Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tuần: 29 July 16 - TS Nguyễn Nam Sơn

1. Núi Mẹ - Phạm Duy - Hoa Xuân (1964) - Gs TranNangPhung - HungThe - NNS
<!->
2. Áo Lụa Hà Đông - Nguyên Sa - Ngô Thụy Miên - Tuấn Ngọc - GsTranNangPhung - HungThe - NNS
3. Thu Sầu - Lam Phương - Thái Thanh - GsTranNangPhung - HungThe - NNS
4. Múc Ánh Trăng Vàng - Hòang Thi Thơ - Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết - GsTranNangPhung - HungThe - NNS



Tình thân,
NNS
...............................................................................................................
Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Quang Phong (Dân Trí): "Formosa không đáng được tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam"
“Formosa chỉ là một dự án “lớn” về ô nhiễm, chứ hoàn toàn không phải là một dự án lớn về lợi ích mang lại cho Hà Tĩnh. Do vậy, Formosa không đáng được tồn tại lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam tới 70 năm”.
Đó là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), về dự án Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Chia sẻ với phòng viên Dân trí, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cho biết, từ khi thành lập đến nay, tập đoàn Formosa - công ty “mẹ” của Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh không phải là doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm về gang thép. Vậy tại sao Formosa lại bỗng nhiên lao vào lĩnh vực gang thép vốn không phải thế mạnh của mình và lại lao vào ngay khi thị trường thép thế giới bắt đầu xuống dốc, đó là những câu hỏi mà Tiến sĩ Sơn băn khoăn.
“Nếu nghiêm túc, có trách nhiệm, không có doanh nghiệp nào đầu tư như Formosa Hà Tĩnh. Nhưng Formosa đã dám đầu tư, vì tập đoàn này đã lựa chọn ngành nghề đầu tư không bình thường và theo “thế mạnh cạnh tranh cốt lõi” của mình - đó là kinh doanh môi trường bẩn”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn nói.
Nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng cho rằng, khi ngành thép thế giới (trong đó có Đài Loan) đang bị thu hẹp, những doanh nghiệp thiếu nghiêm túc sẽ nghĩ ngay đến việc tiết giảm chi phí về bảo vệ môi trường. Và theo hướng đó, Formosa đã chọn những công đoạn độc hại nhất trong chuỗi sản phẩm của thép để đưa vào Hà Tĩnh, đó là luyện than thành cốc (coke) và luyện quặng sắt thành gang. Với cách làm đó ở Hà Tĩnh, Tiến sĩ Sơn nhận định Formosa hướng đến mục tiêu giảm thua lỗ, đưa ô nhiễm ra khỏi Đài Loan và duy trì được thị phần thép trong bối cảnh khủng hoảng thừa của công nghiệp thép hiện nay. Theo Tiến sĩ Sơn, bản chất của dự án Formosa là dựa vào sự buông lỏng quản lý, để nhập khẩu loại than rẻ tiền để luyện cốc và nhập khẩu quặng sắt để luyện gang ở Hà Tĩnh. Tiến sĩ Sơn cho rằng, đây chỉ là một dự án “lớn” về ô nhiễm, chứ hoàn toàn không phải là một dự án “lớn” về lợi ích mang lại cho Hà Tĩnh. Do vậy, nó không đáng được tồn tại lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam tới 70 năm.
Công nghệ luyện than thành cốc (thuộc lĩnh vực hóa - than) trên thế giới đã và đang để lại những khối lượng chất thải độc hại khổng lồ trên trái đất. “Công nghệ hóa than nói chung, và công nghệ luyện than thành cốc nói riêng, được coi là rất độc hại về mặt môi trường. Do vậy, chỉ có những người thiếu trách nhiệm mới không “lường hết” những nguy hại có thể mang đến cho môi trường sống từ những dự án như Formosa”, Tiến sĩ Sơn phân tích.
Nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng đánh giá dự án gang - thép Formosa Hà Tĩnh về bản chất công nghệ, thuộc loại những dự án rất bẩn về môi trường. Trên thế giới, các nước đang tìm mọi cách đẩy ra khỏi biên giới của mình các dự án về luyện kim vì vấn đề xử lý chất thải rất tốn kém, không hiệu quả về kinh tế.
Dù chiếm diện tích đất rất lớn nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, sự lan tỏa của dự án Formosa là rất thấp, lợi ích mang lại của dự án hầu như không có. Vì vậy, Tiến sĩ Sơn kiến nghị Chính phủ nên xem xét lại quy mô (không nên quá 7,5 triệu tấn/năm) và thời gian tồn tại của dự án Formosa không nên quá 25-30 năm - đây là vòng đời kinh tế của các dự án công nghiệp.
Chú thích thêm:
***Ts Trần Mạnh Hải (Viện Khoa học Công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam):
“Ngay từ đầu, tôi đã nghĩ đây không hẳn là do Formosa, mà do ai đó đã cố ý đưa một lượng lớn chất độc vào biển. Chứ nếu do Formosa thì cá phải chết từ từ (theo thời gian, phụ thuộc tốc độ dòng hải lưu), chứ không thể trong vài ngày mà cả dải miền Trung có hiện tượng giống nhau. Câu hỏi là: Nồng độ các chất đó ở Vũng Áng (đầu nguồn) và ở Hếu (tạm coi là cuối nguồn) chênh lệch bao nhiêu? Tôi nghĩ họ đã đưa cyanua vào trước, các chất khác đưa vào sau (thời gian đã được tính toán để đảm bảo cá chết và không bị lực lượng chức năng phát hiện) để tạo kịch bản xảy ra là do Formosa, họ có thể sử dụng một tàu cá ngụy trang để rải. Và kịch bản là: Các nhà khoa học Việt Nam sẽ chứng minh “Thảm họa” là do các chất thải của Formosa.”
***Ts Nguyễn Thành Sơn (nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin):
Ở Hà Tĩnh, Formosa đã và đang "ký hợp đồng" với các "doanh nghiệp môi trường" Việt Nam đưa chất thải từ dự án ra "Chôn cất" ở bên ngoài là hành vi không nghiêm túc và vô trách nhiệm". 
*** Nhà văn Phạm Đình Trọng:
Tập đoàn Formosa là một tập đoàn công nghiệp Đài Loan nhưng hoạt động sản xuất chỉ biết có  lợi nhuận, không đầu tư vốn khắc phục hậu quả độc hại do dây chuyền sản xuất tạo ra đã gieo chết chóc cho con người và hủy diệt sự sống tự nhiên trong môi trường.
Năm 2009, tổ chức Vì Môi Trường Ethecon, Đức, đã trao giải Hành Tinh Đen cho ông chủ tập đoàn Formosa FPG, Formosa Plastics Group, với lời dõng dạc Tuyên án: Các người chống lại nhân loại và môi trường vì tính ích kỷ, lòng tham lam vô độ, bất chấp cả luật pháp và đạo đức. Các người xứng đáng được bêu dương.
Với tội ác chống sự sống, chống loài người như vậy, Formosa đi đến đâu cũng bị xua đuổi. Là đại họa của sự sống tự nhiên, đại họa của giống nòi dân tộc, Formosa đã bị xua đuổi ở Mỹ, ở Ấn Độ nhưng một chức sắc đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã thậm thụt tiếp xúc với Formosa, thậm thụt chạy thủ tục hành chính để rước đại họa Formosa về Hà Tĩnh với tốc độ của đội quân nhà Thanh được Lê Chiêu Thống dẫn đường từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quí Châu rầm rập tiến vào xâm lược nước ta cuối thế kỉ 18.
Từ Hà Tĩnh chạy ngược chạy xuôi ra Hà Nội, sang Đài Bắc, đôn đáo rước đại họa Formosa về đầu độc giống nòi, tàn phá quê hương, hành động của Võ Kim Cự ở đầu thế kỉ 21 hoàn toàn giống như hành động của Lê Chiêu Thống cuối thế kỉ 18 từ Kinh Bắc tất tả chạy sang Bắc Kinh phủ phục trước Càn Long vua nhà Thanh, xin Càn Long đưa quân sang chiếm Đại Việt rồi đích thân Lê Chiêu Thống dẫn Tôn Sĩ Nghị đưa 29 vạn quân Thanh tràn qua biên giới vào chiếm Thăng Long.
Cuối năm 1788 Tôn Sĩ Nghị cùng 29 vạn quân Thanh vào Thăng Long chưa kịp gây tội ác thì đầu năm 1789 đã bị vua Quang Trung của nước Nam đốc thúc quân Đại Việt đánh tan tác, thây lính Thanh chất thành gò thành đống ở kinh kì Thăng Long, từ Ngọc Hồi đến Đống Đa, xác quân Thanh xâm lược trôi nghẽn cả dòng sông Hồng.
Lịch sử Việt Nam mãi mãi khắc tên Lê Chiêu Thống là tên bán nước ô nhục. Còn Võ Kim Cự rước Formosa về đầu độc biển Việt Nam tàn phá đất nước Việt Nam, diệt chủng giống nòi Việt Nam thì được đảng cộng sản Việt Nam đưa vào Quốc hội của đảng!
***Nguyễn Anh Tuấn: Chỉ xử lý ông Võ Kim Cự có ngăn được những Formosa khác trong tương lai?
Nếu không chứng minh được những gì ông Cự nói bên dưới là SAI thì rõ ràng việc quy toàn bộ trách nhiệm cho ông ta trong việc cấp phép Formosa vừa không thỏa đáng, vừa có dấu hiệu chạy tội cho những cá nhân, tổ chức bên trên của ông ta, mà ai cũng rõ bao gồm các Bộ trưởng, Thủ tướng và cả Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa trước.
Đổ hết lỗi lầm của một hệ thống từ địa phương tới trung ương lên đầu một cán bộ cấp dưới chắc chắn không phải là cách công lý được thực thi, càng không phải là cách giúp ngăn ngừa những thảm họa tương tự xảy đến trong tương lai, khi mà trách nhiệm không được đặt vào đúng địa chỉ của nó. Tuy nhiên truy cứu trách nhiệm tất cả những kẻ đáng phải chịu trách nhiệm trong thể chế hiện nay lại BẤT KHẢ THI ở chỗ:
(1) Tổ chức chịu trách nhiệm cao nhất trong việc rước Formosa về là Bộ Chính trị trên thực tế là cơ quan nắm quyền cao nhất trong hệ thống, làm sao có thể tự truy cứu chính nó, sao có thể tự lấy đá ghè chân mình?
(2) Ông Cự khẳng định cấp phép cho Formosa có sự chấp thuận của Thủ tướng, 12 bộ chuyên ngành, các cơ quan nội chính, an ninh, quốc phòng. Mỗi người trong số này lại liên đới tới nhiều bộ phận khác trong tiến trình ra quyết định của họ. Trừ vài người đã nghỉ hưu, đa số họ hiện đang nắm giữ những vị trí cao cấp trong guồng máy. Truy cứu trách nhiệm tất cả họ được không?
Hoàn toàn không.
'Kỷ luật hết lấy ai mà làm việc hả các đồng chí?' - chỉ một câu buột miệng của Nguyễn Sinh Hùng 6 năm về trước nhưng đã toát lên toàn bộ sự tự tin của người cầm quyền chóp bu ở Việt Nam, tin rằng vị trí của họ là bất khả thay thế chừng nào mà đảng của họ vẫn tại vị.
Cầm quyền là một dịch vụ, và bi kịch của xã hội Việt Nam là hiện nay CHỈ CÓ MỘT NHÀ CUNG ỨNG (CSVN).
Thông thường, khi gặp dịch vụ tồi tệ, người dân chúng ta - những người tiêu dùng - không hơi sức đâu nghĩ cách giúp nhà cung ứng nâng cao chất lượng, vì đấy là việc của họ, không phải của chúng ta.
Chúng ta làm một việc đơn giản mà hiệu quả hơn: 'Trừng phạt' họ bằng cách chọn MỘT NHÀ CUNG ỨNG KHÁC, để chính họ muốn tồn tại phải chủ động đổi mới.
Phương cách đơn giản đó hiện chưa được áp dụng trong thị trường chính trị đất nước, khiến đa số người cầm quyền chóp bu dù năng lực hạn chế, chỉ biết vinh thân phì gia mà chẳng thèm quan tâm đến chất lượng dịch vụ cung ứng cho xã hội, vẫn có thể ôm lấy Nguyễn Sinh Hùng trong giấc mộng 'vĩnh viễn không bị ai thay thế' với câu thần chú 'kỷ luật hết thì lấy ai làm việc?'
Đất nước đang thiếu cạnh tranh chính trị, chúng ta thì lại không dám dấn thân để thiết lập một xã hội cạnh tranh chính trị, chấp nhận toàn bộ thị trường cầm quyền bị thao túng chỉ bởi một nhà cung ứng, thế thì có khả thi không nếu chúng ta đòi hỏi được thụ hưởng những chính sách công tốt đẹp vốn là sản phẩm của dịch vụ cầm quyền?
Cùng logic đó, chúng ta dựa vào đâu để tin rằng sẽ không có những Formosa khác trong tương lai?
***Vũ Đông Hà:
Cuộc xâm lược khởi đi vào năm 1990 và âm thầm tiến hành kể từ sau Mật nghị Thành Đô. Những căn cứ chiến lược đã được từng bước cài đặt, xây dựng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Những nòng súng đại bác được thế chỗ bởi những ống thải, những hầm chứa bùn; những mìn, bom, đạn được thay thế bởi những hóa chất độc hại. Nó là một cuộc xâm lược mà kết quả không là những chiến trường khói lửa, những làng mạc bị đốt phá, những xác người xình thối trên núi rừng Việt Bắc. Kết quả của cuộc chiến là một đất nước Việt Nam, từ núi rừng đến nông thôn, thành thị vẫn nguyên vẹn nhưng nguồn sống bị tiêu diệt. Một vùng biển chết. Những sông hồ chết. Một núi rừng cao nguyên chết. Một đồng bằng Cửu Long chết. Và hơn 90 triệu người Việt Nam bệnh hoạn, dật dờ.
Tháng 4 năm 2016 là một cuộc tập trận thử nghiệm. Chỉ trong vòng vài ngày, thông qua một nhà máy luyện thép chưa thật sự đi vào hoạt động, cuộc thử nghiệm đã tạo ra một khủng hoảng môi trường lớn nhất trong lịch sử của quốc gia nằm trong kế hoạch xâm lược của Bắc Kinh. Hàng triệu cá tôm bị tàn sát, biển Đông dọc theo xương sống miền Trung rơi vào tình trạng bị phá hủy ở mức độ nhiều năm không thể phục hồi. Trong đất liền, thông qua những hạ tầng cơ sở đã được âm thầm xây dựng, kết quả của cuộc tập trận là trải dài từ miền Trung xuống miền Nam lên miền Bắc - cá chết phơi bụng trắng hếu tràn ngập nhiều sông hồ.
Một cuộc thử nghiệm tàn sát khủng khiếp, lan rộng, có sức tàn phá im lặng, lâu dài, không cần một lời tuyên chiến. Và không cần một tiếng súng. (Hết trích)...
Những con cá chết đã tan biến, mục rữa vào hư không theo cái nắng của mùa hè nghiệt ngã. Đường phố Sài Gòn, Hà Nội vẫn rộn rã tiếng còi xe, những tiếng cười pha lẫn tiếng chửi thề. Giữa dòng đời vô cảm, vẫn còn đó những người cô đơn bó gối với với niềm đau quặn thắt trong lòng, nhức nhối con tim khi nhìn lên tờ lịch và nghĩ đến con số 2020 như một định mệnh bi thảm đang đón chờ. Và vẫn còn đó, ngồi yên những con người yêu nước này nhìn những con người yêu nước kia bằng một cặp mắt xa và lạ.
Đất nước tôi, đã biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, xương máu đổ ra, bao nhiêu người hy sinh nằm xuống trên từng ngọn cỏ, từng gốc cây, từng đỉnh đồi... chiến đấu bảo vệ giang sơn. Không lẽ rồi đây tất cả đều sẽ trở thành vô nghĩa!?
Bạn tôi ơi! thôi đừng theo một lời kêu gọi nào của ai khác. Chỉ lắng nghe tiếng gọi của con tim mình.
(ii) Nguyễn Chương: Trước đây, đất nước của họ ra sao?
Trước khát khao đòi tự do của người Tạng, người Mông Cổ, người Hồi (Duy Ngô Nhĩ…), có người thắc mắc: trước khi họ bị buộc trở thành “Chinese”, đất nước của họ ra sao?
TÂY TẠNG:
Tuyên bố độc lập vào năm 1913 sau khi nhà Thanh sụp đổ, với quốc kỳ riêng (xem hình bản đồ năm 1948 đính kèm). Nền độc lập của quốc gia Tây Tạng kéo dài đến năm 1950 khi quân đội cộng sản TQ tràn qua xâm chiếm. Sau đó, quốc gia này trở thành …”khu tự trị Tây Tạng”.
ĐÔNG THỔ:
Cộng hòa Đông Thổ (Eastern Turkistan) tuyên bố độc lập vào tháng 11/1933, với quốc kỳ riêng (xem hình). Đông Thổ trải qua hai thời kỳ: Đệ nhất cộng hòa (1933-1934), Đệ nhị cộng hòa (1944-1949). Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc xâm chiếm, sát nhập vào cuối năm 1949, quốc gia này trở thành … “khu tự trị Uyghur Tân Cương”.
NỘI MÔNG:
Mông Cổ Quốc thành lập vào tháng 5/1936, thủ phủ đặt tại Kalgan. (phân biệt “Mông Cổ Quốc” nằm ở Nội Mông, còn Ngoại Mông đã trở thành “Cộng hòa nhân dân Mông Cổ” từ năm 1924). Sau này “Mông Cổ Quốc” (còn gọi là “Mông Cương”) không còn là quốc gia riêng lẻ, mà trở thành chính phủ tự trị Nội Mông dưới sự giám sát của Trung Hoa Dân quốc. Khi chuyển sang chế độ cộng sản trên toàn lãnh thổ TQ vào tháng 10/1949, chính phủ tự trị Nội Mông biến mất, thay vào đó là cấp quản lý hành chánh của … “khu tự trị Nội Mông”.
Phụ chú:
* Bản đồ vào năm 1948: Tại Trung Quốc lúc này là cờ Trung Hoa Dân quốc (mãi đến tháng 10/1949, Trung Quốc mới trở thành lãnh thổ do đảng cộng sản TQ cai quản toàn bộ).
Ở quốc gia lân cận là Việt Nam được biểu trưng bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ. Đây là quốc kỳ của thể chế Quốc Gia Việt Nam (QGVN).
Theo Hiệp ước Hạ Long 1947 (và được củng cố bởi Hiệp ước Elysée tháng 3/1949), Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất từ Bắc đến Nam. QGVN là đại diện hợp pháp duy nhất của VN tham dự Hội nghị San Francisco 1951 (theo lời mời của Hoa Kỳ) với tư cách một quốc gia độc lập.
Tại Hội nghị này, có 2 sự kiện đáng chú ý: 1/ Liên Xô đề nghị giao Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ nhưng bị Hội nghị phản bác; 2/ Chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được long trọng tuyên bố trước 51 quốc gia tham dự Hội Nghị (tuyên bố này được đưa ra bởi ông Trần Văn Hữu – Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của QGVN).
* Bản đồ hiện nay: Tây Tạng, Đông Thổ, Nội Mông đã trở thành lãnh thổ của Trung Quốc theo thể chế cộng sản với nền cờ đỏ một sao vàng lớn + bốn sao vàng nhỏ. Ở quốc gia lân cận là Việt Nam được biểu trưng bằng nền cờ đỏ một sao vàng. (Nguồn: Nguyễn Chương FB)
(iii) Ts Nguyễn Hưng Quốc: Văn hóa thù hận
Cuộc biểu tình ôn hoà của khoảng 1000 người dân Mỹ nhằm phản đối việc cảnh sát bắn chết hai người da đen (một ở Minnesota và một ở Louisiana) tại thành phố Dallas thuộc tiểu bang Texas tuần qua đã kết thúc một cách đẫm máu với cái chết của năm cảnh sát viên, những người đang giữ trật tự cho cuộc biểu tình. Thủ phạm là Micah Johnson, một thanh niên da đen 25 tuổi, từng đi lính tại Afghanistan. Johnson tuyên bố muốn giết những người da trắng, đặc biệt các cảnh sát viên da trắng để trả thù cho những người da đen bị cảnh sát bắn chết.
Đó không phải là lần đầu tiên cảnh sát Mỹ bị bắn với lý do thù ghét chủng tộc. Chỉ mới đây thôi, tháng 12 năm 2014, có hai cảnh sát viên tại New York bị bắn chết bởi một thanh niên da đen cũng với lý do thù hận chủng tộc tương tự. Tuy nhiên, trong lịch sử, chưa bao giờ có số cảnh sát viên bị bắn chết một lúc nhiều như lần này.
Phản ứng lại vụ tàn sát, hầu hết các chính trị gia đều kêu gọi mọi người đoàn kết và thương yêu nhau. Nhưng hầu như không ai có thể phủ nhận được một sự thật : nước Mỹ càng ngày càng chia rẽ, không những về kinh tế, tôn giáo, ý thức hệ và văn hóa mà còn về chủng tộc. Đằng sau vụ bắn giết cảnh sát viên da trắng là nỗi căm thù ngùn ngụt về màu da.
Suy nghĩ cho kỹ, sự căm thù về màu da ấy không phải chỉ có ở Micah Johnson. Ngay cả ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng Hoà, Donald Trump, cũng nhiều lần đưa ra những tuyên bố sặc mùi phân biệt chủng tộc. Ông đòi dựng hàng rào dọc theo biên giới Mỹ-Mexico đế ngăn chận di dân. Ông đòi trục xuất cả mười mấy triệu di dân bất hợp pháp ra khỏi nước Mỹ. Ông chủ trương cấm người Hồi giáo, đặc biệt từ những quốc gia Hồi giáo bị xem là có truyền thống khủng bố, nhập cảnh vào nước Mỹ. Theo tiên đoán của giới bình luận chính trị, cho dù Donald Trump thắng cử vào tháng 11 tới, tất cả những chính sách ấy đều không thể thực hiện được. Tuy nhiên, hai điều quan trọng nhất là : Một, xuất phát điểm của những chính sách ấy là sự thù ghét đối với Hồi giáo và di dân ; và hai, những chính sách ấy, sau khi được công bố, làm thổi bùng lên ngọn lửa thù ghét Hồi giáo và di dân ở nhiều người trong cả nước.
Một hiện tượng tương tự cũng vừa xảy ra tại Úc. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội liên bang vừa được tổ chức vào đầu tháng 7, đảng Một Quốc Gia (One Nation) của Pauline Hanson chiếm được đến mấy ghế trong Thượng Viện. Một trong những chủ trương chính của đảng này cũng là chống lại người Hồi giáo và những người di dân, đặc biệt di dân từ châu Á. Hanson cho rằng những người châu Á, nhất là người Trung Quốc, đang tràn ngập nước Úc và biến Úc thành một quốc gia bị Á châu hoá. Bà cũng cho rằng những người Hồi giáo bướng bỉnh không chịu hội nhập vào xã hội Úc và không chịu đồng hóa với văn hóa Úc, cứ khăng khăng bảo vệ nền văn hóa riêng của họ, thứ văn hóa thù nghịch với Úc và trực tiếp đe doạ đến Úc. Điều đáng nói không phải là các quan điểm kỳ thị tôn giáo và chủng tộc của Pauline Hanson mà là số phiếu cử tri Úc dành cho bà và cho đảng của bà. Số phiếu ấy cho thấy đằng sau xã hội có vẻ yên bình của Úc đang xuất hiện những làn sóng thù ghét đối với di dân và Hồi giáo.
Nghĩ cho cùng, việc 52% dân Anh bỏ phiếu chọn tách ra khỏi khối Liên Hiệp Âu Châu cũng xuất phát từ thứ văn hóa thù ghét di dân như vậy. Về phương diện chính trị cũng như kinh tế, hầu như ai cũng biết việc tham gia vào khối Liên Hiệp Âu Châu là một giải pháp tối ưu cho Anh. Tuy nhiên, điều nhiều người dân không thể chịu đựng nổi là sự tràn ngập của những người di dân từ các quốc gia khác trong khối đã và đang đổ dồn vào Anh. Không để ý đến sự kiện có rất nhiều người Anh sang sống và làm việc tại các quốc gia Âu châu, họ chỉ thấy sự hiện diện của các di dân từ các nước khác tại Anh như một sự đe doạ đến công ăn việc làm và sự an ninh của họ. Sau cuộc trưng cầu dân ý, làn sóng thù ghét người ngoại quốc càng dâng cao tại Anh. Những sự xâm phạm, bằng lời nói hay hành động, mang tính chất kỳ thị chủng tộc càng lúc càng phổ biến.
Hiện tượng thù ghét di dân, trong đó có những người Hồi giáo, lan rộng ở nhiều quốc gia Tây phương, nơi các đảng cực hữu càng lúc càng mạnh. Tâm điểm của các đảng ấy là chống di dân và chống lại chủ nghĩa đa văn hoá. Họ không muốn người khác cạnh tranh hay giành giật công ăn việc làm của họ, hơn nữa, họ cũng không muốn người khác làm loãng nhạt tính chất đặc thù và được cho là độc đáo trong nền văn hóa truyền thống của họ. Nói chung, người ta thù ghét sự đa dạng.
Dĩ nhiên, biểu hiện cao độ của thứ văn hóa thù ghét ấy là ở các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Họ thù ghét tất cả những người ngoại đạo, thậm chí cả những người đồng đạo nhưng khác quan điểm với họ. Họ thù ghét tất cả những gì khác họ. Họ thù ghét văn hóa Tây phương và người Tây phương nói chung. Họ có tham vọng xây dựng những nhà nước dựa trên điều luật Hồi giáo và muốn Hồi giáo hóa cả thế giới.
Có thể nói văn hóa thù hận hiện nay đang lan tràn khắp nơi trên thế giới. Cách đây mấy thập niên, trước sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu cũng như trước xu thế toàn cầu hóa càng lúc càng tăng tốc, nhiều người lạc quan cho rằng thế giới, một lúc nào đó, biến thành một cái làng, làng-toàn-cầu, nơi mọi người gần gũi và sống với nhau một cách hoà bình. Nhưng càng ngày người ta càng thấy xu thế toàn cầu hóa có thể dẫn đến những phản ứng ngược : việc tái phối trí lực lượng lao động trên phạm vi thế giới cũng như việc di dân dễ dàng, một mặt, tạo cơ hội cho nhiều người có công ăn việc làm ; mặt khác, lại trở thành một sự đe doạ đối với một số người khác. Đối diện với sự đe doạ ấy, người ta đâm ra thù ghét tất cả những gì đến từ những nơi khác.
Điều đáng nói là nhiều chính trị gia tìm mọi cách để khai thác sự thù ghét ấy để lấy phiếu trong các cuộc bầu cử. Nếu nhờ mị dân, họ thắng, cảm giác thù ghét ấy sẽ dễ dàng trở thành một thái độ kỳ thị chủng tộc. Đó mới là một tai hoạ cho nhân loại.
(iv) Thơ Bùi Chí Vinh: Đất nước của ma quỷ 
Đất nước toàn đồ giả 
Sống trên quê hương như không phải của mình 
Nếu là thật, sao chính quyền không chiến đấu 
Sao giặc đến nhà vẫn ngậm miệng làm thinh?
     Sao giặc đến nhà, đàn bà vẫn đỏng đảnh thời trang
     Đàn ông vẫn kinh doanh trên bàn nhậu 
     Con nít biết chửi thề cùng lúc với chơi game 
     Đất nước đóng kịch phồn hoa như nói láo
Đất nước không còn giọt máu 
Quần đảo xanh xương hệt những nấm mồ 
Quân không điếu phạt thì làm sao khử bạo ?
Đường lưỡi bò mồm Tàu Cộng nhấp nhô
     Đất nước toàn bọn vua quan bán nước nằm mơ 
     Ngồi bó gối chờ Phillippines kiện cáo 
     Há miệng chờ sung ngậm trái đắng Formosa 
     Ăn thịt lẫn nhau chẳng khác gì linh cẩu
Đất nước cuối cùng chỉ là hư ảo 
90 triệu nhân dân như cọng rác bọt bèo 
Ai cũng mong mau đến ngày tận thế
Gặt hết những gì ma quỷ đang gieo! (bcv - 18-7-2016)
(v) Thơ Thái Bá Tân: Chế độ nào quan ấy
Quan nào thì dân ấy.
Điều đó khỏi phải bàn.
Chế độ nào quan ấy,
Lại càng khỏi phải bàn.
     Chế độ mà lãnh đạo
     Là giai cấp công nông,
     Thì quan sẽ ít chữ,
     Mù quáng và bốc đồng.
Chế độ mà ngu dốt,
Quan khó lòng thông minh.
Chế độ mà độc ác,
Quan không thể có tình.
     Chế độ mà độc đảng
     Chắc chắn quan lạm quyền.
     Đó cũng là cơ hội
     Để quan vơ vét tiền.
Chế độ bốc phét một,
Quan sẽ bốc phét mười.
Chế độ làm sai một,
Quan sẽ làm sai mười.
     Chế độ thiếu minh bạch,
     Thì quan sẽ mập mờ.
     Chế độ mà tắc trách,
     Quan sẽ càng hững hờ.
Đại khái là như vậy.
Quan cũng người như ai.
Vì thế, trách quan một,
Phải trách chế độ hai.
    Hãy Lắng Nghe Dân
Một phụ nữ có tuổi,
Đúng hơn, một bà già,
Vén váy chửi giữa phố.
Chửi lâu và chua ngoa.
     Mà bà chửi tục lắm.
     Chửi từ thấp đến cao.
     Chửi từ trên xuống dưới.
     Không sót một đứa nào.
Bà mất gà? Không phải.
Bị oan ức? Cũng không.
Không phải vì con cái.
Cũng không phải vì chồng.
     Không, bà chửi khu phố,
     Chửi công an, an ninh
     Không cho ra Hoàn Kiếm
     Để tham gia biểu tình.
Bà chửi lũ bán nước
Bán rẻ đất ông cha.
Ải Nam Quan, Bản Giốc,
Trường Sa và Hoàng Sa.
     Bà chửi vì biển chết.
     Bà chửi lũ quan tham
     Rước voi dày mả tổ,
     Giết môi trường Việt Nam…
Bà già ấy nhỏ bé,
Chắc ít học, nông dân,
Không thể là phản động.
Càng không phải Việt Tân.
     Không tham vọng chính trị,
     Không âm mưu hòa bình,
     Bà chửi bọn chặn cửa
     Không cho đi biểu tình.
Biểu tình để nổi loạn?
Không, một trăm lần không.
Chỉ chống Tàu, ủng hộ
Phán quyết về Biển Đông.
     Dân phòng, an ninh mật
     Nghe một bữa thỏa thuê.
     Tôi muốn các lãnh đạo
     Cũng hạ cố lắng nghe.
Bà, dân của ta đấy,
Một người dân bình thường
Nặng lòng với đất nước,
Với biển đảo, quê hương.
     Hãy nghe lời dân nói,
     Đảng dạy thế nhiều lần.
    Vậy hãy nghe bà chửi.
    Hay bà không phải dân?
....................................................................................................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: