Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Giới Thiệu Đêm Không Gian Hội Ngộ Bắc Cali, Nhân Mùa Tạ Ơn 2024 và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Lời Mời
Có gì lạ trong Mùa Tạ Ơn năm nay?
Một sinh hoạt văn nghệ truyền thống, luôn luôn đã được sự hưởng ứng đông đảo, nồng nhiệt, nhưng lại bị bỏ quên tổ chức, trên 10 năm nay! giờ mới lại có cơ hội tiếp tục!
<!>


Trân trọng giới thiệu đến Những Người Lính, Yêu Tổ Quốc Không Gian, một thời “Trấn Không”, Gia Đình và Thân Hữu, tìm lại không khí của Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc, Mây Bốn Phương Trời…trong:


Chiều Không Gian Hội Ngộ Nhân Mùa Tạ Ơn 2024!


*Trong mục đích cao đẹp, gây quỹ để ủng hộ Hội Ái Hữu Không Quân Bắc Cali, để Hội có thêm phương tiện hoạt động!


* Với công thức tổ chức đầy thiện chí độc đáo, có một không hai! Nhóm 73A Phi Hành Bắc Cali, sẽ tài trợ mọi chi phí tổ chức! nên tất cả số tài chánh thu được trong buổi Hội Ngộ Dạ Tiệc này, 100%, sẽ được xung hết vào Quỹ của Hội! để có thêm…xăng! thực hiện thêm những phi vụ, mà Hội đang có trong dự tính! Hội Ái Hữu KQ Bắc Cali, là Hội Đoàn Quân Đội, trong tình nghĩa “một ngày KQ, cả đời KQ!” bền bỉ hoạt động, đã làm rất nhiều các Quân Binh Chủng Bạn, rất nể phục!


Đây là là dịp vui hiếm có, vào những ngày Lễ tưng bừng cuối năm, xin đừng bỏ qua, rất uổng!


Nên Trân Trọng Kính Mời Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu, Gia Đình, Thân Hữu và Các Quân Binh Chủng Bạn, Cùng Tham Dự:



Dạ Tiệc Không Gian Hội Ngộ, với chủ đề: “Không bỏ Anh Em, Không bỏ Bạn Bè!” cho dù qua hơn nửa thế kỷ, vẫn còn có nhau!


Từ 6 giờ chiều, đến 11 giờ đêm, Chủ Nhật, Ngày 24 Tháng 11 Năm 2024. (Vào Tuần Lễ Mừng Lễ Tạ Ơn)
Tại L'amour Dance Studio
1818 Tully Rd #140
San Jose CA 95122


Giá vé ủng hộ rất là đặc biệt, nhẹ nhàng, $50 mỗi người tham dự. (Chi phí tổ chức đã trên 30 đô la cho một người!)
Gồm có: thức ăn 6 món, do nhà hàng U pick đảm nhận. Nước uống (bia, rượu chát & rượu mạnh) tự do! (hổng say, hổng…dzề!)
Kèm theo nhiều mục vui ngày Lễ, chưa kể mục xổ số có thưởng, 10 phần quà rất có giá trị & đẹp mắt!
Ban nhạc: One man band, với những ca sĩ nổi tiếng trong vùng và các ca sĩ Không Quân Bắc Cali và thân hữu. Bảo đảm, sẽ là một đêm vui, nhớ đời! Một chuyến bay đêm!

Trân trọng kính mời

Thay mặt cho BTC Đêm Không Gian Hội Ngộ:
-KQ Lê Văn Hải (Trưởng Ban Tổ Chức)
-KQ Huỳnh Trịnh Phương (Trưởng Ban Điều Hợp)
-Đại Diện HAHKQ/Bắc Cali: KQ Hồ Đắc Tiến


Những ngày tới, BTC sẽ loan báo thêm chi tiết về chương trình văn nghê và nhiều tiết mục độc đáo khác nữa.
Vì chỗ ngồi có hạn (trên 100 chỗ), nên nhắc nhở Quý Khách, nếu có ý định tham dự, xin giữ chỗ trước ngay…hôm nay! đừng để giờ chót, muốn thì, không còn cơ hội! Hạn chót ghi danh và đóng tiền, trước ngày 15 tháng 11 năm 2024.

Chi phiếu (check) xin gửi về:
1/ RVNAF Vets Association
Và gửi về địa chỉ:
Hội AHKQ-BC
3455 Woodyend ct
San Jose, Ca 95121
Cell: (408) 828-5336

2/ Phuong Huynh
124 Rancho dr #202
San Jose, Ca 95111
Cell: (408) 799-8218

Lời nhắn: Quý giọng ca hay, muốn ghi danh tham dự trong phần văn nghệ.
Xin gửi tên bài hát, tone, điệu về Trưởng ban văn nghệ:
Cindy Nguyễn
Cell: (408) 221-1346


Chân Thành Cảm Tạ, Kính Chúc Quý Vị Và Gia Đình, Vào Mùa Lễ, Luôn Mạnh Khỏe, Hạnh Phúc, An Vui Và Mọi Điều May Mắn!


Thế giới hôm nay 04 tháng 10/2024
(Đỗ Đặng Nhật Huy)


•Israel đã giết chết khoảng 15 thành viên của Hezbollah ở thị trấn Bint Jbeil miền nam Lebanon, theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Trước đó, IDF đã ném bom vào trung tâm Beirut, đánh trúng một trung tâm y tế của Tổ chức Y tế Hồi giáo và giết chết chín người, theo bộ y tế Lebanon. Ngoài ra tại Bờ Tây, các quan chức Palestine cho biết không kích của Israel đã làm ít nhất 14 người tại trại tị nạn Tulkarem thiệt mạng.

•Nga tấn công bằng máy bay không người lái vào 15 khu vực của Ukraine, gây ra thiệt hại trên diện rộng cho các đường dây điện, khiến hàng nghìn người bị mất điện. Không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 78 trên 105 máy bay không người lái của Nga trong đợt này. Hôm thứ Tư, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát Vuhledar, một thị trấn có vị trí chiến lược ở miền đông Ukraine.

•Ủy ban châu Âu đã kiện Hungary về một đạo luật gây tranh cãi do nước này thông qua vào năm ngoái với danh nghĩa bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những người chỉ trích so sánh luật mới, vốn coi một số nhóm nhận tiền từ nước ngoài là tội phạm, với luật của Nga yêu cầu các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký là “đặc vụ nước ngoài.” EU cho rằng đạo luật vi phạm luật của EU.

•Giá dầu tăng mạnh nhất trong một ngày trong gần một năm qua, hơn 5%. Trước đó, tổng thống Joe Biden đã ám chỉ rằng giới chức Mỹ đang “thảo luận” xem có nên ủng hộ một cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở dầu mỏ của Iran hay không, và rằng “sẽ không có gì xảy ra hôm nay.” Trong khi đó, Libya đã nối lại hoạt động sản xuất dầu gần hai tháng sau khi ngừng hoạt động, do đó có thể giúp ổn định thị trường dầu toàn cầu.

•Ngoại trưởng Anh David Lammy đã hạ cánh tại Dublin. Chuyến thăm Ireland của ông – chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Anh kể từ năm 2017 – là một phần trong kế hoạch của London nhằm thiết lập lại quan hệ Anh-EU. Ông Lammy cũng muốn hợp tác với Ireland trong các lĩnh vực như giải quyết biến đổi khí hậu. Ông sẽ gặp Micheál Martin, phó thủ tướng Ireland, và các quan chức cấp cao khác.

•Anh sẽ nhượng lại chủ quyền của Quần đảo Chagos, một quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng ở Ấn Độ Dương, cho Mauritius. Những người dân đảo bị di dời cưỡng bức cách đây nhiều thập niên từ giờ sẽ có thể trở về. Anh nắm quyền kiểm soát 58 hòn đảo ở quần đảo này vào những năm 1960 khi đàm phán về nền độc lập của Maritius. Song London vẫn sẽ kiểm soát một căn cứ không quân dùng chung với Mỹ ở đây.

•Chủ tịch quốc hội Georgia đã ký thông qua một dự luật hạn chế nghiêm ngặt quyền của người đồng tính luyến giới (LGBT) tại nước này. Luật mới cấm kết hôn và nhận con nuôi đồng giới, cấm chăm sóc khẳng định giới tính, và cấm mô tả quan hệ LGBT trên phương tiện truyền thông. Luật mới được thông qua trước thềm cuộc bầu cử quốc hội có nhiều rủi ro vào cuối tháng.

•Con số trong ngày: 1 nghìn tỷ đô la, là số tiền nợ nước ngoài mà chính phủ các nước đang phát triển chưa báo cáo với Ngân hàng Thế giới kể từ năm 1970.

TIÊU ĐIỂM

Thị trường nín thở chờ dữ liệu việc làm của Mỹ

Dữ liệu việc làm ở Mỹ trong tháng 9, được công bố vào thứ Sáu, sẽ có tác động sâu rộng lên thị trường toàn cầu. Nhà đầu tư đang cố gắng tìm hiểu xem Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất đến đâu. Và giờ đây khi lạm phát đang giảm, biến số quan trọng sẽ là thị trường việc làm. Theo dự báo trung vị, nền kinh tế có thể đã tạo ra thêm 150.000 việc làm vào tháng trước, trong khi thất nghiệp có thể vẫn ở mức 4,2%. Với kịch bản đó, Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất một phần tư điểm phần trăm tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 11, nhỏ hơn mức giảm nửa điểm của tháng 9.

Dữ liệu được công bố hồi đầu tuần cho thấy một bức tranh hỗn hợp. Số lượng người Mỹ nghỉ việc đã xuống mức thấp nhất kể từ mùa hè năm 2020, một dấu hiệu cho thấy triển vọng tuyển dụng suy yếu. Nhưng một cuộc khảo sát khác lại ghi nhận đà tăng bất ngờ của tuyển dụng trong khu vực tư nhân vào tháng trước. Nếu thật sự có những vết nứt trên thị trường lao động Mỹ, thì hiện tại chúng có vẻ khá nhỏ.

EU bỏ phiếu về việc áp thuế lên xe điện Trung Quốc

Vào thứ Sáu, Liên minh châu Âu sẽ bỏ phiếu xem có nên ký luật áp thuế lên tới 45% đối với xe điện sản xuất ở Trung Quốc trong năm năm hay không. Ủy ban châu Âu đã cáo buộc Trung Quốc trợ cấp không công bằng cho ngành công nghiệp xe điện trong nước. Họ lo ngại hàng nhập khẩu rẻ sẽ đe dọa các nhà sản xuất ô tô châu Âu.

Luật mới sẽ được thông qua trừ khi 15 quốc gia đại diện cho 65% người dân của khối bỏ phiếu chống. Theo Reuters, Pháp, Hy Lạp, Ý, và Ba Lan, với 39% dân số, sẽ ủng hộ. Đức là nước phản đối mạnh mẽ. Nước này xuất khẩu rất nhiều ô tô sang Trung Quốc, và một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Đức cũng đang đặt nhà máy ở Trung Quốc.

Đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, mức thuế cao hơn có thể tạm thời làm chậm tiến độ của họ và tạo cơ hội cho người châu Âu bắt kịp. Nhưng rào cản thuế quan khó có thể ngăn cản họ chiếm được thị phần. Dù đã định giá ở châu Âu thấp hơn một chút so với các mẫu xe bản địa, họ vẫn còn dư địa để giảm giá hơn nữa.

Quyền lực của Iran suy yếu

Khi bom của Israel giết chết thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah vào tuần trước, nó đã chặt mất đầu của một lực lượng dân quân đáng sợ và giáng đòn mạnh vào “trục kháng chiến” của Iran. Có tin đồn rằng tang lễ của ông sẽ được tổ chức vào thứ Sáu tuần này. Kể từ khi Nasrallah bị giết, Iran đã bắn thẳng vào Israel. Nhưng dường như họ đã thất bại trong mục tiêu tấn công hai căn cứ không quân và một cơ sở tình báo quân sự. Hầu hết các tên lửa đã bị đánh chặn và phát nổ trên không.

Iran đang kết thúc năm nay yếu hơn so với đầu năm. Mặc dù họ đã cảnh báo Israel không được đánh trả, nhưng đòn trả đũa của Israel có thể sẽ có quy mô lớn hơn nhiều. Và các lực lượng ủy nhiệm, tuyến phòng thủ đầu tiên của Iran, đang gặp nhiều khó khăn. Hamas đã yếu hơn đáng kể sau một năm chiến tranh ở Gaza; thu nhập của Houthi đã giảm cùng với dòng hàng hóa đi qua Hodeida, cảng chính của Yemen. Khi Iran thương tiếc Nasrallah, họ cũng thương tiếc cho quyền lực suy yếu của mình.

EU xem xét cấp quy chế tị nạn cho phụ nữ Afghanistan

Vào thứ Sáu, Tòa án Công lý châu Âu sẽ quyết định xem liệu phụ nữ Afghanistan có thể được cấp quy chế tị nạn chỉ dựa trên giới tính và tổ quốc của họ hay không. Thụy Điển, Phần Lan, và Đan Mạch đã tự động cấp quy chế này. Nhưng ở các quốc gia châu Âu khác, các đơn xin phải được xem xét theo từng trường hợp cụ thể.

Ba năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban đang tước đi mọi quyền tự do của phụ nữ. Một bộ luật tôn giáo hợp nhất mới được công bố vào tháng trước càng khiến tình hình thêm tồi tệ. Phụ nữ không được lên tiếng hoặc đọc kinh Koran ở nơi công cộng. Họ không được nhìn bất kỳ người đàn ông nào ngoài người thân của mình và phải che mặt hoàn toàn.

Ngay cả trước khi có luật mới, phụ nữ đã bị cấm đến trường trung học, trường đại học, công viên và tiệm làm đẹp. Họ không được làm việc trong hầu hết các ngành nghề. Tình hình đã đẩy phụ nữ Afghanistan vào cảnh tuyệt vọng; và nhiều người đang tìm cách rời đi. Phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu có thể giúp họ dễ dàng tìm thấy tự do hơn.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Do Thái Oanh Kích Trung Tâm Cứu Trợ của Hezbollah ở Beirut, 6 Người Chết


(Hình AP / Leo Correa: Do Thái oanh kích vào một khu vực miền Nam Lebanon, đêm 1/10/2024.)
-Xung đột vũ trang Do Thái-Lebanon chưa có dấu hiệu lắng xuống. Từ đêm 2/10 cho đến rạng sáng 3/10/2024, quân đội Do Thái liên tục oanh kích vào nhiều vùng của Lebanon. Theo số liệu của Bộ Y tế Lebanon và một nguồn tin thân cận với Hezbollah, vụ oanh tạc của Do Thái trong đêm nhắm vào một trung tâm cứu trợ của phong trào Hezbollah, ngay gần trung tâm thủ đô Beirut, đã khiến ít nhất 6 người chết.
Theo thông tấn xã AFP, thông cáo của quân đội Do Thái hôm 3/10 không nhắc đến vụ oanh kích vào trung tâm Beirut, nhưng thông báo là các vụ tấn công nhắm vào khoảng 200 mục tiêu của Hezbollah tại Lebanon. Quân đội Do Thái khẳng định đã triệt hạ 15 chiến binh Hezbollah ở miền nam Lebanon. Tổng cộng, đợt oanh kích mới của Do Thái vào Lebanon đã khiến hơn 50 người chết và 90 người bị thương. Từ Beirut, thông tín viên Paul Khalifeh của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
"Người dân thành phố Beirut và vùng ngoại ô đã trải qua một đêm tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến năm 2006. Các máy bay của Do Thái đã ném bom vào một trung tâm cứu trợ của Hezbollah trong một khu dân cư cách trung tâm thủ đô Beirut chỉ 100 m.
Không quân cũng liên tục tấn công dữ dội suốt đêm cho đến rạng sáng, nhắm vào khu vực ngoại ô phía nam Beirut, với khoảng 20 vụ oanh kích. Những tiếng nổ rất mạnh vang dội khắp Beirut và một phần vùng Núi Lebanon.
Bất chấp cường độ của các vụ ném bom, hoạt động của phi trường quốc tế Beirut, giáp khu vực ngoại ô phía nam thủ đô Lebanon, không bị gián đoạn.

Việc gia tăng các cuộc tấn công vào Beirut diễn ra chỉ vài giờ sau khi quân đội Do Thái nỗ lực tiến hành các vụ xâm nhập trên bộ vào miền nam Lebanon nhưng bất thành.
Rạng sáng 3/10, Không quân Do Thái cũng tấn công vào các tỉnh Latakia và Tartous ở vùng ven bờ biển của Syria. Các cơ quan truyền thông của Syria khẳng định là hệ thống phòng không của Nga tại Syria đã được kích hoạt để đối phó với các cuộc tấn công nhắm vào các vùng gần căn cứ Không quân Hmeimim của Nga.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho biết là các cuộc không kích của Do Thái đã nhắm đến một kho vũ khí ở thị trấn ven biển Jabla, làm hỏa hoạn bùng lên".
Về thiệt hại nhân mạng của phía Do Thái, theo thông tấn xã AFP, quân đội nước này hôm qua thông báo đã có 8 binh sĩ chết trong cuộc tấn công trên bộ vào miền Nam Lebanon.


Biden: Mỹ Không Cho Phép Do Thái Tấn Công Vào Các Cơ Sở Nguyên tử của IIran

(Ảnh AP - Adam Schultz, tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden dự một cuộc họp khẩn tại Tòa Bạch Ốc về chủ đề Iran tấn công Do Thái, ngày 13/4/2024.)
-Trả lời phóng viên hôm 2/10/2024, Tổng thống Biden cho biết tấn công vào các cơ sở nguyên tử Iran là một lằn ranh đỏ mà Hoa Kỳ không để Do Thái vượt qua. Cùng ngày, lãnh đạo Tòa Bạch Ốc tham khảo ý kiến các đồng minh trong khối G7 về quyền tự vệ của Do Thái sau vụ Tehran bắn gần 200 phi đạn vào lãnh thổ Do Thái.
Không đi sâu vào chi tiết, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Hoa Thịnh Ðốn và các đối tác trong khối G7 đồng ý là "Do Thái có quyền đáp trả" sau khi bị Iran tấn công, nhưng đấy phải là một phản ứng "có chừng mực". Hãng tin Pháp AFP ghi nhận Hoa Thịnh Ðốn biết rằng kịch bản Nhà nước Do Thái trả đũa Iran là "điều không tránh khỏi" và thậm chí Do Thái sẽ được Mỹ ủng hộ. Thế nhưng, mọi người đều ý thức được rằng, nhắm vào cơ sở nguyên tử và năng lượng của Iran sẽ đẩy toàn bộ khu vực Trung Cận Đông vào cảnh hỗn loạn. Vì vậy hôm qua ông Biden đã trao đổi với các lãnh đạo khác trong khối 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới.

Theo lời nguyên thủ quốc gia Mỹ, các bên đồng ý là cần tránh để kịch bản này xảy ra. Trong cuộc họp với 4 đối tác Âu Châu (Anh, Đức, Pháp và Ý Ðại Lợi), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đưa ra thông điệp tương tự. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller khẳng định Hoa Thịnh Ðốn "không muốn Do Thái có bất kỳ hành động nào có thể dẫn tới một cuộc chiến khu vực quy mô lớn".
Thông tấn xã AFP nhắc lại khi Iran lần đầu tiên tấn công Do Thái vào tháng 4/2024, dưới áp lực của Mỹ, Nhà nước Do Thái đã phản ứng một cách chừng mực. Phương Tây ý thức được là thủ tướng Benjamin Netanyahu, dưới áp lực của công luận Do Thái, có thể lợi dụng cơ hội này để "giải quyết dứt điểm" mối đe dọa Iran, kẻ thù không đội trời chung của Do Thái. Cựu thủ tướng Do Thái Naftali Bennet hôm qua xem việc "tấn công vào cơ sở nguyên tử của Iran" là một giải pháp.
Giám đốc trung tâm tư vấn Atlantic Council, trụ sở tại Hoa Thịnh Ðốn, Frederick Kempe, được thông tấn xã AFP trích dẫn, cho đây là "thời cơ để ngăn chận những tham vọng khu vực của Tehran vào lúc mà các lực lượng Hồi giáo thân Iran ở Lebanon và Gaza bị suy yếu". Nhà nghiên cứu Sina Toossi thuộc Trung tâm Chính sách Quốc tế Center for International Policy, cũng tại Hoa Thịnh Ðốn, thì cho rằng Trung Cận Đông lao vào một cuộc chiến hay không "tất cả tùy thuộc vào thái độ của Do Thái" và giờ đây chính thủ tướng Netanyahu mới là người "áp đặt luật chơi" với Tổng thống Biden, cho dù Hoa Kỳ là điểm tựa chính trị và quân sự của Nhà nước Do Thái.


Trung Đông: Tổng Thống Iran Hứa Sẽ Đáp Trả Mạnh Nếu Do Thái Trả Đũa


(Hình AP - Vahid Salemi: Tổng thống Iran, ông Masoud Pezeshkian trong một cuộc họp báo tại Tehran, Iran, ngày 16/9/2024.)
-Hôm 2/10/2024, Tổng thống Iran, ông Massoud Pezeshkian xác nhận là Iran dù "không muốn chiến tranh", nhưng sẽ đáp trả mạnh nếu Do Thái có hành động trả đũa sau vụ tấn công của Tehran ngày 1/10.
Trong một cuộc họp báo tại Doha, Tổng thống Iran Massoud Pezeshkian tuyên bố "Iran không muốn chiến tranh và chính Do Thái đã buộc Tehran phải hành động". Lãnh đạo Iran cũng cáo buộc "mục đích của Nhà nước Do Thái là gieo rắc bất ổn an ninh và khiến khủng hoảng lan rộng trong khu vực", đồng thời ông đề nghị Hoa Kỳ và các nước Âu Châu "ngừng làm máu đổ".
Phát biểu trên được đưa ra một ngày sau khi Iran phóng gần 200 phi đạn vào Do Thái. Theo Tehran, 90% trong số đó đã trúng mục tiêu, nhưng theo Do Thái, hầu hết các phi đạn Iran đã bị hệ thống phòng không của Nhà nước Do Thái bắn chặn, với sự trợ giúp từ Hoa Kỳ. Tuy vậy, đã có những phi đạn bắn trúng một số căn cứ quân sự của Do Thái. Đây là vụ tấn công trực tiếp thứ hai của Iran vào Nhà nước Do Thái kể từ tháng Tư vừa qua.

Theo nhật báo Pháp Le Monde, vụ tấn công trong đêm 1/10 đã cho thấy kho vũ khí của Iran vẫn tiếp tục gia tăng, cho dù nước này bị nhiều trừng phạt quốc tế. Le Monde cho biết hiện Iran sở hữu nhiều loại phi đạn, có thể lên đến hàng ngàn phi đạn-đạn đạo, phi đạn liên lục địa. Từ năm 2023, Iran đã thông báo sở hữu loại phi đạn siêu thanh, nhanh hơn, dễ khai triển hơn và khó bị bắn hạ. Đây là loại kỹ thuật mà ngay cả Mỹ cũng chưa phát triển được.


Lebanon: Quân Đội Do Thái Tiếp Tục Oanh Kích Ban Đêm Nhắm Vào Ngoại Ô Nam Beirut


(Hình AP - Hassan Ammar: Một người đàn ông tìm nơi trú ẩn khi Do Thái oanh kích vào thủ đô Beirut của Lebanon, ngày 4/10/2024.)
-Trong đêm 3 rạng sáng 4/10/2024, quân đội Do Thái lại tiếp tục oanh kích vào khu vực phía Nam thủ đô Beirut của Lebanon, nơi mà Nhà nước Do Thái xem là cứ địa của phong trào Hezbollah. Đây được xem là một trong những đêm oanh kích dữ dội nhất của Do Thái nhắm vào vùng Beirut.
Thông tín viên Michel Paul của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Jerusalem cho biết thêm :
"Có hai sự kiện chính trong đêm qua. Thứ nhất là những vụ oanh kích mới của Do Thái nhắm vào Beirut, đặc biệt là vào khu vực phi trường và khu ngoại ô Dahiyeh ở phía Nam thủ đô Lebanon. Theo các thông tin chưa được kiểm chứng mà các cơ quan truyền thông ở Do Thái đăng tải, mục tiêu của các cuộc tấn công này là Hachem Safieddine, người được cho là sẽ kế nhiệm Hassan Nasrallah làm thủ lĩnh phong trào Hezbollah.

Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa có thông tin chi tiết nào về vụ này, Nhưng về phía Lebanon, hàng loạt rốc-kết đặc biệt được phóng sang Do Thái, nhất là đến cao nguyên Galilee và thành phố cảng Haifa.
Một vụ oanh kích khác nhắm vào trại tị nạn ở Tulkarem, phía Bắc Cisjordanie. Theo nhiều nhân chứng, vụ ném bom này được thực hiện với oanh tạc cơ F-16. Đây là vụ oanh tạc đầu tiên nhắm đến khu vực này tính từ phong trào Intifada thứ hai (tháng 9/2000). Theo quân đội Do Thái, Zahi Yaser Abd al Razek Oufi, chỉ huy của Hamas tại khu vực này, đã bị trừ khử trong vụ tấn công nhắm vào một quán cà phê, mà cơ quan y tế của Palestine cho là đã làm 18 người thiệt mạng.
Các cơ quan an ninh của Do Thái trước đây tố cáo Razek Oufi đã tài trợ và tham gia vào nhiều vụ tấn công khủng bố ở miền bắc Cisjordanie và đang chuẩn bị thực hiện một vụ tấn công khủng bố khác trong nay mai, theo một phát ngôn viên của cơ quan an ninh Do Thái".
Sáng 4/10, Hezbollah cáo buộc Do Thái tấn công vào các nhân viên cấp cứu đang có mặt tại địa điểm xảy ra vụ oanh kích đêm qua ở vùng ngoại ô phía Nam Beirut, khiến một người thiệt mạng. Một nguồn tin thân cận với Hezbollah cho thông tấn xã AFP biết đây là một cuộc oanh kích bằng drone. Bộ Y Tế cho biết trong vòng 3 ngày, đã có hơn 40 nhân viên cấp cứu và lính cứu hỏa chết do các vụ oanh kích của Do Thái.

Hôm 4/10, quân đội Do Thái thông báo chỉ huy Hezbollah chuyên trách thông tin liên lạc đã bị tiêu diệt ngày 3/10 tại Beirut, trong "một cuộc tấn công chính xác, dựa trên tin tình báo".
Cũng vào sáng 4/10, khi Ngoại trưởng Iran, nước bảo trợ cho phong trào Hezbollah, đến Beirut, quân đội Do Thái thông báo đã oanh kích vào miền Đông Lebanon, cắt đứt một tuyến đường huyết mạch từ Lebanon sang nước láng giềng Syria. Do Thái khẳng định đây là tuyến đường chính mà Hezbollah vận chuyển vũ khí giữa Syria và Lebanon.


Lãnh Đạo Tối Cao Iran, Ali Khamenei : "Trục Kháng Chiến Không Lùi Bước" Trước Do Thái


(Hình AP: Lãnh tụ tối cao Iran, ông Ali Khamenei đọc kinh Coran trong lễ tưởng niệm cố thủ lĩnh Hezbollah bị hạ sát Hassan Nasrallah, tại Tehran, thủ đô của Iran, ngày 4/10/2024.)
-Sáng 4/10/2024, Giáo chủ Ali Khamenei khẳng định những đồng minh của Iran là phong trào Hamas Palestine và Hezbollah ở Lebanon sẽ "không lùi bước", cho dù thủ lĩnh của hai phong trào này vừa bị Do Thái sát hại.
Vài ngày trước kỷ niệm đúng 1 năm loạt khủng bố do phong trào Hamas Palestine tiến hành trên lãnh thổ Do Thái, và đúng một tuần lễ sau khi thủ lĩnh lực lượng vũ trang Hezbollah Lebanon do Iran yểm trợ bị sát hại, sáng 4/10, Giáo chủ Khamenei chủ trì buổi cầu nguyện trước hàng ngàn tín đồ tại thủ đô Tehran. Hãng tin Pháp AFP ghi nhận lãnh đạo tối cao Cộng hòa Hồi giáo Iran đã phát biểu bằng tiếng Ả Rập, chứ không phải bằng tiếng Ba Tư, khi khẳng định việc Tehran huy động 200 phi đạn tấn công vào lãnh thổ Do Thái trong đêm 1/10 vừa qua là "chính đáng" để phục thù cho các thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah bị Do Thái sát hại.

Tương tự như vậy, Giáo chủ Iran cho rằng đợt tấn công hôm 7/10/2023 nhắm vào lãnh thổ Do Thái và Hamas bắt giữ hàng trăm con tin Do Thái là "điều hiển nhiên và chính đáng". Về vai trò của lực lượng vũ trang ở Lebanon Hezbollah, Ali Khamenei cho rằng việc tổ chức này từ gần 1 năm nay không ngừng tấn công Do Thái là "phục vụ lợi ích mang tính sống còn đối với cả khu vực và cho toàn thế giới Hồi giáo".
Đối với chính quyền Iran, Hezbollah và Hamas là hai nhánh của "trục kháng chiến" chống Nhà nước Do Thái. Giáo chủ Khamenei cam kết là trục này "không lùi bước" trước một chế độ "chỉ tồn tại nhờ có sự yểm trợ của Hoa Kỳ".
Lần gần đây nhất Giáo chủ Iran chủ trì một buổi cầu nguyện trước công chúng là vào tháng 1/2020 sau khi Tehran tấn công vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq để trả đũa vụ chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Qassem Soleimani, bị Hoa Kỳ sát hại.
Trước khi Giáo chủ Khamenei xuất hiện trước công chúng, hôm qua, bộ Ngoại Giao Iran đã cảnh cáo Do Thái trước mọi ý đồ leo thang xung đột. Thông tín viên Sihavosh Ghazi của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ thủ đô Tehran :

"Bộ Ngoại Giao Iran triệu tập các Đại sứ ngoại quốc và chính thức đưa ra thông điệp là Tehran "sẵn sàng đáp trả mọi hành vi gây hấn từ phía Do Thái, Iran sẽ đáp trả mãnh mẽ và ngay lập tức". Thứ trưởng Ngoại giao Iran đã tuyên bố như trên. Lời cảnh cáo này được đưa ra vào lúc tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden thảo luận với Do Thái về cách Nhà nước Do Thái trả đũa Tehran. Tổng thống Mỹ đã được hỏi về khả năng tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu hỏa của Iran. Đây là điều mà chính quyền Tehran xem là một lằn ranh đỏ. Đây là lý do khiến Iran cảnh cáo Hoa Kỳ rằng "Nếu một quốc gia thứ ba giúp đỡ Do Thái thì cũng sẽ bị Iran coi là một mục tiêu chính đáng để tấn công", như lời đại diện ngoại giao của Iran tại Liên Hiệp Quốc.
Những lời cảnh cáo này được đưa ra vào lúc Ngoại trưởng Iran chuẩn bị đến Beirut vào ngày mai và nhất là trong bối cảnh Giáo chủ Ali Khamenei, người đã ra lệnh mở đợt tấn công nhắm vào Do Thái, hôm nay chủ trì một buổi cầu nguyện và có một bài phát biểu quan trọng về tình hình ở Lebanon, Gaza và trong khu vực. Trên nguyên tắc Giáo chủ Iran sẽ nhắc lại những lời cảnh cáo nhắm vào Do Thái và Mỹ".


Biden: Mỹ Thảo Luận Về Khả Năng Do Thái Oanh Kích Vào Các Cơ Sở Dầu Hỏa của Iran


(Hình AP: Nhà máy hóa dầu Pardis ở Assalouyeh, Iran, ngày 4/9/2024.)
-Hoa Kỳ đang thảo luận về khả năng Do Thái oanh kích vào các cơ sở dầu hỏa của Iran để đáp trả vụ Tehran phóng khoảng 200 phi đạn sang Do Thái hôm 1/10/2024. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời như trên hôm 3/10, khi được các nhà báo hỏi về khả năng Hoa Thịnh Ðốn hỗ trợ Do Thái tấn công vào các cơ sở dầu hỏa của Tehran.
Tuyên bố của nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ ngay sau đó đã đẩy giá dầu hỏa tăng cao, do mối lo nguồn cung bị gián đoạn. Giá dầu thô Brent từ Biển Bắc giao trong tháng 12 tăng 5,03%, đạt mức cao nhất là 77,62 Mỹ kim/thùng. Tương tự, ở Hoa Kỳ, giá dầu West Texas Middle (WTI) giao trong tháng 11 tăng 5,15%, lên thành 73,71 Mỹ kim/thùng. Cả hai loại dầu này như vậy đều đã tăng lên mức giá cao nhất tính từ 1 tháng nay. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc Tế (IEA), trong tháng 8, Iran đã sản xuất 3,4 triệu thùng dầu/ngày.

Trong khi đó, theo thông tấn xã Reuters, Ðại sứ Do Thái tại Liên Hiệp Quốc Danny Danon khẳng định với đài CNN rằng Nhà nước Do Thái có "nhiều lựa chọn" để đáp trả Tehran và sẽ "sớm" cho Iran biết khả năng của Do Thái đến đâu. Thế nhưng, một viên chức Mỹ cho biết Hoa Thịnh Ðốn không nghĩ rằng Do Thái đã đưa ra quyết định về cách đáp trả Iran.
Trước đó một hôm, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng tấn công vào các cơ sở nguyên tử của Iran là một lằn ranh đỏ mà Hoa Kỳ sẽ không để Do Thái vượt qua. Nguyên thủ quốc gia Mỹ cũng tham vấn các đồng minh trong khối G7 về quyền tự vệ của Do Thái sau khi nước này bị Iran tấn công bằng phi đạn.


Ukraine Mất Thành Phố Chiến Lược Vuhledar ở Miền Đông


(Ảnh AP - Libkos, chụp ngày 10/02/2023: Thành phố Vuhledar, vùng Donbass, nhìn từ trên không.)
-Sau hơn 2 năm giao tranh, quân đội Ukraine hôm 2/10/2024 đã thông báo rút khỏi thành phố Vuhledar ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, để "bảo tồn lực lượng và thiết bị quân sự" và đảm nhận các vị trí mới.
Việc để mất thành phố Vuhledar có vị trí chiến lược, nằm giữa Mariupol và Donestk, cho thấy những khó khăn ngày càng tăng mà lực lượng của Kyiv đang phải đối mặt. Từ Kyiv, thông tín viên Cerise Sudry Le-Du của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
"Lính Nga vẫy quốc kỳ trên những tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn do bom đạn. Từ thứ ba quân Nga khằng định đã chiếm được thành phố gồm nhiều tòa nhà cao tầng, nằm giữa một vùng bình nguyên rộng lớn ở Donbass.

Trong nhiều giờ, quân đội Ukraine đã từ chối thừa nhận rút quân, nhưng cuối cùng, Kyiv đã phải chính thức xác nhận binh lính Ukraine phải rời thành phố để bảo tồn lực lượng và thiết bị quân sự. Vuhledar gồm 15.000 dân trước chiến tranh, nằm giữa các chiến tuyến miền đông và nam, đã nhiều lần chống trả trước các cuộc tấn công từ đầu chiến tranh.
Thành phố này nằm trên một quả đồi nhỏ, giữa vùng bình nguyên. Các tòa nhà cao tầng là nơi lý tưởng để điều khiển các drone hoặc súng bắn tỉa vì có tầm nhìn quang đãng. Với việc chiếm được thành phố này, Nga có thể mở ra tuyến đường đến Kurakhove, một thị trấn ở phía bắc, giúp đạt được đà tiến nhanh chóng vào lãnh thổ Ukraine".
Hôm 3/10, quân đội Nga tiếp tục tấn công, phóng hơn 100 drone vào 15 khu vực của Ukraine. Kyiv cho biết đã bắn hạ được 78 drone, nhưng các drone cũng đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng. Vụ tấn công bằng bom lượn tại Kharkiv đã khiến ít nhất 12 người bị thương.
Quân đội Nga cũng xác nhận trong đêm qua đã bắn chặn được 113 drone của Ukraine, nhắm vào Belgorod, Kursk, Voronej và Briansk, các tỉnh của Nga giáp biên giới Ukraine.
Theo thông tấn xã AFP, tối thứ Ba (1/10) vừa qua, Viện Công tố Ukraine cho biết đã mở điều tra về thông tin 16 tù binh Ukraine bị quân Nga hành quyết gần Pokrovsk. Các hình ảnh mà cơ quan công tố Ukraine có được cho thấy một nhóm lính Ukraine bị bắt giữ, bị áp giải khỏi một khu rừng, và "những kẻ hiếu chiến đã nổ súng vào họ".


Thủ Tướng Anh Công Du Brussels Lần Đầu Tiên Kể Từ Brexit


-Hôm 2/10/2024, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã đến Brussels đã gặp chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel. Chuyến công du đầu tiên của một Thủ tướng Anh đến các định chế của Liên Hiệp Âu Châu ở Brussels kể từ Brexit có mục tiêu cải thiện quan hệ giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Âu Châu, vốn đã xấu đi nhiều từ khi Anh Quốc rời khỏi khối này.
Trên thực tế, các vấn đề địa chính trị hiện là mối quan tâm chung của Brussels và Luân Đôn. Theo thông tín viên Pierre Benazet của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Brussels, mối ngờ vực của Liên Hiệp Âu Châu và sự miễn cưỡng của chính quyền Anh không phải là chỉ dấu cho thấy quan hệ song phương sẽ được cải thiện:
"Theo chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen, việc Liên Hiệp Âu Châu và Anh Quốc có chung quan điểm về địa chính trị là một cơ sở, nền tảng tốt cho mối quan hệ song phương. Nhưng trên thực tế, hiện giờ địa chính trị lại là mẫu số chung bé nhất giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Âu Châu.

Đề xuất về một chương trình hội nhập dành cho giới trẻ Âu Châu đã bị Luân Đôn từ chối. Việc nối lại quan hệ với thị trường chung Âu Châu cũng bị chính phủ thuộc Công đảng Anh bác bỏ. Nói tóm lại là có ít hy vọng đạt được các tiến triển.
Đối với thủ tướng Anh, đã đến lúc quan hệ song phương sang trang mới sau những căng thẳng liên quan đến việc Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu. Thủ tướng Keir Starmer phát biểu: "Chúng tôi quyết tâm thiết lập trở lại một nền tảng ổn định và tích cực cho mối quan hệ này. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng người dân Anh muốn chính quyền có các chính sách thực tế và hợp lý liên quan đến những nỗ lực mạnh mẽ hơn để Brexit phát huy hiệu quả và cũng là để đáp ứng lợi ích của họ nhằm tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường an ninh và giải quyết các thách thức chung, như nạn nhập cư bất hợp pháp và tình trạng biến đổi khí hậu".
Liên Hiệp Âu Châu vẫn bác bỏ các đòi hỏi của Anh Quốc về việc giảm nhẹ kiểm soát ở biên giới đối với các nông phẩm và ký kết một thỏa thuận thương mại tốt hơn. Cho dù đôi bên vẫn dè chừng lẫn nhau, ý tưởng về việc tổ chức thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu-Anh Quốc vẫn đang được thảo luận".


Pháp Đón Tiếp Thượng Đỉnh Lần Thứ 19 của Tổ Chức Quốc Tế Pháp Ngữ



(Hình AFP - Francois Nascimbeni: Lâu đài Villers-Cotterets, phía Bắc thủ đô Paris của Pháp, nơi diễn ra thượng đỉnh khối Pháp ngữ lần thứ 19, trong 2 ngày 4 và 5/10/2024.)
-Trong 2 ngày 4 và 5/10/2024, Pháp đón tiếp hội nghị thượng đỉnh của khối Pháp ngữ, trong bối cảnh địa chính trị thế giới bất ổn. Trong số 88 quốc gia và chính phủ thành viên Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, lãnh đạo hoặc đại diện của khoảng 50 thành viên sẽ đến dự thượng đỉnh, được tổ chức tại cung điện Villers-Cotterêt, ở miền Đông-Bắc nước Pháp.
"Sáng tạo, đổi mới, kinh doanh và đầu tư bằng tiếng Pháp" là chủ đề của thượng đỉnh lần thứ 19. Vào sáng mai, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp đón lãnh đạo từ các nước của khối. Lãnh đạo và đại diện các nước sẽ họp kín để thảo luận về các chủ đề nóng bỏng như khủng hoảng tại Trung Cận Đông, xung đột vũ trang tại châu Phi. Các cuộc thảo luận sẽ được tiếp tục tại Grand Palais tại Paris vào thứ Bảy (5/10).

Trong cuộc phỏng vấn với báo L'Union, Tổng thống Pháp Macron coi Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ là nơi "đối thoại", "làm trung gian", để giải quyết những xung đột chính trị, nhất là trong trường hợp giữa Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã AFP, Tổng Thư ký của Tổ chức Pháp ngữ Quốc tế Louise Mushikiwabo thừa nhận ảnh hưởng của khối này còn khá "khiêm tốn", và không đủ khả năng giải quyết các cuộc khủng hoảng "phức tạp" trên thế giới, nhưng vẫn có thể làm tiến triển một số vấn đề.
Trong một thông cáo, tổ chức phi chính phủ Oxfam đã lên án "tính giả tạo" của Pháp trong khối, khi giảm một phần tư hỗ trợ tài chính cho Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) từ 2 năm qua, "trong khi 70 triệu người trong khối nói tiếng Pháp cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp". Oxfam cho rằng chủ đề của thượng đỉnh "sáng tạo, đổi mới và kinh doanh bằng tiếng Pháp" nên được đổi thành "bất bình đẳng, nghèo đói và bất công".
Tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ năm được nói nhiều nhất trên thế giới, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, "với nhiệm vụ thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp, vì hòa bình, dân chủ và quyền con người", ước tính có khoảng 321 triệu người nói tiếng Pháp trên khắp năm châu, chủ yếu là tại châu Phi.


Kim Jong Un: Bắc Hàn Sẽ Sử Dụng Vũ Khí Nguyên Tử "Không Do Dự" Nếu Bị Mỹ-Hàn Tấn Công


(Hình AP: Lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm một đơn vị lực lượng tác chiến đặc biệt ở miền tây Bắc Hàn, ngày 2/10/2024.)
-Hãng thông tấn Nhà nước Bắc Hàn KCNA đăng tải vào hôm 4/10/2024 cho hay Bình Nhưỡng sẽ "không do dự" sử dụng vũ khí nguyên tử trong trường hợp bị Nam Hàn và Mỹ tấn công. Tuyên bố trên của lãnh đạo Kim Jong Un được.
Hôm 2/10, lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un, tuyên bố như trên trong bối cảnh căng thẳng với Hán Thành. Theo ông Kim Jong Un, Bình Nhưỡng "sẽ không ngần ngại sử dụng mọi phương tiện tấn công có trong tay, kể cả vũ khí nguyên tử" nếu "kẻ thù" tấn công đất nước Bắc Hàn bằng "các lực lượng vũ trang".

Tuyên bố của Kim Jong Un được đưa ra một hôm sau khi Nam Hàn tổ chức kỷ niệm 76 năm Ngày Lực lượng Vũ trang (1/10). Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol hôm đó khẳng định Kim Jong Un sẽ phải đối mặt với "sự kết thúc của chế độ" nếu sử dụng vũ khí nguyên tử, đe dọa rằng Hán Thành sẽ có hành động đáp trả "kiên quyết và áp đảo" nhờ quân đội Nam Hàn và liên quân Mỹ - Hàn.
Đáp lại, Kim Jong Un xem việc tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol đe dọa một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử là hành động của một "kẻ không bình thường" và của một "con rối", hàm ý là Hán Thành chỉ là con rối bị Hoa Thịnh Ðốn giật dây.


Tân Thủ Tướng Nhật Bản: An Ninh Quốc Gia Chưa Bao Giờ Bị Đe Dọa Như Hiện Nay


(Hình AP - Eugene Hoshiko: Tân thủ tướng Shigeru Ishiba phát biểu trong phiên họp Hạ viện, ngày 4/10/2024, tại Tokyo, Nhật Bản.)
-Trình bày chương trình hành động trước Quốc hội hôm 4/10/2024, tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba báo động: "Thế giới chưa bao giờ bị chia rẽ như hiện nay", "Ukraine hôm nay có thể báo trước tương lai chờ đợi Đông Á" và "Từ sau Đệ nhị Thế chiến, chưa bao giờ an ninh của Nhật Bản lại bị đe dọa như hiện tại".
Tân thủ tướng Ishiba trình bày chương trình hành động 3 tuần lễ trước bầu cử Quốc Hội trước thời hạn tại Nhật Bản. Từng điều hành Bộ Quốc phòng, ông Ishiba tập trung vào tình hình quốc tế và báo động trước những tham vọng của Trung Quốc đối với khu vực. Tân thủ tướng Nhật Bản tuyên bố chiến tranh "Ukraine ngày hôm nay có thể là tiền đề cho những gì chờ đợi Đông Á sau này. Vì sao khả năng răn đe không đủ để bảo vệ Ukraine ?". Hãng tin Pháp AFP ghi nhận câu hỏi này của thủ tướng Ishiba hàm ý Trung Quốc sẽ noi gương Nga đánh chiếm Đài Loan. Nhật Bản còn đặc biệt quan ngại về mối đe dọa nguyên tử Bắc Hàn. Tân thủ tướng Shigeru Ishiba vẫn chủ trương Á Châu cũng cần có một liên minh quân sự theo mô hình Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong mắt tân lãnh đạo Nhật Bản, hai mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia là tình hình bất ổn trên thế giới và tỷ lệ sinh đẻ quá thấp ở Nhật. Ông xem tỷ lệ sinh để là một vấn đề "cấp bách thầm lặng" cần phải được giải quyết.
Về mặt kinh tế, thủ tướng Shigeru Ishiba chủ trương tăng 43 % mức lương tối thiểu cho người lao động, hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp, đẩy mạnh đầu tư và thúc đẩy các hoạt động kinh tế của các chính quyền cấp vùng, cấp tỉnh.
Theo đánh giá của chuyên gia Takahide Kiuchi, thuộc trung tâm nghiên cứu Nomura, những tuyên bố nói trên của tân thủ tướng Nhật nhằm chiêu dụ cử tri. Trong ba tuần nữa, cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu bầu lại Quốc Hội. Theo các thăm dò được báo kinh tế Nikkei Asia công bố cách nay hai ngày, tỷ lệ tín nhiệm của thủ tướng Shigeru Ishiba hiện nay là 51 % thấp hơn nhiều so với thời điểm năm 2021 khi người tiền nhiệm Fumio Kishida vừa bước vào phủ thủ tướng.


Liên Hiệp Âu Châu Thông Qua Quyết Định Tăng Thuế Đối Với Xe Hơi Điện Trung Quốc


(Hình AFP: Xe hơi điện Trung Quốc BYD đang chờ được đưa lên tàu tại Cảng quốc tế Tô Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 11/9/2023.)
-Trong cuộc biểu quyết hôm 4/10/2024, Liên Hiệp Âu Châu thông qua đề xuất tăng thuế nhắm vào xe hơi điện Trung Quốc xuất cảng sang thị trường Âu Châu. Pháp và Ý Ðại Lợi ủng hộ việc tăng thuế để bảo vệ nền công nghiệp xe hơi tại châu lục này. Trái lại Đức bỏ phiếu chống vì sợ phải lao vào một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Bá Linh.
Theo các nguồn tin ngoại giao, trong cuộc bỏ phiếu sáng 4/10/2024, 10 trên tổng số 27 thành viên Liên Hiệp Âu Châu ủng hộ việc tăng thuế đánh vào xe Trung Quốc; 5 nước bỏ phiếu chống, và 12 quốc gia không tham gia bỏ phiếu. Bước kế tiếp Ủy Ban Âu Châu sẽ thảo luận và ấn định mức thuế đánh vào xe hơi điện Trung Quốc xuất cảng vào thị trường chung. Mức thuế sắp tới có thể lên tới 35% thay vì 10% như hiện tại.

Bộ Tài chánh Đức lập tức lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu "tránh lao vào một cuộc chiến thương mại" với Bắc Kinh. Các hãng xe Đức Voklswagen và Mercedes cho rằng Liên Hiệp Âu Châu đã "đi lầm đường" khi tăng thuế đánh vào xe hơi điện của Trung Quốc. Brussels giải thích việc tăng thuế đánh vào xe của Trung Quốc là để bảo vệ việc làm cho 14 triệu lao động trong ngành công nghiệp xe hơi của Âu Châu. Gia Nã Ðại và Mỹ hiện áp dụng mức thuế 100% vào xe hơi điện "Made in China".
Trong một thông cáo chung, Ủy Ban Âu Châu khẳng định đã "hội đủ sự ủng hộ cần thiết của các thành viên" để đánh thuế xe Trung Quốc. Điều đó không cấm cản Brussels tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh "tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng và phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".
Về phần mình, Bắc Kinh dọa sẽ có những biện pháp "đáp trả", tăng thuế đánh vào hàng của Âu Châu xuất cảng sang Trung Quốc. Thông tấn xã AFP nhắc lại Bắc Kinh đòi tăng thuế đánh vào rượu vang và các loại rượu mạnh của Pháp, vào thịt heo của Tây Ban Nha, vào nông phẩm của Ba Lan.... Ngoài ra, Trung Quốc đã dự trù mở nhiều nhà máy sản xuất xe hơi điện ngay tại Âu Châu để lách thuế nhập cảng.


Quân Đội Miến Điện Bị Tố Điều Tra Dân Số Để Truy Lùng Phe Đối Lập


(Hình AP / Aung Shine Oo: Một nhóm nhân viên điều tra dân số, với cảnh sát và quân nhân đi kèm, tại Naypidaw, thủ đô của Miến Điện, ngày 1/10/2024.)

-Từ ngày 2 đến ngày 15/10/2024, quân đội Miến Điện huy động khoảng 42.000 nhân viên, được cảnh sát và quân nhân bảo vệ, tiến hành điều tra dân số toàn quốc, để cập nhật danh sách cử tri trước cuộc bầu cử Lập pháp vào năm 2025. Tuy nhiên, cuộc điều tra dân số này bị lên án là có mục tiêu "truy lùng" tung tích của phe đối lập.
Các nhóm điều tra dân số đã gõ cửa từng nhà từ hôm qua tại Rangoun, trung tâm kinh tế của Miến Điện. Theo thông tấn xã AFP, người dân được yêu cầu trả lời 68 câu hỏi, trong đó có nhiều câu hỏi về những người không còn sống với gia đình. Các thông tin này giúp quân đội xác định danh tính của những người đã gia nhập các nhóm vũ trang, hoặc trốn khỏi nước để tránh nghĩa vụ quân sự.

Theo Liên minh Huynh đệ Chin, quy tụ nhiều nhóm vũ trang của dân tộc thiểu số tại bang Chin, cuộc điều tra dân số này là để kéo dài thời gian cầm quyền của quân đội. Tổ chức này cũng cảnh báo "sẽ có hành động đối với những người tham gia điều tra dân số tại vùng này". Liên minh Quốc gia Karen (KNU), đã chiến đấu chống lại quân đội Miến Điện từ nhiều thập kỷ qua, hiện đã kiểm soát được khu vực gần biên giới Thái Lan, cũng lên tiếng phản đối cuộc điều tra dân số này.
Trả lời thông tấn xã AFP, một viên chức quân sự, ẩn danh, cho biết các giáo viên, viên chức chính quyền địa phương, cảnh sát và dân quân địa phương tham gia điều tra dân số đã phải tăng cường an ninh khi thực hiện nhiệm vụ này, vì lo ngại bị "khủng bố tấn công".

Không có nhận xét nào: