Bloomberg mới đây có bài viết nhận định về tình hình kinh tế Nga, với ý kiến của nhiều chuyên gia Nga cho rằng kinh tế nước này đang tuột dốc đáng kể.<!->
Với nền kinh tế đang chật vật của Nga, dự báo năm 2016 trông có vẻ ảm đạm. Rúp Nga (RUB) đã trượt xuống mức đáy kỷ lục mới khi giá dầu giảm 11% kể từ ngày 1/1. Chính phủ Nga, vốn nhận một nửa nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, hiện gặp khó với lỗ hổng 1.500 tỷ RUB, tương đương 19,2 tỷ USD trong ngân sách. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo GDP Nga sẽ sụt giảm 1% trong năm nay sau khi đã giảm 3,7% trong năm qua.
Tình hình này đã tạo ra “một bầu không khí căng thẳng cực độ”, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp hôm 26/1, theo bản ghi chép được Điện Kremlin công bố.
Các số liệu kinh tế cho thấy triển vọng ngày càng ảm đạm của đất nước mà chỉ vài năm trước đây còn đang thịnh vượng. Nhiều nhà kinh tế và doanh nhân, trong đó bao gồm một số cá nhân có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin, đang cảnh báo rằng Nga đối mặt với tình trạng trì trệ lâu dài và mất sức cạnh tranh.
“Chúng tôi nhìn thấy đất nước mình đang nằm trong những quốc gia xuống dốc”, Herman Gref - người đứng đầu ngân hàng Sberbank, định chế tài chính lớn nhất Nga, nói tại hội nghị ở Moscow hôm 15/1.
Evgeny Gontmakher, thành viên hội đồng quản trị tại Viện Phát triển Đương đại của Moscow cho hay tình hình tương tự như “một cầu thang dẫn lối đi xuống”. Thủ tướng Dmitry Medvedev là Chủ tịch của Viện Phát triển Đương đại trên. Ông Gontmakher dự báo Nga có thể sẽ gần như không tăng trưởng trong năm 2017 và chính phủ nước này sẽ tiếp tục trấn an người dân rằng kinh tế sẽ tiếp tục đi lên sau cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3/2018. Dù thế, ông Gontmakher cho rằng nền kinh tế “sẽ đi xuống trong năm 2018”.
Trước đây, Nga từng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm đợt sụt giảm giá dầu vào năm 2008 và vỡ nợ năm 1998. Trong các trường hợp đó, đà tăng trưởng mạnh mẽ quay trở lại trong một hoặc hai năm.
Song lần suy thoái kinh tế này hoàn toàn khác, theo Giáo sư Vladislav Inozemtsev, tại Đại học Nghiên cứu Kinh tế ở Moscow. “Chuyện này không phải vì dầu thô hay lệnh trừng phạt, chuyện này xảy ra là vì yếu kém trong cơ cấu”, ông Inozemtsev nói. Đã từng có dấu hiệu bất ổn xuất hiện vào năm 2012, khi giá dầu là 100 USD/thùng và Nga chưa chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Tháng 5/2012, ông Vladimir Putin trở lại ghế tổng thống và tăng thuế doanh nghiệp, bất động sản để tài trợ chi tiêu quân sự gia tăng và mở rộng phạm vi các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, chẳng hạn như hãng dầu khổng lồ Rosneft. "Giới doanh nhân vỡ mộng", giảm đầu tư vào nhà máy và các thiết bị, ông Inozemtsev cho hay.
Năng suất giảm, tham nhũng tăng và đầu tư nước ngoài chậm lại khi giới đầu tư ngoại lo lắng về tài sản của họ, chuyên gia Timothy Ash về chiến lược thị trường mới nổi tại Nomura International ở London (Anh) cho biết.
Năm 2000, khi lần đầu giữ chức tổng thống, ông Putin có cho biết sẽ giảm sự phụ thuộc của chính phủ vào dầu thô. Tuy nhiên, chính phủ Nga sau đó càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn thu từ loại hàng hóa này, chi tiêu tiêu dùng đã trở thành động lực chính của nền kinh tế.
Song gần đây, thu nhập hộ gia đình Nga giảm trong hai năm qua, khoảng 22 triệu người Nga sống trong cảnh nghèo đói và số người nghèo tăng 50% kể từ năm 2013. Doanh số bán lẻ giảm 10% và doanh số ô tô giảm 36% trong năm 2015..
General Motors, hãng đã từng liệt kê Nga vào danh sách các thị trường phát triển nhanh nhất, đóng cửa hầu hết các cơ sở hoạt động vào năm ngoái. Các nhà bán lẻ như Adidas của Đức và Mango của Tây Ban Nha cũng đóng bớt cửa hàng. Chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s đang có 543 chi nhánh ở Nga, và dù có kế hoạch mở cửa thêm 60 chi nhánh, họ vẫn thay đổi thực đơn vì ngày càng nhiều khách hàng chuyển phần ăn Big Mac sang các phần cánh gà và bánh mì kẹp thịt heo rẻ hơn.
Những người ủng hộ cải cách cho hay vẫn còn đủ thời gian để đảo ngược thực trạng bằng cách đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, giảm bớt sự kiểm soát của chính phủ đối với khu vực tư nhân.
Dù vậy, chính phủ Nga không đủ khả năng trang trải cho các khoản đầu tư lớn. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 13/1 cho hay nước này đã dùng nhiều từ dự trữ ngoại hối đến mức hầu hết các chương trình đầu tư sẽ phải giảm 10% để thu hẹp thâm hụt ngân sách.
Ở khu vực tư nhân, tình hình cũng không khá hơn. Lệnh trừng phạt đã khóa trái cánh cửa vào thị trường tài chính quốc tế với giới doanh nghiệp Nga. Rúp yếu cũng khiến công ty gặp khó khăn trong việc nhập khẩu thiết bị nhằm tăng năng suất.
Tổng thống Putin, người nhận được hơn 80% sự đồng thuận, đã và đang tỏ ra ít quan tâm đến việc thay đổi mô hình kinh tế đất nước. Hôm 26/1, ông Putin nói với Bộ trưởng Kinh tế Ulyukayev rằng “chúng ta có cơ sở để lạc quan một cách thận trọng về năm 2016”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét