Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Nhắc Nhở! Chủ Nhật Tuần Này: “Music concern!” Vào Cửa Tự Do! Và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây, Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Tuần Này, Không Thể Bỏ Qua: “Buổi Tiệc!” Âm Nhạc Lớn, Phục Vụ Quý Khách “No Nê!” Vô Cùng Độc Đáo, Lâu Lâu Mới Có Một Lần! Vào Cửa Tự Do!
*Tiếp theo lần tổ chức thành công rực rỡ kỳ trước, lần này là lần thứ 2, buổi nhạc “Music concern” kỳ 1, hội trường trên 300 ghế, không còn một chỗ! Đủ để thấy chương trình, đặc biệt, lôi cuốn, hấp dẫn, như thế nào!
<!>

* Không độc đáo sao được: Trên 10 “Đầu Bếp” âm nhạc! Tất cả đều là những nhạc sĩ nổi nhất Việt Nam tại miền Bắc CA, giới thiệu, trình bày trên 20 nhạc phẩm mới nhất, chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ nghe, những đứa con âm nhạc tinh thần nóng hổi, mới sáng tác của họ.


*Qua 20 tiếng ca, của các ca sĩ hay nhất của vùng Thung Lũng Hoa Vàng, và gần hàng chục nhạc công cộng tác, đã bỏ công tập luyện cả một thời gian dài, gần cả năm qua!


*Đây là chương trình giới thiệu tác phẩm của các tác giả, sống trong vùng Vịnh Cựu Kim Sơn. Sẽ tổ chức vào lúc 4 giờ chiều chủ nhật, tuần này! ngày 6 tháng 10 năm 2024, tại Milpitas Community Center, số 475 E. Calaveras Blvd, Milpitas.


*Đặc biệt hơn nữa, hay như thế, mà không bán vé! Vào cửa tự do! Nên rất Trân trọng hân hạnh giới thiệu chương trình văn nghệ hiếm có này, xin đừng bỏ qua!



Tin Quốc Tế Đó Đây
Cộng Đồng Quốc Tế Đồng Loạt Lên Án Cuộc Tấn Công của Iran Vào Do Thái


(Hình AFP / Yuki Iwamura - minh họa, chụp ngày 29/8/2024: Một phiên họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.)
-Hoa Kỳ, Nga, Pháp, và Liên Hiệp Quốc,..., đồng loạt lên án cuộc tấn công bằng phi đạn của Iran nhắm vào Do Thái tối hôm 1/10/2024. Chỉ riêng Hamas hoan nghênh "cuộc trả thù cho các liệt sĩ anh hùng Hezbollah". Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ mở cuộc họp khẩn ngày hôm nay để thảo luận về leo thang căng thẳng tại Trung Đông.

Trên mạng xã hội X, lãnh đạo ngoại giao Âu Châu, Josep Borrell cho rằng "các cuộc tấn công trả đũa nhau có nguy cơ vượt tầm kiểm soát".
Về phần mình, Tổng thống Hoa Kỳ đã tái khẳng định ủng hộ Do Thái và cho rằng cuộc tấn công của Iran "không hiệu quả". Theo tân Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba, hành động của Teheran là "không chấp nhận được, và mong muốn hợp tác với Hoa Thịnh Ðốn để xoa dịu tình hình, ngăn chặn nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện".

Pháp cũng lên án cuộc tấn công của Iran và cho biết đã huy động nguồn lực quân sự ở khu vực để ứng phó với mối đe dọa từ Iran. Tổng thống Emmanuel Macron tối hôm qua đã chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia bàn về tình hình ở Lebanon và khủng hoảng tại Trung Đông, đồng thời kêu gọi Hezbollah chấm dứt các hành động khủng bố.

Nga kêu gọi các bên kiềm chế và khẳng định rằng tình hình ở Trung Đông là một thất bại trong chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực.
Ngoài cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Ý Ðại Lợi Giorgia Meloni đã yêu cầu triệu tập cuộc họp của khối G7.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres hôm 1/10, đã mạnh mẽ lên án việc mở rộng xung đột ở Trung Đông, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Tuy nhiên Do Thái lại cho rằng ông Antonio chưa lên án Iran "một cách dứt khoát" và coi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc là người không được "hoan nghênh" ở Do Thái.
Riêng nhóm Hamas, đồng minh của Hezbollah, do Iran yểm trợ, hoan nghênh "cuộc trả thù cho các liệt sĩ anh hùng Hezbollah".
Nhiều nước như Trung Quốc, Nam Hàn, Hy Lạp tiến hành di tản khẩn cấp công dân khỏi Lebanon.


Do Thái Huy Động Pháo Binh và Thiết Giáp Cho Cuộc Tấn Công Trên Bộ Vào Lebanon


(Hình AP - Baz Ratner: Khói lửa tại khu vực Nam thủ đô Beirut của Lebanon sau đợt oanh kých của Do Thái ngày 2/10/2024.)
-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay hôm 2/10/2024, quân đội Do Thái thông báo là các xe thiết giáp và các đơn vị Pháo binh sẽ tham gia chiến dịch tấn công trên bộ vào Lebanon "một cách hạn chế" và "trong một phạm vi giới hạn".
Hôm 1/10, Do Thái khẳng định đã mở các cuộc tấn công trên bộ với quy mô "hạn chế" để chống lực lượng Hezbollah Lebanon tại những ngôi làng của Lebanon gần biên giới. Theo quân đội Do Thái, chiến dịch này chỉ nhằm phá hủy các đường hầm và các cơ sở hạ tầng của lực lượng Hezbollah gần biên giới, và không hề có ý định mở một chiến dịch tấn công rộng lớn hơn nhắm vào thủ đô Beirut hay những thành phố khác ở miền Nam Lebanon.

Về phần mình, lực lượng Hezbollah Lebanon khẳng định hôm 2/10 đã chạm súng với các binh sĩ Do Thái định xâm nhập vào Lebanon, buộc toán quân này phải rút về. Hezbollah cũng cho biết đã bắn rocket và đạn pháo vào quân Do Thái ở bên kia biên giới.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn Lebanon ANI, Không quân Do Thái sáng nay đã không kých khu vực ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut, sau một đêm oanh tạc dữ dội.
Còn tại thành phố Tel Aviv của Do Thái, hôm 1/10, hai người Palestine từ Cisjordanie đã tấn công bằng súng tự động và bằng dao vào các hành khách ở một trạm tramway, khiến tổng cộng 7 người thiệt mạng và 8 người bị thương. Theo cảnh sát Do Thái, một kẻ tấn công đã bị bắn hạ, người kia thì bị bắn trọng thương.


Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Tố Cáo Nga "Tra Tấn Tù Nhân Ukraine" Một Cách Có Hệ Thống


(Hình AP: Tù nhân Ukraine được Nga trả tự do. Ảnh chụp ngày 14/9/2024 tại một địa điểm được giữ bí mật.)
-Kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã điều tra về số phận của các tù nhân chiến tranh ở cả hai phe. Báo cáo của cơ quan này, được công bố hôm 1/10/2024, chỉ ra rằng Nga đã tra tấn, ngược đãi các tù binh chiến tranh Ukraine một cách có hệ trống. Các tù nhân Nga mà Ukraine bắt giữ cũng bị ngược đãi, nhưng chỉ lúc đầu, khi mới bị bắt giữ.
Các nhà điều tra của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) đã phỏng vấn 377 tù nhân chiến tranh Ukraine, được Nga thả ra từ tháng 3/2023. Hầu hết đều mô tả đã trải qua những lần bị tra tấn bằng dùi cui điện, búa, dao, bị bạo lực tình dục, bị ngạt thở, tra tấn tâm lý bằng các vụ hành quyết giả, đôi khi là họ dùng chó để tấn công tù nhân.

Các tù nhân Ukraine phải chịu đựng các hành vi tra tấn trong suốt quá trình giam giữ. Báo cáo cho biết đã xác định được 60 địa điểm giam giữ không chính thức và 76 địa điểm chính thức của Nga.
Theo báo cáo, từ tháng 3/2023 đến tháng 8/2024, 10 tù nhân Ukraine đã bỏ mạng trong những nơi bị giam giữ do bị tra tấn, hoặc do điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thiếu hỗ trợ y tế phù hợp.
Về phía Nga, các nhà điều tra đã thu thập thông tin từ 205 tù nhân chiến tranh Nga bị Kyiv giam giữ. 104 người trong số này cho biết đã bị ngược đãi, bị đánh đập, bị dọa giết, hoặc bị sốc điện. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, tất cả các hành vi ngược đãi này hầu như chỉ được thực hiện khi mới bị bắt, bị tra khảo, và kết thúc sau khi đến nơi giam giữ.


Tập Cận Bình Tuyên Bố Trung Quốc "Tiếp Tục Mở Rộng Hợp Tác Thực Chất Toàn Diện" Với Nga


(Ảnh AP - Dmitri Lovetsky, minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế, Saint Petersburg (Nga) ngày 7/6/2019.)
-Nhân lễ kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hôm 2/10/2024, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố với Tổng thống Nga Vladimir Putin "sẵn sàng phát triển hợp tác song phương", "tiếp tục mở rộng hợp tác thực chất toàn diện".
Trong bức thư gửi đến nguyên thủ Nga, được thông tấn xã AFP trích dẫn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định rằng "một mối bang giao hữu hảo thường trực giữa hai nước láng giềng, một chiến lược phối hợp toàn diện và một sự hợp tác có lợi cho các bên là những điểm thiết yếu nhất trong quan hệ song phương Nga-Trung".

Lãnh đạo Trung Quốc cũng ca ngợi những nỗ lực của hai bên nhằm tăng cường quan hệ trong những năm gần đây "trước những thay đổi lớn và chưa từng có trong một thế kỷ,.... Niềm tin chính trị từ cả hai phía tiếp tục được tăng cường và việc hợp tác đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận".
Từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Trung Quốc vẫn cố tỏ ra "trung lập" và bảo đảm không gửi vũ khí đến phe nào, cho dù phương Tây nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh hỗ trợ kinh tế cho Nga, vốn đang phải chịu nhiều trừng phạt. Theo CGTN, vào năm 2023, trao đổi thương mại Nga-Trung, lên tới 240 tỉ Mỹ kim, tăng 23% so với năm 2022. Hai bên cũng tăng cường hợp tác quân sự. Hôm nay cũng là lần đầu tiên tàu "Meishan"của Trung Quốc vào biển Bắc Cực, tuần tra chung cùng lực lượng Nga, theo ghi nhận từ thông tấn xã Reuters.
Về lễ quốc khánh tại Trung Quốc, theo hãng thông tấn AP, Bắc Kinh không tổ chức các hoạt động kỷ niệm đình đám, ngoại trừ lễ kéo cờ tại Quảng trường Thiên An Môn. Lễ Quốc khánh cũng được tổ chức tại Hồng Kông, Macao. Các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin về tình hình kinh tế ổn định của xã hội Trung Quốc, không hề đề cập đến những thách thức như tỷ lệ sinh giảm, hoặc chuỗi cung ứng bị gián đoạn,..., đã gây tổn hại đến nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất cảng.


Đức Bắt Một Phụ Nữ Trung Quốc Tình Nghi Làm Gián Điệp


(Hình AFP: Ông Maximilian Krah, thành viên của Nghị viện Âu Châu. Ông Jian G, Phụ tá của ông Maximilian, bị bắt vào năm nay vì bị tình nghi làm gián điệp "đặc biệt quan trọng" cho Bắc Kinh.)
-Trong một tuyên bố hôm 1/10/2024, Tổng Công tố viên cho biết một phụ nữ Trung Quốc bị bắt tại thành phố Leipzig của Đức vì tình nghi có các hoạt động của đặc vụ ngoại quốc và chuyển thông tin liên quan đến việc chuyển giao vũ khí.
Nghi phạm, chỉ được nêu tên là Yaqi X, bị cáo buộc chuyển thông tin thu được khi làm việc cho một công ty hậu cần tại phi trường Leipzig/Halle cho một thành viên của cơ quan mật vụ Trung Quốc, người đang bị truy tố riêng, tuyên bố cho biết.

Công dân Trung Quốc thứ hai, được nêu tên là Jian G, bị bắt vào năm nay khi đang làm Phụ tá cho Maximilian Krah, một thành viên của Nghị viện Âu Châu, bị tình nghi làm gián điệp "đặc biệt quan trọng" cho Bắc Kinh.
Tổng Công tố viên cho biết thông tin được Yaqi X chuyển vào năm 2023 và 2024 bao gồm dữ liệu chuyến bay, hàng hóa và hành khách cũng như thông tin chi tiết về việc vận chuyển thiết bị quân sự và những người có quan hệ với một công ty vũ khí Đức.
Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Bá Linh không trả lời yêu cầu bình luận từ thông tấn xã Reuters.
Sự lo lắng về gián điệp Trung Quốc đã gia tăng trên khắp Tây Âu gần đây. Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc, nói rằng chúng xuất phát từ "tư duy Chiến tranh Lạnh" và được thiết kế để đầu độc bầu không khí hợp tác giữa Trung Quốc và Âu Châu.
Căng thẳng cũng đã âm ỉ giữa Bá Linh và Bắc Kinh trong năm qua sau khi Thủ tướng Olaf Scholz công bố chiến lược giảm rủi ro cho mối quan hệ kinh tế của Đức với Trung Quốc, gọi Bắc Kinh là "đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống".


Các Bộ Trưởng Nhật Bản Nói Họ Không Theo Đuổi Đề Xuất 'NATO Á Châu' của Thủ Tướng


(Hình AP: Thủ tướng mới đắc cử của Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu trong cuộc họp báo tại văn phòng Thủ tướng ở Tokyo hôm 1/10/2024. Ông Ishiba đã đề xuất ý tưởng 'NATO Á Châu' nhằm răn đe Trung Quốc sử dụng vũ lực trong khu vực.)
-Hôm 2/10/2024, các Bộ trưởng Ngoại giao và quốc phòng Nhật Bản cho biết rằng họ không nghiên cứu đề xuất của Thủ tướng mới của Nhật Bản về việc thành lập một "NATO Á Châu", vì Hoa Kỳ và Ấn Độ đã bác bỏ ý tưởng này.
Tân Thủ tướng Shigeru Ishiba đã đưa ra đề xuất này trước khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền hôm 27/9, với lập luận rằng điều này sẽ củng cố an ninh ở Á Châu.

Nhưng hôm 2/10, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã bày tỏ sự hoài nghi khi nói rằng Delhi không chia sẻ tầm nhìn của ông Ishiba. Tháng trước, Daniel Kritenbrink, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết còn quá sớm để thảo luận về một đề xuất như vậy.
"Tôi nghĩ rằng đó là một ý tưởng cho tương lai. Thật khó để thiết lập ngay một cơ chế áp đặt các nghĩa vụ phòng thủ chung ở Á Châu", Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeshi Iwaya phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo.
Khi được hỏi liệu nó có nhắm vào Trung Quốc hay không, ông Iwaya nói thêm rằng một khuôn khổ như vậy sẽ không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
"Trong chỉ thị của mình ngày hôm qua, Thủ tướng không đề cập gì về việc xem xét một phiên bản NATO của Á Châu", Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani cho biết trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi được ông Ishiba bổ nhiệm.

Trong một bài phân tích gửi cho viện nghiên cứu Hudson Institute vào tháng trước, nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản lập luận rằng việc ràng buộc Hoa Kỳ và các quốc gia thân thiện khác vào một khối "NATO Á Châu" sẽ răn đe Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự ở Á Châu.
Ông Ishiba cho biết tổ chức này có thể bao gồm các nhóm và liên minh riêng biệt như nhóm QUAD (Bộ Tứ) gồm Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc Ðại Lợi, và quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Hoa Thịnh Ðốn, Tokyo và Hán Thành.


Báo Cáo: Nga, Iran, Trung Quốc Sẽ Dùng AI Để Tác Động Bầu Cử Mỹ


(Hình bìa của phúc trình đánh giá mối đe dọa hàng năm của Hoa Kỳ được công bố vào ngày 2/10/2024.)
-Theo đánh giá mối đe dọa hàng năm của Hoa Kỳ được công bố vào ngày 2/10/2024, Hoa Kỳ nhận thấy mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga, Iran và Trung Quốc đang tìm cách tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11, bao gồm cả việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát tán thông tin giả mạo hoặc gây chia rẽ.
Theo phúc trình của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS), "các tác nhân gây ảnh hưởng" của Nga đã khuếch đại các câu chuyện về những di dân vào Hoa Kỳ nhằm mục đích gây bất hòa và đã sử dụng AI để tạo ra các trang web giả mạo trông như là các phương tiện truyền thông có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Theo phúc trình, Iran đã trở nên "ngày càng hung hăng trong các nỗ lực gây ảnh hưởng ra ngoại quốc". Trong một ví dụ, các tác nhân Iran đã đóng giả làm nhà hoạt động trực tuyến để khuyến khích các cuộc biểu tình về cuộc xung đột ở Gaza, DHS cho biết.
Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống sít sao giữa Phó Tổng thống Kamala Harris, một đảng viên Dân chủ, và cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa. Cuộc đua này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa các đảng phái và tạo cơ hội cho các đối thủ ngoại quốc cố gắng phá hoại tiến trình dân chủ.
Đánh giá của DHS dự đoán Nga, Iran và Trung Quốc "sẽ sử dụng sự kết hợp giữa các chiến thuật phá hoại, không công khai, tội phạm và cưỡng bức để tìm kiếm cơ hội mới nhằm phá hoại niềm tin vào các thể chế dân chủ của Hoa Kỳ và sự gắn kết xã hội trong nước".

Theo phúc trình, những kẻ cực đoan bạo lực trong nước gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng khác. Ông Trump đã là mục tiêu của hai vụ mưu sát.
Phúc trình dự kiến những kẻ cực đoan trong nước sẽ thực hiện các hành động bạo lực "với mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi trong số cử tri, ứng cử viên và nhân viên bầu cử, cũng như phá hoại tiến trình bầu cử".
Trong số những kẻ đó, những kẻ phạm tội đơn độc hoặc các nhóm nhỏ có động cơ bất bình liên quan đến chủng tộc, tôn giáo, giới tính hoặc quan điểm chống chính phủ gây ra mối đe dọa lớn nhất, phúc trình cho biết.


Bầu Cử Mỹ 2024: Bất Phân Thắng Bại Cuộc Tranh Luận Giữa Hai Ứng Viên Phó Tổng Thống


(Getty Images via AFP - Anna Moneymaker: Cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Phó Tổng thống Mỹ 2024 được chiếu qua đài truyền hình. Ảnh ngày 1/10/2024.)
-Tối 1/10/2024, hai ứng viên Phó Tổng thống Mỹ, Tim Walz - liên danh với ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris và J.D. Vance, liên danh với ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump, lần đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất, đã tranh luận với nhau khoảng 90 phút trên truyền hình Mỹ.
Tuy nhiên, theo thông tín viên Guillaume Naudin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Hoa Thịnh Ðốn, cuộc tranh luận này có lẽ không mang lại nhiều thay đổi về kết quả bầu cử:
"Theo truyền thống trong các cuộc tranh luận giữa những ứng viên Phó Tổng thống, người liên danh với các ứng viên Tổng thống, thì họ không thực sự tấn công lẫn nhau. Trái lại, khi họ tấn công vào ứng cử viên Tổng thống của phe đối lập thì cuộc đấu khẩu nhanh chóng trở nên dữ dội. Chẳng hạn như khi J.D. Vance tấn công Kamala Harris về vấn đề bảo đảm an ninh ở biên giới miền Nam đất nước.

J.D. Vance nói: "Tôi có một người mẹ đã phải vật vã cai nghiện thuốc phiện và đã cai được. Tôi không muốn những người đang phải vật lộn với cơn nghiện bị tước đi cơ hội thứ hai bởi vì Kamala Harris đã đưa chất gây nghiện fentanyl vào cộng đồng của chúng ta, nhiều ở mức kỷ lục. Phải ngăn chặn điều này".
Đối với J.D. Vance, Thượng Nghị sĩ tiểu bang Ohio, Donald Trump và người của đảng Cộng hòa có chung chí hướng chống lại giới tinh hoa. Đây là lập luận mà Thống đốc tiểu bang Minnesota, Tim Walz, rõ ràng đã chuẩn bị đối phó từ trước khi tỏ thái độ xuề xòa và gần gũi với dân chúng.

Ông nói: "Các Kinh tế gia, chúng ta không thể tin cậy vào họ được. Khoa học, chúng ta không thể tin được. Những người thuộc cơ quan an ninh quốc gia, chúng ta không thể tin tưởng họ. Nếu trở thành Tổng thống, quý vị cũng sẽ không giải đáp được tất cả. Thế mà Donald Trump nghĩ rằng ông ấy biết tất cả. Lời khuyên của tôi hôm nay là: Nếu quý vị cần phẫu thuật tim, hãy nghe những người làm việc ở bệnh viện tư Mayo ở Rochester hay Minnesota, chứ đừng có nghe Donald Trump".
Giữa họ với nhau, J.D. Vance và Tim Walz tỏ ra lịch sự và thậm chí còn đồng ý về một số điểm, nhưng không phải là về kết quả kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Khi Tim Walz hỏi đối thủ rằng liệu ông có thừa nhận Donald Trump đã thất cử hay không, J.D. Vance né tránh trả lời. Sự chia rẽ vẫn còn đó. Và điều này được phản ánh qua kết quả của cuộc thăm dò ý kiến sau cuộc tranh luận: Nhìn tổng thể, đây là một trận đấu không có người thắng, kẻ thua".


Mễ Tây Cơ: Tân Tổng Thống Claudia Sheinbaum Chính Thức Nhậm Chức


(Hình AP / Eduardo Verdugo: Nữ Tổng thống đầu tiên của Mễ Tây Cơ, bà Claudia Sheinbaum trong ngày tuyên thệ nhập chức, 1/10/2024.)
-Ngày 1/10/2024 đáng ghi dấu: Mễ Tây Cơ lần đầu tiên trong lịch sử có một nữ Tổng thống. Bà Claudia Sheinbaum đã tuyên thệ nhậm chức ở Quốc hội, trước khi có bài diễn văn tại Phủ Tổng thống, trung tâm thủ đô.
Giống như người tiền nhiệm Andrés Manuel Lopez Obrador, tân Tổng thống Claudia Sheinbaum nêu bật các giá trị xã hội và nhân văn, nhưng mở ra một chương mới bằng cách tôn vinh những phụ nữ có tư tưởng tiến bộ. Từ Mễ Tây Cơ, thông tín viên Gwendolina Duval của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gửi về bài phóng sự:
"Trên quảng trường Hiến pháp ở khu trung tâm lịch sử, đông kín người, tân Tổng thống Claudia Sheinbaum được trao quyền trượng theo một nghi lễ của người bản địa và do các phụ nữ chủ trì. Một người phát biểu: "Đây là một biểu tượng cho nguồn năng lượng từ sâu thẳm bên trong Mễ Tây Cơ". Tổng thống Claudia Sheinbaum đáp lời: "Tôi sẽ không làm quý vị thất vọng".

Claudia Sheinbaum trình bày chương trình hành động với 100 biện pháp, cũng giống như người tiền nhiệm. Bà sẽ tiếp tục các dự án cải cách, các chương trình xã hội và các công trình hạ tầng cơ sở, ví dụ hệ thống xe lửa. Nhưng bà cũng tính đến việc giải quyết các vấn đề cấp bách còn đang dang dở như giáo dục, y tế và môi trường.
Tân Tổng thống Claudia Sheinbaum không quên tì vết chính của người tiền nhiệm: Vấn đề an ninh. Bà phát biểu: "Tôi luôn ghi nhớ trong đầu rằng trách nhiệm của tôi là đưa Mễ Tây Cơ vào con đường dẫn tới hòa bình và an ninh. Tôi bảo đảm là tình trạng tội phạm sẽ giảm đi.
Trước đó, tại Quốc hội, bà Claudia Sheinbaum đã đề cao vai trò phụ nữ và đề nghị mọi người gọi là bà PresidentA. Tổng thống phát biểu: "Với chữ A ở cuối, như trong tiếng Tây Ban Nha mọi người vẫn dùng để gọi các Luật sư, nhà khoa học, Kỹ sư, bởi vì chúng ta đã được dạy rằng chỉ những người được gọi tên thì mới tồn tại".
Và cũng giống như Tổng thống tiền nhiệm, hàng ngày bà Claudia Sheinbaum sẽ tổ chức họp báo để nói với người dân Mễ Tây Cơ".


Quân Đội Do Thái Mở Chiến Dịch Tấn Công Trên Bộ Vào Lebanon


(Hình AP - Baz Ratner: Lính Do Thái và xe tăng tập trung gần biên giới giữa Do Thái và Lebanon ngày 1/10/2024.)
-Hôm 1/10/2024, quân đội Do Thái thông báo đã mở chiến dịch tấn công trên bộ vào miền Nam Lebanon để chống lực lượng Hezbollah thân Iran, mặc dù quốc tế liên tục kêu gọi xuống thang.
Trong thông cáo, quân đội Do Thái cho biết chiến dịch tấn công trên bộ bắt đầu từ tối qua là những đợt đột kích "có giới hạn" nhắm vào "các mục tiêu và các cơ sở hạ tầng của quân khủng bố Hezbollah". Nhưng thông cáo không nói rõ bao nhiêu binh lính được huy động cho các cuộc tấn công trên bộ này. Từ Beirut, thông tín viên Paul Khalifeh của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Các chiến dịch tấn công trên bộ của Do Thái tập trung ở phần phía Đông của biên giới, trên một mặt trận dài khoảng 40 cây số, đến tận dãy núi sát với vùng Golan bị Do Thái chiếm đóng và sáp nhập.

Tại khu vực này quân đội Do Thái đã nã pháo dồn dập và đã điều động quân đến nhiều điểm. Trong đêm qua, quân đội Lebanon cũng đã tái bố trí lực lượng, rút quân khỏi các trạm quan sát dọc theo biên giới để khai triển ở những vị trí cách đó từ 3 đến 5 cây số về phía Bắc.
Vào sáng sớm hôm 1/10, lực lượng Hezbollah thông báo đã bắn "trực tiếp" về phía các đội quân Do Thái đang di chuyển đến các vườn rau nằm đối diện với hai địa phương của Lebanon. Những khu vực này nằm trong vùng quân sự mà quân đội Do Thái đã ban hành vài tiếng đồng hồ trước đó. Tổ chức Hồi giáo Shiite vào sáng sớm 1/10 đã bắn khoảng 50 rocket vào khu vực mà Do Thái di chuyển quân.
Cùng với các chiến dịch tấn công trên bộ, quân đội Do Thái tiếp tục tiến hành các cuộc không kích. Mounir al-Maqdah, chỉ huy các Binh đoàn al-Aqsa ở Lebanon đã thoát chết trong vụ oanh kích sáng sớm nay vào một trại tị nạn Palestine cách Beirut 45 cây số vào phía Nam".
Hôm 1/10, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc cấp tốc gởi thêm viện trợ cho khoảng 1 triệu người dân buộc phải tản cư do các vụ oanh kích của Do Thái vào Lebanon.


Trung Đông Tăng Nhiệt: Iran Phóng Phi Đạn Qua Do Thái


(Hình AFP: Phi đạn của Iran trên bầu trời thành phố Ashdod của Do Thái ngày 1/10/2024 - ảnh chụp từ thành phố Hebron thuộc Vùng Tây Ngạn.)
-Ngày 1/10/2024, Iran bắn hàng loạt phi đạn-đạn đạo qua Do Thái, trả đũa chiến dịch của Do Thái chống lại các đồng minh Hezbollah của Iran tại Lebanon.
Còi báo động vang lên khắp Do Thái và có thể nghe thấy tiếng nổ ở Jerusalem và thung lũng Sông Jordan, người dân Do Thái đổ xô vào hầm trú bom. Các phóng viên trên truyền hình nhà nước nằm dài trên mặt đất trong khi đang phát sóng trực tiếp.

Các nhà báo của thông tấn xã Reuters nhìn thấy phi đạn bị đánh chặn trong không phận của láng giềng Jordan. Báo chí Do Thái đưa tin có tới 100 phi đạn đã được phóng.

Trước đó, quân đội Do Thái đã yêu cầu người dân trú ẩn trong các phòng an toàn trong trường hợp bị tấn công
Iran đã thề sẽ trả đũa sau các cuộc ám sát lãnh đạo cấp cao của đồng minh Hezbollah của Iran tại Lebanon.
Hành động trả đũa diễn ra sau khi Do Thái cho biết quân đội của họ đã tiến hành các cuộc đột kích trên bộ vào Lebanon, mặc dù mô tả chúng là có giới hạn. Chiến dịch của Do Thái tại Lebanon là sự leo thang lớn nhất của chiến tranh khu vực kể từ khi giao tranh nổ ra ở Gaza một năm trước.

Tại Hoa Thịnh Ðốn, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết Hoa Kỳ đã chuẩn bị giúp Do Thái tự vệ trước các cuộc tấn công bằng phi đạn của Iran.
"Chúng tôi đã thảo luận về cách Hoa Kỳ chuẩn bị giúp Do Thái tự vệ trước các cuộc tấn công này và bảo vệ nhân sự Hoa Kỳ trong khu vực", ông Biden nói trên X về cuộc họp được tổ chức với Phó Tổng thống Kamala Harris và nhóm an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc vào đầu ngày.


Mỹ Cảnh Báo Iran Về "Hậu Quả Nghiêm Trọng" Nếu Tấn Công Do Thái


(AP - Kin Cheung: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin phát biểu trong một cuộc họp tại Greenwich, Luân Đôn, thủ đô của Anh Quốc, ngày 26/9/2024.)

-Hôm 1/10/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã lên tiếng cảnh báo Iran về "những hậu quả nghiêm trọng", nếu Teheran tiến hành "cuộc tấn công quân sự trực tiếp chống lại Do Thái".

Lãnh đạo Ngũ Giác Đài tái khẳng định "cần có giải pháp ngoại giao" để bảo đảm an toàn cho dân thường "ở cả hai bên biên giới".

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có cùng quan điểm với Do Thái: Cần phải "phá hủy hạ tầng tấn công" của Hezbollah, trong bối cảnh quân đội Do Thái mới phát động "các cuộc tấn công trên bộ" ở miền Nam Lebanon.

Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ khai triển thêm binh sĩ đến những khu vực có chiến sự tại Trung Đông, theo tường thuật của thông tín viên Guillaume Naudin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Hoa Thịnh Ðốn:

"Tôi biết điều đó hơn những gì mọi người nghĩ và tôi đồng ý rằng họ phải dừng lại. Chúng ta cần đạt được lệnh ngưng bắn ngay bây giờ". Khi được hỏi về cuộc đổ bộ của Do Thái ở miền Nam Lebanon, Joe Biden đã cho biết rõ những gì ông nghĩ về chiến dịch này. Mặc dù Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định Do Thái có quyền tự vệ trước một tổ chức mà Hoa Thịnh Ðốn coi là khủng bố, Tòa Bạch Ốc vẫn mong muốn tìm được một giải pháp ngoại giao ở cả Gaza lẫn Lebanon mà vẫn chưa thành công.

Đây là lý do tại sao Ngũ Giác Đài tuyên bố quân đội Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện tại chỗ. Theo một viên chức cấp cao, được báo chí trích dẫn, sẽ có thêm vài ngàn binh lính bổ sung, từ 2.000 đến 3.000 người, được điều đến khu vực, nơi đã có khoảng 40.000 lính Mỹ đóng quân ở nhiều quốc gia khác nhau. Mặc dù không có cuộc tấn công trực tiếp nào chống lại Hoa Thịnh Ðốn được ghi nhận, hoạt động này nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các binh sĩ Mỹ.

Ngoài số binh sĩ nêu trên, một số phi đội máy bay chiến đấu cũng sẽ được khai triển. Với các chiến đấu cơ F-15, F-16 hay thậm chí là máy bay F-22 thế hệ mới nhất. Ngoài ra, còn phải nhắc đến máy bay cường kích A-10 thế hệ cũ hơn, nhưng nổi tiếng về tính hiệu quả. Việc Mỹ khai triển quân đội chắc chắn cũng nhằm mục đích gửi một thông điệp có tính răn đe tới các lực lượng dân quân thân Iran trải rộng khắp khu vực.


Tổng Thống Nga Putin Ký Sắc lệnh Về Nghĩa Vụ Quân Sự, Huy Động Hơn 130 Ngàn Binh Sĩ


(Ảnh AP / Aleksei Nikolsky - tư liệu: Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo những thay đổi trong học thuyết sử dụng vũ khí nguyên tử của Nga, trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia, Mạc Tư Khoa, Nga, ngày 25/9/2024.)
-Hôm 30/9/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh về nghĩa vụ quân sự. Khoảng 133.000 người sẽ phải nhập ngũ trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2024 và phục vụ trong quân đội trong vòng 12 tháng.
Báo Pháp Le Monde, trích dẫn Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga, cho biết lính nghĩa vụ không phải tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại những khu vực quân đội Nga chiếm đóng tại Ukraine.
Trong đợt nhập ngũ mùa Xuân vừa qua, 150.000 tân binh đã được gọi nhập ngũ, cùng với 130.000 người được động viên trước đó trong đợt nhập ngũ mùa Thu năm 2023.

Kể từ ngày 1/1/2024, ngoài 30 tuổi mới được miễn nghĩa vụ quân sự.
Vẫn về chiến tranh Ukraine, chính quyền Nga, hôm 30/9, đã công bố Dự luật ngân sách năm 2025, cho thấy chi tiêu quân sự của Mạc Tư Khoa sẽ tăng 30% trong năm tới, khẳng định quyết tâm của Ðiện Cẩm Linh ở chiến trường Ukraine, bất chấp những chi phí về nhân lực và kinh tế.
Chi tiêu quốc phòng của Nga sẽ đạt gần 13.500 tỉ Rúp (130 tỉ Euro) vào năm 2025. Dự luật sẽ phải được Quốc hội Nga phê chuẩn vào mùa Thu trước khi được Tổng thống Putin ký ban hành.
Kể từ năm 2022, Ðiện Cẩm Linh đã định hướng nền kinh tế để phục vụ chiến tranh, phát triển tổ hợp công nghiệp-quân sự với tốc độ cao, tuyển dụng hàng trăm ngàn nhân viên.
Ðiện Cẩm Linh dự trù tiến hành cuộc xung đột kéo dài với Ukraine và dường như không lo ngại trước nguy cơ nền kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc vào chiến tranh, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát trong nước đạt khoảng 9%, làm giảm sức mua của người Nga.


Nhà Ngoại Giao Cấp Cao: Nga Sẵn Sàng Cho Cuộc Đối Đầu Lâu Dài Với Hoa Kỳ


(Hình AP: Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov.)
-Nga phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với Hoa Kỳ và đã nhiều lần gửi cảnh báo tới Hoa Thịnh Ðốn về cuộc khủng hoảng trong quan hệ, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov được dẫn lời nói hôm thứ Ba (1/10/2024).
Cuộc chiến tranh kéo dài 2 năm rưỡi ở Ukraine đã gây ra cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962, được coi là sự kiện mà hai siêu cường Chiến tranh Lạnh tiến gần nhất tới cuộc chiến nguyên tử có chủ đích.
Cuộc xung đột đang bước vào giai đoạn mà các viên chức Nga cho là nguy hiểm nhất cho đến nay. Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy đã thúc giục các đồng minh của Kyiv để Ukraine bắn phi đạn tầm xa của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga để hạn chế khả năng tấn công của Mạc Tư Khoa.
Ông Ryabkov, người giám sát kiểm soát vũ khí và quan hệ với Hoa Thịnh Ðốn, cho biết rằng Mạc Tư Khoa không hề ảo tưởng về mối quan hệ này, xét đến "sự đồng thuận lưỡng đảng nhằm chống Nga" tại Hoa Kỳ.
"Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với quốc gia này. Xét về mọi khía cạnh, chúng ta đã sẵn sàng cho điều này", hãng thông tấn nhà nước RIA trích lời ông Ryabkov nói.
"Chúng ta đang gửi mọi tín hiệu cảnh báo đến đối thủ để họ không đánh giá thấp quyết tâm của chúng ta", ông Ryabkov nói.
Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo phương Tây vào tuần trước rằng Nga có thể sử dụng vũ khí nguyên tử nếu bị tấn công bằng phi đạn thông thường và rằng Mạc Tư Khoa sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga, mà được một cường quốc nguyên tử hỗ trợ, là một cuộc tấn công chung.


Nga Tuyên Bố Sẽ Không Thảo Luận Về Hiệp ước Nguyên Tử Mới Với Hoa Kỳ Theo Hình Thức Hiện Thời


(Hình REUTERS: Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov.)
-Hôm thứ Ba (1/10/2024), Ðiện Cẩm Linh cho biết Nga sẽ không thảo luận về việc ký kết một Hiệp ước mới với Hoa Kỳ để thay thế một thỏa thuận hạn chế vũ khí nguyên tử chiến lược của mỗi bên, vốn sẽ hết hạn vào năm 2026, vì nó cần được mở rộng để bao gồm các quốc gia khác.
Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã đưa ra những bình luận này khi được hỏi về số phận của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới, gọi tắt là New START, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 5 tháng 2 năm 2026.
Thỏa thuận này giới hạn số lượng đầu đạn nguyên tử chiến lược mà Hoa Kỳ và Nga có thể khai triển, cũng như việc khai triển máy bay ném bom và phi đạn từ tàu ngầm và trên mặt đất. Đây là trụ cột cuối cùng còn lại của việc kiểm soát vũ khí nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Nga.

Tổng thống Vladimir Putin vào năm 2023 đã đình chỉ sự tham gia của Nga vào Hiệp ước vì Hoa Kỳ ủng hộ Ukraine, mặc dù Mạc Tư Khoa đã tuân thủ các giới hạn về đầu đạn, phi đạn và máy bay ném bom theo thỏa thuận - giống như Hoa Kỳ đã làm.
Trích dẫn một nguồn tin cấp cao giấu tên của Nga, tờ Izvestia đưa tin trước đó vào thứ Ba rằng Nga sẽ không ký một Hiệp ước mới với Hoa Kỳ do Hoa Thịnh Ðốn ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Khi được hỏi về bản tin của Izvestia, ông Peskov nói rằng tin tức này về cơ bản phù hợp với những phát biểu của ông Putin.
"Đầu năm nay, ông (Putin) đã nói rằng vì những điều kiện đã thay đổi, hầu như không thể thảo luận về vũ khí tấn công chiến lược, kho vũ khí, v.v., mà không tính đến cơ sở hạ tầng nguyên tử quân sự ở Âu Châu, không đưa các quốc gia Âu Châu vào quá trình đàm phán và không đề cập đến các yếu tố khác của an ninh chiến lược, và rằng Nga sẽ không làm như vậy", ông Peskov nói với các phóng viên.
"Chúng ta phải nhìn nhận tỉnh táo về tình hình đã phát triển và, tính đến tất cả các khía cạnh mới, tổ chức quá trình đàm phán. Đối với chúng tôi, có vẻ như sẽ là vô lý nếu khăng khăng tiến hành các cuộc đàm phán như vậy như không có gì xảy ra. Nga sẽ không làm như vậy".
Nga và Hoa Kỳ cùng nhau kiểm soát 88% đầu đạn nguyên tử của thế giới. Tuần trước, ông Putin cho biết Nga đang cập nhật chính sách liên quan đến vũ khí nguyên tử và mở rộng danh sách các kịch bản mà nước này có thể phải sử dụng đến chúng.


Cựu Thủ Tướng Hòa Lan Chính Thức Trở Thành Tổng Thư Ký NATO



(Hình AP - Harry Nakos: Cựu Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) đón tân lãnh đạo Liên minh Mark Rutte trong lễ bàn giao, trụ sở NATO, Brussels, thủ đô của Bỉ, ngày 1/10/2024.)
-Hôm 1/10/2024, cựu Thủ tướng Hòa Lan, ông Mark Rutte chính thức trở thành Tổng Thư ký khối Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), thay ông Jens Stoltenberg, người Na Uy, lãnh đạo Liên Minh trong 10 năm qua.
Theo thông tấn xã AFP, lễ chuyển giao quyền lực diễn ra tại trụ sở của NATO tại Brussels (Bỉ), trong khuôn khổ cuộc họp Hội Đồng Bắc Đại Tây Dương, một định chế chính trị của khối tập hợp Đại sứ của các nước thành viên.

Với tư cách là Thủ tướng, ông Mark Rutte (57 tuổi) đã 14 lần đại diện cho Hòa Lan dự các cuộc họp thượng đỉnh. Ông quen biết cựu lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg, khi còn là Thủ tướng Na Uy.
Mark Rutte lên lãnh đạo liên minh quân sự này trong bối cảnh Âu Châu đang chứng kiến cuộc chiến tiêu hao ở Ukraine do Nga phát động, và nhất là trước nguy cơ nhà tỉ phú Mỹ Donald Trump tái đắc cử Tổng thống trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 ở Mỹ. Trong hậu trường ở Brussels, lời dọa dẫm triệt thoái quân Mỹ mà cựu Tổng thống Trump đưa ra vẫn còn dư âm.
Phát biểu tại cuộc họp, Jens Stoltenberg khẳng định Liên minh NATO, "nằm trong tay một người đáng tin cậy". Về phần mình, cựu Thủ tướng Hòa Lan ấn định 3 ưu tiên cho nhiệm kỳ 4 năm của ông: Hậu thuẫn Ukraine – ưu tiên cao nhất, củng cố "hệ thống phòng thủ tập thể" và cuối cùng, phát triển các mối quan hệ đối tác quốc tế mà NATO đã có các cam kết với các nước thứ ba.

Dù vậy, vấn đề ngân sách cho khối sẽ là một trong những chủ đề được trông đợi nhiều nhất. Tái cân bằng ngân sách và chia sẻ gánh nặng từ lâu luôn là một đòi hỏi của Mỹ, không chỉ từ thời Donald Trump.
Ngày 17 và 18/10/2024 sắp tới, Mark Rutte sẽ chủ trì cuộc họp với các Bộ trưởng Quốc phòng của 32 nước thành viên. Đây sẽ là bài trắc nghiệm đầu tiên cho tân lãnh đạo NATO với một nhiệm vụ chính: Duy trì đoàn kết 32 nước đồng minh, một đại gia đình nhưng cũng là "một thách thức lớn thực sự" theo như tuyên bố của vị lãnh đạo mãn nhiệm Jens Stoltenberg.


Cựu Bộ Trưởng Ishiba Chính Thức Được Bầu Làm Thủ Tướng Nhật Bản


(Hình AP / Kim Kyung-Hoon: Tân Thủ tướng Shigeru Ishiba trong một cuộc họp báo tại Tokyo, thủ đô của Nhật Bản, ngày 27/9/2024.)
-Hôm 1/10/2024, cựu Bộ trưởng Shigeru Ishiba chính thức được Quốc hội bầu làm tân Thủ tướng Nhật Bản.
Cuộc bỏ phiếu hôm 1/10 ở lưỡng viện của Quốc hội Nhật Bản chỉ mang tính hình thức, sau khi ông Ishiba đắc cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do, đảng đã cầm quyền gần như liên tục từ năm 1955 đến nay. Ông là một chính khách dày dặn kinh nghiệm, từng giữ nhiều chức Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng.

Tân Thủ tướng sẽ nhanh chóng công bố thành phần Nội các. Theo báo chí Nhật Bản, cựu Tổng Thư ký của chính phủ, ông Katsunobu Kato, sẽ được giao giữ chức Bộ trưởng Tài chánh, ông Gen Nakatani sẽ nắm Bộ Quốc phòng, còn tân Ngoại trưởng sẽ là ông Takeshi Iwaya.
Nhưng để củng cố tính chính danh của chính phủ mới, ông Ishiba hôm 30/9 thông báo sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn ngày 27/10 tới.

Theo nhận định của chuyên gia Yuko Nakano, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, được hãng tin AFP trích dẫn hôm 1/10, tân Thủ tướng Nhật Bản phải đối đầu với nhiều thách thức về kinh tế, chính trị và quốc tế.
Về mặt kinh tế, mức tiêu dùng quá yếu và mức tăng lương quá thấp là hai yếu tố cản trở tăng trưởng của Nhật Bản. Ông Ishiba còn phải tìm giải pháp cho tình trạng láo hóa của dân số Nhật Bản, do tỷ lệ sinh đẻ rơi xuống mức rất thấp.
Về đối ngoại, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với các căng thẳng quốc tế, trong bối cảnh dưới thời người tiền nhiệm, Tokyo đã tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng và tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và các nước khác lo ngại trước thế lực đang lên của Trung Quốc cũng như những hành động của Nga và Bắc Hàn. Trước những mối đe dọa đó, ông Ishiba chủ trương thành lập một liên minh quân sự cho Á Châu, dựa trên nguyên tắc phòng thủ chung, theo mô hình Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO).


Nam Hàn Trình Làng 'Phi Đạn Quái Vật' Tại Các Cuộc Diễu Binh Thường Niên Mới Được Khôi Phục


(Hình AFP: Hyunmoo-5 được trình làng hôm 1/10/2024.)
-Nam Hàn đã trình làng một phi đạn-đạn đạo có khả năng mang đầu đạn nặng 8 tấn và có màn bay qua của một máy bay ném bom của Hoa Kỳ tại cuộc diễu binh ở Hán Thành hôm thứ Ba (1/10/2024), một cuộc biểu dương lực lượng hiện được tổ chức hàng năm để cho thấy sự sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa của Bắc Hàn.
Phi đạn Hyunmoo-5, được thử nghiệm thành công vào năm 2023, đã được trình làng tại cuộc diễu binh có tên gọi Ngày Lực lượng Vũ trang tại một căn cứ Không quân ở Hán Thành, với sự tham gia của khoảng 5.300 quân nhân, 340 loại thiết bị quân sự và máy bay bay qua. Một cuộc diễu binh quy mô nhỏ hơn khác đã diễn ra ở trung tâm thành phố Hán Thành, thu hút hàng ngàn người theo dõi.

Trong nhiều thập kỷ, các cuộc diễu binh như vậy chỉ được tổ chức không thường xuyên ở Nam Hàn. Nhưng năm 2023, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã khôi phục truyền thống tổ chức chúng hàng năm, phù hợp với khẩu hiệu "hòa bình thông qua sức mạnh" của ông.
Các viên chức quân sự cho biết rằng một phần của cuộc diễu binh hôm thứ Ba nhằm thể hiện sức mạnh quân sự của Nam Hàn như một biện pháp răn đe đối với Bắc Hàn, quốc gia thường xuyên tổ chức các cuộc diễu binh có vũ khí như phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa.
Được truyền thông Nam Hàn gọi là "phi đạn quái vật", Hyunmoo-5, vốn là tâm điểm của cuộc diễu hành, được thiết kế đặc biệt để xuyên thủng các boongke ngầm.

Cuộc diễu hành của Nam Hàn có sự tham gia bay qua lần đầu tiên của máy bay ném bom chiến lược B-1B của Hoa Kỳ, trong khi ban nhạc Quân đoàn 8 của Hoa Kỳ và một lữ đoàn Stryker bọc thép cũng tham gia.
Trong bài phát biểu trước cuộc diễu hành, ông Yoon đã cảnh báo Bình Nhưỡng không được sử dụng vũ khí nguyên tử và chế giễu cái mà ông gọi là sự hợp tác quân sự bất hợp pháp của nước này với Nga.
Ông cũng ăn mừng lễ ra mắt Bộ tư lệnh Chiến lược, có nhiệm vụ ứng phó với vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Hàn.


Quân Đội Trung Quốc Tuần Tra Sẵn Sàng Tác Chiến Tại Nhiều Khu Vực ở Biển Đông


(Hình REUTERS, minh họa: Tàu và máy bay trực thăng của Trung Quốc tại một cuộc tập trận giải cứu gần Hoàng Sa vào ngày 14/7/2016.)
-Quân đội Trung Quốc tiến hành tuần tra sẵn sàng chiến đấu tại nhiều khu vực Biển Đông. Hoạt động này diễn ra từ ngày 30/9 sang 1/10/2024.
Thông tấn xã Reuters dẫn nguồn từ truyền thông nhà nước Trung Quốc vào ngày 1/10 nêu rõ hoạt động này của Chiến khu Nam bộ Giải phóng quân Nhân dân (PLA) là sự mở rộng các cuộc diễn tập quân sự suốt cuối tuần qua trong khu vực.
Mục tiêu của các cuộc tuần hành sẵn sàng chiến đấu như vừa nêu được phía Trung Quốc nêu ra là nỗ lực nhằm cải thiện khả năng tác chiến cũng như duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Biển Đông.

Vào ngày 28/9, lực lượng Không quân và Hải quân Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động gần khu vực Bãi cạn Scarborough; sau khi Úc Ðại Lợi và Phi Luật Tân cho biết quân đội hai nước này sẽ tiến hành hoạt động hàng hải phối hợp với Nhật Bản, Tân Tây Lan, Hoa Kỳ tại Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố gần như trọn Biển Đông trong đường đứt khúc mà Bắc Kinh tự vạch ra.
Hồi tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) ở The Hague (Hòa Lan) ra phán quyết đường đứt khúc của Bắc Kinh tại Biển Đông không có cả căn cứ pháp lý và lịch sử. Tuy vậy, Trung Quốc không chấp hành phán quyết của Tòa mà ngày càng trở nên hung hăng, quyết đoán hơn.
Trong những cuộc nói chuyện gần đây với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc là ông Vương Nghị, Tổng trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nêu ra những hành động gây bất ổn và nguy hiểm của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ông Antony Blinken trước đó cũng đã cáo buộc Trung Quốc về biện pháp mang tính gây hấn là cho bố trí lực lượng tuần duyên và tàu đánh cá bị nghi là dân quân biển tại Biển Đông.


Hoa Kỳ Thông Báo Viện Trợ Hơn Nửa Tỉ Mỹ kim Hỗ Trợ Quốc Phòng Đài Loan


(Ảnh REUTERS / Ann Wang - minh họa: Máy bay F-16 của Không quân Đài Loan do Mỹ cung cấp, biểu diễn trong một sự kiện tại Đài Trung, Đài Loan, ngày 28/8/2020.)

-Hôm 29/9/2024, chính quyền Hoa Kỳ thông báo Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt gói viện trợ trị giá hơn nửa tỉ Mỹ kim để hỗ trợ quốc phòng Đài Loan.

Hãng tin AFP dẫn lại thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết, Tổng thống Biden đã yêu cầu Ngoại trưởng Antony Blinken gửi "các thiết bị và dịch vụ quốc phòng trị giá lên tới 567 triệu Mỹ kim để hỗ trợ Đài Loan".

Gói hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ kế hoạch viện trợ quy mô lớn được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 04/2024, với hơn 8 tỉ Mỹ kim được huy động để giúp Đài Loan có thể đương đầu với quân đội Trung Quốc, bằng cách đầu tư vào tàu ngầm. Hoa Thịnh Ðốn cũng hỗ trợ Đài Bắc về mặt kinh tế, giúp cạnh tranh với các dự án lớn của Bắc Kinh ở những nước đang phát triển.

Trung Quốc đã gia tăng áp lực quân sự và chính trị với Đài Loan trong những năm gần đây, thường xuyên điều chiến hạm và máy bay quân sự di chuyển vòng quanh hòn đảo. Bắc Kinh thường xuyên phản đối việc Hoa Thịnh Ðốn hỗ trợ Đài Bắc và cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Về tình hình tại chỗ, chính quyền Đài Loan, hôm qua, tuyên bố đang trong tình trạng cảnh giác cao độ sau khi phát giác "sóng" phi đạn được phóng bên trong lãnh thổ Trung Quốc, vài ngày sau khi Bắc Kinh tiến hành vụ thử phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa.

Bộ Quốc phòng Đài Loan ghi nhận các phi đạn hoạt động ở khu vực Nội Mông, Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương, đồng thời nhấn mạnh "lực lượng phòng không của Đài Loan duy trì mức cảnh giác cao độ" và cho biết "bất kỳ hành động đe dọa và khiêu khích nào của Trung Quốc sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sự ổn định trong khu vực".

Không có nhận xét nào: