Hàng vạn công nhân công ty Pouchen đồng loạt đình công. Ảnh: Facebook |
Ước tính của báo Lao Động cho hay, số lượng công nhân tham gia đình công lên đến 17,000 người trong tổng số 21,600 công nhân của Pouchen.<!->
Cuộc phản kháng bắt nguồn từ việc công ty áp dụng một số quy định trừ lương, thưởng quá khắt khe. Cụ thể, công ty áp dụng xếp loại lao động theo 3 mức là A, B, C. Nếu người lao động nghỉ việc không phép sẽ bị trừ 13 điểm, nghỉ có phép bị trừ 3 điểm.
Trong trường hợp người lao động bị trừ 13 điểm thì sẽ bị xếp vào loại C, đồng nghĩa với việc bị cắt hết tất cả các khoản tiền trợ cấp và tiền thưởng cuối tháng hoặc cuối năm. Việc làm này khiến đồng lương của người lao động vốn đã rất thấp nay lại càng bị thiệt thòi nhiều hơn.
Sáng ngày 26/2/2016, cuộc đình công đã lan sang đến ngày thứ 2 liên tiếp. Ảnh: Facebook |
Khước từ vai trò của liên đoàn lao động
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, vào chiều ngày 25/2/2016, quan chức liên đoàn lao động thành phố Biên Hoà đã có mặt để can thiệp và ngăn chặn việc đình công.
Tuy nhiên, các nỗ lực của liên đoàn lao động đã bất thành. Sang đến ngày 26/2/2016, thông tin từ các mạng xã hội cho thấy các cuộc đình công tại Pouchen vẫn tiếp diễn sang đến ngày thứ 2 liên tiếp.
Báo Lao Động dẫn lời bà Nguyễn Thị Ngọc Ẩn, chủ tịch liên đoàn lao động thành phố Biên Hoà cho hay, việc đánh giá xếp loại A, B, C “là chính sách lớn của công ty Pouchen Việt Nam” và đã được áp dụng đối với nhiều công ty lớn tại Đồng Nai.
Do vấp phải sự phản ứng dữ dội của công nhân, liên đoàn lao động đã thương lượng với công ty để tạm ngừng thí điểm các xếp loại như trên.
“Cơ quan chức năng thương lượng với Cty và quyết định tạm ngừng thí điểm đánh giá xếp loại mới này nhưng CN vẫn chưa chấp nhận”, bà Nguyễn Thị Ngọc Ẩn nói.
Trong khi đó, ông Đoàn Văn Đây – phó chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai thừa nhận việc thương lượng và đối thoại vẫn “chưa đi đến thống nhất” do đa số công nhân vẫn chưa đồng tình.
“Chúng tôi đang tích cực thương lượng với Ban giám đốc Cty, đồng thời đối thoại với CN, nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất”, báo Lao Động dẫn lời ông Đây cho biết.
Công nhân vẫn đình công bất chấp sự thương lượng của liên đoàn lao động với ban giám đốc công ty. Ảnh: Facebook. |
Phát biểu trên cho thấy sự bất lực của liên đoàn lao động trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa người lao động và giới chủ.
Hay nói đúng hơn, các công nhân công ty Pouchen đã chính thức khước từ vai trò đại diện của liên đoàn lao động trong việc thương lượng với ban giám đốc công ty. Điều này đã được chứng minh khi cuộc đình công lan sang ngày thứ 2 liên tiếp.
Với sự phát triển của phong trào bảo vệ quyền lợi người lao động trong thời gian vừa qua, mà điển hình là tổ chức Lao Động Việt, năm 2016 dự kiến sẽ là một năm đầy biến động đối với giới công nhân cả nước trong cuộc đấu tranh đòi lại quyền lợi chính đáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét