Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 28/7 - Lê Minh Nguyên


Thông cáo chung ARF không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng Tài --- Cam Bốt khuyến cáo ASEAN tránh làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông --- Chiến lược ngoại giao Biển Đông của Mỹ có dấu hiệu thất bại --- Hải quân Nga-Trung tập trận ở Biển Đông vào tháng 9<!>

Trong bản Tuyên Bố đúc kết hội nghị, chủ tịch Diễn Đàn Khu Vực ASEAN đã nêu lại quan điểm của 27 thành viên, trong đó có một số vấn đề đang gây tranh cãi là tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều nước ASEAN, và hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD do Mỹ bố trí tại Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đến từ Bắc Triều Tiên.
Về Biển Đông, nội dung bản Tuyên bố ARF hầu như lập lại nguyên văn những gì từng được nêu lên nhân diễn đàn trước đó tại Kuala Lumpur, nêu lên mối “quan ngại sâu đậm” của “nhiều ngoại trưởng”, hàm ý phản ánh bất đồng vẫn tồn tại giữa các nước trong Diễn Đàn – trước các hành động bồi đắp và “leo thang hoạt động” tại Biển Đông.

Phần nói về Biển Đông được cho là một thắng lợi đối với Trung Quốc, cũng đã bịt miệng được Diễn Đàn ARF, không cho đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông bất lợi hoàn toàn cho Bắc Kinh.

Nếu được cho là đã thắng lợi trên vấn đề Biển Đông, thì Trung Quốc lại đã thất bại trong việc đòi Diễn Đàn ARF bày tỏ quan ngại về việc Mỹ và Hàn Quốc thiết lập hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, một điều bị Bắc Kinh cho là đe dọa an ninh của Trung Quốc và ổn định trong vùng.
Tuyên bố của chủ tịch ARF đã nêu bật vấn đề Triều Tiên, điểm lại một cách cụ thể một loạt hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, kêu gọi Bắc Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, điều không thấy trong Tuyên Bố năm 2015. Thế nhưng, không thấy nói gì đến hệ thống THAAD như Bắc Kinh từng đưa vào dự thảo ban đầu của bản Tuyên Bố ARF, chứng tỏ rằng đề nghị của Trung Quốc không được tán đồng. - RFI

Cam Bốt hôm 27/07/2016 tuyên bố rằng đã khuyến cáo các nước ASEAN tránh dùng những từ ngữ "có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines" trong thông cáo chung cuối tuần qua.
Cam Bốt ủng hộ lập trường của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh giành chiến thắng ngoại giao trong hội nghị các ngoại trưởng ASEAN vừa qua. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, vốn hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, trong thông cáo chung đã không nhắc đến phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye.
Ông Chum Sounry, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cam Bốt nói với báo chí là Phnom Penh đã can ngăn các ngoại trưởng ASEAN không dùng những từ "có thể làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines".

Theo ông: "Tranh chấp Biển Đông (hàm ý nói vụ kiện và phán quyết của Tòa Án Trọng Tài) là giữa Philippines và Trung Quốc, không phải giữa ASEAN với Trung Quốc. Do đó không nên kéo các nước ASEAN vào vụ tranh chấp, hay lôi kéo Cam Bốt can dự vào". Khối ASEAN cần duy trì sự trung lập bằng cách không đụng đến vấn đề này.
Hôm 12/07, tòa án La Haye đã ra phán quyết thuận lợi cho Philippines, khẳng định yêu sách đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vạch ra bao trùm lên hầu hết Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh bác bỏ phán quyết, gọi đó là "một tờ giấy lộn".

Ông Sounry nói rằng mọi ý kiến cho là Trung Quốc đã mua sự ủng hộ của Cam Bốt qua việc cho vay 600 triệu đô la một tuần trước khi hội nghị diễn ra, là một sự "sỉ nhục". Theo ông, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã đồng ý không nêu phán quyết của Tòa Trọng tài trong thông cáo chung.
Thế nhưng, trong hôm qua, Philippines cho biết đã "thúc đẩy mạnh mẽ" để nêu phán quyết Biển Đông vào thông cáo. Tuy nhiên, ông không cho rằng việc thông cáo chung ASEAN không đề cập đến vấn đề này là một chiến thắng ngoại giao của Bắc Kinh.

Trung Quốc luôn kiên quyết ngăn trở việc khối ASEAN có được một lập trường chung về Biển Đông, nhất quyết đòi thương lượng song phương với các quốc gia thành viên có tranh chấp vốn nhỏ yếu hơn, nhằm chiếm 
Trước ngày tòa trọng tài quốc tế tại La Haye ra phán quyết về Biển Đông, các quan chức Mỹ như đã áp dụng chiến lược thành lập một liên minh để áp đặt một cái giá "khủng khiếp" về uy tín mà Bắc Kinh phải trả nếu phớt lờ quyết định của Tòa án. Nhưng chỉ hai tuần sau ngày phán quyết dược ban hành hôm 12/07/2016, mà trên giấy tờ là một sự sỉ nhục đối với Trung Quốc, chiến lược của Hoa Kỳ như đã thất bại, trong lúc phán quyết của tòa có nguy cơ trở nên vô tích sự.

Ngay từ đầu năm nay, các quan chức ngoại giao và quốc phòng đã nhắc đi nhắc lại sự cần thiết đối với các nước trong vùng Châu Á Thái Bình Dương và cả đối với Liên Hiệp Châu Âu, là phải nhấn mạnh trên tính chất ràng buộc của phán quyết về Biển Đông.

Vào tháng Hai chẳng hạn, Amy Searight, lúc ấy là phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, đặc trách Đông Nam Á, đã cho rằng: "Chúng ta cần sẵn sàng lên tiếng mạnh mẽ và dõng dạc, cùng nhau nói rằng đó là luật quốc tế, là điều vô cùng quan trọng, mang tính ràng buộc đối với mọi bên".

Vào tháng Tư, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, Anthony Blinken xác định Trung Quốc sẽ bị tổn thất "khủng khiếp" về uy tín, nếu phớt lờ phán quyết của tòa án La Haye.

Philippines, nước kiện Trung Quốc, cũng cho là Bắc Kinh có nguy cơ lâm vào tình thế "đứng ngoài vòng pháp luật". Thế nhưng, sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ yêu sách Biển Đông của Trung Quốc, mặt trận đoàn kết chống Trung Quốc mà Hoa Kỳ kêu gọi thành lập hầu như không thấy đâu, và chỉ có sáu nước là nhấn mạnh trên tính ràng buộc của phán quyết. Philippines nằm trong số nước này, nhưng không thấy các nước khác cũng có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Brunei.

Vào đầu tuần này, Trung Quốc cũng ghi được một thắng lợi ngoại giao quan trọng tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN ở thủ đô Lào, khi trước thái độ kiên quyết phản đối của Cam Bốt, đồng minh của Trung Quốc, ASEAN đã lặng thinh về phán quyết PCA trong các tuyên bố chung, từ Tuyên Bố Chung của Hội Nghị Ngoại Trưởng AMM, cho đến Tuyên Bố của Diễn Đàn Khu Vực ARF, hay của Hội Nghị Ngoại Trưởng khối Thượng Đỉnh Đông Á EAS.

Ngoài khu vực, Liên Hiệp Châu Âu hôm 15/07 cũng ra thông cáo ghi nhận phán quyết PCA, nhưng tránh nêu đích danh Trung Quốc, và không nói gì đến tính chất ràng buộc về pháp lý của văn kiện này.

Trước thực tế đó, Hoa Kỳ như đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Vào hôm qua, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tỏ ý hài lòng với việc ASEAN đã tuyên bố tôn trọng các quy tắc của pháp luật. Ông cũng cho rằng việc ASEAN không nhắc đến phán quyết trọng tài không hề làm giảm đi tầm quan trọng của văn kiện này. Theo ông phán quyết này "không thể nào" vô ích vì nó có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, nhiều nhà phân tích lại cho rằng chính đó là nguy cơ đang đe dọa văn kiện về Biển Đông, vì lẽ cộng đồng quốc tế có dấu hiệu phớt lờ phán quyết.

Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington cho rằng: "Cộng đồng quốc tế đã lựa chọn bằng cách không nói gì về phán quyết".

Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Heritage Foundation cho biết, chính Washington đã lộ vẻ miễn cưỡng, không muốn thúc ép Bắc Kinh - một đối thủ chiến lược của Mỹ nhưng cũng là một đối tác kinh tế quan trọng - trong bối cảnh nước Mỹ đang bước vào cuộc bầu cử tổng thống mới. - RFI

Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 28/07/2016, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là Hải Quân Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận trên Biển Đông vào tháng 9 tới đây. Trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, phía Trung Quốc khẳng định rằng đó chỉ là một cuộc diễn tập "thông thường", nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước chứ không nhắm vào nước khác.

Theo hãng tin Anh Reuters, lời phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun) xác nhận: "Đây là một cuộc tập trận thông thường giữa hai quân đội nhằm tăng cường hợp tác chiến lược Nga-Trung đang phát triển… Cuộc thao diễn không nhắm vào những nước thứ ba".

Giới quan sát tuy nhiên đã gắn liền cuộc tập trận vào bối cảnh căng thẳng tăng cao tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc và Nga, hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thường đồng quan điểm trên nhiều hồ sơ quan trọng, như trên hồ sơ Syria, và đi ngược lại với quan điểm của Hoa Kỳ, châu Âu. Vào năm ngoái, hai nước đã tổ chức tập trận Hải Quân chung ở Biển Hoa Đông và Địa Trung Hải.

Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như trên toàn bộ Biển Đông, nhưng lại chỉ trích Hoa Kỳ làm tăng thêm căng thẳng với các cuộc tuần tra trên không và trên biển, và không trung lập trước cuộc tranh chấp trong vùng.

Mỹ ngược lại khẳng định là không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp, mà các cuộc tuần tra chỉ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông. - RFI

2.
Thổ Nhĩ Kỳ: Cách chức gần 150 tướng

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã triệu tập một cuộc họp của Hội Đồng Quân Sự Tối Cao vào hôm nay, 28/07/2016. Mục tiêu là thảo luận việc tổ chức lại quân đội. Đây là một điều cần thiết trong bối cảnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua một cuộc thanh trừng chưa từng thấy sau vụ đảo chánh bất thành, với gần 150 tướng lãnh bị cách chức, tương đương với một nửa Ban Tham Mưu của quân đội.
Bên cạnh đó, chiến dịch thanh trừng tiếp tục nhắm vào ngành truyên thông báo chí. Theo các số liệu chính thức được công bố vào hôm qua, có đến hơn 100 phương tiện truyền thông bị đóng cửa, trong đó có 45 tờ báo, 16 kênh truyền hình, 29 đài phát thanh…

Theo ghi nhận của thông tín viên RFI, Alexandre Billette, tại Istanbul, các thành phần kể trên bị tình nghi có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gülen, kẻ thù của tổng thống Erdogan, đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo vào hôm thứ Tư, 27/07, là các cuộc thanh trừng chưa chấm dứt. Và quả như thế : chính quyền đã ra lệnh đóng cửa hơn 100 phương tiện truyền thông, trong đó có báo chí, truyền hình, radio và 3 hãng tin.

Phần lớn là những truyền thông thân cận với giáo sĩ Fethullah Gülen, cùng với một vài tờ báo thường được biết đến là chống đối tổng thống Erdogan. Trong danh sách bị phạt này, có cả tạp chí dành cho trẻ em, chỉ vì các chủ tạp chí này bị nghi ngờ có liên hệ với giáo sĩ thù nghịch.
Chính quyền cũng đã "quét dọn" trong quân đội: 149 viên tướng và đô đốc hải quân, tức gần một nửa số sĩ quan cấp tướng trong quân đội đã bị cách chức, đó là chưa kể cả ngàn sĩ quan khi đã bị cho thôi việc.
Vụ thanh trừng mới này diễn ra trước thông báo quan trọng : Hội Đồng Quân Sự Tối Cao họp lại vào hôm nay dưới sự chủ tọa của tổng thống Erdogan để tổ chức lại Ban Tham Mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. - RFI

Tin Hoa Kỳ
3.
TT Obama kêu gọi cử tri Mỹ ủng hộ bà Hillary Clinton --- Wikileaks công bố thư thoại đánh cắp từ email các quan chức Đảng Dân chủ --- Ông Trump mời Nga xâm nhập máy vi tính của bà Clinton để tìm email ‘thất lạc’

Thông điệp mà các thành viên Đảng Dân chủ đưa ra tại Đại hội Đảng đêm hôm qua, thứ Tư 27/7, tại Philadelphia rất rõ ràng: Bà Hillary Clinton đã sẵn sàng để trở thành vị tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ, trong khi ông Donald Trump thì chưa. Tổng thống Obama lặp lại thái độ đầy hy vọng trong các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của chính ông trong một bài diễn văn vừa nêu bật những thành tựu của chính phủ của ông, vừa mô tả bà Clinton như ứng cử viên trong cuộc chạy đua năm nay tin tưởng rằng đất nước sẽ tốt đẹp hơn nếu người dân thuộc mọi nguồn gốc đoàn kết với nhau.

Tổng thống Obama nói từ trước tới nay, không có một người nào, dù nam hay nữ, hội đủ các điều kiện để làm tổng thống hơn là bà Clinton, người từng phục vụ trong cương vị bộ trưởng ngoại giao trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông.

Tổng thống Obama phát biểu:

“Năm nay trong cuộc bầu cử này, tôi xin quý vị hãy cùng tôi bác bỏ sự hoài nghi và sợ hãi và hãy vận dụng những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta, hãy bầu cho Hillary Clinton làm tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ, và chứng minh cho thế giới rằng chúng ta vẫn tin vào những hứa hẹn của đất nước vĩ đại này.” 
Ông Obama nói không có điều gì thực sự có thể giúp một người chuẩn bị làm tổng thống, nhưng đối chiếu kinh nghiệm của bà Clinton với kinh nghiệm của ông Trump, một doanh nhân chưa từng nắm một chức vụ công cử nào.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói tiếp:

“Cho tới khi ngồi vào cái bàn giấy kia, quý vị không thể nào biết được xử lý một cuộc khủng hoảng toàn cầu nó ra làm sao, hoặc gửi những người trẻ tuổi ra chiến trận nó như thế nào. Nhưng Hillary đã từng có mặt trong căn phòng đó, và từng tham gia làm các quyết định đó. Bà biết các hệ quả của những quyết định mà chính phủ chúng ta làm, những ảnh hưởng đối với gia đình một công nhân viên chức, một công dân cao niên, một chủ nhân doanh nghiệp nhỏ, một binh sĩ, hay một cựu quân nhân.”
Đám đông ở Philadelphia hô to phản đối khi ông Obama nhắc tới tên ông Trump, và phản ứng của ông là: “đừng hô phản đối, hãy đi bầu.”

Ông nói Đại hội Đảng Cộng hoà tuần trước không đề ra những giải pháp nghiêm túc, mà thay vào đó chỉ mang lại “oán hận, quy lỗi, giận dữ và hận thù.” Ông viện những tuyên bố của ông Trump đề nghị sẽ đòi các đồng minh NATO phải chu toàn nghĩa vụ tài chánh trước khi Hoa Kỳ đến giúp họ. Ông nói:
“Ông ta làm thân với Putin, ca ngợi Saddam Hussein, nói các đồng minh NATO của chúng ta đã từng sát cánh bên chúng ta sau biến cố 11 tháng 9 rằng họ phải chi tiền ra trước nếu họ muốn chúng ta bảo vệ họ. Tôi xin thưa rằng, những lời hứa của nước Mỹ không đi kèm với một cái giá phải thanh toán.”

Ông Trump đã trả đũa ngay giọng điệu về phần lớn là lạc quan của ông Obama và các diễn giả khác của Đảng Dân chủ đã chỉ trích khẩu hiệu vận động tranh cử của ông Trump là “sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

Ông viết trên trang mạng Twitter: 

“Đất nước chúng ta hiện chưa cảm thấy mình vĩ đại rồi đối với hàng triệu người tuyệt vời phải sống trong nghèo khó, bạo lực và tuyệt vọng.”
Chiến dịch của ông Trump ra một tuyên bố miêu tả đêm thứ Tư hôm qua là “một đêm buồn bã” cho Đảng Dân chủ, và nói rằng đảng này chỉ trình bày những đề nghị để tưởng thưởng cho người giàu, trong khi tấn công “những người Mỹ tử tế muốn có những thay đổi cho gia đình của họ.”

Tuyên bố của Đảng Cộng hoà có đoạn viết:

“Họ không đưa ra những giải pháp cho những vấn đề mà nước Mỹ phải đối phó, trên thực tế, họ làm như những vấn đề đó không hề hiện hữu.”
Chiến dịch vận động của ông Trump còn ra những thông báo liệt kê những lời chỉ trích đối với chính phủ của Tổng thống Obama, nói rằng các chính sách của chính quyền này “đã cởi trói cho nhóm Nhà nước Hồi giáo” và đẩy Syria “vào tình trạng náo loạn, làm Libya trở thành những đống đổ nát, và Ai Cập trong tình trạng xáo trộn.” 
Chiến dịch của ông Trump nói các chính sách kinh tế của chính phủ Obama đã tổn hại tới giới trẻ và các nhóm thiểu số, và phá hoại giai cấp trung lưu.

Phó Tổng thống Joe Biden trong phần lớn bài diễn văn của ông tập trung vào ông Trump, và đặt nghi vấn về sự cam kết của ông Trump đối với giai cấp trung lưu. Ông Biden nói:
“Ông Trump đang tìm cách thuyết phục chúng ta rằng ông ta lo lắng cho giai cấp trung lưu. Tôi xin lỗi. Đó chỉ là những lời nói dóc.”
Phó Tổng thống Biden còn nói rằng giai đoạn này quá bất định và những mối đe doạ đang quá lớn để bầu cho ông Trump.

“Không một ứng cử viên tổng thống được đề cử nào trong lịch sử lại biết ít hơn và thiếu chuẩn bị cho bằng ông Trump để đối phó các vấn đề an ninh quốc gia. Chúng ta không thể bầu cho một người đã khai thác những sự sợ hãi của chúng ta về Nhà nước Hồi giáo và những kẻ khủng bố khác, một người không có bất cứ kế hoạch nào để làm cho chúng ta an toàn hơn. Một người muốn sử dụng những chiến thuật của những kẻ thù của chúng ta: như tra tấn, bất khoan dung tôn giáo. Chúng ta đều biết, tất cả những người theo Đảng Cộng hoà đều biết, rằng người Mỹ chúng ta không như vậy. ”

Cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, một chính khách độc lập đã từng cân nhắc liệu có nên ra tranh chức tổng thống hay không, trước khi ông thông báo vào tháng Ba vừa rồi rằng ông quyết định không ra tranh cử vì e có thể chia rẽ cử tri theo hướng có lợi cho ông Trump, dẫn tới nguy cơ ông này có thể đắc cử. Phát biểu đêm hôm qua, ông Bloomberg nói điều quan trọng là cử tri Mỹ “phải đánh bại một kẻ mị dân nguy hiểm.”
Nhắc tới công việc trước đây của ông Trump trong tư cách là người hướng dẫn một chương trình truyền hình trên đài NBC, ông Bloomberg nói: “Đây không phải là một chương trình thực tế trên truyền hình”.

Những chỉ trích tiếp tục khi nhân vật được bà Clinton chọn làm ứng cử viên phó tổng thống, Thượng nghị sĩ bang Virginia Tim Kaine bước lên sân khấu.
Ông Kaine nói: “Đất nước chúng ta quá vĩ đại để có thể đặt số phận nó vào tay của một kẻ dẻo miệng, với những hứa hẹn rỗng tuếch, luôn tự quảng cáo cho mình, một người mà một mình có thể là một toán thợ chuyên đi đập phá mọi thứ.” 
Đại hội Đảng Dân chủ kết thúc vào tối thứ Năm với bài diễn văn của ứng cử viên được đề cử, bà Hillary Clinton. - VOA

WikiLeaks hôm thứ Tư đã công bố 29 bản thu âm mà họ nói là lấy từ máy chủ của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc (DNC).

Những thư thoại này, dường như được sao chép từ tài khoản email của bảy thành viên DNC, cho thấy những quan chức đảng khó chịu về ảnh hưởng của ứng cử viên Bernie Sanders đối với Đảng Dân chủ.
Tin tức cho hay một người không muốn Thượng nghị sĩ bang Vermont này đến diễn thuyết tại Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc và chống đối những lựa chọn của ông Sanders cho cương lĩnh năm 2016 của đảng.

Đây là lần thứ hai Wikileaks công bố nội dung những cuộc trao đổi nội bộ của DNC trong mấy ngày qua. Việc Wikileaks công bố 20.000 email ngay trước khi Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc khai mạc đã khiến nữ chủ tịch của DNC, Debbie Wasserman Schultz, từ chức.
WikiLeaks, một tổ chức chuyên công bố những tài liệu gốc từ những nguồn ẩn danh và những người rò rỉ, công bố những dữ liệu này mà không nêu rõ nguồn gốc của chúng. Những email được gửi trong khoảng thời gian 17 tháng từ tháng 1 năm 2015 tới tháng 5 năm nay. Hồi tháng 6, DNC thông báo hệ thống của họ đã bị tin tặc xâm nhập.

Những quan chức Đảng Dân chủ lúc đó nói rằng tin tặc hoạt động ở Nga chịu trách nhiệm về vụ xâm nhập.
DNC chưa bình luận về những email mà Wikileaks phát tán, nhưng cũng không bác bỏ tính xác thực của chúng.

Jeff Weaver, người quản lý chiến dịch vận động tranh cử của ông Sanders, nói rằng những email này xác nhận "điều mà nhiều người chúng ta đã biết từ lâu," rằng những thành viên DNC "tích cực giúp đỡ nỗ lực của bà Clinton và tìm cách gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử của Bernie Sanders.'' - VOA

Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Ðảng Cộng hòa, ông Donald Trump, hôm thứ Tư khuyến khích Nga đột nhập máy chủ email của đối thủ của ông bên Ðảng Dân chủ là bà Hillary Clinton để tìm “30.000 email bị thất lạc” trong thời gian bà là bộ trưởng ngoại giao. 

Ông Trump nói với các phóng vên báo chí:
“Sẽ rất hấp dẫn. Tôi sẽ nói với nước Nga điều này – là nếu quý vị lắng nghe, tôi hy vọng quý vị có thể tìm được 30.000 email bị thất lạc. Tôi nghĩ quý vị sẽ có thể được báo chí của chúng tôi trọng thưởng.”
Ông Trump nói tiếp rằng Moscow “có lẽ” đã có trong tay những email mà bà Clinton cho là email riêng của bà và đã xóa khỏi máy chủ cá nhân mà bà đã sử dụng trong khi làm bộ trưởng ngoại giao Mỹ từ năm 2009 đến năm 2013.

Ông nói: “Nga có lẽ đã có những email đó. Tôi mong mốn họ phổ biến chúng. Tôi không cần phải chần chừ gì nữa, nếu họ đã có những email đó trong tay, thì họ đã có. Nếu Nga, hay Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác có những email đó, tôi xin nói thật với quý vị là tôi rất mong muốn được đọc những email đó.”
Bên vận động tranh cử của bà Clinton gọi tuyên bố của ông Trump là “lần đầu tiên một ứng cử viên tổng thống quan trọng tích cực xúi giục một cường quốc bên ngoài làm gián điệp chống lại một đối thủ chính trị.”

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng và là cựu Giám đốc cơ quan tình báo CIA của Mỹ, ông Leon Panetta nói trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc của Ðảng Dân chủ rằng ông Trump mời một kẻ thù gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của nước Mỹ.
Ông Panetta nói: “Tôi không hiểu nỗi có một ứng cử viên tổng thống nào lại có thể vô trách nhiệm như vậy.”

Cố vấn cấp cao của ông Trump là ông Stephen Miller lên án ông Panetta biện hộ cho việc bà Clinton sử dụng hệ thống email riêng. Ông Miller nói rằng việc làm đó mở đường cho gián điệp nước ngoài, và rằng ông Panetta “phải biết là bà ấy đặt bao nhiêu sinh mạng vào chỗ nguy hiểm.”

Một giới chức tình báo Mỹ rành về những thông tin này nói với đài VOA rằng những phát biểu của ông Trump không liên quan đến những báo cáo tình báo sắp tới mà ông sẽ nhận được trong tư cách là ứng cử viên tổng thống của Ðảng Cộng hòa.
Giới chức này nói: “Người được đề cử tranh chức tổng thống và phó tổng thống nhận được các báo cáo giải trình mật này vì tư cách là ứng cử viên tổng thống của họ, và không bị đòi hỏi phải kiểm ra lý lịch an ninh riêng trước khi nhận được giải trình. Ứng cử viên sẽ được thông báo tính chất bảo mật của các thông tin được giải trình.” 

Giới chức này nhấn mạnh rằng báo cáo giải trình cho ông Trump và cho ứng cử viên Ðảng Dân chủ là bà Hillary Clinton “sẽ được cung cấp trên cơ sở chọn lựa ngang nhau và không mang tính đảng phái.”
Phát biểu của ông Trump được đưa ra trước một cuộc họp báo lớn được tổ chức tại sân gôn của ông ở bang Florida. Tại cuộc họp báo đó, ông đã giảm nhẹ những liên hệ của ông với Nga.

Các chuyên gia vi tính nói rằng trong những ngày qua họ tin là những người chỉ đạo trong nhà nước Nga đứng sau vụ xâm nhập máy tính ở trụ chính của Ủy ban Quốc gia của Ðảng Dân chủ ở Washington, tiếp theo sau vụ gần 20.000 email bị trang WikiLeaks phổ biến cho thấy các quan chức trong Ðảng Dân chủ thiên vị cho bà Clinton hơn là đối thủ của bà – Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont – trong việc đề cử để ra tranh chức tổng thống.

Một số quan chức Ðảng Dân chủ nói về thời điểm những tài liệu rò rỉ này được tung ra ngay trước Đại hội của Ðảng Dân chủ khai mạc tuần này để đề cử bà Clinton, và họ gợi ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin thích ông Trump thắng cử tổng thống vào tháng 11 hơn để lên kế vị ông Obama. Nga tuyên bố không dính líu gì đến vụ an ninh máy tính bị xâm nhập này.
Bà Clinton, người được Ðảng Dân chủ đề cử hôm thứ Ba để ra tranh chức tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2016 này, nói rằng bà xem vụ xâm nhập máy tính này là một vấn đề an ninh quốc gia. Cơ quan điều tra liên bang FBI của Mỹ đang điều tra vụ này.

Ông Trump tìm cách tránh xa chuyện Nga có chủ đích trong vụ xâm nhập máy tính của Ðảng Dân chủ và việc Moscow ủng hộ ông.
Ông Trump nói: “Không thể tin được. Thật lố bịch. Nói thực là ước gì tôi có được sức mạnh đó. Tôi mong muốn có được sức mạnh đó, nhưng Nga đâu có tôn trọng đất nước chúng ta.”

Ông Trump lập lại rằng “tôi không có liên hệ gì với Nga,” mặc dù trước đây ông từng ca ngợi Tổng thống Putin. Ông nói: “Tôi nói rằng ông Putin là một nhà lãnh đạo giỏi hơn ông Obama nhiều. Điều đó ai cũng biết.”

Việc bà Clinton sử dụng máy chủ email riêng thay vì sử dụng máy chủ của chính phủ đã trở thành một vấn đề gây nhiều tranh cãi kéo dài lâu ngày ở Mỹ và gây ra nhiều khó khăn cho bà trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. FBI mới đây kết luận rằng bà đã “cực kỳ bất cẩn” trong việc bảo mật thông tin của những email của bà trong thời gian bà làm ngoại trưởng, nhưng không truy tố hình sự bà. - VOA

4.
Tổng thống Obama chọn đặt thư viện tổng thống ở Công viên Jackson

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chọn Công viên Jackson ở Mạn Nam của thành phố Chicago làm địa điểm thư viện tổng thống của ông, theo tin từ một người biết rõ về quyết định cho hay hôm thứ Tư.

Quỹ Barack Obama quyết định xây dựng thư viện này gần trường Đại học Chicago, nơi ông Obama từng giảng dạy. Thư viện này sẽ đem lại lợi ích cho Mạn Nam của thành phố, cung cấp việc làm cho những cộng đồng mà lâu nay vẫn vật lộn với tình trạng bạo lực băng đảng và thất nghiệp cao.

Một thông báo chính thức dự kiến sẽ được đưa ra vào tuần tới.

Thư viện mới nhất thêm vào mạng lưới những thư viện tổng thống Hoa Kỳ sẽ là một kho lưu trữ những hiện vật, hồ sơ và giấy tờ lịch sử liên quan đến hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama sau khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1 năm sau.

Gia đình Obama năm ngoái chọn đặt thư viện của họ tại thành phố Chicago, thay vì thành phố Honolulu ở bang Hawaii hay thành phố New York, là hai thành phố cũng dự tranh.

Gia đình Obama tháng trước loan báo thư viện sẽ được thiết kế bởi Tod Williams Billie Tsien Architects, một công ty kiến trúc ở New York đã thiết kế Trung tâm Nghệ thuật David Logan tại Đại học Chicago.

Trung tâm này dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn tất thi công. - VOA
Tin Việt Nam

5.
TQ yêu cầu Việt Nam điều tra vụ viết bậy lên hộ chiếu
Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam điều tra thông tin việc một nhân viên hải quan ở TP HCM viết một từ chửi bậy trong tiếng Anh lên hộ chiếu của một nữ công dân nước này. 

Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP HCM hôm 27/7 ra thông cáo lên án mạnh mẽ hành động “đáng hổ thẹn và hèn nhát”, đồng thời yêu cầu Việt Nam truy tìm và trừng phạt nhân viên hải quan viết bậy vào hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông. 

Báo chí của quốc gia đông dân nhất thế giới hôm 27/7 dẫn lời một nữ du khách nước này cho biết rằng hộ chiếu của bà đã bị ghi một từ chửi tục sau khi bị nhân viên hải quan giữ khoảng vài phút. 

Trung Quốc phát hành hộ chiếu mới có in hình bản đồ “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường đứt khúc 9 đoạn” vào năm 2012. 

Mới đây, sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, một số nhân viên xuất nhập cảnh của Việt Nam đã không chấp nhận hộ chiếu này. 

Thay vào đó, họ “cấp thị thực rời để thể hiện quan điểm không công nhận bản đồ” bao trọn gần như toàn bộ vùng biển tranh chấp. - VOA

6.
Báo Việt Nam ‘nhận diện nhóm lợi ích bán nước, hại 
dân’
Một tờ báo ở trong nước mới đăng bài bình luận, trong đó nói về chuyện có “nhóm lợi ích bán nước, hại dân”, “tạo điều kiện cho bọn xâm lược đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ”.

Báo Giáo dục Việt Nam thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng hôm 26/7 còn viết thêm rằng việc “bán nước, hại dân” không chỉ thể hiện ở “hành động cấu kết, tiếp tay cho các thế lực ngoại bang nhằm mưu lợi cho bản thân, dòng tộc, phe nhóm, gây thiệt hại tới chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc”, mà còn là việc “đem tiền thuế của dân mua đồ phế thải từ nước ngoài”, “đổ hàng nghìn tỷ tiền mồ hôi, nước mắt của dân vào các công trình để rồi bỏ hoang”, “làm cho đất nước nghèo đi, khiến đứa bé vừa chào đời đã trở thành con nợ, khiến tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm tràn lan, tệ nạn xã hội hoành hành”. 

Tờ báo sau đó đưa ra một trong các dẫn chứng liên quan tới Formosa cũng như khu công nghiệp Vũng Áng mà Giáo dục Việt Nam viết là “vương quốc cho người nước ngoài trong lòng Hà Tĩnh”. 

Báo này viết rằng “một nhóm lợi ích được hình thành từ mọi thành phần xã hội, từ những công chức bình thường đến quan chức cao cấp… đang từng ngày, từng giờ làm người dân mất niềm tin, làm dân tộc còi cọc về thể lực, làm văn hóa xã hội suy đồi…”

Nhận xét về bài viết, blogger Đoan Trang nói với VOA Việt Ngữ rằng dù bài báo dùng từ “rất là mạnh”, nó “vẫn nằm trong khuôn khổ của lề phải của báo chí chính thống”. 

Bà nói thêm:

“Từ đó [‘bán nước, hại dân’] không phải là nhằm vào những kẻ bán nước hại dân ở cấp cao. Nó dùng chiêu bài vạch mặt những kẻ ‘phản quốc, hại dân’ để chống những thành phần cấp thấp, tham nhũng lặt vặt, chứ không phải thay đổi cả thể chế. Năm nay, kể từ hồi xảy ra vụ Formosa, mình cảm thấy mâu thuẫn nội bộ của họ nhiều hơn. Các phe phái dồn dập đánh nhau nhiều hơn”. 

Tờ báo đặt dấu hỏi: “Một đất nước 90 triệu dân với rừng vàng, biển bạc nhưng máy bay, xe tăng, tên lửa, tàu chiến… chưa sản xuất được, đều phải mua của nước ngoài với số lượng hạn chế, vậy thì khả năng phòng thủ trước họa xâm lăng hiện hữu từ biên giới đến hải đảo sẽ tăng hay giảm?”

Báo Giáo dục Việt Nam viết tiếp: “Thế giới ngày nay, cuộc chiến đang dần được “tự động hóa” với máy bay không người lái, tàu ngầm không người lái, với robot chiến đấu… chúng ta không thể chiến thắng ngoại xâm chỉ với tinh thần yêu nước và những vũ khí cổ điển sản xuất từ thế kỷ trước”. 

Báo thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam viết tiếp: “Một nền quốc phòng trang bị kém liệu có đủ sức răn đe mộng bành trướng, bá quyền của những cái đầu nóng? Làm yếu khả năng bảo vệ tổ quốc chính là tạo điều kiện cho bọn xâm lược đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ. Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ” khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ bán nước, hại dân? Vậy, liệu đã đủ bằng chứng để kết luận rằng đã hình thành nhóm lợi ích… bán nước, hại dân?”

Chưa rõ tờ báo nhắc tới ai có “mộng bành trướng, bá quyền của những cái đầu nóng” trong đoạn trên. Giáo dục Việt Nam trước đó từng đăng tải nhiều bài bình luận về Trung Quốc với các tựa đề như “Kế sách thâm sâu của Tập Cận Bình”, “[Trung Quốc] tự kỷ về lịch sử để thực hiện giấc mộng bá chủ biển Đông”, hay “Giấc mơ Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ thành cơn ác mộng ở biển Đông”.

Trước câu hỏi liệu tờ Giáo dục Việt Nam có được “bật đèn xanh” trước khi đăng những bài viết dùng các lời lẽ mạnh mẽ, mang tinh thần dân tộc, nhà hoạt động xã hội Đoan Trang, người từng có thời gian làm việc trong một số cơ quan báo chí nhà nước, nói thêm:

“Báo Giáo dục mình không biết cơ quan chủ quản của nó là những ai, và ai đứng sau nó, nhưng mà tờ này lâu nay vẫn giữ một thái độ chống Trung Quốc và chống luôn cả phong trào dân chủ. Tờ này ngôn từ rất là mạnh, khá lạ ở Việt Nam. Việc họ viết bài này đăng trên báo như vậy cũng không có gì là lạ, nhưng có thể cùng bài viết này, có thể không đăng được ở các báo khác. Chỉ tờ này mới đăng được thôi”. 

Ở phần cuối của bài viết, tờ Giáo dục Việt Nam lên tiếng kêu gọi “tiêu diệt những kẻ bán nước, hại dân đó”.

Trong phần đường dẫn liên quan tới bài nhận định này, tờ báo đưa lại bài viết có tựa đề, “Nhóm lợi ích đang chuẩn bị để quyết tâm đối phó với Tổng bí thư [Nguyễn Phú Trọng]?” cùng bài, “Vì đồng tiền cho bản thân, họ đã quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc”. - VOA


THI TRUONG TAI CHANH MY ngay 28/7/2016

S&P 500 : 2,170.06            Dow 30 : 18,456.35            Nasdaq : 5,154.98           Crude oil : 41.10
   3.48 (0.16%)                      -15.82 (-0.09%)                    15.17 (0.30)                    -0.82 (-1.96%)

Không có nhận xét nào: