấn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét